Thứ Ba, 9 tháng 4, 2013

Làm thế nào giúp cơ thể không bị nóng?

Mùa nóng làm cho cơ thể mất cân bằng, cơ quan ngũ tạng trong cơ thể dễ có những “trục trặc”. Chúng ta có thể điều chỉnh những trục trặc đó với từng trường hợp cụ thể như sau:

Tim nóng (tâm hỏa):
- Nếu biểu hiện chủ yếu là sốt nhẹ, ra mồ hôi trộm, hồi hộp bứt rứt, mất ngủ hay quên, miệng khô, chót lưỡi đỏ thuộc hư hỏa. Lấy hạt sen, gạo vừa đủ nấu chung dùng thường xuyên, hay bình thường dùng hoàng liên ngậm trong miệng nhai nuốt chậm, nuốt chất dịch, sẽ có công hiệu làm mát tim. Sinh địa, mạch môn, ngũ vị tử với mỗi thứ vừa đủ hãm nước sôi 15 phút uống cũng có kết quả tốt.

- Nếu biểu hiện miệng lưỡi lở loét lặp lại nhiều lần, tâm phiền dễ quạu, miệng khô, tiểu ngắn và vàng, kèm buốt đau thậm chí tiểu ra máu, chót lưỡi đỏ thuộc thực hỏa. Điều trị thường dùng huyền sâm, sinh địa, lá tre, cam thảo... nấu nước uống.

Phổi nóng (phế hỏa):
Có triệu chứng ho không đàm hay đàm ít mà dính, ho khan thời gian hơi dài, có lúc trong đàm lẫn máu, sốt hâm hấp về chiều, ra mồ hôi trộm, lòng bàn tay, bàn chân nóng, sau bữa ăn hai gò má nổi đỏ kèm mất ngủ, miệng khô, họng khô đau, khan tiếng, chất lưỡi đỏ... Có thể dùng bách hợp 30 g, táo đỏ 10 quả, gạo vừa đủ nấu cháo, hay dùng sa sâm 10 g, mạch môn 10 g, đười ươi 1 quả hãm nước sôi để uống.

Dạ dày nóng (vị hỏa): 
Thực hỏa có triệu chứng đau vùng bụng trên, kèm ăn nhiều dễ đói, miệng khô, miệng đắng, phiền muộn bất an, đại tiện táo kết, đau răng, chảy máu chân răng, chảy máu cam, lưỡi đỏ rêu vàng... Nên dùng tri mẫu, hoàng cầm, lá tre, thạch hộc vừa đủ hãm nước sôi hay sắc uống.

Hư hỏa biểu hiện là miệng khát, ăn uống kém, sốt nhẹ hay sốt hâm hấp, đại tiện táo kết, lưỡi đỏ ít rêu hay không rêu... Có thể dùng vừa đủ mật ong, nước cốt lê, nước cốt mía lau để uống.

Thận nóng (thận hỏa): 
Chủ yếu biểu hiện hoa mắt choáng váng, tai ù tai điếc, răng lung lay hay đau, lúc xế chiều miệng khô, phiền nhiệt, mất ngủ, ra mồ hôi trộm, kèm có đau lưng gối hay hông sườn, đau gót chân và di tinh... Bình thường có thể dùng câu kỷ tử, địa cốt bì hãm nước sôi uống.

Gan nóng (can hỏa): 
Biểu hiện là đau đầu dữ dội, miệng đắng có mùi hôi, dễ nổi cáu, hai hông sườn căng đau, tay chân tê dại, phiền muộn khó ngủ, nôn ra máu. Trường hợp này dùng một số thuốc thanh can tả hỏa theo chỉ dẫn của thầy thuốc!

Lương y Nguyễn Công Đức (Khoa y học cổ truyền, Đại học y dược TP.HCM)
Nguồn: khoahocphothong.com

Không có nhận xét nào: