Thứ Hai, 1 tháng 9, 2014

QUA CỬA CHUYỂN TIẾP (3)

NGƯỜI MỸ VÀ NIỀM TIN VÀO CÕI GIỚI MÀ LINH HỒN ÐẾN SAU KHI CHẾT NHƯ THẾ NÀO?
Ngày nay một số lớn người Mỹ có thái độ và niềm tin về những gì sẽ xảy đến với bản thân họ sau khi chết có rất nhiều thay đổi sâu xa.
Sau khi một số y bác sĩ trình bày những bài thuyết giảng, những bài báo và cả luận án cũng như nghiên cứu về vấn đề kề cận với cái chết, các nhà báo bất đầu đổ xô đi săn lùng những đề tài vừa kể.  Năm 1982, viện Gallup đã mở một cuộc thăm dò rộng rãi khắp nước Mỹ về những hiện tượng của vấn đề cận tử.  Kết quả, viện này đã tham khảo được 8 triệu người Mỹ đã có lần Chết đi và Sống lại.
Những hồ sơ ghi chép về những gì mà những người này đã có lần đi vào cõi giới khác mô tả lại được đem phân tích so sánh, đối chiếu rất cẩn thận - Điều lạ lùng kỳ thú là mặc dù ở những tiểu bang khác nhau, không quen biết nhau, nhiều mô tả của những người Mỹ này lại khá tương tự hay trùng khớp nhau về những cảnh trí, sự kiện được xem là ở bên kia cửa Tử. Dưới đây là một số sự kiện được các nhà nghiên cứu hiện tượng Cận Tử ghi lại như sau:
1) Ở phút hấp hối rồi xuôi tay, họ thường có những cảm giác lạ lùng như cảm thấy thanh thản, an vui, nhưng có người lại cảm thấy lo lắng sợ sệt, hoang mang hay ngơ ngác.. .
2) Các giác quan lúc đó (cận tử) tự nhiên như được phát huy nên nghe rõ, nhận thức rõ, cảm giác nóng lạnh hay đau đớn rõ hơn.  Về âm thanh họ nghe như có tiếng gió mạnh và thân xác họ như nhẹ đi và tách rời khỏi thân xác.  Phần lớn họ đều thấy mình nằm chết bất động, còn họ thì ở trên cao - họ thấy rõ thân xác họ và thấy biết những gì đang xảy ra chung quanh. Lúc đó họ lướt đi dễ dàng như lên cao xuống thấp và có thể xuyên qua tường hay vật rắn - Vào giai đoạn đó họ không cảm thấy nặng nề, không còn dính dấp với xác thân, lúc đó họ chỉ còn liên kết với tâm họ thôi nên cảm thấy nhẹ nhàng một cách kỳ diệu.
3) Lúc này họ biết mình đang ở vào tình huống nào, biết mình đang ở vào hoàn cảnh khác với trước lúc còn sống - Họ cảm thấy mình như bị cuốn hút vào trong một khoảng tối đen mông lung diệu vợi không biết đâu là chiều hướng.  Họ thấy mình lướt đi rất nhanh qua một đường hầm hun hút.
4) Kế đến, họ thấy từ xa một điểm sáng, rồi một vừng sáng rực rỡ tỏa ra đồng thời họ cảm thấy một tình thường bao la như hoa trong ánh sáng bao phủ lấy họ - Lúc bấy giờ những hình ảnh của cuộc đời họ bất đầu diễn ra như một cuốn phim của đời mình được chiếu lại.. Về sự kiện ánh sáng thì hình như mọi người đã được hỏi qua đều cảm thấy hân hoan kỳ lạ, họ mô tả đó là loại ánh sáng chưa từng thấy, một thứ ánh sáng toàn vẹn, rực rỡ nhưng lại không làm cho mắt bị lòa, một thứ ánh sáng mà khi được bao phủ họ cảm nhận sự an lạc kỳ diệu vô bờ bến nên lúc ấy họ hoàn toàn hòa vào với ánh sáng ấy..
5) Phần lớn mô tả thấy những cảnh trí đẹp đẽ lạ lùng diệu vợi với âm thanh thanh thoát phiêu bồng – Đôi khi hình ảnh có vẻ như xa vắng mông lung hay tối tăm u buồn dễ sợ.   Có người thấy dinh thự lâu đài nhà cửa, có người thấy hang đá, hố sâu...
6) Phần lớn thấy là họ không thể vượt qua một lằn ranh giới nào đó mà phần lớn như cánh cửa hay cái cổng lớn. 
7) Vấn đề trông thấy người thì ở đây có điểm rất tương đồng là trong số 8 triệu người Mỹ đã từng chết đi sống lại phần đông đều kể là họ đã gặp lại người thân thuộc, bạn bè - nhưng là người thân, bè bạn đã qua đời rồi chớ không gặp người hiện đang còn sống.
8) Những người chết đi rồi tự nhiên sống lại đều kể giống nhau là có một động lực thúc đẩy, chỉ bảo họ nên quay về - Có người gặp lại người cha, mẹ, anh em... đã mất trước đó rất lâu, họ ra dấu bảo hãy mau mau quay về đừng tới đây làm gì và sau đó chính họ trở lại thân xác của họ...
(* Quý vị muốn biết thêm chi tiết về các sự kiên trên xin tìm đọc cuốn: Bí ẩn sau Cõi Chết và cuốn Biên giới Tử Sanh của tác giả Đoàn văn Thông biên soạn). . .
Kết quả những khám phá và nghiên cứu trên còn mang lại một số điểm như sau: 
Những người đã từng Chết đi Sống lại ấy hầu như tất cả đều thay đổi thái độ sống. Nghĩa là trước đó họ sống “rất là tính người, thì nay không hoàn toàn như thế nữa -Trước đó họ hay tham lam, giận dữ, tranh chấp, tự ái... thì nay họ sống có khi như an bần lạc đạo, sống nhiều về nội tâm, hướng về đấng tối cao nhiều hơn - Có người tới nhà thờ làm việc thiện, có người tìm đọc sách Thiền, tập tu Thiền, tìm hiểu thêm về lý thuyết của Phật giáo - Đặc biệt là những giáo lý của Phật giáo Tây Tạng có những lý giải phần lớn trùng khớp với những điều họ đã trải qua trong thời gian cận kề với cái chết.
Đối với những vị Đại sư Tây Tạng thì những sự thấy biết của những người Chết đi sống lại mô tả trên thật ra chỉ là những gì xảy ra ở ngưỡng cửa của Cõi Trung ấm mà thôi chớ chưa thực sự vào sâu sau cõi Chết. Lý do là họ mới tới đó rồi trở về nhập xác chớ nếu vào sâu nữa thì chắc chắn họ đã Chết hẳn không thể trở về lại với thân xác nữa... Một sự kiện làm các vị Lạt Ma lưu ý là qua lời mô lả, kể lại của những người cận kề cái Chết và may mắn sống lại là họ đều trải qua giai đoạn thấy lại rõ ràng toàn cảnh cuộc đời của họ vô cùng chi tiết từ những hành động tốt cũng như xấu - Như vậy là rõ ràng vấn đề tạo Nghiệp rất quan trọng phát sinh từ những hành động việc làm của chính mình trong đời - Những lời kể lại ấy nói lên rằng Những gì ta đã làm, đã gây nên và thấy rõ trong phút lâm chung không thể nào chối cải hay trốn chạy được Nghiệp báo.
Chính nhờ y khoa ngày càng tiến bộ có thể giúp hồi sinh một số người tưởng đã qua đời – Nhưng cũng chính nhờ vậy mà giới Y khoa ngày nay biết thêm một số sự kiện đặc biệt, những tiến trình cùng với hình ảnh màu sắc diễn ra khi con người tiến dần vào cõi Chết qua những mô tả của những người có lần chết đi sống lại.
Đại sư Sogyal Rinpoche đã từng đối thoại với những y bác sĩ Tây phương về vần đề này rằng: "Làm sao mà bạn là vị Bác sĩ tài ba và giàu kinh nghiệm thực sự nếu bạn không được hổ trợ thêm một số kiến thức về sự thật của cái chết như thế nào. Nếu không có được may mắn đó thì làm sao bạn có thể giúp đỡ người sắp chết về mặt tâm linh?
Ngày nay trên thế giới, nhiều y bác sĩ đã mạnh dạn đi sâu vào việc nghiên cứu tìm hiểu những gì liên quan tới sự Chết và có gì đằng sau cõi chết . . .
Trong hai bộ sách Tử Thư Ai Cập và Tử Thư Tây Tạng, thì nội dung có nhiều điểm tương đồng, tuy nhiên về chi tiết vẫn có những điểm hơi khác biệt.  Đối với Tử Thư Tây Tạng thì chi li và ứng hợp với nhiều điểm mà những người chết đi sống lại mô tả thường rất ăn khớp. Đối với nhà khoa học, các y bác sĩ hiện nay khi nghiên cứu tìm hiểu về Cận tử, họ tận dụng kinh sách Tây Tạng nhiều hơn - nhất là Bộ Tử Thư.
Ngày xưa, các vị Lại Ma Tây Tạng, nhất là các vị Đại sư hay Đạt Lai Lạt Ma sống ẩn dặt tại quê hương họ nên thế giới ít biết về những vấn đề sâu xa thuộc lãnh vực Tâm tinh - Nhưng ngày nay, qua biến cố Trung quốc tự chiếm đóng Tây Tạng  cả trăm nghìn người Tây Tạng đã sống lưu vong, trong đó có cả vị Đạt Lai Lạt Ma và một số lớn các vị Ðại đức, đạo sư... Nhờ đó mà nhiều người, kể cả các học giả, các nhà khoa học Âu Mỹ có dịp tiếp cận và thu thập kiến thức về thế giới tâm linh, qua đó còn có cả Sự Chết - Một vấn nạn mà Con người thường phân vân trăn trở và lo sợ.
Nhiều vấn đề thắc mắc về sinh tử cũng nhờ đó mà được các Đại sư giải thích rõ ràng. Ví dụ như vấn đề sống chết, trong khi chết, sau khi chết. Ngoài ra còn vô số các thắc mắc liên quan tới sự chết ví dụ như những thắc mắc về tự tử, về sự hư thai, về vấn đề hiến tặng xác thân, về bảo quản cơ thể...đã được Đạo sư Dilgo Khyentse Rinpoche giải thích rất tường tận:
-  Về người Tự vẫn thì việc làm đó là một sai trái mà ngay cả Thiên Chúa giáo cũng tuyệt đối ngăn cấm. Khi một người tự tử thì Thần thức của người đó cũng không có thời gian chuẩn bị, sự bất ngờ mà không thể cưỡng lại được nên Thần thức hay Thân Trung ấm khi đó vụt thoát ra khỏi thân xác - Lúc chết vì tự sát, tâm thức người ấy rối ren, vụt tốc do tự ái, nóng giận, không kềm nổi lý trí - vì thế họ đi vào cõi chết trong u tối lầm lạc nên Thần thức buộc phải đi theo Nghiệp Xấu của mình - Đó là lúc rất nguy hiểm vì không có thời gian suy nghĩ kiểm soát chuẩn bị đề phòng... nên dễ bị các vong linh xấu dẫn dắt vào cõi xấu xa của lục đạo.  Hơn nữa, Tự vẫn là do mình quyết định lấy thân phận chớ chưa hẳn là người ấy đã tới giai đoạn phải lìa đời - Như vậy thì vong linh họ chưa được sắp xếp quy định nên mãi cứ lang thang vất vướng vô cùng tai hại...
- Về vấn đề hư thai: Khi một người đàn bà có thai và thai bị hư - Dĩ nhiên là Thai nhi đã chết. Theo Đạo sư Dilgo Khyentse Rinpoche thì dù là cái trứng thụ tinh mới tượng hình phôi thai nhưng nó cũng đã có Thần thức tiềm ẩn bên trong. Vậy mà đứa bé đã chết trước khi được sinh ra nên Thần thức của bé lại phải chuyển qua một kiếp đời khác.  Trong trường hợp này, người mang thai cháu bé phải hết lòng cầu nguyện cho bé chuyển di trong an lạc, nên làm việc từ thiện, tạo công đức giúp mình và bé được an lành mới mong hy vọng có bé khác sinh ra bình thường.
(Tuy nhiên cũng có nhiều người bị sẩy thai liên tiếp nhiều lần - như vậy có nghĩa là vong linh nào đó nhập vào gia đình này không hợp ý về vấn đề gì đó - như vợ Chồng hay tranh cải đánh đập nhau, đời sống của cha mẹ tương lai của vong linh mới nhập vào sống bê tha cờ bạc rượu chè, gian ác... Nhưng cũng có khi là công đức kiếp trước của hài nhi quá nghiệt ngả xấu xa, tối tăm mê mờ..khiến bị khó khăn trở ngại gian nan trong giai đoạn chuyển kiếp - Vì thế mà vấn đề bố thí tu tập của người mẹ bị sẩy thai rất quan trọng - sẽ hổ trợ giúp đỡ công đức cho tâm thức hài nhi sáng suốt, giác ngộ thoát được sự lệch lạc trắc trở lần đầu thai kế tiếp).
- Về vấn đề ngày nay khoa học tiến bộ đã khiến các nhà khoa học nghĩ tới việc đông lạnh thân xác người mới chết vì bệnh để chờ đợi tương lai ngành y khoa tiến bộ hơn có thể làm cho sống lại nhờ loại thuốc hay phương cách nào đó. Theo Đạo sư Dilgo Khyentse Rinpoche thì khi một người trút hơi thở cuối cùng thì Thần thức sẽ rời khỏi thân xác để thực hiện vai trò đầu thai chuyển kiếp. Vì thế không có vấn đề Thần thức chờ đợi thân xác được cứu chữa. Điều tai hại lớn lao nguy hiểm hơn nữa là trước khi người ấy chết mà được hứa hẹn là được bảo quản nhờ đông lạnh chờ đợi cứu chữa thì khi người ấy chết, tâm thức họ sẽ đầy hy vọng vào sự sống lại qua cái thân xác cũ ấy.  Do đó mà càng bám víu vào cái xác lạnh vô hồn làm cho sự tái sinh vào kiếp đời khác bị ngăn cản, chặn đứng - quả không có gì tai hại cho bằng - Vong linh họ sẽ lang thang vật vờ, phiêu diêu vất vướng tình trạng họ sẽ vô cùng đau thương vì họ đã rơi vào cõi giới giá băng ghê rợn mà họ không biết.
Về vấn đề hiến tặng thân xác - Ví dụ như có người hứa là sẽ hiến thân xác họ sau khi qua đời hầu giúp các công trình nghiên cứu y khoa hay sau khi chết có thể dùng cơ phận của cơ thể họ cứu giúp những người không may bị bệnh như gan, thận, mắt, phổi, tim... Theo Ðạo sư Dilgo Rinpoche thì đây là một nghĩa cử vô cùng cao cả, một công đức không thể nghĩ bàn.  Nếu người bệnh, người sắp chết có hy sinh ấy, ước nguyện cúng hiến ấy thì khi người ấy mất, tâm thức họ đã biết rõ việc ấy rồi nên không tạo sự bất ngờ, hốt hoảng, lo lắng cho họ - dù bệnh viện có tận dụng phần thân xác họ bao nhiêu đi nữa thì Thần thức vẫn không bị ảnh hưởng mà còn mang thêm công đức, nghiệp tốt của người chết để hổ trợ vào tiến trình tái sanh qua một kiếp đời mới khác an lành hơn.
Đối những người bị xử tội bằng bất cứ hình thức nào như xử chém, thắt cổ, xử bắn, ngồi ghế điện, tiêm thuốc độc vân vân thì tâm trạng của họ trước giây phút lìa đời vô cùng khủng khiếp, tâm thức họ kinh hãi, xót xa, đau khổ ngập tràn... Vì thế trước và trong khi chết họ sẽ hoang mang ngơ ngác không biết vào đâu dễ bị các vong linh xấu xa lôi kéo vào Cõi tối tăm khốn khổ - Hơn nữa vào giây phút bị giết dù họ có linh mục hay nhà sư làm lễ đi nữa, họ cũng khó mà tiếp nhận được lời cầu nguyện lúc tinh thần đang bấn loạn ấy - Vì thế thân nhân người chết ấy phải thiết lập bàn thờ cầu nguyện tiếp lại nhà hay tại chùa, nhà thờ để hổ trợ cho hương linh người chết.
Đối với những người bị chết bất ngờ như tai nạn, té ngả, bị xe, bị ám sát, bị đạn... thì đó là điều mà họ không nghĩ tới, không ngờ tới. Vì thế dù đã chết nhưng họ vẫn nghĩ là mình chưa chết nên thường cứ về nhà như lúc còn sống - Tuy nhiên vì chỉ là cái “vong linh” vô hình vô ảnh nên không ai thấy họ, nghe họ, biết họ còn sống cả - Tình trạng ấy khiến họ đau khổ vô cùng - Chỉ khi thấy bàn thờ có hình ảnh họ và gia đình thờ cúng khóc lạy họ thì họ mới cảm nhận mình đã qua đời nhưng vẫn hoang mang, mơ hồ chưa rõ. Do đó thân nhân phải lo đọc kinh, tụng kinh hộ niệm, làm lễ cầu hồn cầu siêu giúp hồn người chết ấy mau siêu thoát - Việc làm này rất cần kíp.
NHỮNG ÐIỀU CẦN BIẾT SAU CÕI CHẾT 
Về Tái sinh làm người cần lưu ý điều này:  Thật ra thì; con người khi chết đi, nếu tái sinh trở lại làm người thì đó là là một điều đáng mừng vì khi chết đi tùy theo nghiệp mà tái sinh vào cõi giới nào đó - Theo Phật giáo thì có những cõi giới đáng sợ như cõi Địa ngục, Cõi Ngạ Quỷ, Súc Sanh hay Cõi không mấy hoan nghênh là Cõi A Tu La. Có Cõi lại khó đến như Cõi Trời là Cõi sung sướng tốt lành - Chỉ có cõi Người là trung bình, tuy cõi này kiếp đời cũng nghiệt ngả khổ đau với Sinh, Lão, Bệnh, Tử... nhưng nếu xét tới cảnh làm thân thú vật hay quỷ dữ thì làm người là may mắn hơn rất nhiều - Các Kinh sách cũng thường nhắc tới vấn đề này như sau: "nếu lỡ khi tái sanh không được làm kiếp người mà làm kiếp thú thì không gì khốn khổ cho bằng - Do đó, nếu khi sống không chịu tu tập để tới được cõi giới thanh cao thì một khi đã mất làm thân người thì khó mà trở lại kiếp ấy”.
Chết không phải là mất hẳn - Chết chỉ là chuyển đổi cái kiếp thân này sang cái kiếp thân khác mà thôi - Nguyên nhân là do Nghiệp mà khi sống ta tạo ra - Nghiệp ấy hoặc tốt hoặc xấu, hoặc Thiện hoặc ác. Tùy theo Nghiệp xấu tốt mà kiếp đời mới của ta theo luật Nhân quả sẽ sung sướng hay khổ đau, mạnh khỏe hay tật bệnh triền miên... Như vậy Nghiệp là cầu nối làm cho Sinh Mệnh mỗi người tiếp tục từ đời này qua đời khác - Nghiệp phát sinh là chính ta cho không ai khác cả - làm ác tạo ra Nghiệp ác, làm Thiện tạo nên Nghiệp Thiện. Những Nghiệp ấy được tích chứa, lưu giữ bởi A lại Gia thức... Khi ta còn đang sống trên cõi đời thì A lại Gia Thức không ra khỏi thân xác của ta - vì nó luôn luôn có nhiệm vụ ghi chép, giữ lại tất cả hành động của ta từng li từng lí một - Nó giống như nhà quay phim về mọi hành động tốt xấu của đời ta. Tới khi ta nhắm mắt qua đời thì nó mới thoát ra khỏi thân xác ta để làm sứ mệnh đầu thai cho ta.
Khi một người chết đi thì Thần thức thoát ra khỏi thân xác của người ấy - Thần thức là cái mà dân gian thường gọi là Hồn hay Linh hồn. Câu hỏi xưa nay là Thần thức thoát ra như vậy là từ nơi đâu của thân xác? Theo Tử Thư Tây Tạng thì có 9 huyệt đạo trên cơ thể và Thần thức sẽ thoát ra từ một trong 9 huyệt ấy. Theo các vị Lạt Ma Tây Tạng thì tùy theo nơi phát xuất mà các vị biết được cõi nào thần thức đi tái sanh.
- Nếu Thần thức thoát ra từ đỉnh đầu của người chết thì họ sẽ tái sinh vào cõi thanh cao.
- Nếu Thần thức thoát ra từ vùng Tim thì sự tái sinh sẽ là Người.
- Nếu Thần thức thoát ra từ phần bụng thì sẽ tái sinh vào cõi xấu như cõi của ngạ quỷ.
- Nếu Thần thức thoát ra từ phần chân, đầu gối thì sẽ tái sinh vào cõi Súc sánh thú vật.
- Nếu Thần thức thoát ra từ lồng bàn chân thì sẽ tái sinh vào cõi Địa ngục.
Nơi Thần thức thoát ra từ cơ thể là nơi thường còn chút nóng ấm - Khi chết cơ thể tái và lạnh dần - Nếu điểm nào trên cơ thể còn nóng thì nơi đó Thần thức sẽ rời bỏ xác thân mà chuyển đi làm nhiệm vụ đầu thai.
Thật ra thân nhân không cần tò mò biết điều này vì chẳng ích lợi gì - Hơn nữa nhiều người vì muốn biết người chết sẽ tái sanh vào cõi nào nên đã mày mò tìm hơi ấm còn lại trên xác thân người chết để xác định. Làm như thế rất tai hại vì có thể làm cho Thần thức bất ngờ bị động nên thoát ra từ những vị trí bất lợi khiến cho sự tái sánh lệch lạc có khi tốt thành ra xấu. Theo lời căn dặn của các bậc chân tu thì sau khi chết khoảng 10 tiếng đồng hồ, đừng ai đụng chạm vào thân xác của người chết cả giữ được như thế là giúp cho Thần thức từ thân xác người ấy thoát ra khỏi một cách tự nhiên. Nếu muốn, ta chỉ cần biết qua những việc làm hành động của người lúc còn sống thế nào: ác đức hay hiền lương mà ta có thể biết là họ sẽ tái sánh vào cõi xấu hay tốt. Sách Kinh cổ xưa đã ghi rằng:" Muốn biết quá khứ hành động ra sao thì hãy nhìn cuộc đời hiện tại – Còn muốn biết tương lai ta ra sao thì cũng hãy nhìn những gì ta làm trong hiện tại.."
Ta có Bạn và Kẻ Thù. Những ai làm lợi cho ta thì gọi là bạn. Những ai làm hại ta thì gọi là Kẻ Thù. Gọi và đánh giá như vậy có cái hại là ta cứ bị vướng mắc vào người mà ta gọi là bạn. Họ thể nào ta vẫn cứ thương - Còn kẻ mà ta gọi là kẻ Thù thì làm tốt mấy cũng bị ta ghét - Đó chính là do ta bị cái chấp ngả ở ngay trong tâm ta chi phối ta …”
LÀM SAO TRÁNH ÐƯỢC QUẢ BÁO XẤU XA VỀ SAU?
Nếu muốn tránh được Quả báo xấu xa, đau khổ thì ngay trong cuộc đời hiện tại, ta hãy cố tập cho mình có được mối Thiện tâm - Lòng ta phải hướng thiện và tránh ác. Chỉ cần có ý nghĩ về những gì gọi là Thiện không thôi cũng tạm là đủ cho tâm thanh thản vì tâm hướng về cái Thiện. Dần dần ta hãy làm việc thiện, tức là thể hiện Thiện tâm qua hành động. Trước hết ta hãy thực hành việc Bố thí. Có một câu nói từ cổ xưa mới nghe qua thấy vô lý nhưng đầy sự thiện tâm nhân đức: "Cho tức là Nhận" hay "Cho hết để lấy vô nhiều”. Ta không có khả năng và ý nghĩ đó thì hãy làm việc Thiện, bố thí với khả năng mình - đừng khư khư ôm lấy những gì mình có hãy chia sớt ít nhiều cho người túng thiếu. Của cho tuy ít nhưng cứ làm mãi thì có ngày càng được nhiều lên, đời ta cũng sẽ tạo được phước đức lớn - nếu không được ngay trong đời này thì cũng sẽ ở đời sau như Chúa Kitô đã nhắc nhở các đệ tử: "Hãy răn bảo họ làm điều lành, làm nhiều việc phước thiện. Kíp ban phát, phân chia của cải mình có. Vậy là dồn chứa về ngày sau một cái nền tốt và bền vững cho mình để được cầm lấy sự sống thật.. ".
Tuy nhiên cần phải lưu ý: vì có người làm được việc bố thí thì tự cho mình là người được phước báu lớn lao. Có người vì muốn có tài vật để bố thí cho kẻ khác đã làm điều không hay để có được tiền của. Nếu làm như thế thì việc bố thí cũng như không. Nếu bạn làm việc phước thiện để mong khoả lấp, tiêu trừ việc gian ác mà bạn đang làm, đang theo đuổi thì quả báo xấu xa vẫn tới với bạn.
Quả báo tốt lành nhận được khi Phước và Đức được làm tròn - Làm Phước phải kèm theo đức độ - mà cái đức độ luôn nằm sẵn trong Tâm mình. Nếu bố thí với mục đích mong cầu lợi lộc cho chính mình, bố thí mà chỉ trông chờ người mình bố thí trả ơn, bố thí mà tự cao tự đại, phách lối, trách mắng la rầy, khoe khoang...thì đó không phải là bố thí, bố thí như thế thì sự tốt sẽ mất đi rất nhiều.
Làm việc bố thí, giúp đỡ người sa cơ lỡ vận giúp người cô thế là việc phải làm theo đúng với thiện tâm. Nhưng để cái Tâm Thiện được trong sáng thì điều cần thiết là nên tập thương mọi vật. Thương đồ vật tức là tiết kiệm chăm sóc, giữ gìn cho chúng khỏi hư hao tốn kém, đó không phải là ích kỷ, keo kiệt bỏn xẻn. Thương chúng sanh là thương mọi loài, hãy tránh sát sanh, không giết loài vật. Được vậy thì sẽ thành thói quen dù con kiến cũng không nỡ giết thì làm sao ta có thể hại người, làm khổ người, đánh đập người? Giết người? Mà đã không làm những điều vừa kể tức là không tạo nên nghiệp ác - Đã không tạo nên nghiệp ác thì sẽ không bị quả báo trả vay. Tạo Nhân lành thì gặp Quả Lành, tạo Nhân ác thì nhận Quả ác.
Vậy muốn tránh được quả báo không hay đời này hay đời sau, thì trước nhất ta nên tập làm việc Thiện. Việc Thiện nẩy sinh từ cách sống chân thật, trong sạch, hòa nhã, nhẫn nại, sáng suốt, không hại người, không hại vật, không lấy của người, không ích kỷ, căm thù, xảo ngôn, ganh ty: Luôn  luôn nghĩ đến người khác với mối thiện lâm, tập đức tính hỉ xã khoan đung, độ lượng - Nhất là thực hành Bố thí giúp người.
NGƯỜI TRONG GIA ÐÌNH NÊN LÀM GÌ KHI NGƯỜI THÂN SẮP MẤT
Nhiều kinh sách tôn giáo xưa nay đã từng khuyên người thân trong gia đình mỗi khi có người thân sắp qua đời thì nên có thái độ, hành động và việc làm đúng hợp với hoàn cảnh lúc đó - có vậy mới mong người sắp mất ra đi một cách thanh thản, không u buồn nuối tiếc, khổ đau...
Sau đây là một số điều cần làm:  
1) Điều quan trọng nhất và cũng là khó nhất, đó là khi người thân sắp hay mới qua đời thì thân nhân không nên khóc lóc, kêu gào, vật vã - Vì người sắp chết sẽ rất khổ đau ray rứt khó ra đi.  Còn khi người mới xuôi tay nhắm mắt, bề ngoài thấy là họ đã mất, dù cho tim ngừng đập; Nhưng thật sự là họ vẫn còn nghe, biết những gì xảy ra chung quanh họ. Do đó thân nhân nên cố gắng tránh khóc lóc, kể lễ làm đau lòng người sắp mất. 
2) Không nên đụng chạm, tắm rửa, thay quần áo hay di chuyển thân xác người mới mất trong khoảng thời gian 12 tiếng đồng hồ kể từ khi người ấy mất.
3) Trong khoảng thời gian 12 tiếng kể từ khi mất, người thân nên đọc kinh cầu nguyện (nếu là Thiên Chúa giáo) hay tụng kinh siêu độ (nếu là Phật giáo) liên tục cho vong linh hay linh hồn người mất được ra đi một cách thanh thoát, an lạc, tự nhiên...dĩ nhiên là trong thời gian đó nên giữ yên lặng; chỉ có tiếng kinh thôi - cố tránh không có tiếng than khóc đau thương - Khi đọc kinh hay tụng kinh âm điệu cũng không nên ai oán bi thương.
4) Cần nhớ rằng: trong thời gian 49 ngày kể từ khi mất, vong linh hay linh hồn (theo Phật giáo thì giai đoạn này là Thân Trung ấm) người mới mất ấy còn trong tình trạng hoang mang, mơ hồ, phân vân trước những cõi giới không biết vào đâu - thời gian này cần thân nhân hổ trợ bằng lời cầu nguyện - cầu hồn, cầu siêu... nhất là bằng sự bố thí giúp người, ăn chay hay in ấn kinh sách phổ biến hoặc nhờ nhà thờ, chùa làm lễ cầu nguyện cho linh hồn người mới mất được siêu thoát. Những việc làm vừa kể rất quan trọng và rất có hiệu quả vì giai đoạn 49 ngày là giai đoạn rất đáng quan tâm, rất đáng lo cho người mới qua đời - thân nhân cần phải nhớ điều đó để giúp người thân mới mất được ra đi trong an lạc tốt lành. Hãy chú tâm vào những điều vừa kể hơn là chú tâm vào nghi lễ phiền toái linh đình, đám cho to, giỗ cúng cho lớn mời cha, thầy tới cho đông, thết đãi, xe cộ xênh xang chỉ là bề mặt và cho người sống có hư danh - còn người chết thì vong linh, dật dờ, lênh đênh, vô định... mà việc ta làm lúc này là để giúp người mất chớ đâu cho người đang sống?
5) Người sắp mất ra đi với tâm trạng lo buồn, đau khổ.  Vì họ còn rất nhiều việc chưa hoàn tất, nhiều ước nguyện chưa thành, còn nhiều tình cảm quyến luyến - Do đó phút lâm chung, người thân phải hiểu rõ điều đó, cố động viên họ, làm cho họ an tâm tuyệt đối đừng khơi dậy những nổi đau mà họ đã hay đang trải qua lúc còn sống, tránh nhắc lại những thứ ấy - Hãy bảo rằng: "..cứ yên tâm, mọi việc đều ổn thỏa, gia đình sẽ lo chu đáo, không có gì phải lo cả..".  Có người lúc lâm chung, họ luôn nhớ lại những gì xảy ra nhất là quá khứ - có người nhớ là họ còn nợ ai số tiền chưa trả chẳng hạn - họ muốn ra đi được thanh thản.. nếu thân nhân nghe họ phàn nàn lo âu điều đó thì nếu có thể tìm cách nói làm sao để họ an vui. Nếu có thể nên thanh toán nợ nếu đủ sức thì đó quả là một việc phúc đức đáng làm.  Nói tóm lại Ta hãy cố tạo sự thuận lợi an ổn cho người sắp ra đi, để họ khỏi bận tân, nuối tiếc, dùng dằng...nếu là người bệnh sắp mất, thân nhân hãy chờ lúc họ tỉnh táo hãy hỏi họ cặn kẻ những gì họ mong muốn, những gì họ căn dặn và hứa sẽ làm cho họ yên lòng - Dĩ nhiên lời hứa phải thành thật không gian dối dù sau đó vì quá sức mình không chu toàn được... Làm được vậy là giúp người sắp mất thanh thản ra đi một cách nhẹ nhàng - Nhờ đó mà vong linh sẽ sáng suốt, không bận tâm, không u buồn nên khỏi phải đi vào đường lầm mê của Lục đạo. 
6) Trước mặt người sấp mất hãy làm những điều tốt lành như những người trong gia đình mấy lâu xung khắc gây gổ, tránh mặt nhau thì khi đó hãy đứng bên nhau hoà đồng vui vẻ để người sắp mất vui lòng. Tránh gây gỗ tranh cải nhau.  Người sắp lìa đời nằm đó nhưng tai nghe rõ hết, ngay cả khi họ nhắm mắt xuôi tay, thần trí họ vẫn còn hoạt động - Phải nhớ kỹ điều đó.
7) Tránh khuyên răn người sắp mất tin theo một tôn giáo nào đó khác với tôn giáo mà họ đã theo – làm như vậy tạo nên hoang mang tâm thức họ khi đang đứng ở ngưỡng cửa của sự chết khiến họ không biết bước vào cõi giới nào lúc đó.  Chỉ ngoại trừ người sắp mất tự nguyện hay đề nghị mà thôi.  Việc rước lễ, đọc kinh hay tụng kinh cũng nên theo ý muốn của người sắp mất, đừng ép uổng họ. Có người tới lúc cận kề sự chết họ mới mở tâm khai ngộ - vì thế lúc ấy họ tin điều gì, mong ước gì là nên để họ tự ý, không nên tự mình đưa họ vào hoàn cảnh hay niềm tin mà họ không muốn.
8) Những bà con bè bạn tới thăm muốn gặp thì nhớ nhắc nhở họ đừng tỏ vẻ lo sợ về cái chết sắp đến đừng nói lời tiếc thương u buồn mà tỏ ra tự nhiên xem cái chết là điều bình thường vì ai cũng trải qua cả - Đừng làm cho họ sợ, chán nản, lo lắng...
9) Vấn đề dùng thuốc an thần: chỉ nên dùng khi bệnh nhân đang ở tình trạng đau bệnh nhưng chưa đi vào giai đoạn hấp hối. Dùng thuốc an thần để giúp giảm cơn đau đớn cho người bệnh những lúc đó mà thôi - Tuy nhiên, khi họ đi vào giai đoạn sắp thở hơi cuối cùng thì tốt nhất là không nên.  Bác sĩ Paul Perry, bác sĩ Melvin Morse cho biết rằng, hiện nay tại các bệnh viện, nhất là ở các nước Âu Mỹ 90 phần trăm bệnh nhân quá đời đều đã dùng nhiều thuốc an thần - Nhất là khi thấy người đang hấp hối tỏ vẻ lo sợ, kêu hay nói hoặc mô tả những hình ảnh mà họ đã thấy lúc đó thì các y bác sĩ cho là họ đang bị mê sảng nên trấn an bằng cách cho họ uống thuốc an thần - Họ không biết lúc ấy người sắp mất đang ở biên giới của tử sinh nơi giới hạn của cõi giới họ đang sống (thế gian) với cõi giới khác - mà cõi giới khác thì có biết bao hình ảnh kỳ bí lạ lùng có khi đáng sợ mà người sắp lìa đời thấy được trong khi những người đang sống (y, bác sĩ, thân nhân người hấp hối  không thể thấy...
Bác sĩ Melvin Morse cho hay là có lần một em bé tên John 11 tuổi đang kề cận với cái chết trong bệnh viện mà ông có nhiệm vụ theo dõi bệnh trạng. Em này bị bướu giác tính ở hạch Bạch huyết Lymphoma - Vì trường hợp của bé John đặc biệt, không thể dùng thuốc an thần - Do đó theo bác sĩ Melvin Morse, em bé này đã ra đi thật an bình - Trước khi thở hơi cuối cùng, bé mở mắt nói với người thân đang vây quanh giường: "Ba má và các anh chị hãy cầu nguyện cho con - Chúa đang ở trong phòng, trước mặt con đó! " Nói xong bé nhắm mắt và mất một các an bình tự tại. Theo bác sĩ Melvin, người chuyên nghiên cứu những gì bên kia cõi chết thì trường hợp đặc biệt của bé John đã xảy ra trước mắt của nhiều y tá và bác sĩ trong bệnh viện.  Bé ra đi một cách thanh thản tự nhiên - điều mà tất cả mọi người có mặt hôm đó hiếm khi thấy - Thắc mắc nêu ra lúc bấy giờ đã được bác sĩ Melvin Morse trả lời dứt khoát rằng: "..đó là do bé John lúc cận kề cái chết, may mắn đã không dùng thuốc an thần!”. Theo các Lạt Ma Tây Tạng thì giờ phút hấp hối rất quan trọng, nếu trí óc thần trí u lối, mê mờ, hoang mang vô định thì rất dễ lạc vào cõi giới tối tăm khốn khổ - Dùng thuốc an thần lúc hấp hối chính là khiến thần trí người đó mê mờ như kẻ mộng du, say rượu.  Giây phút ra đi, tâm trí cần phải an bình, sáng suốt mới nhận thức được đâu là nơi đáng tới, nơi không nên vào. Vì theo Phật giáo, khi chết bất cứ ai cũng phải vào một trong 6 cõi giới gọi là Lục đạo - chỉ ngoại trừ những bậc tu hành đắc đạo, thanh cao là không bị đưa vào đó theo nghiệp báo của họ gây ra khi còn sống mà thôi.
10) Tại các bệnh viện thường có dụng cụ giật điện giúp hồi sinh cho người bị kích ngất. Cũng theo bác sĩ Melvin Morse thì vấn đề sử dụng loại giật điện giúp hồi sinh này cần phải cẩn thận - nên dùng như trường hợp đứng tim chẳng hạn.  Còn trường hợp chết vì ung thư hay bệnh không thể chữa khỏi thì không dùng là hơn.  Nếu vì lý do thân nhân yêu cầu thì cũng nên hạn chế.  Có khi vì muốn thấy mặt lần cuối hay nghe lời trăn trối sau cùng mà phải dùng tới dụng cụ giật điện giúp người mới chết hồi sinh chốc lát thì quả là sai lầm. Sai lầm thứ nhất là làm người sắp qua đời phải chịu đau đớn khủng khiếp - nếu chỉ vài phút hồi sinh rồi mất thì tâm trí người ấy đâu còn minh mẫn an bình nữa? Sai lầm thứ hai: người ra đi phải đúng giờ giấc, không dùng dằng hay bị níu kẻo - giờ phút quan trọng đã tới mà lại làm họ "trễ chuyến đi" cũng như gây hoang mang nghiệt ngả tâm hồn thì quả thật là vô cùng tai hại... Chết trong khi được cầu nguyện là điều vạn hạnh.  Những bậc tu chứng thường cho rằng: một người đang chú tâm cầu nguyện, đọc kinh, tụng kinh mà tự nhiên bị chết thì tâm linh người ấy đã được trong sáng, đã đi vào trong lời cầu nguyện nên họ chết trong an lạc.  Các bậc thầy kinh nghiệm về tu tập cho biết rằng: lúc sắp qua đời nếu người sấp mất ấy cầu nguyện được tái sinh làm người với mục đích giúp đỡ kẻ khác - họ chú tâm cầu nguyện mãi như thế cho tới khi nhắm mắt xuôi tay thì phần lớn người ấy sẽ tái sinh vào một kiếp người đầy hạnh phúc an vui. Do đó khi còn sống, hằng ngày ta cũng nên tâm niệm như thế, ngay cả khi đang đi, nằm, ngồi hay làm việc - Tập  quen như thế rồi thì khi sắp lâm chung ta sẽ quen với tâm  niệm tốt lành ấy.
Nhiều vị Lạt Ma Tây Tạng khuyên thân nhân người chết để ý điều này: Nếu người qua đời để lại một số của cải hoặc người đó mất đi thân nhân sẽ hưởng một số tiền nào đó như đền bù vì tai nạn, bảo hiểm, chết trận vân vân - Thân nhân không nên tiêu dùng hết số tiền đó mà nên trích ra một ích cho hội từ thiện hay đích thân đi làm việc thiện, cứu giúp người nghèo vừa giúp lòng tâm mình bớt áy náy vừa làm vui lòng vong linh người đã khuất.
Người Việt Nam cũng vậy, lúc có người thân mất phần lớn họ không nhận tiền phúng điếu (chỉ ngoại trừ gia đình người qua đời quá nghèo túng không mua nổi áo quan hay chi phí lễ tang ma... thì nhận nhưng cũng giới hạn).
THÂN XÁC NGƯỜI MỚI MẤT NÊN GIỮ BAO LÂU
 Kinh nghiệm cổ xưa của một số nước như Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam và nhất là Tây Tạng thì thời gian 3 ngày là thời gian cần thiết không hơn không kém để giữ thân xác người mới qua đời cẩn thận trước khi chôn cất hay thiêu xác. 
Trong 3 ngày ấy, không nên đụng tới thân xác nhất là không nên thoa xức, hay tiêm chích vào cơ thể người mới mất bất cứ thứ gì.
Theo các vị Lạt Ma Tây Tạng thì khi chết, Thần thức rời khỏi Thân xác qua một huyệt đạo nào đó trên thân xác nhất là ở đỉnh đầu. Nhưng nếu ta đụng chạm hay tiêm, chích vào da thịt lúc ấy thì Thần thức có thể bị động nên có thể thoát ra từ một nơi nào gần nhất chớ không từ đỉnh đầu - mà Thần thức một khi thoát ra bất ngờ và không đúng vị trí như vậy sẽ mang lại sự rủi ro, bất lợi cho lúc tái sanh. Vì thế, khi đã biết chắc rằng người bệnh không thể nào qua khỏi thì nên yêu cầu bác sĩ gở bỏ những thứ y cụ trên người bệnh nhân nhất là các kim chích ra khỏi cơ thể.
Đại Đức Sogal Rinpoche đã từng thuyết giảng rằng "Muốn vơi đi thật nhiều nổi đau thương về người thân mất thì không gì hơn là hãy tiếp tục thực hiện những gì mà khi sống người ấy mong ước hay còn dang dở. chưa xong”  Ngay cả những lầm lỗi mà lúc sống họ đã gây ra ta cũng nên tha thứ... cũng như những gì mình làm họ khổ đau thiệt hại thì cũng phải ăn năn.
KHI MẤT, THÂN XÁC NÊN CHÔN HAY THIÊU?
 Đối với người Tây Tạng, họ đã nghe các vị Lạt Ma giảng giải từ tấm bé rằng thân xác của mỗi con người là vật tạm bợ như bộ áo quần để mặt mà thôi - khi chết giống như là cởi bỏ bộ áo quần cũ đi đầu thai chuyển vào một sinh mệnh mới như mặc bộ đồ mới khác. Chỉ cần quan sát xác thân một người chết bên bờ bịu không ai thừa nhận lâu ngày tan rã tỏa mùi hôi hám thì sẽ thấy rõ cái xác thân chỉ là cái tạm thời. Do đó khi chết người Tây Tạng thường hỏa táng xác chết - Cái thây người chết được xem như biểu tượng của tất cả nghiệp ác - Nên khi thân xác bị lửa thiêu cháy thì những nghiệp ác tiêu tan và đồng thời phát ra ánh sáng rực rỡ. Câu Thần chú giúp xóa tan ác nghiệp của người qua đời đang rực cháy trong lửa là OM VAJRA SATTIVA HUM (ý nghĩa của câu chú là mong mỏi Thần Kim cương tát đỏa chuyển hóa Ác Nghiệp..). Ngoài ra có một câu chú khác giúp người chết không bị mê mờ u tối lạc vào 6 nẻo luân hồi – Câu chú đó là A A HA SHA SA MA.
Theo niềm tin của phần lớn người Đông phương thì khi chết phần lớn người chết vẫn còn mơ hồ chưa biết là mình đã chết - Vì thế họ thường quay trở lại nhà và sống như lúc đang còn sống mặc dù người thân chẳng thấy chẳng biết có họ hiện diện. Có khi họ mượn tạm xác thân đã chết để hiện ra trong chốc lát mà người sống khi thấy hoảng sợ và gọi là Ma. Kinh nghiệm dân gian cho thấy ở những nơi xảy ra tai nạn chết người "hồn" người chết thường hiện ra với bộ quần áo họ mặc lúc bị tai nạn. Vì lý do đó mà khi chết nên thiêu xác để người chết không thể mượn xác thân của mình để hiện ra nữa hoặc không còn quyến luyến cái thân xác cũ nữa... 
Một số vị đại sư còn cho rằng: khi chết thân xác sẽ dần dần tan rã, dù đem chôn thì lâu ngày xác thân cũng bị các loài vi sinh vật đục khoét biến dạng rất ghê rợn - Do đó chỉ có thiêu xác là tránh được nhiều điều không hay.
Người Âu Mỹ trước đây không nghĩ tới vấn đề thiêu xác khi chết, những ngày nay nhiều người đã nhận thấy ít nhất là về mặt vệ sinh, thực tế thì việc thiêu xác tốt lành thuận lợi hơn chôn cất xác chết rất nhiều - việc duy trì bảo quản hoặc phải di chuyển cũng dễ dàng, ít tốn kém... Mới đây, trong năm 1999 John F Kennedy Jr, vợ và chị vợ bị chết vì tai nạn phi cơ đã hỏa thiêu theo truyền thống Phật giáo và công chúa Margaret cũng yêu cầu được thiêu xác mình chớ không chôn khi bà mất vào năm 71 tuổi.
Dù người thân qua đời ta thương quý đến mấy cũng không thể chôn cất trong vườn nhà để được gần gũi. Nếu là tro cốt của họ, ta cũng không đặt thờ trong nhà. Tốt nhất là đem thờ ở Chùa hay nhà Thờ hoặc chôn cất làm mộ chí như bình thường.  Khoảng 5 năm sau tro cất được thờ nên đem rãi trên biển là tốt nhất.
KHI CHẾT KHÔNG MANG THEO ÐƯỢC GÌ – KHI CHẾT, TA RA ÐI VỚI 2 BÀN TAY TRẮNG...
Người giàu có, sống trên của cải nhưng khi họ chết đi, hai tay buông xuôi thì họ trở thành tay trắng vì không mang theo được dù một chút của cải vật chất nào. Sự kiện thực tế ấy từ lúc con người xuất hiện trên quả đất cho đến nay đều thấy rõ, không ai chối cải, vậy mà từ xưa tới nay có biết bao người quyết chí làm giàu, lúc nào cũng mong tiền bạc đến với mình không dứt. Họ sống vì tiền, vui thú vì lo thu nhặt tiền bạc vào cho đầy túi nhưng không bao giờ chấm dứt được cái ham muốn ấy vì lòng tham quá mức. Đến khi xuôi tay thì tất cả tiền bạc của cải ấy đều để lại thế gian còn họ thì nằm dưới lòng đất lạnh. 
 Người giàu Cũng như người nghèo, khi chết hai tay buông xuôi, không mang theo được gì - Cái mang theo thật sự là cái Nghiệp - Vì thế đôi khi sau khi chết người giàu có không chắc gì sung sướng hơn người nghèo hèn - Lý do là có người lúc sống nghèo nàn vì họ sống với thiện tâm không làm sai quấy, gây điều tội lỗi. Có người lúc sống rất giàu có nhưng gian ác bất lương thì Nghiệp dữ đó sẽ làm họ khổ sở ở đời sau. 
Có biết bao nhà triệu phú, tỷ phú sống trên của cải, có người hằng chục tỷ mỹ Kim, khi chết không mang theo được một câu nhỏ. Ngay khi đang làm giàu họ luôn luôn phải phấn đấu, tranh dành, mưu lược để chống chọi lại với những gì bất lợi đến với mình. Do đó lâm hồn những người giàu có thường bất an, hồi hộp, lo lắng, mệt trí vì tính toán không những thế họ thường keo kiệt không dám giúp đỡ ai vì sợ số tiền có được của mình hao hụt đi. Có người, ngay chính bản thân họ cũng không dám ăn tiêu huống hồ là nói đến chuyện giúp đỡ kẻ khác. Ngày nay càng có nhiều đại phú gia, nhiều người giàu có, tất cả đều bị như thế, nhưng không biết mình như thế. Đôi khi họ còn chê cười phê bình chỉ trích người khác keo kiệt hà tiện. Cái mê mờ u tối ấy đã từng bao phủ biết bao người khiến họ không thoát ra được để thấy cái ánh sáng vi diệu của sự giúp đỡ bố thí kẻ khác.
Phần đông những người càng giàu có họ lại càng có cái Tâm Tiếc Rẽ. Lý do là vì lòng tham con người quá lớn, có rồi muốn có thêm nữa vì thế nếu đem cho, giúp đỡ bố thí thì tiền của sẽ hao hụt, làm sao lợi nhuận tăng thêm? Nhiều người lại nghĩ sai khi cho rằng bố thí là việc làm của kẻ giàu có. Họ bảo "tôi đâu phải là người giàu, tiền bạc ít ỏi, làm sao tôi có đủ để bố thí giúp đỡ ai?"... Nghĩ như vậy là sai. Bố thí không phải bắt buộc phải nhiều.  "Của ít lòng nhiều" ... là câu nói của cổ nhân ta từ lâu nhắc nhở cho thấy của cho quan trọng ở tấm lòng.
 Những người hay gây hấn hay làm phiền kẻ khác luôn luôn bất an, không những lúc thức mà có khi ngũ và nằm mộng. Trái lại nếu bạn sống an hòa vui vẻ với mọi người thì bạn sẽ thảnh thơi hạnh phúc suốt đời...(Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14).

TÀI LIỆU THAM KHẢO
(Sơ lược một số tài liệu tham khảo chính)  
 - Huyền học đạo Phật và Thiên Chúa - D.T Suzuki - Như Hạnh dịch – Kinh Thi xuất bản Sài gòn – 1974.
 - Cơ sở Mật giáo Tây Tạng - Lama anagarika Govinda- Như Pháp Quân Trần Ngọc Anh dịch - nhà xụất bản Thế giới – 1995 - Hoa Kỳ.
 - Bí ẩn sau cõi Chết - Đoàn văn Thông - Nguồn sống Xuất bản –1994 - USA
 - Siêu hình – Tình Yêu - Siêu hình sự Chết – Schopenhauer - Hoàng Thiên Nguyễn dịch- Kinh Thi xuất bản – 1974.
 - Tạng Thư Sống Chết (The Tibetan Book of Living and dying)- Sogyal Rinpoche
- Xuất Thu ấn hành - xuất bản - 1996.
 - Sống và Chết - Thích Chánh Lạc - Phú lâu Na Tùng thư VI - 1987 – Hoa Kỳ
 - Biên giới Tử Sanh - Đoàn văn Thông - Hải Ngoai xuất bản – 2000 - USA.
- Bí ẩn về tiền kiếp, Hậu kiếp - Đoàn văn Thông- Nguồn sống xuất bản- in lần thứ 5- năm 2000 -Hoa Kỳ
 - Vãng Sanh quan yếu - Dịch giả Viên Thông - Chúng Liên Trì ấn tống – 1988 – Hoa Kỳ
 - How to be Born Again - Billy Graham - world Books Publisher - 1977- USA.
 - Life After Death - Elizabeth Hanley - New York- 1977- USA.
 - Le livre des Morts des anciens Egyptiens - Pierre Barguet- Paris - 1967.
 - Death and Immortality - Phillips, D.Z. 1970
 - The Future of the Body - Michael Murphy - Jeremy P. Tarcher Inc. Los Angeles- 1992 - USA.
 - Death and After life - David.T - 1989.
 - Les Morts nous parlent - Brune, Francois - 1988.
 - Out of the body Experiences - Robert Crookall (A citadel Press Book Published by Canh, Publising Group – 1992 - USA.
 - One hundred cases for survival after Death -  Baird, A.T.  – 1943 - London.
 - The next World - and the Next - R. Crookall- 1966 - Lodon.
 - The mystical Life -  J.H.M: Whiteman - 1961- USA.
 - Sống Hạnh phúc - chết Bình an - The Joy of living - Dying in peace - Đạt Lai Lạt Ma thứ 14- Chân Huyền dịch - Làng Cây Phong xuất bản - 2003-USA. 
(Hết)
Đoàn Văn Thông
             SÁCH HAY: QUA CỬA CHUYỂN TIẾP (2)

Không có nhận xét nào: