Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2022

Chấp trước có tai hại đến mức độ nào?

- Ngài Bahiya là một điển hình. Cho cái thấy nghe là ta thấy nghe, cho cái thọ tưởng là ta thọ tưởng, cho cái thức tri là ta thức tri. Do chấp trước một cách nhầm lẫn này mà chúng ta, từ vô thỉ đến nay phải hụp lặn trong luân hồi sinh tử, không thể thoát ra được. Ngài Bahiya cũng không ngoại lệ. Nhờ đầy đủ phước duyên, căn tánh do tu tập nhiều đời, ngài đã được đức Thế Tôn chỉ điểm pháp phá chấp đốn ngộ(*) mà được giải thoát.
- Có thiền sư nam tông có thời danh, có thanh danh, có hàng ngàn tăng thân môn đệ, cũng bị chấp trước làm cho tà kiến khởi lên. Chấp trước cái gì? Chấp trước về vô ngã. Từ các phạm trù này được đức Thế Tôn chỉ điểm là vô ngã, do pháp nhãn bị ngăn ngại nên hiểu ra thành tất cả vô ngã. Từ những thấy biết vô ngã nhờ tu tập, trong phạm trù trí tuệ thành tựu có giới hạn, tự mãn cho là tất cả đều vô ngã. Vì vậy, ý nghĩa lời Phật dạy đã bị móp méo khi ngang qua sự chấp trước của các thiền sư. Ví như trong kinh Bahiya, đức Phật chỉ điểm trong cái thấy chỉ là cái thấy... trong cái thức tri chỉ là cái thức tri, các thiền sư này đã hiểu đúng cái thấy, cái nghe, cái thọ tưởng, cái thức tri là vô ngã. Nhưng do chấp trước về vô ngã, nên cũng khẳng định ngoài cái thấy, cái nghe, cái thọ tưởng, cái thức tri, cũng đều vô ngã.
- Có thiền sư bắc tông có thời danh, có thanh danh, có hàng ngàn tăng thân môn đệ, cũng bị chấp trước làm cho tà kiến khởi lên. Chấp trước cái gì? Chấp trước về hữu ngã. Nhận tưởng, sáu thức trước(**), là chân tâm bổn tánh, thuộc về chân tâm bổn tánh, có tính thường trụ, bất tăng bất giảm, bất sinh bất diệt. Ví như khi mắt nhìn thấy sắc lá cây, tâm không nghĩ ngợi, lại nhận cái biết còn lại khi đó thuộc về chân tâm bổn tánh, là của ta, là ta, là tự ngã của ta. Cái biết còn lại khi đó là gì? Là màu xanh, là viền cong, là mặt cong, là chiếc lá... Tất cả những cái biết có định danh, có định dạng, có phân biệt sắc màu như vậy, đều do tưởng, sáu thức trước mà được. Nhưng các thiền sư lại chấp cái biết đó thuộc về chân tâm bổn tánh, là của ta, là ta, là tự ngã của ta.
- Như vậy, gọi là điên đảo kiến. Ngã cho là vô ngã, vô ngã cho là ngã. Thường cho là vô thường, vô thường cho là thường.
- Cho nên, phàm hành giả nào muốn đạt đến cứu cánh Niết bàn, vô thượng an ổn, thoát mọi khổ ách, hãy tu tập trả mọi thứ về đúng với sự thật như chính nó. Cấu trúc của năm giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi, thân vốn dĩ không có khả năng cung cấp thông tin sự vật hiện tượng đúng với sự thật như chính nó. Tâm không định cũng làm cho ta không thể thấy biết các thứ đúng với sự thật như chính nó. Mọi dính mắc và chấp trước đều làm cho ta không thể thấy biết các thứ có liên quan đúng với sự thật như chính nó.
---
(*) Kinh Bahiya.
(**) Tàng thức, tiềm thức đã lập thành từ trước nhờ sáu căn tiếp xúc sáu trần.

Không có nhận xét nào: