Thứ Năm, 7 tháng 4, 2016

ĐỨC PHẬT GIÁO HOÁ (CHUYỂN PHÁP LUÂN)

Với tâm đại bi và trí tuệ siêu việt, sau hai mươi mốt ngày, Đức Phật đã thấu triệt trình độ cao thấp của chúng sanh. Bởi thế, Đức Phật sẽ tùy căn cơ trình độ của chúng sanh mà thuyết giáo. Phương pháp giáo hoá theo hai nguyên tắc: kết hợp với chơn lý cứu cánh (Khế lý) và tuỳ thực tế áp dụng phương pháp thích hợp (Khế cơ). Quyết định xong, Đức Phật rời toà Bồ đề, đi về phía thành Ba-la-nại (Benarer)

Giáo đoàn đầu tiên 

Khi vào thành Ba-la- nại, Phật đi thẳng đến vườn Lộc Uyển để gặp năm anh em ông Kiều trần Như, người cùng tu khổ hạnh với Phật ngày trước. Thấy Phật từ xa đi lại, năm anh em ông Kiều Trần Như tưởng là đạo sĩ Tất-Đạt-Đa đã ăn năn hối hận và xin tiếp tục hành đạo. Bởi thế, năm ông bàn với nhau là không đón chào tiếp rước, ôm y bát, nhường chổ ngồi, cho ăn uống, phải nhắm mắt tảng lờ như không nhìn thấy. Nhưng Phật mỗi lúc một đi đến gần. Với hình ảnh, tướng mạo, tư chất, phong cách khác hẳn các đạo sĩ bình thường, tâm tư năm anh em Kiều Trần Như thấy nao nao cãm phục. Với những ý định đã bàn bạc, với những thái độ căm ghét ban đầu họ cãm thấy như tan biến theo từng bước chân của Phật, không ai bảo ai, khi Phật đến gần, tất cả đều đứng dậy vái chào niềm nở. Người thì lễ bái người thì dành ôm y bát, người thì sửa soạn bồ đoàn, người thì múc nước rửa chân Phật và đồng thanh chào mừng.

- "Xin hân hạnh chào bạn, mời bạn ngồi giữa năm anh em chúng tôi".

Phật hỏi : 

- Này Kiều Trần Như! Các ông đã giao ước không đón chào Ta sao lại tỏ nhiều cử chỉ trái ngược?

- Thưa bạn, đó là một sự hiểu lầm ban đầu. Với phước tướng của bạn chúng tôi đâu dám thất lễ.

Phật bảo : 

- Này các Đạo sĩ! Không nên gọi Ta là bằng bạn, bằng tên thế tục. Qua thời gian nhập định, tư duy dưới cây Trí giác, Ta đã thành bậc Chánh đẳng Chánh giác, Ta là đấng Đạo sư, đấng Đại y vương. Hãy gọi Ta là Phật, bậc có trí tuệ, nhìn xuyên suốt nguồn gốc vũ trụ, nhân sanh. Các Đạo sĩ hãy lắng nghe! Ta đến đây có mục đích khai thị cho các Đạo sĩ con đường dẫn đến đạo quả Giác ngộ và Giải thoát mà Ta đã thành đạt.

- Này các Đạo sĩ! Trước đây các Đạo sĩ nghĩ Ta đã sống buông lung, phóng dật nên đã ruồng bỏ Ta. Thực sự, Ta không như thế. Khi còn ở cung đình đủ các loại lạc thú, nhưng Ta đã không đắm say thích hưởng lạc thì ái dục càng tăng, thâm tâm ô nhiễm không dứt trừ được già, bệnh, chết vòng xích nhân quả luân hồi. Ta đã bỏ đằng sau để vào rừng với các bạn tu khổ hạnh. Nhưng qua sáu năm ép xác, chỉ làm cho cơ thể hao mòn, sức lực kiệt quệ, đi đứng không nổi. Nhục thể chịu khổ bao nhiêu thì tâm thần càng thêm rối loạn bấy nhiêu, trên đường đạo hạnh, cần tránh hai thái cực. Chỉ có phương pháp tu hành Trung đạo mới đi đến cứu cánh Giác ngộ thành Phật.

- Này các Đạo sĩ! Con đường Trung đạo có tám nhánh, gọi là Tám Chánh đạo:

1- Hiểu biết chơn chánh (Chánh kiến)
2- Suy nghĩ thuần chơn (Chánh tư duy) 
3- Lời nói hiền hoà trung trực (Chánh ngữ)
4- Việc làm chánh đáng (Chánh nghiệp) 
5- Sanh kế hợp lý (Chánh mạng) 
6- Siêng năng theo lẽ phải (Chánh tinh tấn)
7- Nhớ nghĩ chơn lý (Chánh niệm) 
8- Giữ tâm linh theo Chánh đạo (Chánh định) 

Đó là con đường Trung đạo mà Ta đã khám phá được. Con đường hướng đến giải thoát phiền não khổ đau, được Giác ngộ, Tịch tịnh Niết bàn.

- Này các Đạo sĩ! Trên thế gian này chúng sanh luôn luôn gánh chịu nhiều khổ đau: sanh, già, bệnh, chết gây khổ cho con người. Ngoài ra còn nhiều tai ương khác nửa, như phải chia lìa người thân thương, gặp gở kẻ oán thù, điều mơ ước không đạt được, năm uẩn phát triển không đồng đều trong cơ thể. Đó là chưa kể những tai ương do thiên nhiên gây nên, như tai nạn về nước, tai nạn về lửa, tai nạn về gió bão v. v...

Tất cả những khổ đau đâu phải tự nhiên mà có hay do Thượng đế an bài. Nguyên nhân của nó là do con người chất chứa vô minh, tham ái, ngã chấp.... rồi phát sanh phiền não: tham, sân, si.... những nguyên nhân đau khổ, con người tích lũy lâu ngày thành lập. Muốn giải thoát, an vui, tịch tịnh, con người phải quyết tâm diệt sạch phiền não: tham, sân, si..... Đó là Diệt. Phương pháp để giác ngộ và giải thoát, đạt cảnh giới tịch diệt Niết bàn là Bát Chánh đạo, đó là Đạo.

- Này các Đạo sĩ! Với thực tại cuộc đời, Ta khai thị cho các ông biết :
- Đây là Khổ, vì tánh nó hay bức bách
- Đây là Tập, vì tánh nó thường dễ chiêu cãm. 
- Đây là Diệt, vì tánh nó có thể chứng. 
- Đây là Đạo, vì tánh nó có thể tu.

- Này các Đạo sĩ! Ta khuyên các ông hãy tích cực nhận biết bốn sự thật: 
- Đây là Khổ, các ông phải biết. 
- Đây là Tập, các ông cần phải trừ. 
- Đây là Diệt, các ông cần chứng đắc. 
- Đây là Đạo, các ông cần tu tập.

- Này các Đạo sĩ hãy noi theo Ta để biết rõ: 
- Đó là Khổ, Ta đã biết rồi. 
- Đó là Tập, Ta đã trừ xong. 
- Đó là Diệt, Ta đã chứng được. 
- Đó là Đạo, Ta đã thực hành.

- Nảy các Đạo sĩ! Trong thực tại Khổ, Tập, Diệt, Đạo là bốn chơn lý chắc thật nhiệm mầu, vì thế được gọi là Tứ Diệu Đế, chỉ có Thánh trí mới thấu rõ nên còn gọi là Tứ Thánh Đế. Con người cần thấu hiểu bốn chân lý này và tu theo con đường Trung đạo mới mong thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi.

Thuyết giảng Tứ Diệu Đế xong, Phật lại hỏi các Đạo sĩ: "Con người có sanh già, bệnh, chết vì thân năm uẩn. Vậy với thân năm uẩn này, các ông còn bảo tồn là thường hay không thường! Là khổ hay không khổ? Là có ngã hay không ngã?"

Các Đạo sĩ thưa: "Bạch Phật! Năm uẩn sắc, thọ, tưởng, hành và thức là Vô thường, là Khổ và là Vô ngã!".

"Hay lắm thay! Ta thật không uổng công trong lần Chuyển Pháp Luân đầu tiên này. Vì các Đạo sĩ đã tiếp thu được giáo pháp nhiệm mầu của Ta truyền đạt".

Phật thuyểt giảng xong, năm Đạo sĩ cùng tu khổ hạnh với Phật lúc trước hoan hỷ tín nhận, lễ Bái tôn vinh Phật, phát nguyện xin xuất gia làm đệ tử. Đó là năm đệ tử đầu tiên của Phật. Bấy giờ, ngôi Tam Bảo được hình thành. Đức Thích Ca Mâu Ni là Phật Bảo, Tứ Thánh Đế là Pháp Bảo và năm anh em ông Kiều Trần Như là Tăng Bảo.

Nhận thức:

Trong 45 năm thuyết pháp của Đức Phật, bài pháp Tứ Thánh Đế là quan trọng hơn cả. Các tư tưởng gia Đông - Tây đều cho bài đó là tinh tuý của Phật giáo là đóa hoa thơm của nhân loại. Vì Tứ Thánh Đế này làm căn bản cho toàn bộ hệ thống triết lý tư tưởng Phật giáo. Tất cả tư tưởng khác đều bắt nguồn, đâm rể, nảy mầm, đâm chồi, kết trái tử Tứ Thánh Đế.

Bài giảng Tứ Thánh Đế đầu tiên này của Đức Phật gọi là Sơ Chuyển Pháp Luân.

Biên soạn: HT. THÍCH MINH TUỆ.

Không có nhận xét nào: