Thứ Tư, 29 tháng 6, 2016

CÔNG ĐỨC VÀ PHƯỚC ĐỨC

“Một hôm, Vi Sử Quân vì Sư thiết hội Trai Tăng. Trai xong, Sử Quân mời Sư thăng tòa rồi cùng với quan chức, dân chúng cung kính lễ bái, hỏi Sư: Ðệ tử nghe Hòa Thượng thuyết pháp, thật là bất khả tư nghì, nay có một ít nghi vấn, xin Hòa Thượng từ bi giải thuyết cho.

Sư nói: "Có nghi cứ hỏi, Ta giải đáp cho.

Sử Quân nói: Cái Pháp mà Hòa Thượng giảng dạy, có phải là tông chỉ của Tổ Ðạt Ma chăng?

Sư đáp: Phải. 

Sử Quân nói: Ðệ tử nghe nói Tổ Ðạt Ma lúc mới gặp Lương Võ Ðế, Vua hỏi: Trẫm suốt đời xây chùa độ Tăng, trai Tăng bố thí, được công đức gì? Tổ Ðạt Ma đáp: Thật chẳng công đức. Ðệ tử chưa hiểu lý này, xin Hòa Thượng chỉ dạy.

Sư nói: Thật chẳng công đức. Chớ nghi lời của bậc Thánh xưa. Võ Ðế tâm tà, chẳng biết Chánh Pháp. Xây chùa độ Tăng, trai Tăng bố thí, ấy là cầu phước, chẳng thể đem cái phước ấy cho là công đức. Công đức ở trong Pháp Thân, chẳng ở tại tu phước.

Sư lại nói: Kiến-tánh là công, bình đẳng là đức, niệm niệm vô ngại, thường thấy cái diệu dụng chân thật của Tự Tánh gọi là công đức. Trong tâm khiêm tốn là công, ngoài hành lễ phép là đức. Tự Tánh kiến lập vạn pháp là công, tâm thể lìa niệm là đức. Chẳng rời Tự Tánh là công, ứng dụng vô nhiễm là đức. Niệm niệm chẳng gián đoạn là công, tâm bình đẳng - hạnh ngay thẳng là đức. Tự tu tánh là công, tự tu thân là đức. Muốn tìm kiếm Pháp Thân của công đức, phải y theo đây thực hành mới là chơn công đức.

Người tu hạnh công đức, tâm chẳng khinh người, thường hành pháp cung kính. Tâm nếu khinh người, nhơn ngã chẳng dứt tức là chẳng công, tự mình hư vọng chẳng thật tức là chẳng đức, vì ngã chấp quá lớn, nên thường khinh bỉ tất cả.

Thiện-tri-thức! Công đức phải do Tự Tánh tự thấy, chẳng phải bố thí cúng dường mà cầu được, nên phước đức và công đức khác nhau là vậy.

Võ Ðế tự chẳng biết chân lý, đâu phải lỗi của Tổ Sư!”

(trích Kinh Pháp Bảo Đàn – Lục Tổ Huệ Năng)
__________________________________________

LỜI BÀN
- Những việc làm như xây chùa, đắp tượng, cúng dường trai Tăng…, theo luật nhân quả thì “quả” từ nhân lành đó tuy tốt đẹp nhưng hữu hạn, thuộc về phước báu hữu vi nên gọi là “phước đức”. Vì sao hữu hạn? Vì tuy hành động xuất phát từ thiện tâm, nhưng vẫn ẩn chứa sự mong cầu vi tế cho chính bản thân mình, tức tâm vẫn còn dính mắc nơi “nhơn, ngã, chúng sanh, thọ giả”, hay gọi tắt là dính mắc nơi “ngã tướng” (phàm phu). Chỉ khi “Vô ngã” (kiến tánh) mà tùy duyên hoằng hóa, tâm nhất như an trụ nơi Tự Tánh Phật, vô nhiễm vô tâm trước mọi trần cấu (tức “tâm vô niệm” như đã bàn ở các bài viết trước) thì với cùng nhân lành trên nhưng “quả” có được thì vô hạn, thuộc về phước báu vô vi nên gọi là “công đức”. Do đó, để được như vậy, người con Phật phải chuyên tu tham thiền, niệm Phật, trì chú, lấy đó làm trọng yếu cho sự tu hành, cho hành trình giác ngộ - giải thoát. Vì vậy, Tổ nói: “Niệm niệm vô ngại, thường thấy cái diệu dụng chân thật của Tự Tánh gọi là Công đức. Công đức ở trong Pháp Thân, chẳng ở tại tu phước”.

- Phật dạy: Lục đạo luân hồi. Trong Lục đạo: Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh, A-tu-la, Nhơn, Thiên thì cõi Thiên có phước đức (hữu vi, hữu hạn) nhiều hơn hết, nhưng vẫn còn trong Lục đạo luân hồi do tâm vẫn còn dính mắc nơi ngã-sở, chưa vô nhiễm vô trụ nên chưa thể giải thoát tử sanh. Đến khi hưởng hết phước đức đã gieo trồng, tùy theo túc nghiệp đủ duyên, họ sẽ sa vào 5 đường còn lại mà luân hồi không dứt.

TÓM LẠI

- Hành việc thiện tức ta gieo trồng và tích lũy phước đức; tuy nhiên phước đức thế gian ấy hữu hạn do tâm còn dính mắc nơi ngã tướng. Nghiệp lực do đó có gia giảm nhưng rất giới hạn, với đại sự giải thoát sanh tử vẫn còn rất xa, chẳng dính dáng gì. Chúng cõi Thiên là ví dụ điển hình.

- Hành trì tham thiền, niệm Phật, trì chú, Giới luật tinh nghiêm… hướng đến sự giác ngộ - giải thoát viên mãn (tự giác) tức ta đang gieo trồng và vun bồi công đức giải thoát. Nghiệp lực do đó được tịnh hóa rất nhanh do tự tâm tự lực của bản thân và Phật lực của Chư Phật 10 phương gia trì nếu tu hành chơn chánh. Đó là ta đang trên đại đạo trở về nẻo Tâm, tầm về Tánh Giác.

- Tu Phật phải lấy “tự giác” làm trọng yếu. Người không biết bơi không thể nào cứu được kẻ đang chết đuối, đành lực bất tòng tâm. Đại sự sanh tử mình chưa tự liễu tự độ được thì sao có thể độ thoát sanh tử luân hồi của muôn vạn chúng sanh, tiếp nối bổn hoài chư Phật. Do đó, tuy hành việc thiện nhưng ta đừng sanh tâm dính mắc, tham đắm, mong cầu phước báu… mà quên tinh tấn, nhẫn nhục công phu để lạc mất đường về.

- Đến khi công phu nơi Thiền - Tịnh - Mật thuần thục, đạt được “vô niệm” thì công đức từ sự “giác tha” là không thể nghĩ bàn. Đó chính là Hạnh Nguyện độ tận chúng sanh nơi khôn cùng cảnh giới khắp 10 phương, và người này xứng đáng là “Trưởng tử Như Lai”.

Mong tất cả tỉnh tâm tu Phật!

DIỆU A Di Đà Phật _()_
Cổ Thiên

Không có nhận xét nào: