Thứ Bảy, 31 tháng 1, 2015

NÉT CHÍNH CỦA TƯ TƯỞNG NGUYỄN DU QUA TRUYỆN KIM VÂN KIỀU VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA PHẬT GIÁO QUA THI PHẨM NÀY

Về mặt lịch sử, thi hào Nguyễn Du không vĩ đại như thiên tài Nguyễn Trãi, nhưng về mặt thi ca và tư tưởng, Nguyễn Du là nhà thơ và nhà tư tưởng lớn của Việt Nam. 

Truyện Kim Vân Kiều dù là thi phẩm phỏng tác của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Hoa), đã bộc lộ những nét tư tưởng nhân bản và thâm trầm của Nguyễn Du, thi phẩm đã nói lên thực trạng phân hóa, suy yếu của Việt Nam vào thế kỷ 18, vừa tỏa ra những thao thức về thân phận con người nói chung, và thân phận con người Việt Nam nói riêng, của một thiên tài thi ca và tư tưởng.

Các nhà văn học đánh giá khác nhau về các giá trị của truyện Kiều. Có ý kiến cho rằng Nguyễn Du chủ trương thuyết "thiên mệnh" của Nho giáo, hay thuyết "hồng nhan bạc mệnh" hoặc "tài mệnh tương đố". Có ý kiến cho rằng Nguyễn Du giới thiệu thuyết nhân quả và nghiệp báo của nhà Phật. Có ý kiến bảo Nguyễn Du nói về khía cạnh bi kịch của một người đàn bà tài sắc trong xã hội phong kiến. 

Các ý kiến trên đều phản ánh được một mặt nào đó các triết lý của truyện Kiều.

Chúng tôi thiết tưởng cần ôn lại cuộc đời Nguyễn Du và xã hội Việt Nam thế kỷ 18 trước khi đi vào việc nhận ra tư tưởng đặc biệt của thi hào. 

Nguyễn Du đã đọc kinh Kim Cương của Ðại thừa Phật giáo đến cả nghìn lượt. "Ngã độc Kim cương thiên biến linh", theo các tài liệu văn học hiện hành, sau năm 1975,- sống đi sâu vào các tầng lớp nhân dân, thể nghiệm sâu sắc thân phận con người. Do vậy, nguồn cảm xúc của nhà thơ có chiều hướng đi vào phổ quát của thân phận con người mà không dừng lại ở thân phận của Kiều, của bản thân, hay của người Việt Nam ở thế kỷ 18. Tư tưởng Nguyễn Du bay vút lên cao và thoát ra khỏi cái khung trời không gian và thời gian hạn hẹp của xã hội đương thời. Tiếng thơ Nguyễn Du vì vậy thiết tha tình người, thiết thực và nhân bản! Hơn thế, tiếng thơ còn bay xa vào vùng trời tâm lý, trí tuệ cao vời nữa. 

Về "Hồng Nhan Bạc Mệnh": 

Hồng nhan bạc mệnh là một sự thật ở đời, qua các thời đại, do các lý do nội tại và ngoại tại, khách quan và chủ quan dựng nên, như là: 

- Xã hội phong kiến là xã hội thiếu dân chủ, nếu không nói là không có dân chủ, luật pháp thì thiếu công minh, không hợp lý, hợp tình, đề ra các bất công áp bức, theo đó nhan sắc và tài ba dễ bị nhận chìm. 

- Các nhà Nho với giáo dục xem nhẹ giá trị của người phụ nữ, kỳ thị phái tính. 

- Giai cấp thống trị chuyên quyền, thao túng xã hội. 

- Ðạo đức luân lý của phong kiến thì tù hãm, ước lệ. Xã hội phong kiến Việt Nam dưới thế kỷ 18 thì đầy dẫy các nạn tham nhũng, buôn bán người, tứ đổ tường. 

- Nhan sắc và tài ba vốn dễ biến thành đối tượng để con người ganh ghét, đố kỵ. 

Bên cạnh các lý do khách quan và ngoại tại ấy, dục vọng, ái ân và những mong ước cao xa của các nhan sắc, tài ba là lý do nội tại tạo nên những cơn sóng gió cuộc đời nhận chìm chính tự thân họ. 

Tất cả những lý do bên trong và bên ngoài ấy đã viết thành bi kịch của con người, đặc biệt là của người đẹp tài hoa. Tất cả những lý do ấy là những cung nhạc đã phổ thành khúc đoạn trường 15 năm của Kiều. 

Thâm nhập giáo lý duyên sinh và Kim Cương của Phật giáo, Nguyễn Du hẳn là thấy rõ ràng các lý do ấy, và xúc động viết thành bản trường thi lỗi lạc "Ðoạn trường tân thanh". 

Hãy điểm lại các vần thi đoạn trường bất hủ của nhà thơ: 

- "Phận hồng han có mong manh, 
Nửa chừng xuân thoát, gãy cành thiên hương" (câu 65-66) 

- "Lạ gì bỉ, sắc, tư, phong, 
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen" (5-6) 

- "Rằng hồng nhan tự nghìn xưa, 
Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu" (107-108) 

- "Ðau đớn thay phận đàn bà, 
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung" (83-84) 

- "Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau" (câu 2) 

- "Anh hoa phát tiết ra ngoài, 
Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa" (415-416) 

- "Sư rằng: phúc họa đạo trời, 
Cội nguồn cũng ở lòng người mà ra. 
Có trời mà cũng có ta, 
Tu là cội phúc, tình là giây oan" (2655-2658) 

- "Thúy Kiều sắc sảo khôn ngoan, 
Vô duyên là phận hồng nhan đã đành. 
Lại thêm lấy một chữ tình, 
Khư khư mình buộc lấy mình vào trong" (2659-2662) 

- "Xét trong tội nghiệp Thúy Kiều, 
Mắc điều tình ái, khỏi điều tà dâm" (2681-2682) 

- "Ðã mang lấy nghiệp vào thân, 
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa. 
Thiện căn ở tại lòng ta, 
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài" (3249-3252) 

Tất cả các vần thơ vừa được trích dẫn nói lên rõ ràng Nguyễn Du đã nhìn những biểu hiện nội tâm và ngoại tại của Kiều dưới cái nhìn qui luật rất là "nhân quả và nghiệp báo" ấy, nghiệp lực con người bao gồm nghiệp cũ và nghiệp mới, biểu hiện qua các mặt của cuộc sống: 

- Nhân quả ngoại giới. 
- Nhân quả nội tâm. 
- Nhân quả vừa nội tâm vừa ngoại giới. 
- Và quan trọng nhất của giáo lý nhân quả này, là yếu tố tâm lý quyết định tạo ra nghiệp nhân và thọ nhận nghiệp quả của chính Kiều. Chính tâm lý của Kiều đón nhận các hậu quả của nghiệp nhưng tâm lý đó vẫn có thể độc lập với ảnh hưởng của các hậu quả kia, và cả đến có thể chuyển đổi các hậu quả của nghiệp ngay trong hiện thế, điều mà Nguyễn Du bảo: 

"Thiện căn ở tại lòng ta 
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài" (3251-3252) 

hay: 

"Sư rằng: phúc họa đạo trời 
Cội nguồn cũng ở lòng người mà ra. 
Có trời mà cũng có ta 
Tu là cội phúc tình là dây oan" (2655-2658) 

Trời, đó là quy luật nhân quả khách quan. Ta, đó là trí tuệ, ý chí và tâm lý hiện tại của con người. Nếu tâm lý ấy tự tại, giải thoát khỏi các trói buộc, thì đoạn trường dù có cũng như không, hay đoạn trường có thể đoạn dứt. 

Tư tưởng triết học và đạo lý ấy xác định rõ trách nhiệm cá nhân của con người đối với chính mình mà không phải là sức mạnh khác giữ vai trò quyết định hạnh phúc hay khổ đau của đời mình. 

Hồng nhan bạc mệnh chỉ là hiện tượng của nhân quả giới. Nội tâm của Kiều mới là yếu tố quyết định phổ hay không phổ khúc đoạn trường. Ðây là triết lý con người rất người, chỉ có con người có thể làm chủ lấy cuộc đời mình. 

Về Triết Lý Tình Yêu: 

Từ thế kỷ 18 nhà thơ Nguyễn Du đã có quan niệm rất đặc biệt về hôn nhân và tình yêu. 

Kiều là hình ảnh đại biểu cho tiếng nói tình yêu và tình người; Thúy Vân, em ruột của Kiều, thì đại biểu cho tiếng nói của hôn nhân và gia đình. 

Những bước đi tình cảm của Kiều là những bước đi của tình yêu: của lòng trung trinh, của ray rứt nhớ nhung, của những rung động mãnh liệt của con tim. 

Lần đầu đến với tình yêu, Kim Trọng, Thúy Kiều đã bước qua hàng rào ước lệ của luân lý phong kiến, cái ước lệ "nam nữ thọ thọ bất thân" chật hẹp và thiếu chất người! 

Thế là, Kiều đã nói lên tình yêu là lẽ sống, nó có giá trị vượt lên trên các giá trị ước lệ. Người ta chỉ có thể bước qua các giá trị ước lệ hạn hẹp, mà không thể bước qua lẽ sống thực của con người. 

Với Nguyễn Du, tình yêu có lý lẽ riêng của nó, có những bước đi riêng của nó, có chổ đặt chân trên vùng đất khu biệt của nó mà nếu bước qua (hay bước ra ngoài) thì tình yêu sẽ hóa kiếp, như Kiều đã ngăn Kim Trọng trước dáng vẽ có chiều suồng sã của chàng. 

Nguyễn Du xem tình yêu là phần tinh anh của tâm hồn, còn thể xác chỉ là chiếc bóng của nó, như ý thơ này: 

- "Như nàng lấy hiếu làm trinh 
Bụi nào cho đục được mình ấy vay" (3119-3120) 

- "Chữ trinh còn một chút này 
Chẳng cầm cho vững lại dày cho tan" (3161-3162) 

Nhưng yêu là con người yêu, yêu con người, và yêu cả con người (tinh thần và thể chất). Vì thế, Nguyễn Du đã để Thúy Vân thay Thúy Kiều sống chung hợp, săn sóc Kim Trọng. Tình yêu còn có nghĩa là hy sinh, Kiều vì thế mà bán mình chuộc cha, cứu em, Vương Quan, và đã lạy cầu Thúy Vân thay mình chung sống với Kim Trọng. 

Nguyễn Du cho thấy tình yêu thì khác với dục vọng, khác với ham muốn thể chất: 

"Cũng nhơ nhuốc lại bày trò 
Còn tình đâu nữa là thù đấy thôi. 
Người yêu ta xấu với người 
Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau" (3155-3159) 

Yêu là cùng nhìn về một hướng, chổ gặp gỡ của hai tâm hồn: 

"Hai tình vẹn vẻ hòa hài 
Chằng trong chăn gối, cũng ngoài cầm thi. 
Khi chén rượu, khi cuộc cờ 
Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên" (3221-3224) 

Thúy Kiều và Thúy Vân thực sự là hai hình ảnh kết thành một con người mà Nguyễn Du đã khéo vẽ: 

"Ba sinh đã phỉ mười nguyền 
Duyên đôi lứa cũng là duyên bạn này" (3125-3126) 

Tình yêu đã được thi ca Nguyễn Du vẽ ra tình người chân thật. Khi tình người đó hướng về mẹ cha, nó là hiếu, khi hướng về người bạn đường trăm năm, nó là tình yêu; khi hướng về anh em, nó là dễ; khi hướng về bà con, láng giềng, đồng bào, nó là nghĩa là nhân; khi hướng về xứ sở, nó là trung. 

Quan niệm đó của Nguyễn Du đã vượt ra khỏi quan niệm chật hẹp cứng đờ của hiếu, trung, tình, nghĩa của Nho giáo, giúp con người thoát khỏi nhiều bi kịch do mâu thuẩn giữa hiếu và trung, giữa tình và hiếu, giữa tình và trung gây ra. 

Ðây là triết lý đầy tình người, rất là nhân bản của Nguyễn Du, con người rất Việt Nam vậy. 

Về Triết Lý Giải Phóng Phụ Nữ: 

Với quan niệm của các nhà Nho xưa, phụ nữ bị đóng khung trong "tam tòng" (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử: ở nhà thì theo cha, đi lấy chống thì theo chồng, chồng chết thì theo con) và "tứ đức" (công, dung, ngôn, hạnh). 

Nguyễn Du đã phá đổ chiếc khung cũ kỷ ấy, giới thiệu nàng Kiều, người đẹp giỏi cầm, kỳ, thi, họa và kiêm thạo cả tửu, giới thiệu Hoạn Thư khôn nước hơn Thúc Sinh: 

- "Anh hoa phát tiếng ra ngoài, 
Tài tình chi lắm cho trời đất ghen" 

- "Thấp cơ thua trí đàn bà, 
Trông vào đau ruột, nói ra ngại lời" (1947-1948) 

- "Người đâu sâu sắc bước đời, 
Mà chàng Thúc phải ra người bó tay".(2007-2008) 

Nhà thơ lỗi lạc ấy đã muốn giải phóng phụ nữ, giới thiệu phụ nữ đi vào nhiều lãnh vực của xã hội. 

Và tháo gỡ cái quan niệm chật hẹp, phi lý về chữ trinh cũ: 

- "Xưa nay trong đạo đàn bà, 
Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường" (3115-3116) 

- "Như nàng lấy hiếu làm trinh, 
Bụi nào cho đực được mình ấy vay" (3119-3120) 

Cái nhìn đầy nhân ái và trí tuệ ấy của Nguyễn Du là cái nhìn giá trị mới đầy tính người, giải phóng con người ra khỏi vùng giá trị cũ kỷ của Nho học. 

Về Tòa Án Nhân Dân Ðầu Tiên Của Việt Nam: 

Sự xuất hiện của nhân vật anh hùng Từ Hải như là sự xuất hiện của một tòa án nhân dân xử các tội phạm phong kiến và các tội phạm do chế độ phong kiến bệ rạc đẻ ra. Trong phiên tòa xử Tú bà, Mã Giám Sinh và Hoạn Thư, Kiều vốn là nạn nhân trở thành quan tòa. Tiếng nói của quan tòa này hẳn là chính xác, công minh. Ðây là tiếng nói đích thực của nhân dân vừa công bình, vừa nhân ái. 

Với Hoạn Thư, Kiều phán: 

- "Tha ra thì cũng may đời 
Làm ra thì cũng ra người nhỏ nhen. 
Ðã lòng tri quá thì nên, 
Truyền quân lệnh xuống trướng liền tha ngay" (2374-2378) 

Với Tú Bà và Mã Giám Sinh, nàng truyền: 

-"Tú Bà cùng Mã Giám Sinh, 
Các tên tội ấy đáng tình còn sao? 
Mệnh quân truyền xuống khai đao 
Thế sao thì lại cứ sao gia hình" (2385-2388) 

Với hai phiên tòa nhân dân ấy, Nguyễn Du, một thiên tài thi ca và tư tưởng, đã nói lên khát vọng thống thiết về một xã hội nhân bản, hợp lý dựng xây trên công bằng, nhân ái, trên nền tảng giá trị con người vì an lạc và hạnh phúc cao cả của con người - mỗi người và mọi người. 

Về Triết Lý Hành Ðộng: 

Nguyễn Du, với trí tuệ và kinh nghiệm sống, đã đưa ra một triết lý sống, hành động rất người và rất giá trị. Trong ý nghĩa tương đối của thế giới hiện tượng, con người và hạnh phúc của con người là giá trị cao quí và là giá trị chuẩn. Các giá trị khác xoay quanh giá trị chuẩn ấy. Trong trường hợp phải lựa chọn, thì con người và hạnh phúc con người không phải là giá trị phải hy sinh. 

Con người phải sống, và sống với giá trị làm người của nó. Nguyễn Du đã để Kiều phấn đấu với 15 năm đoạn trường, duy chỉ một lần quyết định trầm mình, nhưng đó chỉ là sự sắp đặt của nhà thơ với thái độ tương nhượng với giá trị cũ, rữa sạch bụi quá khứ: Nguyễn Du đã để vải Giác Duyên chờ sẳn để cứu nàng. Kiều sống có nghĩa là các giá trị ước lệ cũ phải ra đi. Triết lý ở đây là con người sống để xây dựng các giá trị, chứ không phải vì các (giá trị) ước lệ giá trị mà hy sinh con người. Nguyễn Du viết: 

- "Ông rằng bỉ thử nhất thì 
Tu hành thì cũng có khi tùng quyền" (3051-3052) 

- "Xưa nay trong đạo đàn bà 
Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường. 

Có khi biến có khi thường 
Có quyền nào phải một đường chấp kinh" (3115-3118) 

Khi con người nắm vững trục giá trị, như Kiều giữ tấm lòng trinh, lòng hiếu, thì tùy duyên mà hành xử. Triết lý hành động đó gọi là "tùy duyên nhi bất biến" hay "dĩ bất biến ứng vạn biến". Với triết lý hành động này, các quan niệm cố chấp, bảo thủ về giá trị đều trở nên xa lạ; bảo thủ, cố chấp, bấy giờ chỉ là: 

"Rằng hay thì thật là hay, 
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào" (489-490) 

Ngày nay ai sẽ là những người chia sẽ với quan niệm giá trị sống hành động của Nguyễn Du? Ai sẽ là người cảm thông với nổi niềm ấy ("nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào") của Nguyễn Du, như là chính Nguyễn Du đã dự liệu (hay đúng hơn, là nghi ngờ)? 

"Bất tri tam bách dư niên hậu 
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như" 

Về Những ảm hưởng Của Phật Giáo Trong Thi Ca Truyện Kiều: 

Ngoài việc chịu ảnh hưởng thuyết nhân quả và nghiệp báo nhà Phật, Nguyễn Du còn viết ra những vần thơ đầy âm hưởng Phật giáo. Ngôn ngữ thi ca vốn đã là rất biểu tượng, ngôn ngữ thi ca Nguyễn Du còn biểu hiện trừu tượng hơn. Nguyễn Du ngoài rung cảm thi ca, còn có rung cảm trí tuệ Phật giáo. Nhà thơ núi Hồng Lĩnh đã nói đạo Phật bằng tiếng nói của trái tim trần thế. Vần thi gợi lên ý ấy trong cảm nhận của người viết trước tiên là: 

"Ai ngờ lại hợp một nhà 
Lựa là chăng gối mới ra sắc cầm" (3177-3178) 

Mười lăm năm đoạn trường là một bài học về "khổ đế" mà nguyên nhân của nó, vừa hợp với giáo lý Tứ đế vừa hợp với tinh thần giới luật nhà Phật, là lòng khát ái, dục ái: 

"Xét trong tội nghiệp Thúy Kiều 
Mắc điều tình ái, khỏi diều tà dâm" (2681-2682) 

hay: "Tu là cội phúc, tình là dây oan". 

- Với Phật giáo (tiêu biểu như các câu 1 và 2 trong kinh Pháp Cú) thì tâm làm chủ, tâm tạo tác các nghiệp thiện và ác và sẽ nhận lấy quả báo tương ứng về sau. Với Kiều, tâm cũng quyết định vui buồn và giá trị của đời sống: 

- "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ". 

- "Chữ trinh còn một chút này 
Chẳng cầm cho vững, lại dày cho tan" (3161-3162) 

hay "chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài". 

- Với Phật giáo, người Phật tử mộ đạo, mến đạo, quyết tâm sống đạo mà nếu không hiểu đạo, không có chánh kiến thì càng làm cô phụ giáo lý giải thoát mà thôi. Âm hưởng giáo lý đó lại vọng vào trong vần thơ tái hợp mà không tác hợp của Kiều: 

"Người yêu ta xấu với người 
Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau". 

Ngay cả giáo lý Phật giáo minh bạch thế mà nếu hành giả chấp thủ nó (chấp giới, chấp định, chấp tuệ, như kinh Xà Dụ trình bày) thì sẽ rơi ngay vào cảnh: 

"Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau". 

- Phật giáo, tiêu biểu như phẩm kinh Hạt Muối, Tương Ưng bộ kinh, bảo rằng người với tâm từ bi rộng lớn thì hầu như không chịu hậu quả của các việc làm nhỏ bị sai trái. Với Kiều thì Nguyễn Du xác định: 

"Như nàng lấy hiếu làm trinh 
Bụi nào cho đục được mình ấy vay" (3119-3120) 

- Kinh Kim Cương Bát Nhã, một kinh nổi tiếng của Ðại Thừa, thì nhìn mọi hiện hữu đều do duyên sinh, chúng là không có tự ngã, thực sự ở ngoài các giá trị cấu, tịnh, thiện, ác, thị, phi... chúng không thật sự gây trở ngại đến vấn đề tự do, giải thoát của con người. Trở ngại giải thoát là nằm ở tâm con người, ở lòng tham ái, chấp trước của con người. Tư tưởng này như là có chuyển âm hưởng của nó vào vần thi: 

"Duyên kia có phụ chi mình 
Mà toan chia gánh chung tình làm đôi" (3989-3990) 

- Với người Phật tử, khi tâm tham ái, chấp trước được khóa chặt, được kiểm soát, thì các hành động thân, khẩu, ý trở thành các hành động giải thoát hết thảy. Với Kiều, sau những ngày tháng đoạn trường thì: 

"Từ ngày khép cửa phòng the 
Chẳng tu thì cũng như tu mới là" (3107-3108) 

- Người tu tập đạo Phật, đặc biệt là các bậc Thánh hữu học, dù tâm đã tỏ tường đạo lý, tỏ tường sự thật của mọi hiện hữu, nhưng tập quán sinh tử vẫn còn vương vấn thân sắc, có khi còn vương vấn cõi lòng. Nguyễn Du lại diễn đạt một tâm trạng của Kiều sao mà nghe như động đến tâm hồn của một thiền sư vậy, khi nhà thơ viết: 

"Tiếc thay chút nghĩa cũ càng 
Dù lìa ngó ý, còn vương tơ lòng" (2241-2242) 

- Nhưng khi mà thiền sư đã hất đổ hết các vọng tưởng, đốt cháy hết sầu, bi thì quả là giờ phút đại phúc, nghe như vừa dựng đứng dậy cả khung trời giải thoát, bởi vì bấy giờ thiền sư đã phá tan hết sương vô minh đã nhiều đời che khuất ngõ ý và làm tan hết mây dục vọng đã nhiều đời giăng bít trời tâm. Nguyễn Du đã chuyển qua Kiều một cảm xúc của thời kỳ hội ngộ như là cảm xúc của một thiền sư đang đối diện với giải thoát: 

"Trời còn dễ có hôm nay 
Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời" (3121-3122) 

Thơ của Nguyễn Du nghe ra vừa thơ vừa đạo suốt cả tâm sự Thúy Kiều. Nếu bạn tìm hiểu kỹ giáo lý nhà Phật rồi đọc lại thi phẩm tuyệt tác Kim Vân Kiều bạn sẽ bắt gặp rất nhiều, nhiều lắm, các vần thơ lồng ý đạo. Thi ca của thiên tài Nguyễn Du nhu hình thành một lúc hai bè nhạc: một bè của khúc đoạn trường, bè kia là âm vang của trí tuệ giải thoát. 

TTđTD - Trích: Những Hạt Sương, Thích Chơn Thiện - Sài Gòn, 2000

2 nhận xét:

Nặc danh nói...

nhung net cua tu tuong nguyen du qua truyen kim van kieu va anh huong cua phat giao qua thi pham nhieu va hay nhung lam cho ban doc kho hieu......

Hoàng Lạc nói...

Vì đây là trích đoạn nên có thể quá khái quát. Bạn nên đọc cả tác phẩm liền mạch có thể dễ hiểu hơn.