Thứ Ba, 28 tháng 4, 2015

HÀNH TRÌNH TÌM VỀ VĂN HOÁ VIỆT

Bình Ngô đại cáo (1427) là bài cáo của Nguyễn Trãi viết thay lời Bình Định Vương - Lê Lợi để tuyên cáo kết thúc cuộc kháng chiến chống quân Minh thắng lợi, giành lại độc lập cho Đại Việt mở đầu có câu:

Nhân nghĩa chi cử, yếu tại an dân,
Điếu phạt chi sư, mạc tiên khử bạo.
Duy ngã Đại Việt chi quốc,
Thực vi văn hiến chi bang.
Sơn xuyên chi phong vực ký thù,
Nam bắc chi phong tục diệc dị. 

Việt dịch 

"Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo
Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác"
(Bản dịch Ngô Tất Tố).

Ngay vào thế kỷ 15, Nguyễn Trãi đã khẳng định Việt Nam có nền văn hiến lâu đời. Thời Pháp thuộc, có không ít "ông Tây An Nam" ăn mặc kiểu Tây, nói toàn tiếng Tây. Chống lại khuynh hướng mất gốc này, các trí thức có tinh thần dân tộc công bố các công trình nghiên cứu liên quan đến văn hoá Việt bằng phương pháp khoa học của phương Tây khác với lối trước tác cũ: khẳng định tộc Việt có nền văn hoá độc lập và độc đáo, nhất là đối lập với văn hoá Hán. Có thể kể ra đây các tác phẩm: Việt Nam phong tục (1925) của Phan Kế Bính, Tục ngữ phong dao (1928) của Nguyễn Văn Ngọc, Nho giáo (1930) của Trần Trọng Kim, Việt Nam văn hoá sử cương (1938) của Đào Duy Anh, Văn minh An Nam (1944) của Nguyễn Văn Huyên và một số công trình của các học giả Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp...

Từ 1945 đến cuối thế kỷ 20, chúng ta có điều kiện để khẳng đinh mạnh mẻ văn hoá dân tộc mình. Đó là tiếng Việt được chính thức dạy hầu hết các cấp học; chữ Quốc ngữ được hoàn thiện là chữ viết chính thức của tộc Việt. Thông qua giao lưu quốc tế, văn hoá Việt được phổ biến rộng hơn. Nhiều cuộc hội thảo quốc gia và quốc tế cộng với nhiều tác phẩm có giá trị trong và ngoài nước làm cho kho tàng "Việt Nam học" ngày càng phong phú.

Trước chiến tranh thế giới thứ hai, các nhà nghiên cứu quốc tế và kể cả trong nước đã quá chú trọng đến văn minh Trung Quốc và Ấn Độ mà bỏ quên nghiên cứu văn hoá của các dân tộc Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, cùng các học giả phương Tây, đội ngũ các nhà nghiên cứu của các quốc gia mới giành độc lập đã có nhiều phát hiện quan trọng về khảo cổ học, ngôn ngữ học, dân tộc học, sử học, xã hội học trong vùng góp phần làm sáng tỏ nền văn hoá ở khu vực này.

Kể từ những năm 60 của thế kỷ 20, nhà Việt Nam học Kim Định (1915-1997) đã cho ra đời hàng loạt tác phẩm có giá trị về nguồn gốc văn hoá Việt: Lạc Thư Minh Triết, Hồn Nước Với Lễ Gia Tiên, Dịch Kinh Linh Thể, Vấn đề Nguồn Gốc Văn Hóa VN, Vấn Đề Quốc Học, Hùng Việt Sử Ca, Sứ Điệp Trống Đồng, Gốc Rễ Triết Việt... Đó là những công trình nghiên cứu có nhiều giá trị góp phần làm giàu cho kho tàng "Việt Nam học".

Gần đây tác phẩm Tìm về bản sắc văn hoá Việt (1996) của giáo sư Trần Ngọc Thêm khẳng định và gợi mở một hướng tiếp cận mới về văn hoá Việt. Đầu thế kỷ 21, nhờ thành tựu khoa học khảo cổ và sinh học của thế giới, hàng loạt nhà Việt Nam học mới xuất hiện, họ có nhiều tác phẩm mới làm sáng tỏ về nguồn gốc và bản sắc của tộc Việt. Có thể kể ra đây: Nguyễn Vũ Tuấn Anh , Nguyễn Thiếu Dũng, Hà Văn Thùy, Trần Đại Sỹ,...

Hành trình tim về Văn hoá Việt, đó là hành trình còn lâu dài và gian nan... Hành trình này cần sự đóng góp nhiều của các nhà văn hoá, của Nhà nước và của mọi chúng ta không phân biệt định kiến chính trị.

Không có nhận xét nào: