Thứ Năm, 25 tháng 8, 2016

LINH HỒN CHỈ LÀ ẢO TƯỞNG

Sau khi chứng được thiên nhãn thông, Ngài dùng con mắt thuần tịnh siêu nhiên ấy nhìn vào cái bát đựng nước trước mặt, thấy trong đó có muôn ức chúng sinh (vi khuẩn); nhìn ra vũ trụ, thấy các vì tinh tú (hành tinh) nhiều như cát sông Hằng. Rồi cũng bằng thiên nhãn, Ngài quán sát khắp các tầng trời, nhưng không thấy có cảnh giới nào cho linh hồn tồn tại mà chỉ có những nghiệp thức của chúng sinh đã chết, chờ đi đầu thai vào sáu nẻo luân hồi. Sáu nẻo luân hồi đó là: cõi thiên, cõi thần (Atula), người, súc sinh, ngạ quỷ và địa ngục.
Đức Phật chỉ ra bốn phương diện về tâm thức, sự ra đời, con đường đưa tới diệt vong và tái sinh của con người là: lục thức, ba đặc tánh, thân ngũ uẩn, luật nhân quả. Dựa vào bốn phương diện trên làm tiền đề, ta có thể chứng minh con người sau khi chết không hề còn tồn tại linh hồn hay cảnh giới cho linh hồn trú ngụ.

10 lời khuyên của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni về thực hành tâm linh:
1) Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó là truyền thuyết.
2) Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó thuộc về truyền thống.
3) Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó được nhiều người nhắc đến hay tuyên truyền.
4) Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó được ghi lại trong sách vở hay kinh điển.
5) Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó lý luận siêu hình.
6) Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó phù hợp với lập trường của mình.
7) Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều ấy phù hợp với định kiến của mình.
8) Chớ vội tin điều gì, khi điều đó được căn cứ trên những dữ kiện hời hợt.
9) Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều ấy được sức mạnh và quyền uy ủng hộ.
10) Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều ấy được các nhà truyền giáo hay đạo sư của mình tuyên thuyết.
Trên con đường tâm linh của mình hãy can đảm: Vượt thoát mọi truyền thống, mọi định kiến. Vượt thoát mọi ý thức hệ, mọi giáo điều. Vượt thoát mọi ảo tưởng!
Phương pháp của con đường tâm linh là sự thực hành và chỉ duy nhất bằng sự thực hành.

1. Quan niệm về linh hồn

Con người chết rồi còn lại gì? Con người khi chết đi về đâu? Cái gì tồn tại sau khi thân xác của chúng ta tan rã? Người đời khi sống ai ai cũng muốn thỏa mãn những câu hỏi trên.
Quan niệm về “linh hồn” được sử dụng rộng rãi trong đạo Hồi, Do Thái, Thiên Chúa hay những tín ngưỡng thờ linh vật, ngẫu tượng, thần linh... Các tôn giáo trên đều chủ trương ngoài thân xác còn có một linh hồn bất tử trong mỗi con người. Nếu khi sống ta thực hành theo lời dạy của Chúa hay Thánh Ala thì sau khi chết ta được đưa lên thiên đàng (về với Chúa, Thánh) hoặc ngược lại thì bị đày xuống địa ngục muôn đời muôn kiếp không lối thoát. Cái phần hư ảo phi vật chất ấy được lên thiên đàng hay phải xuống địa ngục đó gọi là linh hồn.
Đạo Bà-la-môn (Ấn Độ) quan niệm rằng atman nơi chứa đựng chân tâm hằng cửu, bất biến mới là linh hồn của chính mình do Brahma - thần sáng tạo - sinh ra, khi thờ phụng thượng đế là thờ phụng atman của mình và đương nhiên Brahma cai quản các linh hồn đó.
Linh hồn trong quan niệm của người Việt Nam có từ rất lâu đời, dân gian hay gọi “ba hồn bảy vía”, “hồn lìa khỏi xác”, “hồn xiêu phách lạc”... Vì thế cho nên chúng ta tin rằng có một thế giới linh hồn tồn tại thường hằng bất biến, có những liên hệ chặt chẽ với cuộc sống khi con người còn sống hay đã chết. Khi thân hoại mạng chung là ta “về với ông bà, tổ tiên”, ở nơi đó, ông bà, tổ tiên đang chờ đợi. Vào những ngày giỗ, ngày tết, linh hồn cũng cùng về vui hưởng với người đang sống, nếu thành tâm cầu khẩn thì ông bà, ông vải sẽ “phù hộ độ trì” cho con cháu, họ cũng lên gặp mặt người thân thông qua những nhà ngoại cảm hay thanh đồng, bà cốt. Như vậy, ta tin tưởng có một cảnh giới khác để cho linh hồn quần tụ cùng với những người thân đã mất trước đó và chờ cơ hội đi tái sinh.
Chỉ riêng đạo Phật, không những không chấp nhận quan niệm về những cái gọi là linh hồn này mà còn phủ nhận, bác bỏ con người có một linh hồn bất tử và một cảnh giới cho linh hồn trú ngụ sau khi chết.
Cũng vậy, cái ý thức mà ta lầm tưởng là linh hồn để nhận biết, phân biệt được: đây là nhà của ta, đây là vợ chồng ta, đây là con cháu ta, đây là tiền bạc, tài sản của ta… ấy cũng diệt vong khi xác thân tịch diệt.

2. Vì sao Phật thuyết con người không có linh hồn?

Thái tử Tất Đạt Đa (1887-1807 trTL - Nepal) - là Đức Phật Thích Ca sau này - sau 6 năm tu khổ hạnh và 49 ngày đêm thiền định dưới cội bồ đề, Ngài đã chứng được thiên nhãn thông - theo khoa học ngày nay thì đây là con mắt thứ ba, ít người có được, là biểu hiện của trí huệ thông qua thiền định. Thiên nhãn là sự thực chứ không phải là sản phẩm của tưởng tượng, suy luận hay ảo tưởng, vì thiên nhãn này có thể nhìn thấy vượt quá những gì con mắt người bình thường có thể nhìn thấy. Sau khi chứng được thiên nhãn thông, Ngài dùng con mắt thuần tịnh siêu nhiên ấy nhìn vào cái bát tộ đựng nước trước mặt, Ngài thấy trong đó có muôn ức chúng sinh (vi khuẩn), nhìn ra vũ trụ, Ngài thấy các vì tinh tú (hành tinh) nhiều như cát sông Hằng. Rồi cũng bằng thiên nhãn, Ngài quán sát khắp các tầng trời, nhưng không thấy có cảnh giới nào cho linh hồn tồn tại mà chỉ có những nghiệp thức của chúng sinh đã chết, chờ đi đầu thai vào sáu nẻo luân hồi. Sáu nẻo luân hồi đó là: cõi thiên, cõi thần (Atula), người, súc sinh, ngạ quỷ và địa ngục.
Đức Phật chỉ ra bốn phương diện về tâm thức, sự ra đời, con đường đưa tới diệt vong và tái sinh của con người là: lục thức, ba đặc tánh, thân ngũ uẩn, luật nhân quả. Dựa vào bốn phương diện trên làm tiền đề, ta có thể chứng minh con người sau khi chết không hề còn tồn tại linh hồn hay cảnh giới cho linh hồn trú ngụ.

Phương diện thứ nhất
Con người sinh ra bình thường có lục căn (6 căn), lục căn này duyên (tiếp xúc) với lục trần (6 trần) sinh ra lục thức (6 thức). Trong Phật giáo lục căn - lục trần - lục thức là bộ phận trọng yếu của thuyết Duyên khởi (Thập nhị nhân duyên) nhằm giải thích thực tướng của vạn vật.
Lục căn Lục trần Lục thức
Nhãn căn (mắt) Sắc trần Nhãn thức
Nhĩ căn (tai) Thanh trần Nhĩ thức
Tỷ căn (mũi) Hương trần Tỷ thức
Thiệt căn (lưỡi) Vị trần Thiệt thức
Thân căn (da) Xúc trần Thân thức
Ý căn (não) Pháp trần Ý thức
-Nhãn căn là mắt. Mắt là cơ quan tiếp nhận thông tin của đối tượng qua trung gian là ánh sáng, khi duyên với sắc trần là màu sắc như: Xanh, đỏ, tím, vàng… thì sinh ra nhãn thức, vì màu sắc là cảm nhận khách quan của ý thức. Ví dụ: khi ta nhìn thấy màu đỏ của hoa phượng, cái sắc đỏ của hoa phượng ấy lưu lại trong ký ức của ta. Do vậy, chỉ cần nhắc tới hoa phượng, là chúng ta nghĩ ngay tới sắc đỏ…
-Nhĩ căn là tai, tai ta nghe được những âm thanh, tiếng động trong không gian: róc rách, vi vút, thình thịch, rền rĩ, chát chúa… Tai nghe được vì âm thanh hay tiếng động có bản chất là sóng truyền qua không khí, khi duyên với màng nhĩ nó tạo ra sóng dao động, sóng âm của dao động này trở thành tín hiệu truyền lên thần kinh não và thần kinh não báo hiệu cho ta nhận biết được âm thanh, tiếng động của ngoại cảnh.
-Tỷ căn là mũi, vì tế bào khứu giác tiếp xúc với hương trần là các phân tử của vật chất khuếch tán trong không gian, cho nên mũi ngửi được các mùi: thơm, thối, khét, khê, nồng… Ấn tượng về những mùi hương này được lưu lại trong ký ức trở thành tỷ thức, ví dụ: khi nói tới quả bưởi chín là ta liên tưởng ngay tới hương thơm ngan ngát...
-Thiệt căn là lưỡi, khi tiếp xúc với vị trần, tế bào trên lưỡi nhận biết, phân biệt được các vị: chua, cay, mặn, ngọt, đắng, chát xít, béo ngậy… do tiếp xúc qua lại, theo thời gian, những vị trên được lưu lại và phản ánh thành thiệt thức, chẳng hạn khi nhìn thấy quả chanh, lưỡi ta cảm nhận ngay được vị chua…
-Thân căn là lớp da bao bọc thân thể. Nhờ những tế bào thần kinh trên da khi duyên với xúc trần mà ta biết được cảm giác thô, nhám, trơn, ngứa, nóng, lạnh, khô, ướt… của sự vật, hiện tượng, như khi tay ta sờ vào nhung lụa thì có cảm giác láng mượt êm ái, sờ vào vôi vữa, gạch đá ta có cảm giác sắc cạnh, thô ráp…, còn lớp da bao bọc trên thân cho ta cảm nhận được sự nóng, lạnh hay mát mẻ của thời tiết.
-Pháp trần là những sự vật, hiện tượng xung quanh chúng ta như: bàn ghế, núi sông, sấm chớp, gió mưa, yêu ghét, lời nói tiếng cười… Chúng là đối tượng của ý căn. Đối tượng của ý căn cực kỳ rộng lớn, bao hàm tất cả mọi lĩnh vực từ vật chất tới tinh thần của con người, từ cái vô hình cho tới cái hữu hình, từ cái sờ mó được cho tới cái không nắm bắt được. Khi ý căn duyên với pháp trần nó sinh ra ý thức.
Sự giao tiếp giữa lục căn với lục trần phát sinh lục thức, nhà Phật gọi đây là 18 cảnh giới, nhưng chúng chỉ là tâm cảnh (thuộc về tư tưởng cá nhân) và chịu chi phối của quy luật: sinh, trụ, dị, diệt (sinh ra, tồn tại, biến đổi, diệt vong) do vậy chúng là vô thường (không chắc chắn, luôn thay đổi, không trường tồn), là hư ảo tạm bợ (không có thật).
Lục căn do đâu mà có?
Lục căn do sắc (thân xác) con người sinh ra, chúng nương tựa vào sắc để tồn tại.
Con người có hai phần: danh và sắc.
Sắc do bốn đại tạo thành, đó là: địa đại, thủy đại, phong đại và hỏa đại.
-Địa đại là những thứ sờ mó, nắm bắt được như: da, thịt, xương, lông, móng…
-Thủy đại là chất lỏng như: máu, nước, mồ hôi...
-Phong đại là gió, không khí chúng ta hít thở hằng ngày.
-Hỏa đại là nhiệt lượng, hơi ấm.
Con người từ khi sinh ra cho đến khi lìa đời phải lấy bốn đại này để hình thành và tồn tại. Chúng ta ăn cơm, rau, thịt, cá, uống nước… thức ăn vào người sẽ chuyển hóa thành da, xương, thịt, máu, nhiệt lượng và ta hít thở không khí thông qua hai lỗ mũi. Khi ta còn sống, bốn đại này cấu kết một cách bền chắc và chúng chỉ có thể tăng hay giảm chứ không được thiếu một đại nào.
Danh là những thứ không sờ mó nắm bắt được, chúng chỉ có danh nên gọi là danh, đó là: thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn. Các uẩn này chúng thuộc về tâm. Tâm này từ sắc thân mà có, tức là từ lục căn tiếp xúc với lục trần mà sinh ra. Con người sinh ra và tồn tại được là do ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) duyên lại với nhau, còn duyên thì tụ (sống) mà hết duyên thì tán (chết).
Ở phương diện thứ nhất này, trong lục thức thì ý thức con người là chủ thể, con người có nhận biết được sự vật hiện tượng bên ngoài là do ý thức, ý thức có thể nhận thức trực tiếp, nhận thức có suy tính hay nhận thức sai lạc, chúng nhận biết, lưu giữ, cảm nhận được thức của năm căn khi tiếp súc với năm trần. Thức là vọng tâm do tâm vọng động mà sinh ra, thức là do vọng tâm mà có, do đó nhà Phật nói thức là duyên sinh như huyễn.
Từ xưa cho đến nay, vẫn tồn tại một quan niệm sai lầm cho rằng, ý thức là linh hồn chảy theo dòng tương tục, tạo thành một bản thể trường tồn bất biến của mỗi chúng sinh. Một lần, để kiểm tra tri kiến, Đức Phật hỏi đệ tử Sàti, con một người đánh cá, xem ông ta hiểu về thức như thế nào, Sàti trả lời: “Là kết quả của những hành động thiện, ác” (Sàti cho rằng thức là linh hồn bất tử luân chuyển trong sáu cõi, bắt nguồn từ quả của nhân thiện hay bất thiện), Phật liền quở trách ông ta: “Này kẻ ngu si kia, ngươi đã nghe ta giảng kiểu ấy cho ai vậy? Há ta đã không nhiều phen giải thích rằng do các duyên, thức sinh khởi, không có các duyên thì không có thức sinh khởi hay sao? Này kẻ ngu si kia, ông không chỉ xuyên tạc ta vì chấp thủ sai lạc, mà còn tự làm hại mình và tạo nhiều điều tổn đức đưa đến bất hạnh lâu dài!”.
Rồi Ngài giảng giải chi tiết: “Thức được gọi tên tùy thuộc vào điều kiện do đấy nó phát sinh: do duyên con mắt với sắc mà thức sinh thì gọi là nhãn thức, do duyên tai với tiếng mà thức sinh thì gọi là nhĩ thức, do duyên mũi với mùi hương mà thức sinh thì gọi là tỷ thức, do duyên lưỡi với vị mà thức sinh thì gọi là thiệt thức, do duyên thân với xúc mà thức sinh thì gọi là thân thức, do duyên ý với pháp trần mà thức sinh thì gọi là ý thức”. (Theo Ái tận đại kinh)
Vậy, khi một người chết đi còn có thức nào tồn tại hay không? Liệu cái ý thức tổng hòa của các thức để nhận biết, phân biệt tỷ như: đây là nhà của ta, đây là vợ hay chồng của ta, đây là con cháu nối dõi, đây là tiền bạc, tài sản của ta… Thức mà ta gán cho cái mác là linh hồn này có tồn tại hay không?
Câu trả lời là: không thể tồn tại! Vì theo quy luật tự nhiên các pháp thế gian sinh ra trong trùng trùng duyên khởi, trong vạn vật không có vật nào tự thân mà thành và cũng không có vật nào tồn tại được một cách độc lập, nó theo nguyên tắc: có cái này thì có cái kia, không có cái này thì không có cái kia, ví dụ: có cái bàn thì có lọ hoa đặt trên cái bàn, không có cái bàn thì chẳng có lọ hoa nào trên ấy cả… Có sinh ắt có diệt, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt.
Do có thân xác (sắc) sinh ra thì lục căn sinh ra, lục căn duyên với lục trần sinh ra lục thức, khi thân xác diệt thì lục căn diệt, khi lục căn diệt thì lục trần diệt, khi lục trần diệt thì lục thức diệt. Vì vậy, không thể có một thức nào tỷ như nhãn thức (mắt) hay nhĩ thức (tai)… còn trôi nổi trong hư không khi con người ta thân hoại mạng chung. Cũng vậy, cái ý thức mà ta lầm tưởng là linh hồn để nhận biết, phân biệt được: đây là nhà của ta, đây là vợ chồng ta, đây là con cháu ta, đây là tiền bạc, tài sản của ta… ấy cũng diệt vong khi xác thân tịch diệt.

Phương diện thứ hai
Con người có ba tánh, đó là: tánh biết, tánh nghe và tánh thấy.
Trước hết là tánh thấy. Nhờ mắt (nhãn căn) chúng ta thấy được đây là ngôi nhà, kia là xe cộ… chúng ta thấy được các màu sắc: xanh, đỏ, tím, vàng… chúng ta thấy được vật ở gần như bàn tay, thấy được vật ở xa tít như các hành tinh trong đêm tối khi chúng phát ra ánh sáng. Nhờ lớp da (thân căn) chúng ta cảm nhận được nóng, lạnh hay mát mẻ của bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Do tánh thấy này khi duyên với các pháp trần mà tâm ta sinh vui mừng, hoan hỷ hay u sầu, ủ dột.
Thứ hai là tánh nghe. Tánh nghe này của tai (nhĩ căn), chúng ta nghe được âm thanh, tiếng động ở gần hay ở không quá xa, những âm thanh tiếng động này làm cho ta thích thú hay khó chịu, như tiếng diều tiếng sáo vi vút làm ta cảm thấy vui tai còn tiếng quai búa chát chúa của lò rèn thì ta chẳng thích thú gì...
Thứ ba là tánh biết. Tánh biết này của ý thức. Vì có sáu căn, sáu trần, sáu thức mới có cái biết của sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Chúng có thuộc tính nhận biết mọi sự vật hiện tượng đã và đang xảy ra rồi đem lưu lại trong những ngăn thuộc ký ức. Chúng ta biết được, cảm nhận được vật này khác với vật kia (tâm so sánh), màu sắc này đẹp hơn màu sắc nọ (tâm phân biệt) hay chỉ là trạng thái tâm lý chủ quan như người nào yêu ta, người nào ghét ta (tâm chia chẻ)… Cũng từ tánh biết này kết hợp với nhận thức khách quan của tâm ý kèm theo vọng tưởng sinh ra cảm thọ, chính vì vậy mà nó làm cho ta có lúc vui sướng, hạnh phúc (lạc thọ), có lúc buồn bã, đau khổ (khổ thọ) hay cứ u u mê mê, không vui không buồn (bất khổ bất lạc thọ). Những trạng thái của tâm vọng động này cứ đeo đẳng ta như hình với bóng trong suốt cuộc đời.
Xưa Đức Phật dạy rằng: “Tánh biết, tánh nghe, tánh thấy này không phải là ta, không phải của ta và cũng không phải bản ngã của ta”, vì tánh biết, tánh nghe, tánh thấy này chỉ là do tâm vọng động, nó như mộng, như huyễn, nó là các pháp hữu vi (bất cứ cái gì cũng đều là pháp hữu vi như: đi đứng, ăn mặc, đất, nước, gió, lửa, thọ, tưởng, hành, thức…) cho nên nó là vô thường, chịu sự hoại diệt của quy luật: thường, trụ, hoại, không.
Tánh thấy, tánh nghe, tánh biết này nương tựa vào lục căn do thân xác sinh ra, cho nên khi thân xác diệt, lục căn diệt thì tánh thấy, tánh nghe, tánh biết cũng diệt theo. Do vậy, không có một người nào khi thân hoại mạng chung mà vẫn còn lại một hay cả ba tánh huyền ảo (phi vật chất) này duyên lại với nhau, tạo thành cái gọi là linh hồn lang thang trong cảnh giới hư vô chờ đi đầu thai cả.

Phương diện thứ ba
Con người có ngũ uẩn gồm: sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn.
Như đã nói ở trên, sắc uẩn do bốn đại là: địa đại, hỏa đại, thủy đại, phong đại tạo thành. Chúng ta đang sống là do bốn đại duyên lại với nhau một cách bền chắc, nhưng đến một thời điểm nào đó theo quy luật tự nhiên chúng phải tan rã vì bản chất thực của con người là sinh, lão, bệnh, tử (sinh ra, già lão, bệnh tật và chết). Vì thế, chúng là vô thường (sinh, diệt trong từng giây), là vô ngã (không có cái ta riêng biệt), là khổ đau (hợp, tan). Nhà Phật gọi “có tụ có tán” là vậy.
Mọi tâm trạng vui, buồn hay không vui không buồn là thọ uẩn. Vì sao chúng ta lại có tâm trạng như vậy? Vì các căn của ta duyên với pháp trần, từ đó nảy sinh cảm thọ, cảm thọ này làm tâm thức ta lãnh hội được sự đau khổ hay vui sướng. Ví dụ: ta quan hệ làm ăn hay tình cảm với bạn bè, có người mang lại cho ta niềm vui nhưng có người đem đến cho ta nỗi buồn, hay như khi trời mát mẻ làm ta khoan khoái, trời nóng bức làm ta bực bội, hoặc khi nhìn thấy cái đẹp thì tâm ưa thích, nhìn thấy cái xấu thì sinh tâm sân hận… Cảm thọ đưa đẩy con người ta đến chỗ ái ngã (yêu bản thân mình) rồi sinh lòng tham đắm các pháp trần của thế gian như: địa vị, tiền bạc, dâm dục, ăn uống...
Tưởng uẩn là sự tưởng tượng. Đầu óc chúng ta luôn luôn quay cuồng với vọng tưởng, lúc thì chúng ta nghĩ về quá khứ, lúc thì chúng ta nghĩ về tương lai, lúc khác lại vẩn vơ ở hiện tại, mọi pháp trần cứ quay cuồng liên miên trong đầu khi ta thức, tới khi nằm ngủ chúng ta lại mộng mị, sảng mê. Do đấy, Đức Phật nói chúng ta có cái “tâm như làn gió, ý như vó ngựa”, nó luôn luôn lồng lộn như ngựa bất kham, không lúc nào vắng lặng.
Những suy nghĩ, tính toán của ý dẫn đến lời nói và hành động của thân là hành uẩn. Hành uẩn sẽ dẫn ta đến những suy nghĩ, lời nói, việc làm thiện hay bất thiện, từ cái thiện hay bất thiện này sẽ cho ta nhân thiện hay nhân ác, từ đó nó tạo thành nghiệp thiện hay nghiệp ác cho mỗi cá nhân và mỗi cá nhân ấy sẽ phải thọ nhận quả vị là khổ đau hay vui sướng ngay trong thời hiện tại và trong cả tương lai.
Thức uẩn là cái ý thức phân biệt đúng sai, to nhỏ, đẹp xấu, dài ngắn, nóng lạnh… Từ cái thức này mà đưa đẩy chúng sinh đắm đuối mọi dục lạc thế gian, từ đó phải chịu vô lượng, vô biên kiếp trôi lăn trong luân hồi sinh tử. Xưa kia, Đức Phật thường nhắc nhở các đệ tử là: “Đứng trước cảnh trần các con đừng mang tâm phân biệt chia chẻ, nếu mang tâm phân biệt chia chẻ thì ngay liền đó sát, đạo, dâm, vọng theo liền”. Ta thấy, có những án mạng chỉ vì kẻ này cho kẻ kia là “nhìn đểu” (sân tâm), khi đối cảnh thấy trai xinh, gái đẹp lòng dâm dục của chúng ta bùng phát (si tâm), hay thấy tiền bạc trong kho đụn nhà nước ta nảy sinh lòng trộm cắp (tham tâm)…
Sắc uẩn bị chi phối của quy luật sinh, lão, bệnh, tử thì thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn phải chịu sự chi phối của quy luật sinh, trụ, dị, diệt hay thành, trụ, hoại, không. Cái gì có sinh tất có diệt, từ những pháp nhỏ bé như hạt bụi, cho ngay đến cả thứ to lớn như vũ trụ này.
Thọ, tưởng, hành, thức uẩn cũng giống như sắc uẩn, chúng không phải là thường hằng bất biến, chúng cũng có lúc khởi lên rồi có lúc diệt vong. Ngay lúc này đây chúng ta có niềm vui, nhưng chỉ vui được một khoảng thời gian nhất định, những tâm trạng buồn hay không vui không buồn sẽ lại thế chỗ, rồi những suy nghĩ tính toán, những tâm phân biệt, những tâm yêu, gét, sợ hãi… cứ khởi lên rồi diệt, cứ khởi lên rồi diệt liên miên trong cuộc đời của mỗi chúng ta.
Trong kinh A-Hàm, các Tỷ kheo hỏi Phật: “Bạch Thế Tôn! có sắc nào hằng còn không biến đổi, tồn tại mãi ở đời mà không di động chăng? Có thọ, tưởng, hành, thức uẩn nào hằng còn không biến đổi, tồn tại mãi ở đời mà không di động chăng?”.
Thế Tôn trả lời: “Này các Tỷ kheo! Không có sắc nào hằng còn tồn tại mãi ở đời mà không biến đổi, lại không có thọ, tưởng, hành, thức uẩn nào hằng còn mãi ở đời mà không biến đổi”.
“Này các Tỷ kheo! Nếu lại có thức này hằng còn mãi ở đời mà không biến đổi, thì người tu phạm hạnh chẳng thể phân biệt được thiện ác và chẳng thể dứt hết gốc khổ”.
Thọ, tưởng, hành, thức uẩn phải nương tựa vào sắc uẩn mà khởi sinh, chúng có mối tương liên kiên cố khi sắc uẩn còn tồn tại, nhưng khi sắc uẩn diệt, thân tứ đại tan rã thì thọ, tưởng, hành, thức uẩn cũng phải tan rã, diệt vong theo. Vì vậy, không thể chỉ có sắc uẩn tan rã, còn thọ, tưởng, hành, thức uẩn vẫn còn tồn tại trong cõi hư vô hay chúng biến đổi thành linh hồn của mỗi chúng sinh.

Phương diện thứ tư
Luật nhân quả của tự nhiên vốn để điều chỉnh hành vi của con người và vạn vật, nó bao trùm, chi phối mọi sự vật, hiện tượng, không có một thực thể nào thoát khỏi định luật này. Dân gian ta thường nói “Đời cha ăn mặn đời con khát nước”, “Ở hiền gặp lành”, “Gieo gió gặt bão”… là nói về luật nhân quả.
Nếu ta cho rằng có linh hồn bất tử, thì cái linh hồn bất tử ấy nằm ngoài và không chịu sự chi phối của luật nhân quả. Vậy thì, một ông vua mãi mãi làm vua, còn kẻ ăn mày mãi mãi làm kẻ ăn mày, một kẻ có tâm ác chuyên làm việc ác chẳng cần gì hướng thiện, hướng thiện mà làm gì khi linh hồn là bất tử, không phải chịu sự chi phối, khống chế, trừng phạt của luật nhân quả!
Liên hệ ngay trong xã hội chúng ta đang sống đây mà thiếu đi luật pháp chế tài, thì chắc chắn dẫn đến hỗn loạn, cái ác sẽ hoành hành trong khi cái thiện đứng nhìn bất lực… Chúng ta vừa muốn có luật nhân quả, vừa muốn có linh hồn thường hằng, bất biến thì điều đó không thể có được.
Nhà Phật không chấp nhận quan điểm có hai con người, một con người vật chất và một con người linh hồn nhập vào nhau trong một con người, khi con người này chết đi là chỉ chết phần xác thịt, còn linh hồn bong tách ra đi tìm một thân xác khác nhập vào để tái sinh.
Đứng về mặt đạo đức, nếu thực có linh hồn bất tử thì cực kỳ nguy hại cho thế giới con người nói riêng và các loài khác, vạn vật khác trong vũ trụ nói chung.
Ví dụ: Một kẻ ác như Adolf Hitler. Khi sống, y có chủ thuyết “dân tộc thượng đẳng”, vì chủ thuyết này mà hàng trăm ngàn người Do Thái đã phải chết trong các trại tập chung, cả nhân loại chao đảo lao vào cuộc thế chiến II với bao thảm khốc, cuối cùng Hitler đã phải tự vẫn trong nhục nhã. Nếu mà có linh hồn bất tử, thì với lòng sân hận, với sự căm thù con người, linh hồn Hitler sẽ cấu kết với những linh hồn ác khác (thiếu gì linh hồn ác nếu như có linh hồn), chúng bắt tay nhau tái sinh, thì có lẽ loài người đi đến bờ vực diệt vong. Liệu chúng ta có vui sướng gì khi tồn tại ở cảnh giới linh hồn, nhìn lên thấy con cháu ta bị tàn sát!
Nhưng không! Thế giới ngày nay phát triển, con người ngày càng nhân ái hơn là do luật nhân quả, những kẻ độc tài với những chủ thuyết đưa nhân loại đến chỗ tàn sát nhau trong cảnh nồi da xáo thịt sẽ phải chịu sự trừng phạt đau khổ ở địa ngục trong nhiều đại kiếp. Đức Phật nói “con người sinh ra từ nhân quả, sống bằng nhân quả, chết trở về nhân quả” chứ không thể có một linh hồn bất tử, một cảnh giới hư vô cho linh hồn trường tồn bất biến.
Con người ta chỉ vì ái ngã (yêu bản thân mình), thèm muốn những ái dục của thế gian, luyến tiếc những danh vọng địa vị, những tiền bạc vật chất, những sắc đẹp dâm dục,… cho nên mới lấy thức làm linh hồn mà không biết rằng những thứ ái dục kể trên chúng phải chịu sự chi phối của quy luật sinh, trụ, dị, diệt, có đấy mà mất đấy, chúng chỉ là vô thường, tạm bợ, hư ảo, càng đắm nhiễm vào chúng càng dẫn đến khổ đau trong luân hồi sinh tử muôn đời muôn kiếp.
Tóm lại, dựa vào bốn dữ kiện trên, Đức Phật chứng minh cho ta thấy một điều: không hề có linh hồn bất tử, khi sống ta nhận các thức làm linh hồn của ta, khi ta thân hoại mạng chung các thức hay linh hồn này cũng bị tuyệt diệt.
Đến đây có người sẽ hoài nghi cho rằng Phật giáo chủ trương giống như chủ nghĩa duy vật?
Không! Phật giáo chỉ gần với chủ nghĩa duy vật chứ không phải là chủ nghĩa duy vật. Phật giáo là môn khoa học của tâm linh.
Vì sự hiểu biết của con người thường cực đoan, dính mắc vào tà kiến cho nên bi kịch là chúng ta rơi vào thường kiến trong tà kiến. Thường kiến có hai loại: chấp thường và chấp đoạn.
-Chấp thường là chúng ta cho rằng có Ngọc hoàng thượng đế, có Chúa trời, có linh hồn trường tồn sau khi chết…
-Chấp đoạn là chúng ta cho rằng sau khi chết là hết, không còn gì cả!
Đức Phật đã phủ nhận cái lý luận siêu hình và luận thuyết khô cằn cứng ngắc của cả hai cái chấp trên. Ngài chủ trương rằng, con người “Sinh ra từ nhân quả, sống bằng nhân quả, chết trở về nhân quả”, nhân quả tạo nghiệp, do đó nghiệp sẽ đưa con người ta đi tái sinh chứ không phải linh hồn.
Nghiệp hiện tại chỉ là con đẻ của nghiệp quá khứ và đến lượt nó lại là cha mẹ của nghiệp vị lai.

3. Nghiệp đưa con người đi tái sinh

Nghiệp bắt nguồn từ vô minh, vì vô minh khuấy đảo, tạo tác cho nên ta có những lời nói, hành động, suy nghĩ của thân, khẩu, ý làm nhân tạo điều kiện cho nghiệp tái sinh. Những nghiệp từ quá khứ là tiền đề cho kiếp sống hiện tại và rồi nghiệp hiện tại tương liên với nghiệp quá khứ tạo duyên cho đời sống trong tương lai. Nghiệp hiện tại chỉ là con đẻ của nghiệp quá khứ và đến lượt nó lại là cha mẹ của nghiệp vị lai.
Vậy, nghiệp từ đâu mà ra?
Đức Phật chỉ cho ta thấy nghiệp từ ba đường là: thân, khẩu, ý tạo tác mà ra.
Thân là những hành động, việc làm. Khẩu là lời nói. Ý là suy nghĩ tính toán.
Vì ý có sự suy nghĩ tính toán cho nên đưa đến những hành động, lời nói thiện hay bất thiện. Nếu ta khởi lên một ý nghĩ thiện thì ta được một nhân thiện, nếu ta khởi lên một ý nghĩ bất thiện thì ta được một nhân ác. Khi ta có một lời nói thiện thì ta có một nhân thiện, khi ta có một lời nói bất thiện thì ta có một nhân ác. Cũng vậy, khi ta có một hành động, việc làm thiện thì ta có một nhân thiện, ngược lại, ta có những hành động, việc làm bất thiện thì ta có một nhân ác.
Suốt trong đời một con người, những nhân thiện, ác này được tích lũy từng giây từng phút và được lưu lại trong tàng thức (hiểu nôm na tàng thức như chiếc hộp đen), để rồi khi ta lâm chung, rơi vào trạng thái của thân trung ấm (A đại la thức) nó sẽ sàng lọc cho ta một nghiệp thiện hay nghiệp ác. Cái nghiệp thiện hay ác này đi đầu thai trong lục đạo là: cõi thiên, thần (Atula), người, súc sinh, ngạ quỷ và địa ngục.
Có bốn loại nghiệp lực chi phối sự đầu thai của con người là: cực trọng nghiệp, tập quán nghiệp, cận tử nghiệp và tích lũy nghiệp.
a) Cực trọng nghiệp có hai loại thiện và bất thiện:
- Cực trọng nghiệp thiện là những người tu hành đắc quả vị A-la-hán trở lên, sau khi xả bỏ báo thân họ nhập vào niết bàn.
- Cực trọng nghiệp bất thiện là những kẻ mang tội ngũ nghịch và thập ác. Ngũ nghịch là: Làm Phật chảy máu (trường hợp này xảy ra với Đề bà đạt đa. Là anh em họ với Đức Phật Thích Ca, vì muốn chiếm tăng đoàn, Đề bà đạt đa đã xô tảng đá từ trên cao xuống, nhằm giết Đức Phật khi ngài đi khất thực trở về qua một hẻm núi, nhưng may mắn, chỉ có một mảnh đá nhỏ văng vào chân làm Ngài chảy máu), giết A-la-hán, giết cha, giết mẹ, phá hoại sự hòa hợp của tăng đoàn (những kẻ được thuê, mướn đội lốt tu sĩ chui vào tăng đoàn Phật giáo để truyền bá những giáo điều, tà kiến không phải của Đức Phật chủ trương, làm hoang mang tăng chúng tu tập). Thập ác là: Sát sinh (giết người, chuyên tâm giết những chúng sinh khác), trộm cắp (lấy của không cho), tà dâm (gian dâm phá vỡ gia đình người khác, tuy có vợ có chồng nhưng vẫn lăng loàn), nói dối (nói láo, nói không đúng sự thật), nói hai lưỡi (làm cho người khác thù ghét nhau), nói lời độc ác (gào, thét, chửi, mắng thô tục làm người khác sợ hãi, đau khổ), nói phù phiếm (nói xằng, nói bậy, nói thêu dệt), tham lam (muốn mọi thứ thuộc về mình), sân hận (thù địch, chống đối), si mê (mù quáng, giáo điều trong những tà thuyết, mê tín dị đoan). khi chết sẽ phải đọa vào địa ngục.
b) Tập quán nghiệp hay còn gọi là thường nghiệp, là những hành động của thân trở thành tập khí (thói quen, cá tính). Tập quán nghiệp thiện (người chuyên làm thiện) sẽ đưa con người ta khi chết vào cõi Thiên, thần (Atula) hay người. Ngược lại, tập quán nghiệp ác (chuyên làm những việc xấu ác) sẽ phải tái sinh trong những khổ cảnh như làm súc sinh hay ngạ quỷ.
c) Cận tử nghiệp. Nghiệp này rất quan trọng trong lúc lâm chung, nó chi phối việc tái sinh của con người. Nếu lúc hấp hối con người ta nhớ nghĩ tới những điều thiện, trong lòng thanh thản, yên vui… thì được thác sinh vào ba đường lành là: cõi thiên, thần, người. Còn ngược lại trong phút lâm chung vẫn còn mang lòng thù hận, uất ức, nối tiếc, tham lam, bỏn xẻn… thì sẽ phải vào ba đường ác là: súc sinh, ngạ quỷ hay địa ngục.
d) Tích lũy nghiệp là nơi tập hợp, chứ đựng các nghiệp từ nhiều kiếp, nghiệp này có công năng dẫn dắt con người đi tái sinh vào ba đường lành hay ba đường ác khi ba nghiệp kể trên không xuất hiện.
Trong cuộc đời mỗi người chúng ta, có nhiều thiện nghiệp và ác nghiệp lẫn lộn. Cho nên, khi ta thân hoại mạng chung, tập quán nghiệp nào mãnh liệt nhất sẽ trỗi dậy mãnh liệt trước khi ta nhắm mắt, nó là nhân tố quyết định nơi chốn đầu thai. Còn Cận tử nghiệp là nghiệp được tạo tác ngay trước lúc chết (trong tâm khởi lên niệm thiện hay bất thiện) lại là yếu tố quyết định cảnh giới thác thai. Vì vậy, chúng ta có điều kiện chuẩn bị về tâm lý để chọn lựa con đường tái sinh ngay trong đời sống hiện tại, nếu có khát vọng, Phật giáo sẽ chỉ giúp cho ta con đường, ta chỉ việc hành trì.
Dưới đây là tóm tắt câu chuyện Đức Phật chỉ dẫn cho con trai La-hầu-la suy xét mọi hành động về thân, khẩu, ý của mình:
“Sau khi tọa thiền xong, Đức Phật đi đến bên con, La-hầu-la kéo ghế mời Ngài ngồi, Ngài hỏi:
-Mục đích của cái gương là gì?
-Bạch Thế Tôn, mục đích là để phản tỉnh - La-hầu-la đáp.
Đức Phật dạy:
-Cũng như vậy, này La-hầu-la, trong khi chuẩn bị làm điều gì bằng thân, khẩu, ý, con phải quán chiếu: hành động này có gây tổn hại cho mình hoặc cho người khác không. Nếu, sau khi suy xét, con thấy rằng hành động đó sẽ có hại, thì con hãy đừng làm. Còn nếu con thấy rằng hành động đó có ích lợi cho con và cho người khác, thì con hãy làm”. (Kinh Giáo giới La-hầu-la)

Về sự tồn tại của thân trung ấm: Theo phật giáo Đại thừa chỉ tồn tại trong khoảng 49 ngày, Thần đạo Nhật Bản là 35 ngày, theo Luận tỳ bà sa tối đa là 7 ngày… thì phải đi đầu thai. Nhưng trong thực tế, có những thân trung ấm còn hiện hữu tới vài trăm năm...

4. Thân trung ấm

Sau khi chết, ta rơi vào trạng thái của thân trung ấm. Thần thức của người chết thoát ra khỏi xác và sẽ trụ lại ở cảnh giới trung gian này nên gọi là thân trung ấm, nhưng vì bỏ mất thân xác thịt cho nên thân trung ấm chỉ có trạng thái tư tưởng.
Có thể ví, thân trung ấm như là dư âm của tiếng ngân nga còn rớt lại trong thinh không sau tiếng chuông chùa, hay như một cách ví khác với một người học xong đại học đang chờ phân việc làm, có người thì đi làm ngay, có người chờ một hai năm hay lâu hơn vài ba năm… Trong quá trình thân trung ấm chờ đợi này, là để cho luật nhân quả sàng lọc từ trong mớ hỗn độn nhân thiện, ác chất chứa trong cả cuộc đời người chết ấy, tập hợp lại thành một cái nghiệp thiện hay nghiệp ác và cái nghiệp thiện hay ác này được nghiệp thức đưa đi đầu thai trong lục đạo.
Về sự tồn tại của thân trung ấm: Theo phật giáo Đại thừa chỉ tồn tại trong khoảng 49 ngày, Thần đạo Nhật Bản là 35 ngày, theo Luận tỳ bà sa tối đa là 7 ngày… thì phải đi đầu thai. Nhưng trong thực tế, có những thân trung ấm còn hiện hữu tới vài trăm năm, như trong câu truyện của nhà ngoại cảm, tiến sĩ tâm lý học Hans Holzer (Hoa Kỳ), trong cuốn “Life After Life” của ông do NXB Parker Publishing Co phát hành Năm 1985, kể lại như sau:
Trong giấc ngủ, cô sinh viên Y khoa Pamela luôn thấy xuất hiện một cô gái mặc áo đỏ cùng các trang phục khác như thời trung cổ, hàng ngày nỗi ám ảnh về cô gái mặc áo đỏ cứ đeo đẳng trong tâm chí, đến nỗi Pamela phải viết thư cầu cứu tiến sĩ tâm lý kiêm nhà ngoại cảm Hans Holzer. Hans Holzer đã dùng thuật thôi miên đưa Pamela trôi về tiềm thức và lúc này cô gái mặc áo đỏ xuất hiện, cô nói tên cô là Rutheven, người Scotland, cô mất khoảng năm 1600 lúc mới 20 tuổi, vì thân trung ấm của cô phiêu dạt sang tận Hoa Kỳ và rồi không biết cách quay trở về, cô “nhập” vào Pamela với ý định khi Pamela đi du lịch châu Âu, theo đó cô trở về quê nhà ở Scotland, để tìm lại chiếc nhẫn cẩm thạch bị mất của vị hôn thê tặng.
Để làm cuộc điều tra, Hans holzer đã lặn lội sang Scotland truy tìm nguồn gốc của Rutheven. Và quả đúng như vậy, Rutheven là ái nữ của bá tước Gowrie sống trong lâu đài Huntingtowe thuộc dòng họ Home (1566-1613), cô bị chết khi cố nhảy qua bờ hào của hai tháp canh lâu đài. Câu truyện trên còn được lưu giữ trong cuốn sử liệu “Lâu đài Huntingtowe”…
Người chết, khi tồn tại trong trạng thái thân trung ấm còn rớt lại ba tánh: tánh thấy, tánh nghe và tánh biết. Vì còn bám chấp cuộc sống cũ, vào cái bản ngã cũ mà thân trung ấm luôn luôn muốn được trở lại và giao tiếp với những người thân thích của mình.
Nhưng giờ đây, họ khác chúng ta ở chỗ: chúng ta còn công việc, còn giao lưu, giao tiếp, mọi tri thức thông qua các phương tiện nghe, nhìn, sách, báo… luôn được tiếp cận, do đó chúng ta luôn có nhận thức mới mẻ về thế giới khách quan. Còn họ không được như vậy, trong giai đoạn tồn tại trạng thái thân trung ấm thì ý thức để nhận biết thế giới quan của họ hầu như dừng lại, mọi nhận thức trước đó không thay đổi, họ chỉ còn mang thói quen, tập khí cũ mà không có sự khác biệt, họ vẫn hiển hiện bên chúng ta nhưng không thể giao tiếp được với chúng ta, nếu không nhờ ngoại cảm.
Nhiều người trong chúng ta lầm tưởng thân trung ấm có thần thông, có thể “đi mây về gió” hoặc “phù hộ độ trì” cho ta khi ta cầu xin, khấn vái... Nhưng không phải vậy! Vì những thân trung ấm này không như chúng sinh ở cõi thiên hay thần (Atula) di chuyển được bằng ý niệm, không bị chi phối bởi không gian và thời gian. Lấy ví dụ: chúng ta đang sinh sống ở trong Nam mà có cha hoặc mẹ mất trên đất Bắc, đến ngày giỗ, chúng ta làm cơm canh, đốt vàng mã, cúng bái mời gọi… Chắc chắn một điều, cha hay mẹ ta còn tồn tại trong trạng thái thân trung ấm sẽ không thể vào mà “thọ hưởng” với ta được.
Điều này hiển hiện rõ nhất ở những người chiến sĩ trận vong, các nhà ngoại cảm đi tìm hài cốt thì thấy họ, bao lâu nay vẫn lẩn khuất ở chỗ họ hy sinh, nơi thân xác họ bị thời gian vùi lấp, hoặc có người vì công việc đi xa, bị chết nơi đất khách quê người, họ cũng không tự trở về nhà được, phải nhờ tới những vị cao tăng đạt đạo cầu siêu, mới gọi được thân trung ấm của họ về. Hầu như các thân trung ấm đều bám víu vào tấm thân sinh học cho dù đã bị hủy hoại, họ ít chịu rời bỏ, trừ khi được cầu siêu.
Những trường hợp nào nhà ngoại cảm không tiếp xúc được với thân trung ấm, mời họ không lên tiếp chuyện là họ đã được nghiệp thức đưa đi đầu thai trong lục đạo, người thân nên vui mừng vì chuyện này, còn những thân trung ấm nào lên tiếp xúc, nói chuyện với nhà ngoại cảm là vấn đề đáng quan ngại…
Điều gì đã khiến những thân trung ấm ấy không đi đầu thai theo nghiệp thức? Có thể xảy ra ở mấy lý do sau:
-Họ tưởng mình chưa chết (thường xảy ra trong trường hợp chết bất đắc kỳ tử: chết trẻ, chết đột ngột vì bạo bệnh, chết vì tai nạn đắm thuyền, xe cán, hỏa hoạn…).
-Họ luyến tiếc cuộc sống không muốn xa rời những gì mình tạo dựng cả đời như: của cải, tài sản, nhà cửa, xe cộ…
-Luyến ái với vợ, con, cháu, chắt… (chết rồi mà dạ chưa yên).
-Còn lòng sân hận ai đó, điều gì đó… (chết không nhắm mắt).
-Còn công việc dở dang chưa hoàn tất trên dương thế.
-Khi sống cùng nhau, khi chết cũng cùng nhau (cộng nghiệp) thường gặp ở những người lính tử trận.
-Nhân duyên chưa hội tụ đủ để đưa đi đầu thai.
-Nghiệp thức chưa dẫn họ đi vì lý do nào đó…(?)
Không phải khi chết ai ai cũng phải rơi vào trạng thái thân trung ấm, có hai loại người khi chết không phải trải qua giai đoạn thân trung ấm, là người cực thiện và người cực ác.
Người cực thiện là những người tu hành đạt đến quả vị A-la-hán hay Phật, khi thân hoại mạng chung họ nhập ngay vào niết bàn, ở đó họ tồn tại trong trạng thái an lạc, hạnh phúc siêu thời gian - có thể hiểu niết bàn là trạng thái an lạc, hạnh phúc không dính mắc, người phàm phu cũng có hạnh phúc nhưng là thứ hạnh phúc dính mắc, chúng ta dính mắc vào gia đình, vợ con, danh vọng, tiền bạc, dâm dục, tham ăn, tham uống... - Còn người cực ác, khi sống họ làm những tội ngũ nghịch, thập ác, khi chết họ rơi ngay vào địa ngục, ở đó họ phải chịu thiêu đốt đau khổ trong nhiều đại kiếp (theo Phật giáo một đại kiếp có 1.334.240.000 năm).
... Cũng vì không có thế giới linh hồn nên nhà ngoại cảm chỉ có khả năng giao tiếp với các thân trung ấm và vì vậy, tất cả các nhà ngoại cảm đều nhầm tưởng thân trung ấm là linh hồn!

5. Nhà ngoại cảm với thân trung ấm

Ngoại cảm là khả năng đặc biệt của con người, những người có khả năng ngoại cảm họ có giác quan thứ sáu vượt trội hơn năm giác quan kia (thị giác, thính giác, khứu giác, xúc giác, vị giác), họ có những khả năng đặc biệt như: thần giao cách cảm, nhìn xuyên thấu, dự đoán tương lai, biết chuyện quá khứ, tác động sự vật bằng ý chí...
Nhưng những nhà ngoại cảm không tu hành thiền định, không chứng đắc các bậc thiền như: sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền… đến Diệt thọ tưởng định thiền như các vị Phật hay A-la-hán. Do vậy, họ không có khả năng giao tiếp với chúng sinh ở cõi thiên, thần, súc sinh, ngạ quỷ hay địa ngục. Cũng vì không có thế giới linh hồn nên nhà ngoại cảm chỉ có khả năng giao tiếp với các thân trung ấm và vì vậy, tất cả các nhà ngoại cảm đều nhầm tưởng thân trung ấm là linh hồn!
Bên cạnh những người có khả năng ngoại cảm thực sự (cực kỳ ít) thì đa phần là đội lốt ngoại cảm để trục danh, trục lợi. Họ công bố có thế giới linh hồn và cảnh giới linh hồn, họ lảm nhảm những điều trong tưởng uẩn, giả lời linh hồn người chết để lừa bịp những ai không có tri thức khoa học, thiếu kiến thức về Phật giáo chân chính. Tệ hơn nữa, một đằng họ khuyên con người ta sống theo giáo lý của Đức Phật, một đằng họ công bố có linh hồn - điều mà Đức Phật đã chối bỏ, phủ nhận - vậy họ là hạng người gì? Chúng ta cần cảnh giác.
Theo Phật giáo có trên 30 loại tưởng uẩn khác nhau như: vọng tưởng, sắc tưởng, mộng tưởng, định tưởng, tuệ tưởng, nhân điện tưởng, pháp tưởng,… Nguyên nhân những loại tưởng này xuất hiện:
Một là: do con người luôn sống trong tâm trạng ảo tưởng, trừu tượng, cộng với niềm tin tâm linh điên rồ, mù quáng nên tưởng uẩn hoạt động như những người hành nghề đồng cô đồng cốt, thầy phù thủy, thầy pháp cầu cơ cầu hồn… (những người này chắc chắn không thể có khả năng ngoại cảm để tiếp xúc với thân trung ấm, họ chỉ nói nhảm những điều trong tưởng uẩn của họ mà thôi).
Hai là: do bệnh tật, tai nạn, sét đánh, chó dại cắn… mà phát sinh tưởng uẩn, thường bắt gặp ở một số rất ít các nhà ngoại cảm. (Hiện nay, ở nước ta chưa có công trình mang tính khoa học, đánh giá hiện tượng ngoại cảm của những người này, nhưng khả năng phát sinh ngoại cảm ở họ là có thể. Tuy nhiên, mức độ chính xác khi tiếp xúc với thân trung ấm của họ không chắc chắn lắm và xác suất không cao, khi năng lực kích hoạt của tưởng uẩn yếu đi, thì khả năng ngoại cảm của họ cũng hết).
Ba là: dùng tưởng được huân tập như các nhà thôi miên, nhân điện, Yoga,… (những người này cũng không có khả năng ngoại cảm, họ chỉ làm được một số trò như: đâm vật nhọn qua người, đi trên than hồng, dịch chuyển đồ vật, nhịn thở, nhịn ăn uống trong một thời gian…).
Các loại tưởng uẩn trên không thuộc những nhà ngoại cảm có khả năng đặc biệt nhờ phát huy giác quan thứ sáu ví như nhà ngoại cảm, tiến sĩ tâm lý học Hans Holzer đã nói ở phần trên.
Người nào luôn sống trong mê tín dị đoan, ảo tưởng, tin rằng có thể bỏ tiền bạc, vật chất ra cầu cúng, hiến tế cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã qua đời hay thần (Táo quân, thần tài, thổ công, thổ địa…), thánh (Quan Công, Bà Chúa Kho, Chúa Liễu, Chúa Xứ…), Phật (Thích Ca, A Di Đà, Di Lặc,…), Bồ tát (Bồ Tát Quán Thế Âm, Thiên Thủ Thiên Nhãn, Địa Tạng…)… sẽ được “phù hộ độ trì”. Những kẻ mê muội này là “miếng mồi ngon” cho bọn ngoại cảm rởm lừa bịp.
Cầu siêu cho người chết là để cho nghiệp thức dẫn họ đi đầu thai trong lục đạo chứ không phải để họ siêu thoát về “Tây thiên”, “Thiên trúc”, “Tây phương cực lạc”… đây là những cảnh giới của chư Phật, chỉ khi sống ta tu hành tinh tấn thì mới mong nhập được vào cảnh giới của chư Phật, đấy là những cảnh giới vắng lặng, thuần khiết, thanh tịnh, an lạc… làm sao có thể chứa được những thân trung ấm đầy tham lam, sân hận, si mê, ngạo mạn, nghi ngờ, tà kiến... cho được!

6. Cách thức ứng xử với thân trung ấm

Như trên đã phân tích, không hề có linh hồn và cảnh giới cho linh hồn trú ngụ mà chỉ có thân trung ấm của những người đã chết chờ nghiệp thức dẫn đi đầu thai trong lục đạo, còn vì sao họ bám víu vào thân trung ấm mà chưa chịu đi đầu thai là nằm một trong những lý do như đã nêu ở phần trên.
Khi chúng ta thông qua nhà ngoại cảm (chân chính, thực sự có khả năng), tiếp xúc và nói chuyện được với những người thân đã khuất như: ông bà, cha mẹ, con cháu…, thì chớ vui mừng, quyến rũ họ bằng: quần áo, nhà cửa, xe cộ, tiền bạc… và những thứ mà khi họ còn ở thế gian mang tâm yêu thích trở thành thói quen, tập khí, rồi đem “cúng tiến” cho họ trong những ngày giỗ, tết. Tuy những vật dụng trên chỉ bằng giấy màu hay vàng mã và những thân trung ấm ấy không có thân vật chất xác thịt để mà thọ dụng, họ chỉ nhận lãnh qua sự khoái cảm của tưởng tượng, nhưng làm thế là chúng ta vô tình tiếp tay cho họ đắm say dục lạc thế gian, bám víu vào tưởng thức mà không chịu để nghiệp thức dẫn đi đầu thai vào một trong những con đường tương ưng với nghiệp của họ khi sống họ đã tạo tác, điều này làm thiệt thòi và cản trở họ trong quá trình tái sinh trở lại làm người.
Cũng thông qua ngoại cảm mà ta biết người thân của mình chưa siêu thoát, còn luyến tiếc trần gian mà không theo nghiệp thức dẫn đi đầu thai trong sáu nẻo, thì tốt nhất, thân chủ nên nhờ những vị cao tăng đạt đạo cầu siêu cho những thân trung ấm ấy, phải nói thẳng với họ rằng họ đã chết, mọi dục vọng của họ chỉ là phù du, phù phiếm, giả tạo, vô thường, đừng bám chấp vào nó mà thiệt thòi trong tiến trình tái sinh. Nếu cần thì dùng bài vị, hướng họ tới một cảnh chùa nào đấy, vì ở chùa thường có sự tụng kinh niệm Phật, thuyết pháp, hồi hướng công đức, dần dần các thân trung ấm tỉnh ngộ ra mà để cho nghiệp thức dẫn vào lục đạo.
Chúng ta, những người đang sống cũng phải hiểu rằng: cầu siêu cho người chết là để cho nghiệp thức dẫn họ đi đầu thai trong lục đạo chứ không phải để họ siêu thoát về “Tây thiên”, “Thiên trúc”, “Tây phương cực lạc”… đây là những cảnh giới của chư Phật, chỉ khi sống ta tu hành tinh tấn thì mới mong nhập được vào cảnh giới của chư Phật, đấy là những cảnh giới vắng lặng, thuần khiết, thanh tịnh, an lạc… làm sao có thể chứa được những thân trung ấm đầy tham lam, sân hận, si mê, ngạo mạn, nghi ngờ, tà kiến... cho được!
Trong sáu nẻo luân hồi chỉ có cõi người và cõi súc sinh là có tấm thân vật chất, còn cõi thiên, thần (Atula), ngạ quỷ, địa ngục chỉ là trạng thái tư tưởng, chúng chỉ khác nhau là ở trạng thái vui sướng hay đau khổ, thời gian tồn tại lâu hay mau và cuối cùng đều phải quay về tái sinh ở cõi người. Cõi người là ưu việt nhất vì vừa có tấm thân xác thịt vừa có trí tuệ để thiền quán nhằm liễu thoát khỏi luân hồi sinh tử.

7. Sáu nẻo luân hồi

Với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhiên không cấu nhiễm quán theo khắp cùng vũ trụ, Đức Phật thấy có 6 đường (lục đạo) đưa con người ta thác sanh sau khi chết, đó là: Cõi thiên, cõi thần (Atula), người, súc sanh, ngạ quỷ và địa ngục. Cũng tùy mỗi người khi sống tạo nhiều nghiệp thiện hay bất thiện mà họ được hưởng hay phải chịu quả báo vào một trong sáu nẻo này.
-Những người ở cõi thiên được mô tả trong các bản kinh là thân thể họ luôn chói sáng, biến ra nhiều hình thù theo ý muốn (chúng ta lưu ý: khi con người ta còn tái sinh trong cõi người thì không phải chúng ta chỉ có một hình thù nhất định, mà theo nghiệp lực, mỗi kiếp chúng ta lại có một hình thể khác nhau, có thể kiếp trước ta cao to, kiếp này lại thấp bé, trước đen, nay trắng, là nam hay là nữ… do vậy, những người ở cõi thiên biến hình được là chuyện dễ hiểu). Họ di chuyển trong không gian bằng ý niệm và hưởng quả vị an lạc theo sở đắc của mình mà không cần đồ ăn thức uống. Họ có tuổi thọ cao nhất là 84.000 đại kiếp (một đại kiếp có 1.334.240.000 năm) sau đó họ phải tái sinh trở lại làm người (cõi dục giới).
-Người ở cõi thần (Atula) cũng là những người có tâm thiện như người ở cõi thiên, nhưng trong họ hay giận dữ và vẫn còn lòng sân chưa gột rửa hết (trong kinh Bổn Sanh chuyện tiền thân của Đức Phật nhắc lại, có thời kỳ Phật là Phạm Thiên ngự ở cõi trời vô sắc giới, chỉ vì ghen tức, mà những người ở cõi thần kéo lên gây sự, tuyên chiến với người cõi thiên…). Tuổi thọ của người cõi thần ngắn hơn ở cõi thiên rất nhiều, sau đó họ cũng phải tái sinh vào dục giới trở lại làm người.
Muốn nhập vào cõi thiên hay thần sau khi chết thì khi sống thân, khẩu, ý của ta phải giữ được thập giới (10 giới).
Thân: không được sát sanh, trộm cắp, tà dâm.
Khẩu: không được nói dối, nói lời hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm.
Ý: không được tham, sân, si.
Riêng muốn vào được cõi thiên (có 16 cõi sắc giới và 4 cõi vô sắc giới) còn phải chứng đắc các tầng thiền: sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, thiền Vô sở hữu xứ, thiền Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
-Tái sinh lại làm người (dục giới). Cõi người như chúng ta đã biết, hạnh phúc cũng lắm mà khổ đau cũng nhiều, chúng ta muốn tồn tại được là nhờ các nhu cầu: ăn, uống, hít thở… Nhưng ở cõi người có tính ưu việt hơn hai cõi thiên và thần vì chúng ta có trí tuệ và tấm thân sinh học, nhờ tấm thân xác thịt này cùng với trí tuệ mà ta có thể thực hiện thiền định, gột rửa chân tâm, chứng đắc tầng thiền cao nhất là Diệt thọ tưởng định để liễu thoát khỏi luân hồi sinh tử, Đức Phật cũng nhập niết bàn sau khi từ bỏ xác thân ở cõi người. Tuổi thọ ở cõi người ngắn ngủi, có thể ví như “bóng câu qua cửa sổ” vậy…
Muốn được trở lại làm người ở kiếp sau thì kiếp này ta phải giữ cho được 5 giới bồ tát đạo, đó là: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu và không được mưu sinh bằng sáu nghề sau: buôn bán người, buôn bán vũ khí, bán thịt sống hay chín, bán rượu và các chất gây nghiện, lên rừng săn bắn thú vật, chài lưới cá tôm ngoài sông, biển. Ngoài ra còn phải chịu khó làm phước bố thí, trau dồi học hỏi tri thức, sống nhân ái thì mới mong kiếp sau giàu sang, hạnh phúc, trí tuệ.
Đối với nhà Phật, một người giàu có muốn làm phước bố thí rất dễ, dễ mà không làm là tự hại, một người nghèo muốn làm phước bố thí rất khó, khó mà làm được thì sẽ nhận quả báu lớn. Cho nên, có kẻ kiếp này làm vua nhưng có thể kiếp sau tay gậy, vai bị đi ăn mày, có kẻ kiếp này là ăn mày nhưng kiếp sau sinh ra làm hoàng tử… tất cả là do hạnh nhẫn nhục, trì giới và phước bố thí của mỗi chúng sinh.
Cõi thiên, cõi thần, cõi người Đức Phật gọi đó là ba đường lành, Ngài khuyên chúng ta khi sống phải trau dồi nhân tâm: thân, khẩu, ý, để đến khi thân hoại mạng chung mới mong có cơ may vào được… Còn ba đường dưới đây, Đức Phật gọi là ba đường dữ:
-Súc sinh. Chúng sinh ở cõi súc sinh cũng có tấm thân sinh vật như cõi người nhưng họ đần độn không có tư duy, trí tuệ. Tuy vậy, họ vẫn có chút tình cảm trong giống, loài với nhau cho nên Đức Phật gọi họ là chúng sinh hữu tình, vì không có tư duy, trí tuệ nên cuộc sống mưu sinh rất vất vả. Trong cõi này, kẻ mạnh hiếp kẻ yếu, không có sự thông cảm, yêu thương, loài này lấy loài khác làm thức ăn hoặc làm thức ăn cho con người, nên tuổi thọ nhiều khi không ở nghiệp mà do kẻ khác quyết định (nhà Phật khuyên chúng ta không sát sanh vì có thể chúng ta giết nhầm và ăn thịt những người thân trong tiền kiếp).
Những người phải đọa vào cõi súc sinh là: khi sống họ lừa thầy phản bạn, lăng loàn dâm đãng, dửng dưng vô cảm trước đau khổ của người khác… Sau một thời gian thọ nạn ở cõi súc sinh, theo nghiệp lực, họ cũng được tái sinh trở lại làm người.
-Ngạ quỷ. Khi sống tham lam, bỏn sẻn, ích kỷ chỉ lo nghĩ bản thân mình mà nhắm mắt quay lưng với tai họa của các chúng sinh thì kẻ đó dễ rơi vào đường ngạ quỷ sau khi chết - ngạ quỷ được mô tả có cái đầu to, miệng rộng, bụng lớn nhưng cổ lại bé như cây kim, ngọn cỏ - đấy là mô tả tưởng tượng của dân gian, chứ kì thực những chúng sinh ngạ quỷ luôn sống trong trạng thái đói khát, ưa thèm dục lạc thế gian, vì không có thân xác thịt để thỏa mãn nên trong họ luôn cháy bỏng khát khao những thèm muốn mà họ không có được. Họ cũng tái sinh lại làm người sau khi hết quả báo.
-Địa ngục: Là nơi chốn đau khổ dành cho hạng người làm những việc ngũ nghịch, thập ác. Trong dân gian vẽ ra những cảnh địa ngục rùng rợn, ghê gớm là có ý cảnh tỉnh chúng ta đừng làm việc ác, chứ những cảnh trừng phạt như: xẻo thịt, lột da, chặt tay chân, bỏ vạc dầu… chỉ xảy ra trên trần gian thời phong kiến xa xưa mà thôi.
Những người rơi vào địa ngục tâm thức họ phải chịu lửa cực hình dằn vặt, đau khổ mà những tội ác họ gây ra cho loài người và chúng sinh trong rất nhiều đại kiếp, chỉ khi nào họ thật lòng ăn năn, hối hận, cầu mong được chuộc tội, bởi những việc làm gây đau khổ cho người khác, chúng sinh khác thì mới mong thoát khỏi trạng thái này.
Câu chuyện sau ví dụ về một người thoát khỏi địa ngục: Có một anh chàng khi sống làm nhiều chuyện thất đức, khi chết anh ta bị đày xuống địa ngục với nhiều hình phạt đau khổ, anh ta hỏi viên phán quan khi nào mới thoát khỏi cảnh đau đớn này, phán quan trả lời: chỉ khi nào có kẻ mang tội ác như anh ta hay hơn nữa đến thế chỗ thì anh ta mới có cơ hội thoát khỏi, ngay lập tức anh ta chắp tay quỳ xuống với cảm xúc đau đớn bi mẫn trong tâm thức, cầu mong tất cả những người trên trần gian đừng ai phạm tội lỗi như anh và anh ta xin chịu tội thay cho tất cả mọi người. Kỳ lạ thay, ngay lập tức anh ta thấy mát mẻ, sảng khoái… do thoát khỏi địa ngục lúc nào mà không hay.
Tuy chỉ là câu chuyện giả tưởng nhưng nói lên một điều: khi ta rơi vào địa ngục, ta cũng phải tuyệt đối giác ngộ được những hành vi tội lỗi của mình thì mới mong có ngày thoát khỏi để tái sinh trở lại làm người.
Tóm lại, sáu nẻo luân hồi trên, chỉ có cõi người và cõi súc sinh là có tấm thân vật chất, còn cõi thiên, thần, ngạ quỷ, địa ngục chỉ là trạng thái tư tưởng, chúng chỉ khác nhau là ở trạng thái vui sướng hay đau khổ, thời gian tồn tại lâu hay mau và cuối cùng đều phải quay về tái sinh ở cõi người, cõi người là ưu việt nhất vì vừa có tấm thân xác thịt vừa có trí tuệ để thiền quán nhằm liễu thoát khỏi luân hồi sinh tử.
Với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhiên, Đức Phật quan sát thấy những nghiệp thức phải đọa vào ba đường dữ rất nhiều, nhiều như lông bò, còn những nghiệp thức được siêu thoát lên ba đường lành rất ít, ít như sừng bò. Vì vậy, Ngài khuyên chúng ta khi sống gắng gột rửa chân tâm cho thanh tịnh, luôn luôn có ý nghĩ, lời nói, việc làm lương thiện, mới mong có cơ may vào ba đường lành khi thân hoại mạng chung.
Chúng ta nên biết: những đứa con trai hay gái do chúng ta sinh ra, chúng chỉ là con cái ta trên danh nghĩa, chúng có nghiệp riêng, nhân quả riêng của chúng, chúng ta chỉ có một đứa con duy nhất, đích thực đó là nghiệp của chúng ta, cho nên Đức Phật nói: “Chúng ta là chủ của nghiệp, sinh ra nghiệp và chúng ta cũng là đứa con thừa tự của nghiệp”.

8. Được thân người khó…

Một nghiệp thức muốn tái sinh trở lại làm người phải tìm cơ hội ở một đôi nam nữ nào đó (cha mẹ trong tương lai) có hoạt động giao cấu, người nữ đang trong những ngày có thể thụ thai và một điều tối quan trọng là nghiệp thức đó phải có đủ nhân duyên tương ưng với cha mẹ tương lai của mình. Cho nên ta thấy nhiều trường hợp xảy thai, bong thai, xổ thai, thai lưu, chết non… là do các nghiệp thức ấy không có đủ nhân duyên để tương ưng với cha mẹ tương lai. Do vậy, chúng phải tự đào thải, đi tìm cơ hội khác.
Ngay khi tinh trùng của người nam xâm nhập vào trứng của người nữ thì ngay lập tức nghiệp thức cũng gá vào đó mà tái sinh, lúc này thân trung ấm tan biến và sự sống mới bắt đầu hình thành ở bào thai, bản ngã cũ chấm dứt hoàn toàn, tất cả những ký ức về đời trước mất hết. Hài nhi từ nay sẽ có cha mẹ mới, hình hài mới, tên gọi mới, dòng họ mới và một số phận mới.
Khi những nghiệp thức nương tựa vào tinh cha huyết mẹ tái sinh, theo thời gian chúng phát triển theo nghiệp quả từ kiếp trước, vì vậy mà ta không thấy lạ khi có bậc cha mẹ thông minh, tài giỏi nhưng con cái đần độn, ngu dốt và ngược lại... Hay những đứa con trong cùng một gia đình, có đứa thì cao to có đứa lại thấp bé, có đứa ăn nói dịu dàng có đứa lại nóng nảy, cáu gắt… Trí tuệ cũng không giống nhau, có người có học thức, đi làm quan, nhưng có kẻ đi cày thuê vác mướn… Đều là do nhân quả thiện, ác của từng nghiệp mỗi con người trong quá khứ.
Ngoài ra, sự quan hệ giữa cha mẹ và con cái còn có bốn loại: báo ơn, báo oán, đòi nợ và trả nợ.
Trong vô lượng kiếp quá khứ nào đó, nếu con cái đã từng kết duyên với cha mẹ thì có thể đời này do nhân quả thiện ác họ sẽ gặp lại nhau. Nếu là thiện duyên thì con cái đến để báo ơn, để đền đáp lại những gì mà cha mẹ đã làm cho chúng trong tiền kiếp. Đây chính là “phụ từ, tử hiếu” (cha hiền, con hiếu thảo). Nếu là ác duyên thì chúng đến để đòi nợ hoặc báo oán, bởi vì kiếp trước các bậc cha mẹ này đã gây ra đau khổ cho chúng. Trường hợp này gọi là “oan gia nghiệp báo”.
Đức Phật thường khuyên: “Các con hãy tự thương lấy chính bản thân mình”. Vì sao Đức Phật, ngoài khuyên chúng ta yêu thương cha mẹ, anh em, đồng loại, chúng sinh khác, Ngài còn khuyên chúng ta hãy tự thương chính bản thân mình? Chúng ta phải hiểu rằng: Ngài khuyên như vậy là khuyên chúng ta hãy thương lấy nghiệp của chúng ta. Chúng ta nên biết: những đứa con trai hay gái do chúng ta sinh ra, chúng chỉ là con cái ta trên danh nghĩa, chúng có nghiệp riêng, nhân quả riêng của chúng, chúng ta chỉ có một đứa con duy nhất, đích thực đó là nghiệp của chúng ta, cho nên Đức Phật nói: “Chúng ta là chủ của nghiệp, sinh ra nghiệp và chúng ta cũng là đứa con thừa tự của nghiệp”.
Có những người khi có chức quyền họ tham ô, tham nhũng, trộm cắp tiền bạc, tài sản của nhà nước mà phải chịu vòng lao lý, tù tội. Trong tù họ tự an ủi, biện minh: “hy sinh đời bố củng cố đời con”. Nhưng họ đâu có biết rằng: đồng tiền có mặt trái mặt phải, tuy vô tri vô giác nhưng đồng tiền cũng có nghiệp thiện, nghiệp ác. Họ làm vậy là bản thân họ phải chịu hai lần trừng phạt: một là của luật pháp thế gian, hai là sự trừng phạt của luật nhân quả. Những đứa con của họ tiêu dùng đồng tiền bất chính ấy vô tình cũng phải chịu tội tòng đảng trộm cắp và cũng phải trả giá theo luật nhân quả. Với suy nghĩ vô minh như trên, họ đã tự hại chính nghiệp thức tái sinh trong tương lai của họ, trong hiện tại họ tự làm khổ mình, khổ người mà không hay.
Trong kinh Tăng Chi Bộ Phật dạy: “Này các Tỷ kheo, có hai loại tội. Thế nào là hai? Tội có kết quả ngay trong hiện tại và tội có kết quả trong đời sau.
Thế nào là tội có kết quả ngay trong hiện tại? Này các Tỷ kheo, khi thấy nhà vua bắt được kẻ trộm, kẻ vô lại, liền áp dụng nhiều hình phạt sai khác. Họ bị đánh bằng roi cho đến bị chặt đầu. Thấy vậy, người ấy liền suy nghĩ: Do làm ác nghiệp nên mới bị các hình phạt như vậy.
Nghĩ vậy, người ấy sợ hãi tội lỗi trong hiện tại.
Và này các Tỷ kheo, thế nào là tội có kết quả trong đời sau? Ở đây, có người suy xét như sau: Quả báo dị thục (quả báo của cái nhân thiện hay ác đã tạo ra từ đời trước) của thân, khẩu, ý ác, sau khi thân hoại mạng chung phải sanh vào cõi dữ, ác thú, địa ngục. Nghĩ vậy, người ấy sợ hãi tội lỗi trong đời sau.
Do vậy, này các Tỷ kheo, cần phải học tập như sau: Chúng ta phải sợ hãi đối với tội có kết quả hiện tại và trong đời sau. Chúng ta phải thấy rõ sự nguy hiểm và tránh xa các tội”.
Với nhà Phật, không có quan niệm người này phải có trách nhiệm nối dõi cho người kia (con cháu nối dõi tông đường). Ai cũng có nghiệp riêng, nhân quả riêng, con cái nương tựa cha mẹ mà ra đời cũng như cha mẹ nương tựa ông bà, ông bà nương tựa cụ kỵ… Cứ vậy, chúng ta đồng lần nương tựa nhau mà tái sinh trong vòng luân hồi sinh tử. Trong vô lượng kiếp, ta có vô lượng cha mẹ, ta có vô lượng vợ chồng, ta có vô lượng con cái… Kiếp này ta là con của nhà này, mang họ này, kiếp sau ta là con nhà khác, mang họ khác, kiếp này ta là nam, kiếp sau ta là nữ, kiếp này ta giàu có, kiếp sau ta nghèo khổ… Tùy theo nhân quả thiện ác, con người cứ vậy mà trôi lăn trong lục đạo.
Vào ngày Vu Lan báo hiếu (15-7 ÂL) của đạo Phật, ngoài hồi hướng công đức cho cha mẹ đời này, chúng ta còn phải hồi hướng công đức cho vô lượng cha mẹ trong vô lượng kiếp về trước đã cho ta nương nhờ thân xác để tái sinh, thế mới là tròn quả vị.
Đức Phật dạy: “Được thân người khó, khó như con rùa mù nổi trên mặt đại dương, cả ngàn năm may ra mới vớ được một bọng cây”.
Đức Phật dạy “khó” là vì cơ may tái sanh làm người rất hiếm hoi như con rùa mù đi tìm bọng cây trên mặt đại dương bao la hay ít ỏi như sừng bò vậy và chúng ta nên hiểu “khó được” là nói tới tấm thân trong kiếp kế tiếp, chứ không phải cái thân xác hiện tại, vì hiện tại chúng ta đã và đang được rồi, nhưng mai rày thân hoại mạng chung, chúng ta có được tái sanh trở lại nữa không mới là vấn đề đáng suy nghĩ. Lại nữa, được thân người phải đầy đủ giới đức làm người, biết tàm quý, chứ nếu không trau dồi giới đức, không liêm, không sỉ thì chúng ta đang sống mà chẳng khác chi cái xác chết di động!
Cũng chỉ có ở cõi người chúng ta mới có đủ cả thân xác lẫn trí tuệ để thiền định và thiền quán phá vỡ vô minh và ái dục hòng liễu thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử. Cho nên, mỗi chúng ta hãy nắm bắt lấy cơ hội hiếm hoi này, kẻo uổng phí.
Đức Phật nói: “Ta không thể ban phúc hay giáng họa cho ai”, cho nên mỗi cá nhân phải tự chịu trách nhiệm về mọi hành vi tạo tác từ thân, khẩu, ý của mình, ta không thể trông đợi hay trốn lánh, chúng ta phải tự bước đi bằng đôi chân của mình, đừng nhờ cậy vào Phật, thánh, thần…

9. Những khác biệt giữa chúng sinh cõi thiên và thân trung ấm

Qua tìm hiểu trong sách báo, bài viết của phương Tây lẫn phương Đông, tác giả thấy những khác biệt giữa cảnh giới của chúng sinh cõi thiên và nơi mà những thân trung ấm bám víu như sau:
a) Cõi thiên:
-Cảnh giới thanh nhẹ, là một trường ánh sáng chói lòa, rực rỡ.
-Nơi chứa đựng kho tàng kiến thức rộng lớn (so với họ, kiến thức của loài người chỉ như một hạt cát trong sa mạc).
-Chúng sinh cõi thiên di chuyển rất nhanh bằng ý niệm, không bị hạn chế bởi không gian và thời gian.
-Sống bằng sở đắc, tự do tự tại không bám víu ngoại cảnh.
-Không có nhu cầu ăn, uống, y phục…
-Giao tiếp với nhau bằng tần số rung động mà không dùng lời nói.
-Do sức mạnh tư tưởng của chúng sinh cõi thiên nên cảnh vật hiện hữu luôn thay đổi.
-Họ luôn học hỏi trau dồi tri thức, kinh nghiệm để chuẩn bị cho tái sinh trở lại làm người.
b) Nơi thân trung ấm bám víu:
-Cảnh giới mờ ảo không rõ sáng tối, thấp, nặng nề, uế chược (chúng ta thường nghe nói mời hay gọi vong “lên” chứ không phải “xuống” là vì vậy).
-Không chứa đựng tri thức, kiến thức…
-Họ di chuyển dật dờ, bám theo ngọn cỏ, lối gió, mé nước…
-Tuy không có thân xác vật lý nhưng vẫn khao khát được ăn uống, y phục, nhà cửa, xe cộ, dâm dục… thông qua sự hưởng thụ khoái cảm bằng tưởng tượng.
-Giao tiếp với nhau bằng tưởng tri.
-Thích quần tụ với nhau giữa những người thân thích hay nhóm người (cộng nghiệp).
-Không có điều kiện học hỏi để trau dồi kiến thức, tri thức.
Thân trung ấm chỉ là giai đoạn đợi nghiệp thức dẫn đi đầu thai vào lục đạo, chứ không phải là linh hồn chờ cơ hội đi tái sinh, người chết mang thân trung ấm càng chần chừ, bám víu chừng nào càng thiệt thòi cho tiến trình tái sinh trở lại làm người chừng ấy. Biết vậy, ngay khi còn sống, chúng ta cũng nên chuẩn bị tâm lý thật kỹ lưỡng, để chọn lựa cho mình một con đường tốt nhất có thể.

10. Phần kết
Qua những phân tích trên, chúng ta nhận thấy rằng không hề có linh hồn bất tử và cảnh giới cho linh hồn bất tử. Chỉ vì đề cao ái ngã (yêu bản thân mình) và tham đắm trong danh vọng địa vị, trong tiền bạc vật chất, trong sắc đẹp dâm dục, tham lam trong ăn uống, ngủ nghỉ… nên chúng ta nhận lầm ba đặc tánh, thân ngũ uẩn hay ý thức là linh hồn, từ đó tưởng tri ra có một cảnh giới cho linh hồn tồn tại, hòng níu giữ những dục lạc vô thường, tạm bợ của thế gian.
Nếu chúng ta luyến ái gia đình, vợ con, cháu chắt… tưởng tượng ra sự nối dõi những hư danh mơ hồ phi thực tế mà cố bám víu vào thân trung ấm, rồi coi đó là linh hồn thường hằng bất biến, thì rất thiệt thòi cho chúng ta trên con đường tái sinh trở lại làm người và con đường thăng tiến về tâm linh trong tương lai.
Trong lục đạo thì cõi người là chủ đạo, vì chỉ ở cõi người, chúng sinh vừa có thể gieo các nhân thiện hay nhân ác, từ đó thọ lãnh quả báo vui sướng hay đau khổ, cõi người còn có trí tuệ để phân biệt được thiện hay ác. Còn ở các cõi khác như thiên hay thần, chúng sinh ở 2 cõi này chỉ có một chiều hướng là thụ hưởng những phúc báo. Ở 3 cõi còn lại: súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục thì chúng sinh một chiều chịu quả báo đau khổ, nên rất khó để có năng lực phân biệt được đâu là thiện, đâu là ác!
Những chúng sinh trong lục đạo: cõi thiên, cõi thần (Atula), súc sinh, ngạ quỷ hay địa ngục, họ cũng đang song hành bên ta, nhưng cũng như ta họ có con đường riêng của họ, ta không can thiệp được vào thế giới của họ và ngược lại, họ cũng không thể can thiệp vào thế giới của chúng ta đang sống, ta có sinh có diệt, họ cũng có sinh có diệt, cho nên chúng ta chớ ảo tưởng mà cầu xin ở họ điều gì.
Đức Phật nói: “Ta không thể ban phúc hay giáng họa cho ai”, cho nên mỗi cá nhân phải tự chịu trách nhiệm về mọi hành vi tạo tác từ thân, khẩu, ý của mình, ta không thể trông đợi hay trốn lánh, chúng ta phải tự bước đi bằng đôi chân của mình, đừng nhờ cậy vào Phật, thánh, thần… Luật nhân quả rất công bằng, nếu ta có những ý nghĩ, lời nói, việc làm thiện của thân, khẩu, ý thì chúng ta nhận quả báo thiện với cuộc sống sướng vui, còn bằng ngược lại, chúng ta phải lãnh nhận hậu quả đau khổ khôn lường ngay trong hiện tại và trong cả tương lai.
Trong kinh Pháp Cú Phật dạy:
“Không trên trời, dưới biển
Không lánh vào động núi
Không chỗ nào trên đời
Trốn được quả ác nghiệp”.

Khi Đức Phật Thích Ca còn sống, Ngài còn chẳng cứu nổi dòng họ Thích của Ngài thoát khỏi bị vua Lưu Ly tàn sát. Cho nên, chúng ta đừng cầu xin ở Ngài một điều gì cả, Ngài chỉ có một "công thức" giúp chúng ta liễu thoát khỏi luân hồi sinh tử, nếu có khát vọng, chúng ta hãy nương theo đó mà thực hành... và chỉ có vậy thôi.
_______________________________
Phụ lục

Một số dữ kiện về cuộc đời Đức Phật Thích Ca

Đức Phật Thích Ca xuất thân là Thái tử Tất Đạt Đa (Gotama), là con một của vua Tịnh Phạn và Hoàng hậu Ma-da thuộc dòng họ Thích Ca, Ngài sinh năm 1887 trước Tây lịch ở thành Ca-tỳ-la-vệ thuộc Nepal ngày nay.
(Chúng ta lưu ý, những vị Phật như: A Di Đà, Di Lặc, Phật Dược Sư, Phật Mẫu Chuẩn Đề, hay các vị Bồ tát như: Phổ Hiền, Văn Thù Sư Lợi, Thiên Thủ Thiên Nhãn, Địa Tạng, Đại Thế Chí, Quán Thế Âm là những vị Phật và Bồ tát giả tưởng, không có thực, do phái Phật giáo Đại thừa dựng lên dành cho những người tu hành theo tha lực, còn con đường tu hành của Phật Thích Ca là con đường tự lực).
Thái tử Tất Đạt Đa sinh được 7 ngày thì mẹ Ngài - Hoàng hậu Ma-da mất.
Năm lên 16 tuổi Thái tử kết hôn với công chúa Da-du-đà-la.
Năm 29 tuổi, vào một đêm trăng sáng, Tất Đạt Đa vượt tường thành tìm đường xuất gia học đạo, bỏ lại công chúa Da-du-đà-la và con trai mới sinh là La-hầu-la.
Ngài thành đạo năm 35 tuổi. Từ đó trở đi, Ngài dành hết tâm huyết đi truyền đạo khắp vùng Đông Bắc của Ấn Độ. Ngài nhập niết bàn năm 807 tr.TL, thọ 80 tuổi.
Về cuối đời vua Tịnh Phạn được Đức Phật chỉ dạy con đường giải thoát, Ngài chứng đắc quả A la hán và sau 7 ngày sống trong hoan lạc của thiền định đức vua băng hà.
Vì hiền thiện và đức hạnh nên Hoàng hậu Ma-da khi chết nhập vào cung trời Đâu suất (cõi thiên).
Con trai Đức Phật là La-hầu-la, theo Ngài tu hành từ lúc lên 7, La-hầu-la chứng đắc quả A la hán và nhập niết bàn khi 40 tuổi.
Vợ Ngài, công chúa Da-du-đà-la, về sau cũng xuất gia và chứng đắc quả A-la-hán.
Phần nhiều những người đi theo Đức Phật, dưới sự huấn luyện, chỉ dạy của Ngài đều chứng đắc quả vị A-la-hán và nhập niết bàn.
Sau khi vua Tịnh Phạn băng hà, Đức Phật và con trai La-hầu-la đi tu, các tinh túy của dòng họ Thích Ca cũng theo Ngài đi tu hành, triều đại của dòng họ Thích Ca dưới sự trị vì của Thích Ma Ha Nam đã bị vua Lưu Ly đem quân tàn sát hết. Bảy ngày sau khi chiến thắng trở về qua một con sông, vua Lưu Ly và quân lính bị nước cuốn trôi. Với tội ác tàn sát dòng họ Thích Ca, vua Lưu Ly phải rơi vào địa ngục A-tỳ.
Đức Phật Thích Ca được người đời tôn xưng là bậc: đại hùng, đại lực, đại bi.
Đại hùng vì Ngài từ bỏ hứa hẹn ngai vàng, vợ đẹp con thơ, vàng bạc châu báu, cung tần mỹ nữ và những dục lạc thế gian, đi tìm cho mình và nhân loại con đường giải thoát khỏi khổ đau, luân hồi sinh tử.
Đại lực là tự mình tìm thấy chân lý trên con đường giải thoát mà không trông cậy vào ai.
Đại bi là Ngài có tình yêu thương tất cả chúng sinh mà không phân biệt vua chúa hay kẻ ăn mày, mọi tầng lớp giàu sang hay nghèo khó…
Thông điệp của Đức Phật gửi lại cho chúng ta trên con đường thực hành tâm linh là: “Hãy thắp đuốc lên tìm đường mà đi, hãy trông cậy vào chính mình, đừng trông cậy vào nơi đâu, đừng trông cậy vào nơi ai khác”.

Nguyễn Minh Sơn
Nguồn: http://taophunghoiquan.blogspot.com/

Không có nhận xét nào: