Thứ Bảy, 6 tháng 12, 2014

CÂU CHUYỆN TẤM CÁM VÀ TÍNH MINH TRIẾT VIỆT DỊCH


Đọc: Chuyện Tấm Cám trong con mắt Thiền
Có thể nói hầu hết những người ở thế hệ chúng tôi đều đã qua thời thơ ấu trong không gian của truyền thống văn hoá Việt do thế hệ trước truyền lại. Đó chính là những chiếc bánh chưng, bánh dầy, những bức tranh dân gian đầy màu sắc sinh động, các trò chơi trẻ em như “Ô ăn quan”, “Chi chi chành chành”…hoặc những câu chuyện đượm màu huyền thoại như: "Thạch Sanh", "Trương Chi – Mỵ Nương”…..v.v….Tất cả hầu như đều mang một ý nghĩa minh triết Việt.

Chuyện Tấm Cám cũng là một câu chuyện như vậy. Với tâm hồn trong sạch của tuổi thơ, chúng tôi cảm nhận được ở chuyện Tấm Cám về cái thiện đã thắng cái ác và kẻ ác phải trả giá cho việc làm của họ. Câu chuyện Tấm Cám không chỉ mang một triết lý nhân sinh về tính nhân quả gần gũi với giáo lý Phật giáo, mà còn chưa đựng trong đó cả một giá trị minh triết Đông phương. Đó chính là sự minh triết Việt Dịch. Có thể khẳng định rằng: Hầu hết những di sản văn hoá phi vật thể Việt để lại cho hậu thế đều mang tính minh triết rất sâu sắc. Mỗi câu ca dao tục ngữ đều là một châm ngôn về con người và cuộc sống, về cách xử thế hàng ngày, hoặc đó là những lời khuyên khôn ngoan về các tri thức thiên nhiên xã hội và con người. Trong những di sản văn hoá độc đáo ấy, chúng ta nếu chịu suy nghĩ và tìm tòi, còn thấy cả những chìa khoá giải mã những bí ẩn của giá trị Đông phương. Đây là điều mà tôi đã nhiều lần trình bày trên các diễn đàn :
Những nội dung của các câu chuyện này đều có một mục đích thống nhất và trùng khớp về những giá trị bí ẩn của văn minh Đông phương, chứ không phải là những hiện tượng riêng lẻ, ngẫu nhiên trùng lặp. Câu chuyện “Con Tấm. Con Cám” của dân tộc Việt, ngoài những giá trị về tính minh triết và nhân văn Đông phương, còn là giá trị khám phá sự bí ẩn của Đông phương của Việt Dịch. Chính vì nội dung rất sâu sắc và tính minh triết của câu truyện này, đã khiến cho tác phẩm có một sức sống vượt thời gian và không gian trải hàng ngàn năm thăng trầm của lịch sử Việt. Một thời gian mà tất cả các tác giả có tên tuổi của nhân loại hiện đại, không một ai dám mơ ước cho những tác phẩm vĩ đại của họ.

Mở đầu câu truyện, chúng ta thấy cảnh ngộ của Tấm thật là bi đát: Cha mẹ mất sớm và ở với dì ghẻ.
Đây là những mâu thuẫn đầu tiên của con người, trong mối quan hệ xã hội. Mâu thuẫn này không mang nặng tính ý thức hệ, như sau này khi xã hội loài người phát triển. Đối tượng chính trong câu truyện này là bà mẹ Cám và Tấm, cô Cám chỉ là một cái cớ để câu truyện diễn tiến. Sự tồn tại của ba nhân vật nữ chính và sự bị đát của cô Tấm cho thấy một hoàn cảnh thuần Âm, được biểu tượng bằng ba người đàn bà trong gia đình. Đó chính là tượng của quẻ Thuần Khôn:


Và địa vị của cô Tấm, trưởng nữ, tượng của quẻ Tốn


Mâu thuẫn xã hội là một thực tại và nó phát triển theo quá trình phát triển của lịch sử nhân loại. Mâu thuẫn đầu tiên và sơ khai nhất chính là mối quan hệ gia đình. Hoàn cảnh của cô Tấm trong câu chuyện là một ví dụ. Nếu câu chuyện giải quyết theo hướng người mẹ kế của cô Tấm có ý thức nhân đạo, nuôi cô Tấm như con đẻ của mình. Như vậy, sẽ có Dương (Ý thức thuộc Dương) trong Âm (Ba người đàn bà) thì Âm Dương đã cân bằng và câu chuyện bi thương này diễn biến theo chiều hướng khác. Nhưng bà mẹ của Cám lại sống theo bản năng của người đàn bà trong mối quan hệ giữa con mình và con không do mình đẻ ra. Trong giai đoạn đầu, tính thuần Âm chỉ đạo toàn bộ sự diễn tiến và phát triển của câu truyện. Âm càng phát thì mâu thuẫn ngày càng tăng, theo nguyên lý "Âm thịnh, Dương suy tắc loạn" của Lý học. Chuyện bắt đầu chỉ là con tép, rồi lên con cá. Sau đó, khi mối quan hệ xã hội ngày càng phát triển trong lịch sử tiến hoá của loài người thì nhu cầu về ăn mặc cũng phát triển. Phần Dương trong một hoàn cảnh thuần Âm này chỉ là mơ ước của Tấm với hình tượng ông Bụt hiện lên mỗi khi hoạn nạn. Đấy chính là nguyên lý "Trong Âm có Dương" của Lý học.

Với những người nghiên cứu về Kinh Dịch, chúng ta đều biết rằng:

Trong một quẻ 6 hào thì quái Thượng phía trên là Dương, quái Hạ, phía dưới là Âm. Qua ba giai đoạn gian truân trong gia đình và phát triển mâu thuẫn từ thấp đến cao giữa Tấm và mẹ con con Cám, chính là ba hào Âm của quái Hạ. Ba sự kiện đó là:

1/ Giỏ tép bị tráo; 2/ Cá bống bị giết và 3/ Sự đau khổ của Tấm khi phải nhặt thóc một cách vô vọng cho ước mơ của mình. Đây chính là hình tượng ba hào Âm thuộc quái Hạ của quẻ thuần Khôn. Trong giai đoạn này, Đến Hào hai – Hào Lục nhị là Hào Âm chính vị theo lý Dịch - hình tượng của con cá bống mỗi khi Tấm cho ăn, có một câu ca kỳ lạ:

Bống bống bang bang
Bống ăn cơm vàng, cơm bạc nhà ta. 
Chớ ăn cơm hẩm, cháo hoa nhà người.


Câu ca nổi tiếng này được các bà mẹ Việt truyền từ đời này sang đời khác – qua bao thăng trầm của giống nòi – khi kể lại câu truyện cho đứa con thơ dại. Mỗi khi đọc bài ca này, mắt mẹ lại ánh lên nhìn vào mặt con, như muốn truyền cảm tình yêu mái ấm gia đình mà mẹ là người chở che, bao bọc. Cũng như chuyện thằng Bờm, sự quay cuồng bão tố của không. thời gian lịch sử không làm thay đổi một chữ. Ở đây, trong bài ca này của cô Tấm, cũng không hề bị sửa chữa bởi một ý thức hàn lâm ngớ ngẩn. Tại sao thể nhỉ? Ông cha ta dùng ngoa ngữ chăng? Cơm của Tấm cũng là cơm lại là cơm của con nhà nghèo, làm sao gọi là cơm vàng cơm bạc được? Phải chăng đây chính là hình tượng, nhắc nhở hậu thế đừng vội quay lưng với những di sản của ông cha. Mà trong đó, ẩn chứa những giá trị vô giá không thể so sánh với những giá trị vật chất tầm thường. Khi Tấm cưỡi ngựa hồng, mặc áo đẹp, đội nón quai thao, mang hài đi dự lễ hội, thoả mãn ước mơ của mình thì câu chuyện bước sang một cấu trúc khác. Mâu thuẫn của mối quan hệ giữa con người với con người trong gia đình, đã chuyển sang mâu thuẫn trong quan hệ xã hội: Mâu thuẫn về danh vọng và quyền lực.Tấm đang ở trong hào Lục tứ của quẻ thuần Khôn trong quái Khôn Thượng. Xã hội loài người liên tục phát triển thì mâu thuẫn xã hội tiếp tục phát triển với những hình thái mới của nó. Qua giai đoạn thuần Âm của ba hào của quái Khôn hạ, mâu thuẫn xã hội chuyển sang một hình thái mới là Dương trong Âm của 3 hào trong quái Khôn thượng của quẻ Thuần khôn. Diễn biến của câu truyện từ lúc này về sau không có hình ảnh của ông Bụt (Tính Dương trong quái Hạ thuần Âm). Trong hào lục tứ chính vị, Tấm được tấn phong hoàng hậu chỉ dưới hào Cửu Ngũ là hào của vua. Nếu như lúc Tấm trở về làng, mẹ con nhà Cám phục tùng hoàng hậu, giữ đạo quần thần. Tức là có ý thức trong mối quan hệ xã hội (Thuộc Dương) thì câu truyện có thể chấm dứt ở đây. Và đây cũng là kết thúc của một câu chuyện dị bản tương tự của văn hoá cổ Châu Âu trong câu chuyện Lọ Lem. Nhưng nền văn minh cổ của người Việt đã tiếp tục câu chuyện sâu sắc hơn nhiều, theo đúng tinh thần của Dịch học: Quẻ thuần Khôn chưa đi hết 6 hào của nó và mâu thuẫn xã hội tiếp tục phát triển. Tấm bị mẹ con nhà Cám lừa giết chết, khi đang trèo lên cây cau và biến thành con chim vàng anh. Đây là lần biến hoá thứ nhất của hào Lục Tứ. Sự tranh chấp quyền lực - mâu thuẫn trong quan hệ xã hội - vẫn tiếp tục xảy ra và Âm vẫn thắng Dương: Con chim vàng anh hoá thân của Tấm bị giết. Đến đây sự kiện chuyển sang hào lục ngũ: Linh hồn của Tấm biến thành cây xoan tiếp tục oán than. Cám tiếp tục truy sát, chặt cây làm khung cửi . Sự kiện tột cùng của hào Thượng lục trong quẻ thuần Khôn và cũng là lúc Âm đạt đến đỉnh cao nhất: Tấm trở thành cái khung cửi và là một công cụ của Cám.Chúng ta cũng nhận thấy rằng: Trong giai đoạn sau được diễn tả thông qua 3 hào thượng của quẻ Thuần Khôn - từ lục tứ đến thượng lục - không có hình ảnh của Bụt trong câu chuyện. Linh hồn của Tấm - thuộc Dương trong Âm (Hồn người chết) - trực tiếp tham gia diễn biến câu truyện, thay thế cho hình tượng ông Bụt. Nhiều nhà phê bình văn học đã cho rằng: Đây là hình ảnh chịu ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo. Nhưng với cách nhìn của tôi thì đây chính là sự minh hoạ đặc sắc cho tính vi diệu của Dịch học, có sự tương đồng với Phật Pháp. Để chứng tỏ điều này, chúng ta có thể xem lại bản văn sau đây trong Kinh Dịch:

Hệ Từ thượng truyện. Chương V. Tiết 2 viết: Ngẩng lên xem thiên văn, cúi xuống xét địa lý, cho nên biết cái cớ của sáng tối. Quay về nguyên thuỷ của vạn vật, theo dõi đến cuối cùng, nên biết được bài học về sống chết . Tinh khí hợp lại sinh ra vạn vật . Hồn thoát ra tạo nên biến hoá, nên biết được tình trạng của quỉ thần.

Như vậy, qua đoạn trích dẫn trên “Hồn thoát ra ngoài tạo nên biến hoá”, cho thấy tinh thần của Dịch rất gần gũi với giáo pháp của Phật về sự luân hồi. Bởi vậy nên có sự ngộ nhận chuyện Tấm Cám có ảnh hưởng của Phật giáo. Điều này cũng giống như sự tích Chử Đồng Tử hoặc sự tích Cây Nêu, đều có hình ảnh của Đức Phật. Nhưng hình tượng cây Nêu là một giá trị văn hoá phi vật thể thuần Việt: Chỉ có ở văn hoá Việt Nam mới có cây Nêu. Còn những quốc gia ảnh hưởng Phật pháp khác, không có hình tượng này. Điều này cho thấy hình tượng cây nêu là một sản phẩm văn hoá thuần Việt và không có nguồn gốc từ Phật giáo. Nhưng chính tính gần gũi của tư tưởng Dịch học và Phật pháp, nên sự tích cây Nêu đã dùng hình ảnh chiếc áo cà sa của Đức Phật phủ lên cây nên. Đây là một biểu tượng sự che chở của Phật Pháp cho những giá trị văn hoá Việt trong sự bi tráng của lịch sử giống nòi, vì tình gần gũi của những giá trị minh triết trong văn hoá truyền thống Việt với Phật pháp.

Quay trở lại với nội dung câu chuyện Tấm cám, chúng ta thấy rằng: Mâu thuẫn đã lên đến tột đỉnh trong quan hệ xã hội của con người. Đó là mâu thuẫn ở đỉnh cao của quyền lực: Tấm và Cám trong sự tranh giành địa vị Hoàng Hậu. Âm tính đã phát triển đến hào Thượng Lục trong quẻ thuần Khôn. Vì tính thuần Âm nên mâu thuẫn không được giải quyết. Linh hồn của Tấm vẫn khắc khoải với sự đau khổ, oan trái của mình. Nhưng về Lý Dịch thì sự việc phải chuyển hoá. Chiếc khung cửi bị Cám đốt hoá thành tro đã chuyển hoá câu chuyển sang một hoàn cảnh mới: Nhất Dương sinh, theo nguyên lý cực Âm sinh Dương của Dịch. Quả Thị là một biểu tượng tuyệt vời trong trường hợp này. Đây là một loại quả (Trái cây) chỉ dùng trong việc thờ cúng của văn hoá truyền thống Việt. Quả thị chỉ có mùi hương (Mùi vị thuộc Dương – hình thể thuộc Âm) và không ăn được.

Thị ơi! Thị à!
Thị rụng bị bà.
Bà để bà ngửi, 
chứ bà không ăn!


Các bà mẹ Việt Nam kể lại câu chuyện này, cũng có bà bảo rằng: Chính vì vậy mà quả thị từ đó về sau không ăn được.Linh hồn của Tấm nấp trong quả thị và phục sinh từ quả thị. Đây là hình tượng của quẻ Phục. Nhất Dương sinh


Chúng ta cũng sẽ tìm thấy hình tượng của quẻ này trên bãi đá cổ Sapa (Xin xem bài: LẠC THU CHU DỊCH TRÊN BÃI ĐÁ CỔ SAPA).Tấm đã sống lại và ở với bà lão. Như vậy, khi linh hồn cô Tấm nằm trong quả thị và hàng ngày bước ra giúp dọn việc nhà thì câu chuyện đã đang ở trong hào Nhất Dương sơ Cửu của quẻ Phục. Khi bà lão rình phát hiện được Tấm và xé bỏ quả thị đi thì cô Tấm hoàn Dương. Cô Tấm sống với bà lão, chính là hào 2 Cửu nhị của quẻ Lâm và câu chuyện đang diễn biến trong nội hàm của nó. Ngôi Dương của hào cửu nhị không đắc chính. Tấm còn đang chịu cảnh đất khách quê người.Câu chuyện tiếp diễn khi nhà vua tình cờ vi hành qua hàng nước của bà lão. Một tình tiết rất độc đáo ở giai đoạn này và có lẽ cũng là lời giáo huấn của tiền nhân, chính là hình ảnh của miếng trầu têm cánh phượng. Trầu cau là một giá trị đặc thù của văn hoá Việt. Trầu têm cánh phượng chính là hình tượng của một giá trị cao nhất của nền văn hoá đó. Và chỉ có cô Tấm mới thực hiện được điều này. Toàn bộ đoạn này, cha ông ta đã gửi gấm lại cho đời sau một thông điệp:

Chính những giá trị văn hoá Việt là tiền đề cho sức sống và sự phát triển của dân tộc Việt.

Nhờ miếng trầu têm cánh phượng, nhà vua đã đưa cô Tấm trở về hoàng cung và là chính cung hoàng hậu. Câu chuyện đang ở hào Cửu Tam. Dương đắc ngôi dương. Nhưng đến đây nếu chúng ta vội cho rằng: 3 hào Âm của quẻ Thuần khôn đã biến thành ba hào Dương là tượng của quẻ Địa Thiên Thái thì thật sai lầm. Sự phủ nhận một giá trị văn hiến Việt trong câu truyện Tấm Cám và là nguyên nhân để Thiên Sứ tôi viết tiểu luận này, chính là ở đoạn cuối của câu chuyện. Đây chưa phải là quẻ Địa Thiên Thái.


Về tượng quái thì quẻ Khôn trong Địa thiên thái và trong quẻ thuần Khôn đều giống nhau. Nhưng là những người đã tìm hiểu về Dịch thì chúng ta sẽ thấy rằng: Ý nghĩa của cùng một quái nhưng ở hai quẻ khác nhau sẽ khác nhau. Quái thượng Khôn trong quẻ Thuần Khôn và quái thượng Khôn trong quẻ Địa thiên thái, mặc dù giống về hình tương nhưng không thể cùng một nội dung. Sự tuần hoàn của tạo hoá khiến mỗi quẻ ở vị trí khác nhau trong vòng tuần hoàn vô tận, sẽ không giống nhau dù giống tượng. Điều này giải thích là số Tử Vi trùng dữ kiện 60 năm trước và 60 năm sau, dù giống hệt nhau nhưng không thể giống nhau . Sao Thiên Mã 100 năm trước là con ngựa, nhưng 100 năm sau là xe hơi. Người sinh cùng ngày giờ tháng năm , nhưng ở hai hoa giáp khác nhau sẽ có độ số khác nhau….Bởi vậy, quái Khôn trong quẻ Thuần Khôn tượng là bà mẹ của Cám, nhưng quái khôn trong quẻ Địa thiên Thái thì lại khác hẳn về tính chất. Đó chính là sự chuyển hoá tính chất khi những sự kiện diễn biến liên tục ở đoạn cuối. Cám chết vì tham vọng vô độ. Cô ta không từ một cách nào dể đạt mục đích. Lòng tham đã dẫn đến sự ngu xuẩn, thể hiện bằng hành động tự dội nước sôi vào mình. Bà mẹ Cám ăn thịt con mà không biết. Đây là một hình tượng rất ấn tượng vì tính khủng khiếp của nó. Nhưng về tính minh triết của hình tượng này lại cho thấy: Chính bà mẹ Cám đã giết dần con mình khi xui con lao vào tội ác. Bà mẹ Cám đã ăn thịt chính con bà từ lâu. Đến khi thấy hậu quả của tội ác chính bà thì bà ta cũng chết. Bởi vậy, chính hình ảnh ấn tượng này lại là sự cảnh tỉnh cho lòng tham của con người làm ảnh hưởng đến thế hệ sau.Khi bà mẹ Cám – tượng cho quái Khôn trong quẻ thuần Khôn chết và Tấm - trưởng nữ, tượng quái Tốn – chính thức thay thế trong vị trí hoàng hậu làm Mẫu nghi thiên hạ - Một nội dung khác của quái Khôn để cuộc đời mở ra với quẻ Địa thiên thái. Và cũng chính hình tượng này lại cho thấy vị trí của Tốn (Trưởng Nữ - Tấm) phải thay thế cho quái Khôn – Mẹ Cám trong Việt Dịch với Hậu Thiên Lạc Việt phối Hà Đồ.

HÌNH MINH HỌA:
HẬU THIÊN LẠC VIỆT PHỐI HÀ ĐỒ & HẬU THIÊN VĂN VƯƠNG PHỐI LẠC THƯ
Được phục hồi từ những di sản văn hóa truyền thống Việt...Theo cổ thư chữ Hán


Câu chuyện Tấm Cám với cái nhìn chủ quan của tôi thì đây chính là nội dung sâu sắc đầy tình minh triết của văn hiến Lạc Việt. Nếu trong quí vị và anh chị em quan tâm đến tiểu luận này, có người cũng thích xem các loại truyện cổ tích của các dân tộc trên thế giới, hẳn cũng biết có nhiều chuyên mang nhiều tình tiết giống chuyện Tấm Cám của Việt Nam. Thí dụ như: Tình tiết phục sinh từ quả thị trong Tấm Cám thì trong “Già Thu gặp tiên”, “Tú Uyên Giáng Kiều”….hoặc một số truyện trong 1001 đêm lẻ. Chuyện “Nàng Bạch Tuyết và bẩy chú lùn” cũng có nhiều nét tương đồng với chuyện Tấm Cám. Nhưng có thể nói, chỉ có truyện Tấm Cám của Việt Nam mới có nhiều tình tiết trong một mạch truyện xuyên suốt, mang tính minh triết thông qua những hình tượng của nó, hơn hẳn những chuyện dị bản của những nền văn hoá khác.Do đó, nếu chỉ với cái nhìn thông thường thì cũng thật là bất công khi những kẻ ác như mẹ con nhà Cám không bị trừng trị. Trong truyện Thạch Sanh, chàng Thạch Sanh cũng tha chết cho mẹ con Lý Thông đấy chứ! Nhưng cũng sẽ không thể gợi lên một ước mơ công lý, nếu những nhân vật này không bị sét đánh chết. Câu truyện Tấm Cám đã sống với nền văn hoá dân tộc Việt trải hàng thiên niên kỷ, còn chưa đựng nhiều nội dung sâu sắc thuộc về nền minh triết Lạc Việt. Nhưng do khả năng của tôi chỉ có hạn nên không phân tích được hết ý.Hy vọng các bậc cao nhân sẽ tiếp tục khám phá và tìm ra những gía trị đích thực của nó. Chân thành cảm ơn sự quan tâm của các bạn.

Thiên Sứ Lạc Việt
Nguồn: http://vn.360plus.yahoo.com/thiensulacviet/

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

http://www.lyso.vn/diendan/viewtopic.php?f=42&t=34759

Một bài phân tích về chuyện Tấm Cám cũng đáng suy gẫm!