Cùng với sông hồ và biển cả, chính những cánh rừng tự nhiên đã nuôi sống nhân loại trong hơn 99,99% lịch sử tồn tại của mình. Bạn có nghe thấy một cánh rừng tự nhiên nào bị sâu bọ tàn phá không ? Tôi thì chưa thấy chưa nghe, mặc dù vẫn có thể có trường hợp cá biệt nếu như hệ sinh thái ở đó bị phá vỡ.
Thế thì tại sao những cánh đồng những khu vườn cây cối được con người thuần hoá lại thường bị sâu bệnh ? Không phải đến ngày nay, mà ngày xưa vẫn có. Nhưng tổ tiên chúng ta không coi đó là vấn đề. Ngày xưa làm gì có thuốc trừ sâu, tổ tiên chúng ta khắc phục sâu rầy bằng biện pháp đơn giản : đất nào cây ấy, mùa nào thức ấy. Bởi vậy, thức ăn phổ biến của nhân loại cho đến giữa thế kỷ 20 (kéo dài thêm chút đến đầu thập niên 60), vẫn là thức ăn tự nhiên không nhiễm hoá chất độc hại. Mọi sự tệ hại bắt đầu từ cái gọi là “Cách mạng xanh”.
“Thành tựu khoa học” của cách mạng xanh được phổ cập vô cùng rộng rãi đến ngày nay bao gồm : thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, phân hoá học, kỹ thuật ghép chiết cây trồng, lai tạo giống (“đỉnh cao” là giống biến đổi gene), phủ nilon lên đất, thuốc kích thích sinh trưởng, tạo quả trái mùa trong nhà kính và nhiều thứ khác. Tất cả đều trở thành giáo trình giảng dạy chính thống trong các trường đại học, và từ các trường đại học, thông qua hệ thống nhà nước biến thành tri thức phổ cập cho toàn dân.
Thức ăn được tạo ra bằng nền nông nghiệp hiện đại đó đều nhiễm hoá chất độc hại. Các cơ quan quản lý thực phẩm của nhà nước và quốc tế dựa vào các kết quả nghiên cứu khoa học để cho rằng dư lượng thuốc trừ sâu hay hoá chất ở mức như thế này là an toàn, mức như thế kia là không an toàn. Cần nhớ rằng, cũng với dư lượng đó năm trước là an toàn, năm nay khoa học khám phá ra chúng không an toàn nữa, vậy là sự an toàn biến thành không an toàn. Và mỗi một sự khám phá mới đều để lại đằng sau vô số những cái chết và bệnh tật nhưng không một ai chịu trách nhiệm.
Người nông dân đang bị cột chặt vào các tập đoàn giống cây trồng và hoá chất phục vụ nông nghiệp. Nhân loại mỗi người biến thành một bệnh nhân bị cột chặt vào các tập đoàn dược phẩm. Các tập đoàn này tương hỗ lẫn nhau ăn trên lưng mỗi một con người. Bệnh ung thư trở thành căn bệnh có nhiều người chết nhất hành tinh, cũng là căn bệnh mà các tập đoàn dược phẩm hưởng lợi nhiều nhất, nó chính là sản phẩm của nền nông nghiệp hiện đại, nhưng các khoa học gia giải thích lý do thì phụ thuộc vào ai trả tiền cho họ nghiên cứu.
Các nhà khoa học và các nhà chánh trị đồng thanh nói, cách mạng xanh và nông nghiệp hiện đại với năng suất cao chưa từng thấy, do vậy nó đã tạo ra thành tựu xoá đói giảm nghèo chưa từng thấy, nó là bà tiên xoá đói giảm nghèo. Họ lờ đi một sự thật là, cách mạng xanh và nông nghiệp hiện đại đã tạo ra những cái chết do bệnh tật nhiều hơn tất cả các cuộc diệt chủng cộng lại trong lịch sử nhân loại. (Sẽ có người vào đây cãi, rằng làm nông nghiệp truyền thống không thể đủ sản lượng để nuôi dân số ngày càng đông. Để khỏi tranh cãi, xin dẫn lại kinh nghiệm của vị tổ sư nông nghiệp tự nhiên Nhật Bản là ông Fukuoka, khẳng định rằng trên cùng một diện tích, làm nông nghiệp tự nhiên sẽ cho ra một sản lượng không hề thua kém nông nghiệp hiện đại nhưng chi phí chỉ bằng 1/10. Ai vào đây cãi tôi sẽ block luôn người đó).
Nông dân đã bị buộc phải đoạn tuyệt với phương thức canh tác cổ truyền nuôi sống nhân loại hàng ngàn năm nay. Ngày nay phần lớn nông dân ta không thể trồng cây trái rau đậu mà không phun thuốc trừ sâu và bón phân hoá học. Họ không cần biết cha ông họ đã làm như thế nào và không cần biết vì sao trên những cánh rừng tự nhiên cây cối không hề bị sâu bệnh tàn phá.
Hôm qua tôi có đề cập về những thứ cây truyền thống trồng từ hạt trong vườn của tôi không trừ sâu không phân bón mà không hề bị sâu bệnh phá hại. Dù khoa học biết về cây cối chỉ bằng một giọt nước trên đại dương, nhưng những hiểu biết của nhiều nhà khoa học thiện lương cũng đủ để giải thích điều tôi đề cập. Người ta phát hiện ra rằng, những cái cây sống trong tự nhiên đều có khả năng tự vệ. Khi bị thú hoặc sâu rầy ăn lá một cách thái quá, chúng liền tiết ra một chất độc để những con kia không ăn được nữa và truyền tin cho những cây khác xung quanh. Đó là một trong những lý do trong những cánh rừng tự nhiên cây cối không bị sâu bệnh tàn phá và thú ăn cỏ chỉ có thể ăn rải rác mỗi nơi một ít chứ không tập trung ăn vào một chỗ. Trong chừng mức đó, sâu rầy và thú hoang không những không làm hại gì cây cối mà còn giúp cho cây cối thụ phấn và gieo trồng. Những hạt giống lai tạo, các cây giống chiết ghép không còn khả năng tự vệ đó nữa. Các giống lúa ngày nay đều phải dùng thuốc trừ sâu nếu không muốn mất trắng, trong khi trên đầm lúa ma vườn nhà tôi, tổ tiên của các giống lúa ngày nay, không thuốc men phân bón gì vẫn xanh mướt và vàng rực khi chín (xem hình).
Mục đích của các nhà lai tạo giống trong đường dây của các tập đoàn nói ở trên là tạo ra những giống cây mất hết khả năng tự vệ với sâu rầy. Nếu chúng còn có khả năng tự vệ thì bọn họ bán thuốc trừ sâu cho ai ? Còn giống biến đổi gene của tập đoàn Monsanto, thủ phạm của chất độc da cam rải trên khắp miền Nam nước ta trước đây, được các bề trên nông nghiệp nước ta quyết liệt rước về, trồng chúng ngoài thuốc trừ sâu còn nhất thiết phải dùng thuốc diệt cỏ Roundup cũng của Monsanto với những bằng chứng gây ung thư không thể chối cãi. Thuốc này tiêu diệt tất cả mọi sinh linh, chỉ trừ cây biến đổi gene của Monsanto.
HOÀNG HẢI VÂN
Nguồn: https://www.facebook.com/hksanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét