Thứ Ba, 13 tháng 8, 2019

Ý thức trong Duy Thức Học

Tóm tắt một đề tài phức tạp, cho các bạn thích đọc ít biết nhiều.

Ý thức là một trong sáu thức : nhãn thức, nhĩ thức, tị thức, thiệt thức, thân thức, ý thức.

Căn (rễ) của một thức là phần vật chất khiến cho có được cái thức ấy: thí dụ nhãn (con mắt + cấu trúc thần kinh liên hệ) là căn của nhãn thức. Không có nhãn thì nhãn thức không có.

Mặt khác, nhãn "trần" (hay cảnh) là cái cây, cục đá, bông hoa ... mà con mắt nhìn thấy - có 6 loại "trần" là "sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp".

Vì con mắt chỉ thấy hình ảnh, làm sao biết được đó là bông hoa hay cục đá ? Vì thế phải nhờ tới cái "thức" của nó (nhãn thức). Nhĩ, tị, thiệt, thân, cũng thế. Xin nhắc : "thức" là "biết".

Phật Giáo đặt "Ý" ngang hàng với các giác quan, tức là "Ý" cũng có thể tự nó bày ra những hình ảnh, nói chung là những hiện tượng, như các giác quan. Thí dụ có thể hình dung con rồng bay trên chín tầng mây, mặc dù giác quan không thấy điều đó. Nó có thể thuyết giảng về "ba hồn, bảy, hay chín, vía", kể chuyện vua Hùng Vương thứ 18, hay khẳng định "anh ấy yêu tôi", một cách hoàn toàn biệt lập với những gì được đem lại bởi giác quan. Quan điểm này không tương phản với triết học cổ điển Tây Phương, chỉ sắp xếp khác thôi. 

Truyền thống nói : căn của "Ý thức" thì là Ý (như căn của nhãn thức là nhãn). Thời nay có thể coi đó như là bộ óc. "Trần" của Ý thì là "pháp", tức là tất cả những gì hiện lên trong ý thức, dù đến từ giác quan, hay đến từ tưởng tượng suy diễn v.v...

Vai trò của Ý Thức là đứng đàng sau để tổng hợp các cái "thức" đến từ giác quan (nhãn thức, nhĩ thức v.v...) kết lại thành một hiểu biết "nhất quán" về sự vật. Sau này Husserl rồi Trần Đức Thảo đề ra những quy luật khiến sự hiểu biết ấy luôn chuyển biến trong dòng thời thời gian "sinh động" (tôi đã được dịp trình bày trong một buổi nói chuyện).

Bây giờ cái gì đứng sau Ý để tổng hợp các cái "Thức" mà "Ý" tự bày ra, cộng với những cái thức được các giác quan đem đến ? 

Duy thức học gọi đó là Mạt Na Thức. Kinh sách cũng gọi Mạt Na thức là "căn" của Ý Thức, tức lại là ... "Ý" ! (như nhãn là căn của nhãn thức) 

Có thể nhìn sự phân chia hơi tối nghĩa này như sự tách rời Ý thức ra thành hai phần : 

- Một phần sử dụng những thông tin đến từ bên ngoài, tuy nó có thể dùng những thông tin ấy để suy diễn, tưởng tượng ra những thứ "không thực có" (thí dụ thông tin bên ngoài cho ra con ngựa và con chim - ý thức có thể bày ra con ngựa có cánh). Đó là Ý thức gắn liền với năm thức đầu, như đã nói ở trên.

- Một phần xây dựng trên những yếu tố bên trong, tức những yếu tố đặc thù của tâm trí, không lệ thuộc thông tin bên ngoài (giả sử có những thứ ấy !). Đó là phần Mạt Na của Ý thức, hay Mạt Na thức.

Quan trọng nhất trong những yếu tố đặc thù của tâm trí là quan niệm "bản ngã". Vì thế truyền thống bảo Mạt Na thức chủ yếu là ý thức bản ngã, là sự "chấp ngã" : tôi nghĩ, tôi thấy, của tôi, không phải của tôi, tôi thương, tôi ghét, tôi tin, v.v... Nói cách khác nó tổng hợp mọi "hiện tượng" (pháp) của ý thức, rồi biến hóa chúng qua lăng kính của "cái tôi". Như vừa nói, một suy tư có thể chỉ được coi là "suy tư", nhưng Mạt Na thức sẽ biến điều ấy thành "tôi suy tư".

Thế "căn" của Mạt Na thức là gì ? Vì nó "quay vào trong", nên căn của nó phải ở xâu vào bên trong hơn nó. Truyền thống gọi đó là "nơi tàng trữ" : Alaya - Tàng thức. Mọi "hiện tượng" (pháp) đều được lưu giữ trong đó, bất kể chúng đến từ giác quan hay không. Ngày nay, người ta còn có thể gán cho nó những yếu tố di truyền, tiến hóa (từ nguyên thủy của vật chất), v.v... khiến nó không những là "vô thức cá nhân" mà còn mở rộng đến "vô thức tập thể", và rốt ráo là chứa đựng toàn bộ hiện tượng trong thế giới (Trần Đức Thảo gọi là sự "lắng đọng của lịch sử Thiên Nhiên"). Câu "ngoài Tâm không pháp" của Lục Tổ cũng mang ý nghĩa ấy (Tâm ở đây được hiểu theo nghĩa "chân Tâm", phần thâm sâu nhất của Tâm).

Tàng thức có thể được coi như một kho kinh nghiệm của toàn bộ thiên nhiên, có khả năng ảnh hưởng trong chiều sâu đến ý thức và hành vi. Bản chất của nó là "vô ngã", nhưng khi một số thông tin của nó đi qua lăng kính của Mạt Na Thức, thì liền bị lọc lựa và chuyển biến bởi tính "chấp ngã". Bản năng sinh tồn là một thí dụ : Tàng Thức lưu trữ những yếu tố được Mạt Na thức sử dụng để nỗ lực duy trì bản ngã (Mạt Na còn mang ảo tưởng duy trì bản ngã sau khi chết !). Triệu chứng hồi hộp không lý do cũng là một thí dụ : Tàng thức trong quá trình tiền hóa lưu trữ phản ứng tim đập nhanh, để tăng cường tuần hoàn cho việc chiến đấu hay chạy trốn, Mạt Na chỉ biết "tôi hồi hộp, tim tôi đập loạn, tôi sắp chết" và hoảng hốt gọi cấp cứu ! Một thí dụ khác : tính thiện là một điều được lưu trữ trong Tàng thức, kế thừa từ những cộng đồng sinh vật có xã hội tính. Mạt Na thức chuyển đổi nó thành những phản ứng mâu thuẫn, xây dựng trên sự chấp ngã, được nghiên cứu trong Đạo Đức Học thực nghiệm, đã nói đến trong một bài khác (vấn nạn xe điện) ...

Tóm lại : 

Ý thức vừa tổng hợp các thông tin đến từ bên ngoài, vừa dựa trên trí tuệ thuần túy, để cho ta một sự hiểu biết nào đó (thức là biết). Sâu bên trong, là tàng thức, chứa đựng mọi hiểu biết, kinh nghiệm, hình ảnh, nói chung là mọi hiện tượng (pháp) đến từ cuộc sống cá nhân, cộng đồng, loài giống, và toàn bộ thiên nhiên. Nó có khả năng quy định nhận thức, tư tưởng và hành vi, nhưng phải thông qua lăng kính chấp ngã của phần Mạt Na (tâm trí) của Ý Thức.

Nguyễn Hoài Vân

Không có nhận xét nào: