Mùa Phật đản, ở chùa nào cũng tôn trí hình ảnh một cậu bé trẻ bụ bẫm, một tay chỉ lên trời, một tay thõng xuống đất. Dưới là đóa sen nâng đỡ gót chân, không phải một mà là bảy đóa sen. Xung quanh em bé nhiều cung nữ chắp tay kính cẩn. Trên không hiện diện nhiều vị trời, thần tiên biểu lộ sự hoan hỷ trước sự ra đời của em bé. Đó là bố cục không gian đặc sắc trong ngày sinh của Đức Phật, trong thân tướng con người, tại vườn Lâm tỳ ni, thành phố Ca tỳ la vệ, nước Ấn độ thời cổ đại, cách đây hơn 2500 năm. Sự kiện Ngài sinh ra gọi là đản sinh. Về sau, kỷ niệm ngày sinh của Phật, người ta gọi là Phật đản.
Những sắc màu huyền diệu vào ngày đản sinh của Đức Phật, nhưng sự mô tả toát lên chưa nói hết ý nghĩa thâm sâu. Để hiểu diệu nghĩa thậm thâm chúng ta đi vào từng lớp nghĩa bên trong. Đầu tiên là giá trị đích thực của con người và đời người!
Giá trị đích thực của đời người toát lên một mật nghĩa mà ngoại đạo không thể nghĩ tưởng: Niềm kiêu hãnh thiêng liêng của con người. Bao quát mật nghĩa ấy là một câu nói lúc Ngài vừa đản sinh: THIÊN THƯỢNG, THIÊN HẠ DUY NGÃ ĐỘC TÔN! Có nghĩa là “Trên trời, dưới trời chỉ có cái ta là tôn quý!”. Đây là một thông điệp minh triết nhất mà trước Ngài, không có ai tuyên xưng được.
THIÊN THƯỢNG, THIÊN HẠ DUY NGÃ ĐỘC TÔN!
Cái ngã mà Đức Phật tán thán là cái tôi của mỗi người chúng ta, hay nói cách khác là bản ngã của mỗi chúng sanh, chứa đựng cái tâm của con người. Tuy cái ngã là cái ngã bình thường của con người nhưng Đức Phật khẳng định là tôn quý bởi vì bằng huệ nhãn nhà Phật, nó được thấy như là một chỗ chứa đựng tất cả tam thiên đại thiên thế giới. Riêng Phật giáo Mật tông chỉ rõ là toàn bộ 100 Bổn tôn hiền minh và phẫn nộ đều nằm trong thân vi tế của con người, nói cách khác là nằm trong bản ngã của con người. Chính nhờ “cái ngã” ấy mà con người mới khám phá chân lý tuyệt đối, giải thoát mình và chúng sanh khỏi luân hồi sanh tử.
Cái ngã “độc tôn” này chỉ giá trị đích thực của con người mà các loài khác không thể sánh được. Ở kinh “Tứ thập nhị chương” Phật dạy có 20 điều khó được, thân người là một điều được nêu ra trước tiên. Trong kinh “Bảo tích” Phật cho biết cơ hội được làm người khó như con rùa mù lọt vào bọng cây sau mỗi trăm năm một lần trồi lên giữa đại dương mênh mông. Vì khó được thân người nên số lượng con người hiếm hoi so với các loài khác, tựa như đất trong móng tay thật quá ít so với đất của địa cầu. Ở khu vườn nhà tôi có một con suối nhân tạo dài khoảng 42 mét, thế mà hiện nay loài cá trong đó nhiều đến vô kể, từ chú lớn đến chú cá nhỏ li ti. Trong khi đó ở làng Phước Thành nơi tôi ở rộng không thua gì một phường lớn trên TP HCM nhưng chỉ có 1.500 hộ gia đình. Không đâu xa, để ý như vậy tôi cũng có thể chứng minh lời của Phật!
Thành tựu giả Tongkhapa |
Tuy nhiên, ý nghĩa đích thực của loài người không phải chỉ ở số ít, mà là ở chỗ họ có nhiều ưu điểm hơn các loài khác trong tu tập Phật pháp. Kinh Phật chỉ rõ những nguyên nhân sau đây: loài ở địa ngục bị hành hình suốt ngày lẫn đêm nên không thể tu tập; loài quỷ đói khát suốt năm nên không thể tu tập; loài súc sanh ngu si và sợ hãi không thể tu tập; loài thần sân hận và ưa đấu đá nên không thể tu tập; loài trời tự do phóng dật nên không thể tu tập. Chỉ có loài người mới có thể tu tập vì loài người được tự do, thông minh, vừa có khỗ đau vừa có sung sướng, thọ mạng giới hạn đủ để nhận biết vô thường mà tấn tu giải thoát. Trong trước tác “Bồ đề chánh đạo. Bồ tát giới luận” Đại sư Tongkhapa, đại thành tựu giả của Phật giáo Mật tông Tây Tạng cho biết, loài người vừa được thọ giới tự nhiên và vừa được thọ giới của giới sư. Bởi vậy, loài người thọ nhận được nhiều giới hơn các loài khác. Nhờ giữ được nhiều giới luật nên giới thể thanh tịnh hoàn toàn, nhờ thế mà nhanh thành đạo nghiệp, đạt giải thoát rốt ráo. Một vị thiên tử vừa ra đời đã có được 10 giới tự nhiên vì do thiện nghiệp kiếp trước. Song, vị trời ấy không thể thọ thêm được giới nào để có thể tăng thêm công đức. Đế Thích Thiên Chủ cũng không thể truyền giới. Các vị trời cõi Sắc giới cũng không thể truyền giới, không thể là giới sư. Do vậy, các vị trời khó tiến tu như loài người.
Con người khi vừa sinh ra đã có được 5 giới nhờ thiện nghiệp kiếp trước. Phật chỉ ra trong phần Giới luật nhà Phật, nếu muốn được làm loài trời con người phát thệ giữ 10 giới; nếu muốn được làm tỳ kheo để giải thoát luân hồi, con người thọ nhận 250 giới luật, riêng tỳ kheo ni – 350 giới luật; muốn trở thành Bồ tát vị tỳ kheo ấy thệ nguyện giữ thêm 58 giới nguyện Bồ đề tâm theo Giới nguyện đại thừa, hoặc 64 giới nguyện Bồ đề tâm theo Giới nguyện Mật thừa. Trong Mật thừa còn có 24 giới luật Mật thừa, 50 giới luật của Năm bộ Phật… Vì vậy, con người giống như bình chứa như ý, dung nạp tất cả những loại nước giới hạnh để trở thành tinh túy giải thoát.
Đức Phật và thánh chúng |
Càng thọ giữ nhiều giới con người càng gần cửa giải thoát vì Giới sinh Định, Định sinh Huệ, Huệ là phương tiện để giải thoát rốt ráo. Nhấn mạnh tầm quan trọng của trí huệ, Phật dạy trong kinh “Bát đại nhân giác”: DÙNG TRÍ HUỆ LÀM NGHIỆP. Loài trời không thể thọ thêm giới vì họ khó giữ được giới luật. Tương truyền, ở Trung Quốc thời cận đại, có 8 vị rồng đến xin quy y hòa thượng Tuyên Hóa, Ngài chấp nhận họ quy y Phật Pháp Tăng, nhưng không truyền giới vì loài rồng không thể giữ giới. Họ hoan hỷ ra về. Qua đó cho thấy hệ thống giới luật của nhà Phật siêu việt hơn ngoại đạo không chỉ nhờ vào số nhiều mà còn thể hiện sự đối trị nhiều khía cạnh của phiền não gây ra.
Loài người do đó hơn các loài khác là tự mình làm giới sư, đắc được giới thể, nâng cao giới hạnh. Bởi vậy, Phật bảo gia tài thánh nhân gồm 7 món, trong đó có giới hạnh. Xét ở mặt siêu hình, quang minh của loài người, nhất là những vị chân sư rực rỡ hơn cả những vị trời, vị tiên bởi nhờ giữ được nhiều giới. Nhờ có khả năng truyền giới nên những ai tu tập với những giới luật toàn phần, họ được các vị người, trời, quỷ thần tôn kính. Do vậy, không ngẫu nhiên Phật được có danh hiệu là “Thiên nhân sư”, tức là “Thầy của trời, người”. Trước khi có Phật, không ai nhận định đúng giá trị loài người. Tất cả 96 ngoại đạo cùng thời Đức Phật đều cho rằng con người tu tập thành công đạo nghiệp cao nhất chỉ làm thiên tử, con nghĩa là con trời, dân trời. Ở cõi trời Dục giới thì mỗi tầng trời đều có Thiên chủ; ở cõi Sắc giới thì có Phạm chúng thiên (những vị trời con), Phạm phụ thiên (những vị trời cha), Phạm phụ thiên (Vị Chúa trời ở cõi nhị thiền); chỉ khi lên đến cõi tam thiền, tứ thiền mới hết sự phân biệt… Tuy nhiên, khi làm người Phật khẳng định nếu tu hành đúng chánh pháp thì sẽ trở thành Phật, ngang hàng với Ngài. Do đó, Phật từng nói: “Ta là Phật đã thành, các ông là Phật sẽ thành”.
Có được thân người là quý vì bản chất có nhiều ưu điểm như đã nêu trên nhưng đã được thân người mà biết được Phật pháp, tin theo chánh pháp và tu hành theo pháp Phật lại là một vấn đề khác. Ở đây Phật muốn nhấn mạnh giá trị của đời người. Có nghĩa là con người tập trung năng lượng của thân, ngữ, tâm vào mục tiêu giải thoát. Ngược lại nếu không như vậy, xem như người đó không biết tận dụng cơ hội quý báu, chẳng khác gì đến được kho tàng mà trở về với tay không. Từ đây, có thể khẳng định rằng thân người là quý nhất, đời người là phương tiện thiện xảo để tấn tu giải thoát thành Phật. Đây là mật nghĩa của “THIÊN THƯỢNG THIÊN HẠ DUY NGÃ ĐỘC TÔN” (Trên trời, dưới trời chỉ có cái ta là tôn quý). Mật nghĩa này phản ánh một trạng thái hoan hỷ vô song, đó là niềm kiêu hãnh thiêng liêng như đã nêu ở đầu bài.
Đọc đến đây độc giả có thể tự vấn rằng Phật dạy môn đệ khiêm tốn, tại sao lại phát ngôn một câu nói mang tính chất tự kiêu? Thực ra không phải như vậy! Phật chỉ nói ra sự thật, chỉ ra chân lý tuyệt đối, nêu lên một nhận thức luận siêu việt mà trước thời của Ngài, không ai có thể dám nghĩ đến! Trái với đạo khác là đề cao, tôn vi Trời, Thần, Đức Phật xác quyết chỉ có con người là tôn quý, vì con người có thể thành Phật. Đây là mật nghĩa của Niềm kiêu hãnh thiêng liêng, chỉ hiển bày trong thời Phật giáo hậu kỳ khi Mật thừa phát triển. Đây là cá tính Mật giáo. Trong tác phẩm nổi tiếng của mình “Mật giáo nhập môn. Quan kiến Mật giáo” Yeshe Rinpoche nhấn mạnh rằng thói quen cảm thấy bất mãn về thân khẩu ý của mình rất có hại, khiến ta luôn buồn rầu, trầm uất. Cách đối trị khuynh hướng này là gây dựng cho mình niềm kiêu hãnh thiêng liêng được thực hiện trong Mật giáo vào giai đoạn Phát triển Du già. Lúc bấy giờ chúng ta bước vào kinh nghiệm của một niềm kiêu hãnh thiêng liêng là hóa thân của một vị Phật, tâm mình thoát khỏi mọi giới hạn thông thường, trái lại được nâng lên một tầm cao giác ngộ. Đây là luận giải về SỰ, trên bình diện về LÝ, chúng ta đều thấy nếu ai luôn giữ thái độ tự tu, đố kỵ người khác, bạn sẽ tự nhiên biểu lộ mình như một kẻ phiền não, thất chí, sân hận,. Lúc ấy, trường tâm linh xung quanh họ phóng xuất những ba động quang minh thô kệch, chiêu cảm ác nghiệp hơn là thiện nghiệp. Nếu họ trầm mình trong sóng lực tâm linh của niềm kiêu hãnh thiêng liêng bằng cách tập trung vào những phẩm tính từ bi, trí huệ của vị Phật quán tưởng, họ sẽ đón nhận những làn sóng cảm hứng thanh thoát, có khả năng chuyển hóa đời sống của mình một cách trọn vẹn.
Kiêu hãnh là tính cách tiêu cực của người đời, nhưng Phật giáo Mật tông chuyển hóa mọi năng lượng của tâm thức thành trí tuệ, tạo ra cơ hội giải thoát. Chính vì vậy mới có niềm kiêu hãnh thiên liêng rằng “THIÊN THƯỢNG THIÊN HẠ DUY NGÃ ĐỘC TÔN”!
Thinley_Nguyên Thành
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét