Trong quyển sách nổi tiếng Đạo Đức Kinh, Lão Tử đã chia người đời thành 3 hạng dựa trên nhận thức của họ về thế giới, và dựa trên sự ứng xử của họ đối với Đạo. Ông nói :
上士聞道,勤而行之;Thượng sĩ văn đạo, cần nhi hành chi
中士聞道,若存若亡;Trung sĩ văn đạo, nhược tồn nhược vong
Ý nghĩa : Bậc thượng sĩ nghe đạo, chuyên cần thực hành. Bậc trung sĩ nghe đạo, (nửa tin nửa ngờ) lúc nhớ lúc quên. Bậc hạ sĩ nghe đạo liền cười lớn (cho là tầm bậy). Không cười thì không đủ là đạo.
Đạo là gì?
Dưới cái nhìn của Đạo Đức Kinh, Đạo là nguyên lý hình thành vũ trụ, thế giới. Đạo cũng là nguyên tố hình thành vũ trụ. Nói nguyên lý là nói về hình thái phi vật chất của Đạo, còn nói nguyên tố là nói về hình thái vật chất của Đạo. Lão Tử nói về Đạo như sau :
道生一,Đạo sinh nhất Đạo sinh ra nguyên lý thứ nhất hay nguyên tố đầu tiên
一生二,Nhất sinh nhị Nguyên tố đầu tiên sinh ra nguyên tố thứ hai
二生三,Nhị sinh tam Nguyên tố thứ hai sinh ra nguyên tố thứ ba
三生萬物 Tam sinh vạn vật Nguyên tố thứ ba sinh ra vũ trụ vạn vật
Ý nghĩa : Câu này mang ý nghĩa giải thích rất sâu về vũ trụ, mà cho đến ngày nay, con người hiện đại mới có đủ điều kiện để hiểu một cách tương đối rõ ràng.
Đạo của Lão Tử phải hiểu theo vật lý học hiện đại là Trường thống nhất (Unified Fields), nó không phải là vật chất mà cũng không phải là phi vật chất, mà bao hàm cả hai hình thái mâu thuẫn nhau đó. Khi ở dạng sóng, nó là dạng sóng tiềm năng phi vật chất, là trừu tượng. Các hạt cơ bản của vật chất như quark, electron, photon…đều là như vậy và được gọi chung là lượng tử (quantum). Nhà vật lý học nổi tiếng người Đan Mạch, Niels Bohr (1885-1962), giải Nobel Vật lý 1922, đã phát biểu rất rõ ràng : “Isolated material particles are abstractions”(Hạt vật chất cơ bản cô lập là những sự vật trừu tượng- tức không phải vật thật).
“Đạo sinh nhất” khiến ta liên tưởng đến thuyết Big Bang. Trước thời điểm Big Bang, chưa có vũ trụ nghĩa là không có không gian, thời gian và số lượng vật chất. Tại thời điểm Big Bang, bỗng xuất hiện một hạt vật chất cực nhỏ có kích thước 10-33 (mười lũy thừa âm 33) cm. Phải chăng “nhất” chính là cái vi hạt đó.
“Nhất sinh nhị” tức là sự phân hóa từ nguyên tố đầu tiên ra những hình thái đối lập, mâu thuẫn nhau mà triết học gọi là cặp phạm trù mâu thuẫn, ví dụ : vật chất và phi vật chất, ánh sáng và bóng tối, nóng và lạnh, tốt và xấu, đúng và sai, số ít và số nhiều, có và không. Sự phân hóa bắt đầu với vụ nổ Big Bang. Khoa học ngày nay đã thấy rõ sự phân hóa này qua thí nghiệm hai khe hở như trong video sau đây :
Trong thí nghiệm này người ta thấy rõ hạt electron có hai hình thái mâu thuẫn nhau : hình thái dạng sóng tạo ra hiệu ứng sóng, hình thái dạng hạt tạo ra hiệu ứng hạt. Sóng là hình thái phi vật chất, bản chất của nó là dao động chứ không phải là vật chất nhưng người ta phải dựa vào vật chất để nhìn thấy nó, ví dụ dựa vào nước để thấy sóng, chứ sóng không phải là nước. Còn hạt là hình thái vật chất, chính nó là vật chất, ví dụ hạt electron khi bị nhìn thì là vật chất, còn khi không bị nhìn thì là sóng, không phải vật chất.
“Nhị sinh tam” là quá trình hình thành vũ trụ vạn vật sau vụ nổ Big Bang. Đó là sự xuất hiện của 3 nhân tố căn bản tạo lập vũ trụ và thế giới cũng như vạn vật : Ba nhân tố đó là : không gian, thời gian và số lượng. Về phương diện hình thành đời sống sinh vật thì ba nhân tố cơ bản biểu hiện thành : căn, trần và thức. Căn là cơ quan phân biệt, trần là đối tượng của căn, thức là sự nhận biết, sự nhận ra chỗ khác nhau của đối tượng. Lục căn, lục trần, lục thức cộng chung 18 giới là căn bản của Duy Thức Học Phật giáo, nhưng hữu dụng để hiểu mô tả của Lão Tử. Vật chất tự biến hóa theo những nguyên lý giống như có một nhân vật làm chủ tể điều khiển sự hình thành vũ trụ vạn vật. Khoa học gọi các nguyên lý đó là quy luật khách quan, các tôn giáo thì diễn tả hình tượng hóa thành Thượng Đế, Trời, thánh Allah; hoặc diễn tả trừu tượng hơn là Chánh biến tri hay Phật hoặc Tâm.
“Tam sinh vạn vật” là sự xuất hiện của vũ trụ vạn vật trong đó có sinh vật. Điều kiện cần là vũ trụ phải có không gian, thời gian và số lượng vật chất. Điều kiện đủ là số lượng vật chất phải chuyển hóa thành lục căn và lục trần. Kế tiếp là lục căn tiếp xúc lục trần để phát sinh lục thức. Trong thí nghiệm hai khe hở, chúng ta thấy rõ, electron (trần) phải tiếp xúc với mắt con người hoặc thiết bị đo đạc (căn) mới biến thành hạt vật chất electron. Nếu không có tiếp xúc thì nó vẫn là sóng, tạo ra hiệu ứng sóng chứ không phải hiệu ứng hạt. Vấn đề này khoa học ngày nay đã hiểu rõ. Vật chất cứng chắc thực ra chỉ là cảm giác, là thức, là nhận thức chủ quan của chúng sinh, của con người, chứ không phải là sự thật tuyệt đối. Video sau đây đã chỉ rõ như vậy :
Chúng ta đã giải thích xong chữ Đạo của Lão Tử. Bây giờ xin bàn tiếp tới ba hạng người trong xã hội.
Thượng sĩ
Thượng sĩ là hạng người trí tuệ nhất, họ đã có quá trình chiêm nghiệm quán tưởng sâu xa, thông suốt về cuộc đời nên khi nghe nói tới Đạo là họ hiểu ngay, có thể dùng trực giác để cảm nhận được ngay. Họ là những bậc thánh trí giác ngộ ở trong đời. Trong kinh điển Phật giáo Ấn Độ mô tả họ là những Thanh văn, Duyên giác hay Bích Chi Phật. Họ chỉ cần nghe qua, tiếp xúc sơ qua là ngộ liền, tin hiểu và siêng năng thực hành. Kinh điển Phật giáo Trung Hoa mô tả họ là những thiền sư kiến tánh, như Huệ Năng, chỉ cần nghe tụng một câu “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” là ngộ đạo ngay, và sau đó trở thành vị Tổ thứ sáu của Thiền tông Trung Quốc. Thượng sĩ hiểu rõ những tính chất thực tế nhưng khó nhận thức của vũ trụ bởi vì những tính chất này bị che lấp bởi sở tri chướng, bởi thế lưu bố tưởng của người đời. Những tính chất này bao gồm :
-Tất cả các pháp đều không có tự tính (phi hiện thực, non realism) nghĩa là tất cả những gì con người nhìn thấy, nghe thấy, tiếp xúc đều không có thực chất, mà chỉ là thói quen tưởng tượng (tập khí 習 氣) nhưng vì tập khí đã che lấp thực chất, nên con người tin chắc cái thấy nghe của họ là thật. Ví dụ con người thấy nước. Nước chỉ là tưởng tượng; ở mức độ hóa học nước là H2O; ở mức độ hạ nguyên tử, nước là proton, neutron và electron; sâu hơn nữa, nước chỉ là lượng tử, một làn sóng vô hình phi vật chất, là tiềm thể có khả năng biến thành vật chất trong nhất niệm vô minh của con người. Như vậy, cảm nhận về nước của con người chỉ là nhận thức có điều kiện chứ nước không phải là một thực thể khách quan như con người lầm tưởng.
-Tất cả các pháp đều không có vị trí nhất định (vô sở trụ, non locality). Con người thấy có mình với thân tứ đại, thấy có vật dụng chung quanh mình như bàn ghế, nhà cửa, xe cộ. Đó chỉ là cảm giác, là tưởng tượng dựa vào một cấu trúc ảo, tức là cấu trúc phân tử và nguyên tử có tính chất ảo hóa, mà những hạt cơ bản (elementary particles) cấu thành nên chúng, đã được khoa học chứng tỏ là bất định. Werner Heisenberg đã phát biểu thành nguyên lý bất định năm 1927. Chính vì tính chất vô sở trụ này của vật chất, nên năm 1979, Hầu Hi Quý đã biểu diễn lấy được một gói thuốc lá hiệu Đỗ Quyên Hoa từ khoảng cách xa 1600km.
-Tất cả các pháp đều không có số lượng (phi số lượng, non quantity). Phật giáo từ lâu đã có thuật ngữ bất nhị để diễn tả tính chất phi số lượng này. Khoa học cũng đã nhận thức được điều này trong thuyết Big Bang, từ một vi hạt cực nhỏ biến thành vũ trụ mênh mông. Năm 2012, Maria Chekhova của đại học Mat-xcơ-va có thể cho một photon xuất hiện đồng thời ở 100.000 vị trí khác nhau trong không gian, điều đó chứng tỏ một photon đã biến thành 100.000 photon, cũng chứng tỏ rằng số lượng vật chất chỉ là ảo tưởng.
Ba điều nhận thức trên, tới ngày nay chúng ta mới có thể lý giải một cách rõ ràng. Nhưng từ xưa các bậc thượng sĩ đã nhận thức được bằng trực quan, và họ thành lập các tông phái để dẫn dắt người đời giác ngộ. Dưới đây là một số vị.
Huệ Viễn 慧遠) (334-416) là cao tăng đời Tấn 晋. Sư họ Giả 賈 nguyên quán xứ Lâu Phiền 樓煩 Nhạn Môn 雁門 thuộc tỉnh Sơn Tây, là người sáng lập ra Tịnh Độ Tông 淨土宗.
Thiên Thai Tông 天台宗 là một tông phái Phật giáo mà phương pháp tu tập là quán ba đối tượng : không 空 giả 假 trung 中 (Thiên thai tam quán). Tông này do Trí Nghĩ 智顗 (còn đọc Khải hay Di 538-597) danh nghĩa là tổ thứ tư của Thiên Thai tông, thực tế là tổ khai sáng Thiên Thai tông. Ông họ Trần, người Kinh Châu 荊州 (thuộc tỉnh Hồ Bắc), có thuyết nói là người Dĩnh Xuyên 颍川 (nay là Hứa Xương 許昌tỉnh Hà Nam).
Quy Ngưỡng Tông 潙仰宗 do Linh Hựu 靈佑 (771-853) sáng lập tại Quy Sơn 溈山Đàm Châu潭州 (nay thuộc tỉnh Hồ Nam) và người em là Huệ Tịch 慧寂 tiếp nối tại Ngưỡng Sơn 仰山Viên Châu 袁州 (nay thuộc tỉnh Giang Tây) nên gọi chung là Quy Ngưỡng Tông.
Lâm Tế Tông 臨濟宗 do Lâm Tế Nghĩa Huyền 臨濟義玄(?- 867) sáng lập, tổ đình tại chùa Hoàng Bá 黃蘗 (nay thuộc huyện Nghi Phong 宜豐 tỉnh Giang Tây). Lâm Tế nổi tiếng với bài kệ Tứ liệu giản 四料簡 trình bày bốn cách dạy khác nhau cho 4 loại căn cơ từ thấp lên cao. Bốn cách dạy đó là : Đoạt nhân bất doạt cảnh 奪人不奪境 (bỏ người không bỏ cảnh, tức phá ngã chấp). Đoạt cảnh bất đoạt nhân 奪境不奪人 (bỏ cảnh không bỏ người tức phá pháp chấp, phá được pháp chấp thì ngã không bỏ cũng tiêu). Nhân cảnh câu đoạt 人境俱奪 (tức phá đồng thời ngã chấp và pháp chấp). Nhân cảnh câu bất đoạt 人境俱不奪 (giác ngộ ắt biết không có gì phải bỏ, tâm vốn là vô nhiễm, tự tại).
Tào Động Tông 曹洞宗 do Động Sơn Lương Giớ i洞山良价(807-869)người Cối Kê 會稽 (nay là Thiệu Hưng tỉnh Chiết Giang, sáng lập ở tỉnh Giang Tây và được đệ tử là Tào Sơn Bổn Tịch 曹山本寂 tiếp nối. Tên tông phái là do ghép hai chữ đầu của Tào Sơn và Động Sơn.
Vân Môn Tông 雲門宗 xuất phát từ dòng thiền của Thanh Nguyên Hành Tư青原行思 và Thạch Đầu Hi Vận 石頭希遷 cuối cùng thiền sư Văn Yển chính thức 文偃(864-949) sáng lập tại Thiều Châu 韶州tỉnh Quảng Đông năm 930 (đời Hậu Đường).
Pháp Nhãn Tông 法眼宗 do thiền sư Văn Ích 文益( 885 — 958 )sáng lập. Tổ đình của tông phái tại chùa Thanh Lương 清涼 Nam Kinh.
Ngày nay có một số khoa học gia cũng là những bậc thượng sĩ, họ hiểu được những điều sâu kín nói trên. Video sau đây liệt kê một số người trong đó.
Tại Việt Nam, đời Trần, xuất hiện tác phẩm Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục 慧中上士語錄 tác giả là Trần Quốc Tung 陳國嵩 con trưởng của An Sinh Vương Trần Liễu 陳柳 , anh cả của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Tuệ Trung cũng là một bậc thượng sĩ.
Trung sĩ
Trung sĩ là những người cũng có trí tuệ, tuy nhiên trí tuệ ấy bị che mờ một phần bởi sở tri chướng nên còn phần nào cố chấp, không thông suốt đạo, khi tỏ khi mờ, phân vân bất định. Họ là những danh nhân, nhà trí thức, chính khách, văn thi sĩ trong đời, có tài có chí, có thể tạo được sự nghiệp lớn trong đời. Họ có thể là vua chúa, văn quan, võ tướng trong triều đình, hay các nhà văn, nhà thơ, nhà âm nhạc, nhà hoạt động văn hóa, nhà hoạt động sự nghiệp. Nhưng điều hạn chế là họ chưa phá được ngã chấp và pháp chấp, họ chưa đạt tới trí tuệ của bậc thánh, do đó từ thế lưu bố tưởng còn sinh ra trước tưởng. Trước tưởng khiến họ còn phải chịu đau khổ, vui mừng, buồn giận vì những chuyện không có tự tính, nghĩa là do họ tự gán ghép tâm tư tình cảm của mình vào chứ không phải sự thật là như thế. Nghĩa là họ còn rất chấp thật.
Như các văn nhân thi sĩ hay xúc cảnh sinh tình. Họ làm thơ miêu tả cảnh đời thay đổi với nỗi buồn rười rượi làm cho bao nhiêu người xúc động. Ví dụ nhà thơ Thôi Hiệu làm bài Hoàng Hạc Lâu để nói về một thời quá khứ đã qua, nay không còn nữa.
Sách Ngạc Châu Đồ Kinh 鄂州圖經 nói, Phí Huy 費袆, một người tu tiên đắc đạo thường cưỡi hạc vàng ngao du sơn thủy. Một hôm, tiên cỡi hạc bay ngang Vũ Hán và dừng chân lại trên Xà Sơn 蛇山 để nhìn ngắm, một bên là cảnh đẹp hùng vĩ của Trường Giang và bên kia là Ngũ Hồ trong khói sương diễm lệ. Sách Tề Hài Ký 齊諧志nói, tiên nhân Vương Tử An 王子安từng cỡi hạc vàng đến núi này. Sách Thuật Dị Ký 述異記nói, Tuân Hoàn Hỉ 荀環喜biết thuật thần tiên, từng gặp tiên cỡi hạc và cùng uống rượu với tiên tại núi này. Người đời sau đã từ nơi tiên cưỡi hạc vàng bay đi này, xây lên một tháp lầu đặt tên là Hoàng Hạc Lâu. Thật ra người ta xây dựng ngôi lầu là vì nơi đây có phong cảnh tráng lệ. Khi đặt tên, nhân vì có các truyền thuyết về các vị tiên cỡi hạc vàng bay đến núi này, nên đặt tên là Hoàng Hạc Lâu. Tác giả Thôi Hiệu đến chơi lầu Hoàng Hạc, nhớ tiếc thời dĩ vãng có các vị tiên cỡi hạc ngao du nên làm bài thơ có giọng trầm buồn. Người đời rất ưa thích giọng trầm buồn và lời thơ đẹp đẽ, nên bài thơ cực kỳ nổi tiếng đến mức đại thi hào Lý Bạch khi đến lầu Hoàng Hạc phải than :
眼前有景道不得 Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc Trước mắt có cảnh nói không được
崔顥題詩上頭 Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu Vì thơ Thôi Hiệu ở trên đầu
Chúng ta thấy rõ một điều là bài thơ chủ yếu là dựa trên sự tưởng tượng mặc dù trước mắt vẫn có cảnh. Người thưởng thức bài thơ cũng tưởng tượng, tưởng tượng càng phong phú thì cảm thấy bài thơ càng hay.
Một bài thơ khác diễn tả cuộc gặp gỡ giữa một nàng ca kỹ về già và một ông quan thi sĩ bị biếm trích, thật lâm ly và có nhiều nước mắt. Bài thơ dài Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị.
Những tình cảm hồi ức về một thời quá khứ vàng son của một ca kỹ nay đã già, hết thời, gợi ra niềm nuối tiếc, tình cảm đó cũng giống hay tương tự như của một ông quan đang ở triều đình vinh hoa phú quý, bỗng bị biếm trích đi tới nơi xa xôi khỉ ho cò gáy. Tâm sự hai người giống nhau ở chỗ nhớ về quá khứ huy hoàng nên cùng xúc động rơi nước mắt, nhưng quan tư mã Giang Châu, mà chúng ta đánh giá là một bậc trung sĩ, khóc nhiều hơn đến nỗi ướt cả vạt áo xanh. Cái này là do tác giả tự tả nên không phải là nói quá sự thật. Điều này phản ánh rõ ràng là nhà thơ không biết mình đã quá chấp thật. Cảnh huy hoàng trong triều đình hay cảnh hoang sơ nơi thôn dã; hoặc quá khứ vàng son hay hiện tại bi đát của nàng ca kỹ, đều là thế lưu bố tưởng, nhưng nhà thơ đã sinh ra trước tưởng nên xúc động khóc như mưa, cả hai cùng cảm thấy đau khổ cho cảnh không như ý nguyện, nhưng họ không ngờ rằng các cảnh đó đều là thế lưu bố tưởng, nghĩa là tưởng tượng.
Hạ sĩ
Hạ sĩ là người bình thường trong xã hội, không có tài lớn, cũng chẳng có chí lớn, nhưng tài mọn thì có nhiều, do đó họ cũng tạo được sự phong phú, thậm chí là cực kỳ cho đời sống xã hội. Chẳng hạn họ có thể chế biến ra những món ăn ngon, làm ra những sản phẩm thủ công tinh xảo, là lực lượng chủ yếu xây dựng những công trình vật chất lớn nhỏ trong đời, lớn như Vạn Lý Trường Thành, các đền đài, các thành phố, nhỏ là nhà cửa của nhân dân. Các công trình lớn này do các trung sĩ thiết kế nhưng các hạ sĩ là người bắt tay thực hiện. Nhận thức của bậc hạ sĩ hoàn toàn dựa vào các giác quan chứ chẳng có tư duy gì sâu xa cả, họ không có tư duy triết học, họ không thắc mắc tại sao có cuộc sống thế gian, vũ trụ vạn vật và con người từ đâu xuất hiện, trời là gì, họ không có những khái niệm xa xôi như thế. Họ bằng lòng với cuộc sống của mình ở một xó xỉnh nào đó của thế gian, ngày ngày ra đồng canh tác hoặc đánh cá hay đan giỏ, đan dép, dệt chiếu, dệt vải, hoặc bày hàng buôn bán ở chợ, kiếm tiền sống qua ngày. Nhưng họ là quần chúng, họ là số đông người trong xã hội. Công việc hàng ngày thường xuyên của họ là sản xuất công nông nghiệp hoặc xây dựng, binh lính, thương nghiệp, đánh bắt thủy hải sản, tiểu thủ công hoặc buôn bán. Họ hoàn toàn tin tưởng trăm phần trăm rằng những điều họ thấy, nghe là thật. Họ chẳng bao giờ có chút hoài nghi nào về cảnh giới chung quanh họ. Mặt trăng, mặt trời, tinh tú, sơn hà đại địa, mưa, gió, tuyết, người, sinh vật, nước, thức ăn…Tất cả đều là sự thật 100% hoàn toàn không có chút xíu hoài nghi nào. Họ cũng chẳng biết thế nào là lẽ phải, lẽ đúng, tự mình không có chủ kiến, mà thường là nghe theo sự chỉ bảo của hạng trung sĩ và thượng sĩ. Nói cao theo kiểu liễu nghĩa, họ chẳng thể hiểu mà còn cười lớn cho là tầm bậy. Ví dụ nói cảnh giới trước mắt chỉ là tưởng tượng, không phải thật, họ sẽ phản đối tới cùng, cho nên phải nói theo nghĩa tạm thời, phương tiện. Kinh Pháp Hoa nói họ ở trong nhà lửa nhưng lại vui thích, không tự biết nguy hiểm. Đến khi xảy ra sự cố mới kinh hoàng ngơ ngác, đau khổ tột cùng. Ví dụ mới đây có một gia đình Việt kiều ở Mỹ về Việt Nam thăm quê hương và làm từ thiện, bỗng xảy ra tai nạn bất ngờ, năm người trong gia đình bị chết thảm trong chiếc xe hơi bẹp dúm vì bị một chiếc xe chở container đâm mạnh vào phía sau và ép vào chiếc xe khách đang đậu phía trước. Tất cả người thế gian đều đang sống trong nhà lửa rất nguy hiểm như thế cả.
Hạng thượng sĩ là rất hiếm có trong đời, không dễ gặp, nên phần lớn hạ sĩ trong đời nghe theo sự dẫn dắt của hạng trung sĩ. Điều đó giống như đám mù đi theo sự dẫn dắt của những người chột. Cả nền giáo dục phổ thông của nhân loại xưa nay đều do hạng trung sĩ dẫn dắt, cho nên cũng gặp nhiều vấn đề lớn.
Lão Tử phân biệt ra ba hạng người một cách khái quát vậy thôi, chứ trong từng hạng cũng có sự sai biệt, mức độ thông tuệ của mỗi người mỗi khác, còn bị ảnh hưởng bởi rất lớn bởi tập quán. Thời xưa khoa học chưa phát triển, đám đông tin tưởng thần linh, sợ hãi những thế lực thiên nhiên dữ dội như gió, mưa, sấm sét, hình tượng hóa thành các vị thần và thờ cúng một cách tín thành. Hạng hạ sĩ không thể nào hiểu được điều gì trừu tượng khó nắm bắt. Thế nên Lão tử mới nói “Hạ sĩ văn đạo, đại tiếu chi. Bất tiếu bất túc dĩ vi đạo.” Họ chẳng những không hiểu đạo là gì mà còn cho rằng đó là những điều huyễn hoặc không đúng nên mới cười lớn. Họ cười một cách đắc ý vì họ có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng đạo là sai lầm. Ví dụ khi nghe nói rằng vật thể chỉ là toàn ảnh (cũng tức là ảo ảnh), chỉ là thông tin từ mặt phẳng hai chiều phóng hiện ra không gian ba chiều, họ chẳng bao giờ tin được. Bậc thượng sĩ biết rằng cái cười đó phản ánh sự ngu muội nhưng cũng chẳng có cách nào khiến họ hiểu được.
Bất cập của nền giáo dục xã hội và giải pháp để giải quyết mọi tranh chấp
Hạng trung sĩ có trí tuệ hơn nên dần lãnh đạo đám đông và dần dần trở thành vua quan và kẻ sĩ có học vấn, có kiến thức trong xã hội. Hạng thượng sĩ chỉ muốn cho đám đông thoát khỏi mê muội đau khổ nên họ thường trở thành lãnh tụ tôn giáo, lập đạo dẫn dắt về mặt tinh thần cho đám đông. Nhưng cũng có một số người mà trí tuệ chỉ ở mức trung sĩ nhưng họ lại có tham vọng muốn lãnh đạo đám đông cả về mặt cuộc sống thế tục và cả về mặt cuộc sống tâm linh nên họ muốn đồng thời làm lãnh tụ chính quyền kiêm lãnh tụ tôn giáo, như vậy thì quyền lực mới là tuyệt đối.
Trong thực tế cuộc sống trần gian quả thật là có nhiều sự việc như vậy. Người ta lạm dụng lòng tin mù quáng ít hiểu biết của đám hạ sĩ để dẫn dắt họ vào con đường tăm tối, bởi vì chính bản thân họ chỉ biết tin thôi mà không hiểu và cuối cùng đi tới chỗ bế tắc, đau khổ. Tại sao các chế độ độc tài, các nhà nước tôn giáo vẫn tồn tại quá nhiều, dù cho nhân loại đã bước vào giữa thập niên thứ hai của thế kỷ 21, trong khi khoa học đã có những bước tiến rất lớn, rất cơ bản, hiểu thấu những vấn đề rất sâu xa của vũ trụ vạn vật ? Bởi vì chỉ có bậc thượng sĩ hiểu được những điều đó, số lượng thượng sĩ thì vô cùng hiếm hoi. Số lượng trung sĩ thì đông hơn, nhưng về mặt nhận thức, trung sĩ vẫn còn nửa tin nửa ngờ, thoạt nhớ thoạt quên nên không có thái độ quả quyết, rốt cuộc dễ rơi vào khuynh hướng hưởng thụ, hưởng thụ trước đã cho chắc ăn, dù có sai đi nữa thì cũng đã khoái chí rồi. Còn tuyệt đại đa số là hạng hạ sĩ không thể hiểu đạo, không thể nào hiểu và tin vật lý lượng tử. Đạo là khó tin, vật lý lượng tử là khó tin, một nhà khoa học hàng đầu thế giới như Einstein mà còn không tin vật lý lượng tử thì làm sao đám hạ sĩ tin cho được. Thế thì họ sẽ là đối tượng dễ bị dụ dỗ của thể chế độc tài và nhà nước tôn giáo. Chẳng những thế, thể chế độc tài dường như phù hợp để quản thúc đám hạ sĩ, bởi vì người ta không dùng lẽ phải để thuyết phục họ, mà chỉ dùng những lý lẽ mị dân nhưng đúng gu sở thích của họ để dụ dỗ họ, và ngoài ra dùng khủng bố cưỡng chế để buộc họ phải theo.
Nói về phương diện đạo học thì nền giáo dục hiện nay của nhân loại là bất cập. Bởi vì nó không có phương hướng đúng đắn. Nó không dạy cho học sinh những kiến thức sâu xa nhất mà nhân loại có được. Nó chỉ dạy cho học sinh những kiến thức phổ thông và kỹ thuật. Trong khi nền khoa học tiên tiến có rất nhiều phát hiện quan trọng trong suốt thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21. Trong khi đó nền giáo dục chỉ dạy cho học sinh kiến thức của thế kỷ 19 về trước, ví dụ Toán học, cơ học Newton, sinh vật tiến hóa Darwin, bảng phân loại tuần hoàn hóa học Mendeleev, cơ chế di truyền của Gregor Mendel. Còn kiến thức mới hiện đại thì giáo dục có khuynh hướng thiên về kỹ thuật, ví dụ kỹ thuật tin học, xử lý thông tin. Đó là những tri thức xác định. Chứ giáo dục không đề cập đến triết lý của khoa học. Trường học không dạy những tri thức bất định trong khi những tri thức mới mang tính bất định cao và có ý nghĩa rất lớn về triết học nhân sinh, ví dụ : lưỡng tính sóng hạt của ánh sáng, hiệu ứng quang điện (giải Nobel Vật lý 1921 của Einstein), nguyên lý bất định của Heisenberg (1927), định lý bất toàn của Kurt Godel (1931)
Bức ảnh mà các nhà khoa học đã chụp lại cho thấy mặt phía trên chính là sóng ánh sáng, trong khi lát cắt phía dưới thể hiện các hạt photon riêng biệt.
Nguyên lý toàn ảnh của Dennis Gabor (1947). Vướng víu lượng tử (quantum entanglement, Alain Aspect 1982). Tiếng ồn toàn ảnh (Craig Hogan 2012). Những kiến thức mới này, ai quan tâm thì tự tìm hiểu trên mạng internet, chứ không có trong chương trình giáo dục phổ thông.
Người ta nhanh chóng ứng dụng kỹ thuật mới trong sản xuất nhưng nhận thức khoa học mới thì không dạy cho học sinh hoặc chỉ dạy qua loa rất ít. Kết quả là học sinh không hiểu mấy về vật lý lượng tử, không hiểu những tính chất bất định của thế giới, trong khi trong tay của chúng không ngừng sử dụng sản phẩm mới của công nghệ smartphone, ứng dụng tối đa tính bất định của hạt electron, từ đó tạo ra hiệu ứng kỳ diệu là chúng có thể tiếp xúc với bạn bè bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, dù đó là 12 giờ khuya và chúng đang ở trong phòng ngủ. Thế có nghĩa là trình độ nhận thức của chúng là còn ở thế kỷ 19, nhưng phương tiện trong tay chúng thì ở thế kỷ 21. Sự chênh lệch này có hậu quả tốt xấu thế nào ?
Hậu quả giống như đưa súng cho trẻ con. Đứa trẻ nắm trong tay một sức mạnh rất lớn trong khi tâm lý của nó thì ấu trĩ không hiểu biết gì nhiều nên nguy cơ rất lớn, nó có thể bắn vô tội vạ vào bất cứ ai. Nhà nước Hồi giáo IS hiện nay chính là một thí dụ rõ ràng. Họ đã chiêu dụ rất nhiều người chủ yếu là thanh niên, không hiểu biết về đạo lý, qua mạng internet và smartphone từ bất cứ quốc gia nào, kể cả Mỹ, Tây phương, Australia, tình nguyện đến Iraq và Syria tham dự thánh chiến.
Lẽ ra, một nền giáo dục mới hiện đại của thế giới phải dạy cho học sinh cả những kiến thức xác định cũ vì nó gắn với đời thường, đồng thời cũng dạy những kiến thức bất định mới vì nó gắn với cuộc sống tương lai hạnh phúc thực tế của con người. Tại sao vấn đề tranh chấp biển đảo là nan giải ? Bởi vì nhận thức xác định của con người là nhỏ hẹp và sai lầm. Ai cũng muốn giành biển đảo là của mình trong khi chưa hiểu biển đảo thực tế là cái gì, ta là ai. Nếu con người hiểu được vạn pháp không có tự tính, mọi đặc tính của vật đều là do mình gán ghép, xác định cũng là bất định, thì nó sẽ mở ra một không gian vô cùng rộng lớn, có đủ chỗ cho mọi người, không cần phải tranh giành nữa. Ví dụ con người biết là có khả năng chuyển hóa ánh nắng mặt trời thành điện năng với hiệu suất cao và thực hiện được, thì có còn cần phải tranh giành các hòn đảo, các mỏ dầu nữa không ? Ví dụ con người biết chắc là trong tương lai gần, có thể dùng máy in 3D để in ra thịt cá, trứng sữa, lương thực, thực phẩm từ năng lượng vô tận của mặt trời, thì có còn cần phải tranh giành đất đai, nguồn nước, ngư trường nữa không ? Hiện nay những điều này có vẻ còn xa vời bất định, nhưng bất định cũng tức là xác định, đó là một phương hướng mà con người hiện đại cần phải nghiên cứu nghiêm túc, không được bỏ qua .
Tóm lại, từ một câu nói của Lão Tử trong Đạo Đức Kinh, chúng ta có thể suy diễn để đi đến kết luận rằng nền giáo dục của thế giới cần phải thay đổi một cách căn bản. Phải dạy cho học sinh cả tri thức về xác định và bất định, để nâng cao nhận thức của hạng hạ sĩ, lên trung sĩ và thượng sĩ.
Theo Phật pháp thì pháp giới bình đẳng, tất cả chúng sinh đều có cùng một tâm, nên trí tuệ đều như nhau. Chỉ vì ở mỗi cá thể, chúng sinh, mức độ che khuất của đám mây sở tri chướng, của tập khí, nhiều ít có khác nhau, có ảnh hưởng rất lớn, do đó Lão Tử mới chia làm 3 hạng, thượng sĩ, trung sĩ và hạ sĩ. Nền giáo dục cần phải khéo léo vén đám mây đó lên để mọi người cùng thông tuệ, cùng hướng đến một thế giới văn minh thật sự, mọi người đều được hưởng thụ theo nhu cầu và không còn cần tới những mánh khóe lừa đảo lợi mình hại người, không còn cần phải tranh giành, chém giết, chiến tranh, bởi vì pháp giới rộng lớn vô biên, có đủ chỗ cho tất cả chúng sinh, số lượng vật chất không giới hạn, chỉ cần xác định được phương hướng đúng thì dần dà với thời gian, con người sẽ đạt được.
Truyền Bình
Nguồn: https://duylucthien.wordpress.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét