Thứ Tư, 6 tháng 12, 2023

[16] VẮN TẮT VÀI ĐIỀU CẦN BIẾT.

1. Bốn Thánh đế là nhóm trí tuệ duy nhất đoạn diệt mọi kiết sử, mọi lậu hoặc, mọi khổ đau.
2. Đức A La Hán và Đức Phật Toàn giác giống nhau rằng, đều là Bậc A La Hán, đều chứng ngộ Bốn Thánh đế trong kiếp sống cuối cùng mà thành tựu Quả vị. Nhưng chỉ có Đức Phật Toàn Giác thành tựu đầy đủ 30 Ba La Mật trước khi chứng ngộ Bốn Thánh đế. Thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chỉ có thể xảy ra ngay khi mọi lậu hoặc được đoạn tận.
3. Có ba phương pháp để chứng ngộ Bốn Thánh đế. Một là tu tập Bốn Vô lượng tâm. Hai là tu tập Bốn niệm xứ. Ba là tu tập Tứ thiền và Quán Bốn Thánh đế. Chưa thấy Đức Phật nói đến phương pháp thứ tư.
4. Nếu Bồ tát có Nguyện thành Phật thì chính Nguyện ấy là chướng chứng ngộ Bốn Thánh đế khi chưa thành tựu đầy đủ Ba La Mật. Bồ tát có Nguyện thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chỉ chuyên về tích lũy đầy đủ 30 Ba La Mật trước khi khởi tâm tu tập đoạn tận mọi khổ đau. Nếu Bồ tát thoái chí thì có thể hướng về Tam Bảo thệ nguyện hủy bỏ Nguyện ấy để không còn chướng ngại thành tựu Bốn Thánh đế.
5. Bậc đoạn tận mọi khổ đau nhờ việc đã dựa vào Giáo pháp của Đức Phật Toàn Giác để tu tập trong đời sống cuối cùng, thì chỉ gọi là Đức A La Hán. Bậc đoạn tận mọi khổ đau mà trong đời sống cuối cùng, do không gặp được Giáo pháp của Đức Phật Toàn Giác, nên đã tự học chính mình để tu chứng Bốn Thánh đế, thì gọi là Đức Phật. Đức Phật có khả năng thuyết pháp để cho người khác theo đó mà tu tập đoạn tận mọi khổ đau, thì gọi là Đức Phật Toàn Giác. Không nên hiểu nghĩa hạn hẹp rằng Đức Phật Toàn Giác là vì là Đức A La Hán đầu tiên.
6. Thành tựu Vô thượng Chánh đẳng giác không phải vì địa vị sai biệt, mục đích, chỗ dụng nào đó sau khi diệt độ. Không có địa vị sai biệt, mục đích, chỗ dụng nào có thể xảy ra đối với tất cả các Bậc đoạn tận mọi khổ đau sau khi diệt độ, dù cho ở đời các Ngài có danh xưng sai biệt như A La Hán, Bích Chi và Toàn Giác. Bồ tát tu tập các công đức, tích lũy phước báu và Ba La Mật, chỉ vì để đủ Phương Tiện mà Chuyển Pháp Luân trong Ba Giới Bốn Loài, sau khi thành Đạo và trước khi diệt độ.
7. Năm Uẩn (Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức) là toàn bộ những gì hiện hữu về ta. Nó không phải là ta, không phải của ta, không phải là Thực Thể Linh Hồn Nguyên Thủy (Tự Ngã) của ta, không thuộc về Tự Ngã, cũng không phải Tự Ngã thuộc về Năm Uẩn hay nằm trong Năm Uẩn.
8. Năm Uẩn: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, còn gọi là Thân Tâm, thuộc về Năm Đại, thâu nhiếp trong Năm Đại, tác thành từ Năm Đại: Địa Đại, Thủy Đại, Phong Đại, Hỏa Đại, Hư Không Đại.
9. Địa Đại tức là Hư Không. Thủy Đại, Phong Đại, Hỏa Đại cũng như vậy. Bốn Đại tức là Hư Không. Bốn Đại cùng với Hư Không thành ra Năm Đại. Năm Đại tức là Hư Không Đại. Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức đều là Hư Không. Sắc tức là Hư Không. Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng như vậy. Các pháp có mặt do duyên hiển bày tướng của Hư Không. Cho nên trong Thể tánh Hư Không, không có sắc, thọ, tưởng, hành, thức, không có sáu giác quan, sáu pháp trần, sáu thức, không có 12 nhân duyên sanh và 12 nhân duyên diệt, không có sanh già bệnh chết, sầu bi khổ ưu não, không có Bốn Thánh đế, không có chứng đắc và không có kết quả chứng đắc.
10. Tất cả pháp hữu vi đều là Hư Không.
Khi nói Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức đều là Không, hay nói Sắc tức là Không, Không tức là Sắc... thì Không ở đây có nghĩa là Hư Không. Khi nói Tính Không của các pháp, thì Tính Không của các pháp có nghĩa là nội giới Hư Không, thể tánh Hư Không của các pháp. Tính Không ở đây không có nghĩa là Pháp thân, Phật tính, Thực thể chân tâm, Thực thể linh hồn nguyên thủy.
Hư Không không có nghĩa là trống rỗng, không có gì. Các sự vật, hiện tượng nếu có cấu trúc, có nội giới, thì cấu trúc ấy được làm bằng Hư Không, nội giới ấy là Hư Không. Hư Không như là chất liệu. Các sự vật, hiện tượng nếu không có cấu trúc cũng không có nội giới, như sóng điện từ, ánh sáng, sự chuyển động, năng lượng, màu sắc, âm thanh, hương, vị, nóng, lạnh,... đều là kết quả tương hỗ của tướng trạng, thể tính, thuộc tính của Hư Không và các nhân duyên tương hỗ từ các sự vật, hiện tượng có cấu trúc, có nội giới. Không gian có nội giới là Hư Không. Với pháp nào có nội giới, nội giới ấy là Hư Không. Vạn vật có sai biệt vì Hư Không có sai biệt về mật độ.
Lời này chẳng thể được lưu xuất từ bực chưa giác ngộ chân như thật tướng của vạn pháp. Quý Ngài Nhất Thiết Chủng Trí đều có trí tuệ này. Phàm, Thánh thông thường không thể tư nghì. Trí tuệ này chẳng thể dùng tư duy suy luận có lý để soi chiếu.
11. Để thành tựu Phật đạo, không thể không tu Thánh đạo.
Để thành tựu Thánh đạo, không thể không tu Thiên đạo.
Để thành tựu Thiên đạo, không thể không tu Nhân đạo.
Trong Phật đạo có cả Thánh đạo, Thiên đạo và Nhân đạo.
Trong Thánh đạo có cả Thiên đạo và Nhân đạo.
Trong Thiên đạo có Nhân đạo.
12. Năm Uẩn do năm Đại tác thành, không phải do bốn Đại tác thành.
Kinh sách có nói đến bảy Đại, gồm Địa Đại, Phong Đại, Không Đại, Kiến Đại, Thức Đại.
Sự thật là Kiến Đại và Thức Đại được thâu nhiếp trong năm Đại, thuộc về năm Đại, để dễ hiểu nên quảng diễn chia đặt thành bảy Đại vậy.
Ai nói năm Uẩn được tác thành từ bốn Đại, gồm Địa Đại, Thủy, Hỏa và Phong Đại, vị ấy chưa liễu tri Không Đại.
Ai nói năm Uẩn được tác thành từ bảy Đại, không phải năm Đại, vị ấy chưa liễu tri Không Đại.
Chưa chứng ngộ rốt ráo Chân Như Thật Tướng của các pháp thì không thể biết rằng:
- Thân và tâm (năm Uẩn) do năm Đại tác thành.
- Năm uẩn đều là Không Đại.
- Năm Đại hay bảy Đại đều là Không Đại.
13. Tự mãn luôn là chướng ngại của đoạn diệt vô minh.
Chứng nghiệm và trú pháp hiện tại đang Là, chỉ là kinh nghiệm hiện tướng bề nổi thực tại của pháp, nó chưa phải là giác ngộ Bốn Thánh đế.
Hành giả cần phải tu tập quán thâm sâu hơn với định lực vững chắc mới chứng ngộ được sự thật như chính nó của các pháp.
Sự thật như chính nó của các pháp không phải là hiện tướng bề nổi đang Là của nó. Ví như nhận biết sự đang co lại hay đang duỗi ra của cánh tay, chỉ là kết quả của một chuỗi nhân duyên, mà nguồn gốc của nó do tâm tạo tác. Ở đây hành giả cần thấy được tâm tạo tác như thế nào cho quả co duỗi cánh tay. Và thâm sâu hơn nữa, thấy tâm được hình thành như thế nào cho đến tận cùng bản chất thật sự.
Khi đó, hành giả mới biết được một cách rõ ràng không ngăn bít, đây không phải ta, không phải của ta, không phải Tự Ngã của ta, không có Tự Ngã nằm trong nó. Nghĩa là chứng ngộ đây là vô thường, đây là khổ, đây vô ngã, đây là nguyên nhân khổ, đây là khổ diệt, đây là cách đưa đến diệt khổ.
Với ai chủ trương kiên cố và tự mãn với pháp hành chứng nghiệm và trú pháp hiện tại đang Là, vị ấy đang mắc kẹt nơi pháp ấy, khó biết pháp hành, khó thành tựu pháp cao thượng hơn. Vị ấy có thể thành tựu Thánh giới, Thánh Hộ trì các căn, Thánh Chánh niệm tỉnh giác, nhưng hầu như không tiến bộ hơn trong con đường chấm dứt khổ.
Sư Quang Vô Sắc
---
Phụ lục:
Awarenism Writers:
Sư đang nói đến Chân Không (Diệu Hữu) phải không ạ?
Sư Quang Vô Sắc:
Awarenism Writers! Đúng vậy. Hư Không nghĩa là Chân Không, Chân Không nghĩa là Hư Không. Sự thâu nhiếp vạn pháp về một và từ một tác thành vạn pháp, nên nói là diệu hữu.
Awarenism Writers: 
Sư Quang Vô Sắc! Con có cảm nghĩ (không dám nói là cảm ngộ) về Chân Không là sau khi đọc Kinh Kim Cương về sự quán chiếu sự vật hiện tượng bằng Bát Nhã. Nếu trừ đi cái nhìn, cái thấy hằng hữu của quá khứ, của trí nhớ và của khái niệm thì không khó có được sự cảm nhận về Chân Như. Nhưng không biết lối tiếp cận như vậy có lầm không, hay có gì cần chú ý. Mong Sư chỉ bảo ạ.
Sư Quang Vô Sắc:
Awarenism Writers! Xưa kia, có lần vì mắc kẹt nhị nguyên phân biệt giữa không gian trống rỗng và vạn vật, cho vật khác không gian trống rỗng, không gian trống rỗng khác vật, mà không thể tuệ tri Tất cả là một. Nhờ tịnh trừ những thứ đã thấy và biết, trí nhớ, các chế định của thế gian và khái niệm, mà như thật tuệ tri Tất cả là một. Rồi tùy thuận thế gian mà lựa chọn một đối tượng thích để chỉ cho nó, Hư Không hay là Chân Không. Awarenism Writers, Tất cả là một, đó là Bát nhã Ba la mật đa, từ sự trả về lý, nhưng không rõ thế nào mà Một là tất cả, tức từ lý tác thành sự. Như vậy là lý sự không viên dung. Như vậy chưa là diệu hữu. Nhưng lý, sự, lý sự, và sự sự vô ngại pháp giới sẽ đi ngang qua lối tiếp cận này.

Không có nhận xét nào: