Thứ Ba, 11 tháng 11, 2014

CHÙA BÁI ĐÍNH

Chùa Bái Đính là một quần thể chùa được biết đến với nhiều kỷ lục Việt Nam được xác lập như chùa có diện tích lớn nhất, tượng Phật bằng đồng lớn nhất, chùa có nhiều La Hán nhất và nhiều cây bồ đề nhất... Chùa Bái Đính cũng là nơi tổ chức Đại lễ cung nghinh xá lợi Phật từ Ấn Độ về Việt Nam 2010. Các hạng mục xây dựng, mở rộng khu chùa mới được các đại biểu tham dự đại lễ Phật đản thế giới 2008 làm lễ khánh thành giai đoạn 1. Chùa nằm ở phía tây khu di tích cố đô Hoa Lư, thuộc xã Gia Sinh - Gia Viễn - Ninh Bình, cách thành phố Ninh Bình 15 km.

Quần thể chùa Bái Đính hiện có diện tích 539 bao gồm 27 ha khu chùa Bái Đính cổ, 80 ha khu chùa Bái Đính mới, khu công viên văn hoá và học viện phật giáo, khu đón tiếp và công viên cảnh quan, đường giao thông và bãi đố xe, khu hồ Đàm Thị, hồ phóng sinh...

Lịch sử hình thành

Hơn 1000 năm về trước, tại Ninh Bình đã có ba triều đại Vua nối tiếp nhau ra đời: nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý. Ba triều đại phong kiến này đều rất quan tâm đến đạo Phật và coi đạo Phật là Quốc giáo; cho nên tại Ninh Bình có rất nhiều chùa cổ, trong đó có chùa Bái Đính, trên núi Đính.

Quần thể chùa Bái Đính gồm một khu chùa cổ và một khu chùa mới được xây dựng từ năm 2003. Chùa nằm trên sườn núi, giữa những thung lũng mênh mông hồ và núi đá, ở cửa ngõ phía tây vào cố đô Hoa Lư. Kiến trúc hoành tráng, đồ sộ nhưng mang đậm bản sắc truyền thống phù hợp với tâm lý hiếu kỳ, tò mò của người Việt Nam thời nay. Chính vì vậy mà nơi đây sớm trở thành một điểm đến nổi tiếng. Chùa Bái Đính được các báo giới tôn vinh là một quần thể chùa lớn nhất Đông Nam Á.


Ngay cả khi đang xây dựng, chùa Bái Đính đã thu hút rất đông du khách về tham quan, chiêm bái. Thông tin về khu chùa và các sự kiện liên tục được đăng tải trên báo chí với các chủ đề nóng như: Chuyện "không tin nổi" về ngôi chùa Bái Đính tráng lệ, “Hạ Long trên cạn” và ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á, chùa Bái Đính - Ngôi chùa sở hữu nhiều kỷ lục nhất Việt Nam, Bái Đính - “Lục nhất” Việt Nam, Để chùa Bái Đính trở thành di sản văn hóa thế giới, Chùa Bái Đính, công trình Phật giáo cấp quốc gia của VN, Ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á đang được hoàn thiện, Lên núi Bái Đính, xem chùa lớn nhất nước Nam, Lễ rước ngọc xá lợi Phật lớn nhất VN, Quốc vương Campuchia thăm chùa Bái Đính, Chùm ảnh chùa Bái Đính tráng lệ, Ùn ùn thăm chùa lớn nhất Đông Nam Á, Đầu năm, du khách mê mẩn Chùa Bái Đính.


Khu Chùa Bái Đính Cổ 

Chùa Bái Đính cổ (Bái Đính cổ tự) nằm cách điện Tam Thế của khu chùa mới khoảng 800 m về phía đông nam men theo sườn núi Đính. Khu chùa này nằm gần trên đỉnh của một vùng rừng núi khá yên tĩnh, gồm có một nhà tiền đường ở giữa, rẽ sang bên phải là hang sáng thờ Phật, rồi đến đền thờ thần Cao Sơn ở sát cuối cửa sau của hang sáng; rẽ sang bên trái là đền thờ thánh Nguyễn rồi đến động tối thờ mẫu và tiên. Nơi đây nằm ở vùng đất hội tụ đầy đủ yếu tố nhân kiệt theo quan niệm dân gian Việt Nam, đó là đất sinh Vua, sinh Thánh, sinh Thần. Năm 1997 chùa được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa - cách mạng cấp quốc gia. Mặc dù khu chùa có lịch sử hình thành từ thời Đinh với đền thờ Cao Sơn trấn tây Hoa Lư tứ trấn nhưng chùa Bái Đính cổ có nhiều chi tiết kiến trúc và cổ vật mang dấu ấn đậm nét của thời Lý.


Khu Chùa Bái Đính Mới

Chủ trì thiết kế kiến trúc chùa Bái Đính là Giáo sư, Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính - Phó Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam, nguyên Giám đốc Trung tâm thiết kế và tu bổ di tích Trung ương (Viện Bảo tồn di tích Việt Nam). Chùa Bái Đính mới (Bái Đính tân tự) có diện tích rộng 80 ha, nằm phía bên kia núi so với chùa cổ và ở phía tây cố đô Hoa Lư. Đây là một công trình lớn gồm nhiều hạng mục, kiến trúc chính: điện Tam Thế, điện Pháp Chủ, điện Quan Âm, Bảo Tháp, Tháp Chuông và các công trình hạ tầng, phụ trợ, khu học viện phật giáo, khu đón tiếp... được xây dựng trong nhiều giai đoạn khác nhau.


Kiến trúc chùa nổi bật với những hình khối lớn, hoành tráng mang đậm dấu ấn kiến trúc Việt Nam như sử dụng nguyên vật liệu chính ở địa phương (đá xanh Ninh Bình, gỗ tứ thiết), ngói men Bát Tràng màu nâu sẫm... Điều khác biệt nhất ở kiến trúc chùa Bái Đính thể hiện ở vòm mái màu nâu sẫm cong vút hình đuôi chim phượng, nó không giống với nét thẳng thô của chùa Trung Quốc. Các chi tiết trang chí kiến trúc chùa cũng mang đậm dấu ấn của các làng nghề truyền thống nổi tiếng ở Việt Nam. Chùa Bái Đính khi xây dựng được gọi là "đại công trường" với 500 nghệ nhân gồm rất nhiều tổ thợ đến từ những làng nghề nổi tiếng như mộc Phúc Lộc, trạm khắc đá Ninh Vân, đúc đồng Ý Yên, thêu ren Văn Lâm, sơn mài Cát Đằng... các nghệ nhân này được sử dụng các vật liệu địa phương như gỗ lim, đá xanh Ninh Bình, ngói men Bát Tràng... để tạo ra nét thuần Việt trong kiến trúc chùa Bái Đính.


Điều đặc biệt ở công trường xây dựng chùa Bái Đính là không gian nơi đây luôn mở. Ngay từ khi xây dựng với đại tượng phật còn đặt ở ngoài trời đã thu hút rất đông các đoàn người hành hương chiêm bái. Du khách có thể đi bất cứ nơi nào để quan sát các bộ phận công trình đang hình thành.

Ảnh và tài liệu: Internet
___________________________________
Tin liên quan: 

Không có nhận xét nào: