TTđTD - Người ta chụp được sự thay đổi của trường sinh học của nhiều người khi yêu nhau, ghét nhau,… Khi thân nhau thì trường sinh học của cả hai người đều sáng lên hoặc được nối với nhau bằng những sợi chỉ màu nào đó hoặc có hào quang hoàn toàn trùng với nhau thành một. Khi ghét nhau, đố kị nhau thì hào quanq cả hai đều teo lại. Chúng ta có một thuật ngữ mới về tâm lí, với hình dáng, màu sắc, cường độ nghĩa là đang xuất hiện một nền tâm lí học song song…
1. GS. NGUYỄN HOÀNG PHƯƠNG NHÀ KHOA HỌC TÂM LINH ĐẦU TIÊN CỦA VIỆT NAM
1. GS. NGUYỄN HOÀNG PHƯƠNG NHÀ KHOA HỌC TÂM LINH ĐẦU TIÊN CỦA VIỆT NAM
Trên đỉnh cao toán lý
Sách của Thầy:
Tích hợp đa văn hoá Đông Tây
Sứ mệnh Đức Di Lặc
Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Phương sinh ngày 27/03/1927, mất ngày 24/03/2004, là một hiện tượng trong đời sống văn hóa nước ta.
Trong kháng chiến chống Pháp, ông là đội viên Đội biệt động dân quân, sau đó là đội viên Đội Thanh niên tuyên truyền xung phong Quảng Nam - Đà Nẵng. Ông có tư chất rất dũng cảm, thông minh, và lãng mạn, mặc dù trong hoàn cảnh chiến tranh, nhưng hành trang của ông luôn đầy đủ ba thứ đó là: cây súng, cây sáo và cuốn sách Toán.
Năm 1949 chàng thanh niên này được Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Liên khu V đặc cách giới thiệu đi học. Chỉ trong một năm, anh hoàn thành xong chương trình Trung học Phổ thông ba năm.
Từ sau năm 1954 ông dạy Đại học Sư phạm Hà Nội, và sau đó là Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học Tự nhiên). Ông được đề bạt Chủ nhiệm Khoa Vật lý, là thầy của hầu hết những thế hệ nhà vật lý của Việt Nam sau này.
Năm 1961, một đêm thức trắng từ sáu giờ chiều đến sáu giờ sáng để ông hoàn thành bản Luận án: "Vật chất trong không gian sáu chiều", là luận án tiến sĩ đầu tiên về Vật lý của Việt Nam được bảo vệ thành công tại Đại học Lômônôxốp, Liên Xô.
Cánh chim đầu đàn của khoa học tâm linh Việt Nam
Sau những năm giảng dạy, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Phương dành hơn 30 năm cuộc đời cho sự nghiệp thứ hai mà có lẽ là thiên mệnh, để nghiên cứu khám phá văn hóa tâm linh của phương Đông.
Từ rất sớm những năm 1970, Giáo sư tham gia nghiên cứu khả năng của nhà thực hành tâm linh, ngoại cảm, chữa bệnh tâm linh Việt Nam, là cụ Nguyễn Đức Cần. Dư luận Hà Nội một thời xôn xao hiện tượng một giáo sư đại học Toán - Vật lý lại say mê nghiên cứu những vấn đề tâm linh, trình độ xã hội bấy giờ gọi là mê tín dị đoan. Ông biết rằng mình đã bước vào cuộc phiêu lưu khám phá một vấn đề còn đầy bí ẩn và huyền diệu của nhân loại, một cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm. Nhưng ông không dừng lại. Ông đã viết công trình đầu tiên Đông Y Học Dưới Ánh Sáng của Lý Thuyết Tập Mờ, sau đó là cuốn sách Con Người và Trường Sinh Học (Nxb Đà Nẵng, 1990. Tái bản Nxb Văn hóa Thông tin, 2003). Cuốn sách viết dưới hình thức đối thoại, giới thiệu một vấn đề mới mẻ hấp dẫn với bạn đọc Việt Nam, đó là đời sống tâm linh của con người dưới ánh sáng của khoa học.
Duyên may hay thiên mệnh, đã dẫn dắt Giáo sư Nguyễn Hoàng Phương tìm đến Kinh Dịch. Một khó khăn cho ông là giỏi tiếng Nga, Pháp, Anh nhưng ông không biết tiếng Hán Nôm. Nhưng không sao, có cả một nền dịch học ở Việt Nam bắt đầu từ Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn đến Phan Bội Châu, và nhiều nhà nghiên cứu như Ngô Tất Tố, Nguyễn Mạnh Bảo, Nguyễn Hiến Lê, Lê Văn Quán đã ra sách bằng quốc ngữ. Ông thường xuyên dự các buổi giảng Kinh Dịch của thầy Vũ Xuân Quang, một nhà Hán Nôm lỗi lạc ở Hà Nội. Giáo sư thực sự nhận ra rằng Kinh Dịch là triết học tinh hoa của văn minh phương Đông, một lý thuyết hệ thống tối ưu nhiều mặt (sinh học, y học, quy luật tâm - sinh - lý và xử thế…) cho con người trong quan hệ với thiên nhiên, với cộng đồng, và với chính mình. Sau hàng chục năm miệt mài, có sự cộng tác và ủng hộ của bạn bè, Giáo sư cho ra đời bộ sách Tích Hợp Đa Văn Hóa Đông Tây Cho Một Chiến Lược Giáo Dục Tương Lai (Nxb Giáo dục, 1995, tái bản 1996).
Lần đầu tiên toàn bộ Kinh Dịch được trình bày và biểu diễn bằng một cấu trúc lô-gích của khoa học phương Tây, đặc biệt việc vận dụng lý thuyết Toán Tập mờ hiện đại của phương Tây để mô tả cấu trúc triết lý của văn minh phương Đông, biểu hiện một tư duy hệ thống hóa cặn kẽ, khám phá một phương pháp tiếp cận mới đối với triết cổ phương Đông thời nay. Tám quẻ Dịch được trình bày trong bảng Đại số Tám chiều, một thuật toán cao cấp, hiện đại. Nhờ thuật toán đại số này, ông giải mã Kinh Dịch, phát hiện những sai lệch của Kinh Dịch do thất truyền qua nhiều thế kỷ, đồng thời khám phá những bài toán đa tiêu của triết học cổ đại phương Đông, phát triển và vận dụng nó trong thế kỷ mới và thiên niên kỷ mới. Qua các khám phá này ông cố gắng làm sáng tỏ Kinh Dịch là học thuyết siêu thống nhất tất cả các học thuyết nhân văn Đông Tây, một lý thuyết Thiên - Địa - Nhân, giúp chúng ta hiểu về bản thể nhân loại trong quan hệ vũ trụ, giúp con người sống hòa hợp với thiên nhiên và hòa hợp với nhau.
Giáo sư đặt vấn đề làm sao để mọi người hiểu được và vận dụng được Kinh Dịch. Muốn vậy, cần phải dạy Kinh Dịch trong nhà trường, như “Một chiến lược giáo dục tương lai”.
Lãng mạn khoa học của nhà nghiên cứu tâm linh
Thần tượng của Giáo sư Nguyễn Hoàng Phương là Galile và Albert Einstein. Giáo sư cũng đã viết hai cuốn sách về hai danh nhân này (Nxb Văn Hóa, 1974 - 1976). Ông đã học tập tính kiên nhẫn và kiên cường của các bậc khoa học tiền bối này. Giáo sư nhắc lại một câu nói của Albert Einstein: Cảm xúc đẹp nhất và sâu xa nhất của con người là cảm xúc trước sự huyền bí. Chính cảm xúc này đã khiến cho khoa học nẩy nở. Những ai không có cảm xúc đó, không biết ngạc nhiên mà chỉ biết sợ hãi trước thiên nhiên, thì sống cũng như chết. Nhận thấy điều huyền bí con người không sao giải thích nổi, là vì khả năng thấp kém đáng buồn của chúng ta chưa hiểu được quy luật cao siêu, rạng rỡ của thế giới vô hình. Sự nhận thức và cảm xúc đó chính là nền tảng đích thực của tôn giáo.
Giáo sư tâm đắc với câu nói của Albert Einstein vì chính ông đang đối diện với tâm linh huyền bí. Ông từng nói: Tư duy tôi được rèn luyện hàng chục năm trong lò khoa học Toán - Lý phương Tây, từ đó tôi đã lớn lên với một phong cách làm việc có phương pháp, chính xác, rõ ràng. Nhưng tôi lại sinh ra trên mảnh đất phương Đông. Tinh hoa Đông phương, với cách suy nghĩ uyển chuyển, mờ ảo, bí ẩn, đã thấm vào hơi thở hàng ngày của tôi. Đó là những nguồn bổ sung lẫn nhau giúp tôi định hướng và cách giải quyết vấn đề.
(Theo Văn nghệ Trẻ)
2. NGUYỄN HOÀNG PHƯƠNG, MỘT HIỆN TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HOÁ NƯỚC TA
Nhà văn Xuân Cang
Giáo sư Nguyễn Hoàng Phương là một hiện tượng trong đời sống văn hóa nước ta. Ông sinh ngày 27-3 -1927, mất ngày 24-3-2004, ba ngày trước kỷ niệm ngày sinh lần thứ 77. Trong kháng chiến chống Pháp, ông là đội viên Đội biệt động dân quân, sau đó là đội viên Đội Thanh niên tuyên truyền xung phong Quảng Nam - Đà Nẵng do nhà văn Nguyễn Văn Bổng làm đội trưởng. Rất mực thông minh, năm 1949 chàng thanh niên này được Chủ tịch ủy ban Kháng chiến Hành chính Liên khu V Trần Đình Tri đặc cách giới thiệu ra Bắc học. Chỉ trong một năm anh hoàn thành chương trình ba năm cấp Ba tức Trung học phổ thông ngày nay. Năm 1961, một đêm thức trắng từ sáu giờ chiều đến sáu giờ sáng hoàn thành bản Luận án Phó tiến sĩ bảo vệ tại Đại học Lômônôxốp - Mátxcơva. Sau những năm giảng dạy tại khoa Vật lý Đại học tổng hợp Hà Nội, ông dành tinh lực còn lại của đời mình vào sự nghiệp thứ hai mà có lẽ là thiên mệnh: nghiên cứu khám phá văn hóa tâm linh của phương Đông. Ông bắt đầu từ Trường sinh học và theo dõi hoạt động của các nhà ngoại cảm Việt Nam. Dư luận Hà Nội một thời xôn xao hiện tượng một giáo sư đại học giỏi khoa Toán - Vật lý lại lao vào nghiên cứu những vấn đề tâm linh. Ông biết rằng mình đã bước vào cuộc phiêu lưu khám phá một vấn đề của toàn nhân loại còn đầy bí ẩn và huyền diệu, một cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm. Nhưng ông không dừng lại. Ông viết sách Con người và Trường sinh học, Nhà xuất bản Đà Nẵng phát hành năm 1990. Cuốn sách viết dưới hình thức đối thoại giới thiệu một vấn đề mới mẻ và đầy hấp dẫn với bạn đọc Việt Nam: đời sống tâm linh của con người dưới ánh sáng của các thông tin thu thập trên thế giới. Từ Trường sinh học của phương Tây, ông xoay sang phương Đông và tìm đến với Kinh Dịch. Điều oái oăm là ông giỏi tiếng Nga, Pháp, Anh nhưng không biết Hán Nôm. Nhưng không sao, có cả một nền dịch học ở Việt Nam bắt đầu từ Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn đến Phan Bội Châu và nhiều nhà nghiên cứu như Ngô Tất Tố, sau này là Nguyễn Mạnh Bảo, Nguyễn Hiến Lê, Lê Văn Quán đã kịp thời chuyển ngữ ra quốc ngữ. Ông thường xuyên dự các buổi giảng Kinh Dịch của thầy Vũ Xuân Quang, một tay cự phách về Hán Nôm ở Hà Nội. Ông thực sự nhận thấy Kinh Dịch là một triết học tinh hoa của văn minh phương Đông, một lý thuyết hệ thống tối ưu bao gồm nhiều mặt cốt yếu (sinh học, y học, quy luật tâm - sinh - lý và nguyên tắc xử thế…) cho con người trong quan hệ với chính mình, với cộng đồng, với thiên nhiên... Sau hàng chục năm mài miệt cô đơn, tất nhiên có sự cộng tác và cổ vũ của bạn bè, ông cho ra đời bộ sách Tích hợp đa văn hóa Đông Tây cho một chiến lược giáo dục tương lai. Nhà xuất bản Giáo dục in hai lần vào năm 1995 và 1996, khổ 19 x 27 cm, lần trước hơn 800 trang, lần sau có bổ sung dày 1182 trang. Lần đầu tiên ở nước ta toàn bộ Kinh Dịch được trình bày và biểu diễn bằng một cấu trúc lô-gích của khoa học phương Tây, đặc biệt việc vận dụng Toán Tập mờ hiện đại của phương Tây để mô tả cấu trúc triết lý của văn minh phương Đông, biểu hiện một tư duy hệ thống hóa cặn kẽ, khám phá một phương pháp tiếp cận mới đối với triết cổ phương Đông của người thời nay. Những bạn đọc đầu tiên của bản thảo vi tính dày hơn 1000 trang A4 mang tên Minh Triết và Duy Lý còn được thấy Tám quẻ Dịch được trình bày trong bảng Đại số Tám chiều, một thuật toán cao cấp, hiện đại. Nhờ thuật toán đại số này, ông giải mã Kinh Dịch, phát hiện những sai lệch của Kinh Dịch do thất truyền qua nhiều nghìn năm, đồng thời khám phá những bài toán đa tiêu chuẩn của triết cổ phương Đông, phát triển và vận dụng nó trong thế kỷ mới và thiên niên kỷ mới. Qua các khám phá này ông cố gắng làm sáng tỏ Kinh Dịch là học thuyết siêu thống nhất tất cả các học thuyết nhân văn Đông Tây, là một lý thuyết Thiên - Địa - Nhân với các thiên cơ của nó, giúp chúng ta hiểu thêm về bản thể nhân loại của chúng ta. Một lý thuyết nối con người sống hòa hợp với thiên nhiên và hòa hợp với nhau. Một học thuyết hòa bình với các Nhất nguyên của nó. Một học thuyết tiên tri, cho chúng ta hiểu rõ đường đi nước bước của chúng ta, để tránh sai lầm trong tiến hóa.
Ông đặt vấn đề làm sao để mọi người rồi đây hiểu và vận dụng được Kinh Dịch. Muốn vậy, cần một sự uyên bác, và vì sự uyên bác này, cần phải tiến tới dạy Kinh Dịch ngay trong các trường tiểu học, trung học. “Một chiến lược giáo dục tương lai” theo ông, là ở chỗ này.
Đọc Nguyễn Hoàng Phương, chúng tôi những bạn đọc bình thường chưa đủ trình độ học vấn nhất định, thấy còn rất mờ mịt, khó hiểu và thấy vấn đề ông tiếp cận còn rất mênh mông, đề cập tới những vấn đề thuộc thiên niên kỷ thứ ba. Rất mênh mông nhưng lại thấy rất gần gũi vì tất cả những nhân tố sinh học có tính chất kỷ nguyên ấy lại tiềm tàng ngay trong các huyệt, các luân xa trong cơ thể chúng ta, vì con người là một “tiểu vũ trụ”. Gần gũi như câu tục ngữ ai giàu ba họ, ai khó ba đời lại chính là từ nguyên lý âm cực sinh dương, dương cực sinh âm, trong dương có âm, trong âm có dương. Tổ tiên ta đâu chỉ có đùa khi để lại câu ca: Ba cô đội gạo lên chùa/ Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư. Câu ca ấy cho thấy có một khả năng tiềm ẩn của con người: có một ma phương đồ nào đó, mà trước đây chúng ta gọi là bùa, có thể phát ra một thứ năng lượng nào đó, bắt đối phương phải tuân theo ý muốn của ta.
Thần tượng của Nguyễn Hoàng Phương là Anbe Anhxtanh và Galilê. Ông đã viết hai cuốn sách danh nhân về hai ngôi sao này. Ông bảo viết để học tập tính kiên nhẫn và lòng kiên cường của các bậc tiền bối này. Trong một bản thảo gần đây, ông nhắc lại một câu nói của Anbe Anhxtanh: Cảm xúc đẹp nhất và sâu xa nhất của con người là cảm xúc trước sự huyền bí. Chính cảm xúc này đã khiến cho khoa học chân chính nẩy nở. Những ai không còn cảm xúc đó, không còn biết ngạc nhiên và chỉ biết đứng ngẩn người ra vì sợ hãi, thì sống cũng như chết. Cảm thấy điều huyền bí mà con người không sao giải thích nổi, là vì nó chỉ biểu lộ ra khi mà khả năng ít ỏi đáng buồn của chúng ta chỉ hiểu được những hình thức thấp kém của cái quy luật cao siêu dưới vẻ đẹp rạng rỡ hơn hết. Chính sự biết đó và cảm xúc đó đã là nền tảng đích thực của tôn giáo.
Ông bảo ông tâm đắc với câu nói trên của Anbe Anhxtanh là vì chính ông đang đối diện với cái huyền bí.
Ông nói với bạn bè: Tư duy tôi được rèn luyện hàng chục năm trong lò khoa học toán - lý phương Tây, từ đó tôi đã lớn lên với một phong cách làm việc có phương pháp, chính xác rõ ràng. Nhưng tôi lại sinh ra ở trên mảnh đất phương Đông. Tinh hoa Đông phương, với cách suy nghĩ mềm dẻo, hương vị mờ ảo, bí ẩn của nó đã len lỏi vào hơi thở hàng ngày của tôi. Đó là những nguồn bổ sung lẫn nhau giúp tôi trong những định hướng và cách giải quyết vấn đề.
Tôi viết đến đây đúng vào lúc nhận được tin đột ngột giáo sư y học Tôn Thất Bách cũng vừa qua đời. Tôi lặng đi không viết tiếp được nữa. Giời đất đã gọi đi của chúng ta một lúc hai con người tài năng, hai nhân vật của một nền văn hóa, hai số phận khác nhau, một người cứu chữa cơ thể vật chất cho nhân dân, một người cứu gỡ đời sống tâm linh cho con người, một người về với đất thiêng liêng, một người làm ngọn lửa bay lên trời. Sao chúng ta mất mát nhiều quá thế này.
(Báo Văn nghệ Trẻ)
3. CÔNG TRÌNH
Nhà báo Nguyễn Đình Soạn
Phỏng vấn: Sau khi hoàn thành công trình Tích hợp đa văn hóa Đông Tây, cho một chiến lược giáo dục tương lai, đã được bạn đọc trong và ngoài nước hoan nghênh, đề nghị Giáo sư (GS) cho biết những ý đồ nào thúc đẩy GS tiếp tục lao động sáng tạo để cho ra đời công trình mới mang tên Sinh học qua các kỷ nguyên. Thời gian hoàn thành công trình.
Nguyễn Hoàng Phương (GS): So với công trình Tích hợp đa văn hóa Đông Tây, cho một chiến lược giáo dục trong tương lai, thì công trình Sinh học qua các kỷ nguyên đều mang tính chiến lược như nhau, nhất là trong phạm vi nhận thức, giáo dục.
Tuy nhiên, hai công trình trên là thuộc hai kỷ nguyên khác nhau, công trình trước thuộc Kỷ Nguyên Thái Âm (ví như bóng đen ban đêm), còn công trình sau thuộc kỷ nguyên Dương Minh (ví như ánh sáng ban mai), một bên là Kỷ Nguyên Địa Nhân hợp nhất - con người gần đấtt hơn, còn bên kia là Thiên Địa Nhân hợp nhất - con người gần Trời hơn. Đó là điểm khác nhau thứ nhất giữa hai công trình. Tất nhiên, công trình sau nối tiếp và bao trùm cả công trình trước, theo nguyên lý kế thừa trong khoa học.
Địa Nhân hợp nhất có nghĩa là nhân loại đang sa lầy vào vật chất với nhiều tham vọng dẫn đến những khủng hoảng khá sâu của thời đại. Còn Thiên Nhân hợp nhất có nghĩa là nhân loại đang muốn vươn cao hơn về mặt tinh thần, đạo đức, tâm linh... Chữ Dương Minh bắt nguồn từ mục tiêu nhân văn đẹp đẽ này.
Sự khác nhau thứ hai là ở mặt hệ thống của hai công trình.
1. Nếu công trình thứ nhất dựa trên hệ thống hình vuông ba hàng ba cột của Sao Thổ mà cổ nhân gọi là Lạc Thư, và nhân loại cố khai thác trong mấy nghìn năm qua với Kinh Dịch. Hệ thống Hậu thiên của Văn Vương, Đông Y, Độn Giáp, Thái Ất, Phong Thuỷ, Bốc phệ mà chúng ta thường biết, thì công trình sau dựa trên một hệ thống sâu rộng là Hình Vuông bốn hàng bốn cột của Sao Mộc, và vươn xa hơn tới hệ thống sáu hàng sáu cột của Hình Vuông Mặt Trời. Đó là đỉnh cao nhất về lý thuyết hệ thống, sau khi nhân loại tiến dần từ kỷ nguyên Thái Âm, băng qua Kỷ Nguyên Dương Minh rồi lên tới đỉnh cao là Kỷ Nguyên Thái Dương (ví như ánh sáng chói ban trưa).
2. Hệ quả tất yếu của các hệ thống mới này trong công trình, là đã làm xuất hiện nhiều mối quan hệ giữa các nhân tố Sinh học như Huyệt, Luân Xa, Axit Amin (Mã Di Truyền) mà chúng ta không thể tìm thấy được trong các lý luận của Kinh Dịch (Kỷ Nguyên Thái Âm) vừa qua.
3. Và chính nhờ các mối quan hệ này mà chúng tôi đã tìm được những lý luận khoa học về những cấu trúc sinh học của nhân thể đang nằm ẩn sâu đằng sau cơ thể vật lý và trường sinh học. Đó là cấu trúc đường Hara (là đường nối ba điểm Thiên Địa Nhân trong nhân thể) và Chân Nhân (là ngôi sao Gốc trong Nhân Thể), đối tượng của khoa học Dương Minh và các Kỷ Nguyên khác nói chung.
Chẳng hạn, chúng tôi tìm được cơ thể hình thành Thuỷ Hoả trong nhân thể từ các nhân tố Thiên - Địa của Chân Nhân và đường Hara, một điều đã biểu hiện trong học thuyết Thuỷ hoả nổi tiếng của Đại Danh Y Việt Nam Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác.
Nói chung trong công trình mới này, chúng tôi đã chứng tỏ được rằng về mặt sinh học thì:
- Chân Nhân và Đường Hara - qua Tâm Thận - là chỗ dựa của Thân Xác, như chúng ta đã từng biết.
Phỏng vấn: Trong thời đại ngày nay đang trải qua một cuộc tổng khủng hoảng mang tính toàn cầu, toàn diện, một câu hỏi lớn đặt ra: Nhân loại sẽ đi về đâu? Trong bối cảnh đó, Công trình mới này của GS có thể góp phần cho lời giải đáp nói trên của thời đại, của nhân loại như thế nào?
Giáo sư: Nền Tương lai học Tây phương với J.Nicebit, O.Abenzen, Kun Schumacher, Tocqueville Coutnot, Schumpeter, Michel Godel, Bernard Cazen, Alvin Toffler, Henman Kahn, Danick Bell... với bao nhiêu giả thuyết khác nhau đã cố tìm lời giải đáp của câu hỏi thời đại này...
Nếu quay về khoa học Đông phương thì nhờ mối quan hệ giữa các nhân tố sinh học các Kỷ Nguyên nói trên, được phát hiện trong công trình mới, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn các quy luật nằm trên các con đường Đi - Về (Lão Tử) tất yếu của nhân loại. Và từ đó là những giải pháp về câu hỏi có tính sống còn của nhân loại: Nhân loại chúng ta sẽ đi về đâu?
Cụ thể hơn, nếu nhân loại còn sa lầy về các tham vọng tầm thường thì khả năng vươn tới Dương Minh còn ... xa. Tuy nhiên, lịch sử đã có những báo động mạnh, và từ các nguyên lý Âm Cực Sinh Dương, Vật Cùng Tắc Biến... nhân loại - theo quy luật - sẽ tất yếu hướng về Chân Thiện Mỹ của ánh sáng kỷ nguyên mới, hoặc tự động có ý thức, hoặc "bị ép buộc".
4. Phỏng Vấn: GS có thể có đôi lời với bạn đọc xa gần, trong nước và ngoài nước khi tác phẩm mới này đến tay bạn đọc.
GS: Xin cảm ơn anh Soạn về câu hỏi này, vì cuốn sách viết ra để trao đổi với bạn đọc. Rõ ràng đây là vấn đề rất khó do có tầm cỡ lớn, những vấn đề chiến lược của nhiều kỷ nguyên. Do những cơ duyên đặc biệt, chúng tôi có dịp mạnh dạn nêu lên trước, sao đó mong bạn đọc tham gia ý kiến trao đổi, tranh luận.
Ngoài cái lẽ thường tình trên trong lao động sáng tạo, đây còn là các may mắn hiếm có đến với với khoa học Việt Nam. Mong rằng công trình này sẽ trở thành một tài sản khoa học của chúng ta... Nhưng anh Nguyễn Đình Soạn góp ý rằng danh từ tài sản là chưa đúng, phải gọi đây là mộtNguyên Khí, như cha ông chúng ta thường nói và ghi khắc lại trong Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Công trình này lại còn có một sắc thái khác, vì qua công trình đó, chúng tôi không chỉ đề cặp đến vấn đề sống còn cao nhất của nhân loại và của mọi dân tộc. Đây còn là sự sống còn của từng gia đình chúng ta, từng con em chúng ta, nằm trong những băn khoăn, day dứt thường trực của nhiều người làm vợ, làm chồng, làm cha, làm mẹ... và của nhiều nhà lãnh đạo về văn hoá, tư tưởng, khoa học, giáo dục...
Cái lõi cuối cùng là nói chung chúng ta chưa biết chúng ta là ai, nghĩa là chưa hiểu được cấu trúc nhân thể, cũng như chưa hiểu được mối quan hệ thông tin và điều kiện giữa cấu trúc nhân thể đó với cấu trúc Trời và Đất, và từ đó là mối quan hệ trong xã hội và trong từng gia đình, từ lâu chỉ được hiểu khá hời hợt...
(Hoàng Lạc - Trích: "Sứ mệnh Đức Di Lặc")
4. CHÚNG TA CÓ THỂ LIÊN LẠC ĐƯỢC VỚI NGƯỜI HÀNH TINH KHÁC QUA CON ĐƯỜNG NÀO?
Thanh Thảo (thực hiện)
Người ngoài hành tinh đến trái đất chúng ta
PV: Luận án đầu tiên 1962 của Giáo sư tại Liên Xô đã đề cặp đến không gian 6 chiều. Từ đó đến nay, Giáo sư đã đi qua trường sinh học, tới những lĩnh vực mới nhất về đĩa bay và người vũ trụ. Xin Giáo sư cho độc giả biết đôi nét về hành trình khoa học của Giáo sư.
GS. Nguyễn Hoàng Phương: Trong sáng tạo khoa học, hai nhân tố quan trọng nhất là khả năng bay bổng của tư duy và tính lôgic chặc chẻ. Tôi nhớ mãi câu phát biểu sau của Anbe Anhxtanh, nhân đọc luận văn tiến sĩ của nhà khoa học Pháp Lui Đơ Broi (De Broglie) năm 1920, nói về tính chất lưỡng tính sóng hạt của các hạt vi mô, Anhxtanh phát biểu: "Với một khối óc bảo thủ thì luận văn này là một cái gì kỳ cục. Nhưng khi nghiên cứu sâu sắc thì sẽ thấy đó là một biểu hiện sự bay bổng của một thiên tài"
Tôi thích văn học nghệ thuật từ tấm bé nhất là hội họa và thi ca... Có lẽ quê Huế của tôi đã tạo cho tôi một định hướng như thế về sáng tạo trong cuộc đời mình. Tôi làm một nhà sáng tạo với tâm hồn của một nghệ sĩ. Với những bay bổng mà tôi đạt tới được...
Nhưng mặt khác, cần phải có một óc lôgic thật sự tinh vi, nếu không thì những bay bổng đó sẽ thành phiên lưu. Thành thử tôi học toán rất nhiều, do tác động cao nhất của toán học là tạo nên những khả năng tìm hiểu sự vật một cách rất lôgic.
Bay bổng và lôgic là hai mặt âm dương của bài toán tâm lí sáng tạo, tuy mâu thuẩn nhau như bổ sung cho nhau, thống nhất lại với nhau.
Và chính vì bay bổng như thế, từ những năm 1960 tôi đã thử tìm con đường sáng tạo vật lí của mình trong những không gian thời gian 4 chiều của vật lí đương thời... Hiện nay thì các nhà vật lí lí thuyết thời đại cuối thế kỉ chúng ta đã phải sử dụng đến không gian thời gian không chỉ 6 mà lại 11 chiều. Như thế là cái thử nghiệm bay bổng của tôi từ lâu, đã được định hướng đúng, mặc dầu là còn chưa đủ...
Tất nhiên, tôi vẫn tiếp tục bay bổng khi giật mình thấy rằng khoa học Quả đất của chúng ta chưa giải quyết được bài toán tâm linh tức là bài toán tâm lí và nói chung bài toán sự sống. Tôi đã may mắn có dịp tiếp cận với một số nhà ngoại cảm. Với một số người nào đó thì hiện tượng ngoại cảm hiện ra như những điều hoang đường và họ bác bỏ ngay. Trái lại, với chúng tôi, chúng tôi chấp nhận sự tồn tại của các hiện tượng đó và lao vào... Khó không? Quả thực là khó, khi tìm hiểu các loại hiện tượng này. Vì phải chịu đựng bao nhiêu sự tấn công từ nhiều phía. Mình có đủ sức chịu đựng không? Để trả lời, tôi gắng viết hai cuốn sách danh nhân là Anbe Anhxtanh và Galilê, và một trong những mục đích tự đề ra cho mình là qua cuộc đời gian nan của các danh nhân đó, tìm hiểu cho được sức chiến đấu của họ, và từ đó đưa con người mình lên.
Và như thế tôi đã lao vào một khoa học học mới là trường sinh học vào khoảng một phần tư thế kỉ, với ý thức rằng khoa học này nằm ngoài khoa học vật lí. Tất nhiên, để tìm hiểu loại hiện tượng ngoại cảm mới này, cần phải có một khả năng bay bổng cực kì cao. Và may mắn là tôi có khả năng đặc biệt đó một phần nào. Và dần dần toàn thế giới nói chung đã chứng tỏ rằng đó chính là khoa học tâm lí, tinh thần, tâm linh, một khoa học không thể thiếu được cho nhân loại chúng ta...
Còn về đĩa bay và người vũ trụ... Theo tôi hiểu, người vũ trụ là những sinh thể đã có được khoa học trường sinh học cao hơn chúng ta... So với họ, chúng ta còn ở trình độ nguyên thủy. Họ đi đến chúng ta bằng cách nào, từ những chòm sao Oriôn chẳng hạn mà ánh sáng vượt qua từ 300 năm đến 1.300 năm! Nếu không giải đáp được câu hỏi này thì không thể chấp nhận được sự hiện diện của họ trên Quả đất chúng ta.
Tôi may mắn gặp được hai người bạn của nhà chữa bệnh nội khoa tâm lí A.M. Kaspirốpxki, là Sasa và Olếch. Tôi đã nói chuyện với họ ba buổi tại Hà Nội trong tháng 3 - 1990. Nhân tiện tôi có hỏi họ về đĩa bay, nhất là hiện tượng phương thức bay từ xa đến. Họ chỉ vào đầu bằng ngón tay trỏ. Điều này có nghĩa là người vũ trụ không bay với các con tàu phản lực của nền văn minh chúng ta. Họ bay bằng... cái đầu. Nói chính xác hơn, bằng năng lượng tâm thần. Tôi gật đầu tỏ sự đồng tình của mình đối với hai bạn Liên Xô đó.
Phóng viên: Liệu chúng ta có thể liên lạc được với người hành tinh khác? Qua con đường nào?
Giáo sư - Nguyễn Hoàng Phương: Liệu chúng ta có thể liên lạc được với người hành tinh khác hay không? Ý định này là một khát vọng lớn của nhiều nhà khoa học thế giới chúng ta. Ngày trước có một chương trình gọi là dự án Oxmo (OSM) đưa thông tin bằng một dãy kí hiệu, có thể xếp lại bằng một hình chữ nhật, trong đó hiện ra Mặt trời, Quả đất...chúng ta, cùng hình ảnh các người đàn ông và đàn bà... Mặt khác, một số đài thiên văn lớn trên thế giới đã thường xuyên đón nhận những ký hiệu dị thường từ vũ trụ xa xôi đến, mong rằng đó những thông tin không phải ngẫu nhiên mà nhân tạo. Cũng có nơi chủ động đưa lên vũ trụ những thông tin không phải về khoa học tự nhiên, mà lại về nghệ thuật, hình ảnh La Jocong chẳng hạn, vì người ta cho rằng thẩm mỹ, nghệ thuật vĩnh hằng hơn khoa học tự nhiên. Theo tôi, tôi thấy cách đặt vấn đề như thế là đúng.
Tại pháp, ngày 19-2-1976 đã khánh thành sân bay vũ trụ để đón chào các người hành tinh khác tại thành phố Boocđô. hệ thống này hoạt động hoàn toàn tự động. Có thông tin cho rằng người hành tinh đã nhận được tín hiệu từ Quả đất chúng ta, đã trả lời như thế nào đó, nhưng họ chưa xuống.
Nhưng ngoài các hình thức thông tin vật lí trên, còn có một loại thông tin khác phi vật lí: đó là thông tin bằng trường sinh học, bằng thần giao cách cảm. Mà quả thật như thế, khi những người hành tinh đụng độ với người quả đất chúng ta , thì họ liên lạc với chúng ta qua thần giao cách cảm, như với hiện tượng nội âm, qua các Chakhas (trung tâm lực) chẳng hạn. Chúng tôi nghĩ rằng những loại thông tin này là có hiệu quả nhất. và vấn đề đặt ra là: chúng ta tại Việt nam có thể thực hiện loại thông tin như thế không?
Phóng viên: Trong khoa học và nói chung trong cuộc sống, chỉ có cái chưa biết. Thưa giáo sư, hiện nay cái chưa biết lớn nhất của con người là gì?
Giáo sư - Nguyễn Hoàng Phương: Cái chưa biết lớn nhất của chúng ta là gì? Theo chúng tôi, cái chưa biết lớn nhất của chúng ta là chưa hiểu rằng nhân loại Quả đất chúng ta chỉ mới đặt những bước chân đầu tiên... còn thô thiển, còn nguyên thuỷ... trên một con đường tiến hoá dài đằng đẳng. Nhiều người cho rằng vật lí học là tiến nói cuối cùng của chân lí. Sao như vậy được? Họ lại cho rằng mọi hiện tượng đều có thể quy về vật lí học thời đại chúng ta. Đó là một sự sai lầm rất lớn. Ngay nhà bác học lớn trên thế giới Salam (giải thưởng Nôben về vật lí) cũng đã nói rằng cái chúng ta biết cũng chỉ là một phần rất nhỏ của cái chưa biết.
Tôi đã viết một cuốn sách dày nhan đề "Con người và trường sinh học" (NXB Đà Nẵng) sẽ ra mắt bạn đọc tháng 5 - 1990, trong đó chúng tôi đã nói nhiều về những cái chúng ta chưa biết. Theo nguyên lí sâu ra nhất về con người của Triết Đông phương CON NGƯỜI LÀ MỘT TIỂU VŨ TRỤ, thì muốn tìm hiểu vũ trụ, hãy quay lại chính mình. Thành thử, có thể nói rằng khi chúng ta chưa hiểu biết hết về vũ trụ, thì cũng chính vì chúng ta chưa hiểu biết hết về chính mình. Nói nôm na, thì từ trước đến nay - trừ một số nhà minh triết Đông phương - chúng ta chưa hiểu về bản thể của con người mà chỉ hiểu chính ta một cách thô thiển! Chính chiến lược toàn cầu về con người cũng sẽ đi theo con đường nâng cao sự hiểu biết của chúng ta về bản thể sinh học, bản thể con người và sự sống. Nhưng phương hướng này không hạn chế trong khuôn khổ hành tinh chúng ta, mà lại trong một quan hệ cực kì lí thú với vũ trụ, tức là những nền văn minh khác ngoài Quả đất. Tôi cho rằng đây sẽ là một mùa xuân, xuân thế kỉ...
Và bước đầu tiên phải là đông y học... và trong các thành phần của con Người (xác, phách, vía, trí...) thì phách với các huyệt vị của nó là gần với xác nhất, do xác chính là thành phần vật lí với huyết và mô, còn phách chính là hệ thống Kinh-Mạch-Lạc của đông y học với khí. Chính lí do đó, chúng tôi (Nguyễn Hoàng Phương - Trần Thị Lệ) đã đi vào nguyên cứu đông y học, hòng muốn tìm một cái cầu bắc nối qua trường sinh học.
PV. Xin cảm ơn giáo sư.
(Hoàng Lạc - Trích Báo Thanh Niên)
5. NHỚ VỀ GS. NGUYỄN HOÀNG PHƯƠNG - MỘT THẦY GIÁO UYÊN THÂM VÀ TẤM LÒNG NHÂN ÁI.
Nguyễn Hồng Trân (cựu GV Đại học Khoa học Huế)
Nhớ lại những ngày tôi còn đi học rồi đi dạy ở Hà Nội, tôi không sao quên được người thầy giáo đầy lòng nhân ái và uyên thâm khoa học như thầy Nguyễn Hoàng Phương [NHP]–GS vật lý trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (sau này là Đại học Quốc gia Khoa học tự nhiên). Quê hương thầy ở Thừa Thiên -Huế.
Hồi đó, tôi ở nhà ông Nguyễn Quỳnh 16 A Phạm Đình Hồ (chú ruột tôi) gần nhà của thầy Phương ở 16 phố Hàng Chuối. Vì quê hương của thầy là người Thừa Thiên -Huế nên tôi thường hay lui tới thăm chơi và chuyện trò với thầy một cách thân mật. Thầy có vợ nhưng không có con cái. Cuộc sống của thầy thật giản dị mà tâm hồn và tri thức thì vô cùng phong phú. Thầy là một giáo sư vật lý lý thuyết nhưng thầy am hiểu rộng nhiều mặt về khoa học tự nhiên, về đất nước- con người, về tâm linh- tình cảm v.v…
Sau khi tôi được đọc tác phẩm của thầy viết về nhà bác học nổi tiếng Albert Einstein tôi càng yêu thích và gần gũi thầy nhiều hơn. Vì thầy viết sách không phải chỉ nặng về lý trí khoa học mà thầy đã gửi gắm những tình cảm chân thành của mình đối nhân vật trong sách.
Những năm sống ở Hà nội tôi được vinh dự gần gũi thầy nên học hỏi được nhiều điều về nhân cách cuộc sống, về đạo đức đích thực của người trí thức trong thời đại mới. Tôi cũng được nghe thầy tâm sự cuộc đời và sự nghiệp khoa học của thầy.
GS. Nguyễn Hoàng Phương sinh năm 1927. Thầy đã từng là chiến sĩ biệt động hoạt động ở thành phố Huế. Năm 1948, NHP nhập Đội Tuyên truyền xung phong Quảng Nam - Đà Nẵng, do nhà văn Nguyễn Văn Bổng làm đội trưởng. Hồi đó NHP là một thanh niên hăng hái, đầy nhiệt tình cách mạng và thông minh xuất chúng có tiếng tăm lên đến tận Khu uỷ Liên khu Năm. Ông Trần Đình Thi - Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Liên khu Năm thấy thế đã quyết định cho Nguyễn Hoàng Phương đi học. Năm 1949, được cử đi đào tạo khoa học cơ bản và được trực tiếp học với thầy giáo danh tiếng Lê Văn Thiêm Việt Nam tại Nam Ninh, Trung Quốc và sau đó tiếp tục ở lại giảng dạy ở Khu học xá đó.
Khi tiếp quản Thủ đô, thầy về dạy ở Trường Đại học Sư phạm, và vào tháng 9.1956. Khi Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc ĐHQGHN) được thành lập, thầy đã có mặt ngay từ những ngày đầu tiên với tư cách người thầy chính thức của nhà trường. Sau khi Khoa Tự nhiên tách thành các khoa Toán, Lý, Hoá..., thầy NHP được cử làm Chủ nhiệm Khoa Vật lý. Bên cạnh các tên tuổi bậc thầy về vật lý như GS. Ngụy Như Kontum, thầy Phương được coi là con chim đầu đàn của ngành Vật lý Việt Nam, là thầy của hầu hết những nhà vật lý tiếng tăm.
Trước khi tôi đi du học nước ngoài, tôi đã đến thăm cô thầy Phương, thầy đã nói chuyện với tôi rất nhiều về mục đích và yêu cầu của người du học nước ngoài. Tôi còn nhớ mãi nét mặt tươi cười của thầy nói vừa đùa vui, như vừa dặn tôi mấy câu cuối cùng trước khi tạm biệt thầy. Thầy nói: “Cậu Trân ơi! Sang nước ngoài phải học cho tốt và phải thành kỹ sư giỏi hơn kỹ sư trong nước đấy nhé rồi phải học nữa, học mãi mới giỏi được và nhớ sang bên Tây đừng có mê gái mà lấy vợ đầm về nước thì khổ lắm đấy!”. Lúc đó tôi chỉ dạ dạ, vâng vâng rồi nói ngay với thầy: “Em xin cố gắng nghe theo lời thầy khuyên bảo. Chắc chắn em sẽ thực hiện được đấy thầy ạ”.
Cuối năm 1972 đầu năm 1973, tôi về Hà Nội và đến thăm thầy. Lúc đó thấy thầy vẫn béo tốt, da dẻ hồng hào, mắt vẫn trong sáng như xưa chỉ có đầu tóc đã bạc thêm nhiều. Hai thầy trò chúng tôi ôm nhau vui sướng rồi ngồi chuyện trò trong nhà thầy rất lâu rồi cô thầy mời Trân ở lại chơi ăn cơm.
Sau ngày hoà bình thống nhất đất nước Việt Nam, thầy và tôi vào thăm quê hương sau bao nhiêu năm xa cách. Tôi vào trước thầy vào sau. Đến tháng 11 năm 1976, thì tôi được thầy Hoàng Đức Đạt mời về dạy tại trường Đại học Tổng hợp Huế. Trước khi vào Huế dạy trường Đại học tổng hợp, tôi đến chào tạm biệt thầy cô để trở về quê theo nghề dạy học. Lúc đó thầy Phương ôm tôi vào lòng rồi nói: “Cậu sướng quá, cậu thoả lòng mong ước rồi đấy! được về gần với mẹ già và bà con thân thuộc sau mấy chục năm trời biền biệt chia ly. Cho mình gửi lời thăm bà cụ của Trân nhé. Đến vài năm sau thầy Phương được mời vào Huế dạy thỉnh giảng cho trường ĐHTH -Huế. Những lần thầy Phương vào thỉnh giảng là sinh viên rất thích, vì kiến thức của thầy khá rộng nên thầy giảng rất hay, có chiều sâu và nhiều điều thú vị liên quan đến môn học đồng thời thầy rất quan tâm đến sinh viên nên ai cũng quý mến, ngưỡng mộ thầy cả.
Những quyển sách thầy đã đọc qua, không mấy trang không có bút tích của thầy để lại. Mỗi lần thầy NHP đi dự Hội thảo hoặc dự thuyết trình về khoa học, thầy đều chăm chú lắng nghe và đôi lúc thầy cũng cần ghi chép lại để lưu ý tham khảo, cho dù người trình bày chỉ vào loại học trò nhỏ bé của mình. Mọi ý tưởng, thông tin mới khi thầy tiếp nhận, chúng đều được xử lý, sắp xếp theo cách tư duy của thầy. Vì thế mà mọi điều thầy viết ra, dù là những điều có thể nhiều người cũng đã biết, nhưng chúng đều có những sắc thái rất riêng của NHP.
Ngày 22/3/2004, một ngày trước khi đi xa, thầycòn nhờ một người học trò cũ của mình photo quyển "Lý thuyết phạm trù" của B. Michell để thầy nghiền ngẫm. GS. NHP muốn tìm trong lĩnh vực trừu tượng nhất của toán học những phương cách để ông có thể diễn đạt được các đặc tính tinh tế nhất của thế giới vật chất.
Hình ảnh GS. NHP với mái tóc dài bạc trắng, với đôi mắt thông minh, với nét mặt đôn hậu hóm hỉnh, với dáng đi nhanh nhẹn không hề có dáng dấp của tuổi già, với cách bỡn cợt với bệnh tật của chính mình... vẫn còn in đậm trong tâm trí của bạn bè, học trò và cả những người chỉ biết thầy qua một lần được nghe thầy nói chuyện.
GS. NHP là một trong số ít người đoán trước được vận mệnh của riêng mình. GS đã nói ra điều đó một cách rất hồn nhiên, thầy đã có kế hoạch trù bị lo liệu cho lễ tang của mình. Việc phải từ giã cuộc đời được thầy hiểu đơn giản như việc tìm về nơi yên nghĩ an lạc vĩnh hằng sau một chuỗi năm tháng của cuộc đời lao động mệt mỏi trên trần thế.
Những nghiên cứu khoa học của GS. NHP có thể tạm phân làm ba lĩnh vực: Toán - Lý, Trường sinh học và Tâm linh.
Năm 1959, trong khi nền giáo dục đại học của chúng ta mới chập chững những bước đầu tiên, cơ sở vật chất, sách vở còn rất thiếu thốn, với cương vị coi sóc Khoa Vật lý, Thầy Phương đã nỗ lực hết mình, vừa tạo điều kiện để học trò học thật tốt, vừa tự mình mày mò nghiên cứu khoa học để làm gương cho thế hệ đàn em. Thầy đã lập nên nhóm nghiên cứu Vật lý lý thuyết, gồm những người tâm huyết từ các cơ sở nghiên cứu khác nhau nhưng có chung một niềm đam mê Vật lý. Nhóm này hoạt động khá đều đặn và có hiệu quả. Các thành viên trong nhóm, nhiều người đã thành danh, là những phó giáo sư, giáo sư, tiến sĩ, tiến sĩ khoa học, viện sĩ, những trụ cột vững chắc cho các tổ chức vật lý của đất nước chúng ta.
Cũng trong thời kỳ này, Thầy NHP đã có phát kiến trong lĩnh vực nghiên cứu vật lý cơ bản. Thầy đề xuất một mô hình, trong đó không thời gian vật lý được mở rộng từ 4 thành 6 chiều và nhờ các chiều phụ, thầy đã có những kiến giải rất có sức thuyết phục về đặc trưng nội tại của các hạt cơ bản. Phát kiến này đã giúp thầy bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Luận án: "Vật chất trong không gian sáu chiều" được thầy viết một mình, và là luận án tiến sĩ đầu tiên về Vật lý của nước Việt Nam mới. Luận án này được ông bảo vệ thành công tại Liên Xô.
GS Nguyễn Hoàng Phương là tác giả của hàng loạt giáo trình và sách nghiên cứu vật lý: Cơ lý thuyết; Hoá lượng tử trên cơ sở tích hợp toán, lý, hoá; Xử lý tín hiệu rời rạc; Toán tập mờ cho kỹ sư; Lý thuyết nhóm và ứng dụng vào vật lý lượng tử... Tuy nhiên, cái nội lực tinh thần và ngọn lửa sáng tạo của GS Phương chỉ thực sự bùng lên khi ông bắt tay vào những công trình khám phá nhằm tìm hiểu cái thế giới bí ẩn và huyền diệu của con người, bắt đầu từ trường sinh học, rồi đến những triết lý học thuyết phương Đông về âm dương- ngũ hành; về Kinh Dịch mà ông coi là một khoa học siêu thống nhất có thể soi tỏ những câu hỏi muôn thuở về con người.
GS phát hiện ra một công cụ khám phá là tích hợp đa văn hoá Đông Tây, có nghĩa là liên kết những khoa học duy lý của phương Tây và minh triết của phương Đông, tìm ra những bài toán vừa có cái hiện đại, vừa có cái cổ sơ, có thể giải mã Kinh Dịch, hơn thế còn sáng chế lại Kinh Dịch vì nó đã trải qua nhiều nghìn năm không khỏi bị thất truyền.
Ngoài giảng dạy và lãnh đạo Khoa, GS NHP còn dành nhiều thời gian để viết sách và đã có rất nhiều sách chuyên khảo có giá trị như Quyển "Lý thuyết nhóm và ứng dụng vào Vật lý học Lượng tử", in khổ rộng với hơn 500 trang, hiện vẫn là quyển chuyên khảo đầy đủ duy nhất về lĩnh vực này ở Việt Nam. Quyển "Nhập môn Cơ học lượng tử - cơ sở và phương pháp (Tích hợp Toán - Lý - Hoá)", với gần 800 trang in khổ lớn, cũng là một quyển sách tham khảo rất có giá trị cho sinh viên các trường đại học. Thầy Phương cũng có quyển sách viết bằng ngôn ngữ phổ thông về A. Einstein, một quyển sách rất truyền cảm được độc giả đủ mọi lứa tuổi đánh giá cao và được tái bản nhiều lần, ngay cả sau khi GS đã qua đời.
Một lĩnh vực rất mới mẻ, không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả trên thế giới, đó là lĩnh vực Trường sinh học, cũng được ông dành cho nhiều tâm huyết. Đây là lĩnh vực rất kỳ bí, còn xa lạ với các công cụ khoa học Toán - Lý đương thời. Hiện nay, khoa học vẫn đang kiên nhẫn xem xét và chỉ có trong tương lai xa mới hy vọng có lời phán quyết đúng đắn. Vào những năm khó khăn của thời bao cấp, khi người bạn đời thân thiết, hiểu thầy, yêu thầy và tận tuỵ vì thầy đột ngột qua đời, thầy rơi vào trạng thái hẫng hụt. Các cố gắng bấu víu vào cuộc đời thường đều không mang lại cho ông sự yên lành cần thiết về cả tinh thần lẫn vật chất. Bạn bè, đồng nghiệp đã khuyên GS đi chuyên gia châu Phi, bởi vì, lúc bấy giờ, đây là giải pháp duy nhất phù hợp với khả năng hiểu biết cuộc sống đời thường của ông. GS đã nghe lời khuyên và làm đủ mọi thủ tục cần thiết và chỉ chờ ngày lên đường. Nhưng tiếc thay, đến phút cuối ông đột ngột thay đổi quyết định. Lý do duy nhất kéo giữ GS ở lại, đó là, muốn dùng khả năng ngoại cảm của một số người để tìm tòi tài nguyên cho đất nước.
Đây là những năm tháng khó khăn nhất của cuộc đời GS. Khó khăn đó không chỉ vì vật chất thiếu thốn, mà ở ngay cả lĩnh vực tinh thần. Như đã nói ở trên, tiềm năng ngoại cảm của con người luôn là một lĩnh vực bí hiểm và rất dễ lợi dụng. Sự chân thật của GS trong cuộc sống đời thường đã mang lại cho bản thân không ít những hệ luỵ, phiền toái.
Đánh giá đúng về những đóng góp của GS. NHP trong lĩnh vực này còn cần có thời gian. Nhưng một người bạn cũ tâm huyết của ông đã nhận xét, nếu trong tương lai, tiềm năng ngoại cảm con người được chứng minh là đúng đắn, vị trí của ông trong lĩnh vực này sẽ rất lớn. Và giờ đây cánh cửa đó đã được mở ra và các nhà khoa học đang công khai nghiên cứu có tổ chức, thông báo và hội thảo…
Nếu lĩnh vực Trường sinh học tuy kỳ lạ nhưng phần nào còn có thể nhận thức được, thì lĩnh vực tâm linh, lĩnh vực mà ông say mê cho đến cuối đời, vẫn còn là bí ẩn và khó hiểu hơn nhiều, nhưng rồi dần dần qua thực tế chứng minh người ta đã tin là có thật. Là một người am tường đại số, ông luôn mong muốn tìm ra những quy luật chung nhất không chỉ của thế giới tự nhiên mà còn của thế giới tâm linh, tức là thế giới ý thức của con người. Một trong những di sản vĩ đại của người xưa trong lĩnh vực này là "Kinh dịch". GS NHP đã nhìn thấy trong "Kinh dịch" quy luật chi phối xã hội và chi phối tự nhiên, thậm chí cả quy luật sản sinh ra các chủng loại người trên hành tinh của chúng ta. Khác với những người học dịch trước đây, thường chỉ dựa vào những phán xét của người xưa để luận bàn và thêm thắt, GS NHP đọc dịch trên cơ sở liên hệ nó với quy luật của đại số học, và do đó, GS đã làm một việc chưa từng ai dám làm, đó là sắp xếp lại "Kinh dịch". Với việc tìm cỗ máy thiên cơ trong "Kinh dịch", tức là tìm ra quy luật sắp xếp thích hợp cho từng thời kỳ của 64 quẻ, ông đã chỉ ra cách dự báo có tính xác thực hơn. GS NHP khẳng định rằng: "Bài toán giải mã số thứ tự các quẻ (tự quái) là một trong những bài toán hóc búa nhất, hiểm trở nhất của Dịch lý trên cả toàn cầu và toàn lịch sử loài người, mãi cho đến nay mới bắt đầu thực hiện rõ ràng, cụ thể được. Những giải mã này cho phép khôi phục lại vị trí học thuyết siêu thống nhất phổ quát nhất về nhân văn học, và hơn nữa vị trí giao lưu văn minh vũ trụ, hội nhập vũ trụ nay mai". GS đã ghi chép những kết quả của mình trong một số cuốn sách: "Những cơ sở của Triết học phương Đông và Tập mờ, Đông và Tây", in bằng tiếng Anh, khổ lớn, dày 2000 trang (Oriental Philosophy Fundamentals and Fuzzy Set, East and West) và cuốn "Tích hợp đa văn hoá Đông - Tây cho một chiến lược giáo dục tương lai" in khổ lớn dày tới gần 1.200 trang, với các thuật ngữ vừa cổ kính vừa huyền bí mà còn lâu mới có thể hiểu và đánh giá chính xác đúng sai. Những suy tư của GS Phương trong những năm cuối đời được GS ghi chép thành 5 tập còn đang chờ để được xuất bản.
GS. Nguyễn Hoàng Phương từ giã chúng ta để đi vào cõi vĩnh hằng đã hơn 5 năm rồi (24/3/2004-2009), nhưng để hiểu và đánh giá đúng mức về con người của GS cũng như những công trình của ông, chắc chắn đòi hỏi thêm thời gian và nhiều công sức nghiên cứu kiểm nghiệm qua thực tiễn mới được chính xác, sáng tỏ.
Sự ham hiểu biết và thú say mê làm việc là những tố chất ưu việt đã được GS Phương gìn giữ cho đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời.
Với 77 năm trong cuộc đời trần thế, những điều GS thu nhận được trong các lĩnh vực thuộc khoa học tự nhiên và xã hội là rất đáng khâm phục. Nó chứng tỏ GS có bộ óc siêu việt mà trình độ khoa học đương đại chưa thể có phán quyết đúng sai có tính thuyết phục.
Ngoài đời GS NHP là một người lãng mạn, chơi ghi ta rất cừ, rất thích đàm đạo, thương người và sống rất có tình. Trong con người khoa học của ông là một trái tim chân thành, trung thực.
Thầy Nguỵ Như KonTum -Hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã tầng nói với mọi người:
“GS Nguyễn Hoàng Phương là một nhà giáo ưu tú, được tặng thưởng huân chương kháng chiến hạng nhất, GS là một người thầy hào hoa, uyên bác, đầy nhiệt huyết và rất yêu thương sinh viên. Ông còn là một nhà giáo có tài năng sư phạm lỗi lạc của nước ta. Những vấn đề toán học khô khan, những lĩnh vực lắt léo của Vật lý lý thuyết, qua những lời giảng giải khúc chiết của ông, chúng trở nên sống động, hấp dẫn và vô cùng dễ nhớ. Chỉ riêng những vấn đề ông đã viết ra, in rồi hoặc chưa in, với mỗi quyển trên dưới một ngàn trang, cũng đáng để cho người đời, nhất là những người đã từng biết những khó khăn khi cầm bút, phải nghiêng mình thán phục”.
(Theo Văn nghệ Trẻ)
Ghi chú: Để viết bài này, tôi có tham khảo thêm một số tài liệu của nhà giáo Phạm Thúc Tuyền và nhà văn Xuân Cang (người bạn gần gũi với GS. Nguyễn Hoàng Phương.)
6. MỘT SỐ BÀI VIẾT CỦA GS. NGUYỄN HOÀNG PHƯƠNG
a. Thế giới vô hình
Nhà triết học và thông thiên học nổi tiếng C. Janarajadasa đã từng nói khái quát về các cõi giới vô hình như sau: “Đối với thế giới rộng lớn hơn và vô hình đang bao quanh chúng ta, một vấn đề mà chúng tôi đề cập đến không phải theo như lời người khác nói, mà một phần là theo các kinh nghiệm riêng và trực tiếp của chúng tôi.
Không biết là có cái gì đó đặc biệt hay không trong bộ não của chúng tôi. Nhưng một sự kiện luôn luôn thường trực đối với ý thức của chúng tôi là có tồn tại một thế giới mà mắt thường không trông thấy (được gọi là vô hình) bao quanh chúng ta ở mọi phía, đi xuyên qua, thấm vào và bao bọc mọi sự vật, một thế giới mà hết sức khó tả. Thế giới này được trông thấy không phải bằng con mắt bình thường của mỗi người. Các con mắt đó (mắt vật lý) dù mở hay nhắm lại đều không có vai trò quan trọng. Hiện tượng nhìn thấy bằng mắt vật lý và hiện tượng trông thấy một cách nội tại là độc lập nhau mặc dù cả hai hiện tượng đó hiện ra đồng thời. Trong khi các con mắt vật lý của chúng tôi nhìn vào mảnh giấy mà chúng tôi đang viết thì cùng lúc cũng có cái gì đó trong bản thân (chúng tôi không biết gọi như thế nào) lại nhìn thấy thế giới vô hình ở bên trên, ở bên dưới và đi xuyên qua tờ giấy, qua cái bàn, qua gian phòng đang ở...
Thế giới vô hình rất sáng và dường như mỗi điểm của thế giới đó có một ánh sáng riêng của nó, nhưng lại không thuộc loại ánh sáng vật lý. Không gian của thế giới này chứa đầy các chuyển động, nhưng lại là một chuyển động hiện ra một cách run rẩy và rất khó tả, gợi ý cho chúng ta quan niệm về một chiều thứ tư nào đó. Với tất cả uy tín mà chúng tôi có được, với lương tâm, ý thức và tất cả những hiểu biết của mình, chúng tôi khẳng định rằng thế giới vô hình còn tồn tại thực hơn cả thế giới vật lý. Mỗi khi chúng tôi nhìn thế giới đó rồi lại nhìn thế giới mà chúng ta đang sống thì chúng tôi thấy thế giới thứ hai này dường như chỉ là một hiện tượng hoàn toàn hoang tưởng, một cái gì đó vô minh và không còn có những phẩm chất cho phép chúng tôi gán cho cái từ có thực. Mỗi khi chúng tôi so sánh thế giới của chúng ta với sự tồn tại mạnh mẽ của các cõi giới vô hình thì tưởng chừng thế giới chúng ta ngỡ ngàng như một giấc mộng.Tuy nhiên, rất rõ ràng là thế giới vật lý của chúng ta đang thực sự tồn tại. Và trong lúc này, nó là khá thực đối với bản thân tôi, ở chỗ tôi đang viết những dòng chữ này trên dãy núi Java, ở chỗ có nhiều con muỗi đang đốt chúng tôi và cũng ở chỗ mà chúng tôi đang có một ý thức khó chịu về cái đốt đó.
Nhưng những kinh nghiệm thu thập được từ lâu cho biết rằng, thế giới vật lý của chúng ta chỉ là một mảnh của một thế giới thực sự rộng lớn hơn. Ngoài tầm của thế giới vật lý còn có nhiều thế giới vô hình nữa. Mỗi thế giới như vậy đều có tính vật chất, có nghĩa đó không phải chỉ là một quan niệm tinh thần thuần tuý mà là được tạo ra từ vật chất. Tuy nhiên, vật chất của các thế giới vô hình về phẩm chất cũng như về bản chất là tinh tế hơn nhiều so với loại vật chất mà chúng ta đã quen thuộc. Ngay bây giờ, tất cả các thế giới vô hình đều đang ở chung quanh chúng ta. Trong không gian, các thế giới đó không ngăn cách chúng ta. Nhưng làm thế nào mà trong các khu vực của chúng ta như gian nhà, khu vườn, đường sá... lại có nhiều thế giới như thế? Làm sao mà nhiều thế giới khác nhau như vậy lại có thể cùng tồn tại trong cùng một không gian? Lý do là ở chỗ mỗi thế giới đều được tạo ra từ một thứ vật chất tinh tế hơn thế giới nằm ngay tầng dưới. Tỉ như cát, nước và khí có thể ở trong cùng một cái bình do nước tinh tế hơn cát, còn khí tinh tế hơn nước”.
(Trích "Tích hợp đa văn hoá Đông Tây cho một chiến lược giáo dục tương lai" - Nguyễn Hoàng Phương, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội - 1996)
Ảnh: Internet
b. Tình yêu đất nước
Trường sinh học và vấn đề con người nói chung
Hai vấn đề lớn có liên quan đến trí tuệ của con người là học tập và sáng tạo. Dùng trường sinh học có thể phát triển một phương pháp học tập mới gọi là phương pháp căng tâm thần, nói riêng có khả năng dạy học ngoại ngữ khá nhanh. Về mặt sáng tạo ,không thể chỉ đóng khung trong trong phạm vi ý thức. Vì vô thức luôn luôn là bạn đồng hành rất hữu hiệu của ý thức trong những vấn đề sáng tạo, nhất là trong những giai đoạn mò mẫm. Nhưng cơ chế của vô thức là gì ?
Hội thảo về vô thức ở Tbi-li-xi tháng 10 năm 1979 đã bắt đầu khơi dậy bài toàn khó khăn đó và người dân Liên Xô đã tự hào rằng khoa học về vô thức đã phôi thai từ đất nước họ.
Trong sáng tạo, những người lao động nhiều nhất chỉ mới sử dụng 6-7% của khả năng bộ não.Chưa nói đến khả năng con người còn có một cái đáy thứ hai nào đó, mà từ khi lọt lòng mẹ đến khi chết vẫn chưa đụng đến...
Các nhà bác học Xô Viết năm 1974 đã tính khả năng của bộ óc, biểu hiện ở tổng số các tổ hợp giữa các giây thần kinh, bằng con số 1, kế theo là những con số không kéo dài đến mười triệu rưỡi kilômét, tức là với một khoảng cách từ quả đất đến mặt trăng .
Nghiên cứu trường sinh học nghĩa là nghiên cứu những phương pháp huy động được dự trữ các tế bào thần kinh và khai thác được khả năng các tổ hợp nói trên. Trên thế giới ngày nay đã có 35 nước nghiên cứu trường sinh học với hơn 250 hội và phòng thí nghiệm và trên mười giả thiết khác nhau tiếp cận khía cạnh năng lượng của vấn đề cận tâm lý.
Hiện tượng nhìn từ xa, qua vật cản
Nhà tình báo và chống tình báo trong tương lai gần đây sẽ phải suy nghĩ như thế nào để bảo vệ đất nước.
Một người qua đường đang chú ý đến một căn nhà , qua bức tường , qua tấm cửa đóng kín, qua cả những tấm kim loại của những chiếc tủ sắt, hầu như có đủ khả năng hoàn toàn ngăn cách những gì đang bí mật nằm bên trong ,còn người nhân viên trực vẫn tưởng rằng mọi việc bảo mật đều chắc chắn..những thực nghiệm ít nhiều đã chứng tỏ rằng với trường sinh học , người tình báo có thể khui ra được phần nào những gì đang bí mật nằm trong bộ nhớ các máy tính điện tử và hơn nữa có thể bắt được những thông tin đang còn bay bổng vô hình trong không trung với các sóng điện từ .. và ngày hôm nay dưới những biển sâu của Thái Bình Dương và Đại Tây Dương , những chiếc tàu ngầm hạt nhân đang thử liên lạc thông tin với nhau, không phải bằng phương tiện điện tử thông thường mà bằng một phương tiện tín hiệu khác, đánh dấu một mùa xuân mới - trường sinh học.
Ngày 28 tháng 3 năm 1968 báo Pravda công bố như sau : "Theo đề nghị của Xô Viết tối cao và Bộ quốc phòng Liên Xô. Chính phủ Liên Xô tặng thưởng Roda Kulêxôva 18 tuổi trung tá trong cơ quan an ninh quốc gia, Huân chương Sao Đỏ, là huân chương cao quý nhất của Bộ quốc phòng Liên Xô, vì những chiến công hiển hách và dồn dập mà Roda đã cóng hiến cho Tổ quốc Xô Viết".
Roda KulêXôva không chỉ nổi tiếng với khả năng nhìn bằng tay mà đã cống hiến nhiều trong việc bảo vệ bí mật của nhà nước Xô Viết.
Xuân mới đang đến, những bông hoa đầu xuân đang nở... những gì sẽ nằm sâu xa nhất trong khái niệm cơ thể sống, trường sinh học của thời đại chúng ta? Phải chăng đó sẽ là những điều hoàn toàn khó hiểu về không gian qua các hiện tượng thấy từ xa còn hết sức bí ẩn, về thời gian qua các tính chất của đồng hồ sinh học, của tốc độ diễn biến các quá trình hiện tượng trong các giấc mơ, về khái niệm cơ thể liệu chỉ phải đóng khung trong cái không gian chật hẹp chỉ gồm tế bào , phân tử và nguyên tử thông thường?
Đó phải chăng cũng sẽ là những điều khó hiểu về khái niệm hệ thống sống, không còn gắn bó hữu cơ với vật lý học đương thời ở tính chất kín, mà lại hở, trong một trạng thái liên thông với vũ trụ bên ngoài, trao đổi với vũ trụ đó không những vật chất, năng lượng còn có lẽ còn cả thông tin…?
Nhưng không phải chỉ thế, chúng ta còn phải tự hỏi xem cần mở rộng khái niệm nhân quả đến mức nào, không chỉ bó hẹp trong mối quan hệ trực tiếp giữa nhân và quả, mà còn phải tính đến những loại quan hệ khác, chẳng hạn là quan hệ cùng nguồn gốc có từ trước, như hai hạt và phản hạt cùng sinh ra từ một chất nào đó và cũng như hai anh em sinh đôi có cùng quan hệ với nhau…có lẽ đang hiện dần dần ra trước mắt chúng ta hình ảnh vô cùng khó hiểu của một nguyên lý cực kỳ lạ lùng mà ngay nhà vật lý tiêu biểu nhất của nhân loại là Anh-xtanh cũng vẫn không hình dung nổi.
Một khoa học mới
Tờ báo Nhật Mainichi Daily News (7-5-1981) và các tờ báo Pháp Express (12-5-1981), Paris Match (15-5-1981) cùng đưa tin cuộc toạ đàm quan trọng ở Liên xô về trường sinh học, công bố trong tờ báo Ôgônhiôk (17-4-1981) dưới đầu đề: "Theo những quy luật chưa hề biết của tự nhiên".
Trường sinh học, đó là nội dung của một khoa học về sự sống, một khoa học đã trăn trở qua mấy nghìn năm của lịch sử nhân loại và chỉ mới có điều kiện nở ra những chiếc hoa đầu tiên ở cuối thế kỷ này những chiếc hoa hiếm hoi nhưng rất quý báu.
Một nụ hoa xuân đầu mùa
Lịch sử nhân loại đã để lại một di sản hoàn toàn tan hoang về các hiện tượng cận tâm lý và lại còn bị che lấp đằng sau bao nhiêu thủ đoạn. Nhưng trên con đường lởm chởm đó của các hiện tượng cận tâm lý, về các giác quan thứ sáu, bảy… (ngoài năm giác quan thông thường của con người), hoàn toàn đối lập với phương hướng thừa nhận sự tồn tại của một thế giới thứ hai nào đó, thần bí, nguồn gốc của các hiện tượng cận tâm lý, đã bắt đầu xuất hiện một phương hướng khác, đi ngược dòng đang tìm cách tìm hiểu, khám phá thế giới năng lượng và thông tin, dạng năng lượng nào có khả năng mang những thông tin vẫn còn thầm kín giữa các cơ thể sống. Năng lượng theo quan điểm duy vật đó gọi là năng lượng trường sinh học.
Và trong Đại bách khoa toàn thư Liên Xô, tập 19, năm 1975, hai viện sĩ tâm lý, vốn công kích các hiện tượng cận tâm lý, đã buộc phải thừa nhận :” Về những hiện tượng loại này, cần phải phân biệt như sau: một mặt, đó là những hiện tượng do các nhà thần bí và các lang băm quảng cáo, còn mặt khác là những hiện tượng tồn tại thực sự, nhưng vẫn chưa được giải thích một cách khoa học về mặt vật lý và tâm lý.
Những hiện tượng thuộc loại thứ nhất cần được vạch mặt và phá tan vẻ huyền bí. Còn việc nghiên cứu những hiên tượng thuộc loại thứ hai thì được tiến hành trong các cơ quan tâm lý học, sinh lý học và nhiều cơ quan khoa học có liên quan khác”.
Một nụ hoa xuân đầu mùa của trí tuệ với bao nhiêu đường nét còn phôi thai của nó trong khoa học và trong cuộc sống!.
c. Trường sinh học và tình yêu con người
Hào quang và huyệt và một nền y học song song.
Tiếp thu vật chất năng lưọng từ vũ trụ bên ngoài, mọi cơ thể sống đều có thể phát ra trường sinh học mà những tác động trực tiếp với môi trường quanh cơ thể tạo ra những cái gọi là hào quang. Các hào quang này đã được xác định trong các phòng thí nghiệm sinh học, điện tử và tuỳ theo hình dạng, màu sắc, cường độ đã biến thành những nhân tố mang được những thông tin chính xác và những gì đang xảy ra trong cơ thể: sức khoẻ, bệnh tật và đó chính là cơ sở cho việc chuẩn đoán bệnh bằng trường sinh học, hoặc trực tiếp, hoặc từ xa, qua thân nhân, trên cơ chế của trí nhớ (theo thuyết trí nhớ ngắn hạn, dài hạn, trí nhớ hoá học hay trí nhớ phân tử hiện hành).
Nếu kiên nhẫn luyện tập, thì dù không phải có khả năng bẩm sinh, chúng ta vẫn tạo nên được một trường sinh học không yếu và với trường sinh học này, chúng ta có thể tự tác động lên các huyệt của chính cơ thể mình, hay của cơ thể của những người khác, thay cho các kim châm cứu. Từ đó là phương pháp chữa bệnh của trường sinh học.
Người ta chụp trường sinh học của nhà ngoại cảm xuất sắc Liên Xô là Đgi-Un-na và của những người bệnh, và đã thấy rằng: trong quá trình chữa bệnh đã có hiện tượng truyền năng lượng sinh học từ người chữa bệnh sang người bệnh. Nhưng khi lấy máy đo trường sinh học của Đgi-Un-na thì do trường này quá mạnh các máy đo đều bị hỏng và cuối cùng người ta chỉ còn bằng lòng với nhận xét là: trong quá trình trên đã xảy ra một cái gì đó. Những nhà khoa học Liên Xô đã mời Đgi-Un-na vào các bệnh viện trung ương tại Mát-xcơ-va để thử nghiệm một cách khoa học. Người ta thấy rằng với trường sinh học của mình, Đgi-Un-na có thể chữa được các bệnh viêm dây thần kinh, viêm cột sống, ở đó các bệnh chứng đau đớn đều tan biến, còn các chức năng của tứ chi lại được phục hồi.
Các nghiên cứu tiến hành trong bệnh viện số 36 tại Mát-xcơ-va chứng tỏ rằng trong vòng một tháng rưỡi khi Đgi-Un-na chuẩn đoán cho vài chục bệnh nhân, trước đó đã được xem xét trong các cơ quan y tế, thì giữa sự chuẩn đoán chính thống và chuẩn đoán theo trường sinh học đã có sự trùng hợp trên 97%.
Người ta chụp được sự thay đổi của trường sinh học của nhiều người khi yêu nhau, ghét nhau,… Khi thân nhau thì trường sinh học của cả hai người đều sáng lên hoặc được nối với nhau bằng những sợi chỉ màu nào đó hoặc có hào quang hoàn toàn trùng với nhau thành một. Khi ghét nhau, đố kị nhau thì hào quanq cả hai đều teo lại. Chúng ta có một thuật ngữ mới về tâm lí, với hình dáng, màu sắc, cường độ nghĩa là đang xuất hiện một nền tâm lí học song song…
d. Đẹp như đất đỏ phù xa
Ảnh minh hoạ - Internet
Đây chân con gẫy gập
Đây thân con què quặt
Con lớn lên day dứt cuộc đời…
Hãy nhìn cụ con ơi!
Hãy nhìn cụ con ơi!
Con nhìn nữa…
Mẹ đứng yên đếm từng hơi thở
Có nôn nao tia nắng nhỏ hè sang..
Ôi! Có ai sung sướng vô vàn
Nhìn chân con đó,ngỡ ngàng sống lại..
Đại yên ơi ta nhớ người ,ta nhớ mãi
Khắc tên Người vạn đại trong tim
Khắc tên Người trên mái tóc êm
Đẹp như nắng về lúa chín
Chiều nay nắng về lặng tiếng
Vẻ đẹp đôi mắt sáng ngời
Mang cho mẹ tiếng cười
Mang cho con sức sống
Mang cho ai muôn nghìn hy vọng
Nhìn lên mênh mông từ miền đất đỏ
Từ bao vùng xa xôi châu thổ
Hướng về xóm nhỏ quê ai..
Từng đoàn người…
Từng đoàn người..
Như nước chảy về khơi
Tràn về Đại Yên xóm nhỏ
Lần mò tìm đôi mắt đó
Đẹp như đất đỏ phù sa…
Tôi viết bài thơ
Viết giữa mùa
Hè sang tràn tia nắng mới
Giữa Đại Yên gió về phơi phới
Giữa tiếng cười hồ hởi xóm nhà..
Tôi viết bài ca
Chan hoà dòng nước mát
Nỗi u buồn đời ai đã tắt
Sau luỹ tre tươi..
Tôi viết tặng Người
Triền miên về đời gian khổ
Mà tim người vẫn thở
Anh hùng bên chiếc áo đỏ nâu sồng
Hè về nắng chiếu mênh mông….
Hoàng Lạc (tổng hợp và biên tập)
Nguồn: THÔNG TIN ĐỂ TƯ DUY
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét