Thứ Ba, 19 tháng 1, 2016

MINH TRIẾT VIỆT MÔ TẢ SỰ HÌNH THÀNH VŨ TRỤ SAU GIÂY O.

CHƯƠNG V: THÁI CỰC - SỰ KHỞI NGUYÊN VŨ TRỤ THEO THUYẾT ÂM DƯƠNG NGŨ HÀNH TỪ MINH TRIẾT VIỆT.

Thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng biến hóa vô cùng.
Di sản văn hóa truyền thống Việt.

MỞ ĐẦU

Như vậy, trong bốn chương liên tiếp của phần II.I, chúng tôi đã chứng minh sự sai lệch về cả hình thức thể hiện lẫn nội dung của câu: "Thị cố dịch hữu Thái cực, thị sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái" trong bản văn cổ chữ Hán. Đồng thời chúng tôi cũng chứng minh cách giải thích mơ hồ của các nhà nghiên cứu Hán Nho, từ hơn 2000 năm qua, khi cố gắng tìm những bí ẩn của nền văn minh Đông phương, vốn tự nhận là của họ.

Cũng trong những chương trên, chúng tôi cũng nêu rõ tiêu chí khoa học cho một lý thuyết khoa học là:

Những khái niệm, mô hình biểu kiến của một lý thuyết khoa học phải phản ánh một thực tại có thể quan sát được.

Hay nói cách khác là: Bất kể một hệ thống lý thuyết nào, nhân danh bất cứ một cái gì, đều phải mô tả một thực tại và giải thích thực tại. Một lý thuyết tôn giáo thì nhân danh Thượng Đế, giải thích tất cả từ nguồn gốc vũ trụ, cho đến mọi vấn đề thiên nhiên, xã hội và con người, nhân danh quyền năng của Thượng Đế. Tất nhiên nó vẫn có thể đáp ứng một số tiêu chí là: Tính hệ thống, tính nhất quán, tính hoàn chỉnh. Nhưng nếu là một lý thuyết nhân danh khoa học nó phải bảo đảm tính hợp lý, tính khách quan, tính quy luật và khả năng tiên tri.

Tương tự như vậy, thuyết Âm Dương Ngũ hành cũng phải có đối tượng quán xét của nó. Đó là toàn bộ lịch sử hình thành vũ trụ từ giây "O" ("Thái cực"), đến mọi quy luật phát triển và tiến hóa của vũ trụ. Đây cũng là nội dung chính của phần II. I mà chúng tôi đã nói ở phần trên.

Do đó, khi các nhà nghiên cứu Hán Nho lấy ngay khái niệm biểu kiến có tính tổng hợp của nhận thức thuộc tư duy trừu tượng là: Âm Dương, Thái Âm, Thái Dương, Thiếu Âm, Thiếu Dương, Bát quái thuộc về thuyết Âm Dương Ngũ hành, để giải thích nội hàm những khái niệm phản ánh một thực tại khách quan, vốn đã được tổng hợp và mô tả bằng chính những khái niệm của một học thuyết đó thì chỉ là sự đánh tráo khái niệm. Nếu "Lưỡng Nghi" là "Âm Dương", như các nhà Lý học Hán Nho mô tả thì "Âm Dương" là cái gì? Không lẽ lại giải thích "Âm Dương" là "Lưỡng nghi"?

Cho nên, khi chúng tôi xác định và hiểu chỉnh sự mô tả của thực trạng khởi nguyên vũ trụ nhân danh nền văn hiến Việt, phủ nhận cách giải thích của các nhà nghiên cứu Hán nho, thì một hệ quả tất yếu và mang tính nhất quán, có tính hệ thống và phù hợp với tiêu chí khoa học, là: Chúng tôi phải giải thích bản chất của thực trạng khởi nguyên của vũ trụ, trong câu trên của Hệ từ , theo cách mô tả của thuyết Âm Dương Ngũ hành nhân danh nền văn hiến Việt. Hay nói cách khác: Chúng tôi phải mô tả một thực tại mà học thuyết này phản ánh.

Trước khi chúng tôi trình bày luận điểm của mình về nội hàm câu trên của Hệ từ, chúng tôi mô tả cách giải thích của những nhà nghiên cứu Hán Nho về khái niệm "Thái cực" (Trạng thái khởi nguyên của vũ trụ, tức "giây O", trước Big bang , theo mô tả của tri thức khoa học hiện đại).

V.1. THÁI CỰC THEO CÁCH LÝ GIẢI CỦA HÁN NHO.

Từ "Thái Cực" cổ nhất, chính thức xuất hiện trong bản văn chữ Hán của kinh Dịch, trong câu của Hệ từ Thượng truyện (Chương VI, Tiết 3): "Thị cố dịch hữu Thái cực, thị sinh lưỡng nghi....". Sau đó từ thời Hán đến nay, trải hơn 2000 năm - rất nhiều nhà nghiên cứu Hán Nho bàn về nội hàm của khái niệm này.

Từ thời Hán, đã có người cho "Thái Cực" là "Thái Nhất"; có người gọi là "Thái Hư". Nhưng đều bị phản bác. Cho đến thời Tống, triết gia nổi tiếng là ông Chu Đôn Di mô tả khái niệm về "Thái Cực" trong "Thái Cực đồ thuyết" như sau:

"Vô cực nhi Thái cực.Thái cực động nhi sinh Dương. Động cực nhi tĩnh. Tĩnh nhi sinh Âm. Tĩnh cực phục động. Nhất động nhất tĩnh, hỗ vi kỳ căn. Phân Âm, phân Dương, lưỡng nghi lập yên. Dương biến, Âm hợp nhi sinh Thủy, Hỏa,Mộc, Kim, Thổ.Ngũ khí thuận bố, tứ thời hành yên.

Ngũ hành nhất: Âm Dương dã; Âm Dương nhất: Thái cực dã. Thái cực bản Vô cực dã. Ngũ hành chi sinh dã, các nhất kỳ tính. Vô cực chi chân, nhị ngũ chi tinh, diệu hợp nhi ngưng..."

Vô cực mà là Thái Cực. Thái cực động sinh Dương. Động cực chi tĩnh. Tinh sinh Âm. Tĩnh cực lại động. Một động, một tĩnh làm căn bản cho nhau. Khi đã phân chia Âm Dương thì "Lưỡng nghi" thành lập. Đến lúc Dương biến, Âm hợp thì Thủy, Hỏa, Mộc, Kim, Thổ sinh ra. Năm khí đó, nếu được sắp đặt thuận hợp với nhau thì bốn mùa sẽ vận hành đều đặn.

Ngũ hành nếu hợp nhất thì thành Âm Dương. Âm Dương hợp nhất thì thành Thái Cực. Thái cực có gốc là Vô cực. Ngũ hành sinh hóa đều có tính duy nhất. Cái chân không của Vô cực, cái tính chất của Âm Dương và Ngũ hành tất cả phối hợp một cách kỳ diệu và kết tụ lại với nhau.

(Bản dịch của Gs Nguyễn Hữu Lượng. Kinh Dịch và Vũ trụ quan Đông phương).

Qua đoạn trích dẫn trên, bạn đọc cũng nhận thấy rằng: Do không nhận thức được bản thể của Thái cực, nên các nhà nghiên cứu Hán Nho đã thay thế "Thái Cực" bằng những danh từ khác để mô tả. Nhưng bản thể nội hàm khái niệm "Thái cực" với chính danh từ của nó là gì thì cho đến nay vẫn là một sự mơ hồ.

Cũng qua đoạn trích dẫn này, một lần nữa xác định sự nhầm lẫn từ ngay bản văn chữ Hán và cách giải thích của Hán Nho về tính đồng đẳng của chuỗi khái niệm trong câu "Thái cực sinh lưỡng nghi....", trong Hệ từ thượng. Ông Chu Đôn Di vẫn coi Âm Dương, Ngũ hành là một khái niệm phản ánh thực tại. Trong khi thực chất đây là những phạm trù, mô tả và phân loại thuộc tư duy trừu tượng của một học thuyết. Tính mơ hồ trong cách giải thích của Chu Đôn Di thể hiện sự nhầm lẫn khi xác định:

"Năm khí đó, nếu được sắp đặt thuận hợp với nhau thì bốn mùa sẽ vận hành đều đặn".

Với cách giải thích của ông Chu Đôn Di thì vấn đề đặt ra là: Ai sắp đặt Ngũ hành thuận hợp để bốn mùa vận hành đều đặn? Trong khi đó thì chính thực tại vận động có tính quy luật của bốn mùa trên Địa cầu là cơ sở để phân loại theo thuyết Âm Dương Ngũ hành. Trong đó mùa Xuân thuộc Mộc, mùa Hạ thuộc Hỏa, mùa Thu thuộc Kim và mùa Đông thuộc Thủy. Hành Thổ là sự kết thúc của tứ hành vào các tháng cuối của mỗi mùa.

Chính vì nền tảng của văn minh phương Đông không thuộc về văn minh Hán, cho nên chính những nhà nghiên cứu Hán Nho, trải hơn 2000 năm, vẫn không thể hiểu được chính những giá trị đích thực của những khái niệm này.

V.2. THÁI CỰC TRONG VĂN HIẾN VIỆT.

2.1. BẢN NGUYÊN VŨ TRỤ - GIÂY "O" - TRONG MINH TRIẾT PHƯƠNG ĐÔNG.

Trong hơn 1000 năm chìm đắm bởi sự đô hộ của Bắc phương với toàn bộ di sản văn hóa bị Hán hóa, chỉ còn những di sản lưu truyền trong dân gian. Do đó, có thể xác định ngay rằng một định nghĩa chính thống về khái niệm "Thái cực" là không có.

Nhưng trong di sản văn hóa truyền thống Việt và từ một sự minh triết khác ẩn chứa trong "Sự tích cây Nêu" của nền văn hóa truyền thống Việt được giải mã, theo chủ quan của chúng tôi là:

1/ Hình ảnh cây Nêu vươn thẳng lên trời và hòa nhập với vòng tròn phia trên của hình tượng cây Nêu truyền thống, cho thấy một sự thoát tục theo Đạo Giáo.

2/ Phủ bóng lên vòng tròn phía trên cây nêu là chiếc áo cà sa của Đức Phật.

Những hình tượng này hàm chứa một nội dung hướng dẫn chúng tôi đã đi tìm nội hàm của khái niệm Thái cực trong khái niệm "Đạo" trong Đạo Đức Kinh của Lão Tử và trong khái niệm nội hàm của "Tính Thấy" trong Phật giáo, cụ thể là trong tạng kinh "Thần chú Phật đỉnh Thủ Lăng Nghiêm".

Trên cơ sở này, sự xác định nội hàm của toàn câu được phục hồi từ di sản truyền thống của nền văn hiến Việt: "Thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng biến hóa vô cùng" ; nhằm mô tả một thực tại vũ trụ từ trạng thái khởi nguyên (Giây "O") và sau giây "O" , thì cần phải xác định bản thể Thái Cực như một thực tế tồn tại.

Phân tích từ "Thái cực" với đúng nguyên nghĩa của nó thì đó là một tính từ theo khái niệm Việt. Trong đó "cực" là sự giới hạn, hoặc chuẩn mực để có thể so sánh đối chiếu. "Thái" là sự vượt qua sự giới hạn, vượt ra ngoài mọi chuẩn mực để có sự so sánh đối chiếu. Nghĩa đen của "Thái cực", nếu phân tích khái niệm từng chữ theo nguyên nghĩa tiếng Việt chỉ có vậy. Nhưng vì sự xác định "Thái cực" là thể bản nguyên đầu tiên của vũ trụ thì có thể xác định rằng:

Bản thể "Thái cực" không có sự đối đãi, không có so sánh, không có sự phân biệt. Bởi vì, không có cái gọi là lớn, để so với cái gọi là nhỏ; không có nhanh, vì không có cái chậm để phân biệt....tóm lại là không không gian, không thời gian và không có lượng số.

Đối chiếu nội hàm này, từ việc diễn giải nguyên nghĩa "Thái cực" theo tiếng Việt với các khái niệm liên quan của các khái niệm minh triết học Đông phương khác là Phật giáo, Đạo Giáo ; khi mô tả về trạng thái đầu tiên của vũ trụ, chúng có một nội hàm tương đồng:

2.1.1. "Tính Thấy" - Giây "O" của vũ trụ - trong Phật giáo:

Đoạn trích dẫn dưới đây trong tạng Kinh nổi tiếng của Phật giáo: “Kinh Thủ lăng nghiêm trực chỉ” ("Thần chú Phật đỉnh Thủ Lăng Nghiêm") do thiền sư Hàm Thị dẫn giải và dịch giả là hoà thượng Thích Phước Hào (Do Thành hội Phật giáo T/p HCM, xuất bản năm 1991).

ĐOẠN III – CHỈ HAI MÓN CĂN BẢN CHIA RIÊNG MÊ NGỘ
Đức Phật bảo Anan:

”Tất cả chúng sinh từ vô thuỷ đến nay; các thứ điên đảo giống nghiệp tự nhiên nhóm lại như chùm ác xoa. Các ngườI tu hành không thành được đạo Vô Thượng Bồ Đề; mà chỉ thành Thanh văn; Duyên giác; ngoại đạo; chư thiên;Ma vương và quyến thuộc của ma; đều chẳng biết hai món căn bản; tu tập sai lầm. Cũng như nấu cát mà muốn thành cơm thì dù trải qua nhiều kiếp trọn không thể được.
Thế nào là hai thứ căn bản? Anan! Một là căn bản sinh tử từ vô thuỷ. Chính hiện nay ông và chúng sanh đang dùng tâm phan duyên làm tự tánh. Hai là Bồ Đề Niết Bàn nguyên thể thanh tịnh từ vô thuỷ. tức là cái thức tinh nguyên minh của ông hay sinh các duyên mà bị duyên bỏ rơi. Do chúng sinh bỏ rơi tính bản minh này; nên trọn ngày trong động dụng mà chẳng tự biết; uổng trôi vào trong các cõi.

Qua đoạn trích dẫn trên, chúng ta thấy Đức Phật đã nói tới khái niệm “Căn bản sinh tử từ vô thuỷ”. Khái niệm "vô thủy" nghĩa đen theo Việt ngữ là cái có trước cả cái đầu tiên trong vũ trụ tính theo thời gian. Tức tương ứng với trạng thái đầu tiên trong Lý học là "Thái cực". Trong khoa học hiện đại diễn đạt dưới khái niệm "giây O" là thời gian có trước tất cả khái niệm thời gian tạo ra một vũ trụ như hiện nay.

Cũng trong tạng Kinh này, Đức Phật đã mô tả về bản thể "Nguyên thủy thanh tịnh từ vô thủy" là: ra ngoài nghĩa "Phải và không phải" (Mục III. Sđd). Tức là không có trạng thái phân biệt. Cho dù đó là sự phân biệt của tư duy trừu tượng. Hay nói theo thuyết Âm Dương Ngũ hành: Trong Thái cực không có sự phân biệt, như người viết đã trình bày ở trên.

2.1.2. "Đạo" - Giây "O" của vũ trụ - trong Đạo Đức Kinh

Trong Đạo Đức Kinh cũng được coi là của chính nền văn minh Hán, đã mô tả khái niệm "Đạo" như sau:

Hữu vật hỗn thành, tiên thiên địa sinh. Tịch hề, liêu hề, độc lập nhi bất cải. Chu hành nhi bất đãi. Khả dĩ vi thiên hạ mẫu.

Ngô bất tri kỳ danh. Tự chi viết "Đạo". Cường vị chi danh viết "Đạo".

Có một vật hỗn độn mà thành, trước cả trời đât. Nó yên lặng, trống không, đứng một mình mà không thay đổi.Vận hành khắp vũ trụ mà không ngừng. Có thể coi đó là mẹ của thiên hạ. Ta không biết gọi tên nó là gì. Tạm đặt tên là "Đạo". Miễn cưỡng gọi nó là lớn (vô cùng).

(Bản dịch Nguyễn Hiến Lê, "Lão Tử và Đạo Đức Kinh". Nxb VHTT 1994).

Về thuộc tính của Đạo, Lão Tử viết:

"Ở trên không sáng,ở dưới không tối, thâm viễn bất tuyệt. Nó lại trở về với cõi vô vật. Cho nên bảo là cái trạng không có hình trạng, cái tượng không có vật thể. Nó thấp thoáng, mập mờ. Đón nó thì không thấy đầu, theo nó thì không thấy đuôi".

(Chương 14 - Lão tử và Đạo Đức Kinh - sđd)

"Đạo chỉ là cái gì mập mờ thấp thoáng.Thấp thoáng mập mờ mà bên trong có hình tượng. Mập mờ thấp thoáng mà bên trong có vạn vật. Nó thâm viễn tối tăm , mà bên trong có tinh túy. Tinh túy đó rất xác thực và rất đáng tin.

(Chương 21 - Lão tử và Đạo Đức Kinh - sđd).

Như vậy, cả Đạo Đức Kinh và Phật pháp đều mô tả trạng thái khởi nguyên của vũ trụ, tương ứng với nguyên nghĩa "Thái cực" trong tiếng Việt. Điều này hoàn toàn khác hẳn các giải thích của những nhà nghiên cứu Hán Nho, mà điển hình là ông Chu Đôn Di, một triết gia hàng đầu đời Tống và đã lập ra hẳn một hệ thống gọi là Tống Nho, phân biệt với Hán Nho. Nhưng với tư duy bậc thầy của ông ta cũng không giải thích được nguyên nghĩa của "Thái cực", như người viết trình bày ở trên.

Ở đây, ngay cả các triết gia và các nhà nghiên cứu tên tuổi thời nhà Tống như Vương An Thạch, được coi là bậc túc Nho, sau này làm nên đến tể tướng cũng hoàn toàn sai lầm khi giải thích về Đạo Đức Kinh như sau:

Nguyên văn trong các bản cổ nhất của Đạo Đức kinh, trước Vương An Thạch , viết như sau:

Đạo khả Đạo, phi thường Đạo. Danh khả danh,phi thường danh.

Vô danh thiên hạ chi thủy. Hữu danh vạn vật chi mẫu.

Câu sau: "Vô danh thiên hạ chi thủy. Hữu danh vạn vật chi mẫu", có thể hiểu là: Không có tên để đặt cho trạng thái khởi nguyên của vũ trụ; nhưng đó chính là trạng thái sinh ra tất cả vạn vật có thể gọi tên.

Nhưng ông Vương An Thạch lại thêm dấu "phẩy" sau chữ "Vô" và "Hữu" thành ra câu này được viết như sau:

Vô, danh thiên hạ chi thủy. Hữu, danh vạn vật chi mẫu.

Và ông ta giải thích rằng: "Không" là tên gọi của cái bản thủy của trời đất. "Có" là mẹ sinh ra vạn vật. Tất nhiên, tể tướng đã nói thì cứ phải từ đúng trở lên. Cho nên cách hiểu của Vương An Thạch được coi là chính thống từ thời Tống đến nay. Mặc dù, cách giải thích của Vương An Thạch, tự mâu thuẫn với nội dung mà chính vị được coi là Lão Tử mô tả:

"Danh khả danh phi thường danh". Do đó, nếu gọi được nó bằng cái danh "Vô" ("Không") thì nó lại không phải là "Không"! Nói rõ hơn, như Lão Tử diễn đạt: Nếu cái danh của "Đạo" mà gọi ra được là "Đạo"thì nó là "Phi thường danh".

Ở đây ông Vương An Thạch, đơn giản hóa cho dễ hiều: đặt tên nó là "Không"!? Sự mâu thuẫn này không chỉ ngay với nguyên cả đoạn đã trích dẫn, mà là sự mâu thuẫn có tính hệ thống với toàn bộ sự mô tả của Lão Tử về bản thể của "Đạo" trong toàn bộ cuốn sách: Cái "không" chỉ được coi là"Không" khi phân biệt với cái "Có" ra đời.

Tương tự như cách giải thích "Thái cực" của ông Chu Đôn Di vẫn lưu truyền đến bây giờ. Không ít các nhà nghiên cứu, khi viết về những vấn đề liên quan đến kinh Dịch và câu "Thái cực sinh lưỡng nghi...." trong Hệ từ Thượng truyện, lặp lại quan niệm của Chu Đôn Di; "Thái cực bản vô cực dã"!?

2.2. THÁI CỰC - BẢN NGUYÊN VŨ TRỤ - TRONG MINH TRIẾT VIỆT.

Như vậy, trong toàn câu của Hệ từ thượng truyện, phải viết lại theo minh triết Việt là:

"Thị cố dịch hữuThái cực, thị sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng biến hóa vô cùng".

Từ đó, trên cơ sở tổng hợp những gía trị minh triết Đông phương, trong Phật pháp và Đạo Đức Kinh, căn cứ theo nguyên nghĩa tiếng Việt của từ "Thái cực" - vượt ra ngoài mọi sự giới hạn - thì nội hàm khái niệm "Thái cực", cần phải hiểu là:

1/ "Thái cực" là một thực tại ở giai đoạn khởi nguyên của vũ trụ. có thể tính.

2/ Trong "Thái Cực" không có sự phân biệt không gian và thời gian và là trạng thái tuyệt đối.

Như phần trên chúng tôi đã trình bày:

Với sự giải thích nội hàm "Thái cực" là một thực tại ở giai đoạn khởi nguyên vũ trụ thì toàn bộ câu trong Hệ từ thượng được hiệu chỉnh từ nền văn hiến Việt, là: "Thái cực sinh lưỡng nghi; lưỡng nghi sinh tứ tương, tứ tượng biến hóa vô cùng", chính là sự mô tả toàn bộ quá trình vận động của vũ trụ từ giây "O" và sự diễn tiến của vũ trụ ngay sau giây "O".

Tính hợp lý trong sự lý giải của nền minh triết Việt, không chỉ giới hạn trong ngay cấu trúc khái niệm đồng đẳng trong chuỗi liên hệ của toàn câu, nhằm mô tả những trạng thái liên tiếp diễn biến của vũ trụ sau giây "O" . Nó còn là sự mô tả liên quan đến những bí ẩn của vũ trụ mà khoa học hiện đại đang bế tắc vì đụng trần thời gian: 10 47 s, sau giây "O".

Tất cả những điều này, được trình bày ngay sau đây. Tất nhiên nó được trình bày trong hệ thống Lý học Việt về thuyết Âm Dương Ngũ hành từ sự xác định, hiệu chỉnh và hệ thống hóa của chúng tôi, đối chiếu với tiêu chí khoa học cho một lý thuyết khoa học được coi là đúng và tiêu chí xác định một lý thuyết phải mô tả một thực trạng quan sát là cơ sở cho hệ thống lý thuyết đó.

Chúng tôi cũng cần xác định một lần nữa và đây cũng là điều mà chúng tôi đã nói tới ở phần trên, để xác định rằng:

Chúng tôi đang phục hồi một hệ thống lý thuyết cổ xưa đã thất truyền và đã tồn tại trên thực tế. Do đó, chỉ có thể dùng tiêu chí khoa học cho một lý thuyết khoa học được coi là đúng, làm chuẩn mực để thẩm định tính chân lý của nó. Những sự kiểm chứng thông qua những phương tiện kỹ thuật sau đó, chỉ là để xác định sự phản ánh thực tại liên quan đến giả thuyết, hoặc hệ thống lý thuyết này. Nếu kết quả trùng khớp thì được coi là đúng; kết quả sai thì hệ thống lý thuyết phải hiệu chỉnh, hoặc bị coi là sai.

CHƯƠNG VI: MINH TRIẾT VIỆT MÔ TẢ SỰ HÌNH THÀNH VŨ TRỤ SAU GIÂY O.

VI.1. KHỞI NGUYÊN VŨ TRỤ THEO GIẢ THUYẾT CỦA TRI THỨC KHOA HỌC HIỆN ĐẠI.

Một giả thuyết rất phổ biến trong tri thức khoa học hiện đại cho rằng:

Vũ trụ này bắt đầu từ một điểm kỳ dị với mật độ vật chất cực lớn.

Trên Wikipedia, bách khoa toàn thư mở viết về sự khởi nguyên vũ trụ theo giả thuyết phổ biến của khoa học hiện đại như sau:

Thuyết Vụ Nổ Lớn là một lý thuyết khoa học đã được kiểm chứng và được cộng đồng khoa học chấp nhận rộng rãi. Nó đưa ra cách giải thích hoàn thiện về nhiều loại hiện tượng quan sát thấy trong vũ trụ, bao gồm sự có mặt của những nguyên tố nhẹ, bức xạ nền vi sóng vũ trụ, cấu trúc vĩ mô của vũ trụ, và định luật Hubble đối với siêu tân tinh loại Ia.[11] Những ý tưởng chính trong Vụ Nổ Lớn—sự giãn nở của vũ trụ, trạng thái cực nóng lúc sơ khai, sự hình thành của heli, và sự hình thành các thiên hà— được suy luận ra từ những quan sát này và những quan sát khác độc lập với mọi mô hình vũ trụ học. Các nhà vật lý biết rằng khoảng cách giữa các đám thiên hà đang tăng lên, và họ lập luận rằng mọi thứ đã phải ở gần nhau hơn khi trở về quá khứ. Ý tưởng này đã được xem xét một cách chi tiết khi quay ngược trở lại thời gian đến thời điểm vật chất có mật độnhiệt độ cực cao.

Như vậy, tri thức khoa học đã giải thích sự khởi nguyên vũ trụ bắt đầu từ những quan sát trực quan từ những hiện tượng vũ trụ, dẫn tới một suy luận được coi là hợp lý của thuyết Bic Bang.

Mặc dù thuyết Bic Bang được sự ủng hộ rộng rãi của giới khoa học. Nhưng thuyết Bic Bang không phải đã giải thích được tất cả các câu hỏi cần giải đáp liên quan tới nó. Điều này, nhà khoa học vật lý thiên văn nổi tiếng S.W. Hawking cũng đã đặt ra trong cuốn "Lược sử thời gian" nổi tiếng của ông.

Nhưng nền minh triết Việt với quan niệm về Thái cực lại giải thích sự khởi nguyên của vũ trụ bằng một nội dung khác.

VI.2. THÁI CỰC - SỰ KHỞI NGUYÊN VŨ TRỤ - TỪ MINH TRIẾT VIỆT TRONG THUYẾT ÂM DƯƠNG NGŨ HÀNH.

Thái Cực trong minh triết Việt mô tả một thực tại ở trạng thái khởi nguyên vũ trụ và không phải là một hệ quả của tư duy trừu tượng. Điều này người viết đã chứng minh ở trên.

Nguyên nghĩa của "Thái cực" theo tiếng Việt rất đơn giản là: Vượt qua mọi sự giới hạn. Như vậy ở trạng thái này không có không gian, thời gian và lượng số. Không có phân biệt so sánh. Không có nhanh để nói đến cái chậm; không có to, để nói đến cái nhỏ; tràn ngập, viên mãn. Và cần xác định là"trạng thái tuyệt đối" và có thể tính.

Nếu theo Đạo Đức kinh thì:

Nó thâm viễn tối tăm , mà bên trong có tinh túy. Tinh túy đó rất xác thực và rất đáng tin.

Nếu theo Phật pháp thi đó chính là "Bồ Đề Niết Bàn nguyên thể thanh tịnh từ vô thuỷ", là "Tính thấy".

Tính chất không không gian, không thời gian và không lượng số của "Thái cực", đã sinh ra một cái không phải nó. Đây chính là thời gian sau "giây "O" và Lý học Việt gọi là "Lưỡng nghi".

"Lưỡng nghi", giải thích theo nguyên nghĩa tiếng Việt là hai trạng thái phân biệt khó miêu tả. Điều này được mô tả bằng bức tranh "Lưỡng nghi sinh tứ tượng" mà người viết đã trình bày ở trên: Hai em bé với bốn thân hình gắn kết và khó phân định thân hình nào thuộc về em bé nào.

Và trên cơ sở sự mô tả của những giá trị minh triết Việt thì trạng thái "Lưỡng nghi" chính là sự phân biệt giữa trạng thái khởi nguyên là "Thái cực" - giá trị của sự tuyệt đối - với một cái do chính nó sinh ra và không phải nó - Cái gần tuyệt đối. Nên gọi là "Lưỡng nghi".

Sự xuất hiện của một hiện tượng ra ngoài sự tuyệt đối - "lưỡng nghi" - chính là sự bắt đầu của thời gian đầu tiên của vũ trụ, sau "giây "O". So với cái tuyệt đối trước đó là "Thái cực", thì cái sinh ra về thể tính phải có thuộc tính là sự vận động. Khi "Lưỡng nghi" xuất hiện thì vũ trụ đã có sự phân biệt, giữa cái tuyệt đối là "Thái Cực" và cái không phải nó.

Tất nhiên ngay lập tức có sự tương tác giữa hai trạng thái của cái tuyệt đối "Thái cực" với cái từ sự tuyệt đối sinh ra (“Lưỡng nghi”). Tính tương tác tạo nên lịch sử vũ trụ đã được trí thức khoa học thừa nhận (Đã trích dẫn). Do đó, sự miêu tả của minh triết Việt qua bức tranh "Lưỡng nghi sinh tứ tượng", chính là mô tả sự tương tác ngay từ khởi nguyên của vũ trụ khi "Thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng...".

Tất nhiên, tiếp theo đó là sự tiếp tục phát triển của lịch sử vũ trụ:

"Tứ tượng biến hóa vô cùng".

VI.3. KẾT LUẬN

Như vậy, toàn bộ câu trong Hệ từ Thượng truyện của kinh Dịch trong bản văn chữ Hán cổ : "Thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái" , được phục hồi và hiệu chỉnh nhân danh nền minh triết Việt thành: "Thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng biến hóa vô cùng". Thực chất đó là sự mô tả một thực tại của giai đoạn khởi nguyên của vũ trụ sau giây "O" của lịch sử vũ trụ của một học thuyết cổ xưa, nhân danh nền văn hiến Việt, mà chúng ta quen gọi là thuyết Âm Dương Ngũ hành.

Sự mô tả trạng thái khởi nguyên của vũ trụ theo thuyết Âm Dương Ngũ hành, từ những giá trị minh triết Việt còn lại trong những di sản văn hóa truyền thống, khác biệt với thuyết Bic Bang xuất phát từ nền tảng của tri thức khoa học hiện đại. Nhưng nó có được sự thừa nhận như là một giá trị nền tảng trong tương lai của tri thức khoa học hiện đại, để giải thích sự hình thành vũ trụ thay thế cho thuyết Bic Bang hay không, sẽ không phải đề tài bàn trong tiểu luận này.

Tuy nhiên, người viết cần xác định rằng: Ở giai đoạn khởi nguyên của vũ trụ theo lý giải từ thuyết Âm Dương Ngũ hành nhân danh nền văn hiến Việt, vẫn thừa nhận một sự bùng vỡ trong vũ trụ sau giây "O", rất tương đồng. Tức không phủ nhận với những điều quan sát được của tri thức khoa học hiện đại, dẫn đến việc hình thành thuyết Big Bang, mà chúng tôi đã trích dẫn ở trên từ trang thư viện Wikipedia. Nhưng cách giải thích có đôi điều khác biệt giữa thuyết Âm Dương Ngũ hành và thuyết Bic Bang ở giai đoạn khởi nguyên của vũ trụ. Tức giây "O" và thời gian 10 - 47 s sau giây "O".

Trong sự mô tả từ khởi nguyên vũ trụ thì tính tất yếu của "Tứ tượng biến hóa vô cùng", cũng như chuỗi hệ quả của nó, là sự tiếp tục lịch sử tiến hóa và hình thành vũ trụ với tất cả tính quy luật và bản chất tương tác của nó, phải được thể hiện trong một học thuyết nhất quán, hoàn chỉnh để giải thích toàn bộ mọi trạng thái vận động của lịch sử vũ trụ này. Đó chính là nội dung của học thuyết Âm Dương Ngũ hành, một học thuyết cổ xưa nổi tiếng trong nền văn minh Đông phương thuộc về nền văn hiến Việt.

Hay nói cách khác: Đối tượng quán xét của thuyết Âm Dương Ngũ hành là toàn bộ lịch sử hình thành và sự tiến hóa của vũ trụ, từ giai đoạn khởi nguyên (giây "O"), cho đến mọi hiện tượng, sự vật, sự việc trong thiên nhiên, xã hội, cuộc sống và mọi hành vi của con người với khả năng tiên tri. Đây cũng chính là nội dung chủ yếu của phần II. I, mà chúng tôi đã xác định từ mở đầu của tiểu luận này, về mối liên hệ nhân quả giữa một thực tại được nhận thức và sự tổng hợp nhận thức làm nên nội dung một học thuyết.

Khi nguồn gốc đích thực của nền tảng văn minh Đông phương xác định thuộc về nền văn hiến Việt trải gần 5000 năm lịch sử, một thời huy hoàng ở miền Nam sông Dương Tử, mà hậu duệ chính là các dân tộc ở Việt Nam hiện nay, sẽ phục hồi lại những giá trị đích thực của thuyết Âm Dương Ngũ hành.

Chúng tôi sẽ trình bày tiếp trong Phần II. II với nội dung này.

Nguyễn Vũ Anh Tuấn
Trích trong "MINH TRIẾT VIỆT TRONG VĂN MINH ĐÔNG PHƯƠNG"

Không có nhận xét nào: