Thứ Tư, 10 tháng 12, 2014

QUẢNG BÌNH

Quảng Bình phía Bắc giáp Hà Tỉnh, phía Nam giáp Quảng Trị, phía Tây giáp Lào, phía Đông giáp biển. Địa hình tỉnh khá phức tạp. Phần lớn dải Trường Sơn chạy ra gần sát biển tạo thành độ dốc cao dần từ Đông sang Tây. Đồng bằng nhỏ hẹp, có nhiều sông suối, độ dốc lớn lại ngắn. Bờ biển dài trên 110 cây số, phần lớn là đồi cát trắng.

Quảng Bình là vùng đất có nhiều phong cảnh đẹp, làm xúc động lòng người. Khi qua đèo Ngang, Bà Huyện Thanh Quan phải thốt lên:

Bước tới đèo Ngang bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi tiều vài chú,
Lác đác bên sông chợ mấy nhà...

Quảng Bình trải qua các cuộc chiến tranh, hầu hết các công trình văn hoá đều bị phá huỷ, như thành Đồng Hới nay chỉ còn là vết tích, Luỹ thầy cũng chung số phận. Cổng Quảng Bình Quan tuy nay đã được dựng lại, nhưng trước đó nó đã bị nát vụng dưới bơm đạn của chiến tranh.

Ngày nay, Quảng Bình có động Phong Nha - Kẻ Bàng, một di sản nổi tiếng thế giới được UNESCO đưa vào danh sách Di sản của nhân loại năm 2003.

Chúng ta lần lượt ghé thăm một vài thắng cảnh đẹp của Quảng Bình:

1. Động Phong Nha - Kẻ Bàng


Phong Nha - Kẻ Bàng nằm phía Tây Bắc tỉnh Quảng Bình, gần biên giới Việt - Lào, cách thành phố Đồng Hới khoảng 50 cây số về hướng Tây Bắc. Du khách đi thăm động từ trong Nam ra hay ngoài Bắc vào đều theo quốc lộ 1A đến ngã ba Hoàn Lão, đi ngược lên phía Tây tới xã Sơn Trạch. Sau đó, đi thuyền ngược sông Son khoảng 30 phút sẽ đến động.

Đây là thuỷ động lớn với dòng sông ngầm dài gần 14 cây số. Khi chạy ra khỏi động, nó trở thành dòng sông Son. Dòng nước ngầm này không bao giờ cạn, chiều sâu trung bình từ 6 đến 10 mét, có chỗ sâu đến 83 mét. Về khởi nguồn của dòng sông ngầm, cho tới nay chưa có nhà khoa học nào tìm ra.

Theo sách "Đại Nam Nhất thống chí" gọi động Phong Nha là động Thần Tiên. Các triều đại phong kiến Việt Nam đã phong thần cho động Phong Nha là Hiển Linh"; đến đời Minh Mạng sắc phong là "Diệu ứng chi thần" (1824).

Phong Nha đã từng được các nhà thám hiểm suy tôn là " Đông Dương đệ nhất động". Động Phong Nha được hình thành từ xa xưa nhưng còn mang vẽ hoang sơ đầy quyến rũ. Dáng hình động vẫn còn giữ nguyên vẹn. Hang có nhiều nhũ đá tuyệt đẹp, màu cẩm thạch, vòm hang rộng... Đây là di sản thiên nhiên của thế giới.

2. Đèo Ngang


Đèo Ngang còn được gọi là Hoành Sơn. Trước khi Nguyễn Hoàng xin chúa Trịnh vào trấn ở đất Thuận Hoá, đã yết kiến Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và được sấm truyền: "Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân". 

Hoành Sơn - Đèo Ngang nằm ở cực Bắc tỉnh Quảng Bình, trên trục quốc lộ 1A, trước đây là đường thiên lý Bắc - Nam, cách thành phố Đồng Hới 80 cây số. Đèo Ngang là một nhánh của dảy Trường Sơn chạy đâm ra biển. Đường đèo, quanh co, uốn khúc qua nhiều sườn đồi, một bên là vực thẳm, một bên là núi cao. Đi trên Đèo Ngang, du khách có cảm giác như bồng bềnh giữa các mỏm núi đá Hoa Cương. Sự quanh co, khúc khuỷu này dễ gây tai nạn giao thông. Để tránh nguy hiểm đã có đường hầm xuyên núi (từ năm 2004).

Đứng trên đỉnh đèo nơi có Hoành Sơn quan, địa giới giữa Quảng Bình - Hà Tỉnh, du khách sẽ thưởng ngoạn một màu xanh bạt ngàn của Trường Sơn hùng vĩ cùng với biển cả mênh mông với những hòn đảo xa mờ luôn hướng về đất mẹ. 

3. Sông Gianh


Sông Giang bắt nguồn từ Khe Nẹt, chạy từ cao nguyên đá vôi Kẻ Bàng xuống, là nơi hợp lưu của ba nguồn nước: một từ nguồn núi Hương Sơn (Hà Tỉnh), một từ nguồn núi Kim Linh và một từ núi An Náu, dài 158 km. Dòng sông chạy qua vùng núi đá vôi nên đã tạo ra những hang động đẹp như hang Minh Cầm, động Lạc Sơn...

Sông Giang, con sông lịch sử từng một thời phân ly..., giờ đã có chiếc cầu hiện đại lồng lộng bắc qua sông nối liền Bắc Nam.

4. Bãi tắm Đá Nhảy



Bãi nằm sát đường quốc lộ 1A, dưới chân đèo Lý Hoà, cách thành phố Đồng Hới 24 km về phía Nam, cách Đèo Ngang 50 km về phía Bắc. Đó là những đảo đá nhỏ nhấp nhô trên sóng nước gần bờ. Đi giữa hàng trăm đảo đá lớn nhỏ, mỗi hòn mỗi vẽ, ta có cảm giác như đi vào thế giới động vật trải qua hàng triệu năm hoá đá. 

Hoàng Lạc (tổng hợp)
Ảnh: Internet

Không có nhận xét nào: