Chủ Nhật, 5 tháng 12, 2021

ĐẠI TẠNG KINH PALI

Sau đây là trình bày khái quát về ba tạng Thánh điển Pali đang hiện hành. Ba tạng này được hình thành đầy đủ vào kỳ kết tập thứ III (thế kỷ III BC) và hiện còn nguyên vẹn, trong khi ba tạng Thánh điển tương đương bằng tiếng Sanskrit hiện đã thất truyền, chỉ còn những phiên bản Hán ngữ và Tạng ngữ của nó mà thôi. Theo truyền thống học thuật của Ấn Độ, Pàli tạng ngày xưa được truyền khẩu. Đến thế kỷ I BC, Pàli tạng được chép lên lá bối tại Sri Lanka.
Ba tạng Thánh điển Pali bao gồm những tác phẩm [hạn chế] như sau:
LUẬT TẠNG (Vinaya pitaka) gồm ba tuyển tập chính:
- Suttavibhanga: gồm hai phần là Bhikkhuvibhanga nêu và giải thích các giới bổn của Tỳ-kheo, Bhikkhunivibhanga nêu và giải thích các giới bổn của Tỳ-kheo Ni.
- Khandhaka: gồm hai phần là Mahavagga nói về sự hình thành và phát triển của Tăng già; và Cullavagga tiếp tục mô tả nếp sống của Tăng già và hai kỳ kết tập đầu tiên.
- Parivara: gồm 19 chương, dẫn giải về Luật.
KINH TẠNG (Sutta pitaka) gồm năm bộ (Panca nikaya):
1. Digha nikaya (Trường Bộ) gồm 34 bài kinh dài.
Trường Bộ cho chúng ta biết những quan điểm giáo lý và các tư tưởng triết học của đức Phật, về các hoạt động giáo hóa của đức Phật và sự kiện ngài nhập Niết bàn, về bối cảnh xã hội, chính trị, tôn giáo, tín ngưỡng, tư tưởng… ở Ấn Độ đương thời.
2. Majjhima nikaya (Trung Bộ) gồm 152 bài kinh vừa.
Trung Bộ cũng tương tự Trường Bộ về nội dung tư tưởng, nhưng đặc biệt là bộ kinh này nêu nhiều giáo lý và pháp môn thực hành của Phật giáo. Các giáo lý trọng yếu như Tứ đế, 12 nhân duyên, Năm uẩn, Ba pháp ấn, Ba vô lậu học, Bốn niệm xứ… đều có trong Trung Bộ Kinh.
3. Samyutta nikaya (Tương Ưng Bộ) gồm 2904 bài kinh, được chia thành năm phẩm theo chủ đề:
· Phẩm Sagatha gồm các bài kinh có xen kệ tụng.
· Phẩm Nidana chủ yếu nói về Duyên khởi.
· Phẩm Khandha thuyết về Năm uẩn.
· Phẩm Salayatana chuyên về 12 xứ.
· Phẩm Maha gồm các chuyên đề như Giác chi, Niệm xứ, Căn, Lực…
4. Anguttara nikaya (Tăng Chi Bộ) gồm 2308 bài kinh, chia ra 11 chương, phân theo pháp số từ một pháp đến 11 pháp. Kinh Tăng Chi được biên tập theo dạng liệt kê giáo pháp, thỉnh thoảng giải thích và minh họa bằng các ví dụ thực tế… Nội dung của Kinh Tăng Chi rộng.
5. Khuddaka nikaya (Tiểu Bộ) gồm 15 tuyển tập:
Khuddakapatha (Tiểu Tụng), Dhammapada (Pháp Cú), Udana (Tự Thuyết), Itivuttaka (Phật Thuyết Như Vậy), Suttanipata (Kinh Tập), Vimanavatthu (Thiên Cung Sự), Petavatthu (Ngạ Quỷ Sự), Theragatha (Trưởng Lão Tăng Kệ), Therigatha (Trưởng Lão Ni Kệ), Jataka (Bổn Sanh), Niddesa (Nghĩa Thích), Patisambhidamagga (Vô Ngại Giải Đạo), Apadana (Truyện Tích), Buddhavamsa (Phật Sử), Cariyapitaka (Sở Hành Tạng).
LUẬN TẠNG (Abhidhamma pitaka) có bảy tác phẩm:
1. Dhammasangani, chia làm 13 phần, chủ yếu giải thích về các thuật ngữ và khái niệm Phật học trong năm bộ kinh.
2. Vibhanga, gồm 18 chương, luận giải về Uẩn, Xứ, Giới…
3. Dhatukatha, gồm hai phần, bàn về Giới hay yếu tố.
4. Puggalapannati, giải thích các quan điểm Phật giáo về con người.
5. Kathavatthu, do ngài Tissa Moggaliputta soạn trong kỳ kết tập thứ III, nhằm bài trừ các tà kiến đang xen lẫn trong Tăng đoàn.
6. Yamaka, bàn về Thiện và Bất thiện, Thiện căn và Bất thiện căn, Năm uẩn, 12 xứ, 18 giới…
7. Patthana, thảo luận về Nhân duyên.
Pàli tạng được gìn giữ với sự bảo thủ nhất của những Phật tử theo truyền thống Thượng tọa bộ ở Sri Lanka, có trụ sở l Mahavihara, Đại Tự.
Nguồn: Trích từ bài nghiên cứu của KS.Minh Bình 
Theo: https://www.facebook.com/thuvienhuequang/

Không có nhận xét nào: