Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2019

Tiếng Việt, chữ Việt cổ, chữ Quốc ngữ và giấc mơ của kẻ hậu thế với thầy Hà Văn Tấn

Tôi chưa có niềm vui được gặp thầy Hà Văn Tấn, nhưng đêm nay giấc mơ kỳ lạ đã cho tôi cái duyên được đọc kỹ hơn, hiểu rõ hơn và viết ra được một phần sự vĩ đại trong tiếc nuối của thầy và những bậc thầy lịch sử đã về nơi xa.

Trong giấc mơ một giọng tường thuật rành rọt: “Anh Tấn, giá như anh rồi thày của anh – (Một người nước Nam kỳ lạ GS Phạm Huy Thông), hay anh Khánh (GS Lê Trọng Khánh) nói về chữ Quốc Ngữ dịp này thì tốt biết bao nhiêu”.

Đột ngột tỉnh giấc và không thể ngủ lại được, tôi lục trong thư viện và đọc lại “Chữ trên đá chữ trên đồng” của thầy Tấn, đọc lại “Phát hiện hệ thống chữ Việt cổ thuộc loại hình Khoa đẩu” của GS Lê Trọng Khánh và đọc lại “Thanh Hóa quan phong” của Vương Duy Trinh, “Thuyết văn giải tự” của Hứa Thận và bản “Từ điển Bồ La” còn lưu chữ viết tay của những người được coi là tạo ra chữ Quốc Ngữ, tư duy một lúc thì dường như mọi việc đều có lý do của nó!

Nếu như ngày hôm nay một từ điển gia Nguyễn Việt Long (https://www.facebook.com/nguyen.v.long.3/posts/10217890993239514) chỉ nhìn vào Hán Nôm để đánh giá công lao chữ Quốc Ngữ thì hình như đã sơ suất, hay Cao Xuân Hạo viết thế này “Lời nói (hay ngôn từ, hay phát ngôn, hay văn bản) ngắn nhất là câu” ( Tiếng Việt – sơ thảo ngữ pháp chức năng – NXB KHXH 2005) thì rõ ràng sai về logic. Ngắn nhất phải là từ.

Mà tiếng Việt ta lưu lại các từ không đâu hơn bằng tên riêng. Tất nhiên không thể hiểu tên riêng theo cái cách mà TS Lê Trung Hoa đưa ra đó là: “Coi mặt, đặt tên” = tên chính là một bộ phận gắn chặt với người mang nó, hay “Tên chính Hán Việt giữ vai trò chủ đạo” vì tâm lý của người Việt vẫn cho rằng tên bằng từ Hán Việt hay hơn, văn hóa hơn ( sách Họ và tên người Việt Nam – NXB KHXH 2002).

Về từ, ta nên đọc lại gợi ý của Phạm Công Thiện "Không cần phải đọc Platon, Aristote, Kant, Hegel hay Karl Marx, không cần phải đọc Khổng Tử và Lão Tử, không cần phải đọc Upanishads và Bhagavad Gita, chúng ta chỉ cần đọc lại ngôn ngữ Việt Nam và nói lại tiếng Việt Nam và bỗng nhiên nhìn thấy rằng tất cả đạo lý triết lý cao siêu nhất của nhân loại đã nằm sẵn trong vài ba tiếng Việt đơn sơ như CON và CÁI, như CHAY, CHÁY, CHÀY, CHẢY, CHẠY và còn biết bao nhiêu điều đáng suy nghĩ khác mà chúng ta đã bỏ quên một cách ngu xuẩn.” (https://voer.edu.vn/pdf/35496e81/1)

Hãy thử lấy ngay tên Hoa, trong tiếng Việt, năm thanh điệu của Hoa là: Hoa, Hóa, Hỏa, Hòa, Họa (Hõa không có nghĩa). Nếu đó là từ Hán Việt thì có đủ 5 thanh điệu không, và 5 thanh điệu đó có biểu thị nổi một ngũ hành trạng thái của sự chuyển đổi hay không và xin đừng coi đây là mê tín dị đoan bởi ngũ hành liệu có ai hiểu nó gắn chặt với lý thuyết thời thượng về toán học – Group theory hay không?! (https://en.wikipedia.org/wiki/Group_theory)

1. Hòa: sự chuyển đổi mà không chuyển đổi gì là Hòa – Hành Kim - Group Zero
2. Hoa: sự chuyển đổi tuần tự để là Hoa (nụ thành hoa, hoa mắt) - Hành Mộc - Cyclic Group.
3. Họa: sự chuyển đổi mà giữ nguyên hình dạng miêu tả được là Họa – Hành Thủy - Lie type. 
4. Hỏa: sự chuyển đổi mà 2 trạng thái được phân biệt rõ ràng - Hành Hỏa – Alternating. 
5. Hóa: sự chuyển đổi mà chúng ta chỉ biết là nó tồn tại mà không đo lường chính xác được như lượng tử vậy đó là Hóa - Hành Thổ - Sporadic.

Thôi không làm các bạn rối rắm với toán học, đơn giản thế này thôi, hãy làm thí nghiệm với tên của bạn nếu nó có 5 thanh điệu đều có nghĩa thì hầu như nó sẽ thể hiện 5 trạng thái của một điều gì đó như là ngũ hành, còn nếu ít hơn 5 thành điệu có nghĩa (4,3,2,1) thì sẽ khó hơn – tôi sẽ viết trong một dịp khác. Chẳng hạn lấy thêm một ví dụ mà tôi luôn tâm đắc đó là: “Tương, Tưởng, Tượng, Tướng, Tường":

1. Tương: thể hiện sự tương tác mặc định – bất kỳ ai, vật gì đều có tương tác với Ta.
2. Tưởng: Khi ta biết một vật, hay ai đó thì từ Tương sẽ biến thành những chi tiết được hiện lên trong sự Tưởng của ta.
3. Tượng: Khi ta đến gần với vật đó, với ai đó, thì ta dần sẽ phát hiện ra những dấu hiệu báo hiệu đó là vật đó, là ai đó: đó là Tượng (mây là tượng của mưa).
4. Tướng: khi ta nhìn thấy ai đó, vật nào đó, thì ta sẽ thấy Tướng của vật đó, của ai đó.
5. Tường: khi ta thấy hiểu ai đó, vật nào đó, thì lúc đó ta mới tường.
Vậy đây chính là 5 trạng thái nhận thức của người về một chủ đề, một vật, một ai đó.

Tới đây, chắc quý vị tin rằng Phạm Công Thiện không nói phong long, và tôi đã thí nghiệm với hàng trăm tên gọi người Việt và hàng trăm từ khác không phải tên, quy luật này chưa sai bao giờ - nhiều người gặp tôi nói chuyện đã chứng kiến tôi giải thích về tên của họ.

Nhưng điều này có nghĩa gì?

Tôi biết (có thể sai) là tiếng Hán chỉ có 4 thanh điệu (https://chinese.com.vn/bai-4-he-thong-thanh-dieu-trong-tien…), vậy thì làm sao có thể coi các từ này vốn có sự tinh tế tuyệt diệu về 5 thành điệu là gốc Hán được, nó phải gốc khác chứ?!

Và cũng vì thế chữ Hán làm sao mà phiên âm được hết các từ tiếng Việt, đó là lý do của chữ Nôm. Tại sao chữ Nôm lại không có quy luật đánh vần mà có vẻ rất lung tung? (đọc thêm bài của anh Long để tham khảo), bởi vì bản thân chữ Hán không đánh vần nên nếu vẫn muốn dùng chữ viết Hán thì không thể đánh vần mà chỉ có thể theo cách mà Hứa Thận đã viết trong Thuyết Văn giải tự (http://kattigara-echo.blogspot.com/…/thuyet-van-giai-tu-va-…), không “chỉ sự”, “tượng hình”, “hình thanh”, “hội ý” hay “chuyển chú” được thì phải giả tá. Lấy cái khoa học hôm nay mà áp vào chữ Nôm mà phê phán trong bối cảnh của cha ông bắt buộc phải dùng chữ Hán liệu có chủ quan quá không anh Long?

À, nhưng việc status của anh Long chắc chỉ là xen lẫn chút thôi, cái chính vẫn là giấc mơ làm tôi đột ngột tỉnh giấc ở đoạn đầu.

Để giải thích giấc mơ đó, tôi đọc lại Cuộc hành trình đi tìm Chữ Việt Cổ của ông Đỗ Văn Xuyền bản thảo đầy đủ (ông đã photo cho tôi khi còn sống), xin trích dẫn một phần ở đây trong bài ông chứng minh rằng các vị thày của Alexandre de Rhodes không thể giải được việc phiên âm dù rất cố gắng, và tới lượt ông, A.d.R đã rất may mắn được những người như Iginio Văn Tín, Filiphe Bỉnh mách nước cho dùng Chữ Việt Cổ để phiên âm và vì thế ông Xuyền kết luận: Ta phỏng đoán: Chữ Quốc Ngữ được lập nên không phải do các nhà truyền giáo phương Tây dựa vào chữ Bồ đào nha, chữ La tinh hay chữ Pháp mà do một số tri thức Việt Nam căn cứ vào chữ Việt cổ mà tạo nên.

Tất nhiên, ông Xuyền (Chữ Việt Cổ) cẩn trọng chỉ phỏng đoán, tôi cũng chỉ vận dụng phương pháp của thầy Nguyễn Vũ Diệu về âm dương ngũ hành và chút kiến thức được học về khoa học hiện đại để suy đoán, lịch sử đã quá xa xôi, nhưng chúng ta có quyền đi tìm kiếm, có quyền nghiên cứu, có quyền hi vọng vào một Tiếng Việt, Chữ Việt và Văn hóa Việt nhiều hơn, phải chăng đó là ý nghĩa của giấc mơ.

Để đảm bảo tính khoa học, tôi mong được lắng nghe để hoàn thiện những suy đoán của mình, cũng như sẵn sàng chia sẻ những tư liệu mà tôi có với những người muốn nghiên cứu nghiêm túc về vấn đề này.

4 giờ sáng ngày 6 tháng Một năm Kỷ Hợi (tức 1/12/2019)
Trân trọng

Không có nhận xét nào: