Thứ Tư, 6 tháng 12, 2023

[15] ĐỨC A LA HÁN

Nay sư phân biệt Đức Toàn Giác, Đức Độc Giác và Đức A La Hán để các bạn được rõ, không cần phải hỏi ai nữa.
1) Đức A La Hán là bực giác ngộ Tứ Diệu Đế, đã đoạn tận mọi lậu hoặc, đoạn tận mọi kiết sử, đoạn tận mọi khổ đau, đoạn tận sinh tử luân hồi. Sau khi mạng chung, thì Niết-bàn, không còn sinh tử nữa. Đây là mục đích cuối cùng của cả thảy chúng sinh hướng thượng.
A La Hán có ba hạng:
- Thành tựu quả A La Hán nhờ hành theo Giáo huấn của Đức Toàn Giác. Gọi là Đại Thanh Văn, hay Đức A La Hán đệ tử Đức Toàn Giác. Chư ngài có thể chỉ dạy cho chúng sinh thành tựu quả A La Hán và các quả Thánh khác nhờ dựa vào Giáo pháp của Đức Toàn Giác.
- Đức Toàn Giác, hay Đức Phật Toàn Giác, hay Đức Phật.
- Đức Độc Giác, hay Đức Phật Độc Giác, hay Đức Duyên Giác.
2) Đức Toàn Giác là Đức A La Hán, thành tựu quả A La Hán không phải nhờ hành theo Giáo huấn của vị khác, tức là không thầy chỉ dạy ở đời cuối cùng, và có đầy đủ trí tuệ, năng lực, phương tiện tự thân và phước báu của mình để tuyên thuyết một giáo pháp hoàn chỉnh, mà y theo giáo pháp đó, có chúng sinh tinh tấn sẽ thành tựu quả A La Hán, cũng như trực tiếp giáo hóa nhiều chúng sinh thành tựu quả A La Hán bằng chính trí tuệ, năng lực, phương tiện tự thân và phước báu của mình. Giáo pháp đó có thời gian tác dụng cho nhiều đời sau. Cho nên chư ngài có đầy đủ mười danh hiệu: A La Hán, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.
3) Phật Độc Giác là Đức A La Hán, thành tựu quả A La Hán không phải nhờ hành theo Giáo huấn của vị khác, tức là không thầy chỉ dạy ở đời cuối cùng, và không có đầy đủ trí tuệ, năng lực, phương tiện tự thân và phước báu của mình để tuyên thuyết một giáo pháp hoàn chỉnh, mà y theo giáo pháp đó, có chúng sinh tinh tấn sẽ thành tựu quả A La Hán, cũng như không thể trực tiếp giáo hóa một chúng sinh thành tựu quả A La Hán bằng chính trí tuệ, năng lực, phương tiện tự thân và phước báu của mình. Chư ngài có thể chỉ dạy cho chúng sinh thành tựu quả A La Hán và các quả Thánh khác nhờ dựa vào Giáo pháp của Đức Toàn Giác. Chư ngài không để lại Giáo pháp do mình tuyên thuyết.
Sau khi mạng chung, thì Niết-bàn, tất cả địa vị, danh xưng, danh hiệu, hạnh đức, trí tuệ, phương tiện và phước báu của cả ba hạng Đức Thanh Văn, Đức Duyên Giác và Đức Phật đều không Niết-bàn cùng. Trở về Tự tánh chính mình gọi là nhập Niết-bàn. Những thứ như địa vị, danh xưng, danh hiệu, hạnh đức, trí tuệ, phương tiện và phước báu là pháp hữu vi, tự nó trả về vô vi khi chư ngài Niết-bàn, không dính với Tự tánh của chư ngài. Nghĩa là Niết-bàn bình đẳng, không có Thanh Văn, Duyên Giác, Phật.
SƯ QUANG VÔ SẮC

Không có nhận xét nào: