Thứ Hai, 25 tháng 7, 2016

PHẬT GIÁO VỚI THIÊN NHIÊN

Phật giáo là một trong những tôn giáo lớn trên thế giới quan tâm nhiều đến thiên nhiên. Những sự kiện mang dấu ấn lớn trong cuộc đời của đức Phật Thích Ca Mâu Ni đều gắn liền với thiên nhiên: đản sinh dưới cây Sa la, thành đạo dưới cội Bồ đề, thuyết pháp trong rừng cây, nhập Niết bàn giữa hai cây Sa la.

1. Đức Phật trong lòng thiên nhiên

Đản Sinh 

Hoa Sa la
Sự kiện có ý nghĩa nhất là việc ra đời của thái tử Tất Đạt Đa. Đức Bồ Tát đản sinh tại Kapilavatthu, xứ Nepal ngày nay dưới một vườn cây đầy hoa thơm và tiếng chim… trong công viên Lumbini xinh đẹp. Thân mẫu của Ngài, Hoàng Hậu Maya, khi ấy đang cùng với đoàn tùy tùng trên đường về quê nhà để sinh nở. Bà dừng nghỉ dưới gốc cây Sa la; cây liền nghiêng mình cho bà vịn. Hoàng Hậu vừa vịn cây thì cậu bé Tất Đạt Đa ra đời. 

Thiền định 

Một hôm, theo truyền thống hoàng gia, nhà vua phải thực hiện lễ cày đất ở ngoại thành Kapilavtthu. Siddharta được đi theo cha. Cậu ngồi nhìn buổi lễ dưới một gốc cây Jambupikkha, hay còn gọi là cây Jambolan.

Cây Jambolan
Câu chuyện được tả rất thi vị:
"Cây được phú những nhánh sum suê như rặng núi Indanil với tàng toả rộng một khoảng im mát... Trái tim trong sáng của Thái tử được phú một khả năng thành Phật trong tương lai, đã chuyển sang trạng thái tĩnh lặng và đi vào Định (samadhi) một cách tự nhiên, đó là trạng thái Sơ Thiền (jhana). Xế trưa, khi lễ cày đất đã hoàn mãn, thị vệ chạy tìm Thái tử, họ đã nhìn thấy bóng cây Jambolan mà Thái tử ngồi bên dưới vẫn còn dừng lại ở vị trí của lúc chính Ngọ chứ không dịch đi theo sự chuyển vận của mặt trời.”

Thành đạo 

Bắt đầu xuất gia, đầu tiên Ngài đến với năm vị Kiều Trần Như ở vườn Lộc Uyển. Cảnh sắc thiên nhiên ở đây đẹp, cây cao bóng mát và nền cỏ xanh tươi lại có cả loài Nai hiền lành. Sau đó, Ngài rời khỏi Lộc Uyển đi về phía sông Ni Liên Thuyền, con sông đầu tiên được ghi vào kinh Phật. Ngài ngồi dưới gốc cây Nigroda để tĩnh tọa. Khi chiều đến, Ngài rời chổ ngồi đi về núi Tượng Đầu, tên núi này cũng được ghi vào kinh. Trên đường đi, Ngài được Sothiya, người cắt cỏ dâng tám nắm cỏ thơm kusaggena. Ngài cầm mấy nắm cỏ đi sâu vào Tượng Đầu sơn, chọn một gốc cây Lớn, trải cỏ làm tọa cụ, ngồi Thiền định.

Cây Lớn ấy là cây Pippala, tức cây Bồ đề. Sau 49 ngày thiền định, Ngài phát minh ra được định luật Mười hai nhân duyên là nguồn gốc của mọi thống khổ và tìm ra con đường diệt khổ là Bát Chánh đạo. Lúc đó, trên đầu Ngài, trời yên, gió lặng, sao mai mọc long lanh sáng rực phía chân trời phương Đông và thái tử Tất Đạt Đa đã đắc ngộ Chánh giác.

Từ tòa giác ngộ, đức Phật đứng dậy, quay lại trìu mến nhìn cây Lớn trong một thời gian rất lâu tỏ ý biết ơn cây Lớn đã góp phần vào việc giác ngộ của Ngài. Cây Pippala sau này đã trở thành thánh tích của nhân loại suốt 25 thế kỷ qua.

Thuyết pháp 

49 năm thuyết pháp, Đức Phật đã an cư kiết hạ trong lòng thiên nhiên. Nhiều hạ Ngài đã ở dưới cây Lớn trong rừng và trên tảng đá hoặc ở các vườn cây có tịnh xá như vườn Lộc Uyển, Trúc Lâm, đồi Makuna (xứ Kosambi) gần Magadha, rừng Bhesacala xứ Sumaradira, rừng Parileyyaka gần Kosambi... Có năm vì sự tranh cãi giữa hai phái Tăng sĩ, hòa giải không được, Phật đã phải bỏ đi an cư một mình dưới cây Sa la.

Về hoa, kinh Pháp Cú có cả một phẩm gọi là Phẩm Hoa (Puphavaggo) trong đó có các câu vừa gần với đời sống vừa bao hàm triết lý đạo đức qua dụ ngôn bằng các loài hoa thật tuyệt vời. Các kinh khác thì ta gặp loài hoa Mạn Đà La, hoa Ưu Đàm, hoa Chiên Đàn, hoa Sen vàng, Sen xanh, Sen đỏ, Sen trắng (Kinh A-di- đà). Một bộ kinh siêu việt cả về nội dung triết lý lẫn văn chương đã mang tên loài hoa sen, là bộ Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. 

Quả (Trái) cũng được đức Phật lấy làm dụ ngôn để dạy đệ tử. Kinh Pháp Cú có câu: "Trái hồ lô (tức là trái bầu của ta) về mùa thu thì rụng, thân này cũng vậy, rốt cuộc chỉ còn một đống xương màu lông hạt, rõ thật chẳng có gì vui" (149 phẩm Già). Trong hai đoạn kệ cuối 108 vấn đề của Bồ tát Đại Huệ hỏi đức Phật ở kinh Lăng Già có nói đến các loại quả ở rừng Thi La có hình thù kỳ quặc và loại quả Ha-lê-a-ma-lặc v.v…

Đến cả thảo mộc cũng được lấy làm ví dụ để hỏi các vị Tỳ kheo thì cũng nhiều; ngoài cây Bồ đề nổi danh vừa thực lại vừa làm dụ ngôn để chỉ giáo pháp giác ngộ, Phật có nói đến cây Ma-la-phạm. Cây này được Phật viện dẫn để dụ cho sự phá giới làm hại đời tu hành bởi vì Ma-la-phạm là một loại dây leo như bìm bìm thường leo quấn quanh cây Sa la một loại cây lừng danh trong kinh Phật. Lại thấy có nói đến cây Kattha một loại cây lau, hễ ra hoa, kết trái rồi là chết; còn cỏ thì được nói nhiều trong kinh Pháp Cú.

Đến động vật nhỏ như vi trùng trong câu chuyện bát nước uống, cho đến muỗi mòng (Kinh Viên giác), đến con rắn, con chuột, đến động vật lớn thường nuôi như con heo (Pháp Cú câu 325), con la (câu 322), con bò (câu 284), con trâu (Kinh 42 chương), con ngựa… Đến như thú hoang trong rừng rậm hoặc ngoài bãi biển cũng đã được Phật lấy làm ví dụ trong các thời Pháp của Ngài. Rùa, thỏ, khỉ, vượn đã được nói đến trong nhiều kinh; nai (Kinh Lăng già, ví dụ bầy nai khát nước), voi, kinh Pháp Cú cũng đã có một phẩm gọi là phẩm Voi... 

Về khoáng vật và kim loại thì có vàng, bạc, các thứ ngọc quí như lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách đều có nói đến trong kinh Di đà. Kinh Viên Giác, có nói đến việc lọc quặng vàng để lấy vàng ròng… dụ ngôn cho Phật tính trong tâm chúng sanh. Nhất là nói đến kinh Kim cương: kim cương, thế gian gọi là “hạt soàn”, là một thứ quí nhất trần gian, vì cái ánh sáng óng ánh kỳ diệu của nó và nhất là vì nó cứng không gì địch nổi. Kim cương không phải là khoáng vật, không phải là kim loại mà là chất than đá kết tinh. Kim cương cứng không gì phá nổi, nhưng nó lại cắt được chất thủy tinh không để chất này tự nứt vỡ tùy tiện theo bản chất của nó. Một bộ kinh tối thượng thừa, nhờ đó mà Lục Tổ Huệ Năng đắc đạo, đã mang tên chất kim cương này, đó là bộ kinh Kim Cương , một trong bộ kinh chính yếu của Thiền tông.

Đến những hiện tượng của thiên nhiên như bầu trời, trăng sao, mây, gió, ban ngày, ban đêm đều được Phật dùng để dụ ngôn nói Pháp cho đệ tử. Nhất là trăng. Phật đã nói: “Giáo pháp của ta như ngón tay chỉ mặt trăng, chớ lầm ngón tay là mặt trăng”. Trong Pháp Cú câu 382, Phật đã dùng mặt trăng ra khỏi mây mù để dụ cho vị Tỳ kheo trẻ tuổi mà siêng tu giáo pháp Phật đà. Mặt trời chiếu sáng ban ngày, mặt trăng chiếu sáng ban đêm cũng đã được Phật nói đến; trên mặt đất thì sông, suối, lạch ao, hồ, đầm, núi, tuyết, đá cát đã được Phật nói đến rất nhiều lần. Nhất là “cát sông Hằng” là dụ ngôn quá quen thuộc với hàng Phật tử: "nhiều như cát sông Hằng".

“Này A Nan cùng tột tầm mắt thấy của ông ngó lên thì thấy mặt trời, mặt trăng, đó là vật chứ không phải là ông, xem rộng ra, núi sông, cây cối, cỏ hoa, người, thú, cho đến gió, bụi, chim chóc cũng đều là vật chứ không phải là ông” (Kinh Thủ lăng Nghiêm). Đây là một trong bảy lần Phật viện dẫn môi trường thiên nhiên quanh ông A Nan để phá tan cái tâm lầm chấp của ông A Nan. 

Nhập Niết Bàn 

Sau khi đã làm xong những việc đã làm, đức Phật đến thành Câu Thi Na, Ngài nằm nghỉ trong rừng, giữa hai gốc cây Sa la, an tường viên tịch. Cũng giống như lần trước, Ngài giáng thế dưới cội cây Sa la, lần này cũng vậy, Ngài nhập Niết bàn giữa hai cây Sa la. Trong kinh kể rằng: lúc này rừng cây buồn bã, lá ngã màu, thân cành cong gãy như con người không khác, đau buồn không kiềm chế được.

Nhìn vào cuộc đời đức Phật, nét nổi bật chúng ta có thể thấy ngay: Ngài đản sanh dưới cây Sa la trong vườn Lâm-tỳ-ni. Ra đời, Ngài hòa nhập với hoa lá, lớn lên rời bỏ cung vàng điện ngọc đi tìm đạo và sau khi tắm mát dưới sông Ni Liên Thuyền, Ngài tĩnh tọa trên thảm cỏ dưới gốc cây Bồ đề và phát lời đại nguyện: “Dù thịt tan xương mục nếu không tìm được đạo giải thoát quyết không rời nơi này”. Ngài thiền định 49 ngày đêm và thành đạo. Sau khi thành Chánh giác, đức Phật đi giáo hóa khắp nơi suốt 49 năm, điểm thuyết giáo đầu tiên là vườn Lộc Uyển, điểm dừng chân cuối cùng là dưới hai cây Sa la để nhập Niết bàn. Như vậy:

Đức Phật sinh ra dưới cây.
Thiền định dưới cây.
Thành đạo dưới cây.
Thuyết pháp dưới cây.
Cuối cùng nhập diệt cũng dưới cây.

2. Phật giáo với thiên nhiên

Qua kinh điển, chúng ta thấy: Đức Phật và Tăng chúng đệ tử tu hành và sinh hoạt trên đất nước Ấn Độ cây cối xanh tươi, rừng phủ dày đặc. Những tịnh xá mà chư Tăng sinh sống bốn bề là rừng cây sum xuê. Đời sống của người xuất gia lúc bấy giờ là sống trong rừng xanh, kết am tranh, hay ngồi thiền trên những thảm cỏ. Chư Tăng mỗi ngày ngồi thiền và đi kinh hành quanh khu rừng vắng, chỉ có lúc đi khất thực mới rời rừng vào thôn làng hóa đạo. Thọ thực xong, chư Tăng thuyết pháp cho Phật tử và tín đồ, rồi lại trở về tịnh xá trong rừng vắng tiếp tục công việc tu hành. Đối với người xuất gia, việc tu tập sinh sống ở nơi phố phường là một trở ngại. Họ làm bạn với thiên nhiên cỏ cây, mây nước, ở nơi u tịch vắng lặng.

Con người trong từng giây, từng phút, từng giờ, từng ngày, nhờ hít thở không khí mà sống, nếu thiếu không khí thì vạn vật đều bị hủy diệt. Không khí trong lành, con người sống khỏe mạnh trường thọ. Không khí ô nhiễm, con người bị đau yếu, bệnh tật. Không khí, cảnh vật tạo nên môi trường sống. Vì vậy, môi trường chung quanh rất quan trọng đối với đời sống con người và tu sĩ Phật giáo.

Quan niệm sống của người phương Đông xa xưa rất chú trọng đến vấn đề này. Người Tây phương do tiến bộ khoa học kỉ thuật, đời sống thiên về vật chất, hầu như xem nhẹ vấn đề này, và bây giờ khi vỡ lẽ thì đã đến lúc khó cứu vãn mới la lên: cứu thiên nhiên như cứu lửa.

Hiện nay, nhân loại đang phải chịu đựng những biến chuyển bất thường tai hại do chính con người tạo ra làm hủy diệt môi trường, ô nhiễm môi sinh, chặt phá cây rừng, đốt rừng làm rẫy, khai thác cây gỗ, đất đá, nước ngầm một cách bừa bãi dẫn đến hậu quả lũ lụt, hạn hán, bão tố, sóng thần, động đất đe dọa đời sống của nhân loại.

Người Phật tử ý thức điều này, từ xưa đến nay thích sống gần với thiên nhiên, coi trọng thiên nhiên, dựa vào thiên nhiên để tạo một cuộc sống tốt, hòa nhập với thiên nhiên trong mọi sinh hoạt để nâng cao đời sống tâm linh, hướng thượng và thánh thiện.

Hiện nay, không gian các ngôi chùa ở thành phố chật hẹp, lầu cao, người ở đông đúc, nên các vị tu sĩ đã tìm cách tạo một không gian thiên nhiên nho nhỏ để hít thở sáng chiều, dù không thay được cái thi vị đậm đà của hương đồng cỏ nội nhưng cũng nhẹ bớt phần nào cái tù túng của sắt, thép, bê tông.

Trong cuộc sống văn minh hiện nay, con người đang quan tâm, đang nỗ lực bồi đắp trả lại những gì đã cướp mất của thiên nhiên nhưng chưa thấm vào đâu so với những gì mà con người đã phá hoại! Song, có còn hơn không; nơi nào còn và có thì cố gắng bảo tồn, nơi nào chưa hay không có cũng tìm cách tạo nên cho có. Các công viên trong thành phố, các bồn hoa được chăm sóc chu đáo, chính là để giảm bớt sự nặng nề, khô khan của nhà đúc, nhà xây, đường nhựa nóng bỏng, các nhà lầu cao tầng cũng cố tạo cho được một khoảng nhỏ không gian để trồng hoa, trồng cỏ. Trong phòng khách cũng trang trí cây cảnh, cỏ cây; thật thì tốt, không có thì cỏ cây giả, chậu giả cũng làm cho phòng khách thêm trang nhã dễ thương.

Các bệnh viện, trường học lại càng quan tâm hơn, cảnh trí mát mẻ xanh tươi khiến bệnh nhân nhanh chóng bình phục, việc dạy và học của thầy trò cũng có kết quả tốt hơn. Không lạ gì khi các bậc tiền bối trang trí trước nhà những hòn non bộ có suối reo, nước chảy, có cá lội, chim kêu; hoặc nơi giải trí, uống trà, ngâm thơ của các cụ nơi vườn tược cây cảnh, gọi là vui thú điền viên.

Trong cuộc sống, khi chúng ta đi qua một cánh đồng thơm mùi lúa chín, một ngọn đồi bướm lượn, ong bay, một dòng suối róc rách nước chảy, hay ven theo một dòng sông nước mát trong xanh, và nhìn lên đỉnh núi hùng vĩ vươn cao lòng chúng ta dạt dào tình yêu đất nước. Các nhà quân sự khi xung trận, sát khí đằng đằng nhưng khi đối diện với cảnh trí thiên nhiên thơ mộng thì lòng gợn lên một chút bâng khuâng làm dịu đi ánh mắt bốc lửa, hận thù, sân si. Đêm về, trên vọng gác giữa rừng sâu, các chiến sĩ thả lỏng tay súng để nhìn ngắm sao trời, lắng nghe tiếng gió thổi cành lá đong đưa, phảng phất hương rừng giữa ánh trăng lung linh huyền ảo mà vơi dần ân oán: "Đầu súng trăng treo". Như vậy, thiên nhiên rất cần thiết với con người, với cuộc sống của toàn nhân loại.

Phật dạy: “Tàn phá thiên nhiên là một tội ác”. Thiên nhiên giúp ta an tịnh tâm hồn, thiên nhiên giúp nhân loại có những vần thơ đẹp, những áng văn hay, những tác phẩm văn học bất hủ. Một con người chai đá đến đâu cũng có chút rung cảm nhè nhẹ trước cảnh sơn thủy hữu tình. Hơn ai hết, người Phật tử sống hòa nhập với thiên nhiên, cảm nhận trọn vẹn sự cần thiết của thiên nhiên, phải biết bảo vệ thiên nhiên, xem như là một bổn phận cao cả để xứng đáng làm người.

Ngài khuyên hàng tỷ kheo mỗi đêm ở dưới gốc cây không quá ba đêm, không được đổ đồ dơ và khạc nhổ trên cây cỏ. Đặc biệt trong thời hiện đại, trong khi tất cả chúng ta đang khủng hoảng trong việc tìm kiếm một giải pháp cho công cuộc bảo vệ môi sinh thì đức Phật đã dạy bài học này từ hơn hai ngàn năm trước trong bài pháp Duyên Khởi, không có sự tồn tại độc tôn giữa người với người, giữa người với động vật, giữa người với môi sinh. Vậy thì con người không được phép giết hại lẫn nhau bằng súng đạn chiến tranh, giết hại thú vật và phá hoại cây cối. Ngày nay, chúng ta đều nhận thấy rất rõ về tác hại mà con người chúng ta đã gây ra bằng hành động thiếu lương tâm với động vật và môi trường như thế nào. Nhiều tổ chức và các nhà khoa học trên thế giới đã báo động về hiện tượng diệt chủng các loài động vật, nạn chặt phá cây cối là nguyên nhân tạo ra sự mất cân bằng sinh thái, để lại một hậu quả nghiêm trọng dẫn đến nhiều thiên tai thường hay xảy ra gần đây. Vì vậy có rất nhiều tổ chức bảo vệ động vật và chống nạn khai thác rừng bừa bãi, rất đúng với tinh thần của Phật giáo.

3. Kết

Thiền viện trúc Lâm Đà Lạt
Trước đây, ngôi chùa Phật giáo bao giờ cũng được xây cất trên sườn đồi, trong rừng sâu hay trên một gò cao miền hoang dã của đồng quê ruộng nước; chùa có phong cảnh màu xanh của thiên nhiên hoa lá giúp cho vị sư dễ dàng thể nghiệm các lời dạy của Phật và góp phần làm cho tinh thần của người viếng chùa bình an.

Cây lá trong vườn chùa hút khí CO2 và nhả khí Oxy làm mát dịu cả một vùng rộng lớn, cung cấp nguồn sống cho con người. Con người cần khí Oxy nhưng các thành phố đầy bụi bặm, tiếng ồn và không khí ô nhiễm làm cho con người khó thở. Cây còn cung cấp nguyên khí làm tăng sinh lực và trí tuệ cho con người. Cho nên, nếu phá hủy hết môi trường sinh thái, thiên nhiên, con người sẽ trở thành trơ trụi, cuồng loạn, sẽ trở thành kẻ tội phạm bạo hành như các xã hội kỹ nghệ đang lâm phải. Việc phá hủy cả một vùng thiên nhiên rộng lớn để xây lên những ngôi chùa "building” như hiện nay là chưa hợp với giáo pháp của đức Phật.

Đạo Phật đã thấm vào nếp sống của người Việt, tạo nên một nền văn hoá nhân hậu, có tình với thiên nhiên và cây cỏ. Liệu rằng với đà phát triển kinh tế và khoa học kỷ thuật như hiện nay, con người có sống gần gũi, thương yêu và tôn trọng thiên nhiên và cỏ cây nữa hay không? Tiêu thụ ít lại, sống giản dị hơn để con cháu chúng ta và các loài khác còn sinh môi để sống. Bà Mẹ thiên nhiên đã lên tiếng nhắc nhở chúng ta rồi!

Hoàng Lạc
Ảnh và tư liệu: Internet

Không có nhận xét nào: