Thứ Tư, 24 tháng 4, 2024

NHÂN DUYÊN GIỮA CON NGƯỜI VỚI THIÊN GIỚI

Để đi vào chủ đề về nhân duyên giữa con người với thiên giới thì chúng ta cùng truy tìm về nguồn gốc của nhân loại trên hành tinh này trước nhé. Đây luôn là câu hỏi được đặt ra trong tâm trí rất nhiều người, tuỳ thuộc vào mỗi Tôn Giáo và các tư tưởng khác nhau mà sẽ có sự giải thích khác nhau. Vậy hãy cùng xem thử việc này sẽ được giải thích như thế nào theo quan điểm Phật Giáo . Để bài viết trở nên dễ hiểu mời các bạn cùng nhìn vào ảnh phía dưới để nắm được sơ qua về vũ trụ quan Phật Giáo. Lưu ý là mình cũng chỉ biết thuật lại theo như trong Kinh Tạng và chú giải nên các bạn có tin hay không thì mình cũng chịu vì nhiệm vụ của mình trong bài viết này chỉ đơn giản là làm mọi thứ trở nên ngắn gọn tối đa hết mức có thể và dễ hiểu hơn hết mức có thể cho các bạn khi đọc mà thôi.
Theo như Kinh Phạm Võng trong Trường Bộ Kinh và Kinh Phạm Động trong Trường A Hàm có gi lại thì Đức Thế Tôn nói rằng vào một thời điểm khi đại tai kiếp xảy ra thì tất cả các chiều không gian từ cõi sơ thiền sắc giới trở xuống đều bị phá huỷ, tất cả các chúng sinh đều bị c.h.ế.t và được tái sinh vào cõi trời có tên là Quang Âm Thiên. Đây là cõi trời cao nhất thuộc về nhị thiền sắc giới, chúng sinh sau khi được tái sinh về làm chư thiên nơi đây thì đều được hưởng phước đời đời, tuy không phải bất tử nhưng tuổi thọ chư thiên nơi đây lên đến tám a tăng kỳ kiếp ( một a tăng kỳ = 16,798,000 năm). Với kiếp sống kéo dài trường cửu như vậy thì nếu là chúng ta của ngày nay chắc cũng sẽ chẳng còn quan tâm đến sự c.h.ế.t nữa mà chỉ tập trung hưởng phước thôi nhưng khổ cái nhắc tào tháo thì tào tháo đến, dù đời sống có dài lâu đến đâu thì khi thọ mạng đã tận họ vẫn phải c.h.ế.t và tái sinh về các cõi trời thấp hơn thuộc nhị thiền sắc giới là Vô Lượng Quang Thiên và Thiểu Quang Thiên. Khi này thì tất cả những cõi giới từng bị huỷ hoại bởi đại tai kiếp sau một khoảng thời gian rất lâu nhờ sự hội tụ của nhân duyên mà đã hình thành trở lại, chúng sinh từ vô lượng quang thiên và thiểu quang thiên một lần nữa sau khi hết thọ mạng lại tái sinh về cõi trời thấp hơn là Đại Phạm Thiên. Đây là cõi trời cao nhất trong sơ thiền sắc giới, chư thiên nơi đây tuy không sánh bằng ba cõi nhị thiền sắc giới trong quá khứ nhưng vẫn có thọ mạng vô cùng dài lâu, đầy đủ thần thông phước báu, tự phóng hào quang, phi hành trên không trung, ăn uống bằng niệm tưởng, mọi thứ cần đều có thể tự do hoá hiện.
Chúng sinh đầu tiên tái sinh về nơi đây sau một thời gian vì thấy cô đơn mới nghĩ giá mà có các chúng sinh khác cũng ở đây cùng với mình. Lại sau một khoảng thời gian có các chúng sinh khác từ các cõi nhị thiền cao hơn cũng chết đi và tái sinh về nơi đây. lúc này vị đầu tiên kia mới nghĩ rằng "Ta là Đại Phạm Thiên, tự nhiên mà có, không do ai tạo ra, còn những chúng sinh kia là do mong muốn của ta mà xuất hiện, ta chính là đấng tối cao đã tạo ra tất cả, ta chính là sáng tạo chủ, đấng toàn năng, đấng tự tại, chúa tể mọi định mạng, tổ phụ của các chúng sinh". Vị Phạm thiên đầu tiên này lại có được thọ mạng lâu dài hơn, diện mạo xinh đẹp tốt tướng hơn, uy quyền nhiều hơn những Phạm thiên khác. Rồi những Phạm thiên khác cũng nghĩ rằng họ được tạo ra từ vị Phạm thiên này bởi vì họ đến sau vị ấy “Vị ấy là Đại Phạm Thiên, không do ai sinh ra, vị ấy xuất hiện trước chúng ta, vị ấy đã tạo ra chúng ta, vị ấy là đấng toàn năng, là sáng tạo chủ, chúa tể mọi định mạng, tổ phụ của các chúng sinh”.
Lại sau một thời gian rất lâu trôi qua những chúng sinh này sau khi hành nghiệp và thọ mạng chấm dứt thì dần lại c.h.ế.t đi và tái sinh xuống các cõi trời thấp hơn thuộc dục giới và cuối cùng là xuất hiện ở hành tinh của chúng ta thuộc cõi nam thiệm bộ châu theo dạng hoá sinh. Giải thích qua cho một số bạn chưa biết về khái niệm hoá sinh là có bốn dạng thức sinh ra (tứ sinh) từ thấp đến cao đó là :
Thấp sinh: sinh ra từ nơi ẩm thấp và trong các loại thịt thối hay thây chết như các loài trùng - dòi ...
Noãn sinh: sinh ra từ trứng như các loài chim - rắn - bò sát ...
Thai sinh: sinh ra từ bào thai như con người, các loài động vật có vú...
Hoá sinh: đây là dạng cao cấp nhất được sinh ra hoàn toàn từ trong tự nhiên sinh hiện tức thời với đầy đủ các bộ phận cùng các căn mà không cần đến bào thai, tinh huyết.
Những chúng sinh đầu tiên đến với tinh cầu này đều qua hình thức hoá sinh phân bố ở nhiều nơi. Khi này họ vẫn còn thân tướng vi tế xinh đẹp trang nghiêm, có thể tự phóng hào quang, tự do phi hành trên không trung như hồi còn ở các cõi giới của chư thiên. Tức là thân thể họ phóng chiếu ánh sáng soi rõ mọi thứ xung quanh, họ có thể nhìn thấy rõ ban đêm cũng như ban ngày và có thể bay trên hư không. Họ không cần chúng sinh khác nuôi nấng dạy bảo trông nom, mà có thể tự lực sinh sống, họ không cần ăn uống các đồ ăn bình thường như con người chúng ta ngày nay mà vẫn không bị đói khát vì thân của họ vẫn là thân ánh sáng vi tế chứ không phải thân thể được tạo thành từ lớp phân tử nặng trọc thô trược như của chúng ta. Lúc này tất cả chúng sinh vẫn không có gì khác nhau, tất cả đều có cùng thân tướng và thần thông diệu dụng không sai khác, không có phân chia giới tính vì họ đều có thân vi tế đẹp và giống y nhau. họ cũng không có tên gọi riêng mà chỉ coi nhau như những chúng sinh giống như mình không khác, họ gọi nhau là ta - ngươi - chúng sinh này - chúng sinh kia - những chúng sinh này - những chúng sinh kia, cũng không có tôn ty trật tự người trên kẻ dưới vì như đã nói họ đều giống nhau về mọi mặt mà không có sự sai khác nào. Họ không cần ăn uống, không cần làm việc, cuộc sống vô cùng an lạc, thanh tao, nhàn hạ, họ cũng không có bất cứ sự oan trái hay bất hoà nào với nhau vì mọi người đều bình đẳng giống nhau nên chẳng có gì để phát sinh mâu thuẫn cả.
Sau một thời gian họ bắt đầu tò mò về những thứ hiện hữu trên hành tinh này, đầu tiên là về nước, một số chúng sinh chấm tay xuống nước rồi nếm và thấy ngon, các chúng sinh khác cũng học theo và làm như vậy. Rồi thì họ thấy đất (mặt đất của đại địa sơ khai vẫn còn rất trong sạch khác với đất đã bị uế tạp theo thời gian của chúng ta hiện nay) họ cũng bắt đầu chấm ngón tay xuống, rồi chấm cũng chưa đã họ dùng cả bàn tay bốc lên ăn thử và cũng thấy nó lạ và ngon. Rồi sau đó họ thấy nấm hiện ra họ cũng lại ăn thử và càng ngày càng đắm nhiễm với những vật thực đó. Rồi lại sau một thời gian thì các loại cây có hạt như lúa gạo, lúa mì, lúa mạch... xuất hiện, họ lại ăn thử và sinh tâm thích thú với những vật thực đó. Họ ăn rồi lại ăn nhiều hơn, thân thể họ bắt đầu trở nên thô trược hơn đến mức không còn phát sáng và bay được nữa. Sau một khoảng thời gian nữa thì dung mạo của họ cũng dần dần thay đổi, những chúng sinh ăn nhiều hơn, đắm nhiễm hơn thì trở nên xấu xí hơn các chúng sinh khác, khi này họ bắt đầu có sự phân biệt giữa nhau và khen chê nhau đẹp xấu. Trên cơ thể của họ cũng bắt đầu xuất hiện những khiếu huyệt (nam căn/ nữ căn) và hình thành nên giới tính khác nhau, họ bắt đầu thấy tò mò thích thú khi có sự nhìn ngắm và xúc chạm giữa nhau. Câu chuyện từ đây thì các bạn cũng biết rồi đấy, họ bắt đầu sinh tâm tham dục với các chúng sinh khác giới, tâm phiền não khi thấy các vật thực ngày một ít đi vì giờ đây thân thể họ đã phải phụ thuộc vào chúng. Lại sau một thời gian những chúng sinh khác ở thiên giới sau khi mạng chung cũng sinh về cõi địa cầu này nhưng không còn trong dạng hoá sinh nữa mà sinh vào trong bào thai của những chúng sinh trước đó (thai sinh) nên dần họ hình thành nên các gia đình khác nhau. Lúc này giữa họ dần phát sinh sự tranh chấp giữa nhau nên họ bắt đầu bầu ra một người đức cao vọng trọng nhất, có dung mạo đoan chính nhất làm vị lãnh đạo đầu tiên và dần dần phát triển xã hội loài người ở những bước sơ khai đầu tiên (vị vua đầu tiên này cũng chính là một trong những tiền kiếp của Đấng chúng ta vô cùng tôn kính nhưng có thể tôi sẽ nói ở một dịp khác để tránh bài viết trở nên quá dài, mà nói thì chắc chắn là cũng lấy từ trong kinh điển nên các bạn cũng yên tâm luôn).
Sau khi xã hội loài người ở những bước sơ khai được hình thành nên thì các thiện pháp và ác pháp cũng xuất hiện nhiều hơn trong cuộc sống của họ và tất nhiên thì việc ác bao giờ cũng chiếm đa số. Khi này xã hội bắt đầu phân chia ra thành các tầng lớp giai cấp khác nhau và sự khác nhau đó càng ngày càng trở nên rõ rệt. Một số chúng sinh qua lời kể của cha ông hoặc do có được thần thông đặc biệt do nghiệp sinh nên nhớ được các kiếp quá khứ, họ phát tâm xả bỏ cuộc sống thế gian để tu tập với ước mong sau khi thân hoại mạng chung sẽ được quay về cõi của Phạm Thiên. Dần dần theo thời gian thì các tư tưởng, học thuyết và trường phái tu tập khác nhau cũng dần xuất hiện nhưng tựu chung đều hướng đến mục tiêu như trên vì ngay cả những bậc đã thành tựu được túc mạng thông cũng có hạn chế khác nhau khi nhìn về các kiếp quá khứ của mình. Những vị nhìn được xa nhất cũng chỉ có thể thấy được tiền kiếp của mình khi tái sinh về cõi phạm thiên sắc giới mà thôi nên họ đều tin rằng Đại Phạm Thiên là đấng toàn năng và cõi giới của ngài là thành tựu cao nhất mà phàm nhân có thể đạt đến. Chỉ có duy nhất một vị Phật Toàn Giác như Đức Thế Tôn là có thể nhìn xuyên suốt về quá khứ, ngài có thể nhìn về vô vàn lần tất cả các vũ trụ đã từng sinh - trụ - hoại - diệt như thế nào, ngài có thể thấy rõ khi đại tai kiếp xảy ra nó đã huỷ diệt 3000.000.000.000 luân vi (ba ngàn tỷ vũ trụ) như thế nào, ngài nhìn về trước thời điểm đại kiếp xảy ra toàn bộ chúng sinh đã phải nỗ lực tu tập thế nào để được tái sinh về cõi Quang Âm Thiên, rồi thì ngài thấy vô số lần đại kiếp đã xảy ra trước đó và cũng sẽ có vô số lần các đại kiếp sẽ tiếp tục xảy ra sau này phá huỷ hết cả cõi nhị thiền - tam thiền sắc giới theo quy luật như thế nào (về cái đoạn đại tai kiếp hoả thuỷ phong này thì mình cũng xin phép nói vào dịp khác chứ giờ không đưa vào đây được vì sẽ cần bài viết dài ngang với bài viết này). Năng lực của một vị Phật Chánh Đẳng Giác là không có giới hạn, là không thể nghĩ bàn vì ngài là bậc đã siêu việt tam giới, là vị thầy tối cao của chư thiên và nhân loại. Nhờ có ngài mà chúng ta mới biết rằng trên cõi sơ thiền và nhị thiền sắc giới vẫn còn vô số cõi giới khác nơi chư thiên có thọ mạng dài lâu và phước báu vượt trội hơn rất nhiều.
Vừa rồi phía bên trên mình cũng đã tóm tắt qua về nguồn gốc của nhân loại theo quan điểm Phật Giáo được gi chép lại trong Kinh Điển. Mà kinh Phạm Võng và kinh Phạm Động là hai bài kinh quan trọng nhất cùng được xuất hiện trong Trường Bộ Kinh và Trường A Hàm nên về tính xác thực thì chắc là không có gì để bàn cả. Vì là tóm tắt nên mình cũng chỉ viết ngắn gọn và công nghiệp chứ viết dài thì ít người đủ kiên nhẫn đọc hết nên chắc chắn là không đầy đủ. Các bạn vẫn nên đọc trong kinh tạng để hiểu một cách đầy đủ nhất về vũ trụ quan Phật Giáo, kể cả về những mốc thời gian khi giáo pháp của các Chư Phật trong quá khứ biến mất thì các vị Phạm Thiên đã gom nhặt những mảnh vụn còn sót lại của giáo pháp đưa xuống cho nhân loại tu tập như thế nào để thấy được mối nhân duyên sâu dày giữa các ngài với chúng ta, tất cả những điều đó bạn sẽ đều tìm thấy trong Tam Tạng Kinh Điển Phật Giáo.
Riêng với cá nhân mình thì mình nghĩ rằng câu chuyện bên trên kia rất cần thiết với một Phật Tử để tránh bản thân bị rơi vào tà kiến. Khi có hiểu biết về giáo lý thì chúng ta sẽ biết được các vị trí trong tam giới chỉ là sự thay đổi tại mỗi thời điểm của các chúng sinh khác nhau nên nơi mà một người Phật Tử chân chính, một Tín Đồ Phật Giáo chân chính cần nương tựa là Tam Bảo. Tuy vậy nhưng chúng ta không được xem thường chư vị bên trên và chúng ta cũng không nên chê bai các luồng tư tưởng khác. Mỗi cá thể con người sẽ có những mục tiêu ngắn với những trạm dừng chân khác nhau trên hành trình cùng đi đến một cái đích duy nhất. Có người tu Phật Thừa người tu Thiên Thừa người thì phải tu Nhân Thừa trước. Tu tập để được chuyển sinh về thiên giới cũng không hề dễ dàng, các vị đều có thân tướng trang nghiêm hơn chúng ta, phước báu nhiều hơn chúng ta nên phạm hạnh của các vị cũng đại đa số vượt trên chúng ta. Mà muốn về các cõi thiên trong dục giới thì cũng phải giữ năm giới, phải hành thập thiện, muốn về các cõi thiên thuộc sắc giới thì phải ly dục, phải tu từ - bi - hỷ - xả và phải đắc thiền, ít nhất là chứng được từ sơ thiền.
Chư Thiên ở các cõi càng cao thì thân tướng càng đẹp, phước báu càng nhiều, thọ mạng càng lâu dài và đặc biệt là dục của họ lại càng vi tế hơn. Ở trong sáu cõi trời dục giới thì cõi trời tứ thiên vương và trời đao lợi (tam thập tam thiên) của vua trời Đế Thích Thiên tuy vẫn còn dục nhưng rất kín đáo và vi tế khác với cõi chúng ta. Lên trên nữa là cõi dạ ma thiên thì dục chỉ còn là ôm hôn, lên đâu suất thiên thì dục chỉ còn là cái nắm tay, lên tiếp cõi hoá lạc và cõi tha hoá tự tại thiên thì dục chỉ còn là nụ cười với ánh nhìn trìu mến (đây là cõi cao nhất trong dục giới và cũng là cõi trời của ác ma thiên tử hay còn gọi là ma vương ba tuần, vị này có thân tướng rất đẹp chứ không gớm ghiếc như một số người nghĩ, vị này vẫn ủng hộ mọi người hành thiện để được sinh thiên, chỉ là không cho tu giải thoát vì không muốn ai vượt ra khỏi tầm kiểm soát của mình trong cõi dục thôi, sẽ có bài viết riêng về vị này sau), dục khi này càng lên cao thì càng trở nên vi tế hơn. Còn khi lên đến cõi sắc giới của các vị phạm thiên thì dục lúc này không còn tồn tại vì thân tướng của chư thiên nơi đây vi tế đến mức chỉ còn là những khối ánh sáng tịnh quang. Riêng về bốn cõi trời vô sắc giới thì càng không thể bàn luận vì chư thiên nơi đây hoàn toàn không còn thân tướng nữa mà chỉ còn tồn tại ở dạng tư tưởng.
Mối nhân duyên giữa con người và chư thiên nơi thiên giới là vô cùng to lớn sâu dầy. Các vị Phạm Thiên cũng đã rất nhiều lần thỉnh Chư Phật các thời quá khứ cho Đến Đức Thế Tôn của chúng ta chuyển bánh xe Pháp để giúp tất cả chúng sinh vượt thoát khổ đau của luân hồi. Tuy rằng trong kinh điển cũng có nhắc đến một số chư thiên vẫn còn mang tà kiến đối nghịch với chánh pháp nhưng phần lớn các vị trời đều muốn chúng ta nỗ lực tu tập hành thiện để quốc độ của các ngài có thêm nhiều chúng sinh hơn. Sau khi được sinh thiên vì có thọ mạng quá dài lâu và phước báu quá nhiều nên có những vị giải đãi nhưng cũng có những vị vẫn rất tinh tấn tu tập và trong số đó có rất nhiều vị đã đạt được từ sơ quả Tu Đà Hoàn (nhập lưu - nhập vào dòng thánh) cho đến Thánh Quả A La Hán. Các ngài biết rằng nếu chỉ tập trung hưởng phước thì với thọ mạng lâu dài của mình sau khi hưởng hết phước mà không tạo ra thêm thiện pháp nào thì khi mạng chung sẽ có thể đoạ. Đơn vị gốc của Tam Giới là cõi dục mà đơn vị gốc của cõi dục lại chính là địa ngục, tất cả chúng sinh trong tam giới đều đã trải nghiệm các cảnh khổ của địa ngục và chắc chắn số lần trải nghiệm trong cõi khổ thì nhiều hơn là những lần tái sinh ở các cõi khác vì rơi xuống những cảnh giới sa đoạ thì rất dễ nhưng đi lên thì lại rất khó. Lúc đó chịu đủ mọi cảnh khổ trong từng sát na thì tu sao nổi, chỉ có chờ khi trả xong nghiệp cũ và nếu có nghiệp thiện từ một đời nào trong quá khứ kịp trổ quả vào đúng lúc thức đi tái sinh thì mới có cơ hội thoát về cõi lành thôi.
Vào ngày Đức Phật đản sinh, vị đạo sĩ Asita (a - tư - đà) sau khi tiên tri rằng sau này chắc chắn Đức Phật trong tương lai sẽ đạt giác ngộ trở thành vị Phật Toàn Giác thì bật khóc. Ông tuy cảm thấy vui mừng cho chư thiên và nhân loại vì một vị Phật Chánh Đẳng Giác ra đời là kết tụ của vô lượng a tăng kỳ kiếp công đức và phước báu, thế gian nhờ có trí tuệ của ngài mà sẽ thoát được màn đêm tối tăm của vô minh sinh tử nhưng ông lại không còn cơ hội được thọ nhận giáo pháp của ngài nữa. Đạo sĩ Asita lúc này đã thọ trên 120 tuổi, ông chỉ còn có thể sống thêm được bảy ngày là sẽ tái sinh về cõi Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ là cõi cao nhất trong Tam Giới thuộc bốn cõi trời Vô Sắc Giới. Tuổi thọ của đạo sĩ Asita sau khi tái sinh về đây sẽ kéo dài 84,000 đại a tăng kỳ kiếp, vậy nên không chỉ với Đức Phật Thích Ca mà không biết bao nhiêu đời các Vị Phật tương lai ra đời thì ông vẫn chưa được cứu độ. Theo như trong kinh điển gi chép thì rất lâu sau này khi mạng chung ông tái sinh xuống các cõi thiên nhân thấp hơn và cuối cùng là tái sinh làm một con chồn.
Chúng ta có thể thấy rằng có đi lên đi xuống như thế nào trong tam giới đi chăng nữa thì cũng không bằng đi được thoát ra ngoài vì trong cái vòng lặp của sinh tử luân hồi này cái viễn cảnh rơi xuống ba cõi thấp địa ngục - ngạ quỷ - súc sinh nó luôn hiện ra nhiều hơn là khi được tái sinh lên các cõi lành. Đặc biệt là nếu phải sinh về một trong những cõi khốc liệt nhất như Địa Ngục Vô Gián AVICI thì thời gian chịu khổ của chúng ta lên đến tận một kiếp trái đất. Tuy vậy chúng ta cần tập trung nhìn về một đích đến duy nhất và chỉ hoàn toàn dâng hiến cuộc sống và tinh thần của mình cho Tam Bảo nhưng cũng cần cung kính những thiện thần ở các cõi giới phía trên chúng ta. Trên con đường đi đến đích có rất nhiều trạm nghỉ khác nhau và chúng ta không nên vì bất kính mà phá bỏ đi bất cứ sự hỗ trợ nào.
Ngoài những chư thiên tín tâm hộ trì Tam Bảo ra thì khi tình cơ đi qua những nơi thờ phụng các vị thiện thần tuy không được nhắc đến trong kinh sách nhưng vì cảm phục đức độ trong quá khứ của vị đó thì các bạn vẫn có thể chắp tay đảnh lễ (không quỳ) và sau khi đi ra ngoài có thể tụng đọc quy y nếu sợ đứt tam quy. Tôi không nói là khi ra ngoài thấy bất cứ ngôi miếu nào chúng ta cũng xì xụp lạy khấn vái rồi xin này xin nọ vì đó không phải hành vi trí tuệ của một Phật Tử nhưng chúng ta có thể chắp tay cung kính rải tâm từ đến những vị đó vì không chỉ với họ mà giữa chúng ta với nhau và với những cõi giới khác đều có sự liên hệ mật thiết về nhân duyên trong quá khứ với nhau, tất cả đều từng là thân bằng quyến thuộc với nhau từ vô thỉ kiếp và đều cùng đã từng trải qua các cõi giới giống nhau trong luân hồi. Đặc biệt là cõi trời và cõi người là hai cõi duy nhất mà chúng sinh nơi đó có khả năng tu tập giải thoát nên nhân duyên giữa hai cõi này lại càng vô cùng đặc biệt. Sau mỗi thời tu tập chúng ta nên hồi hướng công đức cả đến chư thiên với mong muốn lợi lạc cho họ sớm được giải thoát cũng như để tri ân chư thiên hộ trì ở xung quanh nơi chốn của chúng ta. Khi tu học chúng ta cần BIẾT để tránh vướng vào tà kiến của sự mê tín nhưng cần HIỂU để tránh việc bản thân tự cắt đứt những sự liên kết hỗ trợ trong vô hình vì có rất nhiều thứ nếu chỉ nhìn ở mức bề mặt sẽ rất dễ hình thành nên những tư tưởng cực đoan. Mong rằng bài viết này sẽ hữu ích với một số người.
HỒI HƯỚNG PHƯỚC ĐẾN CHƯ THIÊN
Chư Thiên ngự trên hư không,
Địa cầu thượng ngự rõ thông mọi điều.
Long Vương thần lực có nhiều,
Đồng xin hoan hỷ phước đều chúng con.
Hộ trì Phật giáo Tăng bồi,
Các bậc Thầy Tổ an vui lâu dài.
Quyến thuộc tránh khỏi nạn tai,
Chúng sanh được hưởng phước dài bền lâu.
Chúng con vui thú đạo mầu,
Tu hành tin tấn ngõ hầu siêu sanh.
Nguyện cho tất cả chúng sinh đều thoát khỏi khổ đau oan trái và nhân của khổ đau oan trái
Thân không đau đớn
Tâm không phiền não
Giữ gìn thân tâm được an lạc
Hà Nội 23 - 4 - 2024
Samtan Norbu
Nguồn: https://www.facebook.com/photo/?fbid=1211802140192363&set=gm.7589469684408869&idorvanity=350206058335304

Không có nhận xét nào: