Thứ Ba, 12 tháng 5, 2020

LA GI CÓ GÌ LẠ.

I. Địa danh lạ
Hiện nay, chúng ta chưa xác định tên địa danh La Gi có từ khi nào. Tuy nhiên địa danh này được nhắc nhiều trong một số tài liệu.
Khi thuộc Chiêm Thành, vùng này thuộc vương tộc họ La. Vết tích còn lại: những vùng nào của tỉnh Bình Thuận có nhiều bà con Chăm sinh sống, địa danh nơi đây thường có từ tố La. Ví như: La Gàn, La Dạ, La Ngâu,...
Thời triều Nguyễn, Vua sắc phong cho Thành Hoàng vùng đất này có nhắc đến Cửa biển "La Di" (Cửa biển phường Phước Lộc ngày nay).
Thời Pháp thuộc, theo nhà văn, nhà ngôn ngữ học Bình Nguyên Lộc viết trong Tạp chí Xưa trước năm 1975 giải thích: Khi người Pháp đến đây, họ bắt gặp nhiều cánh đồng lúa. Họ gọi vùng này là village riz (tiếng Pháp); dần dần theo thời gian, village riz được đọc trại sang tiếng Việt là La Gi (r = g).
Lagi (theo cách viết thông thường trước đây liền nhau thành một từ) là địa danh của một vùng đất có nhiều dấu ấn lịch sử. Năm 2005, huyện Hàm Tân được tách ra thành hai đơn vị hành chính: thị xã La Gi và huyện Hàm Tân. Tên thị xã mới ở một số văn bản vẫn còn viết chưa thống nhất: Nơi viết Lagi; nơi viết La Gi (viết tách rời thành hai âm tiết). Ví như: Nghị định số 114/2005/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2005 về việc thành lập thị xã La Gi tỉnh Bình Thuận của Chính phủ, tên thị xã được viết: La Gi; trên địa bàn thị xã, phần đông các bảng hiệu đều viết Lagi, hoặc La Zi. Thậm chí, các văn bản phát hành của các cơ quan nhà nước tỉnh, thị xã cũng có hiện tượng này.



Từ cách viết "La Gi" hoặc "Lagi" dể dẫn đến hai cách phát âm khác nhau cùng song hành tồn tại là "la ghi" (/la ɣi/) và "la di" (/la zi/); đặc biệt với người ở các vùng miền khác, cũng như một số phát thanh viên các đài phát thanh, truyền hình đọc địa danh La Gi là "la ghi"(1).
Dù cách viết nào người dân ở đây vẫn đọc là /la zi/.
Viết như Nghị định 114/2005/NĐ-CP là phù hợp với quy định của Nhà nước: La Gi (tách rời thành hai âm tiết). La Gi phát âm là /la/ /zi/. Về ngôn ngữ, bao giờ ngữ âm cũng có trước chữ viết; ngữ âm là nội dung, chữ viết là hình thức thể hiện. Tiếng Việt có nhiều chữ viết: chữ khoa đẩu, chữ nôm, chữ quốc ngữ (chữ viết hiện nay). Dù chữ viết có thay đổi nhưng ngữ âm (tiếng nói) ít thay đổi có tính ổn định cao.
---
(1) Trên đất nước ta còn một số địa danh khác cũng chứa từ tố "gi" như "cầu Bà Gi" ở An Nhơn (Bình Định), cửa biển Đề Gi ở Phù Cát (Bình Định); nhưng sự lẫn lộn trong phát âm các địa danh này không xảy ra, hầu hết mọi người đều đọc là "cầu bà di", "cửa biển đề di".

Ghi chú: Ảnh 1: Hoàng Lạc
Ảnh 2 và 3: sưu tầm

Không có nhận xét nào: