Áp dụng từ ngữ không phù hợp phạm vi, phạm trù đưa đến nhiều tai hại.
Chấp dính nhãn mác theo truyền thống do tiền bối tự tri kiến dán, quy chụp lên lời khéo thuyết của Thế Tôn là rào cản ngăn che ta hiểu đúng lời dạy của Phật.
Khi đọc, học, tư duy kinh điển, ta nên bám sát từng lời Phật dạy, đừng bao giờ dùng từ ngữ có tính phổ quát hơn hay hạn hẹp hơn lời kinh để dán chồng lên lời kinh.
Khi một từ ngữ mang tính phổ quát hơn hay hạn hẹp hơn được áp đặt, dán nhãn lên lời dạy cụ thể của Thế Tôn thì ta rất dễ hiểu sai ý kinh, rơi vào luận chấp thiếu căn cứ. Khi ta nói về Phật pháp, ta cũng lưu ý như vậy. Chớ có cả tin dẫm lên vết xe đổ của tiền bối.
Ví như khi đức Phật dạy các pháp vô Ngã, 5 uẩn cho đến một phần của nó không phải là Tự Ngã của ta và vô Ngã thì ta không nên sử dụng từ vô Ngã áp đặt lên tất cả mà chỉ sử dụng nó đúng phạm vi của nó mà đức Phật đã nói trong kinh. Tức là không nên sử dụng từ mang tính hạn hẹp quy chụp cho tất cả.
Ví dụ như nhiều người thường nói tu 4 niệm xứ là quán thân bất tịnh, quán thọ khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô Ngã. Đây cũng là chủ trương, khẩu hiệu của đa số hiện nay. Nhưng, rất rõ ràng rằng các kinh dạy về 4 niệm xứ KHÔNG CHỈ nói như vậy. Trường hợp này được gọi là dùng từ mang tính hạn hẹp quy chụp cả những thứ không thuộc về nó.
Ngay cả việc sử dụng tam pháp ấn vô thường, khổ, vô Ngã cũng vậy. Cái gì được Thế Tôn nói là vô thường thì xác định cái đó thuộc vô thường, cái gì được Thế Tôn nói là khổ thì xác định cái đó thuộc khổ, cái gì được Thế Tôn nói là vô Ngã thì xác định cái đó thuộc vô Ngã. Tam pháp ấn là do chúng ta, người đời sau đặt ra, Thế Tôn không tuyên bố rằng vô thường, khổ, vô ngã là tam pháp ấn. Do vậy, khi dùng từ ngữ phải đúng phạm vi, phạm trù của nó, không quy chụp phạm vi, phạm trù không thuộc về nó. V.v.
Ta nên từ bỏ thói quen sử dụng từ truyền thống quy chụp một cách tùy tiện.
Sư Quang Vô Sắc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét