Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2014

HỒ HOÀN KIẾM

Hồ Hoàn Kiếm còn được gọi là Hồ Gươm, là một hồ nước ngọt tự nhiên của thành phố Hà Nội. Thời Lý - Trần, hồ có tên gọi là hồ Lục Thủy (vì nước có màu xanh quanh năm), thời Lê có tên là hồ Thuỷ Quân (dùng để duyệt thủy binh), hồ Tả Vọng và Hữu Vọng trong thời Lê mạt. Tên gọi Hoàn Kiếm xuất hiện vào đầu thế kỷ 15 gắn với truyền thuyết vua Lê Thái Tổ trả gươm báu cho Rùa thần. Tên hồ được lấy để đặt cho một quận trung tâm của Hà Nội - quận Hoàn Kiếm.


Theo truyền thuyết lưu lại, khi Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn (Thanh Hoá) tình cờ có được một lưỡi gươm, tiếp sau đó Ngài nhặt được chiếc chuôi gươm ở một thửa ruộng cày, Ngài ghép chúng lại thành một thanh gươm và đặt tên là Thuận Thiên. Thanh gươm Thuận Thiên ở bên Lê Lợi trong suốt thời gian kháng chiến cho đến khi Ngài lên làm Vua. Một lần nhà Vua dạo chơi bằng thuyền trên hồ bắt gặp một sinh vật là Rùa lớn nổi lên bơi về phía Ngài, bấy giờ Vua liền rút gươm ra để xua Rùa đi nơi khác, nhưng Rùa bất ngờ ngậm lấy thanh gươm rồi lặn mất xuống lòng hồ. Từ đó hồ được đặt tên là Hoàn Kiếm.


Hồ dài 700m, rộng 250m, chu vi khoảng 1.750m, độ sâu trung bình 1-1,4m. Trước đây, hồ rất rộng, từ Hàng Đào thông ra sông Hồng tới khu vực Hàng Chuối ngày nay, chia làm hai phần gọi là Tả Vọng Và Hữu Vọng. Phần Hồ hiện nay là Tả Vọng cũ. Giữa hồ về phía Nam có gò Rùa, bởi thỉnh thoảng các cụ Rùa thường lên đây phơi nắng. Trên gò Rùa có Tháp Rùa được xây dựng từ giữa năm 1884 đến tháng 4 năm 1886. Tháp hình chữ nhật. Nằm ở phía Bắc hồ là Đảo Ngọc Sơn xưa có tên là Tượng Nhĩ (tai voi). Vua Lý Thái Tổ đặt tên là Ngọc Tượng khi dời đô ra Thăng Long và đến đời Trần thì đảo được đổi tên là Ngọc Sơn. Một nhà từ thiện tên là Tín Trai đã lập ra đền Ngọc Sơn trên nền cung Thuỵ Khánh cũ (bị Lê Chiêu Thống cho người đốt năm 1787 để trả thù các chúa Trịnh). Đền Ngọc Sơn thờ thần Văn Xương là ngôi sao chủ việc văn chương khoa cử và thờ Trần Hưng Đạo.


Tháp Bút bên hồ 
Chiếc cầu bắc qua hồ vào đền Ngọc Sơn là cầu Thê Húc. Cầu Thê Húc do danh sĩ Nguyễn Văn Siêu cho xây dựng vào năm 1865. Tên của cầu có nghĩa là "nơi đậu ánh sáng Mặt Trời buổi sáng sớm". Cạnh cầu có ngọn Tháp Bút trên bờ hướng Đông Bắc hồ. Tháp Bút được xây dựng từ năm 1865, bao gồm bảy tầng. Trên đỉnh là tượng trưng cho một ngòi bút đối lên trời, phần thân có khắc ba chữ Tả Thanh Thiên (viết lên trời xanh), thân tầng thứ ba của tháp có khắc một bài Bút Tháp Chí. Qua Tháp Bút là tới Đài Nghiên. Đài Nghiên nằm trên bờ hướng Đông Bắc hồ, được xây dựng từ năm 1865, là phần không thể thiếu của Tháp bút. Ba chân kê nghiên là hình tượng ba con cóc. Trên thân nghiên khắc một bài Minh, gồm 64 chữ Hán bằng đá, hình nữa quả đào. Phía Đông hồ là ngọn tháp Hoà Phong, di tích duy nhất còn lại của ngôi chùa Báo Ân, đã bị thực dân Pháp phá để xây nhà bưu điện (năm 1898). Trên mặt bờ hồ hướng Tây Bắc là nhà Thuỷ Tạ, có lối kiến trúc đặc sắc trong kiến trúc truyền thống Việt Nam, là địa điểm diễn ra các lễ của Hoàng triều hoặc thờ cúng Thần linh hay các vị Hoàng đế, còn là nơi phục vụ nhu cầu ăn chơi của tầng lớp thống trị.

Tháp Hoà Phong 

Đường quanh hồ 

Nằm ở trung tâm thành phố nên được ví như lẵng hoa đẹp giữa lòng Hà Nội ngàn năm văn hiến. Hồ gắn liền với truyền thuyết Rùa thần đòi gươm, ghi lại dấu ấn thắng lợi trong cuộc kháng chiến của dân tộc chống quân Minh do Lê Lợi lãnh đạo. Hồ còn là minh đường, là nơi tích tụ nguyên khí hun đúc nhân tài cho đất Việt.

Ảnh Internet 

Không có nhận xét nào: