Thứ Năm, 7 tháng 7, 2022

(55) Phẩm: LẮNG NGHE VÀ THẤU HIỂU

Thuộc Đại Trí Bộ.
---
Nguyễn Đức Quang:  Thưa Thầy! Nếu như được nghe những lời thuyết từ một vị Phật quá khứ thì ta có nên tin hay không? Và có nên tin vào các vị đang thuyết giảng pháp rất nhiều như bây giờ hay không? Hay ta chỉ tin vào những thứ ta tự chiêm nghiệm, tự học hỏi, tự giác ngộ. Vậy đâu sẽ là khởi đầu những thắc mắc của Phật tử như chúng con. Kính mong Thầy hoan hỉ giảng giải cho con thông chỗ này.
Pháp Không Chân Như: Nguyễn Đức Quang! Hãy khoan nói đến tin hay không tin, trước hết hãy lắng nghe và thấu hiểu. Ví như bài đăng trước, tôi có trích lời Phật dạy (Mười nền tảng của đức tin chân chánh trong kinh Kalama), ông chưa đọc kỹ, thấu hiểu và quán xét.
Nguyễn Đức Quang: Nam mô Phật. Xin lắng nghe Thầy dạy!
Pháp Không Chân Như: Nguyễn Đức Quang! Ta là Phật tử. Cho nên sẽ dẫn đến, ta tin chư Phật luôn nói thật, luôn nói lời đúng, không nói dối, không nói thêu dệt, không tăng thượng mạn, không nói lời chẳng đúng; Ta tin Ngài là bậc chánh kiến, chánh tư duy, có trí huệ vô thượng, thấu biết mọi sự vật, hiện tượng trong Vũ Trụ, thấu biết thật tướng của Vũ Trụ và Nhân sinh. Vì ta tin như vậy nên ta tin lời Ngài nói.
Nhưng này, Nguyễn Đức Quang, ta tin lời chư Phật nói chứ chẳng phải vì tin như thế mà ta tin những gì mà một trung gian cho rằng lời đó là lời của Phật nói.
Có một người chưa vào đạo đã nói với tôi rằng: "Nếu những cuốn sách kinh được tìm thấy, trong đó ghi là lời của Phật và được chứng minh bằng phương pháp cạc-bon phóng xạ rằng nó xuất xứ vào thời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế thì không thể chứng minh rằng những lời đó là của Đức Thế Tôn được. Vì cũng có thể vào những thời kỳ gần thời kỳ của Đức Thế Tôn tại thế hoặc ngay thời kỳ Đức Thế Tôn tại thế, có kẻ đã mạo danh và ghi ra như vậy." Nguyễn Đức Quang! Lời của người này rất có lý. Sự việc ấy có thể xảy ra.
Khi ông nghe tôi nói như vậy, ông sinh tâm lo lắng chăng? Ông không phải lo lắng. Vì sao? Vì sự giả không bao giờ là bền vững. Nguyễn Đức Quang! Có bốn phương tiện đưa đến lời nói được bộc lộ là sự giả. Thế nào là bốn phương tiện?
Một là PHƯƠNG TIỆN PHẢN BIỆN. Về mặt hiện tượng, thì sự vật hiện tượng là một phần của thật tướng, nó không nằm ngoài thật tướng. Vậy nên, nếu ta tìm thấy một bằng chứng phản biện được một cách tròn đủ lời nói ta đang quán xét là không đúng thì lời nói đó không đúng. 
Nhưng này, Nguyễn Đức Quang, nếu ta không tìm thấy bất cứ thứ gì để chứng minh lời nói đó sai thì lời nói đó chưa chắc đúng. Nhưng vì, ta là con người, là một chúng sinh đang ở kiếp người, đưa đến ta thừa nhận nó đúng. Nếu sự thật nó đúng thì đó là phước đức của ta. Nếu sự thật nó không đúng thì ta cũng phải chấp nhận vì ta còn là một chúng sinh, còn phải gánh chịu những sự việc như vậy. Ta là chúng sinh trôi lăn trong luân hồi vì nghiệp ta đã tạo thì ta phải thừa tự nó. Kiếp con người là một thừa tự, phải có sự khiếm khuyết xảy ra với chính ta.
Hai là PHƯƠNG TIỆN LỊCH SỬ. Ta xâu chuỗi và quán xét một cách nghiêm túc dẫn đến rằng chính lời nói đó đã có người thực hành chỉ lời nói đó đã đem đến kết quả tốt đẹp ngay trong khi người đó còn sống. Và ta tin được lời nói đó đúng.
Nhưng này, Nguyễn Đức Quang, nếu sự xâu chuỗi và quán xét của ta có khiếm khuyết, sai sót, nhầm lẫn, dẫn đến ta kết luận lời nói đó đúng nhưng sự thật là sai thì ta cũng phải chấp nhận. Ta quyết định thì trước hết, ta là kẻ thừa tự quyết định đó. Ta còn là một chúng sinh thì còn phải gánh chịu những sự việc như vậy. Ta là chúng sinh trôi lăn trong luân hồi vì nghiệp ta đã tạo thì ta phải thừa tự nó. Kiếp con người là một thừa tự, phải có sự khiếm khuyết xảy ra với chính ta.
Ba là PHƯƠNG TIỆN THỰC TIỄN. Ta quán xét nghiêm túc, thực hành lời nói đó. Mỗi giây trôi qua, ta thấy tâm thiện ta tăng trưởng, tâm bất cấu uế của ta tăng trưởng, hoặc trí huệ của ta tăng trưởng. Mỗi phút trôi qua, ta thấy tâm thiện của ta tăng trưởng, tâm bất cấu uế của ta tăng trưởng, hoặc trí huệ của ta tăng trưởng. Mỗi giờ, mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm trôi qua, ta thấy tâm thiện của ta tăng trưởng, tâm bất cấu uế của ta tăng trưởng, hoặc trí huệ của ta tăng trưởng. Quán xét nghiêm túc, thực hành lời nói đó, ta thấy tâm thiện của ta luôn tăng trưởng, tâm bất cấu uế của ta luôn tăng trưởng, hoặc trí huệ của ta luôn tăng trưởng. Quán xét nghiêm túc, thực hành lời nói đó, ta luôn kiểm chứng được sự thành tựu theo thời gian khi ta đang sống, ngay trong cuộc đời này. Như vậy, ta tin lời nói đó là đúng.
Nhưng này, Nguyễn Đức Quang, quán xét nghiêm túc, thực hành lời nói đó nhưng ta không kiểm chứng được ngay trong cuộc đời này thì ta không nên tin. Thân người khó được, ta không nên để cuộc đời của ta trôi theo những thứ mà ta không thể kiểm chứng nó ngay trong cuộc đời này. Ta không nên trông đợi vào những thứ mà nó không nằm trong sự kiểm chứng của ta, nó quá xa vời đối với ta sau cái chết.
Bốn là PHƯƠNG TIỆN TAM BẢO THƯỜNG TRỤ. Này Nguyễn Đức Quang, đã có, đang có, sẽ có những vị đại thiện tri thức xuất hiện tại Trái Đất này. Họ sẽ giúp Phật tử hiểu rõ đâu là thật, đâu là giả, và đem đến cho con người những lời nói chân chánh. Bằng ba phương tiện đầu tiên và sự nghiêm túc lắng nghe và thấu hiểu, Phật tử sẽ biết vị đó là bậc đại thiện tri thức và biết rõ lời của vị ấy đúng hay sai.
Nguyễn Đức Quang! Lời này chân thành vì ông mà tôi nói. Đó là gì? Ông không nên tin theo và làm theo những lời mà ông không thể kiểm chứng được ngay trong cuộc đời này. Thân người khó được, đừng để cuộc đời trôi theo những gì ông không kiểm chứng được ngay trong cuộc đời này.
Nguyễn Đức Quang: Nam mô Phật! Con sẽ đọc kĩ lời giảng của Thầy. Và sẽ cố gắng học hỏi thêm.

Không có nhận xét nào: