Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2016

CẤU TRÚC NĂNG LƯỢNG CỦA CON NGƯỜI

Các nhà sinh học đương đại vẫn coi con người là tất cả những gì thuộc thân thể hữu hình mà bằng mắt thường chúng ta vẫn nhìn thấy. Hóa ra là không phải vậy. Những người có thị giác đặc biệt có thể nhìn thấy con người ở dạng một hệ thống phức tạp các cơ thể vật lý và phi vật lý thâm nhập lẫn nhau....

Những người có khả năng đặc biệt về thị giác từ lâu đã nhận biết được rằng, sinh vật nói chung và con người nói riêng là những cấu trúc vật chất đa chiều. Nói cách khác, ngoài thân vật lý (thể xác) mà chúng ta nhìn thấy còn có các cơ thể không nhìn thấy ở dạng năng lượng tinh tế hơn, chúng phối hợp hoạt động với nhau thành một hệ thống hoàn chỉnh. Nếu không tính đến điều đó thì không thể có cách tiếp cận đúng đắn và tìm được những kết luận phù hợp về bản chất và bản thể con người.

Như chúng ta đã biết, vật lý học hiện đại đã xác nhận sự tương đương giữa vật chất và năng lượng - trong các điều kiện nhất định thì cái này có thể được biến đổi thành cái kia và ngược lại. Về mặt định lượng, sự tương đương đó được biểu thị bởi công thức nổi tiếng của Einstein E = mc2, ở đây E là năng lượng, m là khối lượng, còn c = 300000 km/s - vận tốc ánh sáng trong chân không. Do đó, có thể coi mọi sinh vật đều được cấu tạo từ các thành phần năng lượng (hữu hình hoặc vô hình).

Thời gian gần đây người ta đã đưa ra nhiều hệ thống để mô tả các cơ thể năng lượng của con người. Ở đây chúng ta sẽ sử dụng cách mô tả của bà Barbara Ann Brennan (đưa ra trong cuốn sách Bàn tay ánh sáng) cùng với một số tư liệu từ thuyết tâm linh.

Theo bà Barbara Brennan, ngoài thân vật lý con người còn có ít nhất 7 cơ thể năng lượng không nhìn thấy bởi mắt thường và tất cả chúng thâm nhập lẫn nhau trong một khoảng không gian vào cùng một thời điểm. Các cơ thể năng lượng được đánh số thứ tự theo mật độ vật chất giảm dần, trong đó cơ thể liền kề thân vật lý được đánh số 1. 

Việc quan sát bằng thị giác đặc biệt cho biết rằng, các cơ thể có số thứ tự là số lẻ (1, 3, 5, 7) đều có cấu trúc rõ ràng, trong khi các cơ thể có số thứ tự là số chẵn (2, 4, 6) lại gồm những chất tựa lỏng, không có cấu trúc đặc thù. Mỗi cơ thể kế tiếp ít đậm đặc hơn và thâm nhập hoàn toàn vào tất cả các cơ thể trước nó, kể cả thân vật lý.

Các cơ thể có số thứ tự lẻ chứa mọi hình thái mà thân vật lý có, kể cả nội tạng, mạch máu... và các hình thái bổ sung mà thân vật lý không có. Mỗi cơ thể hiện ra khác nhau và có chức năng đặc trưng. Mỗi cơ thể được kết hợp với một luân xa chính và một số luân xa khác. Từ “luân xa” có nghĩa là bánh xe. Trừ luân xa 1 và luân xa 7, mỗi luân xa chính còn lại là cặp cuộn xoáy năng lượng hình nón quay tròn với chóp đối diện nhau và hướng vào dòng năng lượng chủ yếu từ đỉnh đầu tới xương cụt, còn hai đáy nằm ở phía trước và phía sau, tiếp giáp với rìa của cơ thể tương ứng. 

Số thứ tự của mỗi luân xa chính được gán trùng với số thứ tự của cơ thể tương ứng. Như vậy, luân xa 1 ứng với cơ thể năng lượng thứ nhất, luân xa 2 ứng với cơ thể năng lượng thứ hai..., luân xa 7 ứng với cơ thể năng lượng thứ bảy.

Luân xa chính của các cơ thể có ba chức năng chủ yếu sau đây: tiếp sinh khí cho từng cơ thể, kể cả thân vật lý; tạo ra sự phát triển các diện mạo khác nhau của ý thức về bản thân; trao đổi năng lượng giữa các cơ thể. Năng lượng được truyền từ cơ thể này sang cơ thể khác liền kề qua những khe hành lang ở đỉnh luân xa. Các hành lang này ở số đông người bị đóng, chúng thường được khai mở do bẩm sinh hoặc kết quả của việc thanh khiết hoá tâm linh.

Tiếp theo sẽ mô tả vắn tắt cấu trúc năng lượng và chức năng của các cơ thể không nhìn thấy.

Cơ thể ête (cơ thể năng lượng thứ nhất): Từ “ête” được dùng để chỉ dạng năng lượng kề cận vật chất hữu hình. Cơ thể này gồm các vạch năng lượng rất bé, giống như một mạng các tia sáng lấp lánh. Nó có cùng cấu trúc với thân vật lý, chứa tất cả các bộ phận giải phẫu học và toàn bộ các cơ quan. Cảm giác của người quan sát là cơ thể ête đóng vai trò cái khuôn năng lượng mà trên đó thể chất các mô của thân vật lý được hình thành và bám vào. Thực nghiệm đã chứng tỏ rằng, cơ thể ête được sinh ra trước thân vật lý.

Qua cơ thể ête, người ta có thể thấy được tất cả các bộ phận của thân vật lý, nhưng chúng được tạo nên bằng ánh sáng xanh nhạt lấp lánh. Nếu chỉ tập trung nhìn vào cơ thể này thì có thể nhận ra nó tựa như một người nam hay nữ bằng những vạch ánh sáng xanh nhạt liên tục nhấp nháy. 

Các phần tử của cơ thể ête chuyển động không ngừng. Những tia sáng xanh nhạt chuyển dịch dọc theo các vạch năng lượng khắp thân vật lý. Cơ thể ête có màu sắc thay đổi từ xanh nhạt sang xám, nó vượt ra khỏi mặt da khoảng 0,64-5,08 cm và rung động 15-20 chu kỳ/phút.

Trong thuyết tâm linh, cơ thể ête được gọi là thể phách. Nó có hai nhiệm vụ chủ yếu là thường xuyên phân phát sinh lực (prana) khắp thân vật lý và làm cầu nối giữa thân vật lý với cơ thể năng lượng thứ hai. Thể phách sẽ bị phân huỷ sau cái chết của thân vật lý.

Cơ thể cảm xúc (cơ thể năng lượng thứ hai): Đây là cơ thể có quan hệ chặt chẽ với cảm xúc tự nhiên của con người. Cơ thể này bám sát đường nét của thân vật lý, nhưng không sao chép rõ ràng như với cơ thể ête. Nó hiện ra như một đám mây ở trạng thái lỏng liên tục chuyển động. Cơ thể này có màu thay đổi từ sáng chói đến xám xịt tuỳ theo trạng thái cảm xúc. Nó vượt ra quá mặt da 2,54-7,62 cm.

Trong thuyết tâm linh, cơ thể cảm xúc được gọi là thể vía. Người ta gán cho nó 3 chức năng chủ yếu: nơi sinh ra cảm xúc, cầu nối giữa thể chất và tinh thần, công cụ độc lập về tư duy và hành động. Các cảm xúc phát sinh từ thể vía ở dạng năng lượng, chúng có thể là sợ hãi, căm ghét, giận dữ và bạo hành. Nếu một người bị đình trệ tại cơ thể cảm xúc thì ít có điều kiện để biến đổi năng lượng tiêu cực thành dạng tích cực tương ứng. 

Một phần thể vía và các cơ thể năng lượng sẽ được mô tả tiếp theo vẫn tiếp tục tồn tại sau cái chết của thân vật lý. 

Cơ thể tâm thần (cơ thể năng lượng thứ ba): Cơ thể này có quan hệ với các quá trình trí tuệ. Nó thường hiện ra như một khối sáng màu vàng chói lọi, bức xạ quanh đầu, vai và bao bọc toàn bộ thân vật lý. Nó lan rộng và rực rỡ hơn khi ai đó tập trung vào các quá trình tâm thần. 

Như trên đã nói, cơ thể tâm thần là một cơ thể năng lượng có cấu trúc. Nó chứa đựng cấu trúc các ý niệm của con người. Bằng thị giác đặc biệt có thể nhìn thấy các hình thái tư tưởng trong cơ thể này ở dạng những đốm sáng với hình thù thay đổi. Cơ thể tâm thần vượt qua cơ thể cảm xúc và ra quá mặt da khoảng 7,62 - 20,32 cm.

Trong thuyết tâm linh, cơ thể tâm thần được gọi là thể trí. Mối quan hệ giữa thể trí và bộ não con người được trung chuyển qua thể vía. Về cơ bản, những gì liên quan đến suy nghĩ và hoài nghi đều diễn ra ở thể này. Nếu được biến đổi thì suy nghĩ sẽ trở thành sáng tỏ trực tiếp (thấu suốt), còn hoài nghi sẽ trở thành tin cậy. 

Cơ thể tinh tú (cơ thể năng lượng thứ tư): Cơ thể tinh tú không có hình dạng nhất định, gồm các đám mây màu sặc sỡ hơn so với cơ thể cảm xúc. Đây là cơ thể có vai trò trung gian giữa ba cơ thể năng lượng đầu (liên quan đến thế giới thể chất) và ba cơ thể năng lượng sau nó (liên quan đến thế giới tâm linh). Cơ thể tinh tú kết hợp với luân xa 4 (luân xa tim) là nơi cải biến năng lượng từ thể chất qua tâm linh và ngược lại. Nó vượt ra quá mặt da 15,24 - 30,48 cm.

Trong thuyết tâm linh, cơ thể tinh tú được gọi là thể tâm lý. Đây là thể có tiềm năng lớn và chứa nhiều bí ẩn về tâm lý. Các chất có chứa cồn như rượu và bia rất dễ tác động tiêu cực lên thể này. Phẩm chất tự nhiên của thể tâm lý là mơ mộng và tưởng tượng. Thể tâm lý ở động vật ít phát triển nên chúng hầu như không có ý niệm về quá khứ và tương lai. Nếu thể này được phát triển một cách phù hợp thì sẽ làm cho mơ mộng trở thành linh ảnh (thấy sự vật của thế giới năng lượng), còn tưởng tượng - trực cảm.

Cơ thể ête mẫu (cơ thể năng lượng thứ năm): Cơ thể này là hình thái mẫu âm bản cho cơ thể ête vốn là khuôn dạng của thân vật lý. Nói cách khác, cơ thể ête có nguồn gốc cấu trúc từ cơ thể ête mẫu. Bằng thị giác đặc biệt có thể nhìn thấy cơ thể này gồm những hình thái trên nền xanh thẫm như một sơ đồ kiến trúc âm bản. Cơ thể ête mẫu vượt ra quá mặt da khoảng 15,24 - 60,96 cm, trông giống như hình trái xoan hơi thuôn.

Trong thuyết tâm linh, cơ thể ête mẫu được gọi là thể tâm linh. Từ thể này có thể thu được câu trả lời cho câu hỏi “tôi là ai?” và chấm dứt mọi vấn đề xung khắc nội tâm thường hiện hữu ở một cá nhân. Nó là thể đầu tiên mà tại đó con người cảm thấy niềm vui vô song. Một người khi làm chủ thể tâm linh sẽ loại bỏ được hoàn toàn vô thức, tức là sự nhận biết của cá nhân không bị đình trệ ngay cả trong giấc ngủ. Người đó chính là vị Phật, người tỉnh thức trong mọi thời khắc của đời sống. 

Cơ thể thượng giới (cơ thể năng lượng thứ sáu): Mọi cảm xúc tâm linh diễn ra tại cơ thể thượng giới. Nếu ai đó có luân xa 6 (luân xa thượng giới) và luân xa 5 (luân xa tim) được khai mở và liên kết với nhau thì tình yêu thương vô điều kiện sẽ tuôn chảy, sẽ cảm thấy bản thân và vũ trụ hoà nhập làm một.

Dưới thị giác đặc biệt, cơ thể thượng giới hiện ra trong ánh sáng lung linh rất đẹp, có các tia màu vàng bạc và trắng sữa như mặt xà cừ. Hình thái của nó ít xác định hơn so với cơ thể ête mẫu, dường như nó là ánh sáng được bức xạ từ thân vật lý. Cơ thể thượng giới vượt ra quá mặt da khoảng 60,96 - 81,28 cm. 

Trong thuyết tâm linh, cơ thể thượng giới được gọi là thể vũ trụ. Qua thể này con người có thể cảm nhận chân lý vũ trụ - tính toàn bộ của sự tồn tại. 

Cơ thể nhân quả (cơ thể năng lượng thứ bảy): Khi quan sát cơ thể này bằng thị giác đặc biệt sẽ thấy ánh sáng óng vàng lung linh rung động rất nhanh, giống như vô số sợi tơ. Nó có hình dạng quả trứng với một lớp “vỏ” dày khoảng 6,4 - 12,7 mm. Tất cả các luân xa và các dạng thể chất đều hiện ra ở đây như được làm bằng ánh sáng óng vàng. Cơ thể này vượt ra quá mặt da khoảng 91,44 - 106,68 cm tuỳ thuộc vào từng người.

Cơ thể nhân quả cũng chứa dòng năng lượng chủ yếu lên xuống dọc theo cột sống, đó là nguồn dinh dưỡng chủ yếu cho tất cả các cơ thể năng lượng. 

Các biểu hiện tâm thần thuộc thế giới tâm linh đều diễn ra ở cơ thể này. Sau khi làm chủ được thể tâm linh và thể vũ trụ, một vị Phật có thể đưa ý thức tiếp xúc với cơ thể này. Lý do để gán tên “nhân quả” cho nó là ở chỗ, phía trong lớp vỏ có tồn tại các dải năng lượng tiền kiếp đã được ghi nhận phù hợp với luật nhân quả. 

Trong thuyết tâm linh, cơ thể nhân quả được gọi là thể niết bàn. Người ta cho rằng, không thể dùng lời để mô tả trực tiếp được thể này. Từ “niết bàn” ở đây gần với các nghĩa trống rỗng, chân không, phi tồn tại. Nếu con người đưa ý thức vào thể này thì sẽ chuyển từ sự cảm nhận tồn tại sang trạng thái hầu như phi tồn tại, rỗng không. 

Ngoài 7 cơ thể năng lượng kể trên, bà Barbara Brennan còn nhìn thấy các cơ thể năng lượng thứ tám và thứ chín. Mỗi cơ thể đó kết hợp tương ứng với luân xa 8 và luân xa 9 ở phía trên đầu. Chúng hiện ra trong suốt như pha lê và gồm những thành phần rung động rất tinh tế. Hai cơ thể đó có vẻ như theo khuôn mẫu chung và xen nhau giữa chất liệu (cơ thể thứ tám) hoặc hình thái (cơ thể thứ chín). Cơ thể thứ tám hiện ra ở dạng tựa chất lỏng, còn cơ thể thứ chín trông như một hình mẫu pha lê của mọi cái chứa trong những cơ thể năng lượng dưới nó.

Theo quan sát của những người có thị giác đặc biệt thì ngoại trừ cơ thể ête, một phần của các cơ thể năng lượng khác vẫn tiếp tục tồn tại và liên kết với nhau thành sinh thể năng lượng sau cái chết của thân vật lý. Điều này cho đến nay vẫn chưa được giới khoa học xác nhận. Đáng chú ý là tất cả các cơ thể của con người đều liên thông với một chiều thực tại nhất định.

Mặc dù các nhà huyền môn không nói đến hệ thống các cơ thể năng lượng của con người, nhưng truyền thống của họ trên khắp thế giới qua 5000 năm đã chứng tỏ sự tương đồng với những quan sát mà các nhà khoa học nghiên cứu tâm linh bắt đầu tiến hành gần đây. 

Một trong những thách thức đặt ra khi mong muốn khảo sát hệ thống các cơ thể năng lượng của sinh vật nói chung và của con người nói riêng là các thiết bị kỹ thuật hiện đại chưa thể phát huy tác dụng. Xét đến cùng, hệ thống các cơ thể con người là một cỗ máy đa chiều thực tại với những giác quan có thể được khai mở để hoạt động tại bất kỳ bình diện vật chất nào. Điều này đã được nhiều người chứng nghiệm. Rõ ràng, tất cả các thiết bị kỹ thuật mà chúng ta hiện nay sáng chế ra hầu như chỉ thích hợp cho chiều thực tại vật lý. Có lẽ đó là nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự bế tắc trong việc nghiên cứu thực nghiệm về thế giới tâm linh.

Cấu trúc đa chiều của cơ thể con người là một minh chứng tin cậy về tính đa chiều thực tại của Vũ Trụ mà tác giả cuốn sách “Vũ trụ và con người dưới góc độ khoa học tâm linh” đã xét đến. Có vẻ như đó là một luận điểm nền tảng mà việc thừa nhận nó sẽ mở ra triển vọng sáng sủa để tiếp cận giải quyết nhiều vấn đề khoa học và tôn giáo vốn lâu nay được coi là bí ẩn. 

----------------------------------

- Theo các nhà nghiên cứu và thực hành tâm linh, mọi người đều tiềm ẩn con mắt thứ ba ở tại vị trí điểm giữa hai lông mày. Do bẩm sinh, ngẫu nhiên hay tập luyện, một cá nhân có thể khai mở thị giác đặc biệt (thấu thị). 
- Bà Barbara Ann Brennan là nhà khoa học, nhà tâm lý trị liệu, nhà thực hành chữa trị tâm linh rất nổi tiếng ở Hoa Kỳ. Sự hiểu biết sâu rộng trong lĩnh vực cấu trúc năng lượng con người và các kết quả chữa trị thành công kỳ diệu của bà đã được mô tả tỷ mỷ, có hệ thống trong cuốn Hands of Light (Bàn tay ánh sáng), xuất bản tại New York năm 1988. 

Lê Huy Bảo (Sưu tầm và tổng hợp) 
Nguồn: dienbatnblog.blogspot.com

Không có nhận xét nào: