Huyền Sử Hồng Bàng Với Tâm Thức Lưỡng Hợp
Nói đến Triết Việt hẳn trong chúng ta cũng có thể có câu hỏi: Chúng ta có một nền tư tưởng, văn hóa đặc sắc nào khả dĩ gọi được là Triết không? Thế giới có Triết Tây, Triết Đông chứ chưa ai đề cập đến Triết Việt bao giờ. Vâng. Quả thực trước kia chúng ta chưa hề nghe cha ông, các bậc tiền bối nói về hai chữ Triết Việt. Thế nhưng, kể từ những năm 1960 trở đi, tại quê nhà, các sinh viên, trí thức, các vị quan tâm tới văn hóa, đã có một thời xôn xao, khi Cố Triết Gia, Giáo Sư Lương Kim Định, đã tuyên bố một cách hùng hồn rằng dân tộc Việt có một nền Triết đặc thù. GS. đã tuyên dương nền Triết Việt ấy bằng một bộ sách Triết Lý 32 quyển, viết trong suốt một đời người, kể từ 1960 ở Việt Nam cho tới khi GS. từ trần 1997.
Trước hết chúng ta thử tìm hiểu xem căn cứ vào đâu mà Triết Gia Kim Định khám phá được kho tàng Triết Việt cho dân tộc chúng ta? Chúng tôi xin tóm tắt nền tảng xây dựng Bộ Sách Triết Việt đầu tiên ấy có thể căn cứ nơi BỐN phạm trù sau đây:
Từ
Tượng
Số
Chế.
TỪ có nghĩa là từ ngữ, lời văn, lời nói. Thí dụ như những truyện tích cổ xưa, các vần ca dao, các câu tục ngữ, những lời nói truyền miệng trong dân gian…Những Từ này khi tìm hiểu cặn kẽ, sâu xa thì ta thấy tất cả dường như có mối liên hệ chặt chẽ, chuyên chở những ý nghĩa đơn sơ mà thâm thúy trong Tư Tưởng và Nhận Thức của tiền nhân Việt.
Ngoài các từ ngữ ra, Tổ Tiên Việt còn để lại dấu ấn tư duy qua hình TƯỢNG như hình ảnh, nét vẽ, dấu vết ghi lại cảm xúc, ý thức, cuộc sống, ước vọng tâm linh…qua các hoa văn trên các di vật đồ sứ, đồ gốm, đồ đồng cổ xưa. Hoặc ngay trong các vật dụng thường ngày như cán dao, hòn sỏi v.v… mà khảo cổ đã tìm được. Đặc biệt nhất trong lãnh vực Tượng này chúng ta phải kể đến nghệ thuật và ý nghĩa được khắc trên các Trống Đồng của Việt Tộc cách nay 3000 năm. Chúng tôi sẽ xin trở lại với vấn đề này trong dịp khác về nền Minh Triết Trống Đồng, họa đồ Tâm Linh của Dân tộc Việt.
Nhưng không phải chỉ ở khía cạnh TỪ và TƯỢNG mà thôi, ở nơi chính các CON SỐ tầm thường nữa, Tổ tiên ta đã gửi gấm lại cho chúng ta các kinh nghiệm tâm linh về mối quan hệ nền tảng của các quy luật trong vũ trụ, tự nhiên, con người cũng như xã hội. Những con số tiêu biểu cho các chân lý sâu xa, nền tảng ấy như số 2, số 3, cặp số 2-3 mà chúng ta thường nghe là: Vài - Ba hay là con số 5 chẳng hạn, như trong câu ca dao:
Ai về đường ấy hôm mai,
Gửi Dăm (5) điều nhớ gửi vài (2) điều thương…
Hay là câu:
Cưới em quan tám tiền cheo,
Quan Năm (5) tiền cưới lại đèo buồng cau…
Còn CHẾ là là nề nếp sinh hoạt, thói tục, thể chế nơi đời sống gia đình, làng xóm, xã hội. Chế không bị đồng nhất khi có sự giao lưu với các nguồn văn hóa khác. Nó đặc biệt bền vững qua thời gian, qua bao thăng trầm của lịch sử. Như thế, CHẾ là thuần phong, là mỹ tục, là lễ nghĩa ràng buộc mỗi cá nhân trong xã hội lại với nhau một cách đặc thù, riêng biệt. Việt tộc đã có thể chế tuy có thể trộn nhưng không lẫn, hòa nhưng không tan qua hàng bao ngàn năm giữ nước. Tinh thần, đặc sắc này được thể hiện qua đời sống “Phép vua thua lệ Làng” ở khắp chốn làng quê, chúng ta nếu có dịp tìm hiểu thì thấy rất rõ.
Như “Hoa Cau Mọc ở Vườn Cau”, Triết Việt xuất phát và tồn dưỡng nơi Làng Việt, mà cũng là Quê Việt.
Như vậy, Bốn lãnh vực khác nhau này: Từ, Tượng, Số, Chế tuy có vẻ khác biệt, đa dạng về hình thức, về cách biểu lộ, diễn tả…nhưng lại có một sự Thống Nhất, chặt chẽ về nội dung, về những ý nghĩa làm nền tảng tư tưởng và sinh hoạt của dân tộc Việt từ bao ngàn năm xa xưa.
Mối liên hệ sâu xa, thống nhất, quán triệt ấy của Tư Tưởng và Văn Hóa của tiền nhân Việt đã mang đầy đủ giá trị của một nền Triết học có khả năng thấm vào tận chiều kích sâu thẳm của tâm hồn, rung động được lòng người, cũng như lan tỏa khắp vũ trụ, nhân gian, để người Việt có thể sống với, làng nước Việt đuợc an lạc, thái hòa, thì không những Việt Tộc ta đã có Triết, mà còn là một nền Triết thượng thừa, siêu việt, xứng đáng là Minh Triết nữa.
Vì, Minh Triết là gì, có phải rằng Minh Triết chỉ là Nghệ Thuật sắp xếp cuộc sống làm sao cho con người đạt được niềm Bình An và Chân Hạnh Phúc?
Trước khi đi vào sự nghiên cứu sâu rộng thêm Bốn lãnh vực căn bản: Từ, Tượng, Số, Chế của Minh Triết Việt chúng ta thử ôn lại với nhau về vài ba truyện tiêu biểu của kho tàng truyện tích cổ xưa, mà Triết Gia Kim Định gọi là Huyền Sử, thí dụ như Huyền Sử Tiên Rồng, Huyền Sử Bánh Dày Bánh Chưng, Phù Đổng Thiên Vương v.v…
Về Huyền Sử theo Minh Triết An Vi, Huyền theo nghĩa đen là sâu xa, ẩn kín, đen tối, không rõ. Còn sử như chúng ta cũng đã hiểu, là những sự việc xẩy ra có thể kiểm chứng được, với thời gian và không gian xác định được. Như vậy, Huyền Sử là những mảnh vụn của sự kiện lịch sử được dùng làm phương tiện để tổ tiên gửi gấm vào đó những ý nghĩa sâu xa vượt qua không gian và thời gian của câu truyện lịch sử.
Hay nói cách khác, nói đến Huyền Sử là nói đến việc triết lý bằng lịch sử. Như thế việc chúng ta cùng nhau ôn lại câu truyện Huyền Sử của Dân tộc Việt, chính là tìm đến tận ngọn nguồn của Minh Triết Việt. Có như thế việc đi tìm nền tảng xây dựng nền Triết Việt cho hợp với cảm quan của thời đại mới là việc thực sự giá trị và cần thiết vì nó tiếp cận chiều kích sâu xa của tâm linh dân tộc, chất liệu sống muôn đời của chủng tộc Việt chúng ta. Do đó, Tìm Về để mà Sống Với Minh Triết Việt của Tổ Tiên cũng chính là sự giải quyết tận gốc rễ tình trạng người Việt bị vong thân, vong bản, vong quốc của thời đại hôm nay dù ở cả trong hay ngoài đất nước.
Dân tộc chúng ta có một câu truyện Huyền Sử mở đầu việc dựng nước, dựng nhà rất thơ mộng mà tinh khiết, đó là Truyện Hồng Bàng hay còn gọi là Truyện Con Rồng Cháu Tiên mà người Việt nào cũng còn ghi nhớ. Truyện tuy truyền miệng đã lâu đời từ thuở dựng nước dựng nhà của dòng sử Việt từ 2879 trước Tây lịch, có nghĩa là cách nay gần 5000 năm, nhưng chỉ mới được viết thành văn bản trong sách Lĩnh Nam Trích Quái của Trần Thế Pháp, và Vũ Quỳnh hiệu đính vào cuối thế kỷ thứ 15 cách nay khoảng 500 năm. Dù câu truyện có khác biệt đôi chút qua sự truyền khẩu và sách nhưng tựu trung cũng tương tự với những ý nghĩa chính có nghĩa là Minh Triết là Chủ Đạo.
Truyện truyền rằng: Vua Đế Minh là cháu ba đời Viêm đế họ Thần Nông, có con là Đế Nghi rồi nhân đi chu du xuống phương Nam, gặp Tiên ở núi Ngũ Lĩnh, cưới về sinh ra con trai là Lộc Tục. Đế Minh lập Đế Nghi làm vua ở phương Bắc, và phong cho Lộc Tục làm vua ở phương Nam, tên là Kinh Dương Vương, đặt quốc hiệu là Xích Quỷ.
Rồi Kinh Dương Vương xuống thủy phủ, cưới Long Nữ con gái vua Động Đình, sinh ra Sùng Lãm, túc là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân nối ngôi cha, sau kết duyên với Âu Cơ, dòng giống Tiên, sinh được 100 trứng trong một bọc. Sau trăm trứng nở ra 100 người con trai, tự nhiên trường đại, trí dũng song toàn.
Một ngày kia, Lạc Long Quân bảo Âu Cơ rằng “Nàng là dòng giống Tiên, ta là dòng giống Rồng, khó thích hợp để có thể sống chung dài lâu. Vậy nàng đem 50 con lên núi, ta đem 50 con xuống biển. mà sinh sống. Nhưng hễ có chuyện gì, thì cùng nghe nhau, không được bỏ nhau, và hẹn gặp nhau ở nơi Tương Dã (tức là Cánh Đồng Tương).
Từ đó, Âu Cơ ở lại Phong Châu (huyện Bạch Hạc, tỉnh Vĩnh Yên bây giờ). Người con trưởng làm vua hiệu là Hùng Vương, quốc hiệu là Văn Lang. Về bờ cõi thì Đông giáp bể Nam Hải, Tây đến Ba Thục, Bắc giáp Động Đình Hồ, Nam đến nước Hồ Tôn (sau này là Chiêm Thành). Nước Văn Lang của Vua Hùng chia làm 15 quận, truyền được 18 đời Hùng Vương thì bị mất vào tay Thục Phán năm 258 trước Tây Lịch .
Về lịch sử, xã hội đối chiếu với khảo cổ, thời Hùng Vương nằm trong thời văn hóa Phùng Nguyên (khoảng 3000 năm trước Tây lịch) đến Văn Hóa Đông Sơn (khoảng 900-700 năm trước Tây lịch cho đến 200 năm sau T.L.). Từ Thời Phùng Nguyên đến Đông Sơn người Việt Cổ đã biết thuần hóa cây lúa nước, gia súc, canh nông, có đời sống nông nghiệp định cư đầu tiên tại Đông Nam Á. Và thêm vào đó sự phát triển kỹ thuật đúc trống đồng, mà nghệ thuật Trống Đồng Đông Sơn là một đại biểu văn minh rực rỡ nhất đã được các nhà khoa học các ngành khảo cổ, di truyền, hải dương…trên thế giới công nhận. Khoa học ngày nay đang trả lại danh dự khai sáng văn minh Đông Nam Á của Việt Tộc – trong đó chúng ta, Lạc Việt, là một chi nhánh chính - cho sự thật lịch sử.
Nhưng còn về mặt Tinh Thần, về khía cạnh VĂN HÓA của Nền Văn Minh Lúa Nước, Trống Đồng, thì thế giới chưa quan tâm đúng mức. Và đó mới là việc của chính người Việt chúng ta, chi nhánh cuối cùng của chủng tộc Việt thoát khỏi nạn đồng hóa tàn khốc của người Hán. Do đó chúng ta hôm nay cùng ôn lại Ý Nghĩa Huyền Sử Hồng Bàng để tìm xem Tổ Tiên đã muốn nhắn gửi điều gì cho con cháu?
Để tìm ra MINH TRIẾT của một nền văn minh Cổ Việt đang được thế giới ca ngợi. Qua Huyền Sử Tiên-Rồng, ta có thể thấy hai nguyên lý chính chúng ta có thể chia sẻ:
Thứ nhất, sự PHÂN LY vì Lý Trí: Khi Lạc Long Quân phân tích sự khác biệt, nào là Rồng khác với Tiên, đó chính là việc ám chỉ sự sử dụng lý trí sắc cạnh, thiển cận vào thực thể toàn diện của đời sống, nên mọi việc phải tan rã, chia ly.
Thứ hai, sự HÒA HỢP sau bước phân ly. Khi Lạc Long Quân nói rằng có chuyện gì cùng nghe nhau, không xa bỏ nhau, và hẹn gặp nhau ở canh đồng TƯƠNG, là một bước tìm về tình cảm, tâm đạo để giải quyết những khác biệt, chia rẽ.
Như vậy ta thấy Tiên Rồng LY BIỆT để mà HỘI NGỘ. Truyện Tiên Rồng nếu đơn sơ chỉ là bài học cư xử “Ngoài thì là Lý, nhưng trong là Tình”. Do đó, tuy chia ly mà lai dặn dò không bỏ nhau, nghe lời nhau, và hẹn gặp nhau ở “Cánh đồng Tương”.
Nhưng tìm hiểu sâu sắc thêm, Câu truyện Tiên Rồng vừa chia tay xong lại nói chuyện hội ngộ chính là TÂM THỨC LUỠNG HỢP, là trình độ tâm thức vươn lên khỏi những sự khác biệt bên ngoài của mọi hiện tượng trong vạn vật, khai mở bản chất của một thế giới hai chiều. Tuy có mâu thuẫn khác biệt nhưng lại không vì thế mà hủy diệt. Mà chính những mâu thuẫn khác biệt ấy lại bổ túc cho nhau, quân bình và hợp hòa với nhau. Cánh Đồng Tương do đó có thể hiểu như là Cánh Đồng TÂM. Vì chỉ khi gặp nhau ở Cánh đồng Tâm, con người mới nhìn thấy mọi phân ly, sai biệt chỉ là tạm thời, tương đối. Và mới đối xử với nhau với một chữ Tình. Trong cảnh giới của Tâm, thì muôn vật bình đẳng như nhau, vạn hữu thái hòa, làm gì có phân biệt giữa Tiên với Rồng để mà phải chia ly. Nên chúng tôi gọi là Tiên Rồng Hội Ngộ. Cánh Đồng Tương là sự tương quan, bổ túc, quân bình. Có nghĩa là Tổ tiên ta đã TRỰC THỊ, có nghĩa là thấy ngay, không qua lý luận, quanh co, cái Chân Lý dung hợp, Thái Hòa giữa hai chiều kích trong bản thể vũ trụ, vạn vật, con người. Đó là lý do Tổ tiên ta cứ truyền lại cho con cháu và chúng ta nhận cả HAI vật biểu TIÊN và RỒNG làm biểu tượng cho giống nòi.
Với tư duy toàn diện, với tâm thức lưỡng hợp, Tổ tiên ta đã có một đạo sống quân bình, tương dung, nên Tình Thương, Nhân Nghĩa được dưỡng, được nuôi, tạo được mẫu người Hiền Lành, cái Hiền và Lành của Triết nhân hay là Thi nhân của Văn Hóa Việt.
Ngược lại, ta cứ thử nhìn sơ qua các biểu tượng của các dân tộc khác:
Tàu lúc đầu là Bạch hổ, sau đổi ra Rồng.
Ấn Độ vật biểu là Con Voi.
Anh vật biểu là Sư Tử.
Nước Pháp chọn vật biểu là Con Gà.
Nước Hoa Kỳ có vật biểu là Con Ó.
Ta nhận thấy tất cả các dân tộc khác chỉ chọn MỘT vật làm biểu tượng. Mà chỉ DUY NHẤT có dân tộc Việt chúng ta cứ giữ cả HAI BIỂU TƯỢNG làm gốc cho Người Việt, cho Nhà Việt, cho Nước Việt.
Ta rất sung sướng tự nhận mình là Con của Rồng và Cháu của Tiên. Hai biểu tương Rồng - Tiên là nét nổi bật nhất của Tâm Thức Lưỡng Hợp, Thái Hòa của Văn Hóa Việt.
Tóm lại một chữ HÒA có thể nói lên nét đặc trưng nền móng của Triết Việt.
Nếu trình độ suy tư chỉ ở mức độ một chiều thì từ cách chọn biểu tượng, đến cách lý luận, cư xử sẽ đi đến chỉ chọn một và bỏ một, chỉ có thế này mà không có thế kia. Lối suy tư hủy diệt bản chất đối lập tự nhiên trong vũ trụ, vạn vật ấy gọi là “ DUY” như duy vật, duy linh, duy tình, duy trí, duy lý, duy tâm…
Trên thế giới tự cổ đến kim, từ tây qua đông ta cứ thấy chiến tranh xung đột, áp bức, tiêu diệt chủng tộc, tôn giáo, đảng phái, giai cấp khác cũng chỉ vì cái loại suy tư bằng Lý Trí, lối suy tư một chiều DUY phiến diện, không tiếp cận được chân lý hòa hợp quân bình các mâu thuẫn khác biệt của tự nhiên - Chìa khóa của sự sống, bí quyết của thái bình, an vui.
Ta còn thấy cách tư duy toàn diện, quân bình, luỡng hợp của Tiên-Rồng trong một Huyền Sử khác, như Huyền Sử Bánh Dày Bánh Chưng.
Vào thời Vua Hùng Vương thứ ba, sau khi phá tan giặc Ân rồi, nhà vua muốn truyền ngôi cho con, mới nhân ngày đầu năm vua Hùng Vương gọi các con lại và bảo rằng người nào thi đua dâng phẩm vật cúng Tổ Tiên được giải nhất thì sẽ được làm vua. Trong khi bao hoàng tử khác lo thi nhau tìm các sơn hào hải vị, trân cam mỹ vị khắp nơi để mong được trúng giải, thì có một hoàng tử tên là Tiết Liệu vì nghèo khó hơn các anh em, nên không có phương tiện đi tìm vật gì quý giá, ngồi than khóc. Một vị Thần Tiên hiện ra chỉ cho Tiết Liệu cách nấu gạo nếp giã ra làm thành bánh hình tròn, là bánh dày; và gói gạo nếp với các phẩm vật khác như đậu xanh, thịt làm nhân bên trong, rồi dùng lá chuối xanh gói lại và đem nấu thành bánh hình vuông gọi là bánh chưng. Do đó đến ngày dự thi, Tiết Liệu có được một cặp bánh TRÒN –VUÔNG dâng lên cúng Tổ Tiên. Khi chấm giải, so với các phẩm vật cầu kỳ khác thì cặp bánh đơn sơ Tròn – Vuông quá đỗi thua kém. Nhưng nhờ Thần Tiên mách bảo, Tiết Liệu thưa với Vua Hùng về Ý NGHĨA của cặp bánh, thì vua Hùng nhận ra ngay đây là người xứng đáng làm vua. Bánh Tròn tượng trưng cho Trời. Bánh Vuông tượng trưng cho Đất. Con người sống giữa Trời cùng Đất, là kết hợp tinh hoa của Trời Đất, nên phải biết thuận theo đạo lý hai chiều tự nhiên ấy mới được tồn sinh, và dâng cúng Bánh Dày Bánh Chưng là dâng lên tâm nguyện ấy với Tổ Tiên. Lời và Ý và Chí và Tình của người con hiền triết đã đẹp lòng vua Hùng vì đã nói lên trọn vẹn Minh Thức về Đạo Làm Người Đại Ngã Tâm Linh cao cả, và tuyên dương sự hiện thực nền Minh Triết Vuông Tròn để An Dân. Có nghĩa là lo cho dân được ăn Bánh Chưng Vuông, nghĩa là đủ ăn, đủ mặc, và lo cho dân ăn được cả Bánh Tròn của trời: Biết đạo lý thờ cúng Tổ tiên, Sống đạo làm người Hiền Lành, Nhu Thuận…của Minh Triết Việt.
Cùng theo ý nghĩa VUÔNG - TRÒN đó, ngày nay, con người ngoài việc lo kinh tế, mưu sinh, địa vị xã hội, quyền lợi, trọng sức mạnh, ưa chuộng các giá trị khoa học, kỹ thuật của văn minh…là mới chỉ dùng có một loại thực phẩm của Đất, mới chỉ là ăn bánh chưng Vuông.
Chúng ta cũng cần nhắc nhau ăn thêm bánh dày Tròn của Trời: Bánh tình thương, nhu thuận, nhân nghĩa, hiếu đạo, trọng các giá trị tinh thần, văn hóa, văn hóa tài bồi tâm linh…để cuộc sống được VUÔNG – TRÒN như ước nguyện của Tổ Tiên gửi gấm trong Huyền Sử Bánh Dày Bánh Chưng mà chúng ta vừa cùng nhau ôn lại.
Thật thế, chưa dùng CẢ HAI thứ Bánh Trời - Bánh Đất, Bánh Tròn – Bánh Vuông thì chúng ta chưa phải là kết hợp linh thiêng của Con Rồng Cháu Tiên, có phải thế không, thưa các dòng máu Tiên Rồng còn đang luân lưu trong mỗi chúng ta?
Đường về với Minh Triết Việt còn nhiều khám phá.
Chúng tôi chỉ xin phép bàn một vài góc cạnh của chân trời Huyền Sử Việt, với những truyện thời các vua Hùng, mà hai truyện Hồng Bàng và Bánh Dày Bánh Chưng là tiêu biểu. TIÊN-RỒNG hay TRÒN –VUÔNG đều cùng xuất phát từ TÂM THỨC LƯỠNG HỢP, với đặc tính là THÁI HÒA. Thái Hòa là cái Hòa lớn lao, bao la, tràn khắp vũ trụ, nhân sinh…Hòa tất cả HAI đối cực, Hòa Hữu hạn với Vô biên, Hòa Tương đối cùng Tuyệt đối, Hòa Vật thể với Tâm linh, Hòa Ý thức với Tiềm thức, Hoà Lý với Tình, Hòa Ta với Người, Hòa Riêng với Chung…Tóm lại là HÒA bất cứ đối cực nào, trên lãnh vực gì.
Cũng cần xin lưu ý, Minh Triết Hòa Hai Chiều Kích, Hợp Hai Lưỡng Cực Tiên - Rồng hay Tròn –Vuông của trình độ Tâm Thức Lưỡng Hợp của Tổ Tiên Việt Tộc được chính truyền từ thời các Vua Hùng dựng nước Văn Lang của chúng ta cách đây 5000 năm, cũng tương tự với minh triết Sắc – Không của Phật giáo được du nhập sau này. Đó cũng chính là khởi thủy nền tảng Âm - Dương của Dịch Lý mà hơn 2000 năm sau, Khổng Tử đã ngưỡng vọng sâu xa và dùng ngôn ngữ và chữ viết của Hán tộc để chiếm lãnh chủ quyền Kinh Dịch của Việt Tộc – Cuốn Kinh nền tảng của Ngũ Kinh mà ai cũng ngộ nhận là của Trung Hoa - Chúng tôi sẽ xin phép trở lại với vấn đề này trong một dịp khác về “Cơ Cấu Việt Nho”.
Trở lại với hiện tại, thì với khám phá khoa học và tư duy của con người thời nay, thế giới chỉ là cuộc đại diễn của sự kết hợp: Một mà Hai, Hai mà Một:
Trong đại vũ trụ, hai lực trường LY TÂM và HƯỚNG TÂM tạo nên sự thăng bằng sống động cho các thiên thể. Đơn vị nhỏ nhất trong vũ trụ là nguyên tử thì có cả âm điện tử và dương điện tử. Ngày nay với thuyết tân vật lý, người ta còn tìm ra, cấu trúc nhỏ nhất có lúc là HẠT có lúc chỉ là LÀN SÓNG. Cũng như với thuyết tương đối của Einstein, khối lượng (mass) và năng lượng (energy) không còn biên cương. Chắc chúng ta còn nhớ phương trình E= mc2, E chỉ năng lượng, m là khối lượng, c là vận tốc ánh sáng. Có nghĩa là khi phóng một vật nhanh với bình phương tốc độ ánh sáng, thì vật chất trở thành năng lượng. Như thế, ta thấy mọi biên giới khác biệt giữa hữu hình và vô hình, vật chất và phi vật chất…bị xóa mờ.
Với các khám phá trên, thì lại càng là một minh chứng Tổ Tiên ta với Minh Triết có tính Lưỡng Hợp như Rồng – Tiên, Vuông - Tròn rất gần với các thuyết khoa học tân tiến nhất, có nhân bản tính toàn diện phù hợp với vũ trụ tính, tự nhiên tính, nên có khả năng làm thăng hoa cuộc sống trong sức khỏe, tri thức và hoạt động.
Quê Hương ta đẹp như thế đó, bạn ơi ! Sao chưa về?
Tìm lại Cha Rồng Mẹ Tiên. Và, cùng nhau dạy con cháu gói bánh Tròn Vuông dâng cúng Tổ Tiên, sống theo Tâm Đạo Việt.
Đông Lan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét