Họ có đôi bàn chân kỳ dị, to và cong, ngón cái chìa ra như càng cua. Cấu trúc đặc biệt của đôi bàn chân đó đã làm cho những người này gặp không ít khó khăn trong sinh hoạt thường ngày nhất là những lần muốn đi đâu mà phải... xỏ dép. Ở xã Thanh Hưng, huyện Thanh Chương (Nghệ An) mọi người vẫn gọi họ là những người... Việt cổ hay những người Giao Chỉ.
Tập đi dép cả tháng để... cưới con
Người đầu tiên có “bàn chân Giao Chỉ” mà chúng tôi tìm gặp là ông Nguyễn Cảnh Thanh ở xóm 10, xã Thanh Hưng. Ông Thanh năm nay đã ở vào tuổi 75 nhưng trông ông vẫn còn khỏe lắm. Nhà ông Thanh có đông con nhưng các con đều đã lập gia đình và ở riêng, chỉ có hai ông bà già ở với nhau. Ở cái tuổi đáng ra phải được nghỉ ngơi từ lâu nhưng sức khỏe còn rất dồi dào nên mình ông Thanh vẫn làm ra cả tấn thóc mỗi mùa.
Ông bảo, ông chỉ cần mỗi người vợ làm phụ tá, còn việc đồng ruộng ông ..."chấp" cả thanh niên. Hỏi về bí quyết để có sức khỏe dẻo dai như vậy ông Thanh chỉ ngay xuống đôi bàn chân “càng cua” của mình: “Tui (tôi) khỏe hơn người nhờ sự khác người đó. Không chỉ có tui mà cả ba anh em nhà này đều dư thừa sức khoẻ. Ở đây ai cũng nói người có bàn chân Giao Chỉ thì sức khỏe vô biên và tui thấy đúng như rứa (như thế)”.
Ông Thanh kể, bố ông là ông Nguyễn Cảnh Niên có đôi bàn chân còn kỳ dị hơn ông nhiều. Bàn chân ông Niên cong đến mức không đi được dép. Cũng vì thế ông Niên rất hiếm khi đi đâu bởi với đôi chân trần ông rất ngại gặp gỡ mọi người. Điều lạ là trong mấy anh em chỉ mỗi mình ông Niên có đôi bàn chân như vậy còn những người còn lại hoàn toàn bình thường. Bố ông sinh được bốn người con, ba trai một gái thì ba người con trai đều có đôi bàn chân Giao Chỉ, còn người con gái lại không.
Ông Thanh và bà Nhị có đôi bàn chân "giao chỉ" như nhau
Trong ba anh em thì ông Thanh là “tiêu biểu” nhất. Ngày bé do ở vùng quê miền núi nên trẻ nhỏ ít khi dùng đến dép. Và ông Thanh cho rằng cũng vì không được “uốn nắn” từ bé nên sau này khi đã đến tuổi trưởng thành thì ông không có cách nào để thay đổi được nữa. Chẳng có loại dép nào ông đi được, thuở thiếu thời ông chung tình với dép cao su to “khủng bố” do tự ông “sáng chế” nhưng cũng chỉ là những lúc thật cần thiết còn bình thường ông cũng hiếm khi sử dụng đến.
Kỷ niệm ông Thanh không bao giờ quên đó là lần người con trai trưởng lập gia đình ở tận thủ đô Hà Nội. Để chuẩn bị cho chuyến đi đó ông đã phải tập luyện đi dép cả tháng trời. Khỏi nói ông đã phải chịu đau đớn thế nào nhưng cũng chính từ lần “huấn luyện” quy củ đó ông đã dễ dàng hơn mỗi khi đi đâu cần phải đi dép. Nói vậy nhưng mỗi lần xỏ chân vào dép ngón cái vẫn không chịu nằm yên mà cứ “bò” ra đất. Cố đưa ngón cái lên thì ngón út lại rơi xuống. Ông Thanh nói đùa rằng “kẻ thù mà tui ghét nhất là dép”. Hôm chúng tôi đến ông Thanh đã lục lọi mãi mới tìm được đôi dép để đi vào tiếp khách. Ông đã bỏ rơi nó vì lâu nay ông không có dịp đi đâu nên cũng chẳng sử dụng đến. Thế nhưng, vừa xỏ vào một lúc ông đã gãi đầu gãi tai vì khó chịu và cuối cùng ông phải bỏ ra rồi phân bua: “Thông cảm cho tui đi đất nhé, nói là đi dép nhưng... mấy ngón vẫn ở dưới đất mà”.
Ông Thanh rất tự hào với đôi bàn chân có ngón giao nhau |
Sẽ hết “chân Giao Chỉ”
Ở xã Thanh Hưng không chỉ có duy nhất gia đình ông Thanh có nhiều người có bàn chân Giao Chỉ. Ông Thanh đã dẫn chúng tôi đi thăm rất nhiều người cũng có đôi bàn chân tương tự như bà Nguyễn Thị Nhị ở xóm 9. Gia đình này chỉ có bà Nhị và một người chị cùng ông cụ thân sinh là có đôi bàn chân đặc biệt như vậy. Bà Nhị năm nay đã ở vào tuổi 87, vẫn rất khoẻ mạnh. Con cái đi thoát ly, bà ở một mình vẫn tự cơm nước. Chợ ở xa nhà đến 2km nhưng ngày nào bà vẫn cuốc bộ đi đều đặn.
Ở địa phương này, còn có thể kể tên những người có “bàn chân Giao Chỉ” như: ông Tợi, bà Hiếu, ông Tâm... Những người này có điểm chung nữa là đều có họ hàng gần xa với ông Thanh.
Một điều chúng tôi dễ nhận thấy ở những người có bàn chân “khác người” là họ rất lạc quan, ngoại trừ những lúc phải... xỏ dép. Họ cho rằng may mắn mới có được đôi bàn chân như vậy vì “chân Giao Chỉ” thì tuyệt nhiên ai cũng khỏe mạnh và sống rất thọ. Ông Nguyễn Cảnh Minh, em trai ông Thanh trước đây từng bị voi rừng tấn công, ông Minh cho rằng với một người có sức khoẻ bình thường thì không còn cơ hội sống sót. Con voi hung dữ đã “bốc” ông lên rồi ném từ trên đỉnh núi xuống thế mà ông vẫn thoát chết.
Ở xã Thanh Hưng, người họ Nguyễn Cảnh chiếm đa số và đã có thời dòng họ này đã trở lên nổi tiếng nhờ có nhiều “người Giao Chỉ”. Theo thống kê của chính ông Thanh thì những ai có bàn chân như ông đều vượt qua tuổi “bát tuần”. Hiện nay, lớp trẻ không còn thấy xuất hiện bàn chân “càng cua” này nữa. Ngay như ông Thanh, tất cả các người con sinh ra đều có bàn chân bình thường. Ông Thanh cho rằng con ông không có đôi bàn chân giống bố là do được đi dép từ tấm bé, lúc đó xương còn uốn nắn được nên bàn chân thẳng mà không bị cong. Ông Thanh nhận định rằng, lứa tuổi như ông mất đi thì ở đây cũng sẽ hết người có “chân Giao Chỉ”.
PGS.TS Nguyễn Lân Cường:
Chân Giao Chỉ có hai ngón cái toạc ra hướng về nhau. Ở trong trường hợp này chỉ có ở một vùng và có tính chất họ hàng có bàn chân như vậy. Một phần có thể do những người này sống ở vùng miền núi thường xuyên đi đất. Khi đường trơn ngón chân phải choãi ra để chống trơn từ đó thành Chân Giao Chỉ. Điều này có thể thấy là các đời sau không có bàn chân như vậy nữa mà chỉ gặp ở những trường hợp người cao tuổi. Cũng có thể do gen di truyền nhưng gen đời sau lặn nên không còn bàn chân Giao Chỉ nữa.
Theo Cảnh Dũng
Nguồn: ĐPTB
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét