Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2016

Ý NGHĨA BÁNH DẦY BÁNH CHƯNG (2)


- Tượng lửa : Như đã nói ở trên hình vuông có một khuôn mặt lửa, thái dương.

Bánh chưng có một nghĩa tượng lửa nằm trong ý nghĩa của cực dương. Để phân biệt bánh loại này nên cột dây đỏ. Về cấu tạo, nhân bánh chưng biểu tượng cho dương thường làm bằng đậu vo tròn rồi ép dẹp xuống thành hình đĩa tròn mặt trời mang ý nghĩa hột, mặt trời, lửa. 

Nhân thường làm bằng thực phẩm có dương tính như đỗ (đậu) xanh. Hột đỗ tròn biểu tượng cho dương, lửa, mặt trời. Nhiều khi nhân nhuộm phẩm đỏ ví dụ thịt ba chỉ nhuộm đỏ (xem chương Tế Thực, Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt). Bằng chứng thấy rõ nhất là nhân đậu tròn biểu tượng cho nọc, nam, dương, lửa, mặt trời cũng thấy qua chiếc bánh chồng vợ phu-thê thường gọi là bánh ‘xu-xê’. Bánh hình tròn (giống yoni hình tròn) hay hình vuông (giống yoni vuông) biểu tượng cho âm, cho thê (vợ) và nhân đậu tròn (chấm nọc nguyên tạo biểu tượng cho dương, cho phu (chồng).

- Tượng Gió : Hình vuông có một khuôn mặt thiếu âm gió thái dương. Khi chuyển động hình vuồng biến thành hình thoi. Trên trống đồng nòng nọc, âm dương của đại tộc Đông Sơn, hình thoi biểu tượng cho cho gió dương chuyển động.

Về cấu tạo, bánh chưng gói bằng lá dong. Lá dong là lá gói, lá bao. Bao dung, bao dong. Túi bao biểu tượng cho gió. Dong biến âm với dông. Lá dong là lá gió (xem chương Tế Thực, Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt). Bánh chưng gói bằng lá dong, lá dông mang một yếu tố gió.

- Tượng Nước : Hình vuông có một khuôn mặt nước mang tính thái dương

Về cấu tạo, bánh chưng làm bằng gạo nếp. Gạo cũng có nghĩa là nước vì lúa nguyên thủy là loài cỏ mọc dại ở đầm nước. Gạo biến âm với gáo, gầu, khau, chậu… những vật dùng liên hệ với nước… (xem chương Tế Thực). Điểm này giải thích tại sao có tác giả đã giải thích ý nghĩa bánh chưng theo cái giếng Việt (Việt tĩnh) có hình vuông. Việt có nghĩa vật nhọn, rìu, dương, thái dương, mặt trời… nên giếng Việt của Người Việt Mặt Trời thái dương là giếng thái dương có hình vuông thay vì hình tròn. Nếu hiểu như thế thì bánh chưng vuông có một khuôn mặt biểu tượng cho giếng Việt, cho nước.

Tóm tắt lại bánh chưng mang biểu tượng Nòng Nọc âm dương và tứ tượng nghĩa là mang trọn vẹn ý nghĩa của Vũ Trụ Tạo Sinh, Vũ Trụ giáo. Hiểu bánh chưng biểu tượng cho đất là hiểu theo một góc cạnh rất nhỏ của bánh chưng.

BÁNH TÉT DƯỚI LĂNG KÍNH VŨ TRỤ TẠO SINH

Trung Nam có loại bánh chưng hình trụ tròn hay trụ vuông gọi là bánh Tét. Bánh tét hình trụ tròn gọi là đòn bánh tét. Đồng bào Quảng Bình gọi bánh tét là “bánh đòn”.

Giáo sư Trần Quốc Vượng đã viết như sau :

- “Nửa nước người Việt phía nam gốc cội miền Bắc chỉ gói bánh tét (Tết). Và đi điền dã ở Cổ Loa, cố đô Âu Lạc trước Công nguyên chỉ cách Hà Nội 17 km, chúng tôi mới té ngửa ra rằng dân Cổ Loa cho tới nay vẫn gói bánh chưng hình trụ như bánh tét miền Nam. Các cụ già 70-80 tuổi ở Cổ Loa bảo ‘Chúng tôi chỉ mới gói bánh chưng vuông từ vài chục năm nay’” !…. Thoạt kỳ thủy, bánh chưng không được gói vuông như bây giờ mà gói tròn như bánh Nam Bộ, gọi là đòn bánh tét là hoàn toàn chính xác. Ngay giờ đây, xin các bạn chỉ quá bộ sang Cổ Loa, Đông Anh ngoại thành Hà Nội thôi, vẫn thấy bà con cố đô Cổ Loa gói bánh chưng như đòn bánh tét và vẫn gọi nó là bánh chưng, thảng hoặc mới gói thêm bánh chưng vuông (Trần Quốc Vượng, Triết Lý Bánh Chưng Bánh Dầy). 

Vấn đề bánh tét có trước bánh chưng «hoàn toàn chính xác», theo tôi cần xét lại vì xã hội mẫu hệ có trước xã hội phụ hệ và Mẹ Tổ Âu Cơ là Mẹ Lúa, Nữ Thần Lúa, chúng ta chưa nghe nói Lạc Long Quân là Cha Lúa. Tộc Mẹ Tổ Âu Cơ làm bánh chưng vuông và tộc Cha tổ Lạc Long Quân làm bánh tét có thể cùng thời (xem dưới).

Hiển nhiên bánh tét là một thứ bánh chưng nên cũng mang ý nghĩa biểu tượng theo Vũ Trụ Tạo Sinh. Bánh tét có hình trụ tròn, một thứ nọc que. Ta đã biết chữ nọc que trong chữ viết nòng nọc vòng tròn-que mang trọn vẹn ý nghĩa của Vũ Trụ Tạo Sinh, Vũ Trụ giáo

(Giải Đọc Trống Đồng Nòng Nọc, Âm Dương Đông Nam Á). Ở đây chỉ`xin nhắc lại ý nghĩa chính đối ứng với nghĩa bánh chưng vuộng với nghĩa là bộ phận sinh dục nữ, đất ruộng vuông.

- Cực dương : Bánh tét hình trụ tròn đầu (mang âm tính) hiển nhiên biểu tượng cho nọc, bộ phận sinh dục nam, dương, mặt trời ngành âm (trong khi nọc nhọn đầu biểu tượng cho ngành dương).

Bánh tét trụ tròn để trên bánh chưng vuông chính là hình ảnh của linga hình trụ để trên yoni hình vuông của Ấn giáo.

- Tứ tượng :

Bánh tét nhất là loại hình trụ vuông có một khuôn mặt biểu tượng cho tứ tượng.

- Tượng Lửa : Trụ nọc que nhọn đầu biểu tượng cho tượng Lửa. Trụ tròn đầu biểu tượng cho tượng lửa mang âm tính. Bánh tét trụ tròn đầu mang hình ảnh trụ (búa) thiên lôi của khuôn mặt sấm mưa của Lạc Long Quân.

- Tượng Nước : Hình trụ rỗng hai đầu (hai rỗng là hai âm, thái âm, hai thành trụ que của ống là hai nọc, thái dương) hình ống dẫn nước, máng nước mang ý nghĩa nước (thái âm) chuyển động. Nước chuyển động (sông, biển) là một khuôn mặt của Lạc Long Quân.

- Tượng Gió : Trụ hình dóng làm dóng (dùi) trống biểu tượng cho dông, gió. Ông Dóng là ông Dóng Trống, thần Sấm Dông Gió nên mới có tên là Phù Đổng Thiên Vương (Phù là Nổi liên hệ với gió, Đổng biến âm với Động là sấm. Sấm động bốn phương trời). Phù Đổng Thiên Vương là hậu thân của Lạc Long Quân (Ca Dao Tục Ngữ Tinh Hoa Dân Việt).

Bánh tét hình trụ ống, hình dóng (mía) có một khuôn mặt biểu tượng cho dóng trống, dóng thiên lôi của khuôn mặt sấm dông của ông Dóng sấm dông.

- Tượng đất : Trụ nọc nhọn đầu biểu tượng cho núi trụ, núi lửa trong khi Trụ tròn biểu tượng cho núi trụ tròn đầu tức`núi âm hay non.

Lạc Long Quân có nhũ danh là Sùng Lãm có nghĩa là Cao Đẹp tức núi xanh tươi cao đẹp tức núi âm có nước. Bánh tét có một khuôn mặt biểu tượng cho Sùng Lãm Lạc Long Quân. Theo diện âm dương tương đồng thì núi âm, núi nuớc tức non Lạc Long Quân đi với đất ruộng đồng thái dương lửa hình vuông Âu Cơ.

Nhìn dưới diện lịch sử, An Dương Vương, Mặt Trời Êm Dịu có một khuôn mặt là Non (núi âm) dòng Non Sùng Lãm Lạc Long Quân đối ngược với Kì Dương Vương có một khuôn mặt là nổng, núi Kì (núi dương). Đây chính là lý do dân vùng Cổ Loa thuộc dòng non An Dương Vương làm bánh chưng hình trụ tròn tức bánh tét (xem dưới)….

Nhìn từ gốc cội nguồn, bánh tét hình trụ tròn mang ý nghĩa chính là nọc tròn biểu tượng cho nọc ngành âm (âm nam), bộ phận sinh dục nam, non…

Tóm Lược Những Ý ghĩa Chính của Bánh Dầy và Bánh Chưng

- Bánh dầy tròn theo thái âm biểu tượng cho nòng, nường, bộ phận sinh dục nữ, yoni. Vì thế bánh dầy mang trọn vẹn ý nghĩa Vũ Trụ Tạo Sinh, Vũ Trụ giáo dựa trên lưỡng hợp nòng nọc, âm dương.

- Bánh chưng tổng quát cũng mang ý nghĩa trọn vẹn của Vũ Trụ giáo nhưng tùy theo hình dạng mà ý nghĩa áp dụng cho ngành, tộc tương ứng.

- Bánh chưng vuông : Biểu tượng bộ phận sinh dục nữ dạng thái dương (yoni vuông) cho ruộng đồng hình chữ điền của ngành mẹ Âu Cơ thái dương.

- Bánh tét trụ tròn : Biểu tượng cho nọc, nõ, bộ phận sinh dục nam, linga, cho núi trụ tròn đầu non của ngành cha Sùng Lãm Lạc Long Quân.

Bây giờ thì ta hiểu rõ tại sao nửa nước người Việt phía Nam gói bánh Tét ? Dĩ nhiên nửa nước người Việt phía Nam có gốc gác liên hệ với dòng nước Lạc Long Quân, An Dương Vương. Điều này cũng dễ hiểu thôi. Vùng phía bắc miền Trung Việt Nam (Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, Quảng Bình…) xưa kia là vùng đất trũng ven biển, thuộc ngành nước Lạc Long Quân, có thời có tên là Châu Hoan. Hoan, Oan có gốc Oa- là nước như oan ương là vịt nước le le, oa là con ốc, con ếch… (liên hệ với nước), oasis là ốc đảo, “đảo nước” trong sa mạc… Châu Hoan là Châu Nước (trong cổ sử, chúng ta có tên bốn châu ứng với Tứ Tượng là Châu Dương là Châu Mặt Trời, Lửa ứng với Càn Đế Minh, Châu Kì Núi dương ứng với Li Kì Dương Vương, Châu Hoan là Châu Nước ứng với Chấn Lạc Long Quân và Châu Phong gió ứng với Hùng Vương mạng Đoài).

Ngày xưa ở Châu Hoan này có một cái thành hình kén (cocoon) gọi là Kiển Thành, Đào Duy Anh cho rằng đây là “Kén Thành” tiền thân của thành Cổ Loa ở gần Hà Nội bây giờ. Kén có hình nang, hình bọc hiển nhiên là biểu tượng của dòng Nòng, âm liên hệ với An Dương Vương. Như thế dân vùng bắc miền Trung Việt Nam liên hệ với dòng Nòng An Dương Vương nên họ làm bánh tét. Rồi đến thời Nam Tiến, phần lớn dân vùng này xuôi nam và mang theo bánh tét. Đây chính là lý do nửa nước người Việt phía nam gói bánh Tét.

Hiện nay tại miền Bắc cũng có một vài sắc tộc gói bánh tét gọi là bánh tày. Đọc thêm hơi vào tày, tầy là thầy. Các tộc này gọi cha mẹ là thầy u là gọi theo Thầy Lạc Long Quân và U Âu Cơ (U là Âu). Tầy, tày, thấy biến âm với Tây, phía mặt trời lặn liên hệ với Lạc Long Quân có một khuôn mặt là mặt trời lặn. Mường ngữ tày là ngủ liên hệ với với Tầy, phía mặt trời đi ngủ. Bánh tày là biểu tượng của Thầy Lạc Long Quân mặt trời lặn ở phương Tây.

Như thế bánh tày, bánh thầy, bánh mặt trời lặn tức bành tét biểu tượng cho Lạc Long Quân. Những tộc làm bánh tầy thuộc dòng cha Lạc Long Quân.

- Nếu để bánh dầy tròn lên bánh chưng vuông ta có lưỡng hợp mặt trời tròn trên đất vuông giống như vòm trời mai rùa trên bụng rùa vuông đất. Các ngôi một cổ thường có mái hình vòm trên mặt mộ vuông mang ý nghĩa lưỡng hợp vòm trời tròn-đất vuông này (về sau mộ có hình vòm hình trứng trên khung mộ chữ nhật như thường thấy ngày nay).

- Nếu để đòn bánh tét hình trụ nọc trên bánh dầy tròn nòng ta có lưỡng hợp nòng nọc, âm dương mang hình ảnh của tượng hình linga nọc hình trụ trên yoni nòng tròn.

- Nếu nhìn theo diện tương đồng cùng ngành bánh dầy, thì khi ta để bánh dầy dương (mầu đỏ) lên bánh dầy âm màu trắng là có lưỡng hợp nòng nọc, âm dương dưới dạng nguyên tạo, sinh tạo mang hình ảnh mặt trời-mặt trăng.

- Nếu nhìn theo diện tương đồng cùng ngành bánh chưng, thì khi ta để đòn bánh tét trụ nọc trên bánh chưng vuông ta có tượng linga trụ nọc trên yoni vuông.

- Theo nghĩa nguyên thủy nòng nọc, âm dương phát xuất từ bộ phận sinh dục nữ nòng vòng tròn O và bộ phận sinh dục nam nọc chấm nguyên tạo hay nọc que thì bánh dầy tròn trắng là nòng không gian âm và bánh tét trụ tròn là nọc mặt trời. Bánh dầy trắng và bánh tét nguyên thủy mang hình ảnh nòng nọc, âm dương. Thờ bánh dầy tròn bánh chưng hình trụ (bánh tét) hay bánh tét trụ tròn và bánh chưng vuông có một khuôn mặt nguyên thủy là thờ sinh thực khí, phồn thực, thờ nõ nường. Sự thờ phượng nõ nường này còn thấy ở Bắc Việt Nam.

Sự thờ phượng sinh thực khí này khi xã hội đi vào nông nghiệp chuyển qua ý nghĩa cầu mùa, cầu được mùa, sản suất nhiều. Ở các bờ ruộng của nhiều sắc tộc như người Mường có cắm các «que bông». Cây que chuốt nhọn để lại chùm dăm bào bao quanh thân nọc. Nhìn dưới dạng nòng nọc, âm dương que bông mang hình ảnh nọc dương vật đâm qua vòng tròn lông dăm bào âm hộ. Về thời phụ quyền thì dương vật được dùng nhiều hơn. Các cây que bông lúc này chuốt để lại chùm dăm bào ở đầu trên mang hình ảnh bộ phận sinh dục nam cò chùm lông giống như các cây inau kike của người Ainu (Hình 4) (Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt).

Ta cũng đã thấy chiếc cuốc bằng đồng có cán hình dương vật của Vương quốc Điền (xem Nghệ Thuật Đồ Đồng Cổ của Vương quốc Điền). Ethiopia cổ còn để lại di tích những trụ đá hình dương vật (phallic menhirs) ở bờ ruộng mang biểu tượng cho may mắn, tốt lành và sự hiện diện của các vật này hứa hẹn được mùa.

Hình 5 : Trụ đá dương vật trong một trang trại ở Ethiopia mang biểu tượng may mắn, tốt lành và sự hiện diện của các vật này hứa hẹn được mùa (nguồn Crawford O.G.S. 1957, The Eye godness, London, Plate 399).

Như vậy nguyên thủy phải hiểu bánh dầy bánh chưng có nguồn gốc từ sự thờ phượng sinh thực khí, thờ phương phồn thực, thờ phượng nõ nường. Sự thờ phượng này còn nối tiếp vào thời nông nghiệp qua hình ảnh bánh chưng trụ tròn và bánh dầy tròn là chuyện tất nhiên vì nó phù hợp với sự cầu mùa, được mùa trong ý nghĩa sinh tạo, mắn sinh của nòng nọc, âm dương giao hòa của Vũ Trụ giáo

BÁNH CHƯNG VÀ VIỆT DỊCH NÒNG NỌC

Bánh dầy bánh chưng mang nghĩa nòng nọc, âm dương có nguồn gốc từ Nõ Bường, bộ phận sinh dục nam nữ vì thế mà bánh chưng không phải chỉ là biểu tượng cho đất, cho đồng ruộng mà còn liên hệ chặt chẽ với Việt Dịch Nòng Nọc dựa trên nòng nọc, âm dương.

Xã hội loài người khởi đầu theo mẫu hệ. Những tộc theo nông nghiệp vẫn giữ truyền thống mẫu hệ. Vì vậy bánh chưng biểu tượng cho ngành Lửa Mẹ Tổ Âu Cơ mang khuôn mặt trội hơn khuôn mặt bánh tét ngành cha Lạc Long Quân. Do đó dấu tích Việt Dịch nghiêng về âm Dịch còn thấy rõ trên bánh chưng. Trước hết hãy tìm hiểu tại sao lại do Lang Liêu, người con thứ 18 làm ra bánh chưng mà không phải là do một Lang thứ 10, 14, 16…? Con số 18 là DNA của Hùng vương như Hùng vương có 18 đời, cái quạt giấy mặt trời mọc có 18 cái nan, vua Hùng thứ 18 có con gái tên Mÿ Nương là cháu 27 đời Thần Nông-Viêm Đế, Tiên Dung lúc 18 tuổi gặp Chử Đồng Tử…

Ta đã biết ma phương (magic square) 3/18 (có số trục ở tâm hình vuông là số Đoài 3 vũ trụ, bản thể bầu vũ trụ của Hùng Vương và tổng số các chi là 18); ma phương 6/18 (có số trục ở tâm hình vuông là số Tốn 6 vũ trụ, bản thể bầu tạo hóa của Mẹ Tổ Âu Cơ và tổng số các chi là 18) và ma phương 9/18 (có số trục ở tâm hình vuông là số Chấn 9, bản thể của Lạc Long Quân và tổng số các chi là 18). Ta cũng có 3 (Hùng Vương) + 6 (Âu Cơ) + 9 (Lạc Long Quân) = 18 (xem DNA Của Hùng Vương).

Đồng bánh chưng hình vuông có 4 sợi lạt, tức bốn giải nước (dòng nước chẩy giống như gải dây). Bốn sợi lạt là bốn kinh rạch, bốn lạch nước dẫn thủy nhập điền chia ruộng đồng bánh chưng ra làm chín ô mang hình ảnh của ma phương. Có tác giả cho ma phương bánh chưng là Lạc Thư ở sông Lạc.

Đồng bánh chưng có mang hình ảnh Lạc điền thư, hình ma phương Lạc điền liên hệ với Việt Dịch Nòng Nọc Việt Thường.

Kết Luận 

Bánh chưng, bánh tét, bánh dầy phát xuất từ tục thờ nõ nường phồn thực nguyên thủy mang hình ảnh nòng nọc, âm dương. Trong xã hội nông nghiệp trồng lúa, bánh dầy bánh chưng mang thêm ý nghĩa tạ ơn Tam Thế, cầu mùa, sản xuất, gặt hái được mùa cũng nằm trong tín ngưỡng phồn thực. Với ý nghĩa lưỡng hợp nòng nọc, âm dương, bánh dầy bánh chưng diễn tả trọn vẹn ý nghĩa Vũ Trụ Tạo Sinh, Vũ Trụ giáo, Việt Dịch. Bánh chưng diễn tả ma phương của Dịch nòng nọc, âm dương. Các nhà nho hiểu theo ý nghĩa trời đất là hiểu theo nghĩa duy tục rất muộn của văn hóa Trung Hoa.

Đạo hiếu, thờ phượng tổ tiên thì cũng nằm trong Vũ Trụ giáo, ta phải hiểu là bánh dầy bánh chưng tạ ơn vũ trụ Tam Thế trong đó phải kể từ Viêm Đế-Thần Nông, Tổ Hùng…

Bánh chưng có hình vuông biểu tượng chính cho ngành nữ Mẹ Tổ Âu Cơ thái dương thấy nhiều ở các tộc thuộc nhánh Lửa theo mẹ Âu Cơ lên núi như Mường (văn hóa Mương nghiêng nhiều về Mẹ Tổ Âu Cơ) tức ngành Kì Dương Vương. Mẹ Tổ Âu Cơ được thờ như Mẹ Lúa, Nữ Thần Lúa. Trong khi bánh chưng hình trụ tròn tức bánh tét thấy ở các tộc thuộc ngành Nước Lạc Long Quân xuống biển như các tộc ở vùng Cổ Loa và ở Trung Nam vốn là con dân của ngành cha Lạc Long Quân di cư vào.

Trên bàn thờ ngày tết phải có cả bánh chưng vuông và bánh tét trụ tròn cho đủ lưỡng hợp nòng nọc, âm dương, cho đủ đạo hiếu với cả mẹ Tổ Âu Cơ lẫn cha Tổ Lạc Long Quân. Nếu để bánh dầy thì cũng phải đủ hai loại bánh dầy nòng nọc, âm dương tương ứng với tính âm dương của bánh chưng và bánh tét.

(Hết)
Nguyễn Xuân Quang
Nguồn: thienviet.wordpress.com

Không có nhận xét nào: