Trong hệ thống tính thời gian của Phật Giáo, từ “kappa” có nghĩa là một “chu kỳ hay một aeon” được dùng để chỉ những giai đoạn thời gian hay thời kỳ nào đó theo thứ tự chu kỳ.
(Bản thân từ tiếng Anh “aeon”, được dùng để dịch từ “kappa” của tiếng Pali, vốn có nguồn gốc từ tiếng La-tinh, có nghĩa là một khoảng thời gian, một thời kỳ dài vô tận, hơn bất kỳ con số hay sự tưởng tượng của con người. Và xưa nay người ta quen dùng từ “kiếp” để tạm dịch từ này qua tiếng Việt, mặc dù “kiếp” ở đây không phải có nghĩa như chỉ là một “kiếp người” vô cùng ngắn ngủi của chúng ta – ND).
Bốn chu kỳ thời gian được phân biệt như sau:
- Một Đại Kiếp (maha-kappa),
- Một A-tăng-tỳ-Kiếp (asankheyya-kappa),
- Một Trung Kiếp (antara-kappa), và
- Một Kiếp Sống hay vòng đời hay khoảng thời gian tuổi thọ của con người (ayu-kappa) – Một Kiếp Người.
Đại Kiếp (Maha-kappa)
Một Đại Kiếp (maha kappa) nói chung có nghĩa là một chu kỳ tạo lập của thế giới. Vậy một chu kỳ tạo lập và tồn tại của một thế giới là bao nhiêu lâu?.
Trong “Tương Ưng Bộ Kinh II”, Chương XV, Đức Phật đã dùng một ví dụ núi đá hay một số lượng hạt cải để miêu tả so sánh về định nghĩa của “kiếp” như sau :
Giả sử có một khối núi đá cứng, chiều dài một yojana*, rộng một yojana và cao một yojana và cứ mỗi 100 năm, một người đến lau chùi bằng miếng vải lụa Kasika. Cho đến khi khối núi đá này được chùi mòn hết, thì khoảng thời gian không thể tưởng tượng đó vẫn còn ngắn hơn một đại kiếp (maha-kappa).
Hay giả sử có một khu được bao bọc bởi tường thành bằng sắt, chiều dài một yojana, rộng một yojana và cao một yojana và được đổ đầy hạt cải bên trong lên hết chiều cao tường thành và cứ 100 năm, một người đến lấy một hạt cải. Cho đến khi không còn hạt cải nào ở đó, thì khoảng thời gian không thể tưởng tượng đó cũng chưa bằng một đại kiếp (maha-kappa).
* (yojana còn được gọi là một Do-tuần (HV) = 8 dặm Anh = khoảng 12.875 Km).
Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét