10 điều răn của Hải Thượng Lãn Ông để có được "Trăm năm thọ trường - Vệ sinh quyết yếu” của Hải Thượng Lãn Ông là tác phẩm gồm nhiều bài thơ lục bát, viết về các chỉ dẫn dưỡng sinh và phòng bệnh thường ngày, dễ hiểu dễ thuộc và gần gũi với người Việt.
Hải Thượng Lãn Ông là biệt hiệu mà hậu thế thường dùng khi nhắc tới Lê Hữu Trác (1720 – 1791). Tuy là người tinh thông y học, dịch lý, văn chương, nhưng ông được biết đến nhiều hơn với vai trò lương y. Ông là đại danh y có đóng góp lớn cho nền y học dân tộc Việt Nam, trong đó có thuốc Nam, kế thừa xuất sắc sự nghiệp “Nam dược trị Nam nhân” của Tuệ Tĩnh thiền sư.
“Vệ sinh quyết yếu” viết về 14 chủ đề khác nhau trong việc bảo vệ sức khỏe, ăn uống, dưỡng sinh… Đây là tác phẩm “tấc lòng tâm niệm” của Lê Hữu Trác, mong rằng mọi người đều có thể dưỡng sinh, kéo dài tuổi thọ. Như trong phần mở đầu, ông đã viết:
Vệ sinh yếu quyết diễn ca
Để cho nam nữ trẻ gia đều hay
Tấc lòng tâm niệm bấy nay
Mong đời hết bệnh kéo dài ngày xuân
Dưỡng sinh theo phép Chân nhân
Sách trên đã chép nguyên văn mấy bài
Để tuỳ hoàn cảnh tuỳ thời
Tuỳ nghi lĩnh hội những lời tinh ba
Quyển này đúc lại thành ca
Mấy lời thiết yếu để ta ghi lòng
Bao gồm phương pháp dự phòng
Cổ kim dung hợp quán thông dung hoà
Tài liệu chỉ dẫn dưỡng sinh xưa nay không phải ít, tuy nhiên các bài viết tóm tắt lại những điều cốt yếu, dễ hiểu nhất, được thầy thuốc Việt Nam viết cho người Việt thì xưa nay chẳng có mấy bài. Dưới đây là 10 điều răn về dưỡng sinh của “Vệ sinh quyết yếu”:
Vệ sinh phép giữ thân mình
Sao cho khoẻ mạnh an ninh mới là
Mười điều cơ bản đề ra
Thứ nhất: làm lụng, hai là nghỉ ngơi
Ba là đừng trái tiết trời
Xông pha mưa gió nắng nôi lạnh lùng
Còn khi dịch lệ cuồng phong
Biết chừng mà tránh, mà phòng mới yên
Thứ tư thị hiếu chớ quên
Mắt trông ham muốn, lòng quên cương thường
Sinh ra làm bậy làm xằng
Chữ “tham” sánh với chữ “thâm” một vần
Năm là cần phải thủ chân
Giữ lòng trong sạch cho thần được yên
Định tâm như kẻ tham thiền
Bỏ lòng lợi dục đua chen đường đời
Sáu là ngủ dậy theo thời
Luyện thân, luyện khí đứng ngồi thong dong
Làm cho khí huyết lưu thông
Chân tay cứng cáp trong lòng thảnh thơi
Bảy: răn tửu sắc chơi bời
Thoả lòng chốc lát, cuộc đời ngắn đi
Tinh hao, chân khí phải suy
Nguyên thần ly tán, bệnh gì chẳng sâu
Tám: cần ăn uống hàng đầu
Nhưng đừng quá bội mà đau dạ dày
Kiêng ăn các thứ đắng cay
Các thứ sống lạnh tích dầu khó tiêu
Chín là nằm ngủ thuận chiều
"Hướng phương sinh khí" đầu cao hơn mình
Vòng tay lên ngực: mộng kinh
Vào giường không nghĩ, thẳng mình ngủ yên
Mười nên tắm giặt cho liền
Ra ngoài dù, nón không quên trên đầu
Đề phòng hàn thấp nhiễm vào
Áo quần ấm áp, tà nào dám xâm
Mấy điều nên nhớ nhập tâm
Tháng ngày giữ trọn, trăm năm thọ trường.
10 điều răn rất đơn giản mà lại bao hàm nhiều mặt chủ yếu nhất của dưỡng sinh. Mong rằng mọi người đều có thể thực hành trong cuộc sống hằng ngày.
(Sưu Tầm...)
~~~~~
Nhận Cảm Khi Đọc...
"...Để tuỳ hoàn cảnh tuỳ thời
Tuỳ nghi lĩnh hội những lời tinh ba..."
Đem vào đời sống tinh hoa
Ứng dụng kiến thức của nhà danh y:
•Làm lụng, nghỉ ngơi, chớ trái thời...
Mưa gió trái thường chướng khí coi...
Học lấy chữ Ham..có giáo dục
Mới đặng hồn nhiên ở cuộc đời
•Cảnh giới cao hơn dưỡng luyện thần
Hư vô điềm đạm thủ đắc chân
Thanh lọc, buông xả...vô vi tịnh
Chuyển luân chính pháp...nhập vạn xuân
•Sức khoẻ người ta được bình thường
Tinh thần thư thái chẳng tổn thương
Khí huyết lưu thông, chi linh hoạt
Tự nhiên thuận lẽ...cứ vậy nương
•Ăn uống ngủ nghỉ tắm giặt nằm...
Sạch sẽ khoa học đúng phương châm
Quân bình không quá và thuận lý
Phúc-hoạ đa phần tại khẩu-tâm
MHD
Nguồn: https://www.facebook.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét