Thứ Ba, 5 tháng 1, 2016

Ngồi thiền tốt cho thể chất và tâm trí

Trong một trường ca sử thi cổ của Ấn Độ, xuất hiện từ cách đây hàng mấy ngàn năm đã kể rằng: Có một vị tướng trong khi đang đánh đuổi giặc, lúc mệt quá đã tạt vào một hẻm núi ngồi tĩnh tâm thiền định. Một lúc sau, khi sức khỏe hồi phục, tâm trí trở lại sáng suốt, vị tướng đó leo lên chiếc xe chiến mã của mình đuổi theo quân giặc và tiếp tục chiến đấu. Trận đó ông thu được thắng lợi.

Qua câu chuyện cho thấy thiền đã có tại xứ sở Ấn Độ từ rất xa xưa. Đó là một phương pháp tập luyện hơi thở để luyện rèn tâm trí, nâng cao thể lực rất hữu hiệu. Sau này các tôn giáo ở Ấn Độ đã sử dụng thiền tu tập tâm linh theo mục đích của tôn giáo mình, như: các đạo sĩ Yoga dùng thiền để đạt mục đích trường sinh; Đạo Phật dùng thiền để tu tập giải thoát khỏi sinh tử luân hồi. Chính Đức Thích Ca Mâu Ni đã nâng phương pháp tu tập thiền lên một đỉnh cao tuyệt diệu. Trong suốt 49 ngày tọa thiền dưới gốc cây Bồ đề, Ngài đã chứng Đạo giải thoát. Trong thời gian đó, bằng thiền định Ngài dùng tâm trí điều khiển hoạt động của tim phổi dừng hẳn lại để làm chủ sự sống, chết. Sau đó Ngài tiếp tục tiến sâu vào thiền định khai mở trí tuệ Tam minh để vượt thoát luân hồi – đây là một trí tuệ ít ai có được.

Trong bài viết này, chúng tôi muốn chia sẻ đến bạn đọc một số hiểu biết qua thực tế tu tập của bản thân về nhiều tiện ích của tập thiền.


Khi tu tập thiền, sức khỏe được tăng cường, khả năng phòng chống bệnh tật được cải thiện, tâm trí được phát triển. Điều thú vị là tập thiền không phụ thuộc vào dụng cụ hay sân bãi, chỉ cần một chỗ ngồi yên tĩnh thoáng khí là được. Qua nhiều năm tu thiền, chúng tôi ít bị bệnh tật chi phối, tâm trí luôn minh mẫn, mặc dù ăn ít, ngủ ít nhưng tâm hồn luôn thư thái an vui. Tôi có một người anh họ mắc bệnh động mạch vành tim, một năm phải đi cấp cứu tại bệnh viện một, hai lần. Từ khi tập thiền đến nay, không phải đi cấp cứu lần nào, sức khỏe cải thiện khá rõ.

Tại sao ngồi thiền lại tốt cho thể chất và tâm trí?

Như chúng ta thấy hoạt động của cơ thể gồm hai phần: hoạt động của não bộ và hoạt động của cơ bắp. Chính hoạt động của cơ bắp cũng do não bộ điều khiển.
Hàng ngày chúng ta tham gia hoạt động chân tay hoặc lao động trí óc, đã tiêu tốn rất nhiều năng lượng của cơ thể, nếu không được bù đắp kịp thời, cơ thể dễ sinh mỏi mệt, đau yếu. Tình trạng năng lượng thiếu hụt kéo dài sẽ phát sinh bệnh tật.

Hàng ngày chúng ta cung cấp năng lượng cho cơ thể qua việc ăn, uống. Nhưng nguồn năng lượng này chưa thể trở thành năng lượng sinh học của cơ thể nếu không được đốt cháy bằng quá trình ô xy hóa. Theo quan điểm của người Á Đông, con người được cấu tạo bởi ba phần là: Tinh – Khí – Thần. Tinh là phần năng lượng vật chất ở bên ngoài, thông qua thức ăn biến thành năng lượng dự trữ trong cơ thể con người. Ăn uống quá mức cần thiết, cơ thể dễ phát sinh các chứng béo phì hoặc cao huyết áp vì máu nhiễm mỡ. Khí là hơi thở, nhờ hơi thở mới chuyển hóa năng lượng vật chất dự trữ thành dạng năng lượng sinh học. Thần là dạng năng lượng sinh học được biểu thị ở dạng năng lực sức khỏe và năng lực trí tuệ. Tinh – Khí – Thần phải được cân đối điều hòa, nếu mất cân đối con người dễ phát sinh bệnh tật, đau yếu. Luyện tập ngồi thiền sẽ giúp chúng ta bù đắp được phần năng lượng sinh học bị thiếu hụt, vì sao như vậy?

Khi ngồi thiền toàn cơ thể của chúng ta hầu như được nghỉ ngơi yên tĩnh, ngoại trừ nhịp thở, quả tim đập và sự chú ý của chúng ta theo dõi hơi thở. Do được nghỉ ngơi, phần năng lượng sinh học không bị tiêu phí. Đồng thời, lúc ngồi thiền chúng ta chú ý theo dõi hơi thở cho nên việc cung cấp ô-xy cho cơ thể quá đầy đủ. Ô-xy sẽ theo các dòng máu chuyển đến từng tế bào để chuyển hóa sinh học tại đây, nhờ vậy năng lượng sinh học được bù đắp và phát triển. Ngoài phần bù đắp năng lượng cho các bộ phận bị thiếu hụt, năng lượng dư thừa trong quá trình ngồi thiền sẽ giúp cho não bộ hoạt động tốt hơn.


Thực tế cho thấy những người có tham gia tập thiền, trí óc thường minh mẫn, phát huy được sự sáng tạo trong công việc. Ngồi thiền còn có khả năng cải tạo được tính nết. Khi ngồi thiền phải có sự kiên trì theo đuổi thì tu tập mới có hiệu quả, chính lòng kiên nhẫn được hình thành trong quá trình tập luyện đã giúp cho người tập thiền luôn điềm tĩnh sáng suốt, tránh được các nóng nẩy vội vã. Tập thiền ở những mức độ cao cần phải có một người thầy có kinh nghiệm hướng dẫn, nếu không dễ bị lạc thiền dễ gây thành bệnh tật.

Trong bài viết này với mong muốn được xã hội hóa phương pháp ngồi thiền, giúp mọi người có cơ thể luôn mạnh khỏe, tâm trí luôn sáng suốt minh mẫn, vì vậy tôi xin chia một vài kinh nghiệm tập đơn giản mà hiệu quả.

1- Địa điểm: Chọn nơi yên tĩnh, thoáng khí.

2- Thời gian: Tập vào lúc sáng sớm hay lúc đêm khuya trước khi đi ngủ (tập thêm buổi trưa càng tốt)

3- Cách ngồi: Ngồi kiết già (như Phật ngồi) là tốt nhất, nếu không được thì ngồi bán kiết già: một chân được xếp lên chân kia. Không nên ngồi theo kiểu xếp bằng như ta thường ngồi. Hai tay đặt ngửa trên đùi, đầu gối. Trường hợp đặc biệt, nếu không thể ngồi bán kiết già được, ta có thể ngồi trên một chiếc ghế, hai chân thõng đặt xuống đất, hai tay đặt trên đùi. Lưng ở tất cả các tư thế ngồi phải thẳng, cổ thẳng (không ngước đầu lên và cũng không cúi đầu xuống). Hai mắt nhắm nhẹ lại. Toàn thân thả lỏng trong tư thế nghỉ ngơi.

4- Cách thở: Yêu cầu của ngồi thiền là phải tập trung tâm ý để theo dõi và điều khiển hơi thở sao cho hơi thở ra–vào êm dịu, tự nhiên và điều hòa. Việc theo dõi hơi thở chính là môn thể thao luyện rèn tâm trí.

Nhờ sức tập trung khi ngồi thiền, giúp chúng ta khả năng giải quyết các công việc của đời sống dễ dàng hơn. Người mới tập, tâm ý thường tán loạn chạy theo các suy nghĩ, các dự định mà mình đang theo đuổi, vì vậy rất khó tập trung tư tưởng. Nhưng khi mới tập mà theo dõi hơi thở thì tâm ý dễ tập trung hơn, hơi thở cũng điều hòa. Tập luyện lâu ngày tâm ý chúng ta sẽ tập trung vào theo dõi hơi thở được dễ dàng, biết rõ từng hơi thở ra, từng hơi thở vào. Nếu kiên trì tập luyện được như vậy, các bạn sẽ có một sức khỏe tốt, tâm trí luôn minh mẫn sáng suốt, tuổi thọ được kéo dài.

ĐỖ HỮU NGÂN - www.congdoan.most.gov.vn

Không có nhận xét nào: