Niềm tin nơi Phật.
Đến với đạo Phật, chư vị luôn nhớ rằng, nó không phải là tín ngưỡng, cũng không phải là tôn giáo. Đơn giản và chính xác, nó là lộ trình hành động của mình đưa đến an lành tối thượng, trí tuệ tối thượng thông qua sự biết chắc chắn của chính mình về kết quả của hành động. Nếu chư vị làm khác lộ trình này, chư vị không phải đang đến với đạo Phật.
Ví như chư vị cầu siêu cho một ai đó, nếu chư vị không biết chắc chắn hành động cầu siêu của mình giúp được kẻ đó siêu thoát mà vẫn hành động thì chư vị không phải đang đến với đạo Phật. Ví như chư vị cầu xin một điều gì đó ở Chánh Điện, nếu chư vị không biết chắc chắn hành động cầu xin của mình sẽ có kết quả như mong muốn mà vẫn hành động thì chư vị không phải đang đến với đạo Phật. v.v.
***
Các loài chúng sinh trên Trái đất này, hiện tại đều góp phần vào sự sinh tồn của chúng ta, mỗi loài đều đem lại lợi ích cho chúng ta, cuộc sống và môi trường sống của chúng ta huống chi nhiều đời nhiều kiếp, các loài ấy có ân đức to lớn với chúng ta nên chúng ta mới có được như ngày hôm nay. Chẳng nên lấy oán báo ân. Chẳng nên vì bản thân mình mà làm khổ đau kẻ đã giúp mình có được như ngày hôm nay. Nghịch cảnh thay, thương xót thay nếu mình lấy oán báo ân.
***
Học chánh pháp là để tu tâm dưỡng trí, không phải để khoe khoang, làm trang sức, trang hoàng cho cái tự ngã vọng tưởng.
***
Trình bày sự thật về Vũ Trụ.
Trong những người Phật tử, những ai cho rằng tôi giảng nói sự thật về Vũ Trụ là việc làm không đem đến lợi ích cho người nghe trên con đường giải thoát, là việc không nên làm. Những ai nghĩ như vậy, hoan hỷ nói lên tại đây với tôi, không nên nói ở chỗ khác với người khác hoặc nói bâng quơ vì họ không phải là người đã giảng nói sự thật về Vũ Trụ.
***
Nếu bạn là Phật tử
Xin đừng thuyết giảng đạo
Khi chưa biết rõ tường
Chỉ nói điều mình rõ
Không nên nói nhiều hơn.
Nếu bạn là Phật tử
Hộ pháp, làm như vậy,
Hoằng pháp cũng làm vậy,
Thực hành hạnh như thế
Đồng như tám thánh đạo,
Ân đức muôn đời sau.
***
Mở lên thấy Trạng thái Facebook hỏi: Bạn nghĩ thế nào?
Hóa độ rất khó khăn. Như người ở giữa đám đông, người nằm xung quanh, người ngồi xung quanh, người đứng xung quanh, người đi xung quanh, tất cả đều cho rằng mình đang đúng và tung hô, tán thán, biểu dương lẫn nhau, chỉ có người đó nói tất cả họ đều không đúng. Nói như vậy thời có mấy ai nghe, mà còn được mọi người xác định là người không được bình thường.
---
HÒN ĐÁ GIỮA DÒNG SÔNG MẠT KIẾP
Nghiệp mạt kiếp tạo thành dòng sông thế nhân,
Dòng người chen lấn chảy xiết trong dòng sông mạt kiếp.
Ta như hòn đá giữa dòng sông ấy,
Dòng nước gặp ta rồi lách qua chảy tiếp,
Như chưa từng có ta.
Những giọt nước lưu lại trên thân ta,
Rồi cũng bị dòng mạt kiếp chảy xiết cuốn đi.
Chỉ những giọt nước núp lại sau lưng ta
Không bị cuốn đi vì thân ta che chở,
Quang minh Như Lai bốc hơi giải thoát cho những giọt nước này.
Thân ta chẳng mòn bởi ở giữa dòng sông mạt kiếp,
Thân ta sẽ còn khi dòng mạt kiếp cạn khô.
***
Mỗi lần mở Facebook lên thì thấy đầy dẫy lời qua, tiếng lại về Phật pháp. Bệnh hý luận không diệt thì còn thời gian để mà tu ư. Muốn độ người khác, hạnh nguyện như vậy là tốt nhưng hành không đúng thời thì không tốt. Trước phải xem lại mình đã đạt được trí tuệ và phạm hạnh nào sau khi đã tu đúng theo lời Phật dạy, sau mới có thể độ người bằng trí tuệ, phạm hạnh đã đạt được đó. Độ người bởi tri kiến phàm phu, tâm đầy ham muốn thì còn gọi là đạo Phật chăng. Đó là đạo của mình chứ nào phải đạo Phật. Phật pháp là kim khẩu của đức Như Lai, bậc A La Hán, đấng Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, há kẻ phàm phu mà ban pháp được ư. Ở ngoài đời, chư vị có thể dùng tri kiến của mình để nói với người khác, nhưng ở trong đạo Phật thì chớ có dùng tri kiến của mình để nói với người khác. Chỉ có thể là trao đổi, học hỏi lẫn nhau, trình bày sự hiểu của mình về từng lời Phật đã dạy nhằm nâng cao độ chính xác về ý nghĩa lời của Phật, Nhưng đó có thể vẫn không phải là Phật pháp vì chưa chắc đã đúng ý Phật. Cho nên chư vị hãy nên ít nói, tu nhiều.
***
Đến với Tam Bảo để diệt buồn khổ, cũng là diệt vui sướng. Vui sướng như ngòi nổ, buồn khổ như quả bom. Châm ngòi thì bom nổ. Không thích bom nổ mà lại thích châm ngòi thì không thể được. Đến với Tam Bảo cũng vậy, thỏa với vui sướng, không ưa buồn khổ là không đúng mục đích đến với Tam Bảo.
***
Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ.
Vô duyên đối diện bất tương phùng.
---
Có rất nhiều (và rất nhiều) tà kiến khéo trộn trong đạo của Đức Thích Ca Mâu Ni. Nếu chuyên tâm đọc và chọn lọc thì cả đời cũng không hết. Đấy là chưa kể đến những giáo lý khéo trộn tà kiến vẫn luôn được con người tạo ra theo thời gian dù vô tình hay cố ý.
Nhưng mà, chư vị cần phải tu ngay từ bây giờ chứ chẳng phải đợi đến khi chọn lọc xong mới tu. Cho nên, tôi ưu tiên thời gian trợ giúp các chánh pháp để chư vị tu hành trước, song song và sau đó mới đến việc chọn lọc.
Cho dù chư vị nghĩ như thế nào, quyết định như thế nào đi chăng nữa thì các chánh pháp mà tôi ưu tiên trợ giúp sẽ không phải là:
1- Tịnh độ Tông;
2- Mật Tông;
3- Thiền Tông.
Vì ba tông pháp này chưa được chọn lọc và tốn nhiều thời gian cho việc chọn lọc.
Điều đó không có nghĩa là các chánh pháp mà tôi ưu tiên trợ giúp ít thù thắng. Tất cả phương pháp tu do Phật dạy đều thù thắng như nhau.
Nếu chư vị nào hữu duyên thì có thể đến với các chánh pháp mà tôi ưu tiên trợ giúp. Ngược lại, chư vị không cần phải liên hệ đến tôi vì tôi không giúp ích được gì cho chư vị.
***
Phật giáo Việt Nam có nhiều tông phái. Dù chư vị đang theo tông phái nào, khi đến đây, đừng bao giờ nghĩ tôi thuộc tông phái này hay tông phái kia rồi sanh tâm phân biệt giống mình, khác mình.
Hiện đời này, tôi không có thầy và không thuộc bất cứ tông phái nào hiện có ở đời.
Về giới luật, về kinh luận hiện đang được Phật giáo lưu truyền thì tôi biết đến rất ít. Có thể nói rằng tôi biết ít hơn chư vị.
Tôi trình bày với chư vị bằng chính từ tâm tuệ của tôi một cách trực diện với chư vị và bằng chính tư liệu mà chư vị cung cấp cho tôi ngay trong thời pháp, đôi khi tra cứu trên google để trích dẫn. Tôi chỉ có vậy thôi.
***
TỊNH HÓA BA NGHIỆP THÂN KHẨU Ý
---
1. Là Phật tử, nhất định chuyên cần tu tập tịnh hóa ba nghiệp thân, khẩu, ý. Là kẻ phàm phu, không tu tập tịnh hóa ba nghiệp thân, khẩu, ý thì kẻ đó không phải đang tu tập theo đạo của Phật.
2. Nếu không tịnh hóa được ba nghiệp thân, khẩu, ý thì cõi thiên còn chẳng thể tương ưng huống chi là giải thoát. Nếu ác nghiệp tăng trưởng có thể rơi vào ba đường ác địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.
3. Tu tập tịnh hóa ba nghiệp thân, khẩu, ý không dễ được nếu thực hành không đúng pháp và thiếu tinh tấn.
4. Đúng pháp là như thế nào? Pháp do Phật chế đặt, hiểu đúng và làm đúng.
5. Tại sao phải là pháp do Phật chế đặt mà không bởi ai khác? Con người vọng tưởng và chấp thủ sâu dày. Chỉ có Phật thông suốt mọi pháp và công dụng của mọi pháp. Do nhân ấy, chỉ có Phật mới biết phương pháp chuyển hóa thân tâm.
***
Những nội dung mang tính hai lời, những lời nói mâu thuẫn với nhau hoặc mâu thuẫn nội tại chính nó mà ai nói những lời nói đó đều do Thế Tôn nói là phỉ báng Thế Tôn, cho dù những nội dung đó được ghi trong kinh sách.
***
Phàm ở đời có những kẻ ngu si nhưng vì tăng thượng mạn mà làm những điều vô phước.
Có kẻ gom nhiều đạo lại thành một đạo rồi gọi là đại đạo, chí tôn vô thượng. Kẻ đó chẳng thấy được giáo lý các đạo ấy có những mâu thuẫn, phủ định lẫn nhau.
Ở trong đạo Phật thì có kẻ gom góp giao lý cốt lõi của các tông phái với nhau để lập tông môn, tông chỉ, giáo pháp tu hành rồi cho là giáo pháp thậm thâm vi diệu. Kẻ đó chẳng thấy được những điều cốt lõi của một số tông phái mâu thuẫn hoặc hai lời mà Thế Tôn thì chẳng nói hai lời, chẳng nói lời mâu thuẫn.
Pháp Không Chân Như
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét