Thứ Sáu, 11 tháng 8, 2017

Cách sống đạo đức để có hạnh phúc

Đức Phật dạy cho thanh niên tên là Singāla cách sống đạo đức để có hạnh phúc.
Đức Phật nói: Hạnh phúc chân thật là điều có thể thực hiện được ngay trong đời này, nếu chúng ta biết:
1- Chọn một nghề sinh sống có ích lợi cho nhiều người.
2- Thân cận với những người hiền đức, với những thiện tri thức.
3- Phụng dưỡng cha mẹ, chăm sóc vợ chồng con cái.
4- Chia sẻ thì giờ, tài vật, hạnh phúc với kẻ khác.
5- Biết ơn, khiêm nhượng, ít ham muốn, biết đủ.
6- Chọn môi trường sinh sống thuận tiện cho sự tu học, và sự làm lành.
7- Sống một cuộc đời trong sạch và cao thượng.
8- Chuyên cần học hỏi Giáo Pháp giác ngộ và giải thoát.
9- Cách thiền quán để diệt trừ mê lầm và phiền não.
Sau cùng, Phật nêu gương sáng của ông Sudatta Anāthapindika, một cư sĩ biết sống theo Chánh Pháp đã mang lại hạnh phúc cho chính mình, cho gia đình và cho nhiều người trong xã hội trong đời hiện tại. Hành động tốt đẹp này còn là những nhân lành sẽ mang đến những hoa trái xinh tươi trong các đời vị lai.
Bà Punnalakkhanā, vợ của cư sĩ Sudatta, cảm động đến rơi nước mắt. Bà đứng lên bạch Phật:
– Bạch đức Thế Tôn, cuộc sống của người cư sĩ nhiều khi thật bận rộn, nhất là khi mình được thừa hưởng một gia sản lớn. Con nghĩ nếu mình có một cơ nghiệp bình thường có lẽ việc tu học sẽ được dễ dàng hơn. Nhiều khi nhìn những vị khất sĩ không nhà, không cửa, không vợ, không con, tay ôm bình bát đi thong dong trên các nẻo đường khất thực, thật nhàn hạ, chúng con ước mong được sống như thế. Nhưng chúng con có nhiều trách nhiệm quá, nhiều sự ràng buộc quá, không biết làm sao?
– Này Punnalakkhanā, người khất sĩ cũng có nhiều trách nhiệm: phải học hỏi Giáo Pháp, phải thực tập thiền quán, phải tôn trọng giới luật, phải sống đời phạm hạnh trong sạch, phải an trú ngày đêm trong chánh niệm, phải hoằng pháp lợi sinh. Như có vị cư sĩ nào muốn làm quen với đời sống xuất gia của các khất sĩ thì có thể xin thọ Bát Quan Trai giới.
"Giác ngộ: biết rõ chân lý. Giải thoát: ra khỏi mọi sự ràng buộc, đau khổ về vật chất cũng như về tinh thần. Mê lầm: hiểu biết không đúng sự thật, không đúng chân lý. Phiền não: trạng thái tâm lý xáo trộn như vui, buồn, thương, ghét, giận, tham, lo sợ ..."

Không có nhận xét nào: