Thứ Năm, 29 tháng 1, 2015

20 BIỂU HIỆN CỦA NHÂN TÀI

Vô số sếp than phiền rằng nhân tài thường lặn đâu mất trong khi quanh mình chỉ toàn phường "giá áo túi cơm". Nhưng sự thật nằm ở chỗ nhiều khi, các sếp đã để nhân tài dứt áo ra đi chỉ vì không tìm ra cái khác người ở họ.


1. Có tật có tài

Không thể phủ nhận điều này, dù lắm khi nó làm nhiều người, đặc biệt là các sếp rất khó chịu.

Theo thống kê của tạp chí Challenges (Pháp) thì hơn 80% tổng giám đốc ở Pháp đều ít nhất đôi ba lần phàn nàn về những cố tật của nhân tài trong công ty, chẳng hạn thích đi làm trễ, hút thuốc ở những nơi có tấm bảng "Cấm hút thuốc", hoặc biến bàn làm việc thành kho... phế liệu tổng hợp.

Nếu biết đấu tranh và cả chịu đựng với những tật này, các sếp có thể giữ chân những kho vàng thật sự, dù đó là những nhân vật không giống con giáp nào.

2. Ghét xu nịnh

Đây chính là một trong những ưu điểm nổi bật của nhân tài, do họ có "chỉ số tự trọng" cao, cộng thêm lòng kiêu hãnh đôi khi theo kiểu "mục hạ vô nhân". Món cocktail này khiến nhân tài khinh ghét kẻ xu nịnh hoặc giả dối, đòi hỏi mọi sự phải rõ ràng, vì danh môn chính phái không thể chung sống với bàng môn tả đạo.

3. Ghét bè phái

Theo nhà tâm lý học Saint-Ader Satano (Pháp), nhân tài đích thực không theo phe cánh nào cả, dù tình thế trong công ty bắt buộc toàn bộ nhân sự phải "một chọn Tần, hai chọn Sở". Do tính khí độc lập cao nên nhân tài bị xem là kẻ thích chơi trội, ít hoà đồng và kiêu căng.

Một môi trường đầy xung đột sẽ huỷ diệt nhân tài không thương tiếc. Do vậy, những sếp thông minh thường "tề gia" trước, sau đó mới "tam cố thảo lư".

4. Thích nói và làm ngược số đông

Thời trang là một trong những kẻ thù lớn của nhân tài, vì họ khinh bỉ nó. Tâm lý của nhân tài là hay bảo thủ và không a dua theo thiên hạ, thích đi ngược lại số đông. Nhưng trong khi đi theo con đường riêng như vậy, nhân tài thường tìm ra những đáp áp tuyệt chiêu cho những bài toán hóc búa mà người thường không tìm nổi.

Theo ông Allan Depoe - Giám đốc nhân sự công ty Defrost (Anh), thì trong khi nhân tài phát biểu, các sếp nên... lắng nghe.

5. Khắt khe

Sự khắt khe của một nhân tài thể hiện ngay với chính bản thân họ, đừng nói gì với người khác. Trong khi "người phàm" dễ bằng lòng với thành quả lao động của họ thì nhân tài cày đi xới lại cách giải quyết của chính mình, có khi vứt bỏ công trình nghiên cứu cả mấy năm ròng.

6. Mâu thuẫn nội tại

Theo giáo sư tâm lý học Alessandro Copigno (Italy), nhân tài thường dằn vặt với chính mình vì hay phạm phải những sai lầm trong hành xử. Chính sự mâu thuẫn của toà án lương tâm làm nhân tài bị stress trầm trọng, tự nguyền rủa và sau đó lại... tái phạm.

7. Ghét kẻ bất tài và gặp may

Đây lại là một biểu hiện rõ nét nhất của nhân tài, vì với họ, không có chỗ cho sự may mắn, và kết quả chỉ đến với những ai có óc sáng tạo và IQ cao. Nếu trong công ty có những kẻ "sống lâu lên lão làng" mà lại "chảnh" thì nhân tài thường là gáo nước lạnh đầu tiên.

8. Ghét sự gò bó

Kỷ luật lao động với nhiều nhân tài là nhục hình thực sự, vì nó giết mòn tư duy khác người của họ. Nhân tài hay bị người khác hiểu lầm là chơi trội, nhưng cái sự đi trễ về sớm của họ có khi hơn chán vạn lần thái độ "miệt mài" của những người tầm thường.

Theo bà Catherine Howard, Giám đốc điều hành công ty Gasp Café của Bỉ, gò bó nhân tài là huỷ diệt doanh số công ty. Tuy nhiên, cái gì cũng có giới hạn: nếu ngông nghênh quá, nhân tài dễ bị xem là lập dị.

9. Càng bận rộn càng thích

Trong khi nhân gian sợ công việc như sợ cọp thì với nhân tài, đó là một môi trường để tung hoành. Càng bị công việc thử thách, nhân tài càng thích thú và càng muốn đương đầu.

10. Thẳng tính

Nhân tài hay nói không uyển ngôn nhã ngữ gì cả. Chính vì vậy nhân tài ít bạn, bị mọi người cho là lếu láo, kỳ thực đó chỉ là "trung ngôn nghịch nhĩ". Nếu chỉ ưa những nhân viên luôn mồm vâng dạ thì sếp sẽ không bao giờ có cơ hội tận dụng nhân tài.

11. Cầu toàn

Thoạt trông, nhân tài là gánh nặng của công ty, là ngòi nổ cho mọi xung đột do thích đòi hỏi mọi sự công bằng và hợp lý. Kỳ thực, một nhân tài luôn đấu tranh cho công lý và lẽ phải, không chấp nhận sai sót và sự cẩu thả. Nhiều nhân tài luôn thay đổi công ty do không tìm được "minh chúa", do bị dồn vào bước đường cùng của lòng đố kỵ và của những âm mưu đê tiện.

12. Thiếu kiên nhẫn

Nghịch lý này, tiếc thay, lại xảy ra thường xuyên với những nhân tài thực thụ.

13. Lơ đễnh

Ông David Green - Giám đốc nhân sự của công ty A&B của Mỹ, cho biết: "Trong những buổi phỏng vấn tìm nhân tài, chúng tôi thật sự quan tâm những nhân vật đãng trí. Một lần, một anh chàng đang trả lời phỏng vấn thì lôi phắt ra một cây bút chì và và vẽ chân dung tôi theo kiểu hí hoạ, không kiêng nể chút nào. Tôi nghĩ anh ta bị điên. May thay, khi vào công ty, anh ta đã chứng tỏ mình là vựa sáng kiến".

Các nhà tâm lý học đều thừa nhận rằng những nhân tài thường có vẻ lơ đễnh bề ngoài, nhưng bên trong là cả một hoả diệm sơn sùng sục. Họ luôn làm việc gấp năm gấp mười so với người thường và luôn cho ra những ý tưởng kinh người.

14. Tham công tiếc việc

Đây là thói xấu vì "quý hồ tinh bất quý hồ đa", nhưng đối với một nhân tài thực sự thì đó chỉ là lửa thử vàng. Trong khi những đồng nghiệp khác lao động theo trường phái "sáng cắp ô đi, tối vác về" thì nhân tài hùng hục đánh vật với đủ loại suy nghĩ, ý tưởng. Chính vì vậy, trông họ lúc nào cũng cau có, bực dọc.

15. Thích cô độc

Những nhân vật khác người này ghét tiếng ồn, những câu chuyện phiếm vô bổ và ồn ào của những kẻ thiếu lịch sự. Những cuộc liên hoan hay họp mặt của toàn công ty, với nhân tài, là địa ngục trần gian thực sự.

Trong lúc cuộc vui lên đỉnh điểm, họ lặng lẽ rút lui vì cái tâm trạng "ta dại ta tìm nơi vắng vẻ, người không người kiếm chốn lao xao". Những cuộc vui nhố nhăng và những câu nói vô ý thức làm nhân tài rất "dị ứng", họ sẵn sàng đánh giá cả một con người qua một câu nói hay một hành động nhỏ. Thành thử, nhân tài luôn bị đánh giá là hẹp lượng, không "thoáng".

16. Bị công việc ám ảnh

Trong khi những nhân viên bình thường chỉ làm cho xong việc và mau chóng về nhà thì nhân tài lặng lẽ ngồi lại, âm thầm tìm cách giải quyết công việc theo cái gu rất riêng. Anh ta chả cần ai hay biết việc này, thậm chí còn cầu trời cho sếp đừng hay biết, để… đừng mang tiếng “lấy điểm”. Một số nhân tài tại nước Nhật thường bị hội chứng Karoshi (đột tử do làm việc quá sức) là thế.

17. Đòi thù lao tương xứng

Đây không phải là sự mè nheo vụn vặt của những kẻ lý tài và tham lam, mà là thái độ tự đánh giá hết sức sòng phẳng về mình và về người của nhân tài. Anh ta - trong những buổi phỏng vấn - đi thẳng vào vấn đề lương bổng và đề nghị những mức tiền chóng mặt.

Những vị sếp thông minh không đời nào nhếch mép hay trợn mắt, mà phải xem đó là dấu hiệu của một thiên tài. Tất nhiên, cần phát hiện những kẻ… vĩ cuồng.

18. Ít chứng tỏ

Nhân tài có chân tài thực học không cần phô trương kiến thức hay nói nhiều. Họ chỉ im lặng trong những phiên họp ầm ĩ, ngay trong lúc những cái đầu rỗng tuếch thi nhau gào lên với sếp. Sáng kiến của nhân tài thường là loại đầy uy lực.

19. Tự trọng

Nhân tài thường không chịu được cái tông kẻ cả của người khác, đặc biệt của những kẻ vô tích sự mà nỏ mồm. Nhân tài không có thói quen thu vén cá nhân, không "nấu cháo điện thoại", không dùng thẻ taxi chùa của công ty, không dùng một tờ giấy vào việc riêng. Anh ta thật sự đau khổ nếu lỡ phạm sai lầm, trong khi những kẻ "mặt nạc đóm dày" thường tỉnh khô tái phạm.

20. Bất cần kinh nghiệm

Những ông sếp giỏi và có khiếu tìm người thường không dựa vào kinh nghiệm của nhân tài, dù họ đang lao vào một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ. Rất nhiều người nghĩ rằng phải có kinh nghiệm mới nên cơm nên cháo, nhưng thực tế chứng minh nhiều nhân tài tỏ ra được việc hơn hẳn những kẻ đầy kinh nghiệm "rỗng".

Và nhiệm vụ của những ông sếp là phát hiện ra nhân tài, vì nhân tài thường ở ẩn...

Theo Kinh doanh
_________________________________________

Vần đề tài và tật

Tác giả: Trường Giang

Báo Kiến thức ngày nay (trong một một số báo điện tử) có đăng bài không ký tên tác giả với nhan đề rất hấp dẫn "20 biểu hiện của nhân tài".

Bài viết thể hiện một sự nghiên cứu công phu sâu sắc, một cái tâm xây dựng, mong muốn đóng góp cho các cấp quản lý có một cái nhìn đúng đắn, đầy đủ hơn đối với người tài và cách xử sự thích hợp, đối với cái tật của họ vì người tài thường có tật.

Song đọc kỹ nội dung bài viết, tôi thấy đây không phải là những biểu hiện của người tài (như bản thân đầu đề nêu lên) và càng không phải là cách của người tài. Trong 20 tính cách (mà tác giả gọi là biểu hiện) thì có đến khoảng một nửa là tật xấu (như vô kỷ luật, khắt khe, thiếu kiên nhăn, lơ đãng, sống cô độc tự do. thích ngược với số đông... còn lại là những tính cách khác (như ghét xu nịnh, ghét bè phái, cầu toàn, ghét gò bó, tự trọng, coi thường kinh nghiệm...). Hoàn toàn không phải đó là biểu hiện của nhân tài. Nói đến biểu hiện của tài năng, người ta thường đề cập đến sự nhạy cảm, nhận thức nhanh, hay có ý mới, suy nghĩ sâu sắc, tư duy độc đáo chứ chẳng ai nói đến nội dung trên. Chắc tác giả dùng từ nhầm lẫn, hoặc muốn nói đến một nhận xét của tác giả là người tài thường hay có những tính cách đó. Nhận xét này có thể đúng ở một số trường hợp nào đó nhưng lại không đúng ở nhiều trướng hợp khác.

Điều tôi muốn trao đổi chính ở đây là vấn đề tật của người tài mà tác giả nêu lên như một định mệnh, như một cấu trúc liên kết tự nhiên, có tính tất yếu.

Có phải tài bao giờ cũng đi liền với tật? Có phải thiếu tật thì không thể thành tài?

Tôi có thể nói ngày hoàn toàn không phải thế. Ai khái quát thực tế lên như vậy là sai hoặc chỉ đúng ở một vài trường hợp cá biệt nào đó.

Trên đời này, có không ít những tài năng đức độ vẹn toàn. Càng có tài con người càng nhận thức, một cách sáng sủa, đúng đắn những vấn đề trong các mối quan hệ, trong cách ứng xử trước mọi tình huống phức tạp, trong việc trau dồi nhân cách. Những người xuất chúng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng... những tri thức lớn như: Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Minh Giám, Phan Anh, Nguyễn Xiển... những tài năng chuyên ngành danh tiếng như: Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, Lương Định Của. Nguyễn Cảnh Toàn, Hoàng Tụy, Nguyễn Văn Hiệu, Võ Tuyên Hoàng... với phẩm chất toàn diện của mình, họ đã chứng minh rõ ràng tài cao phải đi đôi với đức trọng.

Trong cuộc sống thường nhật ta cũng đã từng thấy có những người tài rất dễ thương, dễ mến chứ không phải người tài nào cũng có nhiều đức tính dễ ghét. Quan niệm tài phải đi liền với tật là một định kiến, là một nhận định khập khiễng, là sự khái quát từ một tỷ lệ thực tế không nhiều.

Tài là biểu hiện nổi trội của năng lực, là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố ưu việt mà chủ yếu là gen giòng giống, ý chí rèn luyện và môi trường giáo dục sinh hoạt thuận lợi. Tài năng rất cần yếu tố thiên bẩm tốt, càng rất cần sự nỗ lực bản thân, sự tác động giáo dục hiệu lực, môi trướng sống và công tác thích hợp.

Tài năng không bắt nguồn từ những tính cách xấu. Không phải ai kiêu căng, khinh người là có tài, không phải ai có tài là tất yếu trở thành kẻ vô kỷ luật, kẻ lập dị. Tài và tật là hai phẩm chất không có cấu trúc liên kết tất yếu. Dĩ nhiên, tôi không hề phủ nhận, có một tỷ lệ nào đó người có tật kèm theo hoặc tài với tật kết với nhau. Đó là theo sự phát triển đa dạng của người tài. Có người thấy mình có tài càng muốn học tập vươn lên thêm. Song cũng có người thấy mình tài lại sinh ra thỏa mãn, chơi bời tắc trách. Những người tài thuộc loại 2 thường có 4 cái tật phổ biến:

1. Tự do, phớt nguyên tắc, thậm chí vô kỷ luật

2. Kiêu căng, chủ quan, coi thường mọi người, nhất là cán bộ quản lý kém tài.

3. Thẳng thắn quá mức, thậm chí thô bạo, cực đoan.

4. Thiếu kiên nhẫn, lơ đãng, trốn tránh nhiệm vụ.

Những tật này nhiều lúc hạn chế khá nhiều tác dụng và sự phát triển tài năng của người tài, đó là không nói đến trường hợp do có tật mà “tài đi liền với tai một vần".

Người tài mà có tật phải luôn luôn ý thức rằng những tật đó là cái xấu, là mặt đen tối trong phẩm chất của mình, cần phải được sửa chữa, cần phải được xóa bỏ. Đừng bao giờ coi đó là đặc tính tự nhiên của người tài, đừng yêu cầu mọi người phải chấp nhận những tật xấu đó của mình thì mình mới phát huy cái tài. Người tài mà càng khiêm tốn, càng tử tế, càng được mọi người kính nể, ngưỡng mộ, ảnh hưởng càng lớn, tên tuổi càng vang xa.

Những cán bộ quản lý cần tinh tế, bao dung và tế nhị trong việc đối xử với những tật xấu của người tài để thực sự giúp họ rèn luyện có hiệu quả đạo đức mà tài năng không bị thui chột. Thành kiến, vô hiệu hóa. thậm chí truy trù, diệt những người có tài có tật là phũ phàng, là có tội với lịch sử, với đất nước. Phải nhìn con người trong trạng thái động, trong sự tiến hóa của xã hội, cho rằng người tài mà có tật là vứt đi, không làm nên cơm cháo gì cũng là một quan niệm phiến diện, lệch lạc, không hợp với tính chất của thời đại.

Song không phải ai có tật đều có tài. Tật không phải là dấu hiệu của tài. Tật vẫn là tật. Tật không phải do tài tạo ra. Trên thực tế, những người lắm tật mà không có tài vẫn nhiều. Thậm chí những người lắm tật thường bị hạn chế rất nhiều kết quả trong học tập trau dồi tài năng.

Rõ ràng phải phân biệt tinh tế giữa tài và tật, phải hiểu đầy đủ nội hàm độc lập của nó và mối quan hệ giữa chúng với nhau. Điều kỳ diệu của người lãnh đạo, của cộng đồng là sử dụng được, phát huy được tài mà không khuyến khích tật, hạn chế tật, xóa bỏ tật mà không bóp chết tài.

Nguồn: Tạp chí Trí tuệ

Không có nhận xét nào: