La Gi ngày nay hầu hết các phường, xã đều có chùa hoặc tịnh xá. Trong số những ngôi chùa hoặc tịnh xá này, Quảng Đức là ngôi chùa có nhiều dấu ấn lịch sử.
1. Vài nét về chùa Quảng Đức
Chùa Quảng Đức tọa lạc tại số 139, đường Lê Lợi, phường Phước Hội, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận. Năm 1955, quận Hàm Tân được tái lập, từ một thảo am, bá tánh trong vùng đã dựng lên ngôi chùa Phật Học quận Hàm Tân (thuộc Hội Phật học tỉnh Bình Thuận). Năm 1956, tỉnh Bình Tuy được thành lập, chùa đổi thành chùa Phật Học tỉnh Bình Tuy. Lúc này chùa còn là mái tranh, vách lá trên mảnh đất hoang sơ do thầy Thích Quảng Nhơn chủ trì.
Năm 1961, thầy Thích Quảng Nhơn cùng với Chi hội Phật học đặt viên đá đầu tiên xây dựng chùa với thiết kế dài 22 mét rộng 12 mét. Năm 1962, khi chùa còn đang xây thì thầy Thích Quảng Nhơn viên tịch. Cuối năm 1962, thầy Thích Quảng Thành về chủ trì và tiếp tục xây dựng chùa đến cuối năm 1964 thì hoàn thành. Ngày 21 tháng 10 năm 1965, Viện Hóa đạo Phật giáo Việt Nam Thống Nhất lấy tôn hiệu của Bồ tát Thích Quảng Đức đặt tên cho chùa là chùa Quảng Đức.
Năm 2012, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Thuận bổ nhiệm Thầy Thích Đức Thành làm chủ trì và thầy Thích Trừng Khiết làm Viện chủ. Cũng từ đây, Viện chủ và Chủ trì chùa tiếp tục huy động nguồn vốn của bá tánh xây dựng mới các hạng mục có bề thế như hiện nay.
2. Bồ tát Thích Quảng Đức
Bồ tát Thích Quảng Đức (1897 – 1963) tự thiêu cách đây đã 58 năm, nhưng ánh lửa từ bi cùng trái tim bất tử của Ngài vẫn còn tỏa sức sống trong lòng đạo pháp và dân tộc.
Ngày 11 tháng 6 năm 1963, tại ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt Sài Gòn (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám và Nguyễn Đình Chiểu TP. HCM), thầy Thích Quảng Đức đi ra từ chiếc ô tô cùng với hai nhà sư khác. Một người đặt một tấm nệm xuống đường còn người kia mở ca-bin xe và lấy ra một bình xăng. Thầy Thích Quảng Đức bình tĩnh ngồi thiền trên tấm đệm. Hai nhà sư cùng đi đổ xăng lên đầu Thầy. Thầy Thích Quảng Đức lần tràng hạt niệm "Nam mô A Di Đà Phật" và tự tay châm lửa bằng diêm. Lửa nhanh chóng thiêu rụi áo cà sa và da thịt của Ngài. Trước khi tự thiêu Hòa thượng Thích Quảng Đức đã để lại lời tâm nguyện: "Tôi pháp danh Thích Quảng Đức, hòa thượng trụ trì chùa Quán Thế Âm Phú Nhuận (Gia Định). Nhận thấy nước nhà đương lúc ngả nghiêng, tôi là một tu sĩ mệnh danh trưởng tử của Như Lai không lẽ cứ ngồi điềm nhiên tọa thị để cho Phật pháp tiêu vong, nên tôi vui lòng phát nguyện thiêu thân giả tạm này cúng dường chư Phật để hồi hướng công đức bảo tồn Phật giáo" (đây là những dòng trong bức tâm thư của Bồ tát Thích Quảng Đức để lại).
Ngày 20 tháng 6 năm 1963, Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo và nhiều Tăng, Ni, Phật tử đưa nhục thân Ngài đi hỏa táng tại An Dưỡng, Phú Lâm. Sau 24 tiếng đồng hồ đốt trong lò với sức nóng 4.000 độ C, Kim quan và nhục thân Ngài đã biến thành tro bụi, nhưng một điều kỳ lạ ngoài sức tưởng tượng của mọi người, đó là quả tim của Ngài vẫn còn nguyên vẹn, lúc đầu ở trạng thái mềm và sau dần dần cứng như sắt.
Theo các nguồn tin thì trái tim Ngài lúc đầu được gìn giữ ở chùa Xá Lợi, rồi Việt Nam quốc tự, sau đó được gửi vào Ngân hàng Pháp tại Sài Gòn và được bảo mật tại Chi nhánh phía Nam của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Hiện nay, xá lợi trái tim Hoà thượng Thích Quảng Đức được rước về bảo tháp Việt Nam quốc tự để tôn thờ.
Năm 1964, để ghi nhớ công hạnh của Ngài, Hội đồng Lưỡng viện Tăng Thống và Hóa Đạo đã đồng thanh quyết nghị suy tôn Ngài pháp vị Bồ Tát.
3. Xá Lợi (thông tin mới)
[Cấu trúc con người]
Trong cấu trúc phức tạp của con người, ngoài những thành phần vật chất mà mọi người đã biết đến được cấu tạo từ các nguyên tử ghi trong bảng tuần hoàn Mendeleev, có những thành phần vật chất khác vi tế hơn [không ghi trong bảng tuần hoàn Mendeleev], không phụ thuộc vào sự nuôi sống của hệ vật chất từ bên ngoài như những thực phẩm, nước uống và không khí nhưng nó vẫn tồn tại và chi phối sự vận hành cấu trúc của vật chất thô sơ.
Hệ cấu trúc bởi vật chất vi tế trong thực thể con người không phải là bất biến. Nó có thể tăng thêm hoặc giảm bớt, có thể thay đổi trật tự và sự vận hành của nó tùy theo nghiệp huân tập và vận hành của mỗi người. Nó có thể thay đổi và làm thay đổi gen của con người và những thứ khác về tâm thức và trí tuệ. Nó vận hành khắp cơ thể thô sơ của con người. Nó kết hợp với thân thể thô sơ trở thành một thực thể duy nhất.
Sau khi có sự thay đổi lớn (chết), hệ vật chất vi tế còn lại đến lúc đó sẽ rời khỏi thân thể thô sơ phụ thuộc những thứ từ bên ngoài để nuôi sống. Cái đó, con người gọi là linh hồn. Nó chính là thực thể chúng sinh sau khi chết (sau khi thay đổi lớn). Nó, những gì còn lại của chúng sinh, tức là những gì còn được chấp thủ là của mình, là chính mình, là của tự ngã của mình.
Nếu một vị tu hành đắc đạo nhập niết bàn thì Nó không còn là của vị ấy. Nó bị bỏ lại và nó tự tại như chính nó, không có tánh biết để biết mọi thứ và những thứ thuộc về chân tâm.
[Xá lợi sau khi hỏa táng]
Hiện nay, con người không thể biết được chính xác Xá lợi từ đâu mà có và nó là gì. Có nhiều quan điểm khác nhau và không đi đến thống nhất chung. Đối với những người tu theo Phật thì họ cho rằng nhờ tu tập thành tựu mà có nhưng họ không biết nó là thứ gì và tại sao tu tập thành tựu lại có Xá Lợi. Các nhà khảo cổ học và các nhà nghiên cứu khoa học có những luận điểm khác nhau. Có người cho rằng Xá Lợi là do sạn thận,...
Khoa học không thể biết chính xác cấu trúc của Xá Lợi. Đối với họ, Xá Lợi là một vật mà cấu trúc của nó không như những cấu trúc vật chất mà họ đã biết. Nhiều người đã tôn thờ Xá Lợi, cầu xin Xá Lợi như một vị thần, tu pháp Xá Lợi, xem Xá Lợi là một linh thiêng,... vì họ không biết nó là gì. Sự không biết sẽ trở nên mê tín.
Sau khi thay đổi lớn (chết), hệ vật chất vi tế còn lại đến lúc đó sẽ rời khỏi thân thể thô sơ phụ thuộc những thứ từ bên ngoài để nuôi sống (để cân bằng ổn định trạng thái).
Những vật chất vi tế ở tại xác chết, nếu đem đốt xác chết, nhiệt độ cao sẽ làm chúng hoạt động mạnh và kết hợp một số vật chất thô sơ kết tinh trở thành Xá Lợi. Như vậy, Xá Lợi là vật chất thuần túy, nó cấu trúc bởi các hạt vật chất vi tế và có thể có các hạt vật chất thô sơ như mọi người đã biết trong bảng tuần hoàn Mendeleev.
Tại sao những người tu hành chân chính có để lại Xá Lợi nhiều khi hỏa thiêu. Tu hành chân chính tức là tu tập dứt trừ, đoạn trừ các lậu hoặc, các thứ tâm thức vô thường để đạt được sự tồn tại không cấu uế. Nghĩa là, tu hành là quá trình loại bỏ vật chất vi tế mà ta đã chấp thủ là của ta, là ta, là tự ngã của ta để đạt được cái tự ngã thật sự. Cho nên, đối với người tu hành chân chính, bỏ dần, loại bỏ và không chấp thủ các vật chất vi tế mà trước đây họ đã chấp thủ nó. Nó lần lượt được ở lại trong cái thân của họ mà chẳng liên quan đến họ nữa.
Như vậy, Xá Lợi là vật chất thuần túy nhưng nó có ý nghĩa cho thấy thành tích của một người đã chuyên tâm tu tập. Nhìn nó như là tấm gương để nhắc nhở mình về sự cố gắng tu tập, sự thánh thiện, tấm lòng bao dung cao thượng và trí huệ cao thượng của người đã để lại Xá Lợi. Đó là ý nghĩa quan trọng của Xá Lợi.
4. Kết
Chùa Quảng Đức là ngôi chùa đầu tiên gắn liền với lịch sử hình thành huyện Hàm Tân và thị xã La Gi ngày nay. Đặc biệt, chùa mang tên hiệu vị Bồ tát Thích Quảng Đức "vị pháp thiêu thân". Xá lợi trái tim của Bồ tát Thích Quảng Đức có ý nghĩa nhắc nhở hàng Phật tử cần hiểu biết về nó và chuyên tâm tu tập theo gương Ngài.
Hoàng Lạc
Ảnh: Internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét