
Hồng Lĩnh là thắng cảnh nổi tiếng ở Hà Tĩnh. Từ xưa, dãy núi 99 ngọn vút cao này đã được xếp vào trong 21 danh thắng của nước Nam. Ðặc biệt sự hiện hữu của chùa Hương Tích với nhiều kỳ quan liên kết đã xứng danh là "Hoan Châu đệ nhất danh lam".
"Phiên bản" chùa Hương
Chùa Hương Tích ở Hà Sơn Bình thật ra chỉ là một "phiên bản" đầy ý nghĩa của chùa Hương Tích trên núi Hồng Lĩnh thuộc xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Theo cuốn Hương Sơn thiên trù thiền phả, một vị hòa thượng được lệnh của chúa Trịnh (sau khi đi tuần thú) xác định địa điểm và cho xây dựng chùa Hương Tích ở Hà Sơn Bình từ đời Lê Huy Tông dưới niên hiệu Chính Hòa (1680-1904).
Trong khi theo sách Hương Sơn báu quyển, chùa Hương ở Hà Tĩnh là một động cao và khuất, thường có mây mù bao phủ. Chùa này được chính thức xây dựng từ đời Trần (có thể đồng thời với chùa Yên Tử).

Câu trả lời là vào thời Lê - Trịnh, các vua Lê - chúa Trịnh phần lớn có quê ở xứ Thanh (xem Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái) nên các phi tần, mỹ nữ đa số được chọn tuyển ở miền Hoan Châu. Hằng năm các cung phi, cung nữ Thanh - Nghệ thường trẩy hội chùa Hương trên núi Hồng Lĩnh vào ngày 18-2 âm lịch bằng đường thủy qua cửa Hội Thống (gần Cửa Lò bây giờ). Mỗi lần những "người đẹp" đi xa như vậy khiến chúa Trịnh rất phân vân (tuy đã bố trí lính vệ phục dịch dọc đường), do đó chúa Trịnh mới gọi một vị hòa thượng xác định địa điểm ở miền rừng núi Hà Sơn Bình để xây chùa Hương Tích thứ hai mà thờ vọng để các "người đẹp" đi trẩy hội gần hơn (theo dẫn giải của ông Bùi Văn Nguyên, nguyên tổng thư ký Hội Văn nghệ dân gian VN). Như vậy nhờ "sáng kiến" của chúa Trịnh mà nước ta có hai chùa Hương Tích.
Chùa Hương gốc

Giống như chùa Hương ở Hà Sơn Bình, quần thể chùa Hương ở Hà Tĩnh gồm có thượng điền (chùa chính), đền Thiên Vương và am Thánh Mẫu. Ngoài ra chùa còn có những cảnh đẹp liên kết: động Tiên Nữ 36 cửa vào ra, am Phun Mây, suối Tiên tắm... và luôn tịnh yên giữa rì rào gió lá rừng trúc, rừng thông cùng tiếng thác đổ trầm đều từ bốn phía trên đỉnh núi. Chùa tĩnh nhưng mỗi năm cũng có hơn vạn người đến viếng. Ðông nhất là tháng giêng, hai và ngày rằm tháng bảy. Dịp đó dân nghèo xã Thiên Lộc mở quán dày đặc dọc lối lên phục vụ du khách. Năm 1990 chùa được Nhà nước cấp bằng di tích văn hóa - thắng cảnh.
TTđTD - Theo Tuổi trẻ chủ nhật
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét