Thứ Ba, 9 tháng 1, 2018

CĂN CỨ ĐỂ HIỂU ĐÚNG CHÁNH PHÁP.

Khi Đức Phật sắp nhập diệt, các vị đệ tử hỏi rằng sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn thì làm sao để biết được đâu là giáo pháp đúng. Đức Phật trả lời: căn cứ theo Tứ Y pháp và Tam Pháp Ấn để hiểu đúng.
Như vậy, để đối chiếu phân biệt đâu là tà giáo ngoại đạo thời mạt pháp, thì phải căn cứ vào Tứ Y Pháp và Tam Pháp Ấn.
Tứ Y Pháp bao gồm:
• Y pháp bất y nhân
• Y nghĩa bất quy lời
• Y liễu nghĩa bất quy bất liễu nghĩa
• Y trí bất quy thức
1. Y pháp bất y nhân: theo đúng pháp của phật học nguyên thủ, không theo bất cứ người nào. Dù người đó có là người đi trước, là Thầy ta…, ta cũng phải nên xét những giáo pháp ấy có phải là những điều đúng không.
Trong kinh có câu: “Này các Kalamas, chớ để bị dẫn dắt bởi những lời đồn hay truyền thống, chớ để bị dẫn dắt bởi những lời người khác nói, chớ để bị dẫn dắt bởi những gì ghi lại trong kinh điển, bởi lý luận hay suy diễn, bởi xét đoán bề ngoài, bởi tán thành một lý thuyết nào đó, bởi lòng tôn trọng “Vị sa môn này là Thầy ta”. Mà này các Kalamas, khi các vị TỰ MÌNH biết rõ: “những pháp này là bất thiện, những pháp này đáng bị khiển trách và bất lợi”, lúc ấy các vị hãy từ bỏ chúng… Và này các Kalamas, khi nào các vị TỰ MÌNH biết rõ: “những pháp này là thiện, những pháp này là không lỗi và có lợi” lúc ấy các vị hãy tiếp nhận và an trú trong pháp đó. (Tăng Chi Bộ tập I).
Giáo pháp mà Đức Phật dạy bao gồm 3 quy luật tất yếu: (gọi là Tam pháp ấn)
• Chư hành vô thường ấn: mọi sự vận hành của sự vật hiện tượng đều không thường còn mãi
• Chư pháp vô ngã ấn: mọi sự vật hiện tượng đều không tự nó hình thành được.
• Niết Bàn tĩnh tịnh không: tồn tại một nơi không còn vô thường vô ngã nữa, và luôn thường còn, tạm gọi là Niết Bàn.
Như vậy, không phụ thuộc vào người đó là ai, mà nên căn cứ vào giáo pháp họ truyền đạt có đúng với 3 điều trên không, có khai sáng cho ta những điều tổng quan về quy luật của vạn pháp để từ đó nhận ra và không còn bị lệ thuộc vào (không còn khổ) nữa. Thực tế nhất là pháp đó có làm cho trí ta sáng, tâm ta yêu thương, thể ta vững vàng không bệnh tật không? Còn nếu chỉ nói về pháp thế gian, túi khôn nhân loại, an ủi tâm lý… những điều thiên về sở trường của những nhà tâm lý học, thì nên xét lại, đó không phải là những điều cốt lõi mà giáo pháp nguyên thủy chỉ dạy.
2. Y nghĩa bất quy lời: suốt 49 năm thuyết pháp, Đức Phật không nói gì ngoài khổ và diệt khổ. Khổ (dukkha – hay còn gọi là ràng buộc) bao gồm 8 điều khổ (bát khổ): sanh, lão, bệnh, tử, ái biệt ly khổ, cầu bất đắc khổ, oán tắng hội khổ (quán tăng hội khổ) và ngũ uẩn xí thạnh. Phương pháp để trừ khổ đó là bát chánh đạo: tri kiến đúng đắn (Chánh tri kiến), suy nghĩ, phân tích đúng (chánh tư duy), để từ đó lời nói đúng đắn (chánh ngữ), hành động đúng đắn (chánh nghiệp) và đời sống đúng đắn (chánh nghiệp), ngày càng tiến bộ hơn (chánh tinh tấn), tiếp đó luôn luôn lặp lại những điều đúng đắn này (chánh niệm), từ đó sẽ giúp tập trung đúng (chánh định) thì trí tuệ sẽ khai sáng, nhờ vậy nhận ra được quy luật của vạn pháp (vô thường, vô ngã) và không còn vướng chấp vào nữa, đó mới là con đường diệt khổ.
Còn nếu dạy về những điều đời sống, xã hội, cách học làm người, dù có nói bằng những hình thức này nọ… rõ ràng không phải là nghĩa khổ và diệt khổ mà chỉ là một phần trong đời sống tâm lý con người, thì nói bao nhiêu cho hết? nói đến khi nào cho đủ? Trong khi đó, những điều cốt lõi mà Đức Phật dạy nếu hiểu được nghĩa đúng đắn của nó này thì đã trùm phủ hết tất cả nhưng tướng khổ khác của thế gian, không cần dài dòng văn tự, thơ văn nhàn rỗi… sáo từ mê hoặc người khác… Đức Phật không dạy như thế.
3. Y liễu nghĩa bất quy bất liễu nghĩa: theo đúng nghĩa ngắn gọn, đi vào trọng tâm vấn đề, chứ không theo những nghĩa huyễn hoặc, xa vời.
Trong Kinh lá rừng Simsapa, khi Đức Phật dùng tay nắm 1 nắm lá rừng và hỏi các vị tỳ kheo rằng lá trong tay Ngài nhiều hay lá trong rừng Simsapa này nhiều, dĩ nhiên câu trả lời là lá trong rừng nhiều hơn. Đức Phật từ tốn dạy các vị tỳ kheo: những gì Đức Phật biết nhiều như lá trong rừng, nhưng những gì Đức Phật nói cho các vị tỳ kheo thì ít như lá trong tay, nhưng vì sao Đức Phật lại không nói ra tất cả? Vì rằng “này các tỳ kheo, những điều ấy không liên hệ đến mục đích, không phải là căn bản của phạm hạnh, không đưa đến ly tham, đoạn diệt, an tịnh, Niết Bàn, do vậy ta không nói lên những điều ấy. Và này các Tỳ Kheo, điều gì mà ta nói? Đây là khổ, đây là khổ tập, đây là khổ diệt, đây là Con đường đưa đến khổ diệt, là điều ta nói”
Lời Đức Phật dạy thì ngắn gọn, đơn giản, liễu nghĩa, như nắm lá trong tay, còn ngày nay, với muôn vàn kinh văn đầy rẫy, đủ mọi hình thái, tướng trạng… như vậy có đúng với tông chỉ của Đức Phật không?
Còn nói những điều xa vời, xa rời thực tế, dùng huyễn ngữ gây khó hiểu, lang mang, không đi vào trọng tâm vấn đề để thấy được cốt lõi của vấn đề (nhìn vào tâm để thấy tánh), thì đó không phải là những gì mà Đức Phật dạy?
4. Y trí bất quy thức: theo trí tuệ (tri kiến và tư duy) của mình, không theo hình thức (đám đông, lễ hội…) mà bị lôi cuốn. Trí tuệ ở đây là để đối chiếu những điều đó có đúng với “Tam pháp ấn” hay không, có mang lại lợi ích thiết thực trên con đường tu tập giác ngộ không (có làm cho trí ta sáng để tự tại tự do tư duy về những điều dạy của Đức Phật)?
Như vậy, nếu hướng con người có được trí sáng, cho ta bản đồ để xác định đường đi rõ ràng để giải thoát, giúp ta tự tin vào mình, tự do, tự tại, tự tu, tự thành, tự tánh… thì đó là chánh pháp.
Còn nếu làm cho ta phải lệ thuộc, sợ sệt, phải cầu cạnh, phải phục tùng mà không có quyền có chính kiến, đó là giáo pháp làm cho con người ta càng khổ, rõ ràng đi ngược với lời dạy của Đức Phật thì không phải là Pháp Phật (hay còn gọi là ngoại đạo).
Như vậy, người tu tập nếu muốn không bị lạc đường mà rơi vào ngoại đạo, thì nên TỰ MÌNH dùng tri kiến và tư duy để đối chiếu với những điều thấy, nghe, biết, chớ vội tin vào đám đông, mất đi sự tự tin vào chính mình để rồi lệ thuộc theo một cá nhân hay truyền thống nào đó trong sự sợ hãi, lệ thuộc thì sẽ dần mất đi sự sáng suốt vốn có của bản thân. Đức Phật từng dạy: “Hãy tự mình làm hòn đảo cho chính mình, hãy lấy chính mình làm nơi nương tựa, không nương tựa vào ai khác…”
“Này Ca Diếp, Ta chẳng nói cạo đầu, đắp y gọi là Sa môn, mà ta nói người nào có công đức gọi là Sa Môn.
Này Đại Ca Diếp? Có nhiều ác Tỳ kheo phá hoại Phật pháp của ta chớ chẳng phải chín mươi lăm phái ngoại đạo phá hoại Phật Pháp được. Ví như sư tử là chúa muông thú, khi nó chết tất cả hổ lang điểu thú không thể ăn thịt nó được. Trong thây sư tử tự sanh các thứ trùng tự ăn thịt nó.
Cũng vậy, trong Phật pháp ta sản xuất các ác Tỳ kheo như vậy, họ tham lợi dưỡng, vì lòng tham nên chẳng dứt ác pháp chẳng tu thiện pháp chẳng lìa vọng ngữ. Các tỳ kheo này có thể làm hư hoại Phật pháp ta”. (Kinh Đại bảo tích, XIV Pháp hội bửu lương tự, phẩm Sa Môn thứ Hai)

Không có nhận xét nào: