Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tin là nguồn của đạo, là mẹ của các công đức, nuôi lớn tất cả căn lành”. Cho nên tám vạn bốn ngàn pháp môn, đều từ niềm tin mà vào. Nếu không có niềm tin, thì cũng như hạt giống thúi, không thuốc gì có thể chữa. Huống hồ niệm Phật vãng sanh, càng là pháp khó tin. Những trưởng lão Thiền tông xưa, cho đến những đại nho học rộng, đều có những câu vấn đáp xiển dương Tịnh nghiệp. Như “Tịnh Độ Thập Nghi Luận” của Thiên Thai Trí giả, “Tịnh Độ Hoặc Vấn” của Thiên Như lão nhân, “Tịnh Độ Quyết Nghi Tập” của Vương Thị Lang, “Tây Phương Hiệp Luận” của Viên Trung Lang. Ngoài ra còn có những bài lẻ ngắn, không thể đọc hết, tất cả đều muốn cho mọi người kiên cố niềm tin, cùng về Cực Lạc. Ở đây đặc biệt góp nhặt tất cả các sách, toát yếu những điểm chính của chúng, thêm một chút cái thấy của mình, bù vào những chỗ còn thiếu sót, đặt tên “Nghi Vấn Chỉ Nam”.
Câu hỏi 1: Chư Phật Bồ Tát, lấy đại bi làm gốc. Nếu muốn cứu độ chúng sanh, thì phải nguyện sanh vào ba cõi, tam đồ ác đạo, ngũ trược ác thế, sao lại cầu sanh Tịnh Độ, chỉ vì tự lợi, bỏ mặc chúng sanh, há chẳng phải thiếu đại từ bi, chướng ngại đạo Bồ Tát sao?
Trả lời: Bồ Tát có hai loại:
1. Bồ Tát tu hành lâu, đã từng thân cận chư Phật, chứng đắc vô sanh pháp nhẫn.
2. Bồ Tát mới phát tâm, chưa từng thân cận chư Phật, chưa được vô sanh pháp nhẫn.
Bồ Tát tu hành lâu có thần thông lớn, có oai lực lớn, nên có thể ra vào sanh tử, từ trời người quỷ thần súc sanh, quảng độ chúng sanh. Nếu người mới tu hành, sức còn yếu, tuy phát tâm Bồ Đề, nhưng còn ở trong địa vị phàm phu, mình còn chưa cứu được mình, làm sao cứu được người khác? Cho nên “Đại Trí Độ Luận” nói: Phàm phu đang bị trói buộc mà nguyện sanh vào đời ác trược để cứu độ chúng sanh, là chuyện không thể có. Vì sao? Vì trong cõi ngũ trược, danh lợi sắc thanh luôn quấy rầy; phiền não oan gia luôn vây kín. Một bước sai, là sa đường dữ. Cho dù có sanh được làm người, khó gặp Phật xuất thế; dù gặp Phật xuất thế, cũng khó sanh khởi niềm tin. Nếu may mắn có niềm tin Phật, xuất gia tu hành, đời sau được giàu sang phú quý, khó tránh khỏi đắm trước duyên trần, rộng tạo ác nghiệp. Từ đó một khi mất thân người, đến lúc nào mới được giải thoát? Cho nên người có trí tuệ, muốn độ sanh, trước cầu thấy Phật, nếu được nhất tâm bất loạn, được thân kim cang bất hoại, rồi có thể tùy nguyện độ sanh. Như cứu người chết đuối, phải biết bơi, mới cứu được người, không khéo chết chìm theo, thì oan uổng lắm. Không phải là thiếu từ bi, mà chính là khéo dùng từ bi ấy vậy.
Câu hỏi 2: Thể các pháp là không, xưa nay không sanh, bình đẳng tịch diệt, sao lại bỏ đây cầu kia, muốn sanh Tây Phương? Kinh nói: “Tâm tịnh thì cõi Phật tịnh”. Muốn cầu về Tịnh Độ, trước phải tịnh tâm. Sao lại không cầu tịnh tâm, mà cầu về Tịnh Độ?
Trả lời: Người muốn sanh Tây Phương, gọi bỏ đây mà cầu kia; còn người không muốn sanh Tây Phương, há không phải bỏ kia mà cầu đây sao? Nếu nói đây kia đều không cầu, là chấp đoạn; nếu bảo đây kia đều không bỏ, là chấp thường. Kinh Duy Ma nói: “Tuy biết các cõi Phật và chúng sanh đều không, nhưng vẫn thường tu Tịnh Độ để giáo hóa chúng sanh”. Cho nên tuy vãng sanh rõ ràng, nhưng không chướng ngại lý vô sanh. Còn về thuyết “tâm tịnh Phật độ tịnh”, có lý có sự. Về lý, chẳng lẽ người cầu sanh Tịnh Độ tâm không tịnh, ngược lại người không cầu sanh Tịnh Độ tâm tịnh sao? Về sự, tâm tịnh ở cõi ngũ trược, sao bằng tâm tịnh ở cõi Cực Lạc? Huống chi người ở cõi ngũ trược cầu tịnh mà không tịnh, còn người ở Cực Lạc không cầu tịnh mà tự tịnh?
Câu hỏi 3: Các cõi Phật mười phương, công đức như nhau, sao không niệm hết tất cả công đức, sanh tất cả cõi Phật, mà chỉ cầu sanh một cõi Phật?
Trả lời: Tịnh độ chư Phật, cố nhiên là như nhau. Nhưng vì chúng sanh phần nhiều căn tánh chậm lụt, tán loạn. Nếu không chuyên tâm một chỗ, Tam Muội khó thành. Nên chuyên niệm Phật A Di Đà, tức là Nhất Tướng Tam Muội. Kinh Tùy Nguyện Vãng Sanh nói: “Bồ Tát Phổ Quảng hỏi Phật: Mười phương đều có Tịnh Độ, vì sao Thế Tôn chỉ khen Tịnh Độ của Phật A Di Đà ở phương Tây, khuyên nên sanh về nước ấy?” Phật bảo Phổ Quảng: Chúng sanh của cõi Diêm Phù Đề, tâm phần nhiều tán loạn, vì thế chỉ khen cõi Phật ở phương Tây, khiến các chúng sanh, chuyên tâm một cảnh, dễ được vãng sanh. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Thân tất cả chư Phật, tức là thân một Phật. Thí như trăng sáng đầy, chiếu tất cả dòng nước”. Nên biết niệm danh hiệu của một đức Phật, tức là niệm tất cả Phật. Sanh về một Tịnh Độ, không khác sanh tất cả Tịnh Độ.
Câu hỏi 4: Cõi Phật mười phương, vô lượng vô biên, niệm một Phật nào đó, đều được vãng sanh, vì sao chỉ niệm Phật A Di Đà?
Trả lời: Có ba nhân duyên:
1. Phật A Di Đà, có duyên với thế giới Ta Bà. Vô lượng kiếp về trước, phát 48 đại thệ nguyện, đều muốn tiếp dẫn những chúng sanh niệm Phật. Nay nhân loại ở thế giới Ta Bà, miệng tin niệm Phật, ắt xưng niệm A Di Đà. Chúng sanh tương lai phước mỏng, khi pháp sắp diệt, các kinh đều mất hết, chỉ có kinh A Di Đà lưu lại thế gian 100 năm, chẳng phải là một bằng chứng sao?
2. Do Phật Thích Ca Mâu Ni chỉ thị. Tam tạng 12 bộ kinh, quá rộng lớn, chỉ có pháp môn trì danh, niệm Phật A Di Đà, không niệm Phật nào khác. Nếu chẳng phải rất ư thiết yếu, sao Phật căn dặn nhiều lần?
3. Vì mười phương đều chứng minh. Bởi pháp môn Tịnh Độ, là pháp khó tin, nên Thế tôn mỗi khi nói đến Phật A Di Đà, là có mười phương chư Phật cùng chứng minh, để người nghe không thể không tin. Vậy thì người tu Tịnh Độ, làm sao có thể không chuyên niệm Phật A Di Đà?
Câu hỏi 5: Phàm phu, phước mỏng nghiệp dày, làm sao niệm Phật mà được vãng sanh, trong khi Tây Phương siêu xuất tam giới, vượt hơn Thiên đế, Thiên tiên trăm ngàn vạn ức hằng hà sa lần?
Trả lời: Đây nhờ sức của Phật A Di Đà, chẳng phải nhờ sức mình. Thí như người què, cả ngày đi không được mấy dặm, nhưng nếu cỡi voi báu của vua Chuyển Luân, thì một chốc có thể đi khắp bốn châu thiên hạ. Lại như học trò nghèo, muốn thân cận đế vương, nếu từ châu huyện ứng thí, mong đăng khoa giáp, làm quan cao, thanh danh lớn, thì khó mà chưa chắc. Nếu được thác thai sanh làm vương tử, thì không đầy một tháng, đã ở chung nhà với đế vương. Người vãng sanh nhờ vào Phật lực, cũng lại như vậy. Người tu nếu không cầu sanh Tịnh độ, chỉ tu hành trong cõi ác thế ngũ trược, thì sáng ra chiều lại vào, không biết trải qua bao nhiêu kiếp, còn không thể thành một A La Hán, huống hồ lên địa vị Bồ Tát! Nếu tu pháp môn Tịnh Độ, chỉ cần tinh tấn tu trì, nhất tâm bất loạn, hiện đời liền được vãng sanh, vào ngôi bất thoái, mãi đến thành Phật, rất là thẳng tắt. Thí như con sâu trong thân cây tre, muốn ra bằng đường thẳng (thụ xuất), thì phải cắn từng đốt tre, vất vả biết bao. Nếu cắn vào thành tre (hoành xuất), liền ra được ngay, rất dễ. Cho nên người tu Tịnh Độ, gọi là hoành xuất tam giới.
Câu hỏi 6: Trong chín phẩm, ba phẩm dưới, phần nhiều là người ác, chỉ nhờ khi lâm chung niệm Phật, nên được vãng sanh. Nhỡ đã sanh lên nước ấy, mà vẫn còn tà kiến ba độc tham sân si, làm sao?
Trả lời: Chỉ lo không được vãng sanh, không lo vãng sanh rồi còn ác. Vì sao? Có năm nhân duyên:
1. Nhờ nguyện lực của Phật A Di Đà
2. Sở cầu như ý, không có gì để tham cầu nữa
3. Chim hót gió reo, đều tuyên dương diệu pháp
4. Thuần lấy Bồ Tát làm bạn, không còn duyên ác
5. Thọ mạng lâu dài, lịch kiếp tu hành
Cho nên hễ đã vãng sanh, là thẳng đến thành Phật, vĩnh viễn không còn thoái chuyển, chắc chắn là có nguyên do.
Câu hỏi 7: Người thành Phật kế tiếp sau Phật Thích Ca, là đức Di Lặc, hiện tại đang thuyết pháp trên cung trời Đâu Suất, người nào tu thượng phẩm Thập Thiện có thể được sanh lên nước ấy. Sao không vãng sanh lên cung trời Đâu Suất, thân cận đức Di Lặc, sau này khi ngài hạ sanh thành Phật, có thể theo ngài xuống trần?
Trả lời: Thượng phẩm Thập Thiện, cố nhiên là được sanh thiên, nhưng sanh Đâu Suất thiên, thì e chưa chắc. Chưa đọc kinh “Di Lặc Thượng Sanh” sao? Kinh nói: “Thực hành các Tam Muội, vào sâu chánh định, mới được sanh Đâu Suất thiên”. Thử hỏi người tu Thập Thiện có khả năng không? Nếu tu niệm Phật, chỉ niệm danh hiệu, không ai là không được nhiếp thọ, thì so với người rộng tu Thập Thiện, dễ hơn nhiều. Huống nữa cung trời Đâu Suất, nhiều thiên nữ, thiên tử còn đắm nhiễm, huống hồ phàm phu. Tát Giá Ni Kiền Tử Kinh nói: “Chư thiên bị trói buộc, không gì qua nữ sắc; người nữ trói chư thiên, dẫn vào ba nẻo ác”. So với Tây Phương, vạn không bằng một, huống nữa dù gặp Di Lặc, chưa được thánh quả, còn sanh Tây Phương, vĩnh viễn không còn thoái chuyển?
Câu hỏi 8: Phàm phu nhiều đời, tạo biết bao ác nghiệp, lâm chung mười niệm, làm sao liền được vãng sanh?
Trả lời: Người đời nay tạo nghiệp, lâm chung mười niệm vãng sanh, chắc chắn đời trước tu hành, chẳng qua đời này bị mê mờ mà thôi. Nếu không khi lâm chung, ác duyên ắt đến, làm sao có thể gặp được thiện tri thức, dạy họ niệm Phật? Cho dù có dạy họ niệm Phật, chưa chắc họ đã tin theo. Đây lại khi niệm Phật, người ta hoàn toàn giác ngộ, tha thiết hối lỗi lầm xưa, lòng đại sợ hãi, vạn duyên đều bỏ, chỉ một con đường Tây Phương, không đi con đường nào khác. Niệm Phật như thế, tuy là một câu, cũng đáng ngàn lời, cho nên kinh Thập Lục Quán nói: “Một câu niệm Phật diệt 80 ức kiếp tội sanh tử”, quả thật có thể chứng minh cho tinh thần này, lại thêm phước nghiệp đời trước, Phật đến tiếp dẫn, còn nghi gì nữa!
Câu hỏi 9: Cõi Cực Lạc, cách thế giới Ta Bà tới 10 vạn cõi Phật. Xa xôi như vậy, phàm phu chẳng nhẽ đến được liền? Lại nghe nói người nữ, những người thiếu căn, và hàng nhị thừa đều không được vãng sanh, có phải không?
Trả lời: Đường xa khó tới, là tướng; một niệm tới được, là tâm. Người niệm Phật sanh lên nước Phật, chỉ ở tâm này, chớ không phải vãng sanh bằng hình hài này. Như người nằm mộng đến các nước khác, tuy ở xa ngàn vạn dặm, nhưng vừa gọi liền tỉnh, há vì đường gần dễ giác, đường xa khó giác sao? Người nữ và người thiếu căn không sanh, có nghĩa nước Cực Lạc không có người nữ và người thiếu căn, chớ chẳng phải người nữ và người thiếu căn không được vãng sanh. Nếu người nữ không được vãng sanh, thì Vi Đề Hi và 500 thị nữ, vì sao Thế Tôn thọ ký được vãng sanh hết? Trong 48 lời nguyện của kinh Vô Lượng Thọ, có một nguyện rằng: “Khi tôi thành Phật, thì hết thảy người nữ trong vô lượng vô số thế giới trong mười phương, nghe danh hiệu tôi, tin ưa, phát tâm bồ đề chán ghét thân nữ, sau khi mạng chung không còn trở lại làm thân nữ, không được như thế tôi không thành Phật”. Người nữ như thế, người thiếu căn cũng thế. Ngay cả chim sáo, anh vũ niệm Phật còn được vãng sanh, chẳng nhẽ người thiếu căn, ngược lại không bằng loài vật? Còn về hàng nhị thừa, là người có quả vị, phàm phu còn được vãng sanh, lẽ nào có lý loại bỏ nhị thừa? Kinh A Di Đà nói: “Phật ấy có vô lượng đệ tử Thanh Văn, đều là A La Hán”. Là nhị thừa hết đó. Cho nên bảo sanh lên nước ấy, không có chấp tâm nhị thừa, đó chính là nhị thừa không sanh; nếu nói, hàng nhị thừa không được vãng sanh, thì không đúng.
Câu hỏi 10: Nay muốn quyết định cầu sanh Tây Phương, không biết làm công hạnh gì, phát tâm như thế nào, mới được sanh lên nước ấy? Lại người đời, đều có vợ con, không biết không đoạn dâm dục, có được vãng sanh không?
Trả lời: Người muốn quyết định sanh Tây Phương, ngoài trì danh, đủ hai loại niệm lực, ắt được vãng sanh. Một là phải sanh khởi ý niệm chán lìa cõi trược, hai là phải phát khởi ý niệm vui thích Tịnh Độ. Lại phải phát tâm Bồ Đề, tùy sức làm lành hồi hướng Tây Phương. Còn về duyên vợ con, ở đời cũng không chướng ngại gì, chỉ cần làm cho họ cùng được nếm pháp vị, đoạn dứt nhân ác. Gọi là chán lìa cõi trược, là trong cõi trược ác, động chút là phiền não. Người đời chỉ vì hai chữ “cơm áo” mà khốn khổ một đời, vì hai đường “danh lợi” mà bôn ba cả kiếp, tay chân lúng túng, cam chịu vợ con làm gia nô. Ngày nghĩ đêm mơ, luôn vì sắc thân tìm phiền não. Tự quán tưởng cái thân một thước mấy này, bên ngoài chỉ vì một lớp da, mà vọng thấy mình oách; nếu dùng thiên nhãn mà nhìn, bên trong đầy những phẫn uế, máu mủ hôi thối mà thôi. Cho nên kinh Niết Bàn nói: “Cái thân thịt ấy, la sát ngu si, ẩn cư trong đó”. Có người có trí nào mà lại ham cái thân này? Gọi là vui thích Tịnh Độ, vì là niềm vui ở cõi Cực Lạc, thiên cung cũng không thể so sánh, không thể dùng ngôn ngữ để diễn tả. Hằng ngày chỉ cần làm theo lời trong kinh dạy, cảm giác ta tương lai nhất định đến đó, thì ý niệm vui thích tự nhiên sanh, duyên Tịnh Độ tự thành thục. Thế nào là phát tâm Bồ Đề? Vãng Sanh Luận nói: “Tâm Bồ Đề là tâm thệ nguyện thành Phật. Người thệ nguyện thành Phật, thương xót tất cả chúng sanh luân hồi trong sáu nẻo, chịu khổ không cùng, do đó phát tâm cứu độ, khiến họ ra khỏi ba cõi, cùng về Cực Lạc”. Người niệm Phật, nếu đủ hai niệm lực này, lại thêm phát tâm Bồ Đề, hợp ý độ người của Phật, mà không quyết định vãng sanh, mong Phật thọ ký, là không thể có.
Luận Mười Câu Hỏi Trên
Có người hỏi Thiên Như lão nhân: Thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ, được suy tôn bậc thầy trong nước, mà tự tu Tịnh Độ, lại dạy người rằng: “Có thiền không Tịnh Độ, mười người lạc hết chín; không thiền có Tịnh Độ, vạn tu vạn người chứng”, phải chăng quá khen Tịnh Độ không?
Trả lời: Đại sư Vĩnh Minh không quá khen Tịnh Độ đâu. Pháp môn Tịnh Độ, tối quảng đại; pháp tu Tịnh Độ, tối giản dị. Quảng đại là, tất cả căn cơ, đều thâu nhiếp hết. Trên từ Bồ Tát Đẳng giác, dưới đến kẻ ngu, ngũ nghịch thập ác, lâm chung niệm Phật hối lỗi, không ai không được vãng sanh. Giản dị là, dễ hành trì, chỉ cần sáu chữ hồng danh “Nam Mô A Di Đà Phật”, liền được vãng sanh, được bất thối chuyển, mãi đến thành Phật. Thử hỏi tu hành xuất thế, có pháp môn nào thẳng tắt như pháp môn này không?
Hỏi: Quảng đại giản dị, đã biết rồi. Nhưng ngài Ngộ Đạt, đã gọi là thấy tánh thành Phật, cần gì lại phải cầu sanh Tịnh Độ? Vì ngộ đạt, nên nguyện cầu sanh, còn anh chưa ngộ. Nếu anh đã ngộ, thì ý nguyện cầu sanh, vạn con trâu cũng khó kéo lại. Lại nữa một khi anh đã ngộ, thì tập khí cũ đã trừ, các lậu đã hết, những oán đối vô lượng kiếp không còn, còn thọ hậu hữu sao? Hay là còn tập nghiệp chưa trừ, không tránh khỏi tội nặng chịu nhẹ? Hay là một khi giác ngộ, liền đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, hàng phục thiên ma cứu độ thập phương thế giới sao? Hay là oai lực thần thông, nhất thời còn chưa đủ, phải đợi đời sau? Nếu bảo vừa ngộ liền tiêu hết tập nghiệp, mọi sự đều xong, thì chư đại Bồ Tát rộng tu lục độ, trải qua bao kiếp, chắc là thua anh! Kinh Quán Phật Tam Muội, ghi Bồ Tát Văn Thù, tự thuật túc nhân, bảo đắc niệm Phật Tam Muội, Thế Tôn thọ ký rằng: “Ông nên vãng sanh thế giới Cực Lạc”. Kinh Hoa Nghiêm, ghi Bồ Tát Phổ Hiền, lấy Thập đại nguyện vương, dạy Thiện Tài Đồng tử, cũng cuối cùng khuyên về Cực Lạc. Trong kinh Lăng Già, Thế Tôn thọ ký Long Thọ, cũng bảo vãng sanh Cực Lạc. Đến như kinh Đại Bảo Tích, Thế Tôn ấn ký vua Tịnh Phạn và 7 vạn người trong dòng họ Thích, đồng sanh Cực Lạc. Kinh Thập Lục Quán, chỉ thị Vi Đề Hy, và năm trăm thị nữ, đồng bái kiến Di Đà. Đến như ngài Viễn Công ở Lô Sơn, ngài Hiền Thủ của tông Thiên Thai, các bậc tôn túc, không ai là không tuyên dương tịnh nghiệp, cùng phát nguyện vãng sanh. Chẳng lẽ sở tu sở chứng của họ, thua người thời nay sao?
Hỏi: Tịnh Độ nhiếp hết mọi căn cơ, quả là quảng đại. Nhưng cái gọi là Tịnh Độ ấy, nằm ngoài mười vạn ức cõi Phật, so với thuyết duy tâm Tịnh Độ, bổn tánh Di Đà, tợ hồ hữu vi (một cõi có tướng)?
Trả lời: Kinh Lăng Nghiêm nói: “Ngoài sắc thân, từ sơn hà đại địa hư không, đều là vật trong chân tâm diệu minh”. Lại nói: “Các pháp đều do tâm hiện”. Làm gì có cõi Phật ở ngoài tâm? Nên biết ngoài tâm không có quốc độ, ngoài quốc độ không có tâm; cái gọi là quốc độ nhiều như vi trần, chỉ là quốc độ trong tâm ta; chư Phật nhiều như cát sông Hằng, chỉ là Phật trong tâm ta. Biết được điều này, thì biết không một quốc độ nào không nương vào tâm ta mà có, không một Phật nào không nhờ tánh ta mà hiện. Vậy thì nước Cực Lạc ngoài mười vạn ức cõi Phật, chẳng lẽ không phải duy tâm Tịnh Độ sao? Giáo chủ của nước Cực Lạc, chẳng lẽ không phải bổn tánh Di Đà sao?
Hỏi: Thuyết Tịnh Độ, đại khái biểu thị pháp. Người trí phải trực ngộ Thiền tông, mới là thượng sách. Nếu chỉ tán dương Tịnh Độ, hẳn là chấp sự mà bỏ lý rồi!
Trả lời: Quy nguyên tánh vô nhị, phương tiện có nhiều môn. Biết được ý này, thì Thiền Tịnh, khác đường nhưng cùng một chỗ về. Đại sư Trung Phong nói: Thiền là Thiền của Tịnh Độ, Tịnh Độ là Tịnh Độ của Thiền. Tuy xiển dương qua lại, nhưng người tu, cần phải một cửa vào sâu. Cho nên Bồ Tát Đại Thế Chí, đắc niệm Phật Tam Muội, mà nói lấy tâm niệm Phật, nhập vô sanh nhẫn. Bồ Tát Phổ Hiền, nhập Hoa Nghiêm Bất Tư Nghì Giải Thoát Cảnh Giới, mà nói: “Nguyện tôi khi lâm chung, vãng sanh nước Cực Lạc”. Hai đại sĩ ấy, một hầu Phật Thích Ca, một hầu Phật Di Đà, đáng lẽ mỗi vị đều lập một biệt phái, nhưng lại hòa hội viên dung, cả hai không chướng ngại nhau, làm sao có thể còn chấp thiên kiến? Cái mà anh nói Tịnh Độ biểu thị pháp, đâu không coi tịnh tâm tức là Tịnh Độ, không còn có Tịnh Độ được trang nghiêm bằng thất bảo nữa? Nếu đúng như thế, thì cũng có thể bảo thiện tâm là thiên đường, không cần có trời Dạ Ma, trời Đao Lợi nữa; ác tâm tức là địa ngục, không cần có ngục đao kiếm, ngục dầu sôi nữa; ngu si tức là súc sanh, không cần có mang lông đội sừng nữa. Vậy thì đã có Tịch Quang Tịnh Độ, ắt có Thật báo trang nghiêm Tịnh Độ… huống hồ ngoài sự không lý, ngoài tướng không tánh, nhất định phải bỏ sự cầu lý, bỏ tướng tìm tánh, thì lý sự còn không thể vô ngại, làm sao có thể mong sự sự vô ngại? Lại nữa anh tuy đầy đủ tánh Phật, nhưng hiện tại còn là thân phàm phu, nếu quả có thể ở đâu cũng là Tịnh Độ, thì thử hỏi ở trong nhà xí, anh có khả năng coi như ở trên chiếu không? Có khả năng ăn cùng máng với heo dê không? Có nằm chung ngủ chung được với tử thi đầy ruồi nhặng, giòi bọ rúc rỉa không? Nếu được như thế, anh có thể nói “cao sơn bình địa thảy Tây Phương, dù gặp tên đao thường an định” sao cũng được. Còn nếu chưa được như thế, thì là thấy uế tịnh chưa không, tâm yêu ghét còn đó, mà nói khoác, khiến cho những kẻ thiển kiến, đọc qua mấy cuốn kinh, xem qua mấy công án, liền hủy báng pháp, thì là tội của ai?
Hỏi: Tu hành cầu ra khỏi sanh tử, nên quý ở vô sanh, vậy hâm mộ Tây Phương nguyện về, hẳn là nương vào nghĩa của vô sanh?
Trả lời: Coi sanh làm sanh, là thường kiến; coi vô sanh là vô sanh, là đoạn kiến. Sanh mà vô sanh, vô sanh mà sanh, là đệ nhất nghĩa đế. Bởi tánh diệu chân như, vốn tự vô sanh, nhân duyên hòa hợp, mới có tướng sanh, do tánh có khả năng hiện tướng, nên gọi vô sanh tức sanh; tướng do tánh hiện, nên gọi sanh tức vô sanh. Biết thế liền biết sanh Tịnh Độ, sanh bởi duy tâm. Nếu nghi ngờ xa khó tới, thì tâm bao thái hư, lượng khắp pháp giới, nào có xa gần?
Hỏi: Cõi Phật khắp mười phương, đều đẹp đẽ. Nay chỉ khuyên về Cực Lạc, lại chỉ khen ngợi cảnh giới Cực Lạc, là vì sao?
Trả lời: Những quốc độ này, còn có các khổ, dù có lạc, đều là những lạc đưa tới quả khổ. Tây Phương không thế, cho nên kinh nói: “Các chúng sanh ấy, không có các khổ, chỉ hưởng niềm vui, nên gọi Cực Lạc”. Thử so sánh cõi này và Tịnh Độ, đâu chỉ khác nhau trời vực. Như cõi này đầu thai, phải ở trong thai 10 tháng, khi sanh, quỷ đến bên cạnh hút tinh khí. Tịnh Độ hóa sanh hoa sen, ở trong cung điện hương thơm vi diệu, đã không bị sự ô uế của bào thai, lại không phiền mẹ nuôi nấng. Cõi này tuổi già, tóc bạc da nhăn, lưng còng gối mỏi, đi đứng cần người. Tịnh Độ pháp vị trợ thần, không có già yếu, mười phương cõi nước, chớp mắt đến nơi. Cõi này hễ mắc bệnh tật, là rên rỉ, kêu gào. Tịnh Độ đủ đại thần thông, có đại oai lực, trong nước không nghe đến tiếng đau khổ. Cõi này sống ắt có chết, chết ắt có tội, chỉ có cúi đầu chịu trói, dắt đến Diêm La. Tịnh Độ hễ sanh hoa sen, liền thành thân kim cang bất hoại, tướng hảo quang minh, thọ mạng vô lượng. Cõi này có hợp ắt có ly, cha mẹ nhọc nhằn, khó giữ sống lâu; vợ chồng ái ân, phần nhiều ly tán. Tịnh Độ thì bạn pháp, vĩnh viễn thân nhau, lẽ nào có cái khổ ái biệt ly? Cõi này thù địch tìm nhau, có oán ắt báo, sợ hãi, nhưng không thể trốn thoát. Tịnh Độ thì tương thân tương kính, đều là Bồ Tát làm bạn, nào có cái khổ oán tằng hội. Cõi này nhân loại, đều bôn ba vì cơm ăn áo mặc, vợ con sai khiến, khốn khổ vạn trạng. Tịnh Độ nghĩ áo có áo, nghĩ ăn có ăn, vườn rừng nhà cửa, toàn bằng bảy báu, mỗi mỗi thọ dụng tự nhiên, nào có cái khổ cầu bất đắc. Không chỉ có thế, cõi này hình hài xấu xí, các căn khiếm khuyết. Tịnh Độ thì ánh sáng chói lọi, tướng đẹp trang nghiêm. Cõi này thì ra rồi lại vào, luân hồi sáu nẽo. Tịnh Độ thì hễ chứng vô sanh, không còn thoái chuyển. Cõi này thì gò nổng hầm hố, gai góc um tùm. Tịnh Độ thì cây báu chọc trời, trải vàng làm đất. Lại cõi này thì Quan Âm, Thế Chí, chỉ bái vọng xa. Tịnh Độ thì hai đại Bồ Tát, đều là bạn tốt. So sánh Ta Bà - Tịnh Độ, cảnh duyên khác hẳn. Cảnh thù thắng, có thể nhiếp thủ tịnh tâm; duyên thù thắng, có thể trợ lực tu hành.
Hỏi: Tâm chán thích (chán Ta Bà thích Tịnh Độ), tức niệm yêu ghét, yêu ghét chính là việc bên bờ sanh tử, người tu không nên có, làm thế nào?
Trả lời: Chán Ta Bà thích Tịnh Độ, tuy cũng là tâm yêu ghét, nhưng chẳng phải là cái yêu ghét của thế gian, mà chính là cái yêu ghét chuyển phàm thành thánh của mười phương chư Phật. Nếu không chán lìa, làm sao ra khỏi Ta Bà ác trược này? Nếu không yêu thích, làm sao có thể sanh về Cực Lạc liên bang? Có chán lìa sau mới chuyển phàm, có yêu thích sau mới thành thánh.
Hỏi: Ở thế gian này, ẩm thực y phục, nhà cửa chén bát, đều phải làm, rồi mới có dùng. Vì sao thế giới Cực Lạc, vừa nghĩ đến, mọi vật dụng tự nhiên hiện ra?
Trả lời: Việc hưởng phước, đều từ tu phước mà được. Bắc Cu Lô Châu, ẩm thực y phục của họ, đều có sẵn để thọ dụng, huống hồ cõi Phật A Di Đà, vạn phước trang nghiêm? Đại A Di Đà Kinh nói: “Những giảng đường cung thất này, không ai làm cả, cũng không từ đâu đến, do nguyện lớn đức trọng của Phật ấy, tự nhiên hóa sinh”. Lại nói: “Những cõi Phật khác, đều làm thiện, không làm ác. Cho nên phước đức ở đó, cũng đều tự nhiên. Kế đến có những thế giới, người làm thiện nhiều, người làm ác ít, cũng có phước tự nhiên, không cần phải lao động làm ra vật phẩm. Còn thế giới này, làm ác quá nhiều, làm thiện quá ít, nên không làm, thì không có”.
Hỏi: Người niệm Phật, khi lâm chung đều thấy Phật và Bồ Tát đến tiếp dẫn. Kinh nói: “Trì tụng chú Vãng Sanh 30 vạn biến, Phật A Di Đà thường ở trên đỉnh đầu, hộ vệ người ấy”. Giả như mười phương thế giới, đều tụng chú Vãng Sanh hết, đều cầu Phật Bồ Tát đến tiếp dẫn, Phật A Di Đà làm sao có thể đều ở hết trên đỉnh đầu mọi người, đồng thời làm sao đến tiếp dẫn hết?
Trả lời: Ánh sáng mặt trời, còn có thể chiếu khắp thế giới, huống hồ thệ nguyện thần thông của Phật?
Hỏi: Trên hội Hoa Nghiêm, Bồ Tát Phổ Hiền, hiện ra ngồi giữa đạo tràng, các Bồ Tát dùng hết thần lực, cũng không thấy được Bồ Tát Phổ Hiền. Nay người vãng sanh, đều phàm phu chay, làm sao có thể lập tức thấy Phật? Lại Phật mà phàm phu thấy, không khác Phật mà Bồ Tát thấy sao?
Trả lời: Tướng Phật vốn như vậy, nhưng mỗi hạng bậc thấy khác nhau. Người mới vãng sanh Tây Phương, Phật mà họ thấy chỉ là Phật thô tướng (như 32 tướng 80 vẻ đẹp). Còn nếu như tướng “Như Lai có Thập Hoa Tạng Thế giới Hải Vi Trần Số Đại nhân Tướng” mà kinh Hoa Nghiêm nói, e rằng chẳng phải đại Bồ Tát, thì không thể thấy. Thí như vị cam lộ của trời, đựng trong mỗi loại bát, màu sắc mùi vị khác nhau. Lại như người có bệnh với người không bệnh, cùng ăn một vật, ngọt đắng khác hẳn. Cho nên quốc độ của Phật Thích Ca, vốn rất nghiêm tịnh, Loa Kế Phạm Vương, chỉ thấy như cung trời Tự Tại, còn lại đều thấy đồi núi gò nỗng, đầy uế ác. Thấy Phật cũng như thế.
Hỏi: Ở đây niệm Phật, trên Tây Phương trong ao thất bảo nở ra một đóa sen. Nếu tinh tấn, sen lớn dần; còn nếu giải đãi, hoa sẽ tàn rụng, có đáng tin không?
Trả lời: Điều này dễ hiểu. Thí như chiếc gương lớn, có vật gì để trước mặt, liền hiện hình vật ấy. Lại như lầu các của Thọ Đề Già ở thành Vương Xá, chẳng qua chỉ được làm bằng bạch ngân, lưu ly, mà trong bức tường có thể hiện ra hết những việc trong thành. Huống hồ cõi thanh tịnh trang nghiêm của Phật A Di Đà? Ở đây niệm Phật, nước kia sen nở, không có gì đáng nghi.
Hỏi: Đới nghiệp vãng sanh, được bất thoái chuyển. Vậy thì khi sanh tiền, duyên đời chưa hết, sao không lo sự nghiệp thế gian, đợi lúc lâm chung, rồi niệm Phật cũng được?
Trả lời: Đó là tà thuyết. Có ý niệm này, chính mình lầm; nói ra lời này, làm người khác lầm. Người ác khi lâm chung, niệm Phật vãng sanh, là nhờ thiện căn đời trước, lại gặp được thiện tri thức, mới được may mắn này. Đó chỉ là một trong ngàn vạn người, đâu phải ai lâm chung, cũng được như vậy! Quần Nghi Luận nói: “Ở đời có mười hạng người, lâm chung không thể niệm Phật. 1. Không gặp thiện tri thức, 2. Nghiệp luỵ trói thân, không rảnh niệm Phật, 3. Bị bệnh cấm khẩu, 4. Cuồng loạn, 5. Hoặc gặp nước lửa, 6. Gặp lang sói, 7. Bạn ác phá hoại tín căn, 8. Ăn no quá độ, hôn mê đột tử, 9. Chết trận, 10. Trược chân núi cao.” Gặp mười nạn này, khó mà niệm Phật. Cho dù bệnh nhẹ mà chết, thì khi tứ đại phân ly, cũng không tránh khỏi phong đao cắt thể, sợ hãi hoảng loạn, đâu rảnh an tâm niệm Phật? Lại hoặc nghiệp duyên chưa hết, niệm đời chưa thôi, gia tài chưa chia, hậu sự chưa liệu, mà còn tìm thầy coi bói, nhiễu loạn tâm thần, con kêu vợ khóc, kinh hoảng bên tai, ngay lúc này, mà muốn họ thung dung niệm Phật, mong họ nhất tâm bất loạn, hoàn toàn không có lý này. Cho nên người xưa nói: “Chớ đợi tuổi già mới niệm Phật, mồ hoang lắm kẻ tuổi còn xanh”. Lại nói: “Bình thời khuyên ai niệm Phật, đều nói tôi bận, một khi vô thường đến, bận mấy cũng thôi”. Người ta ở đời, đâu được bao lâu, nhân khi chưa già chưa bệnh này, bỏ hết duyên đời, sống một ngày, niệm Phật một ngày, công phu một giờ, tu tịnh nghiệp một giờ. Không thế, một khi mất thân người, vạn kiếp khó tìm lại được!
Hỏi: Đợi già tu hành, cố nhiên là không có lý này. Nhưng phàm phu đều ở trong lưới đời, có việc không thể bỏ được, phải làm sao?
Trả lời: Người ta ở đời, chắc chắn có một ngày phải chết. Tu với không tu, rốt cuộc không ai tránh khỏi. Nhưng đọa lạc, chi bằng siêu thăng? Nếu ai thống niệm vô thường, lo gì dụng tâm không tha thiết. Bất luận bận hay rảnh, cảnh thuận hay nghịch, đều không trở ngại gì với niệm Phật cầu sanh. Cho dù duyên đời cực nặng, cũng phải tranh thủ thời gian, định công khóa, hoặc vạn hoặc ngàn, không được gián đoạn. Những người quá bận rộn, sáng sớm mười niệm, quyết không để khuyết.
Hỏi: Nhất tâm bất loạn, một ngày đến bảy ngày, liền được vãng sanh. Vậy thì trong một ngày dến bảy ngày nhất tâm, rồi sau đó không thể nhất tâm, không biết có được vãng sanh không?
Trả lời: Đã được nhất tâm, sau đó tâm sẽ không tán loạn nhiều. Như Nhan Tử ba tháng không lìa lòng nhân, vậy thì trong ba tháng, cố nhiên là người nhân đức, chẳng lẽ sau ba tháng, lại trở thành người ác sao? Chỉ cần luôn tự kiểm điểm, thường phát hoằng nguyện, thì không ai không được vãng sanh.
Hỏi: Người niệm Phật, phải niệm niệm tương tục, mới dễ thành khối. Nhưng tháng hè trời nóng, phần nhiều ở trần. Không biết khi ăn uống nằm ngồi, ở trần tắm giặt, có thể niệm Phật được không?
Trả lời: Niệm thầm không sao, gọi là “khi vội vã tâm cũng ở nơi nhân, khi nguy hiểm tâm cũng ở nơi nhân vậy”.
Hỏi: Khi nhất tâm xưng danh, lại phát tâm cầu sanh Tịnh Độ, tợ hồ như có hai tâm, làm sao?
Trả lời: Xưng danh, là cầu sanh vậy. Kinh nói: “nên phát nguyện, nguyện sanh nước ấy”. Lại nói: “Chấp trì danh hiệu”. Thì biết rõ ràng là một việc, chẳng phải hai việc. Thí như xây dựng tương lai, cái mong muốn công danh, chính là cầu sanh Tịnh Độ; sự siêng năng học hành, chính là chấp trì danh hiệu. Ở đây tợ có vi phân. Nguyện cầu sanh Tịnh Độ, nên nơi lúc phát nguyện sớm tối. Còn khi xưng danh, phải chuyên tâm, không phát nguyện khiến tâm lẫn lộn.
Hỏi: Cả ngày niệm Phật, gặp phước liền làm, cố nhiên là bổn phận của người tu. Nhưng khi làm phước, e tâm để ở nơi làm phước, không để ở nơi câu niệm Phật, không biết có chướng ngại cho nhất tâm bất loạn không?
Trả lời: Gương sáng vốn không, cảnh đến liền hiện, đâu có chướng ngại gì cho cái “tánh không” của gương. Việc chưa tới đã đón, việc qua rồi còn giữ, mới là bệnh mà thôi!
Hỏi: Ân cha mẹ, khó báo đáp nhất, nếu vãng sanh Tây Phương, không biết có cách gì báo đáp hay không? Lại người ta sanh ra một đời, có một cha mẹ; sanh ra trăm ngàn vạn ức ngàn đời, có trăm ngàn vạn ức ngàn cha mẹ, không biết sau khi vãng sanh rồi, có thể nhớ hết tên họ của mỗi mỗi cha mẹ, mỗi mỗi báo đáp hết hay không?
Trả lời: “Muốn báo ân sâu, trời cao lồng lồng”, là câu nói thế gian. Lấy đạo thế gian báo đáp ân cha mẹ, quả là không có cách gì báo đáp. Còn nếu sau khi vãng sanh, muốn báo ân cha mẹ, thì dễ vô cùng. Đâu chỉ báo ân cha mẹ một đời, mà ngay cả muốn báo đáp ân đức của cha mẹ trăm ngàn vạn ức kiếp trước, cũng có cách báo đáp. Bởi một khi đã đến Tây Phương, ắt có thiên nhãn, có thể thấy những việc của vô số thế giới; ắt có thiên nhĩ, có thể nghe được âm thanh vô số thế giới; ắt có tha tâm thông, có thể biết được tâm của tất cả chúng sanh; ắt có túc mạng thông, có thể biết được những việc chết đây sanh kia của vô lượng kiếp về trước. Một người nào ở đâu, tên gì, họ gì, chủng tánh gì, đều biết rõ một cách tường tận, có thể lấy chỉ việc ta làm, báo đáp được hết. Há có ân cha mẹ, không thể báo đáp sao? Ngày xưa Mạnh Tử xưng việc hiếu của Thuấn, là làm cha vua, tôn trọng đến cực điểm vậy. Dùng thiên hạ nuôi cha, là nuôi đến cực điểm. Ta vãng sanh làm Bồ Tát, để cha mẹ làm cha mẹ của Bồ Tát, không phải càng tôn trọng hơn nhân loại sao? Lại làm cho cha mẹ được vãng sanh Tịnh Độ, nghĩ đến áo có áo, nghĩ đến ăn có ăn, nhận phước tự nhiên, hưởng thọ không cùng, không phải càng hơn lấy thiên hạ nuôi sao? Huống hồ trong một nước, bất quá chỉ một vua, nếu có hai hiếu tử, đều muốn lấy thiên hạ nuôi, ắt mưu làm loạn, trở ngược làm loạn thần tặc tử. Chi bằng pháp môn Tịnh Độ hết thảy mọi người có thể báo hiếu, vẫn không trở ngại gì đối với pháp thế gian?
Hỏi: Súc sanh chịu khổ trong ba đường, số ấy vô lượng, làm sao chúng ta mỗi mỗi cứu hết được, mà phát nguyện cho vô ích?
Trả lời: Bồ Tát muốn độ chúng sanh, thì tất cả chúng sanh chịu khổ trong ba đường, đều là những người ta đáng phải độ. Đâu phải vì nhiều mà sợ hãi, đâu phải vì nhiều mà chán ngán, mệt mỏi? Bồ Tát Địa Tạng nói: “Địa ngục chưa không, thệ không thành Phật”. Mười đại nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền, mỗi nguyện lấy hết chúng sanh giới làm kỳ hạn. Như vậy người tu Tịnh Độ, muốn sanh Tây Phương, không phải để trở lại Ta Bà, thề cứu ba đường làm nguyện sao?
Hỏi: Những loài côn trùng nhỏ nhít, số ấy rất nhiều. Giả sử mỗi khi nhìn thấy chúng, liền phát tâm cứu độ, không biết tâm này chỉ có thể hoàn thành chí nguyện của ta thôi, hay vẫn có ích cho chúng?
Trả lời: Phải nhìn lại phát tâm có chân thành không, nếu hết lòng thành, thì ắt có ích cho chúng. Nhìn lại Thế Tôn kiếp xưa làm tiên nhẫn nhục, Mục Liên kiếp trước làm tiều phu, liền biết phát tâm có ích. Thích Ca Như Lai, vô lượng kiếp trước, làm tiên nhẫn nhục tu đạo trong núi, gặp quốc vương đi săn, đuổi theo một con thú, hỏi đạo nhân: “Con thú chạy hướng nào?” Lúc ấy nếu nói thật, thì hại thú; không nói thật, thì vọng ngữ. Tiên nhân im lặng không nói, quốc vương giận, chặt đứt cánh tay. Lại hỏi, tiên nhân cũng im lặng không nói, vua lại chặt đứt cánh tay nữa. Tiên nhân liền phát nguyện rằng: “Sau khi ta thành Phật, sẽ độ người này trước, không để cho người đời bắt chước làm ác”. Sau Tỳ kheo Kiều Trần Như được độ đầu tiên, chính là quốc vương bấy giờ vậy. Thời Phật có một làng người khó độ. Phật bảo: “Những người này có duyên với Mục Liên”. Bèn sai Mục Liên đến đó để độ, quả nhiên độ được. Hỏi nguyên do, Phật nói: “Mục Liên kiếp trước, từng làm tiều phu, làm động vô số ong rừng, Mục Liên bỏ nghề, nói: “Các ngươi đều có Phật tánh, khi nào thành đạo, ta sẽ đến độ các ngươi”. Nay người làng này, chính là những con ong đời trước. Do Mục Liên từng phát nguyện, nên có duyên với làng này. Xem đây đủ biết, không chỉ thấy tất cả mọi người, đều khuyên niệm Phật, phát nguyện cứu độ, mà ngay cả thấy tất cả loài súc sanh, cũng thay chúng niệm Phật, phát nguyện cứu độ tất cả.
Hỏi: Niệm Phật dù có chân thành, nhưng số niệm hữu hạn. Giả sử một trăm con vật niệm cho được một ngàn danh hiệu Phật, thì một trăm con vật tự nhiên thầm được phước ấy. Ngộ nhỡ hằng sa mạng sống, mà cũng niệm cho được một ngàn danh hiệu Phật, phước ấy trở thành nhỏ, phải làm sao?
Trả lời: Thí như một cây đuốc, chia lửa cho trăm người, ngọn lửa đuốc ấy vẫn không hao mất. Chia cho ngàn vạn người, ngọn lửa ấy cũng không hao mất.
Hỏi: Ngày xưa có hai vị tăng, khi niệm Phật, quán tưởng thân ngồi trong hoa sen lớn, quán tưởng hoa sen nở búp, năm tháng như vậy, đều được vãng sanh. Không biết người niệm Phật, có thể bắt chước phương thức đó không?
Trả lời: Có thể. Nhưng vẫn lấy niệm Phật làm chính.
Trên đây là 22 câu hỏi đáp của Thiên Như lão nhân (Đại sư Thiên Như).
Trích: An Sĩ Toàn Thư - Tây Quy Trực Chỉ của Cư sĩ Chu Mộng Nhan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét