Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2015

THỨC A LẠI DA VỚI VÔ THỨC TẬP THỂ CỦA CARL JUNG

Vô thức có thể hoạt động mà không cần có ý thức, nhưng ý thức muốn hoạt động luôn cần có sự hiện diện của vô thức. Vô thức là điều kiện không thể thiếu cho sự xuất hiện của ý thức. Chính vì thế, phần tâm linh ý thức luôn chịu sự tác động của phần tâm linh vô thức.

Ý thức và vô thức

Trước Sigmund Freud (1856-1939), những nhà tâm lý thường đồng hóa đời sống tâm linh với đời sống ý thức. Họ nghĩ rằng “Tất cả hiện tượng tâm linh đều ý thức”. Trên thực tế, đã có vài triết gia như Schopenhauer, Nietzsche… đã ghi nhận sự hiện diện của những lực lượng tâm lý mà những lực lượng này hoạt động không chịu sự kiểm soát của ý thức.

Dù vậy, phải đến Freud, ý niệm vô thức mới được xác định một cách dứt khoát. Việc chứng tỏ sự hiện diện, không thể chối cãi, phần tâm linh vô thức bên cạnh tâm linh ý thức là công lao của Freud. Thêm vào đó, việc đề ra một phương pháp mới cho phép nghiên cứu tâm linh một cách có hiệu quả đã khiến Freud nổi tiếng. Và ông được xem là người mở đường cho Phân tâm học.

Vô thức, từ Freud đến Jung

Để có thể dễ dàng hiểu được quan điểm của Freud về vô thức, chúng ta hãy bắt đầu từ “Sơ đồ nhân cách ba tầng” của ông. Freud đã phân biệt ba cấp hay ba tầng của nhân cách. Ba tầng này có thể hội nhập vào nhau, bổ túc cho nhau để hình thành nhân cách. Chúng có thể xung đột lẫn nhau, làm phá vỡ sự thống nhất của nhân cách. Ba tầng đó là:

1. Bản năng Ca (Es)1: Được ám chỉ những nguồn lực nguyên thủy của sự sống, giống nhau cho tất cả sinh vật, người cũng như thú vật. Bản năng Ca là guồng máy tâm linh dưới hình thức đầu tiên, thô sơ, chưa phân biệt của thời kỳ chưa sinh và mới sinh. Nó hiện diện trong tất cả những hành động không suy nghĩ và vô tình của chúng ta. Những thúc đẩy của vô thức xuất phát từ bản năng Ca này.

Bản năng Ca, là thùng chứa năng lực sống, là nguồn gốc của ý chí muốn sống tàn bạo, những thèm muốn dữ dội nhất. Vì thế nó bất cần luân lý, bất cần lẽ phải, bất cần sự hợp lý cần thiết phải hòa hợp với sự cưỡng chế của xã hội. Ở nơi một người quân bình, năng lực mù quáng của nó sẽ được hướng dẫn và thăng hóa. Nghĩa là, các năng lực ấy thay vì chỉ hướng đến việc thỏa mãn những nhu cầu của thân xác, lại được sử dụng để phục vụ cho các cứu cánh tinh thần, hoặc hướng về các giá trị của gia đình hay xã hội.

2. Bản ngã (Ich)2: Là sự thể hiện cá tính tâm lý của chúng ta. Bản ngã được hình thành từ sự đụng chạm của “Bản năng Ca với thực tế mà bản năng này phải hòa hợp. Nói cụ thể hơn, do phải thích ứng với thực tế mà Bản năng Ca phải tự biến đổi để thành Bản ngã. Như vậy, Bản ngã là một phần Bản năng Ca đã bị thay đổi nhiều dưới ảnh hưởng trực tiếp của thế giới bên ngoài qua trung gian ý thức tri giác. Khi Bản ngã có thể làm chủ chính mình một cách có ý thức, nó có thể sử dụng năng lực của Bản năng Ca vào những công việc nó muốn làm.

3. Siêu ngã (Ueberich)3: Được hình thành một cách vô thức từ kinh nghiệm sống của Bản ngã và nhất là từ mối quan hệ với cha mẹ. Đó là sự biến đổi của Bản ngã do việc chúng ta nội tâm hóa các lực lượng đàn áp mà chúng ta gặp phải trong quá trình phát triển của chúng ta. Kết quả của sự nội tâm hóa4 này là biến những mệnh lệnh có tính cưỡng chế, vốn đến từ bên ngoài, trở thành những đòi hỏi bên trong. Nó xung khắc với Bản ngã bằng cách thể hiện những mệnh lệnh đạo đức dưới hình thức tình cảm đặc biệt của nó: Tình cảm tội lỗi.5

Freud cho rằng Siêu ngã là sự kiểm soát tối cao, tâm thức hay ngã phải phục tòng nó. Muốn đưa vào Siêu ngã những ý niệm đạo đức, văn hóa, lý tưởng, Freud lại nới rộng Siêu ngã và đặt ra một tên mới là Ngã lý tưởng (Moi idéal). Có thể coi Siêu ngã là phần đạo đức của vô thức. Một trong những nhiệm vụ của Bản ngã là giải quyết mối quan hệ giữa Bản năng Ca và Siêu ngã.

“Sơ đồ nhân cách ba tầng” của Freud đã cho chúng ta một lý giải rất rõ ràng, tự nhiên và do đó cũng rất khoa học về thân phận con người: Con người là con vật đã được xã hội hóa một phần, nên con người vừa có tính sinh vật, vừa có tính xã hội, vừa có phần thể xác, vừa có phần tinh thần, vừa có phần bản năng, vừa có phần lý trí, vừa là một hiện tượng thiên nhiên, vừa là một hiện tượng văn hóa... Chính vì thế, con người thường bị lôi kéo giằng co giữa những thế lực trái chiều như: Tính tự phát sinh vật với những bó buộc của xã hội, những đòi hỏi của bản năng với các yêu cầu đạo đức, nhục dục với tinh thần, vị kỷ với vị tha, đam mê với trách nhiệm, tình cảm với lý trí... Nếu điều hòa được các thế lực trái chiều nói trên, nhân cách sẽ phát triển một cách lành mạnh và đầy đủ. Trong trường hợp ngược lại, sự phát triển nhân cách sẽ bị ngăn trệ làm phát sinh ra nhiều tâm bệnh.

Dù có được ưu điểm ấy, nhưng trên thực tế, đời sống tâm linh tỏ ra phức tạp hơn nhiều so với lý thuyết. Vẫn còn nhiều hiện tượng tâm linh mà lý thuyết của Freud không thế lý giải một cách thỏa đáng. Vì thế, nhiều nhà tâm lý khác cho rằng cần phải có những sửa đổi, phải loại bỏ một số quan điểm cũng như bổ sung thêm một số quan điểm mới để hoàn thiện lý thuyết Phân tâm học. Một trong những nhà tâm lý ấy là Jung.

Carl Gustav Jung sinh năm 1875 tại Thụy Sĩ. Trong thời gian hành nghề y, ông đã áp dụng Phân tâm học của Freud vào khoa thần kinh bệnh học và nổi tiếng là một y sĩ có tài. Năm 1908, ông bắt đầu giao du với Freud và chẳng lâu sau ông đồng ý với Freud về nền tảng của học thuyết. Năm 1912, ông trình bày những ý kiến không thể dung hòa với học thuyết của Freud, dẫn đến việc chia rẽ hai người. Sau đó, ông đứng ra sáng lập tư trào Tâm lý học phân tích (Analy-tische psychologie).

Freud và Jung được xem là hai khuôn mặt xuất sắc nhất của Phân tâm học. 

Với con mắt nhà nghề tinh tường và kiến thức sâu rộng của một học giả, Jung đã nhận ra những điểm yếu trong lý thuyết của Freud.


Với Freud, trong vô thức bẩm sinh của con người thuần mang tính cá nhân. Những bản năng chứa trong vô thức chỉ nhắm đến việc duy trì đời sống hoặc nhằm tìm kiếm khoái lạc, tránh đau khổ cho cá nhân. Những yếu tố mang tính phi cá nhân chỉ bắt đầu hình thành sau khi sinh ra. Điều này không thể lý giải tại sao những yếu tố mang tính phi cá nhân, từ chỗ không có một nguồn gốc nào, chỉ mới xuất hiện trong đời sống cá nhân lại có được sức mạnh không kém gì sức mạnh của bản năng. Như người mẹ có thể hy sinh mạng sống vì con. Người ta có thể hy sinh mạng sống vì lý tưởng tôn giáo, lý tưởng xã hội. Ở đây, sự hy sinh có được sức mạnh, thậm chí vượt qua cả bản năng sống, là bản năng mạnh nhất.

Theo Jung, con người đã có, có từ nguyên thủy, một thành phần trong gia tài tinh thần của nhân loại, mà Jung gọi là Siêu tượng (Archétype). Siêu tượng, là một khuynh hướng nguyên thủy, một khuynh hướng cũng sâu xa như khuynh hướng của Bản năng. Như khuynh hướng “Là chim thì biết làm tổ”. Việc làm tổ của chim không mang tính cá nhân, mà có tính phi cá nhân. Vì một con chim đã trưởng thành không cần đến cái tổ đó. Việc làm tổ là nhằm bảo vệ mạng sống của chim con. Và do đó, hình như nó nhằm đến việc duy trì dòng sống của giống loài.

Siêu tượng có tính chất bẩm sinh, sinh ra là đã có rồi, không phải là một sở đắc của loài người sau khi ra đời sống thành xã hội. Siêu tượng, là nguồn gốc nguyên thủy, từ đó loài người tạo ra huyền tượng, tôn giáo, triết lý.

Đến đây chúng ta có thể trình bày vấn đề một cách cụ thể và dễ hiểu hơn:

- Nếu trong vô thức bẩm sinh của Freud không hề chứa bất kỳ một dấu vết nào của Siêu ngã hay Ngã lý tưởng, thì trong vô thức bẩm sinh của Jung, đã chứa đựng một khuynh hướng tạo nên Siêu ngã. Vì nguồn gốc của khuynh hướng ấy cũng sâu xa như nguồn gốc của Bản năng, nên khi hình thành, Siêu ngã có thể tạo ra những đòi hỏi mạnh không kém gì những đòi hỏi của Bản năng.

- Nếu trong vô thức bẩm sinh của Freud chỉ mang tính cá nhân thì trong vô thức bẩm sinh của Jung, vừa mang tính cá nhân, vừa hàm chứa tính tập thể. Vì thế, Jung đã phân biệt ra hai khu vực vô thức:

1. Vô thức cá nhân: Chứa đựng những yếu tố thu nhập trong suốt đời sống của ta. Những yếu tố đó hoặc từ tâm thức lắng xuống, hoặc tri giác chúng ta quá yếu không đủ sinh lực, nên chúng ở dưới ngưỡng cửa của tâm thức.

2. Vô thức tập thể: Chứa đựng những kinh nghiệm xa xưa có thể có từ thời tiền sử. Khái niệm Siêu tượng được ông dùng để chỉ cho những kinh nghiệm chính yếu của nhân loại, tích tụ lại từ khi con người có mặt trên trái đất. Tinh thần chỉ đạo nhục thể của chúng ta qua các Siêu tượng ấy. Như vậy khái niệm Siêu tượng vượt qua cả Siêu ngã và Ngã lý tưởng.

Những nhà tâm lý về sau thường vận dụng quan điểm về vô thức của Jung hơn là của Freud, vì điều này cho phép nghiên cứu tâm linh một cách có hiệu quả hơn. Dù vậy, cho đến nay, các nhà tâm lý vẫn nghi ngờ và chưa công nhận vô thức tập thể của Jung.

Đứng trước vấn đề này, giáo lý nhà Phật đã nói gì?

Thức A lại da với Vô thức tập thể

Nhiều triết gia phương Tây vẫn cho rằng Duy thức học là phần tâm lý học của Phật giáo. Điều này chỉ đúng một phần. Ở đây chúng ta sẽ khai triển Duy thức học trên khía cạnh Phân tâm học nhằm đáp ứng yêu cầu của bài viết.

Duy thức học đã chia tâm linh của chúng ta thành tám phần, gọi là Tám thức. Đó là nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức, mạt na thức và thức thứ tám. Sáu thức trước, ta dễ dàng nhận ra chúng. Thức mạt na và thức thứ tám, vì chúng hoạt động một cách âm thầm sâu kín, nên ta khó nhận thấy chúng. Như vậy thức mạt na và thức thứ tám là phần vô thức mà Phân tâm học muốn nói đến.

Sáu thức ngoài hoạt động gián đoạn, nghĩa là lúc có lúc không. Như khi ngủ say hay bất tỉnh thì năm thức nhãn, nhĩ v.v… và ý thức không hoạt động.

Hai thức trong hoạt động không gián đoạn, vì thế “Bộ máy tâm thần” của ta vận hành không ngừng nghỉ. Khi không có ý thức, phần vô thức vẫn hoạt động. Nhờ đặc tính này mà Freud đã khám phá ra phần tâm linh vô thức qua thí nghiệm “Tự kỷ ám thị có kỳ hạn”.

Vô thức có thể hoạt động mà không cần có ý thức, nhưng ý thức muốn hoạt động luôn cần có sự hiện diện của vô thức. Vô thức là điều kiện không thể thiếu cho sự xuất hiện của ý thức. Chính vì thế, phần tâm linh ý thức luôn chịu sự tác động của phần tâm linh vô thức.

Thức thứ tám có hai trạng thái: Một, là thanh tịnh; Hai, là nhiễm ô. Ở trạng thái nhiễm ô, thức thứ tám có tên là A lại da. Vì chúng ta là những chúng sinh đang sống với tâm nhiễm ô, nên thức thứ tám của chúng ta là thức A lại da.

Thức thứ tám còn gọi là Tạng thức, vì nó là kho chứa những Chủng tử thức. Trong đời sống hàng ngày, tất cả những gì chúng ta học hỏi được, kinh nghiệm được, ghi nhận được - một cách có ý thức hay không - đều được lưu trữ trong Tạng thức dưới dạng các chủng tử. Những chủng tử này không bao giờ mất. 

Các chủng tử này hoạt động theo lý nhân duyên. Khi chưa đủ duyên, tức khi chưa hội đủ các điều kiện cần thiết, chủng tử ở trong trạng thái ngủ yên. Lúc này nó đồng với hư không, không có tác dụng. Khi hội đủ các duyên, chủng tử sẽ sinh khởi hiện hành và tạo ra các tác động lên các thức, biểu hiện qua các việc như: Thấy-cảnh được thấy, nghe-cảnh được nghe, biết - ý niệm được biết v.v…

Theo giáo lý nhà Phật, chúng ta không chỉ mới sống một đời này. Trong quá khứ, chúng ta đã từng sống vô lượng đời qua các loài chúng sinh. Chính vì thế, thức A lại da chứa đựng chủng tử nhiễm ô của các loài, trong đó có loài người và loài vật. Vì các chủng tử hoạt động theo lý nhân duyên, nên không phải lúc nào các chủng tử cũng có quyền sinh khởi như nhau. Để rõ hơn, chúng ta hãy xem qua một số duyên sau:

1. Duyên về sắc thân (Điều kiện về mặt thân xác hay cơ chế sinh học): Khi sinh ra ở một loài nào thì thân xác là điều kiện để những chủng tử của loài ấy dễ sinh khởi. Các chủng tử của các loài khác khó được sinh khởi. Điều này lý giải tại sao các loài xuất hiện trên thế giới này mỗi mỗi đều sống theo cung cách riêng của loài ấy.

Chính điều kiện thân xác đã khiến cho mọi cố gắng giáo dục đào tạo của chúng ta chỉ có thể làm cho một số con vật làm được một vài việc giống con người chứ không thể đào tạo một con vật thành một con người.

2. Duyên về ý thức phân biệt: Nếu được sinh ra với thân xác của con người, thì các chủng tử thuộc về đời sống sinh vật và các chủng tử thuộc về loài người đều có quyền sinh khởi. Vì vậy, nơi con người vừa có thú tính, vừa có nhân tính, vừa là hiện tượng thiên nhiên, vừa là hiện tượng văn hóa.

Khi mới sinh ra, đứa bé sống với ý thức hiện lượng, còn gọi là ý thức vô phân biệt. Chỉ những chủng tử thuộc đời sống sinh vật là có đủ duyên để sinh khởi và đứa bé sẽ sống như một con vật.


Ý thức phân biệt sẽ xuất hiện và dần phát triển qua kinh nghiệm sống của đứa bé. Đặc biệt là qua sự giáo dục của gia đình và xã hội. Khi ý thức phân biệt phát triển đến một mức nào đó, các chủng tử thuộc về đời sống tinh thần, văn hóa v.v… mới đủ duyên sinh khởi và phát triển. Chính vì thế:

a. Nếu đứa bé buộc phải sống trong môi trường thiên nhiên quá sớm (như bị các con vật bắt cóc v.v…), ý thức phân biệt chỉ phát triển vừa đủ nhằm duy trì đời sống và nhằm thỏa mãn một số như cầu sinh lý của nó. Các chủng tử thuộc về đời sống tinh thần văn hóa không đủ duyên để sinh khởi, nên đứa bé không trở thành một con người xã hội. Có lẽ, từ ghi nhận này mà Freud đã cho rằng trong vô thức lúc mới sinh của con người, là vô thức của một sinh vật, chưa có tính xã hội.

b. Nếu đứa bé được nuôi sống trong môi trường xã hội, đời sống xã hội phức tạp hơn nhiều so với đời sống thiên nhiên. Chính sự phức tạp này đã khiến ý thức phân biệt của đứa bé phát triển mạnh. Ý thức phân biệt đã phát triển là duyên để các chủng tử thuộc lãnh vực tinh thần, văn hóa, xã hội sinh khởi. Chính vì thế, con người chỉ trở thành người khi được nuôi dạy trong môi trường xã hội. Vô thức lúc mới sinh, là thức A lại da, đã hàm chứa tính sinh vật và xã hội, tính cá nhân và tính tập thể, nên quan điểm của Jung về vô thức bẩm sinh rõ ràng phù hợp với hiện thực hơn quan điểm của Freud.

Vì thức A lại da là thức thứ tám đã bị nhiễm ô, nên những chủng tử sinh khởi trong thức A lại da là những chủng tử đã nhiễm ô. Chủng tử nhiễm ô thì không đủ tư cách làm bản thể cho bất kỳ một thứ gì. Chính vì thế, trong thức A lại da không chứa những siêu tượng có vai trò là nguồn gốc nguyên thủy, là “tài liệu tham chiếu cuối cùng” của loài người, từ đó tạo ra huyền tượng tôn giáo triết lý như Jung đã nói trong phần vô thức tập thể. 

Đến đây chúng ta có thể kết luận: Việc các nhà tâm lý vận dụng quan điểm về Siêu tượng như là một khuynh hướng tạo ra các yếu tố phi cá nhân, là một việc làm đúng đắn. Và việc không công nhận vô thức tập thể của Jung lại cũng là… một việc làm đúng đắn.

Thay lời kết

Sự ra đời của Phân tâm học đã cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc hơn nhiều về tâm linh của chính mình. Đây là một thành tựu không nhỏ về mặt tri thức. Dù vậy, tất cả chỉ là những khám phá ban đầu. Còn nhiều hiện tượng tâm linh mà Phân tâm học không thể lý giải được. Có thể nêu một vài trường hợp sau:

- Tại sao từ một bản năng Ca như nhau, mà bản năng ấy chỉ nhắm đến việc phục vụ cho chính cá nhân đang cưu mang nó mà không nhắm đến các cá nhân khác? 

- Tại sao từ vô thức tập thể có vẻ rất giống nhau mà các cá nhân lại có các khuynh hướng khác nhau như: Người thì hướng nội, người thì hướng ngoại, người thuộc loại cảm giác, người thuộc loại trực giác, người thuộc loài siêu tưởng, người thuộc loài tình cảm? Jung là người đã phân chia ra các khuynh hướng trên, nhưng chính ông cũng thú nhận không hiểu được nguồn gốc của các loại tính tình ấy.

- Tại sao cũng nhận được sự giáo dục như nhau mà người có sở trường về toán, người có sở trường về văn… Tại sao có người năng khiếu phát triển rất sớm (như các thần đồng), có người về già vẫn không có được một kỹ năng nào ra hồn? Tại sao có người phát triển tình cảm đạo đức rất sớm, có người dù cố gắng giáo dục lâu dài mà thú tính vẫn còn rất mãnh liệt?

Những đề tài nói trên đều được Duy thức học lý giải một cách đơn giản và nhất quán, chỉ có điều đây là những đề tài không nằm trong phạm vi của bài viết này. 

Chánh Tấn Tuệ 

(1) Anh dịch là Id, Pháp dịch là Ca hay Sol.
(2) Anh dịch là Ego, Pháp dịch là Moi.
(3) Anh dịch là Superego, Pháp dịch là Surmoi. 
(4) Intériorisation. 
(5) Như việc quan hệ tình dục với người chồng là điều được xã hội chấp nhận, nhưng có những phụ nữ cảm thấy hành vi đó là tội lỗi. 
Sách tham khảo
- Hành trình vào Phân tâm học của Vũ Đình Lưu.
- Phân tâm học của J.P.Charrier- bản dịch của Lê Thanh Hoàng Dân. 
- Thành Duy Thức Luận - bản dịch của HT.Thích Thiện Siêu. 

Theo Giác Ngộ Online

Không có nhận xét nào: