Chủ Nhật, 2 tháng 3, 2014

So sánh hai Kinh Dịch.

Đến đây, chúng ta hoàn toàn tìm thấy hầu hết các lời giải logic cho những nghi án Kinh Dịch. Kinh Dịch là của người Việt Nam và người Trung Hoa biết điều đó. Với âm mưu đồng hóa và triệt diệt văn hoá Việt, người Trung Hoa đã bắt, giết hầu hết các trí sỹ Việt. Và cuối cùng, dân tộc làm ra Kinh Dịch không còn người hiểu được những nguyên lý Dịch truyền thống. Nhưng ánh sáng chân l‎ý vẫn soi thấu qua màn đêm lịch sử. Với các huyền thoại họ thêu dệt vào Kinh Dịch của họ cộng thêm cái Hậu Thiên Bát Quái luộm thuộm, họ đã tự làm lộ tẩy mình. Vì họ không có cội rễ nên họ không hiểu các đồ hình đó nói cái gì, làm từ đâu, tính toán thế nào nên họ bịa ra những nguyên tắc lố bịch, lủng củng, không nhất quán. Để cuối cùng luận ra một cái Hậu Thiên sai bét!!! Chúng ta hãy cùng nhau so sánh logic của hai Kinh Dịch.


1. Khởi thuỷ của Dịch:

Dịch Trung Hoa: Long mã chứa Hà Đồ. Không có con Long Mã như thế. Sự quyết đoán của người Trung Hoa về con Long Mã tưởng tượng này theo logic có thể suy ra, người Trung Hoa bằng cách nào đó đã có một tấm đồ hình được vẽ trên da một con gì dưới nước có những vảy đặc biệt. Hay nói cách khác, họ đã có được một tấm đồ hình Hà Đồ được vẽ trên da cá sấu. Còn cách nào họ có ta phải xét xem hệ quả nào người Trung Hoa rút ra từ đó. Có hai suy luận logic sau:

a. Chính người Trung Hoa vẽ ra nó. Vậy người Trung Hoa phải vẽ ra đầu tiên và họ phải tường tận hiểu nó dùng để làm gì.

b. Người khác vẽ ra nó và người Trung Hoa chiếm đoạt được. Nếu như vậy, đó là sắc dân nào, bằng chứng nào chỉ ra dân tộc này có trong tay Hà Đồ. Và bằng chứng nào chỉ ra họ hiểu nó tường tận?

Dịch Việt (Diệc): Con cóc. Qua các quan sát tự nhiên lúc trời mưa. Hay tưởng tượng bằng trí tuệ thấy mình cóc có chứa sao Bắc Đẩu-7 sao. Không cần huyền bí hoá, bởi vì đây chỉ là bước khởi đầu. Quan trọng các bước sau phải hợp logic với bước đầu.

Vậy, về khởi thuỷ của Dịch của người Trung Hoa và người Việt Nam đã có nhiều khác biệt. Nhu cầu huyền bí hoá Kinh Dịch của người Trung Hoa đã vô tình cho chúng ta thấy có gì đó không ổn. Và nếu ta chứng minh, cái Hà đồ chẳng ăn nhập gì với hệ quả người Trung Hoa rút ra thì rõ ràng câu chuyện long mã là chuyện bịa để che giấu việc đạo tư tưởng của người khác.

2. Đốm xoáy trên lưng Long Mã: 

Dịch Trung Hoa: có nói đến xoáy nhưng chỉ coi như một thành phần của con Long Mã tưởng tượng. Hoàn toàn không thể giải thích nỗi vì sao lại có đốm xoáy trên lưng con vật dưới nước. Hoàn toàn không đề cập đến nội dung của đốm xoáy có dính dáng đến Dịch.

Dịch Việt Nam: Đốm xoáy trên lưng năm con heo con trong bức tranh Đông Hồ nổi tiếng “Đàn lợn” cùng với hình Thái Cực trên lưng heo mẹ đã cho chúng ta thấy sự liên hệ mật thiết giữa đốm xoáy với Dịch. Thời hậu thiên đã hình thành sự phân cực và phân hành sâu sắc và dấu ấn của Thái Cực lên muôn loài là các đốm xoáy: các đốm xoáy có tính Nòng Nọc khác nhau có chiều vận động ngược nhau và đã tách ra riêng rẽ. Đối lại với Thái cực hai nghi Nòng Nọc tuy đối nghịch nhau có chiều vận động ngược nhau nhưng lại cùng vận động trong một thể thống nhất, hài hòa. Các đốm xoáy trên lưng các con heo con đó đã giải quyết hoàn toàn nghi án truyền thuyết Phục Hy thấy con Long mã: Bằng cách nào đó người Trung Hoa(có thể do họ được tặng) có được bức đồ hình sau này được đặt tên là Hà Đồ được vẽ trên da cá sấu. Đồ hình đó gồm các đốm xoáy có chứa các khuyên tròn tạo thành từng cặp 1-6, 2-7, 3-8, 4-9, 5-10. Và thông điệp Hà đồ với đốm xoáy là thông điệp Hậu Thiên Bát quái mô tả thời vũ trụ đã hình thành với quá trình phân cực thành những vật thể mang tính Nòng và những vật thể mang tính Nọc đồng thời với quá trình phân hành thành những vật mang hành khác nhau trong ngũ hành. Nói cách khác Hà đồ và đốm xoáy chuyển tải triết l‎ý vạn vật được tạo thành từ hai nguyên khí và phân loại thành năm hành thể.

3. Hai nghi hay hai bản thể của mẹ vũ trụ:

Dịch Trung Hoa: Ông Phục Hy, khi nhìn thấy Hà đồ, đã sáng tác ra hai nghi: Âm Dương. Và chính ông vạch ra hai biểu tượng của chúng. Vô lý! Về logic Hà đồ phức tạp hơn hai nghi. Có hai chiều ngược nhau: Từ Hà Đồ xây dựng nên hai nghi và từ hai nghi dẫn dắt đến Hà Đồ bằng suy luận logic. Chứng minh sự vô lý của cách suy luận từ Hà Đồ sang hai nghi không có gì bằng cách chứng minh cả một con đường logic đi từ hai nghi đến Hà Đồ. Hơn nữa, hành trình logic từ Hà Đồ sang Âm, Dương bị khuyết một mắc xích: ít ra trong Dịch Trung Hoa, người ta đã có lúc nào đó dùng một vòng tròn chỉ nghi Dương và hai vòng tròn chỉ nghi Âm. Sau đó, họ giản lược lại thành các vạch như bây giờ. Ngoài ra, khi đặt Âm Dương làm hai nghi của Thái Cực, họ không hề đặt vấn đề lượng số ra. Họ chỉ cho ra ý nghĩa triết học của nó là hai thể thể đối kháng nhau trong một tổng thể thống nhất. Điều này dẫn đến họ không tính toán theo logic số học nhị phân. Không hiểu nguyên tắc nhị phân số học này của hai bản thể nên họ vô cùng lúng túng không hiểu giải thích vì sao chẵn lại thuộc Âm mà lẻ lại thuộc Dương. Và cũng chính vì thế, khi luận Hậu Thiên Bát Quái họ đã làm hết sai lầm này đến sai lầm khác.

Dịch Việt: Hai con nòng nọc là con của cóc mà cóc là bản thể của mẹ vũ trụ ở trái đất nên nòng và nọc là hai nghi của mẹ vũ trụ. Hình thành hệ nhị nguyên và tính bằng số học thuần tuý. Với Nòng=0 và Nọc=1. Số tồn tại đầu tiên và số trống rỗng đầu tiên.

4. Chẵn-Âm, Lẻ-Dương: 

Người Trung Hoa rất mập mờ khi nói về vấn đề này. Trong khi bằng số học thuần tuý, với nguyên tắc “chia số theo hai vòng tròn một, cái cuối cùng là nọc thì số đó là nọc và nếu không còn gì để chia (hay cái cuối cùng còn lại là nòng) thì số đó là nòng”, người Việt rút ra số lẻ-nọc, chẵn nòng. Dĩ nhiên, lúc chứng minh điều này thì cần phải có cả hệ thống bằng chứng. Ví dụ, như các đồ hình 3-3---4-4 và các Hà Đồ, các Hậu Thiên Bát Quái trên trống đồng nhận được đúng với logic chặt chẽ của ta đặt ra.

5. Số không

Không thấy bóng dáng số không trong nền tảng Kinh Dịch Trung Hoa. Chính vì thế họ không thấy rõ logic số học thuần tuý của hệ nhị phân. Trong Kinh Diệc Việt Nam, số không quan trọng vì nó là số của Khôn qua hệ nhị phân. Trong nhiều trường hợp, người ta hay dùng số không để biểu thị tính nòng. Đó là cách dùng khôn khéo để cho mọi người biết có số không tồn tại và số 8 cũng chính là 0 qua mod 8.

6. Mod: 

Trong kinh Dịch Trung Hoa có một ít ám chỉ đến mod 9. Tuy nhiên, ở đây cũng chỉ dừng lại ở ám chỉ. Không có cách giải thích nào rõ ràng cả. Dịch VN hầu hết đề cập đến mod 8. Điều đó khá dễ hiểu vì chỉ có 8 bát quái còn các số thì nhiều. Lượng số của các quái chỉ từ 0..7, chính vì thế nhiều khi họ phải biểu thị 0=Khôn=8 mod 8. Bởi vì nếu không biểu thị gì cả thì không ai hiểu đó là số không hay đơn giản người ta tính tiếp các chi tiết khác. Nhiều khi, có tính mod 14, với ý nghĩa ký hiệu tổng quát cho Hậu Thiên và Tiên Thiên. Hậu Thiên lấy số 14 làm trọng vì nó có tổng các số của mỗi phần Trời Đất là 14. Mà Hậu Thiên thuộc chuyện vũ trụ sau khi hình thành nên nó có tính Âm, còn Tiên Thiên có tính Dương. Ở đây, cần thấy rõ tư tưởng của các triết gia Việt Nam xưa. Tiên Thiên chỉ giới hạn ở bát quái có hình Thái Cực Đồ-đó là 1 số lẻ chưa tách rời. Còn Hậu Thiên là vũ trụ đã thành hình nên các quái của nó đã phân và chung cuộc chúng có đến 64 trùng quái thuộc Nòng. Vì thế, khi lấy số 14 ký hiệu Hậu Thiên thuộc Nòng lớn nhất, mà Nòng lớn nhất giống như trường hợp bát quái bằng 0. Vậy Hậu Thiên =14=0(mod 14). Còn Tiên Thiên là Nọc lớn nhất, chỉ có hai Bát quái nên Tiên Thiên=15=1(mod 14). Và người Việt cổ cũng có dùng mod 4, nhưng cũng như trên chỉ dùng cho Tứ Tượng, bằng chứng là đồ hình 3-3---4-4. Như vậy, ta thấy khi dùng mod, người Việt cổ đã tính toán cẩn thận: mod nào dùng ở đâu mới hữu lý. Và luôn luôn chiếu theo logic toán học thống nhất.

7. Chiều chuẩn: 

Kinh Dịch Trung Hoa không chỉ ra tại sao có chiều ngược kim đồng hồ. Trong khi, nếu dựa trên trống đồng Việt Nam thì ta thấy tất cả các hướng bay của chim Diệc (chim phượng hoàng) đều chỉ hướng ngược kim đồng hồ. Có các ám chỉ cóc mang tượng sao Bắc Đẩu=7 sao=Càn. Và nếu ta tưởng tượng một người đứng nhìn lên trời về hướng Bắc (hướng sao Bắc Đẩu) và thấy mặt trời chuyển từ Đông sang Tây thì cũng dễ hiểu vì sao có chiều vận động như vậy. Điều này, chứng tỏ người Việt cổ có những chiêm nghiệm thiên văn khá thành thục.

8. Tứ tượng: 

Thật là logic khi nói, nếu đã biết được hai bản thể của vũ trụ (gồm cả định nghĩa và ký hiệu) thì người xưa, dù người Hoa Hạ hay người Diệc, đều có ý muốn sắp xếp chúng thành hai hay ba lớp. Người Trung Hoa có sắp xếp nó nhưng lại ít hiểu đến lượng số của nó, còn người Diệc có sắp xếp nó nhưng với một logic số học chặt chẽ. Điều đó được chứng minh bởi mã 3-3---4-4. Bởi rằng 3 là số của hai Nọc còn 4=0(mod 4) là số của hai Nòng. Đến đây, chúng ta có thể thấy họ không dùng mod tuỳ tiện mà dùng cơ số của mod có tính toán theo lớp (ví dụ Tứ Tượng chỉ có 4 nên dùng mod 4, còn nói đến bát quái có 8 quái thì dùng mod 8, còn nói đến Hậu Thiên có linh số là 14 thì dùng mod 14.). Ngoài ra, có rất nhiều trống đồng Việt Nam ám chỉ Tứ Tượng bằng hình thể (4 cóc) và cả bằng hình thể lẫn số ẩn, lẫn tượng ẩn. Ví dụ như trống Ngọc Lũ có hai số mã của Tứ Tượng là 6-8, tang trống có tượng là các hình người chẵn lẻ mang tính Nòng Nọc.

9. Tiên Thiên Bát Quái: 

Cũng như Tứ Tượng khi sắp xếp được Tứ Tượng thì người xưa lại tìm cách sắp xếp bát quái-kết quả sự chồng lên nhau của ba lớp nhị thể (23=8). Tuy nhiên, tính số học của Tiên Thiên không bao giờ được nhắc đến ở trong Kinh Dịch Trung Hoa. Đầu tiên chúng ta hãy sắp xếp theo thứ tự từ Càn cho đến Chấn. Còn vòng bên kia thì sao? Vì chúng ta có thể sắp xếp theo số từ 7-0 theo chiều chuẩn hay sắp xếp như Tiên Thiên bây giờ. Quan trọng nếu đã xếp theo cách bây giờ thì phải có cách giải thích vì sao. Sách Trung Hoa chỉ nêu lên là tổng các độ số của hai quái đối diện phải bằng 9?!! Cứ như trên trời rơi xuống số 9 này. Nếu Tiên Thiên bắt nguồn từ Hà Đồ vậy số 9 ở cụm 9-4 tại sao không biểu thị cho Càn? Đó là bằng chứng xác đáng nhất chứng minh họ chẳng hiểu từ cội rễ. Còn nguyên tắc lập nên Tiên Thiên của Dịch Việt Nam hoàn toàn theo quy trình logic chặt chẽ. Với Tiên Thiên là biểu tượng Thái Cực Đồ; mà Càn=7 mang tính Nọc nhất, trùng với sao Bắc Đẩu, tượng trưng cho Trời, còn Trời thì ám chỉ Thái Cực vì thế tống các số đối xứng qua tâm phải bằng 7. Chính vì thế, trong bất cứ trống đồng nào cũng đều chứa Mặt trời ở giữa. Từ đó khi lập được chiều Nọc là Càn-Đoài-Ly-Chấn thì người ta cũng lập ra được hình bát quái sau: Càn-Đoài-Ly-Chấn-Khôn-Cấn-Khảm-Tốn. Ta thấy sự khác hẳn nhau của phương pháp lập Tiên Thiên của người Trung Hoa. Từ Hà Đồ làm ra Tiên Thiên, nhưng chả thấy một logic nào chỉ ra cái quan hệ giữa chúng với nhau. Cách sắp xếp cũng không giải thích từ đâu. Sau đó đặt độ số cho các quái (tức độ số được làm sau Tiên Thiên). Cuối cùng lấy chính cái độ số làm sau này lại giải nghĩa ngược lại cho Tiên Thiên (là cái làm ra trước). Vậy có người làm ra bát quái CànLy ChấnTốnĐoàiKhảmCấnKhôn, sau đó đánh số Càn-1, Ly-2, Chấn-3, Tốn-4, Đoài-5, Khảm-6, Cấn-7, Khôn-8. Rồi anh ta cũng bảo đó tổng các độ số đều bằng 9 thì ngài Phục Hy làm sao cãi nhau với anh ta. Cái thứ tự của Tiên Thiên phải có bản chất từ các quái. Mà đóng vai trò tính chất của các quái không có gì tốt hơn bản chất số của nó (tính qua nhị phân. Vẽ NòngNọcNòng thì chắc chắn quái đó bằng 2.). 

Số 9 từ trên trời rơi xuống của Dịch Trung Hoa chỉ chứng minh là họ đã nhìn đâu đó đồ hình Tiên Thiên và Nòng Nọc, họ chữa đổi thành Âm Dương sau đó cải biên và cố giải thích cho nó đúng theo một logic nào đó. Tuy nhiên, logic 9 không có một ý nghĩa gì cả; còn logic 7 lại hợp hoàn toàn với quan niệm thờ Mặt Trời của các cư dân cổ đại. Đây cũng cho thấy câu chuyện Long Mã-Hà-Đồ-Âm Dương-Tiên Thiên của người Trung Hoa chả ăn nhập gì với nhau và là sản phẩm của Thấy-Cải biên-Bịa truyền thuyết-Và Past nguyên bản chính có chút xíu cải biên.

10. Số và độ số: 

Người Trung Hoa khi nhận được Tiên Thiên họ đã đánh số nó như thế này: Càn-1, Đoài-2, Ly-3, Chấn-4, Tốn-5, Khảm-6, Cấn-7, Khôn-8. Không có gì sai trái trong việc đánh dấu này cả. Đánh dấu kiểu gì cũng được, điều quan trọng là dùng nó trong mục đích nào. Vì không hề đặt ra vấn đề số của Âm Dương nên họ không có một logic chung cho cả Tiên Thiên và Hậu Thiên. Logic này bắt buộc phải có bởi vì không thể nào mẹ lại khác xa con. Hay con hơi giống mẹ có những đặc tố của mẹ nhưng lại phải có các nét của con riêng. Còn người Diệc, trong các trống đồng Ngọc Lũ và Sông Đà đã cho ta thấy rõ tính số của các quái. Đó là Càn=7 (Trời, sao Bắc Đẩu), Đoài=6, Ly=5, Chấn=4, Tốn=3, Khảm=2, Cấn=1, Khôn=0=8(mod 8). Các cách tính số này xuyên suốt trong các trống đồng: ví dụ trường hợp Tứ Tượng, trường hợp cặp số 18-16 chỉ Khảm chủ tế và vòng vận động uyên nguyên Đất-Nước của Hậu Thiên. Khi không có gốc từ Nòng Nọc (gốc số 0,1) thì người Trung Hoa bắt đầu vào vòng lẩn quẩn. Muốn hiển thị sao cho Hậu Thiên có đặc tố của Tiên Thiên thì cứ phang bừa các độ số. Sau đó, từ các độ số này để tìm ra Hậu Thiên với những điều kiện lủng ca lủng củng. Bởi vì đi từ độ số sai thì có gò ép cũng không gò ép nỗi. Có giỏi như ngài Văn Vương cũng phải bó tay đành viện Lão Âm với Lão Dương. Còn như chúng tôi đã phân tích ở chương trên, nếu dùng số của quái thì không có gì vô lý khi vẽ ra Hậu Thiên đúng đắn, hợp logic. Đến đây, chúng tôi có cảm giác người Trung Hoa đã thấy trong vài đồ hình nào đó(của người khác) có ký hiệu của Khôn là 8. Thực ra, người này muốn biểu thị số 0 nhưng qua 8=0(mod 8)(ví dụ trong trống đồng Sông Đà), nhưng vì họ không thể vẽ số 0, bởi vì hiển thị số “không” nhiều khi là không vẽ nhóm nào đó. Nhưng nếu không vẽ nhóm đó thì bị khập khiễng bởi vì lúc đó bát quái chỉ có 7 quái hay 9 quái (+2 cụm đối xứng nữa). Rồi lại nghĩ Càn gần với Thái Cực nhất nên người Trung Hoa nghĩ bắt đầu phải từ Càn đến Khôn là từ 1 cho đến 8 và đã làm nên bảng độ số buồn cười trên.

TRẦN QUANG BÌNH
Nguồn: An Viet Toan Cau

Không có nhận xét nào: