Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2015

Vũ Trụ - Tính Không

Họ là Vô Ngã, Họ là Bản Ngã Cao cấp. Nói một cách khác Họ có Cơ thể Năng lượng Cao cấp. Cơ thể đó, Tâm thức đó, Trí huệ đó, Linh hồn đó,... hoặc là một cách gọi nào khác; nếu có cơ chế, nếu có cấu trúc; thì nó sẽ là: Tần số dao động rất cao, có khối lượng vô cùng bé (coi như bằng Không), có Độ Căng cực kỳ lớn (lớn hơn nhiều Độ Căng Planck) và Năng lượng là khổng lồ; tất cả sẽ vượt qua các thang đo hiện hữu. Vâng sẽ phải là như vậy. Sẽ phải là như vậy, nó mới thấy được Tính Không, thấy được Chuỗi. Họ tồn tại ở cả những Không Thời gian cao hơn rất nhiều so 11 chiều Không Thời gian của Lý thuyết M.
1
Tháng 10 năm 2011, tại Atlanta, USA, tôi đã được nghe Tâm Kinh có lời như thế này:

"Avalokita vị Bồ tát linh thiêng, đang đi vào hành trình xâu xa của Prajnaparamita, đã vượt ra bên ngoài, nhìn xuống từ trên cao và thấy năm uẩn đều không."

"Ngài đã thuyết: Này Sariputra! Vật chất là Không, Không là vật chất. Vật chất không khác gì Không. Không không khác gì Vật chất. Dù Vật chất là gì, đấy cũng là Không; dù Không là gì, đấy cũng là Vật chất. Điều này cũng đúng cho quá trình Tâm thức của Con Người là Thọ, Tưởng, Hành và Thức."

"Này Sariputra! Các Pháp đều Không. Chúng chẳng sanh chẳng diệt, chẳng vẩn đục chẳng tinh khiết, chẳng thiếu chẳng đủ. Cho nên, trong Không không có Vật chất, không có Thọ, không có Tưởng, không có Hành và không có Thức; không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không ưnhãn giới cho đến không ý thức giới; không vô minh cũng không phủ định vô minh; và vân vân cho đến không hủy hoại, không chết; và cũng không phủ định hủy hoại, không phủ định chết; không có Khổ, không có Tập, không có Diệt và không có Đạo; không có sự thành đạt cũng không có sự không thành đạt."

"Do đó này Sariputra! Bởi không sự thành đạt của mình mà Bồ tát trong quá trình hoàn hảo của Trí huệ, nên tâm không vướng mắc; vì không vướng mắc nên không sợ hãi; vượt qua những điều gây rối trí, nên cuối cùng Ngài đã đạt tới Niết bàn. Chư Phật ba thời đều tỉnh thức tới chứng ngộ chính đẳng, chính giác và hoàn hảo. Bởi vì họ đã tiến tới và đạt được sự hoàn hảo của Trí huệ."

"Do đó, nên biết Prajnaparamita là thần chú vĩ đại, là thần trú của Trí huệ vĩ đại, là thần trú tột cùng, câu Thần chú Vô song; làm dịu đi những mọi đau khổ; trong Chân lý còn có gì có thể sai được."

"Thần trú Prajnaparamita đã được chuyển giao. Thần trú được nói thế này: Vượt ra, Vượt ra, Vượt ra ngoài, Vượt ra ngoài tất cả. Xin chào sự thức tỉnh. Đến đây là đạt tới Trí huệ hoàn hảo."

Vâng, tôi đã được nghe lời Tâm kinh như vậy.

Tôi đã hiểu Tư tưởng của Tâm Kinh là tư tưởng Vô thường, Vô Ngã, là Tính Không. Tính Không của Thế giới Vật chất, của Con Người và của cả quy luật Tự nhiên và quy luật Vũ trụ. Trong bản Kinh này, Vật chất hay còn gọi là Sắc, là Tính Không. Con Người gồm thân xác (phần vật chất) và Tâm thức (là Thọ, là Tưởng, là Hành và là Thức) là Tính Không. Quá trình nhận thức của con người với Thế giới khách quan; thông qua năm giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và Tâm để nhận biết: sắc, thanh, hương, vị, xúc và đối tượng của Tâm; cũng là Tính Không. Hai giáo lý quan trọng nhất trong Phật giáo để mô tả quy luật phát triển của Con người và sự phóng chiếu của Tự nhiên lên con người là Mười hai nhân duyên và Bốn Khổ đế cũng là Tính Không.... Nội dung chính và Tư tưởng chính của Tâm Kinh là như vậy.

Có một số điều tôi có thể hiểu. Có một số điều tôi không hiểu. Tôi đã từng hỏi:

"...Nhưng còn Tính Không của thế giới Vật chất? Trong Hệ quy chiếu Khoa học, trong Hệ quy chiếu của Newton, trong Hệ quy chiếu của Einstein..., mà nói rằng tất cả các Vật chất là không có tự tính, là giả hữu và phá chấp sự tồn tại của nó,... thì dường như khó thuyết phục. Làm sao chấp nhận được. Làm sao có thể phá chấp đỉnh Himalayas sừng sững uy nghi hàng triệu năm; làm sao có thể phá chấp dòng sông Hằng linh thiêng hàng trăm ngàn năm của người Ân Độ; làm sao có thể phá chấp dòng sông Mê kông xuất phát từ vùng núi cao tỉnh Thanh Hải (Trung Quốc), băng qua Tây Tạng theo suốt chiều dài tỉnh Vân Nam, qua các nước Myanma, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam rồi ra Thái bình dương hàng trăm ngàn năm nay,... Làm sao có thể giả hữu được cơn sóng thần năm 2004 vào Thailand làm hàng chục ngàn người chết; làm sao có thể giả hữu được sự khủng bố điên cuồng toà tháp đôi Trung Tâm thương mại Mỹ năm 2001; làm sao có thể giả hữu được khủng khoảng sóng thần và hạt nhân của Nhật bản năm 2011,... Làm sao, làm sao có thể như vậy được. Xin cố đừng hiểu về Tính Không khi chưa thể bước sang Hệ quy chiếu khác. Các Lạt ma, các Ripoche tái sinh qua nhiều kiếp và hiện thời có nhiều vị đang sống, chắc các vị vẫn còn nhớ tới dãy Himalayas quanh năm tuyết phủ, chắc các vị hãy còn nhớ dòng sông Mê kông ngàn năm gợn sóng; mà khi còn sống ở các kiếp trước các vị đã từng thấy nó. Làm sao giả hữu được? Làm sao phá chấp được? Làm sao có thể nói Himalayas, sông Mê kong và sông Hằng... là Không?..."

Tôi đã thao thức như vậy. Tôi đã thao thức nhiều ngày, nhiều tháng. Tôi đã thiền quán nhiều giờ về chủ đề này, một Công án. Công án vẫn chưa mở. Như Chế Lan Viên đã có lần than thở:

"Cửa vẫn đóng và đời im ỉm khoá,
Những pho tượng chùa Tây phương không biết cách trả lời."

Tượng thì không thể trả lời. Tôi vẫn thiền quán, và tôi đã luôn thao thức.
2
Tôi cũng biết rằng:

Vật chất được cấu tạo từ các phân tử. Cơ thể sống được cấu tạo từ các tế bào. Tế bào, phân tử được cấu tạo từ các nguyên tử.

Nguyên tử được tạo thành từ một hạt nhân mang điện tích dương nằm ở tâm và các electron mang điện tích âm chuyển động xung quanh. Hạt nhân được tạo thành từ các hạt proton mang điện tích dương và các hạt neutron không mang điện. Một hạt proton được cấu tạo bởi hai hạt quark trên và một hạt quark dưới. Một hạt notron được cấu tạo bởi hai hạt quark dưới và một hạt quark trên,... Mỗi nguyên tố chỉ có một số proton duy nhất, nhưng có thể có số neutron khác nhau.

Các electron chuyển động xung quanh hạt nhân trên các quỹ đạo. Mỗi quỹ đạo được đặc trưng bởi ba số lượng tử là: số lượng tử chính, số lượng tử phương vị và số lượng tử từ. Trên mỗi quỹ đạo có thể có hai electron, nhưng hai electron này phải có một số lượng tử thứ tư là spin khác nhau. Các quỹ đạo của electron không phải là những đường cố định mà là ngẫu nhiên.

Mô hình nguyên tử giống như mô hình Thái dương hệ. Rất rỗng. Hạt nhân ở Tâm nguyên tử, chiếm một vùng không gian rất nhỏ bé. Nhỏ bé so với nguyên tử. Phần bên ngoài là quỹ đạo chuyển động của các electron. Nếu hạt nhân là một quả cầu ở tâm, bán kính là 1m. Các electron chỉ to bằng hạt cát. Các electron chuyển động theo các quỹ đạo, khi ở gần hạt nhân nhất thì khoảng cách đó cũng là 100km! Bằng khoảng cách từ Sài gòn ra Vũng tàu. Rất, rất rỗng. Tất cả đều là Chân không. Một quả cầu đường kính 200 km, bằng khoảng cách từ Sài gòn ra Phan thiểt, giữa tâm có một khối cầu 2m, bên ngoài có một số hạt cát chuyển động. Rỗng và rất rỗng. Tất cả đều Chân không.

Tôi đã biết như vậy. Tôi đã biết như vậy từ khi là sinh viên đại học. Giờ đây sau nhiều năm, tôi vẫn biết vậy. Gần đây tôi có đọc một số bài viết của vài tác giả, giải thích Tính Không theo mô hình Thái dương hệ của Nguyên tử. Tôi cũng đã quán tưởng chủ đề này, trong nhiều giờ ngồi thiền. Nhưng có điều gì đó không thể là Ánh sáng được. Không thể. Những hạt nhân, khối lượng chính của nguyên tử. Những hạt quark, những hạt notron, những hạt proton,... Chúng đã tạo nên hạt nhân có khối lượng đậm đặc! Đạt tới 100 triệu tấn trong 1 centimet khối. Tính Không thể nào được? Làm sao phá chấp được mật độ khối lượng đậm đặc này? Tôi vẫn thao thức như vậy.
3
Thế rồi, tôi đã được đọc cuốn sách: The Elegant Universe, của tác giả Brian Greene. Dịch giả Phạm Văn Thiều đã dịch ra tiếng Việt với tựa đề: Giai điệu Dây và Bản Giao hưởng của Vũ trụ. Nhưng tôi thích tựa đề: Vũ trụ Bí ẩn, hơn. Tôi được biết tác giả Brian Greene, là một Nhà Vật lý. Ông học Vật lý ở trường đại học Harvard. Ông nhận bằng tiến sỹ ở trường đại học Oxford danh tiếng. Ông giảng dạy Vật lý và Toán ở trường đại học Columbia. Hiện ông là Viện trưởng Viện nghiên cứu Chuỗi, Vũ trụ học và Vật lý Hạt. Cuốn sách Vũ trụ Bí ẩn, đã được ông viết một cách tuyệt vời, trình bày những vấn đề chuyên sâu, bằng một ngôn ngữ giản dị. Chính cuốn sách này, bằng cách đọc nó và kết hợp với quá trình hành thiền và quán tưởng về chủ đề Chuỗi, tôi đã sáng tỏ ra nhiều điều. Đặc biệt là về Tính Không, như một Công án mà tôi luôn thao thức.

Lý thuyết Chuỗi, và đỉnh cao của nó là Lý thuyết M, là Nội dung chính mà cuốn sách đề cập tới. Đồng thời nó cũng là hướng phát triển của Vật lý hiện đại trong thế kỷ hai mươi mốt.

Hai Nội dung cơ bản của các Lý thuyết này, là (1) Thực tại Vũ trụ có thể mô tả bằng một Không Thời gian 11 chiều. Có 10 chiều không gian, trong đó có 3 chiều không gian mở và 7 chiều không gian xoắn và 1 chiều thời gian. 11 chiều Không Thời gian chưa phải giới hạn cuối cùng. (2) Các hạt cơ bản chưa phải là cơ bản. Các hạt electron, các hạt quark,... có thể mô tả bằng các Chuỗi một chiều, hoặc Màng hai chiều, hoặc Các yếu tố ba chiều,... Các yếu tố này luôn dao động, đấy là điều vô cùng quan trọng. Đặc trưng Dao động của các yếu tố này thể hiện các thuộc tính Vật chất của Hạt cơ bản. Các đặc trưng Dao động của các yếu tố này thể hiện năng lượng, thể hiện khối lượng, thể hiện điện tích, thể hiện các lực của tự nhiên: lực mạnh, lực yếu, lực điện từ và lực hấp dẫn,... của Hạt cơ bản.

Nội dung thứ nhất, về các chiều Không Thời gian, chúng ta sẽ quay lại cùng tìm hiểu trong một chủ đề khác. Hãy cùng tìm hiểu nội dung thứ hai, khái niệm Chuỗi và các đặc trưng dao động. Dường như có một cái gì đó rất cơ bản, rất cơ bản, tương đồng với Tính Không. Hãy chú ý, chỉ là tương đồng, chỉ là tương đồng thôi. Lý thuyết Chuỗi, lý thuyết M và Tính Không là hai cấp độ khác nhau. Không thể so sánh. Không thể dùng các phương trình của Euler, của Edward Witten để giải thích Tính Không. Tôi và chúng ta không làm điều không thể. Nhưng ở đây tôi tìm sự tương đồng.
4
Các Hạt cơ bản được mô tả bằng Chuỗi một chiều, hoặc Màng hai chiều, hoặc Yếu tố ba chiều. Về cơ bản, ba trường hợp này là không khác nhau. Từ Chuỗi một chiều sang các yếu tố khác, chỉ là sự thay thế hàm một biến thành hàm hai biến, hoặc hàm ba biến mà thôi. Thuật toán phức tạp hơn. Ý nghĩa Vật Lý không thay đổi. Các Nhà Khoa học nói vậy. Vật sẽ là Chuỗi một chiều, ở đây.

Các Hạt cơ bản được mô tả bằng Chuỗi. Mỗi Hạt cơ bản có một Chuỗi tương ứng. Tất cả các Chuỗi là giống nhau. Sự khác nhau của các Hạt cơ bản biểu hiện qua phương cách dao động khác nhau của Chuỗi.

Các Hạt cơ bản được mô tả bằng Chuỗi. Hạt electron, các loại hạt quark là Chuỗi. Hạt nhân Nguyên tử được cấu tạo từ các hạt neutron, hạt proton; các hạt neutron và các hạt proton được cấu tạo từ 3 hạt quark. Hạt nhân Nguyên tử sẽ là tổ hợp không nhiều lắm các Chuỗi. Nguyên tử được cấu tạo từ Hạt nhân ở tâm, và một số không nhiều lắm hạt electron chuyển động xung quanh. Nguyên tử sẽ là tổ hợp không nhiều lắm các Chuỗi, ở tâm mật độ Chuỗi nhiều hơn ở bên ngoài.

Chuỗi hay còn gọi là dây, một chiều, có chiều dài cực kỳ ngắn. Đó là chiều dài Planck, bằng 10-35m (số 1 đứng sau ba mươi lăm con số 0, sau dấu phẩy). Kích thuớc Hạt nhân nguyên tử vào khoảng 10-15m. Kích thuơc Nguyên tử vào khoảng 10-10m. Chiều dài Chuỗi, nhỏ hơn một trăm tỷ tỷ lần so với kích thước Hạt nhân nguyên tử. Chiều dài Chuỗi, nhỏ hơn một triệu tỷ tỷ lần so với kích thước Nguyên tử. Quay trở lại với mô hình Nguyên tử, chúng ta đã ví dụ, một quả cầu có đường kính 200km, gần bằng khoảng cách từ Sài Gòn ra Phan Thiết. Quả cầu Nguyên tử này, theo Lý thuyết Chuỗi là rỗng và cực kỳ rỗng, không có gì ngoài một số không nhiều lắm các Chuỗi, có chiều dài bằng 2x10-10m, bằng 2x10-7mm, bằng 20 nanometre. Rỗng và cực kỳ rỗng.

"Avalokita vị Bồ tát linh thiêng, đang đi vào hành trình xâu xa của Prajnaparamita, đã vượt ra bên ngoài, nhìn xuống từ trên cao và thấy năm uẩn đều không."

"Ngài đã thuyết: Này Sariputra! Vật chất là Không, Không là vật chất. Vật chất không khác gì Không. Không không khác gì Vật chất. Dù Vật chất là gì, đấy cũng là Không; dù Không là gì, đấy cũng là Vật chất. Điều này cũng đúng cho quá trình Tâm thức của Con Người là Thọ, Tưởng, Hành và Thức."

Phải chăng Avalokita và Sariputra, Họ đã nhìn thấy điều này. Họ đã nhìn thấy tất cả, nhìn thấy Himalayas, nhìn thấy Kim Tự tháp Ai cập, nhìn thấy Stonehegen, nhìn thấy Everest,... Họ đã nhìn thấy tất cả, những đỉnh núi, những dòng sông, những công trình kiêu hãnh của Nhân loại, nhìn thấy cỏ cây hoa lá,... Tất cả không phải là đá, không phải là đồng, không phải thực vật, không phải tế bào,... cũng không phải là Bốn Đại: Đất, Lửa, Gió và Nước. Họ đã thấu thị. Họ đã nhìn thấy tất cả chỉ là Chuỗi và Sự Trống Rỗng bao la?

Đây phải chăng chính là sư tương đồng thứ nhất giữa Lý thuyết Chuỗi và Tính Khong. Tất cả, mọi vật chất đều rỗng và cực kỳ rỗng. Tất cả mọi vật chất đều Tính Không.
5
Tìm hiểu sự tương đồng thứ hai, bắt đầu bằng tìm hiểu về khái niệm dao động.

Một cách thông thường dao động có hai thuộc tính: nhanh và mạnh. Tần số và Tốc độ thuộc về nhanh. Tốc độ thì dễ hiểu. Tần số là số lần thực hiện một dao động, (một dao động thường là có một đỉnh sóng và có một đáy sóng) trong một đơn vị thời gian (giây). Chu kỳ là một biểu hiện khác của Tần số, nó là khoảng thời gian giữa hai lần xuất hiện liên tiếp một đỉnh sóng. Bước sóng là khoảng cách giữa hai đỉnh sóng. Biên độ và Tần số thể hiện về mạnh. Biên độ là chiều cao của đỉnh sóng cộng với chiều cao của đáy sóng,... Nhưng dao động không chỉ có vậy. Dao động có mặt trong mọi khắp mọi nơi, mọi lúc. Dao động muôn vạn hình thái. Sóng biển có thể là dao động điều hoà, khi không có gió. Sóng trong dông, dật lên từng cơn, nó cuốn theo những năng lượng lớn, những năng lượng vừa, những năng lượng nhỏ đan xen và tiếp nối. Sóng Thần có tần số nhỏ hơn rất nhiều so với Sóng trong dông, nhưng đặc biệt bước sóng của nó rất dài, nó mang theo một khối lượng nước kèm khổng lồ, nó chứa một năng lượng khủng khiếp. Sóng của động đất có tần số cực kỳ cao, nó là nguồn gốc tạo nên Sóng Thần, nhưng dao động của chúng rất khác nhau... Dao động không chỉ có trong những hiện tượng của Tự nhiên. Âm nhạc khi dịu êm, khi đằm thắm, khi nhẹ nhàng, khi ào ạt cũng được tạo từ dao động biến hoá của các dây đàn. Tháp Eiffel, Burj Dubai một nhà chọc trời ở Dubai, tháp The Shard ở London cao nhất Châu Âu,... có lúc nào không dao động. Biên động dao động tại đỉnh của Burj Dubai được tính bằng đơn vị mét...

Lý thuyết dao động đã có một bước nhảy lớn khi nảy sinh khái niệm về các mode dao động cơ bản. Một yếu tố dao động nào đó, sẽ có Vô cùng các mode dao động cơ bản. Tháp Eiffel có Vô cùng các mode dao động cơ bản. Mode bậc 1, có một đỉnh sóng. Mode bậc 2, có hai đỉnh sống... Mode bậc n, có n đỉnh sóng. Bất kỳ một dao động phức tạp nào, cũng đều có thể mô tả qua một số lượng không nhiều, các mode dao động cơ bản. Là dao động của Sóng Thần, là dao động của Động Đất, là dao động của Miệng Núi lửa khi phun trào, là bản Giao hưởng Sonate Dưới Ánh trăng giàu cung bậc và cảm xúc của Beethoven, là giọng ca Opera bất hủ của Luciano Pavarotti,... đều có thể mô tả bằng tổ hợp không nhiều các mode dao động cơ bản.

Nếu các hạt cơ bản được mô tả bằng các Chuỗi, và các Chuỗi này dao động. Các đặc trưng của các hạt cơ bản: điện tích, khối lượng, năng lượng, các lực tự nhiên: lực hấp dẫn, lực điện từ, lực hạt nhân mạnh, lực hạt nhân yếu,... tất cả được mô tả qua phương cách dao động của Chuỗi. Phương cách dao động của Chuỗi được thể hiện qua một số lượng không nhiều các mode dao động cơ bản, gọi là các mode dao động cơ bản đặc trưng. Các mode dao động cơ bản đặc trưng chính là Vân Ngón tay của Chuỗi đó và Hạt cơ bản tương ứng.

Trong Lý thuyết Chuỗi, các Hạt cơ bản được mô tả bằng Chuỗi. Mỗi Hạt cơ bản có một Chuỗi tương ứng. Tất cả các Chuỗi là giống nhau. Sự khác nhau của các Hạt cơ bản biểu hiện qua số mode dao động cơ bản đặc trưng khác nhau. Đây là Kết luận 1.

Từ Lý thuyết dao động, các Nhà Khoa học chưng minh được rằng, Tần số dao động càng cao, năng lượng càng lớn. Đây là Kết luận 2. Lý thuyết Chuỗi chấp nhận điều này.

Lý thuyết Tương đối Tổng quát coi khối lượng và năng lượng là hai mặt của một đồng tiền. Khối lượng càng lớn, năng lượng càng lớn. Lý thuyết Chuỗi cũng chấp nhận điều này. Nhưng điều này không thể đưa ra Kết luận về năng lượng được, nhất là trong Thế giới Hạ Nguyên tử.

Lý thuyết Chuỗi phát hiện ra trong Chuỗi có Đọ Căng. Độ Căng càng lớn, năng lượng càng lớn. Đây là kết luận 3a. Điều này dễ hiểu, khi có Độ Căng lớn, thì cần phải tốn nhiều năng lượng để Chuỗi có thể dao động. Nhưng điều này chưa dừng ở đây.

Trong Lý thuyết Chuỗi, các Nhà Khoa học chứng minh rằng: Độ Căng của Chuỗi tỷ lệ nghịch với khối lượng. Khối lượng liên quan đến Hạt của Chúa, hạt Higgs, hạt graviton, liên quan đến lực hấp dẫn. Lực Hấp dẫn lại vô cùng nhỏ. Nên Độ Căng của Chuỗi vô cùng lớn, nó có giá trị khổng lồ. Nó chính là Độ Căng Planck, nó bằng khoảng ngàn tỷ tỷ tỷ tỷ tấn (39 số 0 sau số 1). Chuỗi có Độ Căng không có dây nào có thể so sánh được. Chuỗi có Độ Căng lớn, sẽ có khối lượng nhỏ, năng lượng sẽ lớn. Đây là kết luận 3.

Đó là 3 kết luận cơ bản của Lý thuyết Chuỗi. 3 Kết luận này có một sự tương đồng lớn lao với Vô Ngã, với Tính Không.

"Avalokita vị Bồ tát linh thiêng, đang đi vào hành trình xâu xa của Prajnaparamita, đã vượt ra bên ngoài, nhìn xuống từ trên cao và thấy năm uẩn đều không".

Trong Tâm Kinh, Avalokita thuyết giảng cho Sariputra. Avalokita và Sariputra họ đã giảng cho nhau khi hành trình đi sâu vào Prajnaparamita. Xin hiểu Prajna là Trí huệ, còn paramita là Bờ bên kia. Prajnaparamita nên hiểu là Trí huệ của Bờ bên kia. Bờ bên kia của họ, của hai người đã giác ngộ và chứng ngộ, đó là Niết bàn, đó là Thiên đường. Dù là cách nói ẩn dụ.

Avalokita hay còn gọi là Bồ tát Quán Tự tại, hay còn gọi là Bồ tát Quan Thế âm. Ngài là Bồ tát, Ngài đã Chứng ngộ, và Ngài bay lên cõi Thiên đường. Thiên đường rộn tiếng chim ca, đàn sáo du dương, hương thơm ngào ngạt, không gian tràn đầy Phúc lạc, các đức Phật hoan hỷ đứng bên cổng, chờ đón người đã Chứng ngộ. Ngài cúi chào các Đức Phật, và xin phép không bước vào cổng Thiên đường. Không bước vào cổng Thiên đường, nguyện làm Bồ Tát, nguyện ở lại để giúp đỡ chúng sinh, nguyện là người sau cùng bước vào cổng Thiên đường, khi các chúng sinh đã vào hết. Ngài chỉ còn một bậc nữa thôi, là sẽ tỉnh thức tới chứng ngộ chính đẳng, chính giác và hoàn hảo. Một bậc nữa Ngài sẽ thành Phật.

Sariputra hay còn gọi là Xá lợi phất. Ngài là một trong Mười đại đệ tử của Đức Phật. Ngài có Trí huệ cao và được mệnh danh là Trí tuệ đệ nhất. Tương truyền chỉ mười lăm ngày sau theo làm đệ tử cho Đức Phật, Ngài đã giác ngộ. Cũng tương truyền chỉ có Đức Phật, còn không một ai có Trí tuệ bằng Ngài. Nhưng thật đáng tiếc Ngài đã mất trước khi Đức Phật nhập diệt vài tháng.

Hai còn người đó, Họ đã nhìn thấy tất cả chỉ là Chuỗi và Sự Trống Rỗng bao la; Họ đã nhìn thấy tất cả mọi Vật chất là Tính Không. Họ là hai con người đã ở tầm cao khác. Họ không giống chúng ta, họ ở tầm cao hơn chúng ta rất nhiều về mặt Tâm thức, họ có Trí huệ cao hơn rất nhiều. Họ là Vô Ngã, Họ là Bản Ngã Cao cấp. Đây là điều quan trọng.

Họ là Vô Ngã, Họ là Bản Ngã Cao cấp. Nói một cách khác Họ có Cơ thể Năng lượng Cao cấp. Cơ thể đó, Tâm thức đó, Trí huệ đó, Linh hồn đó,... hoặc là một cách gọi nào khác; nếu có cơ chế, nếu có cấu trúc; thì nó sẽ là: Tần số dao động rất cao, có khối lượng vô cùng bé (coi như bằng Không), có Độ Căng cực kỳ lớn (lớn hơn nhiều Độ Căng Planck) và Năng lượng là khổng lồ; tất cả sẽ vượt qua các thang đo hiện hữu. Vâng sẽ phải là như vậy. Sẽ phải là như vậy, nó mới thấy được Tính Không, thấy được Chuỗi. Họ tồn tại ở cả những Không Thời gian cao hơn rất nhiều so 11 chiều Không Thời gian của Lý thuyết M.

Xin được tiếp tục với Cơ thể Năng lượng và Vũ trụ Đa chiều trong những bài sau.

Xin bày tỏ lòng biết ơn tới tất cả những Tác giả và Dịch giả của các bài viết, bài nói mà chúng tôi đã sử dụng để làm tư liệu và cảm xúc để viết bài này; xin chân thành hồi hướng công đức nhỏ bé của mình tới Quý vi. Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Nam mô Chứng minh sư Bồ Tát Ma ha tát.

Minh Đạt
Nguồn: daophatngaynay.com/vn

Không có nhận xét nào: