Sự không Sinh Diệt của Tánh Biết
Hỏi: Xin Thầy dạy rõ sự không Sinh Diệt của Tánh Biết ạ?
- Cụm từ “không sinh không diệt” thường bị hiểu lầm là thường tồn bất biến. Không phải chỉ Tánh Biết mà ngay cả Bốn Nguyên Tố Vật Chất (Tứ Đại) cũng có tánh không sinh không diệt. Chẳng hạn như tánh lửa đâu có sinh diệt. Nếu nói lửa diệt thì tại sao khi bật diêm quẹt lại có lửa, nếu lửa đã diệt rồi thì dù cho làm bất cứ gì đi nữa cũng không có lửa, nên rõ ràng là lửa không diệt. Nếu nói lửa sinh thì nó phải cháy hoài, không dứt nhưng sao ngọn đèn vẫn tắt. Nên sự sinh diệt chỉ có nơi tướng lửa thôi, còn tánh lửa vẫn không sinh không diệt. Tánh đất, nước và gió cũng vậy. Tánh Biết càng không ngoại lệ, thấy Tướng Biết (121 tâm) sinh diệt rồi cho rằng Tánh biết cũng sinh diệt là sai lầm, và càng sai lầm hơn khi tưởng rằng không sinh diệt đồng nghĩa với thường tồn bất biến.
Thấy hiện tượng lửa tắt (diệt) nên chủ trương tánh lửa diệt là đoạn kiến. Thấy khi cần lửa liền có nên chủ trương lửa thường tồn là thường kiến. Cho nên, thấy tánh lửa không sinh diệt là đúng, còn nói thường nói đoạn đều sai. Có người khi nghe nói Tánh Biết không sinh diệt thì cho là thường kiến, chính là họ đã mắc vào sai lầm đó. Chẳng những chỉ Tánh biết mà đất nước lửa gió hay bất kỳ hiện tượng sinh diệt nào cũng đều có tự tánh không sinh diệt. Thuyết bảo toàn năng lượng của khoa học cũng nói thế, ví dụ như than đốt cháy tuy diệt đi thành tro nhưng lại chuyển thành sức nóng làm nồi cơm chín, cơm chín diệt đi do ăn hết, nhưng trở thành máu nuôi dưỡng con người, con người diệt đi chôn xuống đất lại thành dưỡng chất cho cây cỏ mọc lên v.v… Cho nên, trên thể tánh không có gì sinh diệt chỉ trên hiện tượng mới có sinh diệt thôi. Đức Phật nói vô thường và khổ là nói về pháp hữu vi sinh diệt, còn Niết-bàn là vô vi, vô ngã và không sinh diệt, chứ không nói Niết-bàn là thường tồn bất biến vì nói như vậy là thường kiến.
Sự hoạt động của bản ngã
Hỏi: Kính xin Thầy giảng thêm về hoạt động của bản ngã. Con thấy luôn luôn có một cái Ta hiện hữu trong đời sống song hành với Tướng biết, cái Ta giống nhân vật ở ngoài lăng xăng lôi kéo và có đôi khi cái “Ta biết” vắng bặt mới nhận ra Tánh Biết vi tế khó thấy. Chỉ khi nào buông xả mới thấy ra được Tâm vi tế này hoạt động.
- Con thấy như vậy là đã có cái nhìn khá vi tế! Thực ra cái Ta hay bản ngã này hoạt động dưới 2 hình thức: Một là cái Ta dương bản hiện hành trên bề mặt hữu thức và hai là cái Ta âm bản ngủ ngầm trong vô thức.
Cái Ta hiện hành: Cái Ta hiện hành là bản ngã dương bản, vì nó hiển lộ ra ngoài qua khái niệm "tôi", như tôi hành động, tôi nói năng, tôi suy nghĩ, tôi tu hành v.v... Hoặc "của tôi", như thân của tôi, cảm giác của tôi, hiểu biết của tôi, tâm thức của tôi, sở đắc của tôi v.v... Sâu hơn nữa là “tự ngã của tôi”, như Linh hồn của tôi, Phật tánh của tôi, Tự tánh của tôi, Đại ngã của tôi v.v… Cái ta hiện hành là cái ta lộ liễu dễ thấy qua tư tưởng và hành vi của mỗi người, nhưng nếu không tinh tấn chánh niệm tỉnh giác thì lý trí chỉ có thể suy luận ra Vô ngã chứ vẫn không thấy được tính ảo tưởng của cái Ta ấy.
Cái Ta ngủ ngầm: Cái Ta ngủ ngầm là bản ngã âm bản vì nó ẩn trú trong tiềm thức hay ẩn sâu trong vô thức, phần lớn nó hoạt động ngấm ngầm và kín đáo bên trong phần chìm của tâm thức (Bhavanga hoặc Alaya thức) nên rất khó thấy mà Duy Thức học gọi là "câu sinh ngã chấp" tức sinh ra đã có sẵn dù chưa hiện tướng bên ngoài. Abhidhamma gọi là “cái Ta ngủ ngầm” được huân tập bởi sở tri và sở đắc của mỗi người còn gọi là phiền não ngủ ngầm (anusaya kilesa). Khi ngủ cái Ta này vẫn hoạt động dưới hình thức biểu hiện dễ thấy đó là những giấc chiêm bao.
Cho nên, chỉ cần thường chánh niệm tỉnh giác hay thường trọn vẹn tỉnh thức nơi thực tại thì dần dần phát hiện ra cái Ta hiện hành qua các tâm hữu nhân tạo tác, và cái Ta ngủ ngầm qua các tâm vô nhân dị thục hoặc nói theo Phân Tâm Học là các khuynh hướng xung động từ vô thức.
Nhưng vấn đề đặt ra là tại sao cái Ta vô minh ái dục này cứ như luôn gắn liền với đời sống con người, trong khi Phật dạy Tâm hay Tánh Biết của mỗi người vốn chói sáng (Pabhassara Citta)? Câu trả lời là: Thật ra Tâm chúng ta có hai phần Tánh Biết và Tướng biết, tuy Tánh Biết chói sáng nhưng vô tư, còn Tướng biết thì phải có cố ý và có đối tượng mới biết, khi chưa biết thì vẫn còn tò mò muốn biết, muốn được nên luôn lăng xăng đặt giả thuyết, tưởng tượng, tìm tòi, khám phá, tạo thành kinh nghiệm rồi tích luỹ thành sở tri sở đắc. Chính sở tri sở đắc này tạo ra nội hàm của bản ngã. Cái Ta dựa trên ý thức, lý trí và tình cảm của Tướng Biết để khám phá cái chưa biết, cũng giống như nhà khoa học khi muốn biết mưa là gì trước hết đặt giả thuyết, suy tư, lý luận rồi đưa vào thí nghiệm để tìm ra giải đáp. Đó là lý do vì sao Sigmund Freud nói rằng “văn minh là sản phẩm của tính dục” vì đó chính là cái Ta muốn biết muốn được.
Như vậy, cái Ta vô minh ái dục cũng có vai trò bí mật của nó là khám phá cái chưa biết. Tuy nó phải lang thang tìm kiếm qua bao nhiêu kiếp sống luân hồi sinh tử, phiền não khổ đau, nhưng khi đã khám phá ra toàn bộ sự thật thì nó tự hoá giải – biến mất – trong Tri Kiến Thanh Tịnh, vì nó đã hoàn thành nhiệm vụ đưa Tướng Biết đến chỗ hoàn thiện Hậu Đắc Trí, trong khi Tánh Biết chói sáng là Vô Sư Trí luôn âm thầm hậu thuẫn để vừa giúp soi sáng cho cái Ta hoàn thành nhiệm vụ vừa giúp nó tự hoá giải khi nhiệm vụ đã xong. Đó chính là một sự hoàn hảo vô cũng mầu nhiệm và kỳ diệu cả Pháp!
Tâm Từ
Hỏi: Xin thầy chỉ cho con làm sao để có tâm từ nhanh nhất và lớn nhất để ban rải cho người khác?
- Từ là một trong bốn đức tính của Tâm vốn có sẵn nơi mỗi người. Vì nó cực nhanh và cực lớn, không bao giờ cạn kiệt nên được gọi là Tâm Vô Lượng (Appamaññā). Nếu Tâm không bị che lấp bởi trạng thái sân thì đó là tâm Từ. Khi hướng đến một đối tượng nào đó (hoặc mọi người, mọi vật) mà tâm không sân tức đang rải tâm Từ đến đối tượng đó (giống như nguyên tắc hồi hướng vậy). Tâm Từ tự nhiên vốn có như thế mới nhanh và mạnh, cho nên đừng bao giờ cố luyện tâm Từ vì cái gì do bản ngã tác thành thì vẫn là hữu vi hữu hạn và dễ biến thành tình thương yêu luyến ái. Tâm Từ có sẵn chính là Tâm Từ tự nhiên vô vi vô ngã nên mới dung thông được với nguồn năng lượng vô cùng của vũ trụ và vì nó bao trùm cả vũ trụ nên chỉ cần hướng đến đâu là liền có sự cảm ứng ở đó.
Tác giả: Thầy Viên Minh
NT trích ghi theo Trà Đạo Bửu Long 05.08.2017
http://coinguonhanhphuc.blogspot.com/2017/08/su-khong-sinh-diet-cua-tanh-biet-hoat.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét