Thứ Hai, 10 tháng 11, 2014

SÀI GÒN - TP. HỒ CHÍ MINH

Sài Gòn cổ xưa được thành lập từ năm 1623, nhưng tới năm 1698, Chúa Nguyễn mới cử Thống soái Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược đất Phương Nam, khai sinh ra thành phố Sài Gòn. Năm 1911, Sài Gòn là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại ra đi tìm đường cứu nước. Khi đất nước thống nhất, Quốc Hội khoá VI họp ngày 2.7.1976 đã chính thức đổi tên Sài Gòn là thành phố Hồ Chí Minh.

Được hoàn thành vào năm 1909, tòa nhà là nơi làm việc của Hội đồng thị xã 

Bến Nhà Rồng xây dựng ngày 4-3-1863 

Nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chi nhánh TP Hồ Chí Minh 

Thành phố Hồ Chí Minh nằm trong vùng chuyển tiếp giữa miền Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Phía Bắc giáp tỉnh Bình Dương, Tây Bắc giáp tỉnh Tây Ninh, Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Đồng Nai, Đông Nam giáp tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, Tây và Tây Nam giáp tỉnh Long An và Tiền Giang. Thành phố Hồ Chí Minh cách thủ đô Hà Nội gần 1.730km đường bộ, nằm ở ngã tư quốc tế giữa các con đường hàng hải từ Bắc xuống Nam, từ Ðông sang Tây, là tâm điểm của khu vực Đông Nam Á. Trung tâm thành phố cách bờ biển Đông 50 km đường chim bay. 

Những năm 60 vùng đất hai bên cầu Sài Gòn vẫn còn hoang hóa 

Nay, hai bên cầu Sài Gòn trở thành một đô thị hiện đại, sầm uất. 

Thành phố Hồ Chí Minh có 19 quận (1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 - Thủ Thiêm, 10, 11, 12, Bình Tân, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức) và 5 huyện (Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè), tổng diện tích 2.095,01 km². Theo kết quả điều tra dân số chính thức vào thời điểm 0 giờ ngày 1 tháng 4 năm 2009 thì dân số thành phố là 7.162.864 người (chiếm 8,34% dân số Việt Nam), mật độ trung bình 3.419 người/km². Đến ngày 1/4/2010 theo số liệu của Tổng cục Thống kê, dân số thành phố tăng lên 7.382.287 người. Tuy nhiên nếu tính những người cư trú không đăng ký thì dân số thực tế của thành phố vượt trên 8 triệu người. 

Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay là một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam.

Trước 1975, người dân sống dọc kênh, rạch gọi là các khu "ổ chuột" 

Được cải tạo 2 bên bờ, tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp. 

1. Giáo dục 

Hệ thống các trường từ bậc mầm non tới trung học trải đều khắp thành phố. Trong khi đó, những cơ sở xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tập trung chủ yếu vào bốn huyện ngoại thành Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ. Các trường ngoại ngữ ở Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ giảng dạy những ngôn ngữ phổ biến mà còn một trường dạy quốc tế ngữ, một trường dạy Hán Nôm, bốn trường dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay cũng có 40 trường quốc tế do các lãnh sự quán, công ty giáo dục đầu tư.

Bưu điện TP Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng năm 1886 

Hiện nay là một trong những địa điểm được du khách đến tham quan 

Giáo dục bậc đại học, trên địa bàn thành phố có trên 80 trường, đa số do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, trong đó chỉ có 2 trường đại học công lập (Trường đại học Sài Gòn và Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) do thành phố quản lý. Là thành phố lớn nhất Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh cũng là trung tâm giáo dục bậc đại học lớn bậc nhất, cùng với Hà Nội. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh với 6 trường đại học thành viên. Nhiều đại học lớn khác của thành phố như Đại học Kiến trúc, Đại học Y Dược, Đại học Ngân hàng, Đại học Luật, Đại học Kinh tế... đều là các đại học quan trọng của Việt Nam. Trong số học sinh, sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng của thành phố, 40% đến từ các tỉnh khác của quốc gia.

Khách sạn Continental xây dựng năm 1878, cạnh Nhà hát thành phố. 

Hiện nay, khách sạn Continental đạt tiêu chuẩn 4 sao. 

2. Giao thông vận tải 

Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một đầu mối giao thông quan trọng của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Khác với Hà Nội, vận tải thủy ở Thành phố Hồ Chí Minh chiếm một tỷ lệ quan trọng. Tính riêng vận tải hàng hóa, đường biển chiếm khoảng 29% và đường sông khoảng chiếm 20% tổng khối lượng thông qua đầu mối thành phố. Đường bộ chỉ chiếm 44% vận tải hàng hóa nhưng chiếm tới 85,6% vận tải hành khách. Về giao thông đường không, Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất là phi trường lớn nhất Việt Nam về cả diện tích và công suất nhà ga. 

Chợ Bến Thành Được xây dựng từ năm 1912 đến năm 1914 

Năm 1985, chợ được sửa lại nhưng vẫn giữ lại dáng vẻ xưa. 

3. Du lịch 

Do có vị trí địa lý thuận lợi, khí hậu ôn hoà, quanh năm hai mùa mưa nắng, cùng với lịch sử trên 300 năm đấu tranh quật khởi kiên cường chống ngoại xâm đã từng có tiếng vang trên thế giới, và nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc, thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành trung tâm du lịch của cả nước.

Dinh Độc Lập được kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế. 

Sau đó, được đổi tên là Dinh Thống Nhất 

Thành phố Hồ Chí Minh hấp dẫn du khách không chỉ vì có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hoá, công trình kiến trúc cổ mà còn thu hút du khách bởi văn hoá ẩm thực mang đậm nét Nam bộ. Là cửa ngõ của Đất phương Nam, ngay tại trung tâm thành phố, từ bến Bạch Đằng, du khách có thể xuống thuyền xuôi theo sông Sài gòn để được hoà mình với thiên nhiên bao la của sông nước, hướng về những làng nghề truyền thống, vườn cây ăn trái xum suê, vườn cây kiểng, chợ nổi trên sông hay khu du lịch sinh thái Cần Giờ - khu du lịch được UNESCO công nhận là "Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn" đầu tiên của Việt Nam… Thành phố còn là cửa ngõ đưa du khách đến với những địa danh nổi tiếng của cả khu vực phía Nam như: vùng nước nóng thiên nhiên Bình Châu, rừng nguyên sinh Nam Cát Tiên, vùng biển Mũi Né Bình Thuận, vùng ven biển Hà Tiên, Đà Lạt, đồng bằng sông Cửu Long nổi tiếng với những vựa lúa, vườn cây trái, rừng ngập mặn, rừng tràm, đồng bưng và nhiều loại đặc sản quý hiếm.

Nhà hát thành phố được xây dựng từ năm 1898, với 1.800 chỗ 

Ngày nay được tổ chức biểu diễn sân khấu, các buổi mít tinh... 

Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố ngập tràn ánh nắng, chói chang trên khắp phố phường, lung linh trên những dòng sông uốn lượn, với những nụ cười và ánh mắt thân thiện của người dân Sài Gòn – thành Phố Hồ Chí Minh, những con người đã làm nên truyền thống vẻ vang của mình với vẻ đẹp của “cốt cách văn hoá phương Nam” : yêu nước, thương nòi; đoàn kết thống nhất, kiên cường trong đấu tranh dựng nước và giữ nước; coi trọng nhân nghĩa; biết hội nhập văn hoá để phát triển… đã trở thành "Ðiểm đến của thiên niên kỷ mới", thu hút du khách ở khắp mọi miền của Tổ quốc và trên thế giới.

Trung tâm nghiên cứu về Đông Dương, cạnh cổng Thảo cầm viên. 

Viện Viễn đông Bác cổ nay trở thành Bảo tàng Lịch sử Việt Nam 

Là một thành phố trẻ chỉ với 300 năm lịch sử, nhưng Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng được không ít công trình kiến trúc và sở hữu một nền văn hóa đa dạng. Hiện nay Thành phố Hồ Chí Minh có 641 khách sạn với 17.646 phòng. Phục vụ những khách cao cấp, thành phố có 11 khách sạn 5 sao, gồm: Caravelle, Sheraton, Moevenpick (Omni cũ), New World, Equatorial, Legend, Renaissance Riverside, Windsor Plaza, Sofitel Plaza, Park Hyatt, Majestic với tổng cộng 3.592 phòng. Hầu hết các khách sạn này đều do những tập đoàn quốc tế như Accor, Furama, Mariot hay Sheraton quản lý và tập trung nhiều nhất tại Quận 1. Bên cạnh đó thành phố còn 8 khách sạn 4 sao với 1.281 phòng, 20 khách sạn 3 sao với 1.621 phòng. Do sự phát triển của du lịch, số phòng cao cấp tại thành phố hiện đang thiếu trầm trọng. Mặc dù nhiều nhà đầu tư có ý định xây dựng tiếp các khách sạn sang trọng tại Thành phố Hồ Chí Minh nhưng họ lại gặp khó khăn trong việc tìm địa điểm. Theo dự kiến, đến năm 2020, thành phố sẽ có thêm 10 nghìn phòng 4 hoặc 5 sao.

Ngày 7-10-1877, Nhà thờ Đức Bà được khởi công xây dựng 

Năm 1960, trở thành nhà thờ chính tòa của Tổng giám mục Sài Gòn. 

Các địa điểm du lịch của thành phố tương đối đa dạng. Với hệ thống 11 viện bảo tàng, chủ yếu về đề tài lịch sử, Thành phố Hồ Chí Minh đứng đầu Việt Nam về số lượng bảo tàng. Bảo tàng lớn nhất và cổ nhất thành phố là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam với 30 nghìn hiện vật. Trong khi phần lớn khách thăm Bảo tàng Chứng tích chiến tranh là người nước ngoài thì bảo tàng thu hút nhiều khách nội địa nhất là Bảo tàng Hồ Chí Minh. Thành phố Hồ Chí Minh cũng là một đô thị đa dạng về tôn giáo. Trên địa phận thành phố hiện nay có hơn một nghìn ngôi chùa, đình, miếu được xây dựng qua nhiều thời kỳ. Còn các nhà thờ xuất hiện chủ yếu trong thế kỷ 19 theo các phong cách Roman, Gothic. Nhà thờ lớn và nổi tiếng nhất của thành phố là nhà thờ Đức Bà, nằm ở Quận 1, hoàn thành năm 1880. Thời kỳ thuộc địa đã để lại cho thành phố nhiều công trình kiến trúc quan trọng, như Trụ sở Ủy ban Nhân dân Thành phố, Nhà hát lớn, Bưu điện trung tâm, Bến Nhà Rồng... Dinh Độc Lập và Thư viện Khoa học Tổng hợp được xây dựng dưới thời Việt Nam Cộng hòa. Kiến trúc hiện đại ghi dấu ấn ở thành phố bằng các cao ốc, khách sạn, trung tâm thương mại như Diamond Plaza, Saigon Trade Centre... Khu vực ngoài trung tâm, Địa đạo Củ Chi, Rừng ngập mặn Cần Giờ, Vườn cò Thủ Đức, Chùa Thiên Nam Nhất Trụ, Làng mai Thủ Đức cũng là những địa điểm du lịch quan trọng.

Thương xá Tax tại Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh xây dựng năm 1880 

Nay, Thương xá Tax diện tích trên 15.000 m2, với trên 200 quầy hàng. 

Thành phố Hồ Chí Minh còn là một trung tâm mua sắm và giải trí. Bên cạnh các phòng trà ca nhạc, quán bar, vũ trường, sân khấu, thành phố có khá nhiều khu vui chơi như Công viên Đầm Sen, Suối Tiên, Thảo Cầm Viên. Các khu mua sắm, như Chợ Bến Thành, Diamond Plaza... hệ thống các nhà hàng, quán ăn cũng là một thế mạnh của du lịch thành phố.

4. Văn hoá 

TP.Hồ Chí Minh - thành phố trẻ trung và hiện đại mới hơn 300 năm tuổi, song trong lòng thành phố đã chứa đựng biết bao giá trị văn hoá nhân văn - văn hoá lịch sử được kết tinh và thăng hoa từ sự giao lưu của nhiều nền văn hoá khác nhau trên nền tảng văn hoá mang đậm bản sắc Việt Nam.

Khách sạn Sheraton Sài Gòn 

Đặc điểm văn hoá Sài Gòn xưa và TP.Hồ Chí Minh ngày nay là sự thể hiện khá độc đáo bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam trong bối cảnh lịch sử – không gian của khu vực phương Nam. 

Có thể nói, Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh là nơi hội tụ nhiều dòng chảy văn hoá trong quá trình lịch sử hình thành và phát triển, có nền văn hoá mang dấu ấn của người Việt Nam, Hoa, Chăm, Khơ me, Ấn… Rồi Sài Gòn trở thành một trong những trung tâm của cả nước đón nhận những ảnh hưởng của văn hoá Pháp, Mỹ qua các giai đoạn thăng trầm của đất nước. 

Đó là những như: bến Nhà Rồng, Bưu điện, Nhà hát lớn, đền Quốc Tổ, trụ sở UBNDTP, dinh Thống Nhất, chợ Bến Thành…, hệ thống các ngôi chùa cổ như: chùa Giác Lâm, chùa bà Thiên hậu, Tổ Đình Giác Viên…; các nhà thờ cổ như: Nhà thờ Đức Bà, Huyện Sỹ, Thông Tây Hội, Thủ Đức…; là sự đa dạng về tôn giáo, tín ngưỡng với hàng chục lễ hội văn hoá hàng năm đã tạo nên tính thống nhất trong đa dạng văn hóa của mảnh đất phương Nam này. Trên từng con đường, góc phố, địa danh của thành phố đề gắn liền với những danh nhân văn hoá - lịch sử, những chiến công của một thành phố anh hùng.


Thành phố có nhiều danh lam thắng cảnh rất đẹp, địa danh - di tích lịch sử - văn hoá nổi tiếng như: Thảo Cầm Viên, Đầm Sen, Suối Tiên, Hồ Kỳ Hoà, Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Cách mạng, địa đạo Củ Chi, đền tưởng niệm Bến Dược Củ Chi, chiến khu An Phú Đông, 18 thôn Vườn Trầu, Hóc Môn Bà Điểm, Láng Le Bàu Cò, vườn thơm Bưng Sáu, “Căn cứ nổi” rừng Sác, khu du lịch sinh thái Cần Giờ với nhiều hệ sinh thái có nhiều chủng loại động thực vật…

Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh 

Trẻ trung và hiện đại, nhưng Sài Gòn – TP.Hồ Chí Minh còn là nơi phổ biến chữ quốc ngữ đầu tiên, là nơi ra báo đầu tiên của cả nước. Sự ra đời và phát triển phong phú của sách, báo, trường đào tạo chuyên ngành, của đội ngũ trí thức và văn nghệ sĩ, của các hoạt động và giao lưu văn hoá, văn học, nghệ thuật… đã tạo cho thành phố này từ lâu là một thành phố có ảnh hưởng lớn về văn hoá.

Tháp chùa Vĩnh Nghiêm 

Với vị trí địa lý thuận lợi, Sài Gòn – nơi một thời được mệnh danh là "Hòn ngọc Viễn Đông" đã là trung tâm thương mại và là nơi hội tụ của nhiều dân tộc anh em, mỗi dân tộc có tín ngưỡng, sắc thái văn hoá riêng góp phần tạo nên một nền văn hoá đa dạng. Đặc trưng văn hoá của vùng đất này là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống dân tộc với những nét văn hoá phương Bắc, phương Tây, góp phần hình thành lối sống, tính cách con người Sài Gòn. Đó là những con người thẳng thắn, bộc trực, phóng khoáng, có bản lĩnh, năng động, dám nghĩ, dám làm.

Một điều đặc biệt nữa là Sài Gòn nằm trung tâm đại địa mạch của miền Nam. Khí thiêng của Trời - Đất hun đúc nên nhân tài cho miền đất này. 

Trong tương lai, thành phố sẽ phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, có cơ cấu công nông nghiệp hiện đại, có văn hoá khoa học tiên tiến, một thành phố văn minh hiện đại có tầm cỡ ở khu vực Đông Nam Á.

Hoàng Lạc (tổng hợp)
Ảnh: Internet

Không có nhận xét nào: