Thứ Hai, 10 tháng 2, 2020

Thè lưỡi liếm môi chữa bụi mắt

(Kiến Thức) - Mẹo chữa bụi mắt bằng cách thè lưỡi liếm môi chẳng hiểu có từ khi nào, cho đến nay chưa có nhà khoa học nào giải thích được. 
Mẹo kỳ lạ

Liên quan đến mẹo chữa bụi mắt mà dân gian vẫn thường áp dụng, Pv báo Khoa học & Đời sống nhận được ý kiến của Bác sĩ Vũ Văn Khoa, Trung tâm Y khoa Liếu Giai, Hà Nội. Ông Khoa cho rằng: Trong dân gian tồn tại những mẹo mà mới nghe sẽ thấy cực kỳ vô lý, khó tin, chẳng hạn như bị bụi mắt trái thì liếm mép bên phải, bụi mắt phải thì liếm mép trái, hay mẹo đau chân thì lại đắp thuốc lên đầu, đau chân trái thì đắp thuốc chân phải.... nhưng có người vẫn khỏi bệnh.
Mấy chục năm làm nghề thấy thuốc và cả việc được đào tạo trong trường chính quy, nhưng ông Khoa không thể lý giải một cách chính xác, cũng không được dạy về những mẹo vô lý này. Cũng chẳng có giáo sư nào cất công đi tìm hiểu mẹo chữa bệnh kỳ lạ mà dân gian vẫn đang áp dụng.
Dù bị coi là vô lý, nhưng mẹo chữa bụi mắt lạ lùng như vậy vẫn thu hút được sự chú ý nhất định của người dân và các bác sĩ, nhà khoa học say mê tìm hiểu mẹo hay mà ông cha để lại.

Để tìm hiểu thông tin về mẹo này, báo Khoa học & Đời sống đã tìm gặp nhiều người có trình độ và nhận thức cơ bản xem họ nhìn nhận thế nào về mẹo chữa bụi mắt lạ lùng này. Kết quả là nhiều người tin tưởng mẹo chữa bụi mắt bằng cách thè lưỡi liếm mép có tác dụng tốt mặc dù cách làm thì có vẻ vô lý.

Anh Trương Văn Toản, người dân ở huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, trình độ văn hóa 12/12 cho biết: Anh biết phương pháp chữa bụi mắt này từ rất lâu rồi. Một số lần đi đường bị bụi mắt anh có áp dụng mẹo này và cho kết quả tốt. Cảm giác nước mắt tiết ra nhiều hơn, bụi theo nước mắt chảy ra ngoài trong khi mắt lại không bị đau, cộm. Tuy nhiên, nếu anh bị muỗi, côn trùng to cỡ con ruồi đâm vào mắt thì áp dụng phương pháp này không đem lại hiệu quả. Lúc đó anh thường vào hiệu thuốc mua thuốc nhỏ vào để bảo vệ mắt, tránh các thương tổn giác mạc.
Về lý giải khoa học của mẹo chữa bụi mắt bằng cách thè lưỡi liếm môi, anh Toản cười rồi nói: “Chịu! Biết là vô lý nhưng một số lần bụi mắt áp dụng mẹo này thấy có hiệu quả nên anh cứ thế làm theo. Còn giải thích lý do tại sao phải để các nhà khoa học làm việc đó”.
Cũng giống như anh Toản, nhiều người dân khác cũng cười trừ khi tiếp nhận câu hỏi về việc tại sao họ lại học theo mẹo chữa bụi mắt mà chưa có cơ sở khoa học nào. Ông Nguyễn Văn Nhạn ở Thủy Nguyên, Hải Phòng thành thật: “Cha ông chúng tôi đã áp dụng mẹo chữa bụi mắt này từ hàng ngàn đời nay. Bản thân chúng tôi thấy người khác chữa được thì cũng làm theo chứ ai mà biết cơ sở khoa học thế nào. Báo chí, các nhà khoa học phải phổ biến thì chúng tôi mới biết”.
Bí mật khó lý giải
Trở lại câu chuyện giữa Pv báo Khoa học & Đời sống với Bác sĩ Vũ Văn Khoa về các nhận định khoa học liên quan đến phương pháp chữa bụi mắt bằng cách thè lưỡi liếm mép. Ông Khoa cho rằng: Hành động thè lưỡi liếm mép có thể nhằm kích hoạt hành vi tự điều chỉnh của cơ thể. Tuy nhiên, hãy khoan khẳng định mẹo này là vô lý hay không, bởi vì nó có thể liên quan đến hệ thống đường kinh lạc.
Như chúng ta đã biết. Cơ thể là tập hợp rất nhiều các tổ chức, nó như một thế giới riêng, trong đó, hệ thống kinh lạc là nhiều và có liên quan đến nhau. Nếu thè lưỡi liếm mép khi bị bụi khiến cho tuyến lệ tiết ra nhiều nước mắt hơn để đẩy bụi ra ngoài thì có nghĩa là hệ thống này có liên quan đến nhau. Hành động liếm mép có thể tác động đến một huyệt đạo nào đó dẫn đến sự tác động của toàn bộ đường dây kinh lạc. Nó cũng giống như người bị đau chân thì châm cứu ở lưng... Tuy nhiên, nói như vậy cũng mới chỉ dừng lại ở mức chung chung, còn cơ chế tác động thế nào thì chưa được giải mã, dẫn đến nhiều người cho đó là vô lý.
Theo một số tài liệu y học cổ truyền mà pv báo Khoa học & Đời sống sưu tầm được thì cơ thể con người có 12 đường kinh lạc. Trong đó có nhiều đường kinh đi qua khu mặt. Ví dụ, kinh Đại trường có lộ trình xuất phát từ góc ngoài gốc móng trỏ, chạy dọc theo bờ ngón trỏ, đi qua kẽ giữa 2 xương bàn tay 1 và 2 gọi là hợp cốc, chạy tiếp vào hố tam giác, đi dọc bờ ngoài nếp khuỷu gọi là khúc trì. Đến phía trước mỏm vai (kiên ngung) đi theo bờ sau vai giao hội với kinh thái dương.
Kinh tiểu trường ở huyệt bỉnh phong và đốc mạch ở huyệt đại chùy trở lại hố trên đòn, tiếp tục đi lên cổ, lên mặt vào chân răng hàm dưới rồi vòng môi trên. Hai kinh giao nhau ở nhân trung và kinh bên phải tận cùng ở cạnh cánh mũi bên trái, kinh bên trái tận cùng ở cạnh cánh mũi bên phải. Từ hố thượng đòn, có nhánh ngầm đi vào trong liên lạc với Phế, qua cơ hoành đến đại trường.
Kinh Can (Túc Quyết Âm) đi từ đỉnh đầu, mắt, quanh môi, vòm họng, hông sườn, sinh dục ngoài, bụng dưới, mặt trong chi dưới…
Kinh Vị (Túc Dương Minh) khởi đầu từ chỗ lõm ở hai bên sống mũi lên khóe mắt trong (giao với kinh Bàng quang ở huyệt tình minh), chạy tiếp đến dưới hố mắt (đoạn này đường kinh đi chìm). Đoạn nổi bắt đầu từ giữa dưới hố mắt, đi dọc theo ngoài mũi, vào hàm trên, quanh môi, giao chéo xuống hàm dưới giữa cằm, đi dọc theo dưới má đến góc hàm. Như vậy, việc thè lưỡi liếm mép có thể liên quan đến một trong số các đường kinh này giúp tuyến lệ tiết ra nước mắt đẩy bụi ra ngoài.

“Ngoài việc chữa bụi mắt bằng cách thè lưỡi liếm mép, dân gian còn áp dụng một số mẹo khác như đàn ông nhắm mở mắt 7 cái, đàn bà 9 cái, sau đó nước mắt chảy ra sẽ đẩy được bụi ra ngoài, không cần phải dùng tay dụi mắt”, anh Trương Văn Toản xã Lương Trung, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa cho biết.
BBT

Không có nhận xét nào: