Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2018

MỘT KHOA HỌC MỚI

Một nụ hoa xuân đầu mùa
Lịch sử nhân loại đã để lại một di sản hoàn toàn tan hoang về các hiện tượng cận tâm lý và lại còn bị che lấp đằng sau bao nhiêu thủ đoạn. Nhưng trên con đường lởm chởm đó của các hiện tượng cận tâm lý, về các giác quan thứ sáu, bảy…(ngoài năm giác quan thông thường của Con người), hoàn toàn đối lập với phương hướng thừa nhận sự tồn tại của một thế giới thứ hai nào đó, thần bí, nguồn gốc của các hiện tượng cận tâm lý, đã bắt đầu xuất hiện một phương hướng khác, đi ngược dòng đang tìm cách tìm hiểu, khám phá thế giới năng lượng và thông tin, dạng năng lượng nào có khả năng mang những thông tin vẫn còn thầm kín giữa các cơ thể sống.
Năng lượng theo quan điểm duy vật đó gọi là năng lượng trường sinh học.Và trong Đại bách khoa toàn thư Liên Xô, tập 19, năm 1975, hai viện sĩ tâm lý, vốn công kích các hiện tượng cận tâm lý, đã buộc phải thừa nhận: ”Về những hiện tượng loại này, cần phải phân biệt như sau: một mặt, đó là những hiện tượng do các nhà thần bí và các lang băm quảng cáo, còn mặt khác là những hiện tượng tồn tại thực sự, nhưng vẫn chưa được giải thích một cách khoa học về mặt vật lý và tâm lý. Những hiện tượng thuộc loại thứ nhất cần được vạch mặt và phá tan vẻ huyền bí. Còn việc nghiên cứu những hiên tượng thuộc loại thứ hai thì được tiến hành trong các cơ quan tâm lý học, sinh lý học và nhiều cơ quan khoa học có liên quan khác”.
Một nụ hoa xuân đầu mùa của trí tuệ với bao nhiêu đường nét còn phôi thai của nó trong khoa học và trong cuộc sống!.
Trường sinh học và tình yêu con người
Hào quang và huyệt và một nền y học song song. Tiếp thu vật chất năng lưọng từ vũ trụ bên ngoài, mọi cơ thể sống đều có thể phát ra trường sinh học mà những tác động trực tiếp với môi trường quanh cơ thể tạo ra những cái gọi là hào quang. Các hào quang này đã được xác định trong các phòng thí nghiệm sinh học, điện tử và tuỳ theo hình dạng, màu sắc, cường độ đã biến thành những nhân tố mang được những thông tin chính xác và những gì đang xảy ra trong cơ thể: sức khoẻ, bệnh tật và đó chính là cơ sở cho việc chuẩn đoán bệnh bằng trường sinh học, hoặc trực tiếp, hoặc từ xa, qua thân nhân, trên cơ chế của trí nhớ (theo thuyết trí nhớ ngắn hạn, dài hạn, trí nhớ hoá học hay trí nhớ phân tử hiện hành).
Nếu kiên nhẫn luyện tập, thì dù không phải có khả năng bẩm sinh, chúng ta vẫn tạo nên được một trường sinh học không yếu và với trường sinh học này, chúng ta có thể tự tác động lên các huyệt của chính cơ thể mình , hay của cơ thể của những người khác, thay cho các kim châm cứu. Từ đó là phương pháp chữa bệnh của trường sinh học.
Người ta chụp trường sinh học của nhà ngoại cảm xuất sắc Liên Xô là Đgi-Un-na và của những người bệnh, và đã thấy rằng: trong quá trình chữa bệnh đã có hiện tượng truyền năng lượng sinh học từ người chữa bệnh sang người bệnh. Nhưng khi lấy máy đo trường sinh học của Đgi-Un-na thì do trường này quá mạnh các máy đo đều bị hỏng và cuối cùng người ta chỉ còn bằng lòng với nhận xét là: trong quá trình trên đã xảy ra một cái gì đó. Những nhà khoa học Liên Xô đã mời Đgi-Un-na vào các bệnh viện trung ương tại Mát-xcơ-va để thử nghiệm một cách khoa học. Người ta thấy rằng với trường sinh học của mình, Đgi-Un-na có thể chữa được các bệnh viêm dây thần kinh, viêm cột sống, ở đó các bệnh chứng đau đớn đều tan biến, còn các chức năng của tứ chi lại được phục hồi.
Các nghiên cứu tiến hành trong bệnh viện số 36 tại Mát-xcơ-va chứng tỏ rằng trong vòng một tháng rưỡi khi Đgi-Un-na chuẩn đoán cho vài chục bệnh nhân, trước đó đã được xem xét trong các cơ quan y tế, thì giữa sự chuẩn đoán chính thống và chuẩn đoán theo trường sinh học đã có sự trùng hợp trên 97%.
Người ta chụp được sự thay đổi của trường sinh học của nhiều người khi yêu nhau, ghét nhau,… Khi thân nhau thì trường sinh học của cả hai người đều sáng lên hoặc được nối với nhau bằng những sợi chỉ màu nào đó hoặc có hào quang hoàn toàn trùng với nhau thành một. Khi ghét nhau, đố kị nhau thì hào quanq cả hai đều teo lại. Chúng ta có một thuật ngữ mới về tâm lí, với hình dáng, màu sắc, cướng độ nghĩa là đang xuất hiện một nền tâm lí học song song…
Trường sinh học và vấn đề con người nói chung
Hai vấn đề lớn có liên quan đến trí tuệ của con người là học tập và sáng tạo. Dùng trường sinh học có thể phát triển một phương pháp học tập mới gọi là phương pháp căng tâm thần, nói riêng có khả năng dạy học ngoại ngữ khá nhanh. Về mặt sáng tạo, không thể chỉ đóng khung trong trong phạm vi ý thức. Vì vô thức luôn luôn là bạn đồng hành rất hữu hiệu của ý thức trong những vấn đề sáng tạo, nhất là trong những giai đoạn mò mẫm. Nhưng cơ chế của vô thức là gì?
Hội thảo về vô thức ở Tbi-li-xi tháng 10 năm 1979 đã bắt đầu khơi dậy bài toàn khó khăn đó và người dân Liên Xô đã tự hào rằng khoa học về vô thức đã phôi thai từ đất nước họ. Trong sáng tạo, những người lao động nhiều nhất chỉ mới sử dụng 6-7% của khả năng bộ não. Chưa nói đến khả năng con người còn có một cái đáy thứ hai nào đó, mà từ khi lọt lòng mẹ đến khi chết vẫn chưa đụng đến..
Các nhà bác học Xô Viết năm 1974 đã tính khả năng của bộ óc, biểu hiện ở tổng số các tổ hợp giữa các giây thần kinh, bằng con số 1, kế theo là những con số không kéo dài đến mười triệu rưỡi kilômét, tức là với một khoảng cách từ quả đất đến mặt trăng.
Nghiên cứu trường sinh học nghĩa là nghiên cứu những phương pháp huy động được dự trữ các tế bào thần kinh và khai thác được khả năng các tổ hợp nói trên. Trên thế giới ngày nay đã có 35 nước nghiên cứu trường sinh học với hơn 250 hội và phòng thí nghiệm và trên mười giả thiết khác nhau tiếp cận khía cạnh năng lượng của vấn đề cận tâm lý.
Hiện tượng nhìn từ xa, qua vật cản
Nhà tình báo và chống tình báo trong tương lai gần đây sẽ phải suy nghĩ như thế nào để bảo vệ đất nước. Một người qua đường đang chú ý đến một căn nhà, qua bức tường, qua tấm cửa đóng kín, qua cả những tấm kim loại của những chiếc tủ sắt, hầu như có đủ khả năng hoàn toàn ngăn cách những gì đang bí mật nằm bên trong, còn người nhân viên trực vẫn tưởng rằng mọi việc bảo mật đều chắc chắn. Những thực nghiệm ít nhiều đã chứng tỏ rằng với trường sinh học, người tình báo có thể khui ra được phần nào những gì đang bí mật nằm trong bộ nhớ các máy tính điện tử và hơn nữa có thể bắt được những thông tin đang còn bay bổng vô hình trong không trung với các sóng điện từ... và ngày hôm nay dưới những biển sâu của Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, những chiếc tàu ngầm hạt nhân đang thử liên lạc thông tin với nhau, không phải bằng phương tiện điện tử thông thường mà bằng một phương tiện tín hiệu khác, đánh dấu một mùa xuân mới - trường sinh học.
Ngày 28 tháng 3 năm 1968 báo Pravda công bố như sau :” Theo đề nghị của Xô Viết tối cao và Bộ quốc phòng Liên Xô. Chính phủ Liên Xô tặng thưởng Roda Kulêxôva 18 tuổi trung tá trong cơ quan an ninh quốc gia, Huân chương Sao Đỏ, là huân chương cao quý nhất của Bộ quốc phòng Liên Xô, vì những chiến công hiển hách và dồn dập mà Roda đã cóng hiến cho Tổ quốc Xô Viết “.
Roda KulêXôva không chỉ nổi tiếng với khả năng nhìn bằng tay mà đã cống hiến nhiều trong việc bảo vệ bí mật của nhà nước Xô Viết.
Xuân mới đang đến, những bông hoa đầu xuân đang nở... những gì sẽ nằm sâu xa nhất trong khái niệm cơ thể sống, trường sinh học của thời đại chúng ta? Phải chăng đó sẽ là những điều hoàn toàn khó hiểu về không gian qua các hiện tượng thấy từ xa còn hết sức bí ẩn, về thời gian qua các tính chất của đồng hồ sinh học , của tốc độ diễn biến các quá trình hiện tượng trong các giấc mơ, về khái niệm cơ thể liệu chỉ phải đóng khung trong cái không gian chật hẹp chỉ gồm tế bào, phân tử và nguyên tử thông thường?
Đó phải chăng cũng sẽ là những điều khó hiểu về khái niệm hệ thống sống, không còn gắn bó hữu cơ với vật lý học đương thời ở tính chất kín, mà lại hở, trong một trạng thái liên thông với vũ trụ bên ngoài, trao đổi với vũ trụ đó không những vật chất, năng lượng còn có lẽ còn cả thông tin…?
Nhưng không phải chỉ thế, chúng ta còn phải tự hỏi xem cần mở rộng khái niệm nhân quả đến mức nào, không chỉ bó hẹp trong mối quan hệ trực tiếp giữa nhân và quả, mà còn phải tính đến những loại quan hệ khác, chẳng hạn là quan hệ cùng nguồn gốc có từ trước, như hai hạt và phản hạt cùng sinh ra từ một chất nào đó và cũng như hai anh em sinh đôi có cùng quan hệ với nhau…có lẽ đang hiện dần dần ra trước mắt chúng ta hình ảnh vô cùng khó hiểu của một nguyên lý cực kỳ lạ lùng mà ngay nhà vật lý tiêu biểu nhất của nhân loại là Anh -xtanh cũng vẫn không hình dung nổi.

(Bài viết của Gs Nguyễn Hoàng Phương đăng trên báo Lao Động, Xuân Nhâm Tuất, 1982)
Nguyễn Hoàng Phương

Khi nói về bài báo của Giáo sư Nguyễn Hoàng phương : Một khoa học mới - Trường sinh học, Cụ Nguyễn Đức Cần nói rằng: "Khi nụ hoa mới nở, nào ai đã biết nhụy nó ở đâu".

Trích trong cuốn sách “ Nguyễn Đức Cần – Nhà văn hóa tâm linh ”

Không có nhận xét nào: