Thuộc Đại Tâm Bộ.
"Chư Phật tử! Phước báu như tiền bạc, nó sẽ cạn kiệt dần nếu không thường xuyên hành để tích lũy phước báu. Công đức như chất kim cương, không bao giờ bị hao mòn. Thành tựu công đức là lộ trình trực tiếp đưa đến giải thoát, đạt được niết bàn, chứng đắc quả vị Phật. Thành tựu phước báu không phải là lộ trình trực tiếp đưa đến giải thoát, đạt được niết bàn, chứng đắc quả vị Phật."
Hành phước nhưng chẳng được phước, hành công đức nhưng chẳng được công đức, lý ấy thế nào?
Chư Phật tử! Không hiểu được thế nào là công đức, thế nào là phước báu thì không thể phân biệt được hành gì thì được công đức, hành gì thì được phước báu.
Vị nào chưa hiểu được thế nào là công đức thì sự hành của vị ấy khó được thành tựu công đức. Vị nào chưa hiểu được thế nào là phước báu thì sự hành của vị ấy khó được thành tựu phước báu.
THẾ NÀO LÀ CÔNG ĐỨC? Chư Phật tử! Sự giảm trừ tham, sân, si, chấp thủ của vị nào là công đức của vị ấy. Sự dứt trừ tham, sân, si, chấp thủ của vị nào là công đức của vị ấy. Sự giảm trừ phiền não, khổ đau của vị nào là công đức của vị ấy. Sự dứt trừ phiền não, khổ đau của vị nào là công đức của vị ấy. Sự tăng trưởng tâm từ, tâm bi, tâm hỷ, tâm xả của vị nào là công đức của vị ấy. Sự tăng trưởng trí huệ của vị nào là công đức của vị ấy. Sự giác ngộ của vị nào là công đức của vị ấy. Sự chứng đắc của vị nào là công đức của vị ấy.
Và này chư Phật tử! THẾ NÀO LÀ PHƯỚC BÁU? Vị nào tham gia giúp giảm trừ tham, sân, si, chấp thủ của chúng sinh là phước báu theo nhân quả của vị ấy. Vị nào tham gia giúp dứt trừ tham, sân, si, chấp thủ của chúng sinh là phước báu theo nhân quả của vị ấy. Vị nào tham gia giúp giảm trừ phiền não, khổ đau của chúng sinh là phước báu theo nhân quả của vị ấy. Vị nào tham gia giúp dứt trừ phiền não, khổ đau của chúng sinh là phước báu theo nhân quả của vị ấy. Vị nào tham gia giúp tăng trưởng tâm từ, tâm bi, tâm hỷ, tâm xả của chúng sinh là phước báu theo nhân quả của vị ấy. Vị nào tham gia giúp tăng trưởng trí huệ của chúng sinh là phước báu theo nhân quả của vị ấy. Vị nào tham gia giúp chúng sinh giác ngộ là phước báu theo nhân quả của vị ấy. Vị nào tham gia giúp chúng sinh tu hành chứng đắc là phước báu theo nhân quả của vị ấy.
HÀNH GÌ THÌ ĐƯỢC CÔNG ĐỨC? Chư Phật tử! Hành gì làm giảm trừ tham, sân, si, chấp thủ của chính mình, hành nó sẽ được công đức. Hành gì làm dứt trừ tham, sân, si, chấp thủ của chính mình, hành nó sẽ được công đức. Hành gì làm giảm trừ phiền não, khổ đau của chính mình, hành nó sẽ được công đức. Hành gì làm dứt trừ phiền não, khổ đau của chính mình, hành nó sẽ được công đức. Hành gì làm tăng trưởng tâm từ, tâm bi, tâm hỷ, tâm xả của chính mình, hành nó sẽ được công đức. Hành gì làm tăng trưởng trí huệ của chính mình, hành nó sẽ được công đức. Hành gì làm chính mình giác ngộ, hành nó sẽ được công đức. Hành gì làm chính mình chứng đắc, hành nó sẽ được công đức.
Và này chư Phật tử! HÀNH GÌ THÌ ĐƯỢC PHƯỚC BÁU? Hành gì giúp giảm trừ tham, sân, si, chấp thủ của chúng sinh, hành nó sẽ được phước báu. Hành gì giúp dứt trừ tham, sân, si, chấp thủ của chúng sinh, hành nó sẽ được phước báu. Hành gì giúp giảm trừ phiền não, khổ đau của chúng sinh, hành nó sẽ được phước báu. Hành gì giúp dứt trừ phiền não, khổ đau của chúng sinh, hành nó sẽ được phước báu. Hành gì giúp tăng trưởng tâm từ, tâm bi, tâm hỷ, tâm xả của chúng sinh, hành nó sẽ được phước báu. Hành gì giúp tăng trưởng trí huệ của chúng sinh, hành nó sẽ được phước báu. Hành gì giúp chúng sinh giác ngộ, hành nó sẽ được phước báu. Hành gì giúp chúng sinh tu hành chứng đắc, hành nó sẽ được phước báu.
THÀNH TỰU PHƯỚC BÁU CÓ THỂ DẪN ĐẾN THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC CHĂNG? Chư Phật tử! Thành tựu phước báu có thể dẫn đến thành tựu công đức nếu hành gì vừa giúp chúng sinh và dẫn đến giúp chính mình. Nghĩa là vừa độ chúng sinh vừa tự độ chính mình. Nếu vị nào chỉ hành những gì giúp chúng sinh mà nó không dẫn đến giúp chính mình, tức độ chúng sinh không tự độ mình, thì vị ấy chỉ được phước báu, không được công đức.
Ví như nếu một nhà khoa học nghiên cứu khoa học để phục vụ cho tham vọng và tâm bất thiện của con người thì kẻ ấy chẳng được công đức lẫn phước báu, kẻ ấy bị nghiệp bất thiện sâu nặng.
Ví như nếu một nhà khoa học nghiên cứu khoa học để thỏa mãn tham vọng của chính kẻ ấy thì kẻ ấy chẳng được công đức vì lòng tham của kẻ ấy tăng trưởng.
Ví như nếu một nhà khoa học nghiên cứu khoa học để thỏa mãn tham vọng của kẻ ấy nhưng kết quả nghiên cứu đó mang lại lợi ích cho con người thì kẻ ấy được phước báu nhưng không được công đức vì con người được lợi ích từ kẻ ấy và vì lòng tham của kẻ ấy tăng trưởng.
Ví như nếu một nhà khoa học nghiên cứu khoa học để thỏa mãn tham vọng của con người thì kẻ ấy chẳng được công đức và phước báu vì kẻ ấy là tăng trưởng lòng tham của con người và không làm giảm lòng tham của kẻ ấy.
Ví như nếu một nhà khoa học nghiên cứu khoa học vì lòng nhân từ muốn đem lại lợi ích cho con người nhưng kết quả nghiên cứu đó không đem lại lợi ích cho con người thì kẻ ấy được công đức mà không được phước báu vì lòng nhân từ của kẻ ấy tăng trưởng và vì con người không nhận được lợi ích từ kẻ ấy.
Ví như nếu một nhà khoa học nghiên cứu khoa học vì lòng nhân từ muốn đem lại lợi ích cho con người nhưng con người sử dụng nó để phục vụ cho tham vọng và tâm bất thiện thì kẻ ấy vẫn được công đức nhưng không được phước báu vì lòng nhân từ của kẻ ấy tăng trưởng và vì con người không nhận được lợi ích từ kẻ ấy. Còn người sử dụng kết quả nghiên cứu đó để phục vụ cho tham vọng và tâm bất thiện thì người sử dụng đó sẽ bị nghiệp bất thiện sâu nặng.
Ví như nếu một nhà khoa học nghiên cứu khoa học vì lòng nhân từ muốn đem lại lợi ích cho con người và kết quả nghiên cứu đó đem lại lợi ích cho con người thì kẻ ấy được công đức lẫn phước báu vì lòng nhân từ của kẻ ấy tăng trưởng và vì con người được lợi ích từ kẻ ấy.
Chư Phật tử! Phước báu như tiền bạc, nó sẽ cạn kiệt dần nếu không thường xuyên hành để tích lũy phước báu. Công đức như chất kim cương, không bao giờ bị hao mòn. Thành tựu công đức là lộ trình trực tiếp đưa đến giải thoát, đạt được niết bàn, chứng đắc quả vị Phật. Thành tựu phước báu không phải là lộ trình trực tiếp đưa đến giải thoát, đạt được niết bàn, chứng đắc quả vị Phật.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét