Từ hoằng quan (cách nhìn rộng lớn) đến vi quan (cách nhìn vi tế) cho đến cái nhìn siêu việt vật chất làm sáng tỏ mọi hiện tượng vũ trụ
Lời Nói Ðầu
Mọi sinh hoạt văn minh của nhân loại vạn tượng xum la, bao gồm giáo dục, chính trị, văn hóa, kinh tế, y học v.v... đều nhắm chung mục đích là mong cầu hạnh phúc cho con người.
Cho đến nay, khoa học kỹ thuật đã đóng vai trò dẫn đầu trong việc thực hiện mưu cầu này. Nhưng chưa thành công. Vì căn bản mọi ngành, mọi môn khoa học, chỉ lợi dụng được những năng lượng phát ra từ vật chất nên vĩnh viễn bị thời gian không gian hạn chế.
Nay, chỉ còn một năm nữa là chúng ta bước vào thế kỷ 21, nếu muốn từ hữu hạn tiến tới vô hạn thì chúng ta nên chú tâm đến một nguồn năng lượng khác, là nguồn năng lượng phát ra từ phi vật chất.
Trong bài này, các vấn đề lực học Newton, lực học Einstein, và lực học của Thích Ca Mâu Ni sẽ lần lượt được đề cập để chúng ta cùng nhau tham khảo.
Rất mong được nhận ý kiến đóng góp của quí vị độc giả, đồng bước tiến vào thế kỷ 21.
***
Dù dùng lối nhìn tổng quát để quan sát các hành tinh lớn trong vũ trụ, hay dùng cái nhìn vi tế để quan sát các nguyên tử, phân tử, điện tử, quang tử v.v... thậm chí cho đến những vật chất vi tế đến độ mà nhục nhãn chẳng thể ghi nhận, chúng ta thấy tất cả mỗi mỗi đều có công năng mật mã (tức là về cơ nhân bản thể) phát ra làn sóng tin tức chẳng ngừng. Làn sóng này gọi là từ trường, từ lực, hay lực trường của hấp dẫn lực vạn hữu mà người phát hiện là Newton. Ấy là lực trường của hoằng quan.
Sau này, Einstein tiến thêm một bước, chứng minh định lý cho thấy tốc độ vật chất càng tiến gần đến tốc độ ánh sáng thì vật chất càng biến nhỏ đi về mặt khối lượng, trong khi lực trường thì lại càng biến mạnh hơn. Tuy vậy, dù là vi quan hoặc hoằng quan thì công năng của hai thứ này vẫn bị hạn chế về mặt số lượng bởi không gian và thời gian.
Nếu y theo định luật của Einstein mà suy luận thì nếu vật thể biến nhỏ cho đến mức "nhỏ mà chẳng có bề trong", thì nó biến thành phi vật chất, hư thể. Theo đó suy luận nên chúng ta dùng tốc độ ánh sáng làm lằn ranh phân biệt công năng hai thứ vật chất và phi vật chất.
Về năng lượng do vật chất phát ra phải bắt đầu từ Newton: Ðịnh luật lực học của Newton, thích hợp phạm vi tốc độ chậm của vật chất. Ðối với sự quan hệ với không gian thời gian, chỉ giới hạn nơi dưới tốc độ ngựa và gió, thuộc tánh cố định.
Còn định luật lực học của Einstein thì tiến thêm đến tánh khả biến, tức là khi tốc độ vật chất gần bằng tốc độ ánh sáng, thì sự quan hệ với không gian thời gian, ắt phải theo tốc độ chuyển biến. Ðồng thời cũng thuyết minh nguyên lý chuyển biến với nhau của vật chất và năng lượng. Nghĩa là vật chất vốn là cái thể hữu hình, lại có thể chuyển biến thành năng lượng (ENERGY) mà thành cái thể vô hình. Nhưng đây vẫn là quan niệm lý luận thuộc tánh tương đối, cái kết quả này cũng là do hoạt động thần kinh của não bộ sanh ra.
Những công năng của hệ thống thần kinh biểu hiện qua hoạt động não bộ. Một cách tổng quát, sự cảm nhận của nó có thể chia làm ba bộ phận: Tìm hiểu biết, suy nghĩ biết và ghi nhớ biết. Về bộ phận ghi nhớ biết, khoa học kỹ thuật hiện tại đã bắt chước chế tạo thành computer và cải tiến rất nhanh. Còn hai bộ phận kia cũng có nhà khoa học dự đoán mấy năm gần tới sẽ được ra đời.
Về mặt sinh lý, tâm thức của bộ não làm việc để ứng phó cuộc sống hằng ngày, gọi là "tâm vương", gồm tám thứ thức (tiền ngũ thức và sáu bảy tám). Hiện tượng của vạn sự vạn vật trong vũ trụ, đều do tâm thức biến hiện: Liễu cảnh (chiếu rõ cảnh trần) năng biến thuộc tiền ngũ thức, tư duy năng biến thuộc thức thứ sáu, dị thục (nhân quả khác thời và mỗi mỗi khác nhau) năng biến thuộc thức thứ tám, nên nói vạn pháp duy thức. Tất cả pháp hữu hình và vô hình mỗi mỗi đều có cái tướng thật thể hữu hình hoặc khái niệm vô hình (có thể dùng máy thăm dò) nên Phật giáo gọi là Duy Thức Pháp Tướng Tông. Tông này đặt ra nhiều danh tướng của vạn hữu để giải thích rất tỉ mỉ đủ thứ hiện tượng lăng xăng phức tạp của vũ trụ. Sự giải thích của học thuyết này, so với các giải thích của sinh lý giải phẫu học, tâm lý học, triết học, khoa học tự nhiên v.v... còn trọn vẹn hơn.
Tám thứ thức trong bát thức mỗi mỗi đều có nhiệm vụ riêng biệt của mỗi thức, phát huy đủ thứ tác dụng gọi là "tâm sở". Tài liệu tối tân của khoa học kỹ thuật cho biết não bộ chỉ dùng hệ thống thần kinh (lục căn), và nhờ năng lượng của lục căn dùng làm công cụ, để nhận biết hiện tượng của vũ trụ, nghĩa là dùng cái năng tri của não bộ làm chủ thể. Do vậy, tất cả pháp đều được coi là thuộc về đối tượng sở tri của não bộ. Còn những gì mà não bộ không nhận biết được, đều bị phủ định.
Sự nhận biết của ý thức chẳng thể lìa vật chất mà tồn tại. Nhưng sau khi bát thức chuyển thành tứ trí rồi, thì công năng của nó đã toàn bộ phát ra từ phi vật thể (lìa vật chất). Dù vô hình vô lượng mà đầy đủ tác dụng siêu việt không gian thời gian. Vì vậy, nên khoa học kỹ thuật đã chẳng thể bắt chước để chế tạo thành máy vi tính nữa.
Nay chiếu theo định luật của Einstein mà suy luận, thì vẫn có thể biết được cái năng lượng phi vật thể. Nếu dùng trí óc mà so sánh cái sức này với năng lượng phát từ vật chất, thì sức này quá bất khả tư nghì, không hợp logic. Nhưng thực tế, sức này lại có sự tướng chính xác, có thể thấy được. Chỉ có điều trí huệ theo kiểu lệ thường xưa nay không có cách để giải thích mà thôi.
Công năng phát ra từ phi vật thể chẳng bị hạn chế nơi số lượng của không gian và thời gian. Bản thể nó tức là "như hư không vô sở hữu" của chân tâm. Biệt danh của nó rất nhiều, nay vì phương tiện trình bày, tạm gọi là "Diệu Giác". Bản thể "Diệu Giác" này là thức thứ tám, thức này dung nạp tất cả pháp của vũ trụ, thể "không" chẳng thể thấy lại có công năng thường dùng có thể thấy. Ðây tức là đại vũ trụ thế kỷ 21 của chúng ta muốn sáng tỏ, cũng là cái hiện tượng từ tương đối tiến vào tuyệt đối.
Cái bản thể đã chẳng thể thấy mà không hợp logic kia cần phải nhờ tâm lực cá nhân của chúng ta sẵn có mới có thể chứng minh:
Khi chúng ta y theo pháp thiền trực tiếp "Tổ Sư Thiền" do Phật Thích Ca truyền dạy, thực hành đến trình độ N, tức là đạt đến giai đoạn "tự động hóa" được một khoảng thời gian, khiến 3 thứ biết: tìm hiểu, tư duy, ghi nhớ được tạm ngưng, nghĩa là khi bộ não ngưng hoạt động thì phát huy được cái công năng sẵn có, chẳng dùng bộ não mà hoàn thành công tác bộ não chẳng thể làm. Khi ngưng hoạt động của bộ não càng lâu, thì độ thiền càng sâu, cái công năng tự phát ra lại càng lớn.
Vì muốn sáng tỏ vạn tượng trọn vẹn của đại vũ trụ tỉ mỉ hơn (gồm vật chất và siêu vật chất), chúng ta cần phải căn cứ theo lực học quán của Ðức Phật, đem Ngũ Pháp, Tam Tự Tánh, Bát Thức, Nhị Vô Ngã để giải thích sau đây:
I. Ngũ Pháp
Ngũ Pháp gồm tướng, danh, phân biệt, chánh trí, như như. Nay lược giải như sau:
Tướng: Phàm là vật thể hữu hình mỗi mỗi đều có sự cao thấp, dài ngắn, lớn nhỏ, màu sắc, chất lượng. Luôn cả những khái niệm vô hình như ảo tượng của sự tưởng tượng dựa theo vật thể hữu hình cũng vậy. Cả hai thứ hữu hình và vô hình đều gọi là "tướng".
Danh: Y theo tướng hữu hình và vô hình mà lập ra tên gọi, gọi là "danh".
Phân biệt: Ðối với danh-tướng kể trên, trải qua sự tư duy phân tích để nhận thức sự thật giả, tốt xấu, giá trị, chất lượng, thị phi, tà chánh, v.v..., gọi là "phân biệt".
Chánh trí: Trí thức chẳng nhờ tác dụng của bộ não mà do công năng tự động của trí Bát Nhã tự hiện, là vốn sẵn có của Diệu Giác (bộ não chẳng thể biết được), là có sự thật tồn tại khách quan. Cái trí huệ chẳng cần tác ý của bộ não mà tự hiện này là trí huệ chẳng bị không gian và thời gian hạn chế, gọi là "chánh trí".
Như như: Do nơi chánh trí tự động phát huy, chẳng kể ngày đêm, cổ kim, luôn luôn như bổn lai thực tế từ vô thỉ đã sẵn có, chẳng có tương đối, siêu việt biện chứng của logic, gọi là "như như".
Gọi chung là Ngũ Pháp.
II. Tam Tự Tánh
Tam Tự Tánh có hai loại, loại A gồm thiện, ác, vô ký. Loại B gồm biến kế sở chấp, y tha khởi, và viên thành thật.
Loại A:
Tánh thiện: Là tánh của những việc làm có lợi ích cho bản thân hoặc người khác nơi hiện tại và vị lai. Tánh thiện tin tưởng tâm thiện này là do chủng tử thiện căn sở tạo, tất cả việc thiện cũng gọi là thiện nghiệp.
Tánh ác: Là tánh của mọi ác nghiệp, do các tâm tham dục sanh khởi, vi phạm tổn hại đến mình hoặc người khác nơi hiện tại và vị lai. Những việc mang tánh ác này cũng gọi là ác nghiệp.
Tánh vô ký: Là pháp phi thiện, phi ác, chẳng có chút niệm nào dính mắc sự lợi ích hay tổn hại, chẳng thể tính toán hay phân biệt. Theo duy thức, có hai thứ vô ký: Vô ký có che lấp, vô ký chẳng che lấp.
Vô ký có che lấp: Tự thể nó có tánh chấp trước rất yếu để che lấp Thánh đạo. Như trường hợp thức thứ bảy luôn luôn chấp thức thứ tám là ta. Dù chẳng có sức để trực tiếp lợi ích hoặc tổn hại mình và người, nhưng có cái tự thể chấp trước. Sự vật nào đồng như tánh này đều thuộc về vô ký có che lấp.
Vô ký chẳng che lấp: Tự thể nó chẳng có tánh chấp trước, nhưng tự tánh rất yếu, chẳng có chút sức nào để lợi ích hoặc tổn hại mình và người, như thức thứ tám. Phàm có tánh đồng với loại này đều thuộc về vô ký chẳng che lấp.
Hai tánh kể trên gọi chung là tánh vô ký.
Loại B:
Tánh biến kế sở chấp: Do tập khí vọng tưởng của phàm phu có tánh chấp thật đối với sự vật, chấp trước so đo tất cả pháp, gọi là biến kế. Vì vọng tưởng biến kế của mê chấp, chấp tất cả sự vật có tánh thật hữu hoặc thật vô. Như thấy sợi dây cho là con rắn. Nhưng thật ra thì chẳng có bản thể của rắn. Chỉ do vọng tình mê chấp nhận lầm là rắn mà thôi. Nên gọi là "biến kế sở chấp".
Tánh y tha khởi: Là y theo nhân duyên mà sanh khởi tất cả vạn pháp. Chữ "tha" ở đây được dùng để chỉ nhân duyên, do chủng tử của thức thứ tám làm nhân đầu tiên. Ðồng thời nhờ đủ thứ trợ duyên của những cái khác mà sanh khởi các tướng, lìa vọng tưởng mà tự tồn tại. Bản thể của sợi dây là do chỉ bố, công cụ, nhân công làm duyên mà sanh khởi. Nên gọi là tánh "y tha khởi".
Tánh viên thành thật: Nghĩa là có cái tánh thành tựu viên mãn chân thật, cũng gọi là pháp tánh. Tức là thể tánh của tất cả pháp vô vi. Pháp tánh này có hai nghĩa: Về pháp tánh tùy duyên là tánh "y tha khởi", thuộc thật nghĩa của đại thừa. Hoặc nói pháp tánh là "sở y", do tánh y tha khởi mà kiến lập, thuộc phương tiện tùy nghi của nghĩa đại thừa.
Nói tóm lại, mọi sự vật đều có đủ ba tánh này. Như đối với quá khứ, vị lai, lông rùa, sừng thỏ, cho là thật hoặc chẳng thật; thì thuộc về tánh biến kế sở chấp; pháp hữu vi thuộc tánh y tha khởi; pháp vô vi thuộc tánh viên thành thật. Ví như một nhánh hoa, do vọng tưởng mê chấp cho là có tánh hoa thật tại, là tánh biến kế sở chấp; biết rõ tướng hoa là do nhân duyên sanh khởi biến hiện, là tánh y tha khởi; giác ngộ được thực tế của tướng hoa, lìa tánh và phi tánh, ấy gọi là tánh viên thành thực vậy.
Bát thức:
Bát thức gồm tiền ngũ thức (nhãn nhĩ tỉ thiệt thân), thức thứ sáu là ý thức, thức thứ bảy là mạt na thức, thức thứ tám là a lại da thức. Cộng chung là tám thứ thức. Nay giải thích như sau:
Bộ não nhận biết cảnh vật thông thường gồm có tam lượng (hiện lượng, tỉ lượng, phi lượng) là năng lượng vật chất. Tiền ngũ thức dù thông tam tánh mà chẳng thể phân biệt tam tánh, nên thuộc về hiện lượng tánh vô ký là tánh cố định. Thức thứ sáu thì có tánh khả biến thuộc tỉ lượng, phi lượng.
Hiện lượng như trước mắt thấy mưa, tỉ lượng như sáng thức dậy thấy sân trước sân sau đều thấm ướt thì suy biết đêm qua có mưa; phi lượng như thấy mặt đất bị nước ướt, tưởng là đêm qua có mưa, sự thật thì chẳng có mưa.
Tiền ngũ thức chẳng thể hợp tác với nhau. Mỗi thức chỉ có thể kết hợp với cảnh trần riêng biệt của mỗi thức. Còn thức thứ sáu thì có thể hợp tác với bất cứ thức nào và sự nhận thức của nó thuộc tánh khả biến.
Ngũ căn chỉ có thể nhận thức về cảm giác. Còn ngũ thức thì, qua sự cảm giác của ngũ căn, sanh khởi phân biệt. Riêng thức thứ sáu thì có tác dụng về tư duy và liễu ngộ. Cũng như nhãn căn có năng lực về thị giác, nhưng chỉ có thể chiếu soi cảnh trần mà chẳng thể phân biệt. Còn nhãn thức qua thị giác thì có tác dụng nhận thức phân biệt (thuộc tánh cố định). Ý căn chỉ có năng lực tư duy, còn ý thức thì qua sự tư duy, rồi sanh tác dụng nhận thức phân biệt (thuộc tánh khả biến). Nói tóm lại, lục căn có thể giúp cho lục thức sanh khởi sự phân biệt cao độ vậy.
Kinh Pháp Bảo Ðàn, phân biệt lục căn với lục thức, có nói: "Sắc thân (thân thể) của người thế gian là thành. Lục căn là cửa. Ngoài có năm cửa (tức ngũ căn nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân). Trong có cửa ý (tức ý căn). Lúc sáu thức ra sáu cửa (tức lục căn), nếu ở nơi lục trần mà chẳng tạp, chẳng nhiễm thì tới lui tự do, ứng dụng chẳng ngại, tức là Bát Nhã tam muội, tự tại giải thoát, gọi là vô niệm hạnh.
Muốn thuyết minh tình trạng luân hồi của nhân loại, nên nhờ câu tụng của Huyền Trang Ðại Sư để chứng minh:
Bát thức qui củ tụng có câu "Khứ hậu lai tiên tác chủ công". Hấp lực tỏa ra do cộng nghiệp của mình và cha mẹ khi cha mẹ giao hợp, khiến thức thứ tám đến trước nhất (lai tiên). Khi chết, thức này rời nhục thân sau cùng (khứ hậu). Do tánh chấp ngã của thức thứ bảy kết hợp với sinh lý của cơ thể, mà làm chủ nhân nơi thân này. Ðồng thời do tinh cha trứng mẹ kết hợp hình thành thai nhi, nhờ bát thức làm cơ nhân (DNA) mà dần dần hình thành hệ thống thần kinh của bộ não, đồng thời cùng khắp các tế bào và lục phủ ngũ tạng của toàn thân, do bộ não làm thủ tướng. Do sự lôi kéo của ngã chấp, khiến lục thức với lục căn hợp tác mà nghe theo lệnh của bộ não. Nhưng mà, lục căn thuộc về sắc pháp (thể vật chất), lục thức thuộc về tâm pháp (thể tinh thần), căn có thể hoại diệt, thức thì chẳng thể hoại diệt. Nếu tu hành đến kiến tánh thì chuyển được bát thức thành tứ trí mà ra khỏi luân hồi, chấm dứt sự sanh tử, dứt hẳn sự đầu thai chuyển thế, tự do tự tại vĩnh viễn, chẳng còn tạo nghiệp và bị nghiệp lực trói buộc.
Về chuyển thức thành trí trong kinh Pháp Bảo Ðàn có tám câu kệ:
Ðại viên cảnh trí tánh thanh tịnh,
Bình đẳng tánh trí tâm chẳng bệnh,
Diệu quan sát trí chẳng tác ý.
(Sự thấy của diệu quan sát trí chẳng cần tác ý)
Thành sở tác trí đồng viên cảnh.
Ngũ, bát, lục, thất quả nhân chuyển,
Chỉ dùng tên gọi chẳng thật tánh.
Nếu ngay nơi chuyển chẳng dính mắc,
Ở chỗ náo động cũng đại định.
Lược giải:
"Ðại viên cảnh trí tánh thanh tịnh".
Thức thứ tám chuyển thành trí như gương tròn chiếu soi, phổ chiếu vạn pháp là trí vốn thanh tịnh của bản tánh.
"Bình đẳng tánh trí tâm chẳng bệnh".
Thức thứ bảy chấp thức thứ tám là ta (thức thứ tám là bản thể của tất cả pháp) thành bệnh ô nhiễm, nay chuyển thành "bình đẳng tánh trí", ảnh hưởng thức thứ sáu chẳng khởi phân biệt tưởng thì tâm chẳng bệnh.
"Diệu quan sát trí chẳng tác ý".
Do sự chấp ngã của thức thứ bảy khiến thức thứ sáu sanh khởi vọng tưởng phân biệt, khi chuyển thành Diệu Quan Sát trí rồi, dù thấy mà chẳng có tác ý phân biệt, nên gọi là chẳng tác ý.
"Thành sở tác trí đồng viên cảnh".
Tiền ngũ thức duyên theo sự lãnh đạo của thức thứ sáu mà khởi vọng tưởng phân biệt, khi chuyển thành "thành sở tác trí" rồi, tức đồng như "đại viên cảnh trí", dù dùng mà chẳng tác ý phân biệt.
"Ngũ, bát, lục, thất quả nhân chuyển".
Lục và thất là trong nhân chuyển (thức thứ sáu là nhân tiệm tu, thuộc giáo môn; thức thứ bảy là nhân đốn ngộ, thuộc thiền môn), ngũ và bát là trên quả chuyển, vì hễ vọng chấp của thức thứ bảy chuyển, thì ngũ và bát cũng chuyển theo.
"Chỉ dùng tên gọi chẳng thật tánh".
Tám thứ thức kể trên chuyển thành tứ trí chỉ là tên gọi, chẳng có tánh thực, nghĩa là chỉ chuyển cái tên mà chẳng phải chuyển cái thể vậy.
"Nếu ngay nơi chuyển chẳng dính mắc".
Nếu ở nơi chuyển mà chẳng chấp trước (chẳng chấp thật).
"Ở chỗ náo động cũng đại định".
Bất cứ ở chỗ hoàn cảnh náo động cách mấy cũng đều là đại định (chẳng có nhập định xuất định, vĩnh viễn ở trong định).
Nhị vô ngã
1. Nhân vô ngã:
Người thế gian, do khuynh hướng chấp thật cái nhục thân do cha mẹ sanh, thường cho rằng có một chúa tể là "nhân ngã". Vì muốn thỏa mãn dục vọng của thân này nên người đời bày ra muôn ngàn mưu toan để tổn người lợi mình, ích kỷ hại tha, thậm chí giết hại người thân, nhiễu loạn trật tự xã hội, do đó tất cả phiền não liền từ ngã chấp này mà sanh. Nếu quan sát tỉ mỉ, chúng ta biết thân này chỉ do sắc, thọ, tưởng, hành, thức ngũ uẩn hòa hợp, mới có cái tác dụng kiến văn giác tri. Nhưng tác dụng này còn phải chịu sự hạn chế của không gian và thời gian, sát na chẳng trụ, rốt cuộc sẽ biến mất, chứ làm gì có cái tự ngã chân thật để làm chúa tể cái tự ngã của thân này. Vì nếu thật được làm chúa tể thì phải chắc chắn vĩnh viễn không bị biến diệt. Song sự thật thì trong cuộc đời này, có chúa tể nào thoát được già bệnh chết... Do đó chứng minh được rằng chẳng thể thành lập tự ngã. Nên gọi là "nhân vô ngã".
2. Pháp vô ngã:
Theo đoạn trên đã chứng minh thân người vô ngã, thì tất cả các pháp trong vũ trụ do thân này nhận biết được, đương nhiên cũng chẳng thể thành lập. Bởi vì phải có "người" trước, rồi mới có tất cả pháp do "người" này nhận biết. Nay đã biết "nhân ngã" chẳng thể thành lập, thì cái "pháp ngã" do "nhân ngã" biết được ắt cũng chẳng thể thành lập, do đó được ngộ "nhân vô thì pháp vô". Ấy nên gọi là "pháp vô ngã".
Cả hai thứ nhân vô ngã, pháp vô ngã này, gọi chung là "nhị vô ngã".
Kết Luận
Muốn kiến lập lý luận từ tương đối đến tuyệt đối, trước tiên phải bắt đầu từ lực học của Newton đến lực học của Einstein. Nếu giả thuyết tốc độ vận động của vật chất từ số 0 đến 100, thì Newton từ 0 đến 50, thuộc thuận hành tánh bất biến; còn Einstein thì từ 0 đến 50, rồi lại tiến thêm từ 50 đến 100, thuộc tánh khả biến và chuyển đổi lẫn nhau; còn lực học của Thích Ca Mâu Ni chẳng những từ 0 đến 100, lại từ 100 đến 200, đến 300 v.v... cho đến vô cùng tận.
Tóm lại, quan điểm của nhà khoa học chỉ có khả năng quan sát những sự vật tương đối trong vũ trụ. Vì vạn sự vạn vật đều chẳng thể mỗi mỗi tự độc lập, cần phải nhờ nhân duyên tương đối mà thành: Như gà sanh trứng, trứng sanh gà. Như âm dương tương đối, hút đẩy tương đối, đồng tánh thì chống nhau, khác tánh thì hút nhau, khi hấp lực lớn đến mức độ "N" thì tốc độ ánh sáng có thể bị hấp lực nuốt mất.
Vạn vật trong vũ trụ hoại nhau mà giúp nhau, và ăn nuốt lẫn nhau, đã thống nhất, lại mâu thuẫn, biến hóa chẳng định, lại chẳng thể tăng giảm. Như nước có thể diệt lửa, nhưng nếu đem nước phân tích thành hai thứ khí thể H, O, thì lại trở thành lửa, H có thể tự cháy, O có thể giúp cho sự cháy. Dù hoại nhau, thành nhau, mà cùng tồn tại bất diệt. Chúng ta ở trong hoàn cảnh vạn tượng xum la lăng xăng, phức tạp, nhiễu loạn chẳng ngừng này, mỗi mỗi vì dục vọng của bản thân mà cạnh tranh lẫn nhau, từ đao kiếm súng ống, chiến tranh kinh tế, từ chiến tranh lạnh đến chiến tranh nóng, và từ chiến tranh nóng qua chiến tranh lạnh; từ chiến tranh cá nhân với cá nhân, cho đến chiến tranh quần thể với quần thể. Thiên tai nhân họa, tranh nhau mà đến. Xưa kia còn tưởng thiên tai là việc không thể đối phó được, nhưng hiện nay mới phát hiện thiên tai cũng là do nhân họa tạo thành.
Chúng ta ở trong hoàn cảnh thiên tai nhân họa tranh nhau ùn đến chẳng ngừng này, đâu thể hưởng thụ cuộc sống hạnh phúc? Tại sao con người một mặt tạo ra tai nạn, một mặt thì kêu gọi đóng góp để cứu nạn, thực là mâu thuẫn tức cười. Cho nên Ðức Phật nói "Tất cả do tâm tạo" là vậy.
Nếu chúng ta chịu nương theo sự chỉ dạy của Ðức Phật về phương cách cuộc sống để sống, thì hạnh phúc ở nơi trước mắt, chớ chẳng cần tìm cầu. Nói một cách khác, tức là "vô vi mà vô sở bất vi". Nói vô vi, chỉ là giữ tâm này chẳng sanh khởi hai chữ "cho là" (chấp thật) mà thôi. Việc này dù xem rất đơn giản, nhưng thật tại thì khó làm được. Ðó là vì tập khí của chúng ta, lúc đối cảnh ắt phải khởi tâm động niệm, nhất định phải dùng "cho là" để lạc vào tương đối, rồi từ đó thị phi tốt xấu ùn lên, và phiền não cũng theo đó mà đến. Lực học của Thích Ca Mâu Ni chỉ là như thế như thế:
Ðã vì đói khát mà ăn uống thì cứ ăn uống, chẳng nghĩ cái khác; đã vì che thân chống lạnh mà mặc áo thì cứ mặc áo, chẳng nghĩ cái khác, mỗi mỗi chức nghiệp đều giữ đúng vị trí của nó, chẳng nghĩ cái khác. Vậy thì, cha giữ đúng vai trò của cha, mẹ giữ đúng vai trò của mẹ; con cái giữ đúng vai trò của con cái; chồng giữ đúng vai trò của chồng, vợ giữ đúng vai trò của vợ v.v... tất cả mỗi mỗi đều giữ đúng vai trò của mình, làm tròn bổn phận, an cư lạc nghiệp, thì tự nhiên mọi người đều được an lạc hạnh phúc, thiên hạ thái bình.
Ghi chú: Vai trò: Nghĩa là tùy theo truyền thống xưa nay của mọi dân tộc và nhà nước, phong tục, tập quán pháp luật khác nhau thì vai trò cũng theo đó khác nhau, như truyền thống Việt Nam, Trung Quốc, truyền thống Mỹ v.v... mỗi mỗi đều khác nhau là vậy v.v...
---o0o---
Tỳ Kheo Thích Duy Lực
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét